Sán Chay

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Người Sán Chay có 169.410 người (năm 2009).
Địa bàn cư trú: Dân tộc Sán Chay sinh sống tập trung ở các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Tên gọi: Người Sán Chay còn có tên gọi khác (Hờn Bán, Chủng… ), Nhóm địa phương: (Cao Lan, Sán Chỉ).
Ngôn ngữ: Tiếng nói Sán Chay thuộc nhóm ngôn ngữ Tày- Thái (ngữ hệ Thái – Ka Ðai)

Sản xuất nông nghiệp

Người Sán Chay từ lâu đã thành thạo làm ruộng nước. Đồng bào thường chọn những nơi có địa thế thấp, có thung lũng bằng để khai phá đất hoang thành ruộng bậc thang gieo trồng cây lúa, đồng thời tận dụng đồi núi thấp để phát nương làm rẫy trồng ngô, lúa nương, sắn, chè, rau quả và trồng bông dệt vải…Trước đây, đồng bào chỉ cấy lúa một vụ là vụ hè thu, nay cấy hai vụ, một số nơi đã thâm canh tới ba vụ lương thực. Họ có các giải pháp về chọn thời vụ, nước, phân bón tương tự như các dân tộc Tày, Nùng, Hoa, Sán Dìu cùng cư trú trong vùng. Công cụ sản xuất có: cày, bừa, dao, cuốc, chiếc rìu, chiếc hái, nhíp. Ngày nay, đồng bào sử dụng máy cày, bừa, máy tuốt lúa, máy sao chè trong canh tác và thu hoạch. Ngoài ruộng, nương, dân tộc Sán Chay còn trồng một số cây như: cây vầu, cây trúc, sở lai, chuối thành từng đám chuyên canh ở trên rừng, lấy nguyên làm hàng rào vườn, sàn phơi, làm chuồng trại chăn nuôi …

Người Sán Chay chăn nuôi gia súc (trâu, bò) lấy sức kéo, phân bón, chăn nuôi gia cầm lợn, gà, vịt, dê, đào ao thả cá làm vật hiến sinh trong các dịp lễ, tết và cải thiện đời sống. Trước đây, đồng bào chăn nuôi theo phương pháp chăn thả: ban ngày thả trâu, bò vào rừng tự kiếm cỏ ăn, chiều tối lùa về chuồng để chúng không phá hại mùa màng. Khi đàn trâu, bò phát triển đến 5-7 con, chuồng trở nên chật hẹp, người ta bán đi để tăng thu nhập gia đình. Hiện nay, một số hộ gia đình đã phát triển chăn nuôi làm trang trại theo mô hình VACR (vườn, ao, chuồng, rừng).

Kinh tế tự nhiên

Với nền kinh tế tự túc, tự cấp, trước đây, người Sán Chay thường thu hái các sản phẩm sẵn có trong rừng, dưới sông, suối phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Họ lấy măng, nấm hương, mộc nhĩ, củ mài, mật ong, củi đun, gỗ từ vườn rừng; đánh bắt cá, tôm tép…ở sông, suối làm thức ăn hàng ngày, phần dư thừa đem bán và lấy cây rừng về làm từ nguồn nướ. Ngoài thu hái lâm thổ sản, người dân còn săn, bắt thú rừng để bảo vệ mùa màng.

Nghề thủ công

Nghề thủ công người Sán Chay gồm dệt, rèn, mộc, đan lát, làm ra vải mặc và những đồ dùng cần thiết vphục vụ nhu cầu sinh hoạt của mỗi gia đình. Sản phẩm đan lát gồm có dậu dùng vận chuyển nông sản; bồ đựng thóc, chiếc slạ để đi hái rau lợn, đựng khoai, sắn từ nương về nhà, nón lá, v.v… Nghề dệt cũng có một thời khá phát triển, đồng bào tự trồng bông trên nương (bông trồng tháng 4-5, thu hoạch tháng 9-10), về kéo sợi, dệt vải, nhuộm các màu chàm, nâu, đỏ, vàng để may, thêu trang phục. Nghề dệt nay đã mai một hoàn toàn.

Phương thức vận chuyển

Với địa thế không bằng phẳng, đường đi có nhiều lối mòn, một bên là khe sâu, một bên là sườn đồi, người Sán Chay cũng như nhiều tộc người ở vùng thung lũng chủ yếu sử dụng dậu gánh làm phương tiện vận chuyển. Dậu có nhiều loại với nhiều chức năng khác nhau. Loại dậu chuyên đựng quần áo chăn màn hay đựng của hồi môn cho cô dâu về nhà chồng bao giờ cũng có nắp, được đan cải đẹp với nhiều mô típ hoa văn trang trí như hình hoa 8 cánh, 4 cánh, hình vuông nối nhau liên tiếp. Loại dậu gánh vận chuyển nông sản như rau, củ quả thường đan lóng thưa với mô típ hoa văn mắt cáo; Loại dậu vận chuyển các loại hạt được đan lóng 2 hay lóng 3 bằng các nan đan khít nhau. Ngoài ra, đồng bào còn sử dụng chiếc túi lưới đeo sau lưng theo kiểu đeo ba lô. Ngày nay, đồng bào vận chuyển bằng xe cải tiến, xe đạp, xe máy…

Trao đổi hàng hóa

Người Sán Chay là cư dân nông nghiệp, nhưng họ cũng tham gia buôn bán tại các chợ phiên vùng nông thôn. Họ bán các hàng nông sản: ngô, khoai, sắn, các loại rau xanh do bà con trồng được; bán trâu, bò, lợn, gà, tôm, cá, … Đồng bào  mua những mặt hàng nhu yếu phẩm thường ngày như muối ăn, dầu thắp, vải công nghiệp, vải hoa các loại; giấy bút cho trẻ em đi học, một số đồ trang sức cho phụ nữ như vòng tay, khuyên tai, chỉ thêu …

Văn hóa mặc

Trang phục nam giới Sán Chay về cơ bản giống như bộ y phục nam giới của các dân tộc khác ở trong vùng: áo ngắn, màu chàm hoặc đen, xẻ trước ngực, cài cúc, có hai túi, có chân cổ áo, quần chân què, cạp lá tọa, đũng rộng. Trang phục truyền thống của phụ nữ gồm có khăn, áo, yếm, váy, thắt lưng, xà cạp và các loại trang sức: túi trầu, vòng cổ, vòng tay, nón. Tuy nhiên mỗi nhóm tộc người, mỗi địa phương lại có những nét khác biệt trong trang phục của mình. Phụ nữ Sán Chỉ độn tóc, hình ống, bọc vải nhung đen, vấn tóc quanh đầu và đội khăn mỏ quạ (thào páo); mặc yếm (thự thau pụ) bên trong, áo dài bên ngoài. Yếm màu trắng, hình vuông xếp chéo (33x33cm), nửa trên gắn với cổ yếm thêu nhiều họa tiết: tám cánh (hoa hồi), vuông (lắc hộp va), tam giác cân (piệc tệp va). Hai dải yếm thêu nhiều họa tiết dấu nhân (piệc tệp va); mặc váy (thiu khoăn) có hình ống, cạp váy (khoăn thau) là vải khác màu, thu nhỏ hơn so với thân váy; mặc áo (nanh sám) cắt, khâu kiểu tứ thân, cổ áo (sám canh) liền thân, mép viền bằng chỉ đỏ hoặc trắng. Nẹp ngực táp hai miếng vải trắng, trên đó có thêu hoa văn: tám cánh (pặt cạc ca), vuông (piệc tiệp) ở nẹp bên phải, nẹp bên trái khâu ghép các đường vải màu đen, đỏ nằm ngang hoặc các hình tam giác màu đỏ, trắng. Tay áo (sám chân) liền thân, nối ở giữa cánh tay. Nách áo (slây ka) đắp thêm hai miếng vải trắng hình chữ nhật, tạo thành 2 chiếc túi đựng tiền, nách phía sau có điểm 2 chấm hoa văn tám cánh (hoa hồi). Tại vị trí 4 góc phía dưới gấu áo cả thân trước và thân sau đắp ghép 4 miếng vải trắng hình vuông 05x05cm. Hai bả vai trang trí hoạ tiết vuông, chữ nhật; Thắt lưng (neo phô) được làm bằng vải tơ tằm màu xanh, hồng, đỏ. Khi mặc áo, phụ nữ Sán Chay kéo hai tà áo chồng lên nhau (áo không có khuy cài), dùng hai chiếc thắt lưng khác màu, chiếc nọ đáp lên chiếc kia rồi thắt nút ở bụng, để hai đầu buông thõng xuống quá gối. Xà cạp (kẹc cau) sử dụng trong lao động, được làm bằng vải trắng hoặc chàm xanh, hình tam giác, hai góc nhọn có đính một sợi dây dài, trên đó dệt mô típ hoa rừng (nga chay va). Túi trầu là vật không thể thiếu trong trang phục truyền thống của phụ nữ Sán Chỉ, dù đi đâu, họ cũng đeo một túi trầu ở cạnh sườn. Túi làm bằng một miếng vải chàm đen, hình chữ nhật, lượn đáy khum, rộng khoảng 9 x 15 cm, phân tách giữa vải đen và trắng còn đáp một khoanh vải màu, miệng túi khâu ghép bằng vải mộc trắng, gấp vào phía trong 2m để luồn dây, rút bó miệng cho đồ khỏi rơi ra. Đường khâu tiếp giáp giữa hai mảnh vải túi còn được thêu chỉ các màu. Các cô gái Sán Chỉ thường đeo từ 01 – 03 vòng cổ (chệch kiềng) làm bằng bạc trắng hoặc nhôm, hai đầu đánh dẹt, chạm hoa văn hình dây, lá nho. Vòng tay có 2 loại: tròn trơn và dẹt (chạm hoa văn phong lan, con rồng). Khi đeo, nếu là loại dẹt chỉ đeo 1 chiếc bên tay trái, còn vòng tròn thì đeo 2 chiếc, 1 bên tay phải và 1 bên tay trái. Phụ nữ nhóm Cao Lan cũng mặc bộ trang phục gồm các thành giống như phụ nữ Sán Chỉ, nhưng lại khác ở chỗ: Khăn dài “pá khoắn láu” màu chàm đen, chứ không phải khăn vuông. Khi đội, cuốn nhiều vòng quanh đầu, thắt ở sau gáy chứ không đội mỏ qụa ở trước trán. Yếm “”, khâu bằng vải mộc trắng, hình vuông để chéo, cổ khoét bán nguyệt, viền mép bằng vải đỏ, hai bên đính hai sợi dây buộc thắt ra sau lưng. Áo dài “” 5 thân, xẻ tà cao, nối thân, nửa trên màu nâu hay màu đỏ, nửa dưới là màu chàm đen hay xanh. Váy -“pồn bín” màu chàm, may kiểu khép mí, hình ống, phần cạp khâu lật vào trong để luồn dải rút và xếp ly thu nhỏ hơn so với phần gấu. Thắt lưng“slai bín”, là một khổ vải chàm hay vải đỏ, không trang trí thêu thùa, khi dùng cuốn nhiều vòng quanh bụng, hai đầu buộc thắt về phía trước.

Văn hóa ẩm thực

Người Sán Chay ăn cơm tẻ là chính. Gạo nếp chủ yếu đồ xôi, làm bánh trong trong các dịp lễ, tết. Những ngày giáp hạt, đồng bào còn dùng ngô thay gạo. Ngô được xay thô hay xay bột mịn, nấu độn với cơm hoặc quấy cháo ngô đặc. Thức ăn hàng ngày chủ yếu là rau xanh trồng ở vườn cạnh nhà hoặc hái trên rừng. Cách chế biến thức ăn: rau, thịt thường xào nhiều hơn luộc, có khi đem muối dưa ăn dần. Đồng bào bảo quản thịt bằng cách ướp muối, phơi khô hoặc hun khói trên gác bếp, dự trữ thức ăn hàng ngày. Khi ăn, người Sán Chay quy định: con dâu, em dâu không được ngồi chung mâm với bố chồng, anh chồng. Con rể không được ngồi cùng mâm với mẹ vợ.

Văn hóa ở

Làng bản của người Sán Chay thường lập nơi sườn đồi hoặc những bãi cao gần sông suối. Mỗi bản có từ 20 đến 30 nóc nhà. Họ sống đoàn kết gắn bó bên nhau.Trước đây, người Sán Chay ở nhà sàn có hình dáng gống con “trâu thần”, con vật tiêu biểu của nền nông nghiệp lúa nước. Bốn cột chính của ngôi nhà tượng trưng cho bốn chân trâu. Kết cấu khung nhà tượng trưng cho xương sườn và nóc nhà được coi là xương sống của “trâu thần”. Bên trong nhà, chỗ đặt bồ thóc, thùng gạo được coi là dạ dày của trâu. Trong nhà của người Sán Chay có 2 bếp, nhiều bàn thờ: Bàn thờ tổ tiên, bàn thờ thần bà mụ, bàn thờ thổ công thổ địa, bàn thờ Ngọc Hoàng, bàn thờ thần nông, thờ thần chăn nuôi. Các bàn thờ được thiết kế đơn giản, chỉ có một miếng giấy đỏ dán lên vách, một ống tre cắm hương, khay đặt vài tờ sớ, vài chiếc chén đựng rượu. Khi gia đình có việc, lễ tết thì họ cúng cả các bàn thờ. Hiện nay, phần lớn người Sán Chay ở nhà đất có nhà trên, nhà ngang, nhà bếp bao quanh sân phơi, chuồng gia súc tách riêng khỏi nhà, xung quanh nhà thường có mảnh vườn nhỏ trồng rau và một số cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, chuối, hồng…

Quan hệ xã hội, dòng họ

Người Sán Chay có nhiều dòng họ, trong đó có những dòng họ lớn, đông dân như họ Hoàng, Trần, La, Ninh. Các chi họ và nhóm hương hoả giữ vị trí quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng. Các thành viên trong làng bản người Sán Chay có ý thức cộng đồng rất cao. Trưởng bản của người Sán Chay thường là người có uy tín được dân bầu và cộng đồng tín nhiệm, có thể điều hành các thành viên trong bản tham gia các công việc chung của thôn bản. Do có tính gắn bó cố kết cộng đồng làng xóm, họ tộc, nên trong cuộc sống hàng ngày của người Sán Chay ít xảy ra xung đột. Đồng bào có tinh thần đoàn kết, gắn bó chặt chẽ bên nhau, chia sẻ giúp đỡ nhau trong mọi công việc, đây là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Sán Chay.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Người Sán Chay thực hiện hôn nhân ngoại hôn dòng tộc, hôn nhân một vợ một chồng bền vững. Phong tục của người Sán Chay chỉ kết hôn cùng họ, nhưng khác chi, nghiêm cấm kết hôn cùng chi, họ. Nam nữ Sán Chay được tự do tìm hiểu, lựa chọn bạn đời, nhưng phải được hai bên gia đình nhất trí và thông qua ông mối, người chủ lễ tơ hồng. Trước đây, nghi thức tổ chức đám cưới của người Sán Chay gồm nhiều bước: Đặt trầu, hỏi và cưới. Trong đó, tục lệ mở đầu cho việc cưới xin là lễ “đặt trầu”: Nhà trai mang 7 lá trầu sang nhà gái, đặt lên bàn thờ tổ tiên của nhà gái. Trong thời gian 7 ngày, nếu cô gái đồng ý, thì cất 7 lá trầu đó, nếu cô gái từ chối, để nguyên 7 lá trầu trên bàn thờ tổ tiên, bố mẹ cô gái sẽ đem trả lại cho nhà trai, kèm theo một ít tiền gọi là đền bù danh dự cho nhà trai. Tuy nhiên, trong thực tế, trường hợp cô gái từ chối thường rất ít khi xẩy ra. Sau lễ đặt trầu, ông mối nhà trai cùng họ hàng tiếp tục làm lễ hỏi, bàn định đồ sính lễ và nghi thức cưới xin. Lễ cưới tổ chức ở hai bên gia đình để mời họ hàng, làng xóm. Trước khi đón dâu, mọi lễ vật nhà trai dẫn sang nhà gái và trang phục của những người đi đón dâu phải tập trung ở nhà quan lang để làm phép, giữ vía cho những người đi đưa đón dâu trên đường được an toàn. Khi xuất phát, quan lang ra trước hiên nhà, giương ô lên làm phép cho mọi người đi qua. Trên đường về nhà chồng, cô dâu phải đi chân đất. Sau ngày cưới, cô dâu vẫn ở nhà bố mẹ đẻ của mình, tới khi nào có con mới được trở về ở hẳn nhà chồng. Ông mối được cô dâu, chú rể quý trọng, coi như bố mẹ đẻ, khi ông mối chết phải để tang. Ngược lại, ông mối cũng có trách nhiệm với cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ cho tới hết đời.

Gia đình người Sán Chay có con trai trưởng thành, sau khi chọn được người con gái ưng ý, thường báo trước cho nhà gái ngày, giờ nhà trai sang làm lễ đánh tiếng – dạm hỏi. Sau đó, nhà trai xin lá số tử vi của cô gái, nhờ thày cúng so số. Nếu không có điều gì trắc trở, nhà trai tiếp tục chọn ngày lành tháng tốt, cử người sang nhà gái xin định ngày ăn hỏi (tìu vờ). Trong lễ ăn hỏi, hai bên bàn bạc lễ vật thách cưới, nếu nhà trai đáp ứng đủ lễ vật đã thách cưới, đám cưới mới chính thức diễn ra. Lễ cưới truyền thống của người Sán Chay ở Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên thường diễn ra trong 3 ngày:
– Ngày thứ nhất chuẩn bị thịt lợn, thịt gà, giã bánh giầy
– Ngày thứ hai, nhà trai đưa lễ vật sang nhà gái đón dâu về
– Ngày thứ 3 (sau 3 sáng) con gái, con rể về nhà bố mẹ vợ và nhà ông mối, làm lễ lại mặt và ăn tổng kết (đầu lợn) đám cưới.

Tập tục tang ma

Người Sán Chay cũng tin rằng: người ta khi sống không chỉ có phần xác, mà còn có phần hồn – linh hồn. Khi chết, phần xác bị huỷ hoại, nhưng phần hồn vẫn còn tồn tại . Vì vậy, phải cúng để hồn có cái ăn, có cái mặc đi về sống ở thế giới bên kia. Tang lễ của đồng bào ảnh hưởng khá đậm nét của Tam giáo (Phật, Khổng, Đạo), cho nên khi có người chết, người Sán Chay thực hiện các thủ tục làm ma đan xen giữa các quan niệm Nho, Đạo và Phật): lập đàn cúng Phật, trình báo Ngọc Hoàng, Thái thượng Lão quân. Khi khâm liệm thi hài, người ta mặc cho người chết áo truyền thống còn mới, đồng thời đặt vào tay phải người chết một nén hương hoặc một cái que để làm gậy đuổi chó; đặt vào tay trái mấy hào bạc trắng hoặc tiền vàng để linh hồn có tiền tiêu trên đường về với tổ tiên. Tang ma của dân tộc Sán Chay có nét khác với dân tộc khác ở chỗ: trước khi đưa ma, con cháu tập trung đầy đủ dưới chân linh cữu để làm lễ tế rượu (chăm láu), vĩnh biệt người quá cố lần cuối cùng. Thầy cúng đọc bài: “Đại biệt từ linh”, con cháu làm lễ tách ma, điểm chỉ ký tên vào quyển sổ, trong đó có ghi đủ họ tên những người có quan hệ họ hàng từ thân đến sơ. Quyển sổ này làm theo một tờ sớ mà ba ông thầy cúng đã đóng triện và ký tên. Thầy cũng tiến hành đọc tờ sớ và bài cúng. Sau khi đọc tờ sổ và bài cúng xong, thầy cúng gọi con cháu trong gia đình đến trước đàn Phật, tự gạch tên mình đã ghi trong quyển sổ đó. Làm xong thủ tục xóa tên quyển sổ được đem hóa cùng với tờ sớ – giao cho linh hồn người chết và tiên Phật ở Tây phương Phật quốc. Nếu người chết vào giờ xấu, con cháu làm thủ tục đi chôn trước, sau đó mới về nhà làm ma chay trong 3 ngày liền. Khi đó, các bên thông gia có trách nhiệm mang gà, lợn đến làm lễ chay, tiễn đưa linh hồn về thế giới bên kia.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Sán Chay tin theo đa thần giáo, quan niệm vạn vật hữu linh. Điều này thể hiện rõ nhất là các bàn thờ ở trong nhà người Sán Chay: ngoài bàn thờ tổ tiên như các dân tộc khác ở trong vùng, người Sán Chay còn thờ: Trời đất, Thổ công, Bà mụ, Thần nông, Thần chăn nuôi,… Phổ biến nhất là thờ Ngọc Hoàng, Phật Nam Hoa và Táo Quân. Con trai có vợ người Sán Chay phải làm lễ cấp sắc để cộng đồng, thần linh công nhận đã là người trưởng thành, được cấp tên âm. Đồng bào Sán Chay không thờ cúng thần nông, nhưng họ rất coi trọng cúng thổ địa, thần rừng như thờ ông Thó quan và bà Nà Noóng ở miếu làng. Họ không cho phép chặt cây cối xung quanh miếu, không làm vấy bẩn miếu, với các tích chuyện thiêng như: nếu ai xâm phạm vào sẽ bị điên, ngã suối hay sẽ tự ăn bẩn v.v.. nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sống của chính họ. Ngoài ra, đồng bào còn có các nghi lễ cúng: cúng cơm đen (3-3 âm lịch), cúng bánh gio (5-5), cúng cơm mới, cốm non (tháng 8), cũng bánh dày (10/10), cúng bánh vắt vai, bánh chưng gói bằng lá bông ỏng (14/7, tết Nguyên đán) thay cho giỗ ông bà tổ tiên hàng năm.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Dân tộc Sán Chay có nền văn học, văn nghệ dân gian phong phú, với kho tàng truyện cổ tích, thơ ca, hò, vè, tục ngữ sâu sắc, các điệu múa… Truyện cổ tích phải kể đến là: “Bắt thiên lôi về ăn thịt”, nói về tinh thần chinh phục, chế ngự thiên nhiên; truyện “Chàng mồ côi”, truyện “Sự tích con ong mật”, truyện “Chàng Tào An” ca ngợi tinh thần chống áp bức bóc lột, về tình yêu nam nữ, con cái hiếu thảo với ông bà cha mẹ… Đặc biệt, người Sán Chay có hình thức sinh hoạt văn nghệ sình ca/soóng cọ rất độc đáo, mang tính trữ tình sâu nặng, có tính giáo dục sâu sắc. Trai, gái thường hát dân ca trữ tình trong các cuộc hội ngộ, gặp gỡ bạn bè. Đồng bào còn có điệu múa Tắc Xình nổi tiếng, thể hiện quy trình canh tác nương rẫy với các điệu: múa trống (nhợc), múa xúc tép (sọc cộng), múa chim gâu (lòng nộc lan), múa đâm cá, múa thắp đèn… Đây là điệu múa dân gian trong lễ hội cầu mùa của người Sán Chay, để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia súc, gia cầm chóng lớn, trâu bò, dê, lợn chật chuồng, gà, vịt, ngan, ngỗng đầy sân, con người mạnh giỏi, cuộc sống sinh sôi, ấm no hạnh phúc… Múa “Tắc xình” có 8 âm liên tiếp, nhưng chỉ có hai âm “tắc” và âm “xình” hợp lại. “Tắc” là âm phát ra bởi tiếng gõ của thanh tre trên thân ống tre. Âm “xình” là âm phát ra do động tác nện ống tre xuống đất. Các âm “tắc“ và “xình“ phát ra liên tiếp 8 lần theo một trật tự nhất định để kết thành một khúc có giai điệu rất riêng không thể lẫn vào đâu được. Ở đây, người ta lấy hai âm cuối một khúc “Tắc xình“ để gọi tên cho điệu múa. Cả người diễn, người xem và nhạc công đều cùng tham gia trong vòng tròn nhảy múa, không hạn chế số lượng. Người múa, đồng thời cũng có thể là một nhạc công. Điệu nhảy đơn giản, âm thanh vui nhộn, là không gian để cho mọi người vui vẻ sau những ngày lao động mệt nhọc. Nhạc cụ của người Sán Chay gồm: Thanh la, não bạt, trống, chuông, kèn… Độc đáo nhất là trống tang bằng sành và khèn ống nứa. Đồng bào có các trò chơi: Đánh cầu, đánh quay, diễn trò “trồng cây chuối”, vặn rau cải, tung còn…

Cộng đồng Sán Chay ở Việt Nam sinh sống tập trung tại Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Đồng bào chủ yếu canh tác lúa nước kết hợp với nương rẫy. Quá trình lao động, họ đã sáng tạo ra điệu múa tắc xình, ghi lại cuộc sống đời thường, làm giàu cho kho tàng văn hóa Việt Nam. Tùy từng nơi, điệu múa tắc xình có sự khác nhau ít nhiều, nhưng cơ bản vẫn là nghệ thuật trình diễn dân gian, mang yếu tố tâm linh trong lễ hội cầu mùa của người Sán Chay, biểu đạt sự tạ ơn trời đất, thần linh đã cho mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm, lúa ngô được mùa, cầu khẩn sự che chở của thần linh cho sức khỏe. Múa Tắc xình có 09 động tác mô phỏng quy trình canh tác của người Sán Chay gồm: thăm và dọn đường, bắt quyết cầu trời, mài dao, phát nương, tra mố, chăm sóc lúa, thu hoạch mùa màng, giã cốm, mừng mùa và trả lễ cho thần linh. Múa Tắc xình « tắc sịch » hay « tắc sình » còn mang ý nghĩa là các điệu nhảy gắn liền với âm thanh của các nhạc cụ tre, mà “Tắc” là âm phát ra bởi tiếng gõ của thanh tre trên thân ống tre, “Xình” là âm phát ra do động tác nện ống tre xuống đất. Các âm “tắc” và “xình“ phát ra liên tiếp 8 lần theo một trật tự nhất định để kết thành một khúc có giai điệu rất riêng “Tắc – tắc – xình, tắc – tắc – xình…” chỉ có ở người Sán Chay.

Tết, lễ hội cộng đồng

Người Sán Chay có nhiều lễ tết trong năm: Tết năm mới, Tết thanh minh ngày3/3, Tết Đoan ngọ ngày 5/3, Tết rằm tháng 7, tết cơm mới 10/10, lễ hội cầu mùa…Trong tết Nguyên đán, đồng bào quy định: ngày 28 tháng chạp, là tết gói bánh, mùng 1 là tết gia đình, mùng 2 – mời thầy mo cúng động thổ, khởi đầu năm mới, sau đó các gia đình mới được cày cuốc, đi rừng, phát nương… Đặc biệt, lễ cúng cơm mới của người Cao Lan còn có tục lấy 2 bông lúa non nấu cơm cùng thóc cũ để ghi nhớ những ngày tháng nghèo khổ, theo tích cũ: Do quá nghèo, không có cơm mới cúng tổ tiên, phải đi ăn trộm 2 bông lúa cho vào nấu cùng với ngô, khoai, báo tổ tiên là có cơm mới. Người Cao Lan, họ Mông chỉ cúng xôi trắng vì cha ông họ trèo cây lấy lá làm cơm đen bị ngã chết, nên con cháu không bao giờ cúng và ăn cơm đen. Người Sán Chay ở Quảng Ninh còn có ngày hội Sặm Nhịt Hụi chỉ dành cho những người “Yêu nhau không lấy được nhau » Đây được coi là lễ hội của những làn điệu Soóng cọ (hát giao duyên), tìm bạn tình và gặp gỡ người thương – của đồng bào dân tộc Sán Chỉ (Sán Chay) tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng. Mở đầu lễ hội là trích đoạn lễ “cầu mùa” cầu cho lúa xếp đầy bồ, súc vật đầy chuồng, nhà nhà con cháu thuận hòa, hàng xóm vui vẻ, cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước bình an, bà con thôn xóm ngày càng ấm no, hạnh phúc. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động: hát Soóng cọ (hát đối), đánh gụ, thi đẩy gậy, bắn nỏ….Tất cả những  hoạt động văn hóa đó đã tạo nên nét đặc sắc của cư dân Sán Chay.

Cầu mùa là lễ hội mang yếu tố tín ngưỡng, độc đáo, lớn nhất trong năm của người Sán Chay, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân, nhằm cầu xin trời đất cho mưa thuận gió hòa, muôn loài sinh sôi nảy nở, làng xóm bình yên, nhà nhà mạnh khỏe, người người no đủ.
Chuẩn bị cho lễ hội: nam giới trong làng chịu trách nhiệm dựng cây nêu, làm một số trống đất (nhạc cụ đặc trưng của người Sán Chay). Nữ giới chuẩn bị lễ vật gà, lợn, đồ xôi cẩm ngũ sắc, gói bánh sừng bò, bánh chim gâu (bánh gạo nếp, gói trong lá dứa rừng, được đan thành hình con chim gâu- chim cu gáy), làm quả Còn, quả Yến để tổ chức hội. Thày cúng làm vật trang trí, làm sớ cúng thần.
Lễ hội có 2 phần: phần lễ, nam thanh nữ tú đội trên đầu các mâm lễ vật gồm: xôi ngũ sắc, gà, lợn, hoa quả, trầu cau mang ra miếu, đình thờ thổ công của thôn để cúng các vị thần. Chủ tế cùng các bậc cao niên trong thôn tiến hành các nghi lễ cúng mời Thành Hoàng, Thổ công về hưởng lễ, phù hộ cho dân làng năm mới bình an, sức khỏe, sản xuất, chăn nuôi, buôn bán kết quả tốt. Phần cúng thần đất, thày cúng tế thần, cùng dân làng hòa tấu các nhạc cụ trống đất, kèn, thanh la, não bạt, trống, ống tre gõ vào nhau, nện xuống đất. Hai người đàn ông trong trang phục thầy cúng từ hai bên bước ra theo nhịp, tay cầm quả chuông đồng buộc liền với dải đai lưng nhảy múa tắc xình nghi lễ, tay rung chuông, chân giơ cao, lần lượt nhảy tiến lên, lùi xuống, quay mặt, quay lưng vào nhau. Các động tác thể hiện sự khỏe khoắn, nói về công cuộc chinh phục, khai phá thiên nhiên, chọn đất, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương, dọn rẫy, tra hạt, hái lượm, mừng mùa vụ, chim gâu, cầu xin thần vui hội, phù hộ cho mùa màng tươi tốt, dân làng bình an, khỏe mạnh, Phần hội, thanh niên nam nữ trong trang phục truyền thống tiếp tục điệu nhảy Tắc xình. Các động tác múa mô phỏng những hoạt động trong lao động sản xuất trong âm thanh đặc trưng của trống đất (đó là những cái hố sâu 50 cm, đường kính miệng đất khoảng 20cm, đường kính đáy rộng gấp đôi miệng trống, dùng vỏ cây Trẹo dầy bịt miệng hố, rồi căng một đoạn dây rừng trên mặt đất, lấy que nhỏ chống lên ở đúng trung tâm hố đất, dùng que nhỏ gõ vào sợi dây, tạo ra các âm thanh theo ý đồ. Khi làm lễ hay giữ nhịp cho điệu nhảy, người chơi gõ vào dây là tạo ra những âm thanh vọng từ đất nghe rất khác lạ. Người nghe có thể cảm nhận rõ những thanh âm lách cách của bộ gõ, thâm trầm của trống đất, giống như dương gặp âm, trời gặp đất, có thêm sự cổ vũ của tiếng kèn, để trời biết, đất biết, phù hộ cho dân làng mùa vụ mới tốt hơn), những ống gõ được làm từ tre nứa to nhỏ, dài ngắn khác nhau hòa tấu tạo thành âm hưởng tắc xình vui nhộn. Sau điệu múa, người Sán Chay cùng nhau hát những bài ca dân gian, chơi ném còn, kéo co, diễu hành vòng quanh để thể hiện cho sự gắn bó, đoàn kết bà con trong bản. Lễ cầu mùa khép lại khi những người dân Sán Chay mời khách cùng dự bữa cơm đoàn kết, cùng với những lời chúc cho một mùa vụ mới thật no ấm.