Giáy

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Giáy có hơn 58.617 người (Năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú chủ yếu ở các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Cao Bằng.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Cùi Chu, Xạ.
Ngôn ngữ: Dân tộc Giáy thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái.

Sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp: Dân tộc Giáy có nhiều kinh nghiệm canh tác lúa nước trên những triền ruộng bậc thang. Sản xuất canh tác nông nghiệp là chủ yếu, Người Giáy canh tác cả hai loại: ruộng và nương rẫy. Đồng bào có kinh nghiệm lâu đời làm ruộng nước, biết khai phá đất dốc thành những thửa ruộng nước bậc thang và cấp nước lên các triền núi ruộng bậc thang, song hành với các nghi lễ cúng, các vị thần linh thiêng để bảo vệ rừng đầu nguồn. Trên nương rẫy, ngoài trồng lúa, ngô còn trồng xen canh các loại rau củ, đậu…Ruộng và nương rẫy định canh ngày nay được chăm sóc và bón phân, nên năng suất cao. Công cụ sản xuất nông nghiệp có: cày, bừa, cuốc, cào cỏ, dao phát, liềm gặt….

Kinh tế tự nhiên

Kinh tế tự nhiên: Bên cạnh đó họ còn làm thêm nương rẫy trồng ngô, lúa, các loại cây có củ và rau xanh. Nhà nhà đều nuôi lợn, gà, vịt khá nhiều: gia súc: bò, lợn, ngựa chưa nhiều, chăn nuôi theo lối thả rông. Có một số nghề thủ công nhưng chưa phát triển. Vì ở vùng thấp và thường tụ cư ven các trung tâm đông đúc nên Người Giáy biết trao đổi và làm kinh tế hàng hóa tại các chợ vùng cao.

Nghề thủ công

Các nghề thủ công: Người Giáy nổi tiếng nghề thủ công như đan lát, đóng đồ gỗ, làm bàn ghế trúc, làm gạch nung vôi, chưng cất dầu hồi.

Phương thức vận chuyển

Phương thức vận chuyển: Người Giáy phương tiện đi lại vận chuyển chủ yếu là đi bộ, gánh bằng đôi dậu trên vai. Đi xa, thồ hàng, chở phân, vật nặng… đều dùng ngựa, trâu bò kéo. Ngày nay, nhờ hệ thống đường liên xã, liên bản mở rộng, người Giáy dùng cả xe đạp, xe máy để đi lại và vận chuyển.

Trao đổi hàng hóa

Trao đổi hàng hóa: Trước đây, việc trao đổi mua bán của người Giáy là vật đổi vật, chưa xuất hiện trao đổi buôn bán (tiền – hàng – tiền). Ngày nay, đồng tiền đã xuất hiện, hình thức vật đổi vật vẫn tồn tại ở người Giáy, họ trao đổi với nhau mớ rau, con gà, lít rượu… Họ mua bán hàng hóa qua các phiên chợ. Tuy nhiên, tiền vẫn là phương tiện mua bán chủ yếu của đồng bào

Văn hóa mặc

Văn hóa mặc: Trang phục dân tộc Giáy đến nay vẫn bảo lưu yếu tố cổ truyền. Phụ nữ Giáy phổ biến mặc loại áo ngắn, xẻ nách. Đây là loại áo ngắn trùm kín mông, xẻ nách phải, ống tay rộng. Viền cổ trang trí đậm nét bằng các vải khác màu, còng cung lõm từ cổ tới nách trái, gần giống với trang phục phụ nữ Nùng… Đây được coi là loại áo sử dụng kỹ thuật cắt khâu “xẻ nách”, trang trí ở đường viền cổ, tuy không cầu kỳ nhưng là một sắc thái riêng cho cư dân Giáy, Bố Y, Nùng ở phía Bắc Việt Nam. Một số người Giáy cũng có loại áo như trên, nhưng lại để chàm hoặc trắng mộc, không trang trí. Áo mặc trong là loại áo cánh ngắn cộc tay, xẻ ngực, cổ tròn thấp và có hai túi dưới. Áo xẻ nách, cài cúc vải được tết cẩn thận với nhiều loại nút đẹp mắt. Phụ nữ Giáy thường đội khăn quấn thành nhiều kiểu khác nhau, cổ đeo vòng bạc. Nhóm Giáy Lao Cai, Lai Châu mặc quần chàm ngắn đến mắt cá chân, ống rộng. Tóc vấn kiểu vành khăn và thường đeo túi vải thêu hoa văn phổ biến ở đáy túi là hình răng chó. Phổ biến đi loại giày vải thêu hoa văn nhiều loại.

Nam giới dân tộc Giáy mặc áo và quần. Áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, đứng, cài cúc vải. Áo thường có ba túi, hai túi dưới, một túi trên bên phải. Thân áo hơi ngắn, màu chàm. Quần ống đứng (rộng 35 – 40 cm), cạp to bản, không dũng dây cút mà chỉ vận vào người. Trước đây nam giới thường quấn khăn trên đầu. Có nhóm nam cũng mặc áo xẻ nách.

Văn hóa ẩm thực

Văn hóa ẩm thực: Đồng bào Giáy thường ăn hai bữa chính (sáng, tối) và một bữa phụ (trưa) trong ngày. Ăn cơm tẻ. Gạo được luộc cho chín dở rồi mới cho vào chõ đồ lên như đồ xôi. Nước luộc gạo dùng làm đồ uống. Mỗi dân tộc có quan niện khác nhau về vị trí chỗ ngồi: phía dãy ghế ở gần bàn thờ dành riêng cho người cao tuổi nhất, khách quý nhất. Trước khi ăn uống, kiên trì nghe gia chủ tiến hành các nghi lễ mời tổ tiên, chúc tụng các điều tốt lành. Khách không rót rượu trước, không gắp thức ăn trước, khi dùng xong tuyệt đối không úp chén, úp bát xuống mâm. Làm như vậy các thần sẽ quở trách, làm ăn đóng bế.

Văn hóa ở

Văn hóa ở: Làng người Giáy đông đúc, có khi tới cả trăm nhà. Mỗi làng đều có khu rừng cấm, thờ thế lực siêu nhiên. Đồng bào Giáy ở nhà sàn (Hà Giang và Cao Bằng), hoặc ở nhà trệt (Lào Cai, Lai Châu). Dù nhà sàn hay nhà đất, đồng bào đều phải coi trọng hướng nhà: mặt trước phải thoáng, mặt sau phải tựa vào núi thì mới mong thần núi che chở, tránh được những điều xui xẻo. Nhà truyền thống của người Giáy thường làm 3 gian, 4 vì cột, hai gian ngoài làm thêm gác xép, gian giữa để thông thoáng, gian giữa được làm thụt vào so với 2 gian bên. Nhà có 3 cửa: cửa chính ở gian giữa để ra vào có treo mắc những quả còn bằng vải đủ màu sắc để trang trí (kiêng xách thịt tươi đi qua, kiêng phụ nữ mới đẻ không được đi qua nếu đứa trẻ chưa được ra mắt tổ tiên), một cửa ra nhà bếp (để người ta ra vào khi tránh những việc không được đi vào gian chính), một cửa nằm ở trong buồng mở ra phía đằng sau nhà, để phụ nữ tiện qua lại. Trong nhà, gian giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khách, nơi quây quần ăn cơm trong các dịp lễ, tết, giỗ của các thành viên gia đình; Gác xép (lầu) như một cái kho cất trữ thóc lúa, gạo thịt và làm nơi ngủ cho khách; Gian giữa bao giờ cũng để tiếp khách và đặt bàn thờ tổ tiên. Mỗi cặp vợ chồng có một buồng nhỏ tại các gian bên cạnh gian giữa. Buồng vợ chồng con cả sẽ nằm ở phía mặt trời lặn. Buồng của con dâu thứ nằm ở phía mặt trời mọc. Trước đây, bếp thường nằm ở gian bên trong ngôi nhà của người Giáy, nhưng ngày nay, nhiều gia đình người Giáy đã làm bếp đun nấu riêng, độc lập với nhà.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Quan hệ xã hội, dòng họ: Trước Cách mạng tháng Tám, xã hội người Giáy có sự phân hoá giai cấp rõ rệt. Kẻ giàu thường là chức sắc, làng xã, bản có quyền lợi và tỏ rõ quyền áp bức như: thu thuế dân làng, bắt làm tạp dịch những ngày công, phục dịch chủ ruộng trong các ngày vui, ngày hội, tang lễ, cưới xin của chức dịch và chủ đất. Quan hệ dòng họ không giữ vị trí quan trọng như ở dân tộc khác.Tầng lớp trên là những chức dịch trong bộ máy chính quyền ở xã, thôn bản, nhiều người được hưởng ruộng công do dân cày cấy, có rừng thảo quả do dân trồng, có lính phục dịch, có người lo việc tang, việc cưới, đôi khi có cả đội xoè. Nông dân, ngoài đóng thuế còn phải làm lao dịch và cống nạp cho các chức dịch.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Tập tục hôn nhân, gia đình: Theo phong tục Giáy, trong các gia đình vị thế nổi bật là người chồng, người cha. Con cái lấy họ theo cha. Nhà trai chủ động việc cưới xin, sau lễ cưới, cô dâu về ở cùng gia đình nhà chồng, tuy vậy việc ở rể cũng khá phổ biến.

Cưới xin: Gồm nhiều nghi lễ: dạm hỏi, thả mối, ăn hỏi, cưới và lại mặt. Trong lễ ăn hỏi nhà trai đưa cho nhà gái một vòng cổ và một vòng tay để “đánh dấu”. Trong lễ cưới ngoài chi phí cho ăn uống, nhà trai còn phải mang cho nhà gái một số thực phẩm và tiền để làm quà tặng họ hàng gần; mỗi người một con gà, một con vịt và một đồng bạc trắng. Người Giáy cũng có tục kéo vợ như người Hmông. Trong đám cưới người Giáy, trao dâu là nghi thức quan trọng khi nhà gái đi đưa dâu đến nhà trai và đã đến lúc chuẩn bị ra về. Các bài hát trao dâu nói lên tình cảm của cha mẹ, anh chị em, họ hàng đối với cô dâu khi về nhà chồng. Đó cũng là những lời dặn dò, khuyên răn cô dâu khi về sống ở gia đình nhà chồng. Người Giáyquan niệm làm dâu là một việc khó. Chính vì thế, các lời hát trong nghi thức trao dâu thực chất là những lời tâm sự, dạy bảo chân thành của mọi người đối với cô dâu. Những lời dạy bảo này sẽ giúp cô dâu ứng xử tốt hơn với họ hàngnhà chồng, nhất là bố mẹ và anh em của chú rể. Hát trao dâu trong đám cướingười Giáy là một phong tục đẹp, vẫn được duy trì đến ngày nay. Những lời hát cũng được bổ sung ngày càng phong phú, thiết thực hơn đối với những cô dâu trẻ khi bước chân về nhà chồng. Đám cưới (Cưn láu) là một trong những ngày hội vui nhất của người Giáy. Họ quan niệm, Cưn láu càng lớn, càng đông vui thì hạnh phúc của đôi trai gái càng được bền lâu và thiêng liêng hơn. Và trong các đám cưới người Giáy, bao giờ cũng có các cuộc hát đối đáp giữa trai gái của bản làng này với trai gái của bản làng khác đến dự đám cưới. Các cuộc hát đối đáp thường bắt đầu vào chập tối, có khi kéo dài đến tận ngày hôm sau, đêm hôm sau. Ngoài ra trong các nghi thức cưới đều có kèm theo các bài hát như hát đón dâu, hát đưa dâu, hát rửa mặt, hát trước mâm trước rượu, hát đạo lý, hát khuyên răn, hát cám ơn. Khi có thai phụ nữ phải kiêng nhiều thứ: không đun củi từ ngọn lên gốc (sợ đẻ ngược), không đến đám tang hay nơi thờ cúng (sợ mất vía). Gần đến ngày đẻ, họ phải cúng mụ. Trẻ đầy tháng cúng báo tổ tiên, đặt tên và lập lá số cho trẻ để sau này đem so tuổi khi lấy vợ, lấy chồng và chọn giờ nhập quan, hạ huyệt khi chết đi.Phụ nữ Giáy khi mang thai phải kiêng cữ và cúng cầu mong sinh nở yên lành. Dịp đứa bé đầy tháng, có lễ trình báo với tổ tiên và cầu xin tổ tiên phù hộ. Tên, ngày tháng năm sinh của mỗi người được thầy cúng ghi vào miếng vải đỏ, sẽ dùng để so tuổi khi tính chuyện cưới xin và chọn giờ trong việc đám ma của chính người đó.

Tập tục tang ma

Tập tục tang ma: Người Giáy cho rằng: ngoài thế người sinh sống còn có thế giới trên trời và thế giới trong lòng đất. Mỗi người chết đi nếu được cúng ma chay chu đáo thì sẽ được lên trời sống sung sướng, bằng không sẽ phải xuống thế giới trong lòng đất hoặc biến thành con vật rất đáng sợ. Vì thế, ở những gia đình khá giả đám tang có thể kéo dài tới 5-7 ngày và có thêm một số nghi lễ như thả đèn trôi sông, rước hồn đi dạo… Con cái để tang bố mẹ một năm. Lễ đoạn tang thường được tổ chức vào dịp cuối năm.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Tín ngưỡng tôn giáo: Trên bàn thờ của người Giáy có ba bát hương theo thứ tự từ trái sang phải: thờ táo quân, trời đất và tổ tiên và thờ cả “vua bếp”. Trong trường hợp chủ nhà là con nuôi hay con rể thừa tự muốn thờ họ bố mẹ đẻ thì đặt thêm một bát hương ở bên trái. Những gia đình không thờ bà mụ (liên quan đến sinh đẻ và trẻ sơ sinh) ở trong buồng thì đặt thêm một bát hương ở bên phải trên bàn thờ. Những tổ tiên xa xưa được thờ làm “ma” giữ cửa. Ở một số gia đình ngoài bàn thờ lớn còn đặt một bàn thờ nhỏ để thờ bố mẹ vợ. Phía dưới bàn thờ lớn ngay trên mặt đất đặt một bát hương cúng thổ địa, ở hai bên cửa chính có hai bát hương thờ thần giữ cửa. Ở vị trí quan trọng nhất trong nhà (vách nhà ở gian giữa hoặc góc đầu nhà sàn, là nơi thờ tổ tiên, khách không được đặt mũ, nón, tư trang và đồ dùng khác ở nơi đó, không được sờ tay lên các đồ thờ cúng. Khi ngồi không được quay lưng vào nơi thờ. Bếp lửa vừa là nơi nấu nướng, tiếp khách, đồng thời là nơi thiêng liêng thờ vua bếp, thần lửa. Do đó khi ngồi cạnh bếp lửa sưởi không đặt chân lên hoặc làm xê địch hòn đá kê làm kiềng, thần lửa sẽ quở trách, bắt phạt. Khi đun nấu đồng bào Giáy đều chú ý đặt quai ninh, chảo, nồi lên bếp không được để hai quay nồi, chảo theo hương cây xà ngang (vì đó là hướng nằm của người chết) mà phải đặt theo hướng đòn nóc nhà. Khi ngồi gần bếp, du khách không quay lưng và giẫm chân vào bếp. Trong ngôi nhà đồng bào các dân tộc cửa và cây cột chính cũng là vị trí linh thiêng thờ thần cửa, thần cột cái. Vì vậy không nên ngồi bậu cửa hoặc treo mũ nón và tựa lưng vào cột cái. Đồng bào kiêng không huýt sáo ở trong nhà, vì nó là tín hiệu gọi ma tà, bão giông.

Hàng năm các nghi lễ chung cúng thần làng, xua đuổi ma ác của đồng bào Giáy. Khi cúng đồng bào đặt các dấu hiệu kiêng kỵ cấm người lạ vào làng như buộc chùm lá xanh ở cột cao trên đường vào làng hoặc đan phên mắt cáo, buộc vào đó xương hàm lợn, trâu, bò. Cả làng không ai đi làm, không cho người lạ vào làng. Nếu người lạ vô tình gồng gánh, đội nón, che ô, đeo gùi, ba lô… vào làng sẽ bị phạt bằng cách nộp đủ số lễ vật để làm lại lễ cúng làng. Trường hợp có việc khẩn cấp, muốn vào làng ngay, khách lạ phải bỏ mũ, ba lô, gồng gánh … tất cả đồ đạc đều phải xách tay, mới mong được giảm hoặc miễn phạt. Mỗi làng đều có khu rừng cấm, thờ thế lực siêu nhiên. Nơi thờ cúng có thể ở gốc cây to, hòn đá lớn ở trong rừng. Rừng cấm là khu rừng chung của cả làng. Mọi người tự nguyện bảo vệ rừng, không ai được tự tiện chặt phá, phóng uế, trai gái không được phép đến nơi đó tâm tình.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật: Người Giáy có vốn truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, câu đố, đồng dao.v.v. Trong kho tàng văn nghệ của người Giáy có truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, đồng dao, phong dao… Ở người Giáy có ba kiểu hát mà họ gọi là “vươn” hay “phướn” hát bên mâm rượu, hát đêm và hát tiễn dặn…Có nhiều truyện giải thích hiện tượng tự nhiên, có nhiều truyện thơ dài, có truyện kết hợp lời kể với lời hát. Dân ca phong phú, gồm nhiều loại, mỗi loại có nhiều bài, điệu khác nhau, đặc biệt các hình thức hát giao duyên nam nữ là sinh hoạt sôi nổi và hấp dẫn.

Tết, lễ hội cộng đồng

Tết, lễ hội dân gian: Người Giáy ăn Tết như các dân tộc ở vùng Ðông Bắc: Tết Nguyên đán, Thanh minh, Ðoan ngọ…. Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch người Giáy ở Tả Van (huyện Sa Pa – Lào Cai) lại mở hội Roòng Poọc để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà. Tại lễ hội, lễ vật trên bàn cúng bao gồm: Đĩa hoa quả, bánh kẹo, năm bát xôi màu xanh, đỏ, tím, phỏng gạo bốn bát, hai nắm xôi trắng nắm ý nghĩa vị thần mang theo trên đường đi. Bên cạnh có bát nước trong có đồng xu tượng trưng sự sung túc về tiền bạc. Cạnh bát hương là 5 chén nước chè, 9 chén rượu và 9 quả trứng màu xanh, đỏ, trắng tượng trưng cho màu trang phục của 9 nàng theo hầu vị thần. Ngoài ra còn có trang sức dành cho các nàng hầu như khuyên tai, vòng đeo tay, đeo cổ. Bên cạnh bát nước là quả Còn để ném vòng nhật nguyệt. Một con lợn con, một con gà, con vịt sống để gầm bàn lễ khi nào già bản khấn cúng xong dâng lên vị thần (hiến tế) với ý nghĩa cảm ơn vị thần đã cho dân bản nhiều gia súc. Trên ghế, vị thần ngồi bên trái có gánh củi, ý nghĩa trên đường đi vị thần và người hầu có củi để nấu ăn và sưởi. Bên phải có gánh cỏ, ý nghĩa để trên đường đi ngựa của vị thần có cỏ để ăn. Trên ghế ngồi của vị thần có trải chăn màu đỏ vì theo dân tộc Giáy màu đỏ là màu may mắn. Sau khi chuẩn bị các lễ vật xong thầy cúng khấn cúng, đọc tên các lễ vật và xin vị thần bản phù hộ cho dân bản một mùa bội thu, gia súc đầy chuồng, làm được của ăn của để. Lễ cúng xong thì thầy cúng sẽ đưa quả Còn cho những người già uy tín trong bản ném vòng Nhật Nguyệt treo ở độ cao 30m. Trong ngày làm lễ cúng phải ném thủng vòng Nhật Nguyệt, vì người Giáy quan niệm rằng nếu vòng Nhật Nguyệt không được ném thủng thì cả năm đó bản sẽ đen đủi. Khi vòng Nhật Nguyệt được ném thủng thì từng gia đình đến bàn thờ chính để thắp hương vái lạy thần linh, cầu may mắn cho gia đình và làng bản. Tham gia lễ hội là tất cả già trẻ, lớn bé trong bản. Người Giáy cũng rất cởi mở khi đón tiếp bạn bè các dân tộc anh em đến xem và chia vui. Sau phần lễ (cúng tế) là đến phần hội. Nhiều trò chơi dân gian diễn ra rất vui, trong đó đặc biệt là có cuộc thi tài cày ruộng của những chàng trai. Mở đầu là trò chơi ném còn. Những người cao tuổi (nam một bên, nữ một bên) lấy 6 quả còn cùng ném tượng trưng 3 lần khai mạc, rồi sau đó mọi người vào cuộc chơi. Những quả còn tua xanh đỏ vun vút lao lên phông còn.Tiếng xuýt xoa hò reo cổ vũ rền vang. Phông còn bị ném thủng là báo hiệu cho một năm mùa màng tươi tốt. Cùng với ném còn là chơi kéo co. Tốp nam đứng phía đông cầm phần gốc dây song (dây kéo co).Tốp nữ đứng phía tây cầm phần ngọn. Hồi trống kèn nổi nên thùc giục.Bên nam (đằng đông tượng trưng cho dương, mặt trời) luôn kéo thắng. Bên nữ (tượng trưng cho âm) giả vờ thua. Và như vậy, năm đó cả làng sẽ được mùa. Lễ hội Roòng Poọc (xuống đồng) của người Giáy là sự giao hoà giữa thiên nhiên và con người, làm mỗi người trong cộng đồng nơi đây biết trân trọng giá trị của lịch sử (ghi nhớ công lao người mở đất lập bản), biết trân trọng thiên nhiên (tâm linh tôn trọng các thế lực siêu nhiên, biết yêu thương cỏ cây, tài nguyên đất và nước), biết yêu thương con người (giao lưu, đồng cảm, đoàn kết).