Nùng

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Người Nùng có dân số 968.800 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Người Nùng sống tập trung ở các tỉnh vùng Đông bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Lào Cai…. Sau năm 1975, một lượng lớn đã di cư vào các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú:Nùng Giang, Nùng Xuồng, Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Cháo, Nùng Phàn Slình, Nùng Quy Rịn, Nùng Dín…
Ngôn ngữ: Dân tộc Nùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (ngữ hệ Thái – Ka Ðai)

Sản xuất nông nghiệp

Dân tộc Nùng là cư dân trồng trọt, lúa  nước là cây lương thực chính. Sau ruộng nước, người Nùng còn có nương thổ canh ở soi bãi ven sông hay dưới chân đồi, núi để trồng hoa màu.Đồng bào thường trồng ngô xen canh với đỗ tương, bầu, bí… Công cụ làm đất chủ yếu là cày, bừa, cuốc. Ngoài phương pháp cày, bừa để làm đất, ở người Nùng còn có phương thức canh tác “thủy nậu”, đó là dùng hàng chục con trâuthả xuống ruộng quần sục cho đất nhão ra, sau đó chỉ cần cào bằng mặt ruộng là có thể cấy được. Đặc biệt, trong canh tác lúa nước đồng bào sáng tạo ra chiếc cọn quay đưa nước tưới lên những chân ruộng cao. Ngoài các cây lương thực, người Nùng còn trồng cây ăn quả, cây công nghiệp như: vải, nhãn, quýt, lên, mận, hồi, trẩu, bông, dâu… Chăn nuôi chiếm vị trí đáng kể trong đời sống của người Nùng để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày và những dịp lễ, tết, hiếu, hỷ. Đồng bào nuôi  nhiều loại gia súc, gia cầmnhư: trâu, bò, ngựa, dê, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo… Trước kia, cách nuôi phổ biến là thả rông, khi cần vỗ béo mới nhốt trong chuồng làm ở dưới gầm sàn. Ngày nay, ở đồng bào không còn tập quán thả rông, chuồng trại cũng được làm tách khỏi nhà ở để bảo đảm vệ sinh. Ở một số nơi sẵn nguồn nước, người Nùng còn đào ao thả cá hoặc nuôi cá trong ruộng cùng với chu kỳ canh tác của cây lúa.

Kinh tế tự nhiên

Cũng như nhiều dân tộc khác, việc khai thác các sản phẩm có sẵn trong tự nhiên chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào Nùng. Họ hái lượm các loại rau rừng, măng, nấm; các loại côn trùng và nhuyễn thể như nhộng ong, nhộng kiến, trừng kiến, sâu cây lau, tắc kè, ba ba, ốc, hến, tôm cua… Trước đây, khi rừng còn nguyên sơ, muông thú còn nhiều, đồng bào săn bắn được nhiều loại thú rừng như: hươu, nai, lợn rừng, cày, cáo, hổ, báo… bằng các vũ khí như súng, nỏ, bẫy. Săn bắn không chỉ bảo vệ mùa màng mà còn cung cấp thêm nguồn thực phẩm cho gia đình. Thậm chí, có những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao (xương hổ để nấu cao, mật gấu, nhung hươu…). Ngày nay, rừng rậm bị tàn phá, nguồn động thực vật ngày càng suy giảm nên hình thái kinh tế hái lượm, săn bắn bị thu hẹp.

 Do sinh sống ở gần sông, suối nên đồng bào rất thành thạo trong việc đánh bắt cá. Dụng cụ phong phú gồm: chài, lưới, nơm, dậm, đó, khụp, đinh ba… Ngoài ra, người Nùng còn dùng quả dọc, cây có độc tố (lá cơi, lá cây bi, vỏ cây sui…) vò hoặc giã nhỏ để ruốc ở một khúc suối hay vũng nước sâu để bắt cá.Sản phẩm nghề săn bắt, đánh cá phần lớn cải thiện bữa ăn, nếu đánh bắt được nhiều họ cũng bán để lấy tiền mua những nhu yếu phẩm trong gia đình.

Nghề thủ công

Người Nùng biết làm nhiều nghề thủ công: dệt, rèn, đúc, đan lát, làm đồ gỗ, giấy dó, ngói âm dương…Người Nùng ở Lạng Sơn còn có nghề trồng và chưng cất tinh dầu hồi. Các sản phẩm của nghề thủ công trước kia chủ yếu phục vụ cuộc sống tự cung tự cấp, phần nhỏ dùng trao đổi, bán cho đồng bào trong vùng. Nghề đan lát của người Nùng không chỉ đàn ông mà cả đàn bà và trẻ em cùng tham gia. Sản phẩm khá đa dạng: nong, nia, dàn, sàng, bồ, dậu, sọt, rổ, rá, nón, rương đựng quần áo… không chỉ dùng trong gia đình mà còn được bán tại các chợ phiên trong vùng. Nghề dệt vải phát triển từ lâu đời để phục vụ cuộc sống tự cung tự cấp. Sản phẩm được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, do bàn tay của nữ giới đảm nhiệm.Nghề dệt cũng là một trong những tiêu chí để đánh giásự chăm chỉ, chịu khó của các cô gái trước khi về nhà chồng. Nghề rèn, đúc phát triển mạnh ở nhóm Nùng An (Phúc Sen – Cao Bằng). Sản phẩm chủ yếu là: dao, rìu, cuốc, thuổng, lưỡi cày… có chất lượng tốt, ít khi bị mẻ. Tuy nhiên, nghề rèn cũng chưa phát triển độc lập, tách rời khỏi nông nghiệp. Nghề chưng cất dầu hồi của người Nùng ở Lạng Sơn khá phát triển. Cây hồi được trồng sau 10 năm mới cho thu hoạch quả. Mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ: vụ mùa và vụ chiêm. Tinh dầu hồi không những được sử dụng trong chế biến thực phẩm và còn là nguồn dược liệu quý.

Phương thức vận chuyển

Phương thức vận chuyển truyền thống của người Nùng là gánh bằng dậu, thuận tiện cả đường bằng và dốc núi. Bộ phận người Nùng ở vùng sâu, vùng cao dùng ngựa để thồ. Các vật dụng nặng dùng trâu, bò kéo. Xe cải tiến có trâu, bò kéo phổ biến ở vùng bằng phẳng. Cư dân ở dọc các dòng sông lớn sử dụng bè, mảng để chuyên chở trên sông nước. Hiện nay, phương tiện cơ giới như xe máy dùng làm phương tiện đi lại, vận chuyển đã phổ biến ở các thôn bản của người Nùng.

Trao đổi hàng hóa

Việc trao đổi hàng hóa của người Nùng khá phát triển, họ đã dùng tiền đểmua bán các loại nông lâm sản, các sản phẩm nghề thủ công, qua các chợ phiên. Chợ không chỉ có ở thị trấn, huyện lỵ mà còn ở nhiều nơi khác nhau trong huyện. Người Nùng trao đổi mua bán với các dân tộc trong vùng như: Kinh, Tày, Mông. Đặc sản của người Nùng chính là quả hồi, họ chưng cất thành tinh dầu hồi và báncho khách không chỉ trong và ngoài nước.

Văn hóa mặc

Trang phục truyền thống của người Nùng đơn giản, hầu như không trang trí hoa văn, chủ màu chàm xanh hoặc đen. Nam giới mặc áo ngắn, cổ đứng, xẻ ngực, cài cúc tết bằng vải, quần may kiểu chân què, ống rộng, đội mũ, đi giày vải. Phụ nữ mặc áo năm thân, cài cúc bên nách phải, thường chỉ dài quá hông, quần dài, khăn đội đầu, thắt lưng vải. Phụ nữ Nùng thích đồ trang sức bằng bạc như: khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, xà tích. Người Nùng không có trang phục cưới riêng mà kiểu dáng vẫn như bộ y phục mặc thường ngày nhưng được cắt may mới.

Văn hóa ẩm thực

Người Nùng ăn 3 bữa chính trong ngày: bữa sáng, trưa và tối. Lương thực chủ yếu là gạo tẻ, một bộ phận sống ở vùng cao, vùng sâu lấy ngô làm lương thực chính. Lúa nếp chủ yếu dùng trong những dịp lễ tết để làm các loại bánh: bánh chưng, khảo, chè lam, bỏng, dầy, ngải, trôi…và đồ xôi. Đặc biệt, phụ nữ sinh conđược ăn cơm nếp nấu với nghệ đến 3 tháng để có nhiều sữa cho con bú. Trong bữa ăn hàng ngày, rau xanh là thực phẩm chính, thịt cá chiếm phần nhỏ. Các món ăn của người Nùng chủ yếu là xào, rán, nấu… ít luộc hay kho mặn. Măng chua là món ăn ưa thích của đồng bào được nấu với thịt, cá ăn nóng, có tác dụng trị cảm cúm. Đặc biệt, khau nhục là món ăn độc đáo không thể thiếu trong các đám cỗ, được chế biến rất cầu kỳ, tốn thời gian.

Đồng bào Nùng tự nấu rượu (bằng gạo, ngô, sắn) để uống hàng ngày và vào dịp lễ tết, cưới xin, tang ma. Nước uống hàng ngày là nước đun sôi để nguội, chè đắng, chè dây và một số loại lá rừng có tác dụng mát gan. Một số nơi, đồng bào còn nấu cháo hoa loãng để uống thay nước vào mùa hè.

Xưa kia, trong bữa ăn, bố chồng hoặc anh chồng không ngồi chung mâm với con dâu, em dâu và cháu dâu. Ngày nay, mọi thành viên của gia đình ngồi chung một mâm, ít có trường hợp người ăn trước, ăn sau. Miếng ăn ngon bao giờ cũng ưu tiên người già và trẻ nhỏ.

Văn hóa ở

Người Nùng định cư thành làng bản từ lâu đời. Làng thường được lập ven chân đồi, núi, sông, suối hay những gò đất thấp, lưng dựa vào đồi núi, phía trước là cánh đồng. Mỗi bản đều có từ 15-20 nóc nhà, cũng có bản lên tới 50-60 nóc nhà. Nhà không xây cất theo hàng lối nhưng lại được sắp xếp theo một chiều và đều hướng ra khoảng không trước mặt.Với quan niệm, làm nhà là công việc hệ trọng nên ngoài việc chọn ngày, giờ tốt để khởi công, người Nùng còn xem hướng nhà, thế đất. Theo tập tục, hướng nhà tránh núi, sông, bụi cây, những hình thù quái dị đối diện trước cửa nhà.

Nhà người Nùng có 2 loại chính: nhà sàn và nhà trệt. Nhà sàn có loại 2 mái và loại 4 mái (2 mái chính và 2 mái bên đầu hồi thấp hơn mái chính). Bộ khung nhà có nhiều kiểu vì kèo khác nhau: vì kèo 4, 5, 6 hoặc 7 hàng cột, phổ biến hơn cả là 6 hàng hàng cột. Cột nhà được kê đá tảng, mái lợp ngói âm dương hoặc tranh, rơm, rạ. Sàn nhà cao hơn mặt đất khoảng2 mét, được lát bằng ván gỗ hay thân cây mai đập dập, xung quanh nhà thưng bằng liếp hay ván gỗ. Nhà thường có 2 cửa ra vào, 2 cầu thang lên xuống (số bậc luôn là số lẻ), có sân trên sàn để phơi hoặc để chân tay, rửa rau, giặt rũ. Trong nhà, các gian buồng ngủ được ngăn cách bằng ván (hay liếp), cửa có rèm che. Có 2 bếp lửa: Bếp chính (đặt ở trung tâm gian giữa, là nơi sinh hoạt, nấu ăn, tiếp khách); bếp phụ (được đặt ở lối cửa sau, chủ yếu để nấu cám chăn lợn). Bàn thờ tổ tiên được bố trí đối diện với bếp chính, thưng xung quanh thành buồng,có màn che bằng vải đỏ. Khách và nữ giới ít khi được vào trong buồng đặt bàn thờ. Nhà trệt (nhà đất, nền đất) đã xuất hiện khá lâu ở vùng người Nùng. Nhà thường được làm 3 gian 2 chái, vách thưng bằng gỗ, liếp hoặc trình tường. Bố trí mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà cơ bản giống nhà sàn. Bếp đặt ở đầu hồi hoặc làm riêng. Người Nùng thường làm gác xép đặt trên xà nhà để cất trữ hạt giống, lương thực, các đồ dùng sinh hoạt (nong, nia, dậu, sọt…). Sàn phơi dựng cao khoảng 1 mét ở phía trước hay đầu hồi nhà. Chuồng gia súc, gia cầm được bố trí xung quanh ngôi nhà.

Ngày nay, những gia đình người Nùng có điều kiện thường làm nhà xây gạch, mái lợp ngói, tấm lợp hoặc đổ bê tông. Bố trí mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà không theo lối truyền thống mà có sự cải tiến cho phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như số lượng thành viên trong gia đình.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng làng bản của người Nùng gắn bó, đùm bọc, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau. Trước kia, người đứng đầu bộ máy quản lý làng bản của người Nùng là trưởng bản và thầy cúng. Họ phối hợp với nhau để quản lý mọi hoạt động của làng từ việc đời thường đến tâm linh. Trưởng làng thường là người trưởng họ của dòng họ lớn, có ảnh hưởng chi phối hoạt động của làng bản và thày cúng. Ngày nay, bản của người Nùng là một đơn vị hành chính cơ sở trong hệ thống chính quyền của Nhà nước.

Người Nùng có nhiều dòng họ, mỗi dòng họ gồm nhiều tông tộc. Đứng đầu tông tộc là tộc trưởng, có trách nhiệm tổ chức những cuộc cúng lễ chung, dàn xếp những xích mích trong nội tộc, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, chia tài sản trong các gia đình thành viên… Trong xã hội người Nùng, chế độ phụ quyền được thiết lập từ lâu đời, họ bên bố (họ nội) được coi là thân cận hơn họ bên mẹ (họ ngoại).

Trong xã hội cổ truyền, gia đình người Nùng là gia đình nhỏ phụ hệ, con cái theo họ cha. Chủ nhân gia đình là người cha, người chồng, chịu trách nhiệm cao nhất trong sản xuất, cúng bái, giao tiếp với bên ngoài. Tính chất phụ quyền được thể hiện trong sinh hoạt hàng ngày và các quy tắc ứng xử của gia đình.Về chỗ ngồi, các bậc bề trên ngồi phía trên (tiếp giáp với bàn thờ tổ tiên), nếu ngồi bên bếp lửa thì ngồi giáp với phần trên của ngôi nhà.Người Nùng có những quy định nghiêm ngặt trong mối quan hệ giữa bố chồng, anh chồng và con dâu, em dâu như: không được ngồi ăn chung mâm, dùng chung chậu rửa mặt, không được vào buồng con dâu, em dâu.

Theo tập quán của người Nùng, bố mẹ từ 50 tuổi trở lên, đã dựng vợ, gả chồng cho con, có đủ con cháu, sẽ được tổ chức lễ mừng sinh nhật (Hét khoăn). Họ tin rằng, người chết không thể ăn được, nên thay vì cúng giỗ bố mẹ, ông bà, con cháu làm lễ sinh nhật khi họ còn sống, để báo đáp công sinh thành, dưỡng dục. Lễ vật cúng gồm có: lợn quay, gà luộc, bánh dày…để đón mừng hồn, vía; cầu mong sức khỏe, cúng tổ tiên, mâm tiền và gạo dùng cho người âm. Lễ sinh nhật diễn ra 1 ngày đêm với các nghi thức chính: cúng xin phép tổ tiên, mời các linh hồn về chứng kiến, giúp sức buổi lễ, phù hộ cha mẹ; cầu sức khỏe, bình an: cầu mong cho hồn yên tâm, vui vẻ, gắn bó lâu dài với thể xác; đổ thêm nước sinh mệnh: bổ sung sinh khí, tinh thần cho ông bà sống thọ, giàu phúc lộc; trồng cây mệnh: tượng trưng cho số mệnh của ông bà, mong ông bà mạnh khỏe, tươi tốt như cây rừng. Cuối cùng là nghi thức bổ sung lương thực vào bịch gạo mệnh: gia hạn với Nam Tào, kéo dài tuổi thọ cha mẹ, đồng thời cúng cầu mong sức khỏe, bình an cho chủ nhà, báo cáo với tổ tiên đã tìm thấy hồn vía bị lạc về đúng với chủ, đã đổ đầy giếng nước, trồng được cây tươi tốt, khỏe mạnh, đã đổ đầy bịch gạo mệnh và làm lễ cấp tiền mã cho thiên binh, thiên tướng, cảm ơn họ vì đã giúp thầy cúng hoàn thành các nghi lễ mừng sinh nhật. Kết thúc nghi lễ, thầy cúng chúc mọi vía đã quy tụ đầy đủ, nhờ ông bà, tổ tiên để mắt trông nom, dặn dò vía không được mải mê đi chơi quên đường về, cùng con cháu, họ hàng, người thân, làng xóm ăn bữa cơm mừng sinh nhật ông bà. Thầy cúng đưa lên bàn thờ tổ tiên những đạo cụ hành lễ: đèn, thúng gạo, cầu thiên địa, dặn dò tổ tiên trông nom, cai quản. Sau 7 hoặc 9 ngày, con cháu sẽ lấy gạo và trứng, nấu cháo cho ông bà ăn để người sinh nhật có thêm sức khỏe, sống lâu với con cháu.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Trai gái Nùng được tự do tìm hiểu, tuy nhiên cũng phải được sự nhất trí của hai bên gia đình và xem lá số có hợp thì mới tiến tới hôn nhân. Việc cưới xin của người Nùng trải quả nhiều nghi lễ: dạm hỏi, ăn hỏi, đám cưới, lại mặt. Trước kia, nhà gái thường thách cưới bằng nhiều thịt, gạo, rượu và tiền. Đồng bào cho rằng, số lượng đồ dẫn cưới càng nhiều thì giá trị của người con gái càng cao. Trong hôn nhân,người làm mối trong đám cưới thường là ông cậu (em của mẹ chú rể), người đại diện cho nhà trai trong quá trình đi lại, trao đổi với nhà gái từ lễ dạm hỏi cho đến khi tổ chức đám cưới. Sau này, vợ chồng ông mối sẽ là bố mẹ nuôi của đôi vợ chồng trẻ, hai bên có bổn phận giúp đỡ, chăm sóc cho nhau như người trong gia đình.Trong ngày cưới, khi đoàn đưa dâu về đến nhà trai, trước khi bước vào nhà phải làm lễ cải sát cho cô dâu để xua đuổi các tà ma đeo bám trên đường đi. Đối với người Nùng Phàn Slình, họ để trước cửa nhà một mâm lễ đặt trên chậu nước, sau khi thầy mo làm lễ xong và cất mâm lễ đi, cô dâu bước tới dùng chân hất đổ chậu nước rồi mới được bước vào nhà. Theo tục lệ của người Nùng Cháo, thầy mo cắt tiết con gà rồi vứt về phía cô dâu, cô dâu dùng chân hất con gà ra phía sau rồi bước vào nhà. Còn người Nùng Lòi lại đặt giữa cửa một chậu nước lá bưởi và mẩu sắt nung đỏ. Bác gái của chú rể cầm nén hương làm phép trên chậu nước, sau đó cô dâu mới bước qua chậu nước và mẩu sắt rồi mới bước vào nhà. Ngày nay, hôn nhân của người Nùng đã giảm bớt một số nghi lễ rườm rà, các lễ tục mang tính mê tín dị đoan hay thách cưới cao…

Tập tục tang ma

Tang ma là nghi thức người sống dành cho người chết. Người Nùng quan niệm, con người có phần xác và phần hồn. Khi người còn sống là vía nhưng khi chết vía sẽ biến thành hồn. Làm tang ma chính là để đưa xác đi chôn và tiễn linh hồn về thế giới bên kia. Việc tổ chức tang lễ thườngdiễn ra từ 3-5 ngày, cũng có khi kéo dài hơn dothầy Tào xem không được ngày tốt. Tùy từng nhóm Nùng mà có những phong tục, nghi lễ khác nhau, nhưng vẫn phải đầy đủ các bước như: Lễ khâm niệm, nhập quan, dâng đèn, thụ tang, dâng cơm, xiên đàn phá ngục, đáp nghĩa, đưa ma, hạ huyệt, mở cửa mả.

Trong nhà có người qua đời, con cháu phải đun nước bằng các loại lá thơm để tắm rửa thay quần áo mới cho người chết. Người ta bỏ vào miệng người chết một đồng tiền xu,coi đó là tiền khi qua cầu. Khi làm lễ khâm niệm, họ quấn quanh thi hài người chết bằng vải trắng (nam 7 vòng, nữ 9 vòng). Sau đó, người chết được đặt ở gian giữa ngôi nhà, đầu quay về phía bàn thờ, mắc màn 3 góc để chờ giờ nhập quan. Đồng bào Nùng rất coi trọng giờ nhập quan, vì không chỉ liên quan đến người chết, mà còn liên quan đến cả người sống. Nếu người nào không may chết phải giờ xấu, có khi vài ngày mới chọn được giờ tốt. Khi nhập quan, thầy tào đọc tờ “phan”, trong đó ghi rõ thân thế của người đã chết rồi bỏ vào quan tàivà đóng nắp áo quan. Để người chết nhìn rõ đường về thế giới bên kia, phải làm lễ dâng đèn hoa cho người quá cố. Sau đó, con cái mới làm lễ thụ tang, nhận áo xô, con trai nhận gậy và đi vòng quanh linh cữu của người chết rồi mới mặc áo tang vào. Với quan niệm, sống thế nào thì chết như vậy nên hàng ngày họ vẫn làm lễ dâng cơm cho người chết vào buổi sáng và chiều dưới sự chủ trì của thày Tào. Mỗi lần dâng đồ cúng, thày Tào lại đọc bài cúng kể về công lao của người quá cố và mời vong hồn về thượng hưởng. Để giải thoát cho người quá cố khỏi địa ngục của Diêm Vương, thày Tào thực hiện lễ xiên đàn phá ngục. Thứ tự các ngục được mở là Đông-Nam-Tây-Bắc và cuối cùng là cửa trung tâm trên đỉnh ngục.Khi qua được hết các cửa, người chết mới được đưa lên thiên đàng. Đối với trường hợp chưa vợ hoặc chưa chồng, người ta làm lễ tống tiễn về mường trai gái. Lễ đáp nghĩa được tổ chức trước ngày đưa đám, là lễ linh đình nhất. Người ta trao tặng cây xe (nhà táng) cho người chết. Các con gái, cháu gái mang cây tiềnlàm bằng giấy xanh, đỏ, trắng, vàng đến cúng cho người chết để tạ ơn và tỏ lòng thương tiếc. Người có điều kiện thì mổ lợn và mời thày riêng đến làm lễ, không có điều kiện chỉ có con gà, miếng thịt và nhờ thầy nhà cúng giúp. Riêng bên ngoại người mất (bác hoặc cậu) phải có ngựa giấy mang đến cúngđể đốt lúc chuẩn bị ra đồng cho người chết cưỡi đi (ngựa dẫn đường về âm).Thông gia mang đến cây lạc (giống cây tiền) nhưng ngắn và nhỏ hơn để cúng. Nhà táng và những cây tiền khi đưa đám sẽ được mang theo và đốt tại mộ. Trước khi làm lễ đưa ma, thày Tào làm phép thu hồn người chết tiễn ra bãi tha ma để không còn luẩn quẩn trong nhà, quấy phá người sống. Bắt đầu đưa quan tài ra khỏi cửa, các con phải phủ phục để làm cầu cho quan tài lướt qua trên thân mình. Lễ hạ huyệtphải được chọn vào giờ tốt, thày Tào làm lễ an thần sau đó mới hạ quan tài xuống huyệt rồi còn cháu ném đất xuống huyệt để lấp mộ. Sau khi chôn cất được 3 hôm, con cháu mời thầy Tào ra mộ để tiến hành lễ mở cửa mộ để báo cho sơn thần biết và đón nhận người chết về cõi âm.

Nghi lễ ma chay của người Nùng hiện nay về cơ bản không có nhiều thay đổi, nhưng một số nghi thức, lễ tiết rườm rà đã được giảm bớt, thời gian tổ chức lễ tang chỉ từ 2-3 ngày theo quy định của chính quyền địa phương.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Nùng quan niệm mọi vật đều có linh hồn, người ta gọi đó là ma. Có nhiều loại ma như: ma trời, ma đất, ma cây cỏ, ma tổ tiên, ma bếp lửa, ma ngoài sàn… Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng chủ yếu của đồng bào. Người Nùng theo tộc hệ 7 đời nhưng chỉ thờ từ đời ông bà trở lại, còn từ đời kỵ trở lên biến thành phj slườn (ma nhà). Thần bảo vệ nhà cửa, gia súc chỉ được thờ cúng bên ngoài cửa. Một số gia đình người Nùng còn thờ Phật Bà Quan Âm (là một khám kín đặt trên bàn thờ tổ tiên). Những gia đình này kiêng mangthịt trâu và thịt chó vào nhà vì họ cho những thứ đó là uế tạp. Người Nùng còn thờ me bjóc (bà Mụ) trong nhà để bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, họ còn thờ một số vị thần công cộng: Thần Thổ địa (phù hộ cho sự an khang, thịnh vượng của từng gia đình và cộng đồng làng) và Thành hoàng (người có công khai khẩn đất hoang, lập làng hay đánh giặc bảo vệ làng bản).

Ở người Nùng còn có những người làm nghề cúng bái: Tào, Mo, Then, Pụt. Trong đó, thầy Tào là thầy cúng cao nhất, chuyên chủ trì những đám ma chay, cúng chữa bệnh, cầu mong bình yên cho dân làng. Thày Mo chỉ chuyên cúng về chữa bệnh cho dân. Thày Then và Pụt thiên về bói toán, cúng chữa bệnh, cầu yên giải hạn, chuộc hồn người chết về cõi tiên.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Dân tộc Nùng có kho tàng văn nghệ dân gian phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại gồm: Thành ngữ, tục ngữ, ca dao: là kho tàng tri thức của đồng bào, thể hiện sự đa dạng trong sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất, quan hệ gia đình, xã hội, cảnh đẹp thiên nhiên, tình yêu nam nữ…; Thơ ca cổ truyền: hát sli, lượn, cò lẩu, ca cúng, phong slư; Huyền thoại, cổ tích: phản ánh về đời sống, phong tụctập quán, đặc điểm kinh tế-xã hội… như truyện: Đá trông chồng, Hai chị em và ba con yêu tinh, Mồ côi xử kiện, Tài Xì Phoòng, Sự tích gan bàn chân bị lõm…; Nghệ thuật dân gian: Người Nùng có nhiều loại nhạc cụ (kèn, trống, thanh la, não bạt, trong đó nổi bật là chiếc đàn tính) và dân vũ (múa chầu, xiêng tâng, múa trống, sư tử, then- tổng hợp của thơ ca, âm nhạc và vũ đạo dân gian).

Tái hiện cuộc sống, sinh hoạt gia đình của vợ chồng người dân tộc Nùng. Điệu múa thể hiện những hoạt động như: đi nương, đi chợ, canh tác, chọc lỗ hạt, nghỉ ngơi, uống nước, làm đàn tính… Trong cuộc sống đời thường ấy, họ có những cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc yêu thương, lúc chia sẻ ngọt bùi, lúc giận hờn, nhưng vượt lên tất cả là tình cảm yêu thương, cùng nhau lao động, xây dựng cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng. Tiết mục do sinh viên dân tộc thiểu số Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc biểu diễn, nhân dịp Liên hoan kiến trúc sư trẻ toàn quốc lần thứ VII, tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hát Cáy khăn dá là làn điệu hát Sli của dân tộc Nùng, tỉnh Lạng Sơn. Bài Sli được nhạc sỹ Phạm Tịnh phát triển trên làn điệu Sli sloong hau của dân tộc Nùng (nhóm Nùng Phàn Slình) ở tỉnh Lạng Sơn. Lời Sli mượn tiếng gà gáy báo bình minh để thể hiện nỗi khắc khoải và tiếc nuối của các chàng trai, cô gái Nùng Phàn Slình khi đêm Sli đã tàn, sắp phải chia tay.

 

Tết, lễ hội cộng đồng

Là cư dân nông nghiệp nên các lễ hội truyền thống của người Nùng là lịch đồ về thời tiết và mùa màng. Trong đó phải kể đến các ngày tết: Tết Nguyên đán: Là tết lớn nhất của người Nùng, ngày lễ đầu tiên của năm mới. Trong những ngày này mọi gia đình đều làm các loại bánh (chưng, dày, khẩu sli, chè lam…), thịt gà, lợn để thắp hương thờ cúng tổ tiên. Đặc biệt, nhà nào cũng dựng cây nêu để xua đuổi tà ma, đem lại mùa màng bội thu cho năm sau. Tết đắp nọi (ngày 30 tháng Giêng): dân làng tổ chức lễ hội lùng tùng (lồng tồng) để cầu mưa, đồng thời tổ chức nhiều trò chơi dân gian như tung còn, múa sư tử, kéo co, bắn nỏ, đánh cờ tướng… Tết thanh minh (ngày 3/3): Vào ngày này, các gia đình đi sửa sang, đắp lại mộ, sau đó thắp hương lễ vật gồm thịt gà, lợn, nhang đèn, giấy ngũ sắc, quần áo giấy, vàng mã, hoa quả tươi… để tưởng nhớ tới tổ tiên, ông bà, dòng tộc. Tết Đoan ngọ (ngày 5/5): là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng.Theo quan niệm của đồng bào, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc. Tết Rằm tháng bảy (ngày 15/7): Là tết lớn thứ hai sau Tết Nguyên đán. Người Nùng làm lễ cúng tổ tiên và những cô hồn không nơi nương tựa, cầu cho cuộc sống bình yên. Đặc biệt, mâm cỗ cúng tổ tiên trong ngày này ngoài các loại bánh trái, hoa quả không thể thiếu bánh gai và thịt vịt. Tết cơm mới (ngày 15/8): Vào ngày này, nếu có lúa sớm được gặt thì nấu cơm bằng gạo mới, nếu chưa có gạo mới thì hái khoảng chục bông lúa hấp vào nồi cơm mới. Đây cũng là tết vui chơi, trẻ em ăn bánh nướng (bánh trung thu). Trong ngày tết này, các cụ già thường hay ngắm trăng đoán định thời tiết năm sau.

Lồng Tồng là lễ hội xuống đồng của cư dân nông nghiệp Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và một số tỉnh Tây Bắc. Lễ hội Lồng tồng có 2 phần: Phần lễ có tạ thiên địa, cầu thần Nông, thần Phục Hy độ trì cho mưa thuận gió hoà, gia súc, gia cầm sinh sôi, bản làng bình yên no ấm… Trên thửa ruộng xuống đồng, chủ tế lập đàn tế Thần Nông, các gia đình bày mâm lễ ra trên bãi hội (gồm xôi nếp, thịt lợn, rượu trắng và các loại bánh như khẩu sli, khẩu slec, bánh khảo, bánh dày, chè lam…) Chiêng trống nổi lên, các bô lão và tráng đinh rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng. Chủ tế xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá cỗ. Gia đình nào có cỗ thịnh soạn, mời được nhiều khách đến thưởng thức, coi đó là điều may mắn cho cả năm. Có nơi, các vị bô lão được mời đi thưởng cỗ, có thanh niên gái trai đi theo múa hát, chúc cho từng gia đình vạn sự tốt lành. Ăn cỗ xong, mọi người tiếp tục ca hát và tham gia các trò chơi dân gian như: ném còn (trò chơi vui nhất, người tung phải ném được quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm, thì năm đó bản làng mới có thể làm ăn thuận lợi), kéo co (mang tính chất cầu mùa, cầu mưa, cầu nước như một nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp lâu đời), đẩy gậy, đánh quay, đánh đu, múa kỳ lân, múa sư tử, múa võ, múa giáo, bịt mắt bắt dê, hát giao duyên (người Tày thì hát lượn, người Nùng thì hát Sli để thể hiện tục cầu mùa), xòe chiêng, múa then, thi sản vật địa phương, cờ tướng. .. Trời tối cũng là lúc lửa trại được nhóm bùng lên, các cô gái hát các làn điệu hát lượn, hát sli… để mở đầu cho các làng hát đối đáp nhau, tạo nên không gian sống động, sâu lắng, khó quên, mong sớm gặp lại ở lễ hội mùa xuân năm sau.