Bru Vân Kiều

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Bru-Vân Kiều có hơn 74.506 người (Năm 2009).
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú tập trung ở các tỉnh: Quảng Trị (55.079 người), Quảng Bình (14.631 người), Đăk Lăk (3.348 người), Thừa Thiên-Huế (1.114 người) (2009)
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Bru, Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma-coong. Tên gọi Bru- Vân Kiều gắn liền với hòn núi Vân Kiều (Viên Kiều), ở miền núi phía tây Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, nơi đồng bào Bru di cư đến tụ cư, lập làng quanh chân núi. Về sau, người Việt lấy tên của hòn núi đặt cho một tổng của người Bru. Từ đó, họ còn được gọi là Bru – Vân Kiều.
Ngôn ngữ: Tiếng nói Bru  Vân Kiều thuộctiểu ngữ ều thuộc tiểu ngữ Cơ Tu, nhóm ngôn ngữ Môn  Khmer, ngữ hệ Nam á. Tiếng Bru- Vân Kiều có hệ thống âm phức tạp và phong phú. Chữ viết lấy cơ sở từ bộ chữ cái La-tinh.

Sản xuất nông nghiệp

Dân tộc Bru -Vân Kiều căn cứ vào lịch nông nghiệp gắn với chu kỳ của mặt trăng để định ra tên ngày và ngày tốt, xấu. Theo đó, đồng bào coi các ngày: mùng 4, 7, 9,  hàng tháng là những ngày tốt nhất, thứ đến là các ngày 6, 8, 10, 16, 18; Xấu nhất là các ngày 30 và mùng 1. Vì vậy, khi đi chọn đất canh tác và thực hiện chu trình sản xuất, nhất thiết phải thực hiện trong những ngày tốt theo lịch Bru.

Đồng bào kết hợp làm rẫy và ruộng nước. Việc làm rẫy thực hiện theo quy trình: chọn đất (nơi có rừng già, nhiều cây cối, ít gió, đất có màu nâu đậm), phát rừng, đốt rẫy, chọc lỗ, tra hạt giống, làm cỏ, tuốt lúa bằng tay. Đồng bào trồng lúa, đa canh – xen canh trên từng đám rẫy, với nhiều loại cây trồng khác như sắn, ngô, khoai, bầu, bí, đậu, lạc, cà. Ngoài ra, đồng bào còn trồng cao su, mía, dứa, chuối,v.v… Nông cụ canh tác của đồng bào đơn giản gồm: rìu, chà gạc, gậy chọc lỗ, cuốc xới, nạo cỏ, gùi tuốt lúa, gùi vận chuyển Ngày nay, các loại máy cày đã thay thế dần các cây gậy chọc lỗ, nhưng hình thức này vẫn được áp dụng ở một số nơi cho phù hợp với thế đất canh tác, bảo vệ độ màu cho đất. Ruộng nước chủ yếu là ruộng chờ mưa, kỹ thuật canh tác khá tiến bộ: dùng cày làm đất, đợi những trận mưa đầu mùa, cày lại, bừa nhuyễn, rồi gieo thẳng. Hiện nay, phong trào trồng màu, trồng rừng kinh tế đã mở hướng làm ăn mới cho bà con Bru- Vân Kiều. Các loại cây cao su, sắn, ngô và lúa ngày càng mở rộng diện tích theo các con đường đến tận thôn bản. Sản phẩm nông nghiệp được các thương lái thu mua tận rẫy, giúp bà con đầu ra sản phẩm, kích thích sản xuất tiếp tục phát triển.

Chăn nuôi trâu, lợn, gà, chó là hình thức chăn nuôi phổ biến của người Bru- Vân Kiều từ xa xưa, trước hết phục vụ các nghi lễ cúng, sau đó để cải thiện bữa ăn. Gần đây, đồng bào mở rộng chăn nuôi bò, dê và đàn gia súc, gia cầm, tận dụng điều kiện tự nhiên, tăng thêm thu nhập gia đình. Chăn nuôi gia súc chủ yếu theo phương pháp thả rông, tối đến mới lùa về chuồng.

Kinh tế tự nhiên

Hái lượm, săn bắt và đánh cá vẫn là công việc hàng ngày,  cung cấp nguồn thức ăn quan trọng trong cuộc sống của cư dân. Cư dân Bru- Vân Kiều ở ven sông, suối sử dụng chài, lưới, cần câu ốngđể đánh bắt cá.

Nghề thủ công

Đồng bào Bru-Vân Kiều có các nghề thủ công dệt vải, đan chiếu, đan gùi. Khung dệt khổ rộng gắn bó với tư thế ngồi bệt trên nền nhà dệt vải xưa kia của một số nhóm phụ nữ Bru  Vân Kiều, nay hầu như không thấy ở các gia đình. đan lát là công việc của đàn ông. Sản phẩm đan lát là các loại gùi, giỏ, đồ gia dụng cần thiết khác.

Phương thức vận chuyển

Người Bru  Vân Kiều chủ yếu dùng gùi làm phương tiện vận chuyển. Ngoài gùi, đồng bào vùng sông nước còn vận chuyển bằng thuyền.

Trao đổi hàng hóa

Trước đây, đồng bào trao đổi hàng lấy hàng. Nay giao dịch bằng tiền ở chợ, các cửa hàng bán lẻ ở trung tâm xã, huyện,và các thương lái đến tận nhà.

Văn hóa mặc

Trước đây, người Bru – vân Kiều dùng vỏ cây sui làm khố,áo. Nam giới để tóc dài, búi tóc, ở trần, đóng khố. Phụ nữ ở trần, mặc váy ngắn qua gối 20 đến 25cm. Vài chục năm qua, nhóm Bru mặc áo xẻ ngực, màu đen, phần nẹp áo từ cổ xuống ngực đáp thêm một miếng vải thêu hoa văn trang trí. Nhóm Pa Cô mặc áo chui đầu, không tay, khoét cổ tròn. Váy trang trí theo các mảng lớn trong bố cục dải ngang. Gái chưa chồng búi tóc về bên trái, sau khi lấy chồng búi tóc trên đỉnh đầu. Nhóm Vân Kiều mặc áo cánh ngắn, xẻ ngực, dài tay màu chàm, có trang trí dệt nhiều hoa văn dệt hình quả trám. Cổ và hai nẹp trước áo đính các “đồng tiền” bạc nhỏ màu sáng, nổi bật trên nền chàm đen Họ đội khăn vảiquấn thành nhiều vòng trên đầu, thả sau gáy, cổ đeo hạt cườm. Y phục kiểu người Việt thời nay đã trở thành phổ biến. Chị em ưa thích đeo các loại vòng ở cổ bằng hạt mã não màu huyết dụ, đeo vòng tay, hoa tai. Xưa đàn ông, đàn bà đều búi tóc, riêng thanh nữ búi lệch tóc về phía bên trái, khi đã có chồng, búi tóc ngược lên đỉnh đầu.

Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Bru-Vân Kiều tỉnh Quảng Bình, do đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Bình thực hiện.
Trong quá trình lịch sử, dân tộc Bru Vân Kiều đã sáng tạo, tự làm ra các bộ trang phục truyền thống, góp phần làm nên bản sắc của cộng đồng dân tộc. Trang phục của dân tộc Bru – Viên Kiều có nhiều màu sắc, nhưng chủ đạo là hai màu đen, đỏ, tương ứng với màu âm và dương, gắn bó với đồng bào trong mọi không gian cuộc sống. Trang phục phụ nữ gồm váy, áo, thắt lưng, choàng chéo vai, khăn, vòng mã não. Váy phụ nữ dạng váy mở, là tấm vải thổ cẩm kẻ ngang, họa tiết tròn, lục giác nối tiếp nhau. Váy được quấn quanh bụng, áo che hết phần cạp váy và thân trên, để mép về hông trái. Áo mở cúc, cổ tròn, trang trí hoa văn tam giác, móc tròn ở dọc hò áo và gấu áo. Khăn a da, đam là thành tố không thể thiếu trong đời sống của phụ nữ Bru- Vân Kiều. Khăn a da, khăn đam làm bằng vải thổ cẩm, màu sắc sặc sỡ, nhiều họa tiết hoa văn, hai đầu có tua mềm mại. Khi sử dụng quấn quanh đầu, buộc phía sau và buông hai đầu khăn phía sau lưng. Trang phục đàn ông đơn giản với chiếc áo chui đầu, không tay, đóng khố. Ngày lễ hội, dịp cưới xin…cả nam nữ đều mặc các bộ trang phục đẹp nhất, đeo thêm nhiều trang sức như chuỗi vòng đá quý có nhiều hạt hình ô van, màu trắng hồng và đeo vòng tay, thể hiện bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ và sự quý phái của mỗi chủ nhân và bản sắc văn hóa cộng đồng.

Văn hóa ẩm thực

Đồng bào chủ yếu ăn cơm tẻ. Bữa sáng và bữa tối là 2 bữa chính, bữa trưa được coi là bữa phụ. Ngoài gạo tẻ, đồng bào còn ăn cơm nếp, bắp, ngô, khoai, sắn. Trong dịp lễ tết, hội hè mỗi tộc người còn có cơm lam và các món bánhThức ăn hàng ngày có rau, cá cùng các sản phẩm hái lượm, sắn bắn từ tự nhiên. Đồng bào rất ưa chuộng các món nướng. Canh thường nấu lẫn rau với gạo và cá hoặc ếch nhái. Họ uống nước lã, rượu cần (nay là rượu cất). Nam, nữ đều hút thuốc lá, tẩu hoặc cuốn lá. Dụng cụ nấu, đựng thức ăn gồm: nồi hông, chõ, mâm gỗ, mâm tre, các loại rá, hộp đựng cơm, bầu đựng nước uống bằng mây, tre, lồ ô và vỏ bầu khô.

Văn hóa ở

Làng của người Bru -Vân Kiều được dựng theo chiều dài của các khúc sông, con suối hay bố trí thành hình bầu dục, nhưng các nhà cùng hướng về một phía, giữa làng là ngôi nhà chung. Vài chục năm trở lại đây, đồng bào ở nhà sàn nhỏ, phù hợp với quy mô gia đình gồm cha, mẹ và các con chưa lập gia đình. Đó là kiểu nhà 2 mái hoặc mái tròn, mái lợp lá mây hoặc lá cọ, gồm 2 cửa, cửa chính giữa dành cho nam, cửa bên cạnh dành cho nữ. Một số nơi, nóc nhà có trang trí khau cút hình sừng trâu hoặc đôi chim. Ngày  nay, đồng bào có xu hướng ở nhà trệt. Mặt bằng sinh hoạt trong nhà tuân thủ nguyên tắc từ phải sang trái: gian đầu tiên là chỗ tiếp khách, tiếp đến là các gian của người già, vợ chồng, con cái, cuối cùng là gian để đồ đạc. Mỗi gian cách nhau tấm liếp, có cửa, nhưng không có cánh. Trong nhà có 1 bếp lửa để nấu nướng, mùa đông có thêm bếp phụ ở gian khách để sưởi ấm. Mỗi nhà làm xong, đồng bào đều thực hiện nghi lễ vào nhà mới gồm các bước: chọn ngày giờ tốt để cúng ma, tạ ơn Yàng, báo tổ tiên, tạ ơn dân làng đã giúp đỡ.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Già làng, trưởng làng có vai trò quan trọng và uy tín đối với dân làng. Trong các làng Bru – Vân Kiều có nhiều dòng họ cư trú. Mỗi dòng họ đều có truyện kể về lịch sử tổ tiên và thực hiện các kiêng cữ nhất định. Sự giàu-nghèo của các hộ chủ yếu được xác định bằng chiêng, cồng, ché, nồi đồng, trâu v.v…Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, người Vân Kiều mang họ Hồ, nhằm ghi công chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong sinh hoạt cộng đồng, người Vân Kiều cởi mở, chân thật và quý trọng khách. Họ quan niệm gia đình nào có khách ngủ lại, gia đình đó trong năm gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Mỗi khi có khách đến nhà, cả làng, cả bản đều thân thiện có khi cùng chung nhau tiếp khách.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Khi đến tuổi dựng vợ gả chồng, thanh niên nam, nữ dân tộc Bru -Vân Kiều được tự do đi tìm người yêu cho mình bằng những lần đi sim. Vào mùa trăng, nam, nữ được phép đến ngủ ở những ngôi nhà Xu trên rẫy, khoảng 6-7 ngày, để trao nhau những câu hát giao duyên. Nếu chàng trai thật lòng yêu thương cô gái, thì để lại một cúc áo làm tin. Hai hôm sau, chàng trai báo với bố mẹ việc hỏi cưới. Nếu để cô gái mang bầu, sẽ bị làng phạt vạ một con trâu và mang tiếng suốt đời. Tục đi Sim ngày nay không còn nữa, thay vì các chàng trai, cô gái tìm hiểu nhau qua sinh hoạt cộng đồng và điện thoại.

Người Bru-Vân Kiều thường chọn các ngày 6, 8, 10, 16, 18 trong các tháng đầu năm và cuối năm (tháng 11, 12), khi vừa thu hoạch xong để làm đám cưới; kiêng các ngày 30, mồng 1 vì sợ ốm đau bệnh tật. Đám cưới nhất thiết phải thông qua ông mối của 2 bên, đó là luật tục lâu đời,  nay vẫn duy trì. Đám cưới diễn ra với nhiều nghi thức:  Khi chàng trai và cô gái cùng xác nhận đồng ý với ông mối bên mình, chàng trai mới được phép đưa bạc (từ 1 đến 5 đồng) cho cô gái, gọi là vantếch (bỏ của lần 1). Khoảng 5 ngày sau đó, chàng trai đi Atằm vantơr (bỏ của lần 2), số bạc đưa cho cô gái thường nhiều hơn lần trước. Khoảng 10 ngày sau, nếu nhà gái không trả lại bạc, ông mối nhà trai sẽ đến nhà gái bàn định ngày cưới ở cả 2 bên. Trong đám cưới, ông mối là chủ hôn, ông cậu có quyền quyết định khá lớn. Sau đám cưới, ông mối còn đóng vai trò giám sát, giảng hòa nếu đôi vợ chồng xích mích cho đến khi qua đời. Cô dâu về nhà chồng phải qua nhiều nghi lễ: trao kiếm, bắc bếp, rửa chân, ăn cơm chung với chồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là tục lệ thiêng: chú rể trao kiếm cho cô gái. Màn trao kiếm được quy định hàng trăm năm, không ai được phép tự ý thêm bớt: Đến nhà gái rước dâu, nhà trai đứng dưới sàn, hai bên đối đáp theo đúng ngôn từ truyền thống: Nhà gái vờ hỏi: “Các ông, các bà đi đâu?. Nhà trai đáp: “Chúng tôi đi rước con gái ông bà về làm dâu và hỏi lại: “Các ông, các bà cần gì?. Lúc đó, nhà gái đưa ra yêu cầu lễ vật, nhà trai lần lượt trao lễ vật cho nhà gái. Sau đó, chàng trai đưa cho cô gái 1 thanh kiếm, nồi đồng và đồng bạc trắng. Cô gái đưa 3 thứ đó cho bố mẹ đẻ xong, nhà gái mới mời nhà trai lên nhà. Mẹ cô dâu bỏ đồng bạc và một ít nước vào nồi đồng, bắc lên bếp. Khi nước sôi, bà đâm mũi kiếm xuống sát cạnh nồi, với niềm tin: từ nay trở đi, không gì có thể chia tách đôi vợ chồng trẻ. Sau lễ cưới, người Bru-Vân Kiều còn bắt buộc phải tổ chức cưới lần 2 “khơi” (lễ hoàn tất). Khi chưa thực hiện lễ khơi, đôi trẻ sang nhà vợ chưa được bước lên nhà, không được ăn chuối, củ kiệu; không được chăn thả trâu bò cùng nơi với nhà vợ. Lễ khơi tốn kém hơn cưới lần 1 rất nhiều, nên thời gian tiến hành không ấn định. Khi nào chuẩn bị đủ gạo nếp, trâu bò, gà vịt để thết đãi dân làng mới có thể làm khơi để các con chính thức là thành viên dòng họ. Hiện nay, lễ khơi vẫn tồn tại trong hôn lễ của đồng bào, nhưng không còn là gánh nặng với cặp đôi như xưa nữa.

Gia đình Bru -Vân Kiều là gia đình phụ quyền, người đàn ông cao tuổi nhất là người làm chủ gia đình. Khi chủ gia đình chết, mọi quyền hành và tài sản được giao cho người con trai cả.

Phụ nữ khi mang thai kiêng ăn thịt các con vật sa bẫy, không bước qua cây nằm ngang đường … Trẻ sơ sinh được đặt tên sau vài ba tháng. Các tên trong nhà được đặt cùng vần nhau, phải nhưng tránh trùng với tên của người đã khuất trong dòng họ.

Tập tục tang ma

Khi trong nhà có người chết, tùy theo nhóm, thi hài được đặt nằm ngang sàn nhà, chân hướng về cửa sổ (Pa Cô) hoặc đặt dọc sàn, chân hướng về cửa chính (nhóm Khùa, Ma Coong). Quàn xác trong quan tài gỗ đẽo độc mộc tại nhà 2-3 ngày mới đem chôn ở bãi mộ chung của làng. Chọn đất đào huyệt theo cách dùng trứng gà thả rơi, vỡ trứng là được. Hàng ngày, con cháu cúng cơm, đặt thức ăn vào miệng người chết 3 lần (sáng, trưa, tối). Khi đi chôn, phải chia tài sản (trang phục, đồ dùng, các loại hạt giống)…

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Bru – Vân Kiều thờ cúng tổ tiên đặt trong chòi nhỏ dựng riêng. Theo họ, hiện thân của “linh hồn” thân nhân quá cố là những thanh kiếm, mảnh bát thiêng, nên phải cúng cả các vật thiêng ấy; Mọi vật có hồn, nên thờ các vị thần: núi, sông, đất, cây, thờ lửa và thờ bếp lửa. Đặc biệt, thần mẹ lúa (Kăn Tro) được đồng bào sùng bái cao nhất, với nhiều lễ cúng mẹ lúa cả trước và sau thu hoạch (giữ rẫy, cơm mới). Mỗi người trong gia đình còn có một chiếc bát đặt chung trên bàn thờ tại nhà để thờ thần bản mệnh. Ma gia đình bên vợ (Yang cu gia) cũng được con rể thờ cúng.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Bru – Vân Kiều có nhiều làn điệu dân ca: Chà chấp, lối hát kể rất phổ biến, hát đối đáp giao duyên (Oát),hát chúc vui (Prdoak), hát trong cuộc vui đông người (Xươt), hát kể lể, oán trách (Roai tol, Roai trong),hát ru trẻ (Adâng kon. Ca dao, tục ngữ, truyện cổ được truyền miệng qua nhiều thế hệ, kể về sự tích các dòng họ, nguồn gốc dân tộc, người mồ côi v.v… Họ sử dụng phổ biến nhiều loại nhạc cụ: trống, cồng chiêng, thanh la, kèn (amam, ta-riền, khơ – lúi, pí), đàn (achung, pơ-kua), khèn bè… Đặc biệt, sáo Khui với điệu Xa Nớt, tình cảm, khúc triết, độc đáo, được biểu diễn trong nhiều dịp: lễ Ra Pựt (kể lại truyền thống lịch sử, văn hóa của ông bà tổ tiên dòng họ, về tình cảm gắn bó máu thịt giữa anh chị em hai họ nội, ngoại (khơi cù za); trong đám cưới, sáo Khui cất lên lời dặn dò con cái phải yêu thương đùm bọc, bảo ban nhau trong cuộc sống, ăn ở với nhau đến hết cuộc đời… Trong cuộc sống, người thổi sáo có thể dùng tiếng sáo, tìm cho mình những bạn hát đối đáp thấu hiểu lòng người, để hát đối đáp với nhau mấy ngày liền mà không chán. Thậm chí, khi các gia đình, dòng họ xảy ra xích mích, tiếng sáo Khui của những bậc cao niên cất lên, có thể hóa giải mọi mâu thuẫn.

Múa dân gian “Một thoáng Bru – Vân Kiều” được xây dựng dựa trên các điệu múa dân gian truyền thống, phản ánh cuộc sống, quá trình lao động sản xuất của dân tộc Bru – Vân Kiều trên quê hương Quảng Bình.
Múa dân gian “Một thoáng Bru – Vân Kiều”, biên đạo múa: Xuân Thành do đoàn nghệ nhân và nghệ thuật quần chúng dân tộc Bru – Vân Kiều, tỉnh Quảng Bình biểu diễn.

Tết, lễ hội cộng đồng

Người Bru- Vân Kiều có nhiều lễ hội: Puh Boh (lễ giữ rẫy), Aya (hội mùa), Ariêu Piing (lễ bốc mả) (Pa Kô), lễ đập trống (Ma Coong)  Trong đó, Ariêu Piing là lễ hội lớn nhất của người Pa Kô, nhiều năm mới tổ chức một lần, không hạn định thời gian. Lễ hội diễn ra 3 đêm 4 ngày, với sự tham dự của cư dân nhiều làng. Trong lễ hội, người ta dựng nêu, cải táng, làm nhà mồ mới cho tất cả những người quá cố trong dòng họ; Mọi người đi bắt cào cào (linh hồn người chết đi về), mang trâu, bò dê hiến tế sống, đâm trâu, hòa tấu trống chiêng, khèn bè, thanh la, tù và, uống rượu, múa đâm trâu (sía trya), tế lễ Ra yook, đốt lửa, tấu chiêng, nhảy múa thâu đêm, mừng cho sự chuyển giao của trời, đất, con người. Kết thúc lễ hội, con cháu ra nhà mồ tế lễ, tạ ơn tổ tiên đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ con cháu mọi điều.