Hrê

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc H’rê ở Việt Nam có 127.420 người (năm2009).
Địa bàn cư trú: Người H’rê cư trú tại 51 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung tại các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai…
Tên gọi khác: Chăm Rê, Chom Krẹ, Mọi Lùy.
Ngôn ngữ: Tiếng nói của dân tộc H’rê thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, Ngữ hệ Nam Á.

Sản xuất nông nghiệp

Người H’rê chủ yếu làm ruộng nước kết hợp với nương rẫy. Trình độ canh tác ruộng nước của đồng bào đạt ở mức phát triển cao: Tùy vào địa hình canh tác, người H’rê tận dụng đất thung lũng, đất ven suối để vỡ ruộng, đắp bờ, làm ruộng bậc thang trên đất dốc, khai thác ruộng lầy thụt, đầm cạn cải tạo thành đất ruộng để canh tác lúa nước. Hiện nay, nhiều nơi, đồng bào đã dùng cày, bừa trâu kéo, thậm chí còn dùng máy cày, máy bừa làm đất cày cấy. Tuy nhiên ở nhiều chân ruộng thụt, đồng bào H’rê (xã Đắk Long, huyện Kon Plong) vẫn dùng 10 -12 con trâu quần ruộng để cày cấy, vì nó thích hợp với đồng đất. Trên đất ruộng, đồng bào  áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất bình quân 42,5 tạ/ha. Một năm, cấy 2 vụ, lúa mùa và chiêm xuân, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.

Người H’rê canh tác nương rẫy một vụ, kéo dài từ tháng 3 tới tháng 9 âm lịch. Bà con dùng rìu phát rẫy, dùng rựa phát cỏ, chờ khô rồi đốt, dọn rẫy, chọc lỗ tra hạt, làm chòi canh, đặt bẫy, phòng chim thú phá rẫy, cho đến lúc làm cỏ. Khi lúa rẫy đã ngậm đòng, chuẩn bị mùa thu hoạch, người H’rê dùng bộ nhạc cụ đá, tre, nứa nguyên sơ kết hợp với gió, nước suối, tạo âm thanh xua đuổi chim thú. Đến nay, Nhà nước vận động, hỗ trợ người H’rê khai hoang phục hóa, đưa đất vào sản xuất. Vì thế, đất rẫy được mở rộng, đồng bào tiếp tục trồng sắn, hoa màu, rau xanh (bầu bí, mướp, cải, xà lách), cây ăn quả (chuối, đu đủ…), cây công nghiệp (thông, quế,..).

Các gia đình người H’rê chủ yếu nuôi trâu, lợn, gà, dê …làm vật trao đổi, mua bán, lấy sức kéo, hiến sinh cúng tế thần, cải thiện đời sống. Ngày nay, đồng bào chăn nuôi nhiều vật nuôi, phát triển sản xuất, bán cho thương lái, tăng thu nhập gia đình. Một số gia đình còn đào ao, tăng diện tích mặt nước nuôi thả cá.

Kinh tế tự nhiên

Trước đây, hái lượm, săn bắt và đánh cá là nguồn cung cấp thức ăn quan trọng cho mỗi gia đình. Vì vậy, người H’rê tự chế tác ra các công cụ đánh bắt thơ sơ (nỏ, lao, các loại bẫy) để săn bắn thú rừng, bảo vệ mùa màng và đánh bắt cá bằng (đó, nơm, xúc, chài..) trên sông, suối để cải thiện đời sống. Hiện nay, mùa trỉa rẫy, thu hoạch, đồng bào vẫn đặt bẫy để bảo vệ mùa màng.

Nghề thủ công

Dân tộc H’rê có các nghề thủ công truyền thống như: đan lát, dệt vải thổ cẩm. Dệt vải là công việc của nữ giới. Họ dành những khoảnh nương trồng bông, thực hiện quy trình chế biến sợi như dân tộc khác, khung dệt khổ rộng, giống kiểu khung của người Chăm. Sản phẩm dệt gồm có váy, áo, khăn…, để phục vụ cuộc sống tự túc, tự cấp và trao đổi giữa các làng, các nhóm trong cộng đồng dân tộc H’rê. Hiện nay, dệt  thổ cẩm của đồng bào đã mai một, chỉ còn rất ít người làm. Công việc đan lát của người H’rê không phân biệt nam, nữ, nhưng nam giới thường lo vào rừng lấy cây tre, mây, lồ ô.., chẻ nan, cạp miệng, làm đế; phụ nữ, trẻ em thực hiện vót nan, đan, lát. Sản phẩm đan lát gồm có gùi các loại, nong, nia, mẹt, rá đựng cơm, giỏ tuốt lúa… Gùi của người H’rê thường có 4 thanh tre già, cứng, buộc dọc xung quanh để chịu lực, miệng và đáy gùi đều dùng dây mây buộc chặt.

Phương thức vận chuyển

Người H’rê chủ yếu dùng gùi vận chuyển là chính. Khi vận chuyển thóc gạo, họ dùng loại gùi đan dày, chở củi, sắn đồng bào dùng gùi mắt thưa. Đàn ông khi đi rừng có riêng loại gùi như chiếc túi hoặc gùi ba ngăn (tilét). Ngoài ra, người H’rê còn dùng đòn để gánh lúa hoặc đội đồ vật trên đầu. Hiện nay, một số gia đình còn sử dụng xe máy, công nông, thậm chí cả ô tô để làm phương tiện vận chuyển hàng hóa, lương thực…

Trao đổi hàng hóa

Trước đây, đồng bào H’rê thường trao đổi hàng hóa theo hình thức đổi hàng lấy hàng. Họ trao đổi các sản phẩm đan lát (Gùi, nia, phên, xọt), vật nuôi (gà, lợn, trâu, dê ), nông sản (gùi thóc, sắn, đậu) để lấy các công cụ lao động sản xuất (Dao, cuốc, rìu..) và các đồ dùng sinh (Cồng, chiêng, nồi đồng, chóe). Hiện nay, đồng bào chủ yếu mua bán, trao đổi hàng hóa bằng tiền mặt tại các phiên chợ huyện, xã và đội ngũ bán hàng rong.

Văn hóa mặc

Trước kia, đàn ông H’rê đóng khố (kapen) mặc áo màu đen, có viền vải đỏ trang trí, ống tay dài, cài khuy ở trước. Họ thường dùng 2 loại khăn bịt đầu: khăn đen và khăn trắng quấn nhiều vòng trên đầu, hai đầu khăn cài phía trên hai vai, khi đi xa họ chít khăn màu đỏ. Phụ nữ H’rê, mặc áo năm thân nhuộm chàm sẫm, cài khuy bên nách phải, ống tay dài và hẹp, các đường mép cổ áo, gấu áo, sống lưng, sườn áo may bằng  chỉ trắng, đỏ. Loại áo này còn rất ít người giữ được. Ngày nay, phụ nữ H’rê mặc áo may giống kiểu áo bà ba của người Việt Nam bộ. Họ mặc váy (cà tu) kiểu váy ống, màu đen, phần dưới gối, dài đến mắt cá chân, thêu, dệt hoa văn sặc sỡ, màu đỏ và trắng, theo băng hoa văn ngang, mô típ ô vuông to, trong đó gồm nhiều ô vuông nhỏ hơn, sao 8 cánh, quả chôm chôm, dãy núi, bóng cây, quả mây, bông hoa rừng, hình móc câu. Khi mặc vào trông như váy hai tầng. Phụ nữ  H’rê đeo nhiều trang sức (hoa tai, vòng cổ, vòng tay, vòng chân) bằng bạc, đồng, nhôm và hạt cườm. Hiện nay, người H’rê mặc quần áo như người Kinh, riêng cách quấn khăn, trùm khăn vẫn bảo lưu nét văn hóa truyền thống. Trước đây, người H’rê cũng có tục cà răng” đối với nam, nữ và “căng tai”. Hiện nay, hủ tục này đã bị xóa bỏ.

Văn hóa ẩm thực

Người H’rê  ăn cơm gạo tẻ là chính, ngày lễ tết có thêm gạo nếp gói bánh. Những ngày tháng mất mùa, đói kém, đồng bào ăn thêm bắp, khoai, mì và các loại rau củ khác. Thức ăn chủ yếu là những thứ hái lượm được từ rừng và muối ớt, khi có các nghi lễ cúng, thịt con vật hiến sinh được chế biến thành các món ăn dân tộc, điển hình phải kể đến là các món: thịt trâu nướng trần, được làm từ thịt đùi, cắt nhỏ, hình chữ nhật (khoảng hai đốt ngón tay), dùng xiên tre, xiên thành lụi, nướng qua lửa than, khi ăn chấm muối ớt; món thịt trâu quấn lá lốt nướng, bày ra lá chuối, chấm với muối ớt; thịt trâu nấu xà bần (chọn đoạn ruột non, tiết, da, thịt trâu, cắt thành miếng, rửa sạch, cho vào nồi xâm xấp nước, nấu khoảng 30 phút, bỏ lá sưng (lá poot) và trái sả (trái m’du). Khi chín, món thịt trâu xà bần dậy mùi thơm ngon. Ngày xưa, khi ăn món thịt trâu nấu xà bần, mọi người ngồi xung quanh dùng mo cau quấn thành cái gáo để ăn. Ngày nay, đồng bào dùng bát và thìa đũa; Món cá Niêng xiên tre, nướng than hồng, chấm muối ớt, ăn kèm rau húng, rau thơm. Đồng bào H’rê thường ăn xong mới tổ chức uống rượu cần. Rượu cần được nấu bằng gạo tẻ, gạo nếp, hạt bắp, hạt kê, sắn, rồi ủ trong ché, một tuần sau uống được. Ngoài rượu cần, người H’rê còn dùng nước cây đoác núi (ha noác) làm rượu uống. Đồng bào có tục ăn trầu, hút thuốc, lấy trà thuốc, rượu mời khách để biểu thị phép lịch sự và lòng quý khách, không thể thiếu trong giao tiếp cộng đồng. Người H’rê ở vùng thấp thường uống nước mạch, ở vùng cao có thói quen uống nước suối, đồng bào dùng máng lồ ô bắt nước từ đầu nguồn về làng. Trong sinh hoạt hàng ngày, người H’rê thường uống nước chè xanh, uống rượu cần. Chè được giã trong cối gạo, nấu chín, nước xanh đậm.

Văn hóa ở

Người H’rê định cư thành từng làng (plây). Tên làng truyền thống  gọi theo địa danh đồi núi, sông suối, nơi cư trú. Mỗi làng có từ 40-50 nóc nhà dựng ngang triền đất dốc, nơi có nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, tránh để đòn nóc chĩa hướng chắn ngang dòng chảy của sông suối. Trước đây, bà con thường rào làng theo kiểu phòng thủ, để chống thú dữ, giặc dã, đạo tặc. Ngày nay, chỉ có bờ rào ngăn cách từng nhà, không còn hàng rào kiên cố như trước.

Người H’rê ở nhà sàn, 3 gian, chỉ có hai hàng cột, tạo thành 2 vì cột, làm bằng gỗ tốt, chân cột chôn xuống đất, đầu cột, kèo, quá giang đều gác lên đòn tay cái, cách xa đầu trục khoảng vài chục cm. Rui đồng thời là kèo, mè và cũng là đòn tay, kết cấu kiểu buộc lạt. Mái nhà được lợp bằng cỏ tranh, hai đầu hồi có hình sừng trâu, biểu tượng cho vị thần sức mạnh, bảo vệ cuộc sống cho gia đình, chống lại sự đe dọa của thần ác, ma xấu. Vách nhà thưng bằng cỏ tranh, buộc ép bên ngoài là các nẹp dọc ken sát nhau. Đầu hồi có hai mái phụ, hụt sâu vào trong hai mái chính để tránh mưa. Ngôi nhà sàn dài được chia thành 3 gian rõ rệt, 2 gian đầu hồi (gian trận) để trống, tiếp khách, nghỉ ngơi, nơi ngủ của cả nhà những đêm oi bức. Gian giữa có 3 cửa ra vào và 2 cửa sổ. Hai cửa chính ở hai hồi dành cho khách, cửa phụ ở hông nhà, phía mặt tiền dành cho các thành viên gia đình. Vào trong gian nhà giữa, có bao nhiêu bếp, là có bấy nhiêu thế hệ cùng sinh sống trong nhà. Sát mái nhà, có một dãy giàn để nông sản, quần áo, đồ gia dụng… Trên bếp, có một gác bếp để sấy khô các loại thực phẩm cá, thịt thú rừng chưa ăn ngay. Sàn nhà chia 2 phần, phần tre đan dày, làm giường ngủ, phần đan thưa làm bếp, nơi để ống bương đựng nước, nồi niêu, vỏ bầu. Ngày nay, đa số đồng bào ở nhà đất hoặc nhà xây.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Từ xa xưa, người H’rê đã tổ chức cuộc sống cộng đồng theo làng, tập hợp theo quan hệ dòng máu và địa vực, sống trong tinh thần đoàn kết nhân ái. Mỗi làng đều có một già làng đứng đầu, người có uy tín cao trong cộng đồng làng. Gia đình người H’rê thuộc gia đình phụ hệ, đại gia đình phụ hệ (thuộc 3, 4 thế hệ), đông từ 20 đến 30 người. Mọi người cùng sống chung trong một mái nhà sàn, cùng làm cùng hưởng, bình đẳng về vật chất lẫn tinh thần. Trong gia đình và cộng đồng người H’rê, sự phân công lao động được quy định rõ ràng, đàn ông làm những công việc nặng nhọc: phát rẫy, cày bừa, làm nhà cửa, lo cúng tế, dạy con trai làm rẫy, làm ruộng, săn bắn, đánh bắt cá, đan lát. Phụ nữ nội trợ, chăn nuôi lợn, gà, thu hoạch lúa, chăm lo con cái, dệt vải, dạy con gái dệt vải, nội trợ.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Tập tục cưới xin của người H’rê xưa có hiện tượng hai vợ do hiếm muộn. Vài chục năm nay, hôn nhân dựa trên nguyên tắc một vợ một chồng. Tập tục cho phép vợ góa lấy em trai chồng, chồng có thể lấy em gái vợ, con cô – con cậu, con dì – con già, con có chung mẹ hoặc cha đều không được lấy nhau. Hôn nhân người H’rê không mang tính mua bán. Tùy theo thoả thuận giữa hai gia đình, chàng rể có thể về nhà vợ hoặc cô dâu có thể về nhà chồng, Khi có con đầu lòng thì tách khỏi cha mẹ làm nhà ở riêng thành đơn vị kinh tế độc lập. Đám cưới người H’rê, tùy theo bên nào đón người vợ (làm dâu hoặc ở rể), thì bên đó tổ chức nghi lễ lớn hơn. Họ mở tiệc mặn, có rượu cần, ca hát vui vẻ. Gia đình chuẩn bị sẵn một bếp dành làm nơi ngủ cho đôi vợ chồng mới. Tại đây diễn ra nghi thức tượng trưng cho sự gắn bó vợ chồng, thông qua việc trao bát rượu, miếng trầu cho nhau hay quàng chung một vòng dây sợi.

Tập tục tang ma

Theo phong tục, người chết được quàn tại nhà từ 1 đến 3 ngày, làm lễ tế, hiến sinh, chuẩn bị của cho người chết, tách ma rồi mới mang đi chôn trong bãi mộ của làng. Quan tài độc mộc, có hình dáng chiếc thuyền. Mộ được đắp thành gò dài, phía trên dựng nhà mồ có nóc mái làm như nhà ở. Đồng bào có phong tục “chia của” cho người chết đi ở riêng, từ đồ ăn thức uống đến trang phục, công cụ lao động, vật dụng trong nhà …Đặc biệt, người H’rê  có tục: khi gia đình xảy ra biến cố, tai họa, người nhà đau ốm lâu, trâu, bò bị chết …, chủ nhà đi nhờ thày bói xem chân gà. Nếu thày phán là bị người chết lâu năm xui khiến, quở trách thì bắt buộc gia đình phải tổ chức 1 đám tang ma giả (ka tá hnang) cho người quá cố. Đám ma giả được tổ chức như đám ma thật, cũng làm quan tài độc mộc, cũng lấy có tranh làm nhà mồ, cũng hiến tế trâu, lợn và chia của như người mới chết, gồm quần áo, cơm , thịt, trầu cau, gà, ché, đồ gia dụng (dao, bếp, nồi, củi, gùi, giỏ, sừng trâu, chóe, cườm), cũng phải đưa ra ngoài theo cửa phía đầu nhà (nếu người chết là chủ gia đình), đưa qua cửa bên (nếu người chết không phải là chủ nhà). Phong tục này, đến nay đã hạn chế, nhưng đây đó, người dân vẫn tin, làm.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người  H’rê tin vào vạn vật hữu linh, từ hòn đá, cây cỏ, dòng suối, núi rừng… đều có hồn và linh hồn như con người, nên họ đối xử với mọi sự vật bằng thái độ tôn trọng. Họ tin lực lượng siêu nhiên gồm nhiều vị thần: thần núi, thần sông, thần trời, thần đất, thần sông, thần mưa, thần cây, thần đá ..trong đó hồn lúa, thần lúa rất quan trọng, nên phải cúng thần trong quá trình sản xuất, đồng thời cầu xin các thần ban cho mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, con vật hữu sinh, người người bình an.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người H’rê yêu thích sáng tác thơ ca, đam mê ca hát. Dân ca phổ biến nhất là điệu hát xà ru, ca lêu, ca choi. Truyện cổ đề cập đến tình yêu chung thủy, cuộc đọ tài trí giữa thiện và ác, giàu và nghèo. Nhạc cụ của người H’rê gồm nhiều loại: đàn brook, đàn b’râu, ching ka-la, sáo ling la, ống tiêu ta-lía, khèn ra-vai, ra-ngói, pơ-pen, trống… Nhạc cụ được người H’rê yêu quý nhất là chiêng, cồng, với những bộ 3 chiếc, hoặc 5 chiếc, với các nhịp điệu rộn rã, được biểu diễn trong lễ hội, cùng với không gian thiêng, ánh lửa hồng …

Tết, lễ hội cộng đồng

Cũng như nhiều dân tộc khác ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, người H’rê tổ chức nhiều lễ hội trong năm như cầu mưa, cầu mùa, cúng ma, ăn tết cổ truyền. Mỗi dịp lễ hội, đồng bào thường tổ chức đâm trâu. Lễ hội cầu mưa được tổ chức từ 2 đến 3 năm một lần, tùy thộc vào điều kiện kinh tế, xã hội của cộng đồng. Cầu mưa, đâm trâu thực chất là lễ cúng của một gia đình, nhưng cả dòng họ, làng xóm và người các làng khác cùng tới tham dự, giúp đỡ gia đình. Tất cả mặc trang phục đẹp nhất, đeo trang sức quý nhất để  đứng xung quanh cây nêu tham dự cúng và xem đâm trâu góp vui, chứ không nhảy múa xung quanh cây nêu. Sau lễ cúng, đồng bào uống rượu, đánh chiêng, hát ka lêu, ka chơi, trong không khí vui tươi rộn ràng. Tết cổ truyền của người H’rê bắt đầu vào tháng ba, khi hoa gạo nở rộ trên khắp núi rừng. Mỗi buôn làng định ra ngày ăn tết khác nhau. Tết hết nhà này lại đến nhà khác, kéo dài đến hết lượt các nhà trong buôn. Khi già làng tuyên bố, người dân bắt đầu đón Tết. Mỗi gia đình cử một người đàn ông vào rừng chọn cây tre to về làm trụ trước cửa chuồng trâu để treo ching chủ (ching 3, trong đó ching chủ là cái lớn nhất). Phụ nữ lên rừng tìm cây lồ ô để làm đàn vinh-vút, lấy cây làm ống hút  rượu cần, làm trụ buộc chóe rượu, hái lá dong về gói bánh, bắt cá niêng dưới suối về muối chua và chuẩn bị những bộ trang phục đẹp. Đặc biệt, trong dịp tết người H’rê còn có tục cúng trâu vào sáng ngày thứ hai của tết, để cầu mong con trâu nhà mình luôn to, khỏe. Cúng trâu xong, chủ nhà bày tất cả các món ăn ngon cùng chóe rượu cần, những vật phẩm quý để dâng mời khách.Trong dịp này, các cô gái trổ tài ka lêu, ka choi, đánh đàn, các chàng trai trổ tài đánh chiêng, múa gươm, phóng lao, đấu vật …