M’Nông

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc có số dân 102.741 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú chủ yếu ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Quảng Nam, Lâm Đồng và Bình Phước
Tên gọi khác: Mnông Gar, Mnông Nông, Mnông Chil, Mnông Kuênh, Mnông Rlâm, Mnông Preh, Mnông Prâng, Mnông íp, Mnông Bhiêt, Mnông Sitô, Mnông Bu âng, Mnông Bu Nor, Mnông Bu êh..
Ngôn ngữ: Dân tộc Mnông thuộc chủng Indonesian. Ngôn ngữ Mnông thuộcngữ tộc ông thuộc ngữ tộc Môn-Khmermiền núi phía mer miền núi phía Nam.

Sản xuất nông nghiệp

 Truyền thống, người Mnông chủ yếu làm rẫy theo phương pháp: phát, đốt, chọc lỗ tra hạt. Một số ít cư dân Mnông ở vùng trũng ven hồ, đầm, sông làm ruộng nước. Trên đất rẫy, ngoài lúa, đồng bào còn trông ngô, khoai, sắn đậu, đỗ  Công cụ làm rẫy của người Mnông gồm: Chà gạc (wiêh), rìu (sung), gậy chọc lỗ (tak rmul), cuốc, cào cỏ (wăng êt)…Ngày nay, đồng bào phát triển trồng cây công nghiệp: cao su, cà phê, tiêu, điều. Đây là những cây công nghiệp đem lại thu nhập cho người dân hàng năm, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào Mnông.

Các nhóm Mnông đều phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm như trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt . Tuy nhiên, một số nhóm Mnông Gar, Mnông Chil chủ yếu sử dụng sản phẩm chăn nuôi để phục vụ các lễ hiến sinh trong chu kỳ sản xuất nông nghiệp cổ truyền. Các nhóm khác, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà còn để làm vật trao đổi hàng hóa. Ngày nay, các nhóm Mnông đều phát triển sản phẩm chăn nuôi thành hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Kinh tế tự nhiên

Người Mnông trước đây sinh sống dựa vào nguồn lợi tự nhiên. Nam giới tranh thủ thời gian nông nhàn để săn bắt thú rừng, bảo vệ mùa màng. Họ có kinh nghiệm săn lùng, săn rình và gài cạm bẫy quanh nương rẫy từ khi hạt lúa ngậm đòng. Đặc biệt, nam giới Mnông khá thành thục trong việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng thành vật nuôi trong gia đình. Khi voi đã về nhà, dù là voi săn được hay mua về thì việc đầu tiên là chủ nhà phải tổ chức lễ cúng (con lợn, ché rượu rlung, cơm, gạo, lá trầu có vôi, quả trứng, thịt băm cùng gan, lòng lá lách) cho voi để cầu phúc, xin cho voi “không bị vướng gai, vướng cây, ăn trong một cánh rừng, ở trong một vũng lầy, nằm trong cái ao nhỏ cũng vui. Ăn cỏ tranh một bụi cũng no, đứt dây buộc phải trở về chỗ cũ”. Xong nghi lễ, nài voi (người chăn voi) dắt voi đi thả ở một khoảng rừng nhất định, người ta xích voi vào một cây to bằng sợi xích to và dài, rồi thực hành một quá trình thuần dưỡng (kiềm chế, truy bức, răn đe, vỗ về, chăm sóc; tạo nên tập tính mới cho voi như: cho voi ăn muối, ăn thức ăn của đàn voi nhà, cho voi sống ở trong buôn để làm quen với những tiếng người huyên náo trong các dịp hội hè, nhịp chày khua cối, âm thanh của cồng chiêng, tiếng nỉ non của khèn bầu, đàn dây, kèn môi… lâu dần, voi mới yên lòng và dịu đi những tập tính hoang dã), nghe sự điều khiển của nài voi, và quen được với lao động vận chuyển nặng nhọc theo yêu cầu của con người. Hàng năm, đồng bào còn tổ chức cúng sức khoẻ cho voi long trọng như cúng cho người.

Người Mnông  thu hái lá khổ qua rừng (lha mpang vri), trái núc nác (play pa lung), lá nhíp, hoa núc nác (play pa lung), đọt mây (ngkur ngêl), măng rừng để chế biến các món. Đồng bào còn đánh bắt tôm, cá ở khe, suối

Nghề thủ công

Người Mnông có các  nghề thủ công: Dệt vải, đan lát, rèn, mộc. Trong đó, nghề dệt vải sợi bông truyền thống đã tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của buôn làng. Phụ nữ đảm nhiệm toàn bộ quy trình dệt vải. Họ tự trồng bông và sử dụng nguyên liệu nhuộm màu có sẵn trong thiên nhiên: màu đen (tượng trưng cho đất, lấy từ tro và rễ, lá cây); màu đỏ (tượng trưng cho sự dũng cảm, sức mạnh siêu nhiên, khát vọng tình yêu, lấy từ cây???? ); màu xanh (tượng trưng cho màu của trời, sông núi, lấy từ lá chàm); màu vàng (tượng trưng cho sự hài hoà, mơ ước, khát vọng trong cuộc sống của con người Tây Nguyên, lấy từ củ nghệ và cây Hoàng đằng). Từ quả bông, qua công đoạn bật bông, cán bông, cuốn cúi, kéo sợi, nhuộm sợi, chị em bắt đầu lên go, dàn sợi dệt vải trên khung dệt khổ rộng, người dệt ngồi bệt xuống nền nhà, lấy chân làm thanh căng. Sản phẩm dệt của phụ nữ Mnông chủ yếu phục vụ cuộc sống tự cung tự cấp theo nhu cầu của mỗi gia đình, gồm: áo, váy, khố, tấm choàng, địu…, Các sản phẩm sử dụng nền chàm chủ đạo, dệt trang trí các đường hoa văn ngang bằng chỉ khác màu, gồm đường thẳng và các mô típ: hình thoi, tam giác, cây cỏ, hoa, chim, thú… Những năm gần đây, phần lớn cư dân Mnông chuyển sang sử dụng vải mặc công nghiệp có sẵn trên thị trường, nghề dệt vải thủ công mất nhiều thời gian, giá thành cao, tiêu thụ ít khiến cho nghề dệt thổ cẩm của người Mnông bị mai một dần.

Nghề đan lát do nam giới đảm nhiệm. Vào khoảng tháng 8, lựa những ngày cuối tháng, không có trăng, thân tre ít nước, không bị mọt, nam giới Mnông vào rừng chọn lồ ô, tre, mây… về chẻ nan (không quá dày, không quá mỏng), phơi nắng, nhuộm màu để đan lát.  Người Mnông có cách nhuộm tre, nứa cổ truyền trước khi đan sản phẩm bằng lá cây Trum, giã nhuyễn, ngâm nan đan, tạo màu xanh đen để đan kết với nan mộc, nan cật tạo các hoa văn trang trí trên đồ đan. Sản phẩm đan lát gồm: gùi các loại (gùi thân tròn, thon, gọn, đan dầy để chuyển lúa, cà phê, tránh rơi vãi trong quá trình vận chuyển; gùi đan thưa ở giữa phần thân với nhiều ô hình lục giác,rộng khoảng 3 – 4 cm, để gùi rau, củi, gùi đi săn…)., giỏ tra hạt, bao dao, mùng, giỏ bắt cá… Để có một sản phẩm gùi hoàn thiện, đan cải hoa văn đẹp có khi, anh em phải mất 2-3 tuần. Khi đan gùi, từng chi tiết như đế, quai gùi (sah) cũng phải đan tỷ mỷ, tính toán chi tiết với nhiều sợi dây mây nhỏ, đan bắt chéo nhau thật khít, tạo độ bền chặt. Phần đầu dây quai đeo phải được đan rộng hơn phần cuối dây nhằm tạo sự thoải mái, tránh bị đau vai khi mang các vật nặng. Đế sah phải làm gỗ cây cóc rừng, có đủ độ mềm để làm mỏng, hoặc dùng bốn thanh tre già chắc siết chặt ở 4 góc đế để tạo điểm tựa vững chãi, sah không bị đổ khi được thả xuống.

Phương thức vận chuyển

Người Mnông dùng gùi vận chuyển lương thực, củi từ nương rừng, rẫy về nhà và vận chuyển nông sản ra chợ bán. Ngoài ra, người Mnông còn thuần dưỡng voi rừng ddeer vận chuyển gỗ, lúa gạo, giúp dân làm nhà ở. Một số vùng gần sông, hồ, đồng bào sử dụng thuyền độc mộc làm phương tiện vận chuyển

Trao đổi hàng hóa

Xưa kia, đồng bào Mnông thường đổi nông, lâm sản, ngà voi lấy nồi, ché, chiêng và nhu yếu phẩm với các thương nhân người Kinh, Lào, Campuchia. Vài chục năm trở lại đây, đồng bào phát triển sản xuất, chăn nuôi, thủ công đan lát, dệt  phát triển, sản phẩm làm ra mang ra chợ bán hoặc có thương lái đến tận buôn thu mua. Đồng bào dùng tiền ra chợ, các cửa hàng mua nhu yếu phẩm và các đồ dùng sinh hoạt, đồ điện tử, phương tiện vận chuyển …

Văn hóa mặc

Nam giới Mnông ngày xưa đóng khố, mặc áo chui đầu. Hiện nay, loại y phục này chỉ sử dụng trong các dịp lễ hội, ngày thường họ mặc quần âu, áo sơ my, áo bộ đội. Phụ nữ Mnông mặc áo và váy. Áo màu chàm thẫm, có tay hoặc không tay, dáng vuông, suông. Trên áo dệt trang trí các băng hoa văn chạy ngang màu đỏ, vàng nổi trội, đan xen các mô típ ô trám, hạt dưa…Váy (Su băn) dệt bằng vải bông tự trồng, sợi to thô, nền màu xanh đen, dệt trang trí các khoang hoa văn ngang cách đoạn, các màu trắng, xanh, đen, đỏ. Phần trang trí dày đặc chủ yếu là gấu và một đầu váy (phần quấn ra bên ngoài), khoảng 11cm từ biên vải, dệt trang trí một mảng hoa văn  bằng chỉ mầu xanh, đỏ, trắng với hoạ tiết: hình tam giác (nơ tớp), cổ chim gáy, cái chà gạc, hình thoi, hình người, hình mắt mèo, hình răng cưa. Giữa các nhóm Mnông có sự khác nhau trong cách trang trí các hoạ tiết hoa văn, nhưng đều là loại váy quấn. Khi mặc, người ta quấn váy quanh eo, mép váy giắt vào thắt lưng.

Người Mnông thích đeo nhiều đồ trang sức: vòng cổ, vòng tay, vòng chân, hoa tai, nhẫn bằng đồng, bằng bạc hay chuỗi hạt cườm ngũ sắc. Vòng cườm (Mai Rban) có nhiều loại: loại dài, ngắn, hạt to, hạt nhỏ, xâu thành một chuỗi gồm các mầu: đỏ, vàng, xanh da trời, xanh đậm, xanh đen. Đây là một loại trang sức cổ truyền của phụ nữ dân tộc Mnông đồng thời nó còn là một trong những vật kỷ niệm trong các cuộc hiến sinh, lễ kết nghĩa anh em, bạn bè. Vòng đồng tượng trưng cho sự giao ước với thần linh thay lời hứa hôn của đôi trai gái theo tập tục cổ truyền. Xưa kia, tập quán cà răng, căng tai phổ biến ở lứa tuổi thanh niên nam, nữ trưởng thành. Hoa tai là một khúc ngà voi, một khúc tre, hay một thỏi gỗ quý. Dái tai của một số người già có khi xệ xuống chạm vai và như thế được coi là đẹp, là người sang trọng. Cùng với tập tục cà răng, căng tai, phụ nữ Mnông có tập quán nhuộm răng đen và ăn trầu. Ngay nay, tục cà răng, căng tai, nhuộm răng đen không còn, chỉ có người già còn ăn trầu. Nam nữ thanh niên mặc y phục hiện đại, họ chỉ mặc trang phục truyền thống khi tham gia lễ hội và đám cưới.

Văn hóa ẩm thực

Thường ngày, người Mnông ăn hai bữa chính (sáng sớm và chiều tối). Trưa được coi là bữa phụ, đồng bào chủ yếu ăn cháo chua đựng trong vỏ quả bầu khô, mang theo lên rẫy. Thức ăn thường nhật của đồng bào là muối ớt, canh bồi (tổng hợp của nhiều nguyên liệu gồm: lá nhao, lá nhíp, bột gạo, cua, tôm, ốc, gạo giã nhỏ, ninh nhừ theo nguyên tắc: tôm, cua, ốc đem nấu chín trước, thả lá nhíp vào sau cho chín tới, tiếp tục cho bột gạo giã nhỏ, lá nhao vào quậy đều cho chín, không để  vón cục, nêm muối tuỳ khẩu vị để ăn với cơm); món canh thụt (tổng hợp các nguyên liệu: cà đắng, lá nhíp (non và già), lá hoặc trái mướp non, đọt mây đắng, lá ớt, cà bát, thịt thú rừng, thịt động vật nuôi, cá, nêm gia vị, bỏ vào ống lồ ô bánh tẻ, đổ ngập nước, nút chặt lá chuối, dựng nghiêng ống canh bên bếp than, đốt và xoay đều, sao cho ống nứa không bị cháy. Canh sôi, dùng que lồ ô vót nhọn, thụt nhuyễn, nấu tới khi canh có độ sền sệt, dậy mùi thơm, đổ ra trái bầu, tô chén ăn với cơm hoặc xôi). Ngày lễ, tết, đồng bào còn có thêm cơm lam và các món: thịt, cá nướng, xông khói và các loại rau rừng đặc sản như đọt mây đắng nướng chấm muối ớt; măng luộc chín, muối chua với ớt; măng chua muối giã nhuyễn với phèo cheo đem luộc hoặc nướng; canh lá nhíp giã nhuyễn nấu với phèo động vật (trâu, lợn, thú rừng); canh thịt ba ba nấu với lá nhíp non, bột gạo giã nhuyễn là món ăn đặc biệt trong lễ ăn cơm mới. Ngày naynguồn lợi tự nhiên khan hiếm, người Mnông phải mua thịt, cá ở chợ về chế biến, còn các loại rau như cà đắng, lá nhíp, măng lồ ô, nứa đã được trồng xen canh trên các nương rẫy.Thức uống có rượu cần được chế biến từ gạo nếp, ủ trong những ché trước nhà, chỉ mời khi khách quý đến nhà và uống trong dịp lễ, tết, hội. Nam, nữ, trẻ, già hút thuốc lá cuốn.

Văn hóa ở

Người Mnông làm nhà những nơi có địa hình bằng phẳng, xen kẽ giữa các thung lũng và sống gần sông, suối, hồ, đầm.  Mỗi Bon (Buôn) có vài chục nóc nhà, gồm nhiều hộ gia đình có quan hệ láng giềng, quan hệ huyết thống gần gũi, ở đó vẫn còn dấu vết của chế độ mẫu hệ. Các nhóm Mnông chủ yếu ở nhà sàn, riêng nhóm Mnông Gar ở nhà đất. Dù là nhà sàn hay nhà trệt, thì mái vẫn lợp bằng cỏ tranh, khung và sườn nhà được kết hợp 2 loại nguyên liệu là tre nứa và gỗ cây. Nhà của người Mnông Gar gồm 2 gian, 2 chái, chỉ có vì cột không có vì kèo. Mỗi vì chỉ có hai cột chính đỡ đòn tay và xà ngang. Bộ nóc nhà gồm hai cây đòn nóc, một cây trên, một cây dưới kẹp lấy đầu các cây rui, đồng thời là đòn tay và mè để buộc các phên tranh. Cửa nhà bố trí ở phía trước theo lối kiến trúc mái cửa vòm như cửa tò vò buông trùm gần sát đất. Trong nhà, gian thứ nhất có kho thóc, bếp nấu ăn, chỗ nằm của vợ chồng chủ nhà. Gian thứ hai rộng hơn dành cho khách, có một bếp phụ. Nhóm Mnông Kuênh, Mnông Chil, Mnông Bhiêt ở nhà sàn thấp. Riêng nhóm Mnông Rlâm ở vùng hồ Lắk lại xây cất nhà sàn cao theo kiến trúc của người Ê Đê.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Người Mnông sống cộng cư thành các làng nhỏ (bon). Trước đây, trong các Bon có từ 5 đến 10 ngôi nhà dài. Những người sinh sống trong các Bon thường cùng dòng họ, cũng có Bon có từ 2 đến 5 dòng họ cùng sinh sống. Trong mỗi ngôi nhà dài có sự cộng cư từ ba đến năm gia đình nhỏ. Đứng đầu ngôi nhà dài là người phụ nữ lớn tuổi nhất – người có quyền lực lớn nhất trong mọi việc của gia đình. Đứng đầu các Bon là Kroanh bon (chủ Bon). Chủ bon trên danh nghĩa là người chồng, nhưng thực chất vợ ông ta mới là người đứng đằng sau quyết định mọi việc của Bon: từ xử phạt những ai vi phạm luật tục, đến việc đi săn bắn tập thể, phát rẫy, di dời Bon đến vị trí mới, ghi nhớ gia phả roh yao của dòng họ, đến ma chay, tế lễ, cưới xin Người Mnông theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ. Trong gia đình, người vợ làm chủ, nhưng người chồng không bị phân biệt đối xử. Họ sống tôn trọng nhau. Con cái sinh ra theo họ mẹ và quyền thừa kế tài sản thuộc về những người con gái trong gia đình. Cha mẹ về già thường ở với con gái út. Ngày nay, trong bon không có ngôi nhà dài, chỉ có các ngôi nhà ngắn với 2-3 thế hệ sinh sống. Trưởng bon quản lý bon theo hệ thống chính quyền, có sự tham gia của chủ bon.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Xưa kia, nam nữ được coi là trưởng thành khi đã cà răng, căng tai, khi đó mới được yêu đương, lấy vợ lấy chồng.  Sau khi đã chọn được cô gái vừa ý, chàng trai thưa với cha mẹ nhờ ông cậu trong gia đình hoặc ông mối trong dòng họ đi đến nhà gái để ngỏ lời cho con trai mình. Hôn nhân của người Mnông gồm 4  bước: dạm ngõ, dạm hỏi, lễ cưới, lễ rước rể. Lễ dạm ngõ: nhà trai chuẩn bị lễ vật gồm: một cái nia, một tô gạo trắng, một con gà, một chuỗi cườm cổ và một chiếc váy). Đến nhà gái, ông cậu hoặc ông mối thay mặt chàng trai thưa chuyện với nhà gái. Trước khi nhận lễ, cha mẹ cô gái chờ sự đồng ý của con gái mới nhận lễ. Hai bên cùng phải xem lại gia phả, nếu không trùng họ, mới đi đến kết hôn. Khi đã nhận lời, cha mẹ cô gái mang một ché rượu lớn làm lễ nhận lời hứa hôn. Ông mối thay mặt nhà trai bàn bạc với nhà gái về lễ dạm hỏi. Lễ dạm hỏi được diễn ra sau ngày dạm ngõ 1 năm. Nhà trai cử 1 người già có uy tín, cùng một số thanh niên mang lễ vật đến nhà gái, gồm: hai ống nứa đựng măng chua, 1 chuỗi cườm, 1 vòng đồng. Đến nhà gái, nhà trai đặt lễ vật lên cái nia, xin phép nhà gái hỏi vợ cho con trai mình. Bà mối nhà trai đeo chuỗi cườm cho cô gái và đeo 1 vòng đồng vào cổ tay chàng trai. Sau nghi thức này, hai gia đình đã công nhận cho đôi trai gái trở thành vợ chồng. Lễ cưới chính, nhà gái biếu nhà trai, mỗi người 1 bát gạo đầy, tượng trưng ý nguyện cầu mong cuộc sống họ luôn no đủ. Mỗi bát gạo tương đương một ché rượu mà nhà trai tặng nhà gái. Ông mối đóng vai trò người chủ hôn, dẫn đôi uyên ương đến bên cột nhà chính. Hai người đại diện cho 2 họ cầm chiếc khăn buộc vào cột nhà. Chủ lễ cầm tay đôi trẻ nắm vào chiếc khăn, ý nói tình cảm hai người đã được buộc chặt, luôn gắn bó bên nhau. Sau đó, chủ lễ dặn dò chú rể, cô dâu đạo vợ chồng, trách nhiệm đối với cha mẹ, gia đình họ hàng, đưa cần rượu để 2 vợ chồng trẻ uống trước, mở màn cho tiệc rượu mừng ngày cưới. Những người đến dự đám cưới đều mang theo rượu, gạo nếp, thực phẩm… góp vào ngày vui của gia chủ. Lễ rước rể được tổ chức sau lễ cưới 1 ngày. Sau lễ rước tể, đôi vợ chồng trẻ phải ở trong nhà bảy ngày, không được ra khỏi nhà tránh gặp mặt người lạ. Hết thời gian kiêng cữ, họ trở về nhà trai bảy ngày, sau đó về bên nhà gái ở rể trọn đời. Ngày nay, tục cà răng, căng tai không còn, lễ vật cưới đơn giản hơn, phong tục cưới xin của người Mnông cũng theo đó gọn nhẹ, ít tốn kém hơn. Một số nhóm: Mnông Gar, Mông  Rlâm…hiện nay không còn tục gái hỏi chồng mà chuyển sang trai hỏi vợ (phụ hệ)

Tập tục tang ma

Khi gia đình có người chết, tang chủ Mnông bắt một con gà trống choai, buộc vào sàn nhà, phía dưới chân người chết (Khâm liệm xong, mới buộc chân con gà vào sau áo quan). Nội ngoại hai bên gia người chết họp xem người mất có còn nợ nần ai không. Trường hợp không có nợ nần thì thôi, nếu có thì cùng nhau bàn tính trả nợ cho người mất. Trước đây, vẫn có tục nối duyên (hiện nay tục này không còn nữa), sau đó, gia đình chuẩn bị các công việc tang ma: đào huyệt, vào rừng tìm đẽo quan tài, mổ trâu, lợn. Người chết được quàn tại nhà từ 4 – 5 ngày hoặc cả tuần. Hàng ngày, con cháu tế lễ, cúng cơm. Hàng đêm, họ hàng, láng giềng, thanh niên nam nữ cùng ở lại trong gia đình ca hát, gõ chiêng trống suốt ngày đêm với những làn điệu dân ca Airay, Aikhoc truyền thống, nội dung chia buồn, tiếc nhớ, động viên tinh thần cho gia chủ. Đêm trước ngày đưa ma, gia đình 2 bên lại họp, xem xét phương án giải quyết nợ nần đến đâu, nếu người chết có nợ, mà gia đình không đủ khả năng trả, hai họ sẽ có trách nhiệm cùng góp trả thay, để người chết về thế giới bên kia được thanh thản. Giải quyết xong nợ nần, nếu của cải trong nhà vẫn còn, 2 họ sẽ tiến hành chia của, theo sự thỏa thuận của 2 bên.Trước khi đưa ma, gia đình làm thịt một con lợn (khoảng 20kg), lấy tiết thoa lên quan tài (lễ ler pưng) để cúng tiễn đưa linh hồn về trời. Khi đưa ma, bằng mọi giá, phải khiêng quan tài đến nơi hạ huyệt, không được đặt giữa chừng, nếu không sẽ phải thịt một con lợn  khác để làm lễ Ler pưng tiễn linh hồn lần nữa. Khi hạ huyệt, người Mnông không lấp đất, chỉ lát ván lên trên miệng huyệt, đắp đất, vun chân mộ hình vuông, phần trên đắp tròn ở chính giữa, đặt ống lồ ô để xác định vị trí tâm mộ, vừa để thoát hơi, bỏ cơm và thức ăn xuống trong những ngày cúng cơm. Đắp xong mộ, con gà trống choai cột ở chân quan tài những ngày làm ma được thả ra hoặc chôn theo xuống mộ (quan niệm con gà sẽ mang linh hồn của người chết đến với tổ tiên). Họ chia cho người chết những vật dụng hàng ngày như chum, chóe, gùi …đã đập vỡ một phần (để âm dương tách biệt). Những của cải là hạt giống được gieo trồng quanh mộ, làm hàng rào, mùa thu hoạch, chỉ những người ở gia đình khác trong làng mới được thu hái. Chôn cất xong vợ/chồng của người chết phải cắt một ít tóc bỏ lại trên mộ để biệt ly, đường ai nấy đi, xin đừng vương vấn. Qua 7 ngày, gia chủ làm lễ bỏ mả, cúng to hay nhỏ, nhất thiết vẫn phải có 1 con lợn và cơm canh. Thầy cúng khấn xin người chết phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, bình an. Sau lễ bỏ mả, gia đình sẽ không thăm nom mả, không lập bàn thờ người chết tại nhà. Hiện nay, một số gia đình lập bàn thờ tại nhà để cúng người chết.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Mnông tin vào tín ngưỡng đa thần, trong đó, thần đất phù hộ cho gia đình; thần đá bếp giữ lửa ấm, nấu ăn; thần rừng nuôi chim thú, cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người; các thần núi, suối, thác giữ nguồn nước cho bon (buôn); thần lúa và thần hoa màu cho vụ mùa bội thu, cây cối tươi tốt; thần sét ở trên trời trừng phạt kẻ làm điều xấu. Người Mnông cũng thờ cúng tổ tiên, những người phù hộ cho gia đình khi qua đời.Từ niềm tin, tín ngưỡng đa thần, đồng bào có nhiều hình thức kiêng cữ và nhiều nghi lễ cầu mong giúp đỡ của thần cho cuộc sống của con người, cộng đồng. Lễ nghi liên quan đến con người diễn ra theo chu kỳ vòng đời người, từ khi mang thai, sinh ra, lớn lên, trưởng thành, về già cho đến khi từ giã cuộc đời. Lễ hội vòng đời người mang tính nhân văn cao đẹp, đặc biệt là lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ chúc phúc, lễ mừng thọ. Gần dây, Đạo Thiên chúa và nhất là đạo Tin lành đã thâm nhập và phát triển vào vùng người Mnông.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Mnông có kho tàng truyện cổ, tục ngữ, dân ca phong phú, đặc biệt là kể chuyện sử thi chứa nhiều giá trị văn hoá, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người M Nông hát, kể sử thi trong lễ hội, dịp  có khách, gia đình, dòng họ có việc, già trẻ gái trai có dịp quây quần bên bếp lửa, người già lại cất lời hát kể sử thi để mọi người cùng nghe. Nhạc cụ của người Mnông với các bộ cồng chiêng, kèn bầu, kèn sừng trâu, kèn môi, đàn độc huyền, đặc biệt đàn đá mang âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

Thổi sáo Mbuốt, hát múa dân gian thường được đồng bào M’Nông biểu diễn trong các dịp lễ hội cộng đồng như mừng nhà mới, mừng lúa mới, cúng bến nước, cầu mưa … Sáo Mbuốt (còn được người M’Nông gọi là M’buăt, người Ê Đê gọi là Đing năm, người Raglai gọi là Ku puốt) được thổi theo điệu Aray hay lối hát khan, thể hiện tình cảm con người trong cuộc sống.

Hòa tấu chiêng, múa xoang là nét đặc trưng văn hóa của dân tộc M’Nông. Đây là hình thức diễn xướng dân gian trong lễ hội mừng nhà mới, mừng lúa mới, bỏ mả, mừng chiến thắng… của cộng đồng dân tộc M’Nông nói riêng, các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên nói chung. Âm thanh cồng chiêng, song hành với điệu múa xoang sẽ kết nối con người với các đấng siêu nhiên, giúp đồng bào gửi gắm niềm mong ước, cầu xin cuộc sống no đủ, sức khỏe, bình yên, gắn kết cộng đồng trong suốt cả đời người, từ khi sinh ra đến khi chết đi, về cõi vĩnh hằng. Trong không gian văn hóa cồng chiêng, các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được biểu đạt đầy đủ. Tiết mục hòa tấu cồng chiêng và múa xoang do cộng đồng dân tộc M’Nông biểu diễn.

Tết, lễ hội cộng đồng

Theo phong tục, sau một mùa rẫy là các Bon người Mnông lại tổ chức các nghi lễ – lễ hội, nhằm tạ ơn các vị thần linh, trời đất, tạ ơn tổ tiên ông bà đã phù hộ cho mọi người lúa thóc đầy bồ, lợn, bò đầy sân, chật bãi. Những lễ hội công đồng lớn như: Tết cơm mới, lễ hội rượu cần, lễ cúng voi… và những nghi lễ gắn với chu kỳ đời người: lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ bỏ mả. Các lễ hội phản ánh bản sắc của cộng đồng sinh sống bằng nông nghiệp trồng lúa nước, săn bắn, hái lượm

Tết mừng lúa mới (lễ cơm mới) tổ chức vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 (âm lịch) (đầu vụ thu hoạch), nhằm tôn vinh thần lúa, cảm tạ Giàng đã ban hạt thóc cho dân làng. Đây cũng là dịp để dân làng tạ ơn các vị thần linh: trời đất, sông suối, núi, mưa, sấm, mùa màng đã cho mưa thuận gió hòa. Các gia đình chuẩn bị từ 2-7 chóe rượu, lợn, gà xếp hàng dãy dọc giữa nhà dài, kiểm tra âm thanh các bộ chiêng. Nếu vụ mùa bội thu, người Mnông còn làm thêm kèn Riết, chuẩn bị trâu để hiến thần; trang trí kho lúa bằng các loại cây hoa, được làm từ những que tre vót thành nhiều cành tượng trưng hình bông lúa, gọi là Hừn du nhằm hấp dẫn, lưu giữ hồn lúa ở trong kho. Phần lễ gồm các bước: cúng lúa, tuốt lúa, cúng hồn lúa từ rẫy về kho, rước lúa về nhà. Khách đến chúc chủ nhà những câu tốt lành, chủ nhà mời khách ăn uống, đánh cồng chiêng, nhảy múa thâu đêm. Lúa thu hoạch được chia làm ba: một để ăn, một để sắm đồ đạc, một phần dành cho trâu bò cùng những con vật góp công cùng con người làm ra hạt lúa.

Lễ cúng voi của người Mnông được tiến hành vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô, mục đích nhằm cúng báo cho voi biết rằng vào mùa khô thức ăn trong tự nhiên cạn rồi, làm lễ để động viên cho voi cố găng vượt khó khăn của mùa kho, chờ mùa mưa đến.  Thầy cúng có uy tín, am hiểu tập tục và các nài voi cùng đến chủ nhà tổ chức cúng lễ, dâng voi:  rượu cần, gạo có gắn đèn sáp ong, chén cơm, bầu nước, lòng lợn. Sau lễ khấn, từng chú voi sẽ tiến lại gần, chủ lễ sẽ đặt đầu lợn, gạo, bôi tiết, tưới rượu lên đầu voi để cầu chúc voi luôn khỏe mạnh, an toàn. Ngoài lễ cúng voi, họ còn làm lễ  khi bán voi, tháo dây buộc voi, đặt tên cho voi, cúng voi nhà đẻ, cúng khi voi ốm, khi voi chết.