X’Tiêng

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Xtiêng ở Việt Nam có dân số 85.436 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Người Xtiêng cư trú tập trung tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương và một số ít ở các tỉnh thành khác.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Sơ Điêng, Xa Chiêng, Bù Đíp, Bù Đeh (Bù Ðêk)
Ngôn ngữ: Tiếng nói của người Xtiêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, ngữ hệ Nam Á với hai phương ngữ chính là Xtiêng Bù Lơ và Xtiêng Bù Đêk.

Sản xuất nông nghiệp

Người Xtiêng chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Nhóm Bù Ðeh (Bù Ðêk) ở vùng thấp biết làm ruộng nước từ khoảng 100 năm nay. Phương thức và kỹ thuật canh tác khá cao, biết dùng trâu, bò cày bừa làm đất, chăm bón cây trồng bằng phân hữu cơ và điều tiết nước tưới trong suốt vụ mùa canh tác. Khác với nhóm Bù Đêk, nhóm Bù Lơ ở vùng cao hoàn toàn làm rẫy, theo phương pháp “phát-đốt-chọc-trỉa”, kết quả mùa màng phụ thuộc lớn vào thiên nhiên. Công cụ làm rẫy gồm có rìu, dao, chà gạc “Vê dần rê sđêpi ôằ  để khai phá rừng; sau khi đốt rẫy, sử dụng cây cào tre có 5 răng để dọn, rồi đốt lại; khi trỉa dùng gậy nhọn (mỗi tay cầm một chiếc) để chọc lỗ, đồng thời dùng giỏ gieo hạt giống; làm cỏ bằng loại cuốc con; dùng tay và gùi tuốt lúa. Ngày nay tuy đã xuất hiện nhiều loại công cụ lao động của người miền xuôi mang lên vùng đồng bào để bán, nhưng chà gạc vẫn là công cụ hữu hiệu trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của đồng bào XTiêng, bên cạnh đó, đồng bào dùng cày, bừa làm đất, mở rộng canh tác các loại cây theo hướng chuyên canh.

Đồng bào phổ biến chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm: trâu, bò, lợn, chó, gà, một số hộ nuôi voi.   Hàng ngày đi nương, sử dụng để hát cây, dọn đường, đào, chặt củ măng, củ mài, lấy các loại rau rừng…để cải thiện bữa ăn.

Kinh tế tự nhiên

Người Xtiêng coi trọng việc khai thác nguồn lợi tự nhiên để cải thiện cuộc sống, bảo vệ mùa màng. Thường ngày đi rẫy, cả nam nữ, trẻ em Xtiêng nhóm Bù Lơ đều mang theo chiếc gùi, con dao đôi khi là đồ xúc cá, chiếc nỏ, cái bẫy để săn bắt, hái lượm măng, rau, lâm thổ sản và bắt cá về nhà nấu ăn. Vào mùa nông nhà, đặc biệt là vụ mùa chuẩn bị thu hoạch, nam giới Xtiêng dành thời gian để làm ra các loại nỏ, bẫy và dụng cụ săn bắt, tiến hành săn bắt cá nhân, tập thể. Sản phẩm săn bắn phải kể đến là các loại thú rừng: chuột, sóc, cầy, lợn rừng…  Sản phẩm hái lượm gồm măng, nấm, mộc nhĩ, mật ong, củ mài, lá nhau, đọt mây, lồ ô, củi… Quá trình khai thác, đồng bào luôn có ý thức giữ gìn, để cây, con, tiếp tục cho thu hoạch vụ sau.

Nghề thủ công

Trước đây, người Xtiêng phát triển các nghề thủ công: rèn, dệt, nhuộm, đan lát…Nghề rèn đạt trình độ khá cao, làm ra các công cụ sản xuất như chà gạc, dao, lao… Trước đây, nghề dệt và nhuộm vải bằng vỏ cây rừng khá phát triển trong cộng đồng người Xtiêng. Về sau, họ biết trồng bông, dệt vải, tự túc một phần nhỏ vải mặc trong gia đình, còn lại đa phần vải mặc cuả họ có được là do trao đổi với các dân tộc láng giềng. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, nghề dệt của người Xtiêng đã bị mai một. Nghề thủ công đan lát mây tre được thực hiện phổ biến trong những lúc nhàn rỗi ở nhà hoặc trên rẫy. Sản phẩm đan lát có gùi đựng, gùi đi săn, gùi vận chuyển, giỏ đựng hạt giống, nơm, đồ xúc cá, nia, dần, sàng… Trên các sản phẩm, nhất là các loại gùi, người Xtiêng trang trí nhiều đồ án hoa văn như: hoa nhiều cánh, các hình kỷ hà, đường viền dích dắc.. , màu sắc độc đáo.Nhờ cách tạo dáng và các hoa văn trang trí, mà các dân tộc láng giềng dễ dàng nhận biết đó là sản phẩm đan lát của người Xtiêng. Hiện nay, xuất hiện nhiều đồ nhựa, nhưng đồng bào vẫn phổ biến sử dụng lồ ô, mây, tre để đan lát các đồ vận chuyển, đồ đựng và đồ gia dụng. Người Xtiêng ở vùng  Bù Đêk còn có nghề đóng xe trâu để làm phương tiện vận chuyển.

Phương thức vận chuyển

Người Xtiêng chủ yếu vận chuyển bằng gùi, có nhiều loại gùi khác nhau, loại dùng để vận chuyển lúa, ngô, sắn được đan bằng sợi nan to, chắc chắn; gùi dùng đựng đồ gia dụng  trang trí nhiều hoa văn, nên đôi khi nó còn được xem như đồ trang sức. Người Xtiêng ở vùng  Bù Đêk còn dùng xe trâu để vận chuyển nông sản, hàng hóa trên các đường mòn.  Ngày nay, đồng bào dùng các loại như bao dứa, sọt thồ, xe đạp, xe máy, ô tô…để vận chuyển.

Trao đổi hàng hóa

Trước đây, đồng bào Xtiêng thường dùng sản phẩm đan lát từ tre, mây, nông sản (thóc, ngô), vật nuôi (gà, lợn, trâu, bò…) tự sản xuất, lâm sản thu hái được để trao đổi hàng đổi hàng… Họ nhận lại các loại ché rượu cần, chiêng, cồng, nồi đồng… Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội vùng Đông Nam bộ, đồng bào Xtiêng đã biết buôn bán, trao đổi bằng nhiều hình thức khác nhau, tiền trở thành phương tiện mua bán chung.

Văn hóa mặc

Trang phục truyền thống của của người Xtiêng khá đơn giản, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố, ở trần. Mùa lạnh, người ta choàng một tấm vải để chống rét. Váy (kaman) của phụ nữ Xtiêng may từ vải bông tự dệt màu đen, váy là một khổ vải rộng, trên thân trang trí 4 mảng hoa văn ngang, giữa là mô típ hoa văn hình zich zắc, kỷ hà, hình hoa dâu cách điệu màu trắng. Tiếp đến là một mảng màu đỏ, viền ngoài cùng là những đường chỉ màu vàng, trắng, đỏ. Toàn bộ những khoang hoa văn được bố trí theo chiều ngang, mô típ hoa văn làm nổi bật màu sắc trên nền đen. Khi mặc, váy được quấn cao ngang ngực, dộ dài vừa chấm gót, sau đó giắt đầu váy vào dưới nách. Ngày nay, hầu hết phụ nữ Xtiêng mặc trang phục giống người Việt ở Nam Bộ. Người Xtiêng có tục cà răng, căng tai. Thanh niên nếu là con trai đến tuổi trưởng thành thì phải cà răng, nếu là con gái thì phải căng tai mới được cộng đồng công nhận là người có vị trí trong xã hội, được lấy vợ, lấy chống, giống như lễ lập tịch của người Dao hay đi tu ở chùa của người Khmer. Những cô gái trẻ Xtiêng sẽ được cha mẹ căng tai bằng gai cây chanh. Sau khi căng tai, họ sẽ bắt đầu đeo các loại bông làm bằng nhiều thứ đồ khác nhau bằng nứa, gỗ, tre, nanh thú, ngà voi, đồng, bạc, tùy thuộc vào từng điều kiện của gia đình, với kích cỡ tăng dần để lỗ dái tai to thêm và tai sẽ kéo dài ra. Người nào tai càng dài, lỗ dái tai càng to, chiếc bông càng lớn thì người phụ nữ đó càng xinh đẹp. Bông tai đều được chính bản thân họ hoặc người trong gia đình tự chế tác cẩn thận, tuyệt nhiên không có sự mua bán. Một trong những loại hoa tai đẹp phải kể đến là hoa tai (vê lốc) làm bằng ngà voi, dùng dao cạo mỗi ngày một ít đến độ vừa nhẵn, dài 3cm, đường kính 2cm, đến 2,5cm màu vàng ngà. Hoa tai gồm 3 phần: đầu to (Bôk) phần lõm giữa (Ga lum) và đầu nhỏ (Đứt). Người Xtiêng để tóc dài búi sau gáy, xâu lỗ tai, hoa tai bằng gỗ, ngà voi và xăm mặt, xăm mình với những hoa văn giản đơn. Nam, nữ, già, trẻ đều thích đeo các loại vòng trang sức. Trẻ em còn nhỏ đeo lục lạc ở hai cổ chân. Ngày nay, tập tục cà răng, căng tai không còn nữa, chỉ có một số cụ già dân tộc Xtiêng là còn giữ được dấu ấn này.

Văn hóa ẩm thực

Gạo và các loại bắp, khoai, sắn, rau… là lương thực, thực phẩm chính của người Xtiêng. Buổi sáng sớm phụ nữ Xtiêng giã thóc trong các cối gỗ để lấy gạo ăn trong ngày. Cơm  hoặc cháo là cách chế biến thức ăn phổ biến của người Xtiêng. Người Xtiêng ở Bù Lơ thường nấu cơm, canh trong các ống tre lồ ô lớn. Thức ăn hàng ngày của người Xtiêng thường là rau rừng, cá suối, thịt…. Trong những món ăn, thức uống đặc trưng của người Xtiêng là món canh thụt (canh bồi), đọt mây nướng và cơm lam, rượu cần được chế biến từ lúa, bắp ủ trong các chum, ché. Canh Bồi sử dụng nguyên liệu chính là: đọt mây, gạo giã nhỏ, thịt nướng, lá Nhau (một loại lá rừng có vị bột ngọt tự nhiên), thêm gia vị muối, bột ớt, bỏ vào ống lồ ô, nút kín, đốt trên than, lửa, tạo thành  một món súp sền sệt, có vị hơi đắng của đọt mây, vị ngọt của lá Nhau và thịt nướng. Cơm Lam cũng được coi là món đặc sản  của người Xtiêng. Họ lấy nếp rẫy, ngâm qua đêm, bỏ vào ống tre bánh tẻ, nướng trong than, củi cho chín, chẻ vỏ, lấy ruột ăn với thịt nướng.

Văn hóa ở

Dân tộc Xtiêng sống xen kẽ với các tộc người Kinh, Khmer, Chăm, Mnông. Làng của người Xtiêng gồm vài đến hơn chục ngôi nhà dài quần tụ quanh ngôi nhà rông, có làng chỉ có một ngôi nhà dài. Đứng đầu làng là một ông già am hiểu tập tục, có uy tín, tháo vát và giàu có. Nhà ở của người Xtiêng không đồng nhất giữa các khu vực. Chẳng hạn ở Bù Lơ, người Xtiêng sống trong nhà đất dài, khoảng 25 – 30m, mái tranh, thấp gần chạm đất vách bằng tre nứa, với gia đình lớn theo chế độ phụ hệ. Nhà  có hai cửa ra vào ở hai đầu nhà; ở Đắc Kia người Xtiêng cư trú trong nhà sàn và nhà đất gắn với gia đình nhỏ; ở Bù Đeh, người Xtiêng lại sống trong nhà sàn dài với gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ. Bộ khung nhà người Xtiêng dù nhà sàn hay đất đều có vì hai cột (không có kèo). Nhà dài thưng liếp xung quanh kiểu “Hạ thu thượng thách”, mái lợp cỏ hoặc lá. Trong nhà chia làm hai phần theo chiều dọc: Phần ngủ và phần chính (còn gọi là nhà thóc), phía dưới sàn gian này là một sạp nhỏ, làm nơi tiến hành các nghi lễ tôn giáo và nơi ngủ của khách nam. Bên ngoài nhà còn có một sân chơi. Nhà đất của người Xtiêng hiện nay, mái thấp gần sát mặt đất. Cửa ra vào mở ở hai đầu hồi và một cửa ở mặt trước nhà. Ngoài ra, đồng bào còn có kiến trúc nhà trên rẫy và nhà thóc. Một số nhà dài ở vùng Đắk Ơ có đặc điểm 4 góc nhà lượn tròn chứ không vuông như nhà bình thường. Trong một nhà (Yau) thường có nhiều bếp (Nak) cho từng gia đình nhỏ. Một bon Xtiêng thường có khoảng 5 – 7 nhà dài, có bon có khoảng 2 – 3 nhà; Ở Bình Long còn một số nhà sàn cổ theo truyền thống Xtiêng: cột lớn, vách nhà nghiên loe ra ở phía trên. Dù là ngôi nhà sàn của người Xtiêng nhóm Bù Lơ ở vùng cao, hay ngôi nhà dài của nhóm người Xtiêng Bù Đêk sinh sống ở vùng thấp, thì nguyên liệu chính dùng để dựng nhà phần lớn là từ gỗ, lồ ô. Khi làm nhà, người Xtiêng có nhiều nghi thức và kiêng kỵ khác nhau: khi chọn được đất làm nhà, sau khi cúng lễ, gia chủ sẽ bóp quả trứng gà trong tay nếu trững vỡ, có nghĩa là thần linh đã ưng thuận, nếu không vỡ trứng, phải tìm đất khác. Khi vào rừng chặt cây để làm nhà mà nghe tiếng chim chìa vôi kêu liên tục, thì phải dừng làm nhà hoặc đi nơi khác. Trong nhà, cây làm đòn nóc ngôi nhà là quan trọng nhất, phải chọn được cây lồ ô già, thẳng và không cụt ngọn. Bởi theo quan niệm của đồng bào, sử dụng cây cụt ngọn sẽ mang đến những điều không tốt lành cho gia đình.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Bon (buôn, sóc) truyền thống của người Xtiêng là đơn vị tự quản, đứng đầu là một già làng (Bu Kuông), người am hiểu tập tục, có uy tín lớn, tháo vát và giàu có ở làng. Sau đó là tập thể già làng có kinh nghiệm, có uy tín làm cố vấn, những người này bầu ra già làng. Ngày nay, quản lý làng có hệ thống quản lý cấp thôn gồm trưởng thôn, phụ nữ, bí thư chi bộ, phụ trách đoàn thành niên, công an xóm…, Đồng bào Xtiêng sống chung cùng cộng đồng người Kinh lâu đời, nên những phong tục, tập quán, lối sống, trang phục truyền thống… không còn giữ nguyên nét đặc trưng riêng mà dần giống như người Kinh địa phương. Tuy nhiên, người Xtiêng vẫn giữ tục lệ tổ chức lễ ăn mừng khi được trúng mùa bội thu, khoảng đãi cả buôn làng và còn tặng quà mang về phần thịt lợn, trâu hay bò… phần làm ảnh hưởng đến sự tích lũy trong cuộc sống gia đình.

Gia đình Xtiêng là gia đình phụ hệ. Luật hôn nhân Xtiêng nghiêm cấm kết hôn trong nội tộc, do đó một cặp trai gái muốn đi tới hôn nhân thường phải nhờ già làng và hội đồng bộ lão xem xét lại gia phả, dòng họ để tránh phạm luật.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Người Xtiêng lấy vợ, lấy chồng khác dòng họ. Thông thường con trai từ tuổi 19-20, con gái từ tuổi 15-17 bắt đầu tìm bạn đời. Lễ cưới của người Stiêng trải qua nhiều nghi lễ, ít nhất cũng phải có lễ hỏi (pê ir) và lễ cưới (karơsai). Sau lễ ăn hỏi, trai gái có thể chung sống và có con với nhau, còn lễ cưới chỉ tổ chức khi nào đủ lễ vật, tiền bạc, trâu bò. Người Xtiêng ở Bù Lơ có tục lệ nộp sính lễ cho nhà gái khá tốn khém, nếu không đủ lễ nộp, người con trai phải về ở rể bên nhà vợ, khi nào nộp đủ mới được đưa vợ về nhà. Ở vùng Bù Đêk, sau khi cưới cặp vợ chồng trẻ cư trú bên nhà vợ.

Sinh đẻ là việc hệ trọng trong văn hóa Xtiêng. Khi trở dạ, sản phụ mời bà mụ “di nhei” đỡ sinh tại nhà. Trường hợp khó đẻ, phải làm lễ cúng và hiến sinh, cầu cứu sự giúp đỡ của các vị thần “yang”. Trong thời gian ở cữ (7 đến 10 ngày), người Xtiêng treo một cành lá, làm dấu hiệu cấm người lạ vào nhà sản phụ. Khi đứa trẻ đầy tháng, người ta làm lễ cột tay bà mụ (cơ-ty-rờ-nhe/ cơ ty hoặc toon ty) cho đứa trẻ. Các thành viên gia đình, họ tộc đến dự lễ lấy dây chỉ bằng sợi vải dệt thổ cẩm nhúng vào huyết gà, rồi cột vào cổ tay đứa trẻ. Khi trẻ 13 tuổi, gia đình làm lễ cột chỉ tay (Cờ ty con), đánh dấu sự trưởng thành, nếu là con gái, tặng cho bé bộ khung cửi dệt vải, nếu là con trai, cha mẹ tặng bộ cung tên, chà gạc. Hiện nay, người ta tặng tiền thay cho tặng quà cho trẻ như phong tục truyền thống. Trong đám cưới, người Xtiêng cũng có lễ cột chỉ tay cho nhau như một sự cam kết gắn bó, chung thủy “đầu bạc răng long”.

Tập tục tang ma

Lễ tang của người Xtiêng gồm nhiều lễ thức và có sự tham gia của dân làng trong bon “poh”. Khi có người chết, dân làng vào rừng tìm gỗ làm quan tài hình thuyền. Người ta làm thủ tục mua quan tài, quàn xác trong nhà vài ngày, mở thêm cửa ma ở một khoảng vách phía trước nhà, tế lễ, cúng cơm mời người quá cố trong mỗi bữa ăn. Sau khi làm lễ tách ma, quan tài được đưa đi chôn bằng cửa ma, đồng thời mang theo những đồ dùng, chiêng ché, gùi, nỏ… làm thủng hoặc đập vỡ đặt xung quanh nhà mồ, chia tài sản cho người chết về tiếp tục sinh sống ở cõi vĩnh hằng. Ở vùng Bù Lơ, sau khi chôn người chết trở về, mọi người phải lội qua con suối và rửa sạch sẽ trước khi vào làng. Có nơi, người đi đưa tang về phải bước qua một đống lửa. Trong làng có người chết, cả làng kiêng cữ, cấm người lạ mặt vào làng trong thời gian 7 ngày. Một năm sau khi chôn, đồng bào làm lễ cúng gà, rượu,  tổ bỏ mả, làm lại nhà mồ lần cuối cùng.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Xtiêng tin vào “vạn vật hữu linh”: con người, vật nuôi, đồ đạc, cây cối, tảng đá …đều có linh hồn, nên có tục thờ đa Thần. Trong đó, mặt trời là thần may mắn, no đủ, các thần sấm, chớp, sông, nước, ruộng, nương, đất, mặt trăng đều được kính nể. Lễ vật hiến sinh, cúng thần là những con vật có màu trắng (lợn trắng, gà trắng, trâu trắng)…Sau đó, họ mời tất cả cộng đồng về dự hội ăn mừng được mùa lúa bội thu. Sau lễ cúng là phần hội, buôn làng vui nhẩy múa theo nhịp điệu cồng chiêng với chế rượu cần.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Xtiêng có khá nhiều truyền thuyết, truyện kể, thơ ca dân gian nói về nguồn gốc tộc người, lai lịch các vị Thần và lễ hội cầu mưa, về lịch sử cộng đồng, những sinh hoạt thường ngày và tình yêu nam nữ… Đáng chú ý, cộng đồng Xtiêng có lối hát nói, hát kể (Tâm – pơt), có thể loại tình ca (Nao – lan), trường ca (O-Kroong), có hát ru, có đồng dao và nhiều bài sinh hoạt khác…để chuyển tải những truyền thuyết, huyền thoại, sự tích hoặc tâm tư của người Xtiêng.

Người Xtiêng có nhiều nhạc cụ, nổi tiếng nhất là bộ chiêng Lơ Trang (6 chiếc): Cồng (goong), chiêng (ching), được xem như vật thờ, sức mạnh vật chất, tinh thần của đồng bào. Nó có thể đem đi mua bán, trao đổi, làm sính lễ trong cưới hỏi, làm đồ vật trang trí trong gia đình…Cồng chiêng chỉ được biểu diễn trong dịp lễ hội và gắn liền với một không gian nhất định – không gian văn hóa cồng chiêng. Ngoài ra còn có kèn bầu (m’buôt), sáo ống (dênh dut), đàn môi (N’tôn), sáo tiêu (ta lét), sáo (tơ lết), sáo (u-kooc-le), sáo “pia”, sáo “n’hôm”, kèn “nung biên”, đàn “đình – put” và một số loại trống. Những nhạc cụ trên có khi được biểu diễn đệm cho hát, có khi diễn tấu những bản nhạc ngắn. Dân nhạc Xtiêng là những bài bản ngắn, gọn, đơn giản, thường thể hiện mô phỏng tiếng suối, tiếng gió, tiếng con chim, con sóc, những hiện tượng tự nhiên gần gũi với cuộc sống của đồng bào.

Tết, lễ hội cộng đồng

Người Xtiêng tổ chức một số lễ hội trong năm như: bỏ mả, lễ cầu mưa, mừng lúa mới, cúng cơm mới, cột tay bà mụ (lễ đặt tên), lễ thành đinh. Mỗi lễ hội lớn của làng, thường có đâm trâu hiến sinh, tạ ơn và cầu xin thần linh… Đặc biệt, lễ đâm trâu của người Xtiêng có tục quay đầu trâu, một hình thức vay trả, ơn nghĩa trong cộng đồng. Lễ hội ăn mừng lúa năng bar/năng war”), được tổ chức khi lúa trên ruộng trên rẫy đã thu hoạch xong, thóc lúa đã yên vị trong bồ, trong kho, thể hiện tấm lòng tôn kính thần lúa cho mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no. Lễ hội kéo dài trong nhiều ngày, có thịt lợn, đâm trâu, mở các ché rượu cần ngon cúng mời các thần linh về thụ hưởng và tổ chức không gian cồng chiêng, múa xoang. Lễ cúng cơm mới (paba Khiêu) sau vụ mùa thu hoạch

Lễ cầu mưa được tổ chức vào cứ mùa khô, đầu mùa mưa gắn liền với truyện truyền thuyết và tri ân các vị thần Bra Ân, Bra Trốk (thần trời), Bra ter (thần đất), Bra va (thần lúa) …đã cho mưa thuận gió hoà, để vạn vật sinh sôi nảy nở, để gieo trồng, để con người có nước sinh hoạt, có một mùa vụ năm mới bội thu. Nay tiếp tục cầu xin các thần, ban cho con người, vạn vật những cơn mưa đúng vụ gieo trồng, để con người có cơm ăn, nước uống, nhà nhà no đủ, khỏe mạnh… Truyền thuyết kể rằng: xa xưa, ở xứ của người Spa Chal sáng nào, đêm nào cũng có mưa, nước chảy thành sông. Dưới đồng, lúa tốt, dưới suối, cá lội đầy đàn, trong rừng, chim chóc, muông thú nhiều như lá tre. Người xứ Spa Chal có cuộc sống no ấm, còn người Xtiêng ở xứ Jiêng, thì đã ba, bốn năm rồi, trời không mưa,  nước không cóuống, củ chụp trên rừng  cũng hết, không còn gì để ăn, con người chết nhiều. Mọi người phải mang cồng chiêng, mang người đến xứ Spa Chal để đổi lúa, cứ một cồng, đổi được một lượng lúa bằng nắp cồng, nắp chiêng, một con người chỉ đổi bằng một lượng lúa chỉ đầy hai lỗ tai của người đó. Lúc đó, con của trời ở xứ của Jiêng bèn khăn gói lên trời  trách Cha là Bra Ân, vị thần cai quản trên trời rằng: trời không công bằng, tại sao xứ của người Spa Chal lại có mưa nhiều, trong khi xứ của Jiêng 3-4 năm nay không có mưa. Bra Ân nói: để có mưa, ngươi hãy về nhà làm lễ cầu mưa, hiến tế trâu, lợn, gà, rượu, cơm lam, cồng chiêng và cả cây nêu…để cầu xin các thần, thì sẽ có mưa. Nghe lời Cha, sau khi về xứ của mình, Jiêng huy động dân làng sắm lễ cầu mưa theo lời Cha dạy. Quả nhiên, làm lễ xong, trời đổ mưa như trút. Từ đó, hàng năm, cứ vào cuối mùa nắng, người Xtiêng đều làm theo lời Jiêng dạy, các sóc đều tổ chức lễ cầu mưa.

Chuẩn bị cho lễ hội, già làng (Bu Kuông) và chủ làng họp ấn định thời gian hành lễ, họp cả bon để phân công cụ thể: thanh niên, người biết, làm cột nêu, phụ nữ chuẩn bị củi, nước, gạo nếp, ống lồ ô, nấu cơm lam, rượu cần để cúng lễ. Trâu lễ được buộc chặt vào cây nêu, đến giờ làm lễ, cả bon (Wăng) tập trung đầy đủ quanh cây nêu. Già làng cúng tế, báo cáo lý do, mời thần về dự; Ba nam giới trung niên cầm lao/chà gạc đâm trâu. Già làng lấy máu bôi lên cột nêu, dùng gạo, muối tung lên mình trâu rồi ngồi bên ché rượu cần, cúng tạ các vị thần: lúa, mưa, rừng…cầu cho mưa thuận gió hoà, để dân làng có mùa vụ năm mới bội thu, cầu cho vạn vật sinh sôi. Xong nghi lễ, mọi người xẻ trâu, nướng thịt, uống rượu cần, tham gia biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, nghe già làng kể chuyện về luật tục và sử thi cho đến sáng hôm sau.