Giẻ Triêng

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Giẻ Triêng có hơn 50.962 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú chủ yếu ở các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Tên gọi khác: Dân tộc Giẻ Triêng còn gọi là Cà Tang hay Giang Rẫy, Đgiéh, Ta Reh, Giảng Rây, Pin, Triêng.
Ngôn ngữ: Tiếng nói Giẻ-Triêng thuộc ngôn ngữ Môn – Khmer, ngữ hệ Nam á.

Sản xuất nông nghiệp

Những năm 40, thế kỷ XX, kinh tế nông nghiệp Giẻ – Triêng mới thoát khỏi giai đoạn chiếm đoạt tự nhiên, chuyển sang kinh tế tự túc tự cấp, sống bằng làm rẫy, theo lối phát, đốt, chọc, trỉa. Mỗi thửa đất canh tác khoảng 3-4 vụ, đồng bào lại bỏ hoang, khoảng  4-10 năm sau mới canh tác trở lại. Công cụ sản xuất gồm: rựa (bác), rìu (chuâng), dao quắm để phát, gậy đẽo nhọn đầu hoặc có mũi sắt để chọc lỗ khi gieo trỉa; cuốc con có cán bằng chạc cây để làm cỏ. Trong đó, cuốc (mna) có hình dáng nhỏ, lưới rẻ quạt, là công cụ tự rèn hết sức đặc trưng của người Giẻ – Triêng, ít thấy ở dân tộc khác, thích hợp với việc làm cỏ rẫy. Xưa kia, đồng bào chủ yếu trồng lúa nếp, sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên, nên chu kỳ canh tác gắn liền với nghi lễ cúng thần: Khi chọn đất, họ phải cắm cành lá xanh trước cửa nhà, mơ thấy vật chết, đá lăn, nồi vỡ phải chọn đất khác; gặp con mang, hay bìm bịp kêu thì phải trở về. Mơ thấy ao nhiều nước, cây chuối, lúa trổ bông…thì đánh dấu, đến đầu tháng hai (khh bhar) phát rẫy.  Ngày phát rẫy (chiếc ôn) phải làm lễ (hesl mia), cúng rượu, gà tại rẫy, đựng máu vào lá cây khoai môn, vẩy máu vào chỗ đã phát thử, với ngụ ý dâng lễ vật cho thần đất, vẩy vào những nơi có cây đa, phong lan hay tảng đá to, cầu thần linh, trời không mưa. Ngày gieo trỉa lúa (mor ôn), phải làm lễ cúng hồn lúa (si bar thiêng) bằng cách bôi máu gà vào gùi đựng thóc giống, mang ra rẫy cúng thần. Tại rẫy, họ lấy máu con gà khác bôi lên thóc giống và vẩy xuống đất rẫy, rửa vật thiêng của dòng họ, gieo hạt ge rang có màu đỏ như rau dền xuống đám rẫy vẩy máu gà, với hy vọng, thần lúa và hồn lúa trong thời gian sống ở trên rẫy, sẽ “trú ngụ” trong những cây ge rang này, máu và vật thiêng sẽ “hỗ trợ” cho hồn lúa phát triển cho gia đình 100 gùi thóc. Trỉa lúa xong, họ làm lễ Pét nao dâng cúng gà, cá, cơm nếp, rượu, xin tổ tiên phù hộ cho lúa mọc. Sau khi thu hoạch xong, họ  lấy cây ge rang để làm lễ rước hồn lúa từ rẫy về nhà sau khi các gia đình làm xong lễ ge rang đưa hồn lúa lên nhà kho.  Các bà chủ nhà lên rẫy, vừa bẻ ngọn ge rang (cả lá và hoa), vừa nói: Xin đưa thần lúa và ge rang về nhà. Trên đường về nhà, mỗi khi đến các ngã ba đường, gặp suối… bà phải cắm ngọn cây ge rang và bắc cầu tại đó, bẻ ngọn cho hướng về nhà mình, chỉ đường cho thần lúa đi. Về đến nhà, bà chủ buộc ge rang vào cầu thang, cửa nhà, cột chính, gác bếp, kho thóc… cầu xin thần lúa phù hộ cho gia đình khoẻ mạnh, mùa màng tốt tươi, không ai đụng vào. Lễ ge rang của làng, ai cũng phải tham gia, dân làng giết con lợn, lấy máu trộn với đất, rắc trên đường đi lên rẫy, đường đến nguồn nước, đường vào làng, sân chung của cộng đồng… cầu xin các thần tha tội. Làm lễ xong, dân làng kiêng hai ngày không ra khỏi làng và cũng không cho người ngoài vào làng mình. Gia đình nào thu được 100 gùi trở lên, phải làm lễ cúng tạ ơn thần lúa (tập ta be si bar thiêng), để tạ ơn các vị thần linh và khao đãi dân làng. Sau nghi lễ lấy máu vật hiến tế bôi lên ba gùi lúa, thày cúng cắt tiết ba con gà cho máu chảy vào ba gùi lúa trên, gia đình và dân làng bốc lúa ném khắp nhà cho đến hết. Cuối cùng, các gia đình làm lễ mở kho lúa (đóh ka ra hu mi ka ra) (cất lúa vào kho, kết thúc vụ mùa vất vả). Ngày hôm sau, gia đình mới được phép lấy thóc trong kho ra dùng. Ngày nay lúa tẻ giữ vị trí chủ đạo, máy cày, máy suốt xuất hiện, kỹ thuật canh tác tiến bộ đã thay đổi nhận thức của đồng bào, vì vậy, quy trình canh tác đã giảm bớt các lễ thức cúng thần, chỉ còn lễ cúng gieo hạt, cúng ge rang và cúng mở kho lúa được duy trì.

 Ngoài rẫy, người Giẻ – Triêng còn làm ruộng nước ở những khu vực thung lũng và làm vườn nhà trồng ngô sắn, rau đậu, bầu, bí, làm vườn rừng, trồng cao su, quế, bo bo, kê, khoai lang, khoai môn, bầu bí, dưa, thuốc lá, bông, mía, chuối, ớt, càĐồng bào dựa vào chu kỳ mặt trăng để tính ngày sản xuất: tháng 1- phát rẫy; tháng 3- đốt rẫy; tháng 4- dọn rẫy; tháng 5- trỉa hạt; tháng 6 -10, làm cỏ 3 đợt; tháng 11  12, thu hoạch.  Chăn nuôi chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của người Giẻ Triêng, đồng bào chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm: Trâu, bò, lợn, dê, gà, vịt theo lối thả rông theo đàn 5-10 con. Nay có nhiều nhà nuôi dê để giết thịt và bán.

Kinh tế tự nhiên

Săn bắn, hái lượm, đánh cá chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của người Giẻ Triêng. Mỗi vụ mùa chuẩn bị thu hoạch, nam giới thường tranh thủ làm các loại bẫy, nỏ để săn bắt thú, hạn chế thú rừng phá hoại mùa màng. Vì quan niệm vật có hồn, hồn trú ở đầu con vật, nên mỗi khi săn được thú to phải mang đầu con vật treo ở nhà rông. Hàng ngày, nữ giới đi rẫy tranh thủ hái rau, măng, nấmcải thiện cuộc sống. Cả nam lẫn nữ đều tranh thủ đi đánh bắt cá. Những người đi đánh bắt cá lần đầu không nói chuyện một mình và với bất cứ người nào. Dụng cụ đánh bắt cá, hái lượm chủ yếu có các loại gùi, giỏ, chài lưới. Chuẩn bị đến tết, đàn ông trong làng ngăn suối, đánh cá tập thể để lấy cá cúng thần và liên hoan.

Nghề thủ công

Đồng bào Giẻ – Triêng vẫn duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống như: đan lát, mộc, rèn, gốm, nấu rượu. Hàng năm, nam giới chọn thời điểm cuối mùa mưa (tháng 6,7, 8), lúc nông nhàn để vào rừng khai thác mây, tre, lồ ô, làm nan đan lát. Các sản phẩm làm ra gồm: túi đựng hạt giống (bhyng tỉ tỉ), gùi lúa, gùi ngô sắn, giỏ nhỏ gùi rau (choong con con) của trẻ em, gùi 3 ngăn đi săn (Ka léc) của nam giới, giỏ vừa đi rẫy hái rau (choong rên rên), giỏ tuốt lúa (teo choong choong),  nong đựng, phơi lúa, ngô sắn (lơ niang), nia (xơ niang) dùng phơi nông sản, rổ đựng rau (kdất), gùi đựng lúa gạo tại nhà (xa lá), sàng xẩy lúa gạo (xodhoong), phên (giong) để rào vườn. Ngoài ra còn có các loại đồ gia dụng, mâm cơm, hộp cơmNghề rèn tương đối phát triển. Trước đây, trong làng có hơn chục lò rèn, họ sử dụng các loại công cụ (ống bễ, bễ, kìm, kẹp, đôn sắt, đe rèn, đá mài) và các nguyên, nhiên liệu rèn (sắt, than củi), sản xuất ra rìu, dao, rựa, niếc (cuốc)…Việc rèn nông cụ rất quan trọng, nên, người Giẻ – Triêng còn có tết than (che ka cha), cúng tôn thờ than trước khi chặt cây long plây đốt lấy nhiên liệu rèn. Ngày nay, mỗi làng còn 1 đến 3 hộ duy trì nghề rèn. Tuy nhiên, các lò rèn chỉ đỏ lửa 3 tháng 6,7, 10 trong năm để rèn, sửa chữa nông cụ mỗi khi vào vụ mùa. Nghề dệt: phụ nữ Giẻ Triêng kế thừa kỹ thuật dệt cổ xưa để thực hiện quy trình: cán bông, bật bông, cuốn bông, guồng sợi, cuốn sợi, nhuộm màu,  dệt vải. Sản phẩm dệt phong phú gồm: váy nữ (sà lùng), áo (aoh), khố (xa lay), chăn địu (lết), khăn, tấm vải đơn, tấm dồ,..mô típ hoa văn trên vải chủ yếu là hạt dưa, hạt bông và những đường trang trí chỉ màu đỏ, xanh, trắng chạy ngang trên nền chàm.

Phương thức vận chuyển

Dân tộc Người Giẻ – Triêng chủ yếu dùng gùi vận chuyể. Gùi có nhiều loại, hình dạng, kích thước khác nhau: gùi đan thưa, đan dày, gùi đeo theo người hàng ngày, gùi để đồ tại nhà, gùi có hoa văn nan nhuộm đen, gùi không dùng nan nhuộm, gùi cho riêng nam giới… Ngày nay, đồng bào đi lại, vận chuyển bằng xe đạp, xe máy.

Trao đổi hàng hóa

Trước đây, đồng bào Giẻ – Triêng thường đổi hàng lấy hàng theo giá trị vật ngang giá, trâu, bò, ngựa, voi, lợn, gà, chó… Trong đó trâu là vật ngang giá trong việc trao đổi vật quý như chiêng, ché và hiến sinh trong lễ nghi tín ngưỡng Quan hệ hàng hoá trước kia dùng vật đổi vật, đổi 15 đến 20 tấm vải đẹp lấy 1 con trâu; 15  30 con trâu lấy 1 chóe. Ngày nay, bà con đã dùng tiền mua hàng ở các chợ huyện, thị xã mua hàng nông sản, chăn, muối…ra chợ bán. Hàng ngày có các xe hàng bán dong đến tận bản làng trao đổi với bà con, phục vụ các nhu yếu phẩm và đồ dùng sinh hoạt.

Văn hóa mặc

Thường ngày, đàn ông Giẻ Triêng đóng khố (Klai teng treo), khố Tênh (Klai Tênh), khố Lưng (Klai Ling), màu đen, ít hoa văn, cởi trần. Đàn bà mặc váy (Kai) dài kéo cao sát nách, khi mặc, quấn mép ra trước giữa thân, đầu váy còn thừa lộn ngược ra phía trước hoặc quấn thành nhiều nếp gấp ra xung quanh trông như một chiếc áo ngắn. Ngoài váy cao, chị em còn mặc các loại váy: (kle), váy ngắn, 1,2 m và rộng 0,55 m, chủ yếu dệt bằng sợi chỉ màu đen, hai đầu váy (cạp và gấu) có 7 cm được dệt trang trí bằng chỉ màu vàng, đỏ, trắng, đen, khi mặc, không kéo váy lên che ngực, mà gấp xuống phía dưới, rồi xoắn lại ở bên sườn, không mặc áo. Khi thời tiết lạnh, đàn ông đóng khố khoác tấm choàng (A day), đàn bà mặc váy, khoác tấm choàng. Đêm đến, đi ngủ đàn ông đắp tấm đắp (A Day), đàn bà kéo váy lên lút đầu và đắp tấm choàng nữ. Ngày lễ hội, cưới xin, nam giới mặc các loại khố K’Nhúc (Klai K’nhúc), có màu đỏ nổi bật, dệt trang trí 2 băng hoa văn,  mô típ K’nhúc, R’Ping, bằng kỹ thuật dệt đính cườm, phụ nữ để tóc dài quấn sau gáy, không  mặc áo mà mặc loại váy ống, dài cao sát nách, Kai XútKai pang, là 2 loại váy được dệt và trang trí đặc biệt hơn, màu đỏ chiếm toàn bộ trên các phần trang trí của váy, trên đó dệt các hoa văn Poók Voong, Voong, tượng trưng cho mũi tên độc để săn bắn thú rừng; pang hoặc  r’pang, tượng trưng cho những hạt gạo hoặc đường đi cõng hạt gạo của người Giẻ – Triêng… Đặc biệt, lễ hội của người Giẻ Triêng không thể thiếu tấm Dồ. Dồ có nhiều loại: dồ xút pa ga(Ra moong xút pa ga), có màu đỏ, hoa văn cách điệu từ màng nhện, tượng trưng cho sự đoàn kết của các thành viên trong cộng đồng; hoa văn Lăn, hoặc Coong Nhoong tượng trưng cho hạt bắp, đường lớn đi cõng hạt bắp; dồ Xút (Ra moong Xút), dệt 2 băng hoa văn màu trắng gọi là: Pang tượng trưng cho hạt gạo…dành cho đàn ông lớn tuổi khoác khi thổi Đinh Tút trong lễ hội cộng đồng, hay mặc cho những người già chết đi về thế giới bên kia. Hiện nay, tấm choàng không còn được sử dụng rộng rãi, thay vào đó là những chiếc áo may bằng vải công nghiệp. Đặc biệt, người Giẻ Triêng (nhóm Bnoong), là nhóm tộc người sử dụng xà cạp duy nhất ở vùng núi Trường Sơn Đó là loại xà cạp bằng vải chàm đen, dệt trang trí chỉ màu, quấn quanh bắp chân, phía dưới cổ chân còn đeo thêm vòng cườm ngũ sắc để đi rẫy và làm đẹp trong lễ hội. Người Giẻ – Triêng rất thích đeo đồ trang sức như vòng tay, vòng cổ, vòng chân, khuyên tai làm bằng kim loại, hạt nhựa, hạt cây rừng. Họ thường đeo vòng ở cánh tay trái, khi đi dự lễ hội đâm trâu. Y phục theo kiểu hiện tại đã thâm nhập tận các làng xa xôi hẻo lánh.

Màn trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Giẻ Triêng, Cơ Tu do đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Nam trình diễn. Đó là trang phục thường ngày và lễ hội, mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Phụ nữ Giẻ Triêng ngày thường mặc váy ngắn, dạng váy tấm, kéo cao che kín ngực, khoác thêm tấm choàng làm áo khi mùa lạnh. Ngày cưới, phụ nữ mặc váy ống, kéo cao, che ngực. Trên áo, váy được dệt trang trí các khoang vải ngang màu trắng, đỏ, choàng thêm tấm vải tạo thành áo. Nam giới Giẻ Triêng đóng khố, khoác chéo tấm choàng trước ngực hay choàng sau lưng buộc mối về phía trước. Trang phục ngày cưới của phụ nữ Cơ Tu là chiếc áo ngắn tay, váy ống, trang trí nhiều họa tiết hoa văn thổ cẩm trắng đỏ, đội mũ vải thổ cẩm, phủ kín tai, đeo dây truyền bằng mã não. Chú rể đóng khố, choàng khoác theo hình chữ X, dệt trang trí nhiều hoa văn thổ cẩm, đeo hoa tai bằng bạc.

Văn hóa ẩm thực

Mỗi ngày người Giẻ – Triêng ăn 3 bữa (sáng, trưa, tối), cơm là lương thực chính. Thực phẩm theo mùa, mùa khô, họ chủ yếu ăn các loại rớn, tàu bay; mùa mưa có rau su su, cà, đu đủ. Trong số các món rau, tập tàng là món rau tổng hợp (rau tầu bay, nấm, rau sắn muối chua) rất đặc trưng; mùa nghỉ ngơi có thêm các loại thức ăn săn bắn được như: chim, chuột, lợn, nai, cá Ngày lễ tết, đồng bào còn chế biến gạo nếp thành cơm lam (ngâm gạo, bỏ vào ống tre, cho nước, đốt cháy, chẻ vỏ cháy để ăn); bánh (gnắt) (làm bằng gạo nếp ngâm, gói lá dong, tạo hình núi, luộc chín để cúng thần linh; món canh lá sắn muối chua, phơi khô, băm với thịt cá, cho vào ống nứa đốt trên lửa, thịt, rau bỏ vào ống tre trộn gia vị (muối, ớt) nướng chín hoặc muối chua. Đặc biệt người Giẻ – Triêng có các món chế biến từ thịt chuột, thịt dúi, thịt ếch tẩm gia vị hấp trong ống nứa hoặc chặt nấu với cải hoặc lá sắn chua đã phơi khô. Thức uống của đồng bào là nước lá rượu cần chế biến từ gạo khô, sắn khô hoặc chế từ cây đoác mọc trên rừng. Nước đựng bằng vỏ bầu khô hay ống bương uống cả ngày.

Văn hóa ở

Người Giẻ Triêng có kiến trúc làng truyền thống gồm nhà rông, nhà dài từ 50 tới 200 mét, nay là các nhà ngắn. Nhà rông là công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất của cộng đồng, là nơi vui chơi, nghỉ ngơi, sinh hoạt lễ hội, tổ chức các cuộc họp dân làng, xét xử các vụ kiện, nơi lưu giữ các bộ sọ thú như là chiến tích săn bắn trong quá khứNhà rông người Giẻ Triêng là nhà 3 gian, kết cấu đầu hồi kiểu mái tròn, hai đầu nóc trang trí khau cút. Một số nhà rông giao thoa với dân tộc Ba Na, nên không có mái tròn và khau cút. Nhà rông có hai cửa đầu hồi và hai trước cửa. Trước đây, ngôi nhà rông phải đỏ lửa 24/24 để chống tà và dịch bệnh, ngày nay, chỉ dịp lễ tết, hội họp, có khách, ngôi nhà rông mới đỏ lửa, tấu chiêng, mời mọi người tới dự.

Nhà ở của người Giẻ Triêng trước năm 70, thế kỷ XX là nhà dài. Từ sau năm 70, thế kỷ 20 đến nay, chủ yếu là nhà sàn nhỏ 3 gian, 2 chái hay 4 gian 2 chái, mái tròn. Khung sườn kết cấu theo 8 hàng cột chính chạy dọc nhà từng cặp, kết cấu cột kèo, xà ngang, xà dọc. Rầm sàn theo kiểu khắc ngoãm, buộc dây rừng. Mái nhà lợp nứa, thân cây lồ ô. Vách nhà thưng bằng phên nứa hay tre đan kiểu lóng mốt hoặc lóng đôi, sàn nhà bằng gỗ hay lỗ ô đập dập hoặc ở nhà đất. Trong ngôi nhà có cửa chính ở giữa và 2 cửa phụ ở 2 đầu hồi. Khách vào nhà phải đi cửa phụ ở hồi nhà, trên sàn có 2 bếp, 1 ở gian ngoài là bếp chính, để đun nước sưởi lửa. Bếp còn lại ở phía sau gian đầu hồi dùng nấu ăn hàng ngày, cả hai bếp đều có gác để bảo quản nông sản, sấy khô thực phẩm, hạt giống. Gian phụ cạnh bếp chính là chỗ ngủ của các thành viên gia đình, giáp bếp chính là chỗ ngủ của chủ nhà còn có 1 sàn nước để cấp nước sinh hoạt hàng ngày. Ngoài nhà rông, nhà ở trong làng người Giẻ Triêng còn có nhà chòi trên rẫy và nhà kho chứa thóc là dạng nhà sàn 4 cột, kết cấu ngoãm buộc, 1 cầu thang. Ngày nay, phần lớn các gia đình đã chuyển sang nhà xây, trong nhà có bàn thờ tổ tiên và các đồ gia dụng hiện đại.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Làng vielt là đơn vị xã hội truyền thống của người Giẻ Triêng. Điều hành công việc của làng là chủ làng và hội đồng già làng, thủ lĩnh quân sự và các thày cúng. Nay hội đồng già làng bên cạnh ban chấp hành chi bộ, trưởng thôn, phó trưởng thôn, hội phụ nữ, bí thư đoàn thanh niên cùng thực thi các việc của làng theo pháp luật và chăm lo đời sống cộng đồng. Đồng bào Giẻ Triêng trong một làng có thể thuộc các họ khác nhau. Mỗi họ có truyền thuyết về cội nguồn của mình, có tên gọi và có kiêng cữ riêng. Xưa kia, có những họ của nữ, có những họ của nam. Quan hệ cộng đồng trong làng thường xuyên và khá chặt chẽ. “Già làng” có uy tín cao nhờ hiểu biết, nhiều kinh nghiệm, cũng thường là người có công dựng làng. Xã hội cổ truyền có nhiều biểu hiện về tàn dư mẫu hệ, hiện nay đã chuyển sang chế độ phụ hệ.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Theo tục lệ cũ, trẻ em khoảng 10 tuổi bắt đầu ngủ đêm tại nhà rông, con trai ngủ ở nhà rông, con gái ở nhà riêng tlống. Tối đến nam nữ tự do tìm hiểu người bạn đời, nếu ưng nhau, họ có tục lấy que củi chọc chân, đi tâm sự riêng, khoảng 13 – 15 tuổi, thì cà răng và sau đó vài ba năm sẽ lấy vợ, lấy chồng. Con gái chủ động trong việc hôn nhân của mình và sự lựa chọn của con cái được cha mẹ tôn trọng. Trước khi nên vợ nên chồng, các chàng trai phải biết đan lát, biết tấu chiêng, cồng và các cô gái phải thạo đan chiếu, dệt vải (ở những vùng có nghề dệt). Việc cưới xin trải qua nhiều bước: định hôn, hợp cẩn, trình làng, ra mắt họ hàng, từ giã nhà tồng, ăn hỏi, cướiTrong ngày ăn hỏi, cô gái phải tự chuẩn bị 100 bó củi đẹp từ trước để đem đến nhà trai. Trươc khi mang sang nhà trai, cô gái xin ý kiến của già làng,  gia đình, sau đó chuyển đống củi sang nhà trai. Người cõng củi ngoài cô dâu còn có các phụ nữ có chồng trong làng cùng giúp. Khi bó củi cưới đã tháo ra, cô dâu phải lấy thanh củi đầu tiên đưa cho chồng rồi người chồng mới chuyển cho bố mẹ của mình để họ tự tay xếp củi lên giàn đã chuẩn bị sẵn. Trong lễ cưới, khi làm lễ kết gắn cô dâu chú rể với nhau, thông qua việc họ đưa cơm với gan gà cho nhau cùng ăn và uống chung bát rượu, hoặc có nơi họ trùm chung tấm chăn. Nhà trai thường tặng nhà gái đồ đan và nhận được của nhà gái những sản phẩm dệt. Trước kia, đôi vợ chồng cư trú luân phiên mỗi bên gia đình vài năm. Ngày nay, sau khi cưới, họ về ở hắn bên nhà chồng.

Người Giẻ Triêng có tục, người vợ chuẩn bị sinh đẻ, người chồng phải làm lều ngoài rừng cho vợ đẻ. Sản phụ tự lo một mình trong sinh, sau 10 ngày mới được mang con về nhà. ứa bé được coi là thành viên của gia đình sau khi đã tiến hành nghi lễ cúng gia nhập vào cộng đồng dân tộc Giẻ Triêng.

Tập tục tang ma

Khi có người qua đời, người Giẻ Triêng đánh chiêng, trống báo tin cho dân làng, tắm rửa mặc quần áo mới. Người chết bình thường được nhập hồn trong quan tài đẽo độc mộc, có nơi tạc hình đầu trâu trên đầu áo quan, quàn xác ở tại nhà. Người chết bất đắc kỳ tử phải chôn ngay. Sau các nghi lễ cúng ma, hiến tế trâu (nhà giàu), hiến tế lợn (nhà nghèo), chuẩn bị tài sản cho người chết mang đi, người ta mới mang người chết đi chôn. Trong quá khứ, người Giẻ Triêng có tục chôn chung những người chết cách nhau không lâu trong gia đình vào một quan tài. Suốt 10 ngày khi làng có người mới chết, trước khi tang gia cúng “nhắc nhở” cho hồn người chết ở yên bãi mộ, dân làng không vào rừng, không đi làm xa nhà. Nghi thức đoạn tuyệt với mộ người chết (bỏ mả) thường được tổ chức vào dịp đầu năm tại cạnh ngôi mộ. Trong lễ này, người ta dựng nhà mồ, làm rào xung quanh. Những đồ vật đem ra mộ cho người chết nếu là chiêng, ché đều đập thủng hoặc vỡ. Người Giẻ Triêng nghiêm cấm người lạ vào nghĩa địa của làng, vì sợ ma giận sẽ trút lên dân làng mà bắt người làng đi theo.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Giẻ Triêng tin mọi thứ con người, cây cối, con vật, hòn đáđều có hồn, thần linh (thần nước, thần trời (đồng nhất với sấm sét), thần mặt trời, thần đất, thần làng, thần làng, thần lúa, thần đá, thần cây, thần cây đa…). Tất cả hồn, thần linh đều được người Giẻ – Triêng thờ cúng và xem điềm báo lành, dữ. Vật tế thần lớn nhất là con trâu. Ngoài các lễ nghi của từng gia đình, vào năm một lần cả làng tổ chức chung lễ cúng cầu an, tạ ơn thần linh, có đâm trâu tế thần.  Mỗi làng thường có vật “thiêng” như thứ bùa hộ mệnh, được cất giấu ở rừng và giữ bí mật với người ngoài. Dòng họ, gia đình cũng có vật “thiêng” để cầu mùa gắn với canh tác lúa. Ma người chết cũng được coi là một thế lực chi phối đối với cuộc sống. Liên quan đến thế giới siêu nhiên đó, có rất nhiều lễ thức tín ngưỡng theo tập tục. Đến nay, người Gié Triêng vẫn tồn tại đậm nét tàn dư ma thuật, để chống lại ma thuật phải có vật thiêng có thể là hòn đá hoặc răng nanh lợn) người chết đi vật thiêng không còn ý nghĩa.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Gié Triêng có khá nhiều truyện cổ, thơ ca phong phú, truyện cổ nội dung liên quan đến con người (tốt, xấu, thông minh, chăm chỉ, ngốc nghếch), liên quan đến sự hình thành con người, giải thích các hiện tượng tự nhiên, phản ánh lao động sản xuất, cuộc sống gia đình, quan hệ xã hội. Truyện thần thoại gắn liền với nguồn gốc cộng đồng,  sinh ra từ khỉ, từ trứng, từ chóTruyền thuyết chủ yếu nói về các vị thần. Thơ ca chủ yếu là thành ngữ, tục ngữ về kinh nghiệm sản xuất, câu đố về các sự vật, hiện tượng xung quanh. Nghệ thuật diễn xướng dân gian  phong phú với nhiều loại nhạc cụ khác nhau mà tiêu biểu là cồng chiêng và đinh tút. Người Giẻ Triêng chủ yếu sử dụng bộ cồng chiêng nil và ngô, một bộ nil có 4 chiếc: ko-trang-ko-xao có nghĩa con -cha, con trai-con rể. Bộ ngô gồm có pap-nê-kon-lot có nghĩa cha-mẹ-con út. Ngoài chiêng, người Giẻ Triêng còn sử dụng trống bọc da bò để hòa tấu cồng chiêng. Đinh tút của người Giẻ Triêng gồm có sáu ống dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau, được làm từ thân cây trúc. Các ống theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài đến ngắn nhất: Piđu, piđy, chel, chắk, rơn 1, rơn 2. Mỗi cây đinh tút có một lóng và được giữ nguyên một mắt, đầu rỗng được vót hai bên tạo cho ống có dáng hình phễu để thổi. Đinh tút được sử dụng trong lao động sản xuất, khi mùa xuân về, trong các dịp lễ hội của cộng đồng như: lễ lập làng, lễ mừng nhà mới, cưới hỏi… và đặc biệt nó luôn có mặt trong lễ hội Choóc đăil truyền thống, thường gọi là ngày hội đinh tút của người Giẻ Triêng. Cùng với chiêng, trống, đinh tút còn hòa tấu nhiều nhạc cụ khác: sáo(đinh ka ổi), đàn, sáo (ta oếh), sáo dọc (tà len), đàn pin pui, đinh (tà lun), khèn, đàn nhị, sáo dọc để thổi tâm tình, du con, đệm cho các điệu múa cổ truyền.

Tết, lễ hội cộng đồng

Người Giẻ Triêng có khá nhiều lễ hội để bày tỏ lòng thành kính với trời, đất, thần linh cầu cho mưa thuận giá hòa, gia đình ấm no hạnh phúc, bản làng phồn thịnh. Tiêu biểu phải kể đến các lễ hội: Cúng máng nước (diễn ra vào buổi tối có trăng tại máng nước đầu làng với lễ vật là một con gà trống, những sợi dây rừng  sợi dây vĩnh cửu để cúng máng nước, thần sông suối, cho dòng nước mát, cho tôm cá. Lễ cúng đất diễn ra trong tuần tháng 3 hàng năm, cầu đất không bị khô hạn, hoa màu tươi tốt; Tết cha-lei- lễ mừng lúa mới là lễ lớn nhất trong năm, diễn ra vào tháng 10, tháng 11 âm lịch khi thu hoạch; Tết ăn than cha kchah để xin thần cây cho than rèn chắc chắn đỏ lửa; Lễ ăn cơm mới diễn ra vào tháng 8 tháng 9 âm lịch- cúng thần lúa; Lễ ăn trâu mừng nhà rông; Lễ bỏ mảMỗi khi cúng bái đều có hiến tế, mà máu con vật hiến tế là quan trọng nhất. Lễ quan trọng liên quan đến thần lúa phải đâm trâu, hiến máu. Trong chu kỳ sản xuất hàng năm thường có lễ thức khi chọn đất rẫy, phát rẫy, gieo trỉa, khi hạn hay úng, khi mở đầu tuốt lúa, khi đưa lúa lên kho, khi được 100 gùi lúa trở lên và khi lấy thóc lần đầu về ăn. Gắn với chu kỳ đời người, có các lễ thức trong thời kỳ mang thai, trong và sau khi đẻ, khi đặt tên, khi bị đau ốm, khi cưa răng, trong việc cưới xin, khi chết đi. Tết dân tộc thường sớm hơn tết Nguyên đán, tổ chức theo làng.