Cơ Tu

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Cơ Tu có 61.588 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Người Cơ Tu sống tập trung tại các huyện Hiên, Giằng (tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng), A Lưới, Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế).
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Ca-tu, Ka-tu, Gao, Hạ, Phương, Ca Tang.
Ngôn ngữ: Tiếng nói của người Cơ-Tu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á.

Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt: Người Cơ Tu chủ yếu canh tác trên nương rẫy, mỗi năm một vụ theo phương thức luân canh, lưu canh. Vào đầu mùa xuân, họ chọn đất làm rẫy, chặt cây khô để đốt, dọn. Mùa mưa thì chọc lỗ gieo trỉa hạt. Công cụ sản xuất chủ yếu là rựa (aco), rìu (achặt), cuốc, gậy chọc lỗ, cào cỏ (avinh), công cụ dùng tuốt lúa là gùi và hai thanh gỗ kẹp với nhau hoặc dùng tay. Sản phẩm nương rẫy gồm có: lúa nương, ngô, khoai, sắn, bầu, bí, ớt, rau,… Trong vườn nhà, đồng bào Cơ Tu còn trồng các loại cây ăn quả như: chuối, mít, đu đủ,…

Chăn nuôi: Sản phẩm chăn nuôi của đồng bào Cơ Tu chủ yếu là trâu, bò, lợn, chó, gà, dê… Phương thức chăn nuôi phổ biến là thả rông để lấy sản phẩm tế Giàng. Những năm gần đây, đồng bào làm chuồng trại và nuôi nhiều gia súc hơn, ngoài lấy sức kéo, tế lễ còn bán lấy tiền, nâng cao đời sống.

Kinh tế tự nhiên

Đồng bào Cơ Tu chủ yếu khai thác nguồn lợi tự nhiên xung quanh phục vụ cuộc sống tự cung, tự cấp. Sản phẩm khai thác từ tự nhiên gồm: gỗ rừng để làm nhà ở, làm Gươl (nhà rông), rào làng, làm củi đun; hái lượm măng, nấm hương, mộc nhĩ, các loại rau rừng phục vụ bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, đồng bào còn tổ chức săn bắn thú rừng tập thể để tổ chức liên hoan tại nhà rông;  đánh bắt cá ở các sông, suối cũng khá phát triển với các hình thức đánh bắt cá như: đơm đó, úp, kéo lưới, ruốc…để lấy thức ăn cải thiện đời sống gia đình.

Nghề thủ công

Người Cơ Tu có nhiều nghề thủ công truyền thống như: nghề dệt vải thổ cẩm, dệt chiếu, gốm, rèn…trong đó, nghề đan lát có từ lâu đời và khá phát triển. Sản phẩm đan lát gồm gùi vận chuyển các loại (gùi đựng đồ trang sức, vải và y phục, gùi có nắp, gùi đựng lúa, gùi ba ngăn đi săn của đàn ông, gùi rau, gùi củi); các loại dụng cụ chế biến, ăn uống (nong, nia, mâm ăn cơm, giỏ, hộp đựng cơm…). Sản phẩm đan lát không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho mỗi gia đình và cộng đồng, nhiều sản phẩm được dùng làm hàng hóa để trao đổi, bán cho khách du lịch, góp phần vào cải thiện đời sống cho đồng bào. Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu khá nổi tiếng. Bằng những công đoạn thủ công truyền thống, phụ nữ Cơ Tu đã dành rất nhiều công sức: trồng bông, đay lấy sợi, tách hạt, tách bông, cán bông, vấn bông, xe sợi, nhuộm màu, dệt luồn cườm. Nguyên liệu nhuộm màu của phụ nữ Cơ Tu lấy từ tự nhiên, trong đó, màu đỏ lấy từ củ nâu, mầu chàm lấy từ cây tà râm, màu vàng từ củ ma rớt. Kỹ thuật dệt thổ cẩm, kết hợp với dệt luồn cườm để tạo những hoa văn trên nền vải, phụ nữ Cơ Tu phải tính toán từng sợi chỉ, mỗi hạt cườm đan kết, để tạo các hoa văn đặc trưng: ablơm (hoa tình yêu), lá a tút (hình chiếc chong chóng), hình đàn ông Cơ Tu múa tung tung (múa nam), thiếu nữ Cơ Tu múa da dá (múa nữ), hình abá (lá trầu). Các hoa văn phối hài hòa để tạo thành dãy hoa văn đặc sắc bằng chỉ, cườm trắng trên nền chàm đen thể hiện tính thẩm mỹ và tài năng sáng tạo rất cao của phụ nữ Cơ Tu. Sản phẩm dệt của phụ nữ Cơ Tu nổi tiếng là các tấm đắp (tuốc), khố, váy (doóh), áo….Mỗi tấm vải dệt hoàn chỉnh, phụ nữ Cơ Tu phải làm việc vất vả trong nhiều ngày liền, thậm chí phải mất cả tháng. Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm vẫn còn lưu truyền tại các làng của đồng bào Cơ Tu, nhưng tập trung nhiều nhất là làng TaBhing (cách huyện Nam Giang 15km về phía Tây Bắc). Nghề rèn sản xuất ra các loại nông cụ gồm: dao quắm, nạo cỏ, cuốc, hái…. Sản phẩm gốm đơn giản là những lu đựng nước… Ngoài ra, đồng bào còn lấy vỏ bầu khô bỏ hạt, khoét rỗng để đựng nước uống.

Phương thức vận chuyển

Người Cơ Tu chủ yếu vận chuyển bằng gùi đeo qua hai vai. Gùi có nhiều loại: gùi đan dày, gùi đan thưa, với các cỡ thích hợp với người dùng với các loại khác nhau: rau củ gùi thưa, đồ dùng gùi dày. Ðàn ông có riêng loại gùi ba ngăn (gùi cánh dơi) để đi săn.

Trao đổi hàng hóa

Trước đây, người Cơ Tu chủ yếu làm ra nông sản, thu hái lâm thổ sản, phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp trong gia đình. Phương thức trao đổi xưa theo lối đổi vật ngang giá. Hiện nay, đồng bào mang ra chợ bán bằng.

Văn hóa mặc

Người Cơ Tu thường mặc bộ y phục bằng vải dệt đen có hoa văn bằng chỉ và cườm, màu trắng. Đàn ông quấn khố, cởi trần. Khố mặc thường ngày không trang trí hoa văn, ít màu sắc. Khố mặc trong lễ hội, dài rộng về kích thước, trang trí nhiều hoa văn đẹp, đa dạng về màu sắc. Ngày lễ hội hoặc mùa lạnh, nam khoác thêm tấm choàng dài hai, ba sải tay. Tấm choàng nền chàm chủ đạo, trang trí hoa văn theo nguyên tắc bố cục dải băng truyền thống với các màu trắng đỏ, xanh. Người ta mang tấm choàng theo nhiều cách: quấn chéo qua vai trái xuống hông và nách phải, thành vài vòng rồi buông thõng xuống trùm quá gối hoặc theo kiểu dấu nhân trước ngực vòng ra thân sau..nữ có thêm thắt lưng trắng. Loại vải tấm lớn dùng để choàng, quấn và đắp.

 Trang phục nữ: Phụ nữ Cơ Tu mặc váy ống che kín ngực hoặc mặc váy ngắn đến đầu gối và áo, để tóc dài búi sau gáy hoặc thả buông. Áo (A Jooh) của phụ nữ cơ Tu là áo ngắn chui đầu, khoét cổ, tay cộc. Thân áo dệt trang trí hoa văn bằng chỉ màu, đồng thời luồn cườm dọc theo ngực áo, tạo thành các mô típ: hình hoa cây thồ lộ (Pơ dơ tây), sao 4 cánh. Váy (Kơ đay) là một khổ vải (70cm x 160cm), trên váy trang trí các loại hoa văn dệt bằng chỉ màu và hạt cườm, mô típ kẻ sọc (Prá ná), vẩy rắn (Xial ca xanh), hàng rào quanh nhà (Grong Grin), đế sa quay sợi (Pra đao chi), mũi chông (Chrách), tổ con ve sầu (Ka gôi), hoa Thồ lộ (Pơ rơ tây), chữ X (Clơ Rơ Pin). Bố cục hoa văn theo lối hình học, dây leo, lá rừng đã làm cho trang phục của người Cơ Tu không giống với trang phục của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Khi mặc chỉ cần quấn xoay quanh hông, rồi giắt lại. Thắt lưng (K têng) làm bằng vải bông, dài 210cm, réng 5cm, hai đầu có tua chỉ màu và cườm trắng, thân váy dệt hoa văn chỉ màu gọi là (S Zai ktêng). Phụ nữ Cơ Tu còn ưa đeo các đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai bằng gỗ, xương, hay đồng xu, vòng cổ bằng đồng cùng các chuỗi hạt cườm, vỏ sò, mã não. Mùa lạnh, họ còn khoác thêm tấm choàng, dệt đính nhiều hạt cườm trắng trên nền chàm đen.

Văn hóa ẩm thực

Ẩm thực truyền thống của người Cơ Tu rất phong phú, đa dạng. Nguồn lương thực chính của đồng bào là gạo, mì (sắn) và ngô. Gạo được dùng phổ biến, còn ngô chỉ dùng lúc giáp hạt, đói kém. Nguồn thực phẩm hàng ngày có khoai môn, sắn, đu đủ, kiệu, các loại rau, thú rừng săn bắn được. Các loại thịt gia súc, gia cầm trước tiên sử dụng làm lễ cúng Giàng. Sau lễ cúng, mọi người  mới được ăn. Đồng bào Cơ Tu chủ yếu nướng hoặc sấy các loại thịt: thịt trâu nướng, cá nướng, sấy khô hoặc ướp chua trong các ống tre, nứa đặt trên gác bếp làm thức ăn dự trữ. Người Cơ Tu uống rượu nấu từ mía, sắn, gạo. Ngoài ra, còn có một loại rượu đặc biệt “ tà vạc”, được chế biến từ trái cây đoác theo phương pháp riêng của đồng bào: nấu chín, ủ lên men…

Văn hóa ở

Làng (vil) truyền thống của người Cơ Tu chỉ có từ 10 – 20 nóc nhà, được lập ở những nơi cao ráo, bằng phẳng, gần nguồn nước, bố trí theo lối phòng thủ. Quanh làng thường có hai lớp rào bằng gỗ kiên cố, lớp trong ngăn không cho trâu bò, dê, lợn vào làng phá hoại cây trồng và làm mất vệ sinh, lớp ngoài ngăn không cho chúng ra rừng. Cổng làng là những đoạn rào thấp hơn, bắc một số thân cây làm cầu thang. Các nhà trong làng được quy hoạch thành vòng tròn hoặc hình bầu dục, ở giữa là sân làng, nhà công cộng và một cây cột buộc trâu khi làm lễ cúng yàng. Chuồng gia súc và kho thóc ở ngoài lớp rào trong, phía sau nhà ở. Nhà ở của người Cơ Tu là nhà sàn, nóc hình mai rùa, mái lợp lá hèo hay lá mây rừng, xung quanh nhà che bằng vách nứa. Nếu là nhà hai gian thì không có cột chống nóc ở giữa như nhà gươl, chỉ những nhà có nhiều gian mới có cột chống nóc ở giữa nhà. Mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà gồm có: Gian giữa làm nơi thờ tự, tiếp khách, hội họp chung. Nhà của người Cơ Tu còn làm thêm những phòng nhỏ nhô ra khỏi mặt sàn và cao hơn mặt sàn nhà khoảng 30 – 40cm để làm nơi ngủ và chứa đồ, mọi người thường ngủ quanh bếp. Bên trong chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn là một cặp vợ chồng và con cái của mỗi gia đình với 1 bếp riêng. Phía trước có cửa chính thông ra một cầu thang đi xuống sân. Mọi sinh hoạt, ăn, nghỉ… đều diễn ra xung quanh bếp lửa.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Làng là đơn vị dân cư trên một địa vực nhất định và riêng biệt, tự quản dựa vào tập tục, đứng đầu là ông “già làng” được nể trọng. Sự phân hoá xã hội chưa sâu sắc. Trước đây, gia tài của người Cơ Tu được xác định bằng chiêng ché, trâu, đồ đeo trang sức, vải. Ngày nay, là ngôi nhà, đồ đồng, vàng bạc và tiền. Trong cộng đồng làng Cơ Tu quan hệ khá chặt chẽ. Trong làng có già làng và trưởng thôn cùng tổ chức dân làng sản xuất và phát triển cuộc sống.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Gia đình Cơ Tu là gia đình nhỏ phụ hệ, con lấy họ theo cha, chỉ con trai mới được thừa hưởng gia tài. Mỗi dòng họ Cơ Tu đều có tên gọi riêng. Người trong họ phải kiêng cữ một điều nhất định gắn với chuyện kể về lai lịch của dòng họ. Theo tập tục của người Cơ Tu, khi người họ này lấy vợ người họ kia, thì người họ kia không được lấy vợ họ này, mà phải tìm ở họ khác. Tập tục người Cơ Tu cũng cho phép khi chồng chết, vợ có thể lấy anh em chồng, khi vợ chết chồng có thể lấy em hay chị vợ. Việc kết hôn thường mang tính gả bán và sau lễ cưới cô dâu đến ở nhà chồng. Chế độ một vợ một chồng phổ biến, nhưng cũng có một số người khá giả lấy hai vợ. Cưới xin của người Cơ Tu gồm các bước:  chạm ngõ (Ga noo), lễ cưới (Bhrớ bhiếc) và lễ trưởng thành (Pa zùm). Cả 4 bước hôn lê, đồng bào Cơ Tu đều thể hiện nét văn hóa đặc trưng: nói lý – hát lý, múa za zã, đánh cồng chiêng. Lễ chạm ngõ (Ga noo) bao giờ cũng có người mai mối chủ trì thực hiện với sự tham dự của cha mẹ, họ hàng, anh em hai bên gia đình. Sau lễ chạm ngõ từ 3 đến 1 năm, nhà trai Cơ Tu thường chọn ngày trăng tròn để làm lễ cưới (Bhrớ bhiếc): Nhà trai phải mang lễ vật đến nhà gái làm lễ trước bàn thờ gia tiên để xin dâu. Đại diện nhà gái trao cho nhà trai chiếc tù và bằng sừng trâu. Nhà trai thông báo sự có mặt của mình bằng một hồi tù và. Những người lớn tuổi, có kiến thức, biết nói lý, hát lý được hai bên gia đình chọn ra để kết nối và giao lưu tại nhà trai sau buổi đón dâu. Ngoài lễ vật xin dâu, nhà trai chuẩn bị sẵn cơm, thịt, nhất thiết phải 3 nhóm mâm cỗ chính để thết đãi khách nhà gái: Mâm chính giữa thết đãi các bậc cao niên, họ hàng nhà trai và nhà gái; mâm bên phải dành thết đãi những người lớn tuổi, bà con trong thôn bản; mâm bên trái dành thết đãi phụ nữ. Ngoài ra, còn có các mâm dành chiêu đãi thanh niên trong làng. Sau phần nói lý, hát lý và trao của hồi môn (chú rể trao chiêng cho bố mẹ vợ, cô dâu trao tấm tút cho bố mẹ chồng, nhà trai trao nhà gái rất nhiều lễ vật, đặc biệt phải có một con trâu) là nghi thức Dưm (nghi thức cảm tạ đất trời), các mâm cỗ đậy kín được mở ra. Hai bên gia đình và khách mời có mặt tại cưới cùng tham gia văn nghệ: nhảy múa, đánh trống, thanh la theo nhịp điệu Pơr Lư. Trước đây, đám cưới còn tiếp tục bằng lễ dựng cây nêu, đâm trâu mừng hạnh phúc, cầu khẩn thần linh cho mùa màng bội thu, họ hàng, buôn làng mạnh khỏe, sống lâu, đôi trẻ trăm năm hạnh phúc…  Cặp vợ chồng trẻ nhận được một phần xôi, gà, vừa ngồi ăn học vừa gắp thức ăn cho nhau, uống chung một bát rượu và nguyện thề sống với nhau trọn đời. Sau lễ đâm trâu, chủ nhà cắt đuôi trâu ném lên ngọn cây, cầu mong đôi vợ chồng hạnh phúc. Một phần thịt trâu đem chế biến chiêu đãi dân làng và chia đều cho họ hàng bên nhà gái. Mọi người dự lễ cưới cùng nhau nhảy múa “tung tung” (đối với nam) – “da dá” (đối với nữ) trong nhịp điệu cồng chiêng. Nhà trai và nhà gái ngồi lại để dặn dò đôi vợ chồng trẻ. Hiện nay, người Cơ Tu đã lấy lợn hay các động vật 4 chân khác thay thế lễ vật trâu (xưa), vì thế, đám cưới cũng không có tục dựng cây nêu như trước đây. Lễ trưởng thành (Pa zùm): tổ chức tại nhà trai, khoảng 2 – 3 năm sau ngày cưới. Sau lễ này, đôi vợ chồng mới được quyền sinh con và cô dâu mới được đưa về ở hẳn bên nhà chồng. Sau lễ cúng, mọi người quây quần bên nhau cùng ăn, uống, hát, múa và biểu diễn cồng chiêng. Ngày nay, tập tục hôn nhân của đồng bào Cơ Tu có thay đổi trên cơ sở bình đảng, tự do yêu đương, nhưng chỉ có 1 vợ 1 chồng, nhưng tục nói, hát lý…truyền thống vẫn được duy trì.

Tập tục tang ma

Người Cơ Tu quan niệm: chết không phải là hết, chỉ là sang làng khác, sang một thế giới khác. Do vậy, mọi sinh hoạt đều giống như người còn sống. Bên phần mộ bao giờ cũng được trồng các loại hoa màu với ngụ ý cung cấp lương thực cho người đã khuất, đồng thời được chia những vật dụng như chiêng ché, dao, cuốc (phải đập vỡ hoặc đâm thủng) để phân biệt với thế giới của người sống. Người chết, được quàn bằng quan tài độc mộc, đem chôn kín hoặc không lấp đất. Họ sẽ “dồn mồ”, sau ít năm mai táng, có đủ điều kiện kinh tế, gia đình, nhằm tập trung hài cốt của tất cả người quá cố trong làng, cùng làm lễ tiễn hồn một ngày. Lễ dồn mồ có có mổ trâu, làm nhà ma rất đẹp, trang trí cầu kỳ. Khi trong làng có người chết xấu (chết đường, chết chợ, chết trẻ, thai nghén, tai nạn, tự tử, đuối nước…), người ta cắm các cây chơ rông ở tất cả các hướng vào làng để làm dấu, cấm người lạ vào làng. Đồng thời, dân làng thường phải rời nhà, bỏ rẫy, trốn khỏi nơi xảy ra cái chết. Xác chết phải chôn thật sâu vào các góc tối của rừng, đất phải thật nặng để nước xấu ở đó không thoát ra ngoài. Gia đình có người chết xấu phải cúng đuổi tà ma và không được ra khỏi nhà trong 6 ngày đêm. Ngày nay, lễ cúng ma của người chết xấu đã rút ngắn còn 3 ngày đêm, tại 2 địa điểm (nơi họ đập phá nhà cửa chuyển đi, nơi họ vừa chuyển tới). Lễ vật cúng tế là lợn hoặc gà con, cúng làm 4 lần (2 lần đầu, họ cúng khoanh vùng khu đất vừa chuyển đến; các lần còn lại, họ cúng nếu ai vào khu vực này). Khi trong làng có người chết bình thường (chết già, ốm đau,…không có máu), gia chủ báo hiệu bằng một hồi chiêng, trống.Tang ma chỉ 1-2 ngày, có thể mang ra nghĩa địa chôn lộ thiên, để lộ ra ngoài không khí, tạo cơ hội cho linh hồn thoát ra, trở về với gia đình. Trên nắp, quan tài để những thức ăn, đồ dùng mà người đã khuất thích khi còn sống. Lễ mở cửa mả (bỏ mả), diễn ra sau 1 – 2 năm. Khi đó người thân, bạn bè đọc những kinh cầu nguyện, cùng với tiếng cồng, chiêng để nâng quan tài ra khỏi hố, đặt sâu trong các quan tài của tổ tiên hoặc ngang mặt đất, tưới rượu để linh hồn người chết vui chơi cùng tổ tiên ở cuộc sống vĩnh hằng. Từ nay, linh hồn người chết sẽ đi mây về gió phù họ cho mọi điều tốt đẹp. Lễ mở cửa mả còn mang ý nghĩa cầu mùa cho cả bản làng, gia đình, làm giảm cơn tức giận của thần linh, giải tỏa tâm lý sợ hãi, nặng nề trước nỗi ám ảnh của cái chết, đồng thời mang lại sự bình yên cho cuộc sống.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Dân tộc Cơ Tu tin vào vạn vật hữu linh. Mọi vật xung quanh: con người, cỏ cây, sông núi đất đai.. đều có linh hồn. Sự sống, cái chết, đói nghèo, no đủ, bệnh tật … phần lớn phu thuộc hai vị thần là thần mặt trời (Abhuyh-Plêếng) và thần đất (Ahuyh-Catiếc). Vì thế, hàng năm, người Cơ Tu có nghi lễ thờ cúng thần bằng nghi lễ làm một cây nêu, cột gưng, trang trí nhiều loại cây, hoa trong vũ trụ để đâm trâu hiến tế.

Trích đoạn lễ tạ ơn Yàng Xứ của dân tộc Cơ Tu, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Người Cơ Tu quan niệm rằng, mọi vật có thể tồn tại và phát triển được là nhờ có linh hồn. Người Cơ Tu gọi lực lượng siêu nhiên vô hình, thiêng liêng là Yàng Xứ (thần linh) gồm: Yàng trời, Yàng đất, Yàng sông suối, Yàng núi rừng…. Các vị thần ấy quyết định sự sống trên trái đất, chi phối sản xuất và số phận con người. Vì thế, khi thu hoạch mùa vụ xong, bắt đầu một mùa gieo trồng mới (khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch), đồng bào Cơ Tu thường tổ chức Lễ tạ ơn Yàng Xứ, đã phù hộ dân bản được mùa màng bội thu, thóc đầy bồ, gà đầy chuồng… , cầu mong Yàng Xứ lại phù hộ, chở che cho bà con buôn làng dồi dào sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, no ấm, đủ đầy. Đây cũng là dịp để đồng bào gặp gỡ, trao đổi học hỏi kinh nghiệm sản xuất, vui mừng múa, hát và tham gia vào các các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc trong âm vang cồng chiêng, trống rộn rã khắp buôn làng.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Cơ Tu có nhiều truyện cổ kể về sự tích, về xã hội con người, về sự phát sinh các dòng họ… Trong lễ hội, người Cơ Tu thường biểu diễn múa tập thể: nữ múa Dạ dạ, nam múa Tung tung. Nhạc cụ phổ biến của người Cơ Tu gồm có bộ chiêng 3 chiếc, cồng 1 chiếc, trống, sáo, đàn, nhị. Phụ nữ tài nghệ trong việc dệt các đồ án hoa văn bằng sợi màu trang trí với các hoạ tiết hình học phân bố và kết hợp khéo léo, chì và cườm trên vải. Nam giới  giỏi trong điêu khắc trang trí ở nhà mồ, nhà công cộng, với những hình đầu trâu, chim, rắn, thú rừng, gà… cũng như trong việc vẽ hoa văn trang trí trên cột gưng.

Đơn ca nữ “Tình ca Cơ Tu”, sáng tác: Nhạc sỹ Trần Quế Sơn do B’ H Nướch Thị Hiền và tốp múa đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Nam biểu diễn.

Màn trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Giẻ Triêng, Cơ Tu do đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Nam trình diễn. Đó là trang phục thường ngày và lễ hội, mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Phụ nữ Giẻ Triêng ngày thường mặc váy ngắn, dạng váy tấm, kéo cao che kín ngực, khoác thêm tấm choàng làm áo khi mùa lạnh. Ngày cưới, phụ nữ mặc váy ống, kéo cao, che ngực. Trên áo, váy được dệt trang trí các khoang vải ngang màu trắng, đỏ, choàng thêm tấm vải tạo thành áo. Nam giới Giẻ Triêng đóng khố, khoác chéo tấm choàng trước ngực hay choàng sau lưng buộc mối về phía trước. Trang phục ngày cưới của phụ nữ Cơ Tu là chiếc áo ngắn tay, váy ống, trang trí nhiều họa tiết hoa văn thổ cẩm trắng đỏ, đội mũ vải thổ cẩm, phủ kín tai, đeo dây truyền bằng mã não. Chú rể đóng khố, choàng khoác theo hình chữ X, dệt trang trí nhiều hoa văn thổ cẩm, đeo hoa tai bằng bạc.

Tết, lễ hội cộng đồng

Tết của người Cơ Tu tổ chức theo làng. Vào khoảng tháng giêng, tháng hai dương lịch, sau mùa tuốt lúa, đồng bào tỏ chức các nghi lễ cúng lúa tại nhà và nhà công cộng. Tết cũng là dịp ăn uống và đón tiếp khách vui vẻ. Ngày nay, nhiều nơi tổ chức Tết vào dịp tết Nguyên đán hoặc sau vụ mùa thu hoạch.

Mừng lúa mới (quai pthăc brău) là một trong những lễ hội văn hóa đặc sắc, mang đậm truyền thống của người Cơ Tu ở các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Lễ hội là dịp để dân làng Cơ Tu mừng vụ lúa mới, góp vật, góp sức làm lễ tạ ơn thần linh đã ban cho mưa thuận gió hòa, mang đến cho dân làng một vụ mùa bội thu, cầu cho năm mới được mạnh khỏe, ấm no. Mừng lúa mới cũng là dịp để dân làng tề tựu, cúng tế, cùng góp công, góp của cúng thần, chia sẻ niềm vui được mùa. Nam nữ trong trang phục truyền thống đẹp nhất, hòa vũ điệu cùng âm vang của cồng chiêng. Các chàng trai khỏe mạnh với lao và khiên trong điệu nhảy, các cô gái duyên dáng trong vũ điệu Tâng tung Ya Yá đã làm nên nét đặc trưng văn hóa của cư dân Cơ Tu ở Khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trích đoạn lễ mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu do đoàn nghệ thuật quần chúng dân tộc Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam trình diễn.