Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Thái có hơn 1.550.423 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú chủ yếu ở các tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghê An.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Tày Thanh, Man Thanh, Tày Mười, Tày Mường, Hàng Tổng, Tay Dọ, Thổ.
Ngôn ngữ: Tiếng nói dân tộc Thái thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (ngữ hệ Thái – Ka – Đai).
Sản xuất nông nghiệp
Người Thái đã có kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác lúa nước, đạt đến trình độ cao. Đồng bào tuân thủ chặt chẽ nông lịch để gieo trồng, sử dụng cày bừa trong khâu làm đất, chọn và sử lý giống cẩn thận, cấy lúa chuyển qua hai thửa ruộng mạ (ngâm thóc giống vào nước ấm (20 kg giống hòa với 1 lạng muối), hạt mọc mầm mới gieo vào ruộng mạ ngập nước. Mạ lên cao 2,5cm thì tháo nước. Mạ cao 20- 25 cm, nhổ lên, cấy dày vào ruộng mạ khác. Khi lúa cứng cáp, nhổ lên đem cấy vào ruộng), làm cỏ, bón phân cho lúa để bông to, hạt chắc. Đồng bào đã biết lợi dụng dòng chảy, làm cọn quay và hệ thống mương – phai – lái – lín bằng vật liệu tre, nứa…tự nhiên để dẫn thuỷ nhập điền, đảm bảo nước tưới cho lúa. Mùa thu hoạch, họ dùng loóng, hoặc phên, đập lúa ngay tại ruộng. Ngoài lúa nước, người Thái cũng phát rẫy, làm nương, trồng ngô, lúa, khoai, sắn, vừng, lạc, bầu, bí, bông, chàm… Mùa thu hoạch rẫy, họ dùng nhíp hái từng bông lúa, bó thành cum, mang về, cất lên gác bếp. Khi nào ăn, họ mang xuống vò và giã. Trước đây, lúa chỉ cấy 1 vụ, nay, lúa được cấy 2 vụ khá phổ biến. Những giống mới được đem về trồng cấy cho năng suất cao mà không cần phải chuyển qua 2 lần ruộng mạ.
Xưa kia, mỗi bản người Thái thường khoanh một vùng thung lũng hẹp kín, gọi làpúng, rào kín, chỉ có một lối ra vào để chăn thả trâu, bò. Trâu, bò sống thành từng bầy trong Púng, tự bảo vệ nhau chống thú rừng. ở một số nơi như Điện Biên hay khu vực sông Mã, đàn trâu có đến hàng trăm con. Về sau, việc thả rông trâu bò không còn thích hợp, đồng bào Thái đã xây dựng chuồng trại và chăn dắt. Ngoài trâu, bò, đồng bào Thái còn chăn nuôi lợn, gà, vịt, đào ao thả cá để dùng vào những dịp tế lễ, cúng bái hay khi nhà có khách, lấy mỡ lợn ăn quanh năm, lấy cá làm mắm, sấy khô.
Kinh tế tự nhiên
Nhờ có kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, đời sống của người Thái có phần sung túc hơn các cư dân quanh vùng, nhưng vụ giáp hạt, hái lượm vẫn đóng một vị trí rất quan trọng trong đời sống của đồng bào. Mùa nào, thức ấy, họ vào rừng thu hái củ mài, củ nâu, thân cây có chất bột, các loại rau, quả dại, nấm, mộc nhĩ, măng, gỗ làm nhà, củi đun, dầu thắp sáng, những cây thuốc và những lâm thổ sản quý và các loại trùng; xuống khe suối lấy rêu đá, đánh bắt cá, tôm, cua, ốc, … để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Dụng cụ đánh bắt cá phổ biến gồm có chài, đơm, đóĐặc biệt, vào mùa lũ, người Thái có cách làm chặng (ngăn dòng chảy, hướng dòng nước chỉ chảy vào một cầu tre, một đầu được nâng cao cho nước không chảy tới. Đến đầu chặng, cá bị mắc cạn không ra được. Nếu chặng to, mỗi mùa nước có thể thu được hàng chục tạ cá.)
Người Thái chỉ săn bắn khi nhàn rỗi và với mục đích bảo vệ mùa màng. Săn có nhiều loại từ lối săn tập thể có tính sơ khai, như lối săn đón, vây ráp để xua thú ngã xuống khe hay để người đón bắt, hoặc để thú xô vào lưới đã giăng sẵn cho đến cách săn cá nhân bằng nỏ, súng hỏa mai. Hiện nay, nhà nước khuyến khích trồng rừng, cấm săn bắn để bảo tồn tự nhiên, ít ai còn săn bắn thú rừng.
Nghề thủ công
Người Thái phát triển nhiều nghề thủ công truyền thống như: dệt vải, đan lát, làm gốm, rèn, mộc, chạm bạc. Các nghề thủ công chưa tách khỏi nông nghiệp. Nghề dệt thổ cẩm có từ rất lâu đời, phụ nữ Thái chăm chỉ dệt thổ cẩm gồm đủ loại sản phẩm: chăn, màn, gối đệm, váy, áo, túi đeo, khăn piêu đạt trình độ tinh xảo nhiều mô típ hoa văn hình thú, chim, cây cối. Sản phẩm thổ cẩm không chỉ phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng, mà phần nhiều còn đem đi trao đổi hàng hoá. Người Thái còn có nghề làm gốm bằng chiếc bàn xoay thô sơ, sản xuất ra các loại vại, nồi, hông, chõ, đồ đựng.. Người nông dân Thái làm đồ gốm chỉ nhận hàng đặt và sản xuất vào những tháng nông nhàn.
Phương thức vận chuyển
Trước đây, người Thái dùng dậu gánh là phổ biến, ngoài ra đồng bào còn gùi theo kiểu chằng dây đeo vắt qua trán, dùng ngựa cưỡi. Ngày nay, đồng bào dùng các loại như gùi, bem, xe đạp, xe máy để vận chuyển. Ở dọc các con sông lớn họ rất nổi tiếng trong việc xuôi ngược bằng thuyền đuôi én.
Trao đổi hàng hóa
Trước đây, trao đổi hàng hóa thường chỉ hạn chế vào một số nhu yếu phẩm và chủ yếu vẫn là dưới hình thức hàng đổi hàng với những cư dân khác tộc ở rẻo giữa và rẻo cao. Thi thoảng, có những chuyến hàng ngược sông hay những đoàn bò, ngựa của các thương nhân người Lào, người Campuchia đem các nhu yếu phẩm đến bán hoặc trao đổi lấy sản phẩm của người Thái. Một vài địa điểm vùng ven biên giới, chợ được tổ chức định kỳ. Sau cách mạng tháng Tám, người Thái trao đổi, mua bán ở các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, những trạm thu mua và những hợp tác xã mua bán, và một số ít ở chợ phiên. Ngày nay, đồng bào phổ biến hình thức mua bán bằng tiền ở các chợ huyện, xã
Văn hóa mặc
Người Thái có 4 nhóm địa phương: Thái đen, Thái Trắng, Thái Mán Thanh, Thái Hàng Tổng. Nam nữ đều mặc y phục may bằng vải sợi bông tự dệt, nhuộm chám. Nam người Thái mặc quần chân què, cạp lá tọa, mặc áo cánh xẻ ngực có túi ở hai bên gấu vạt, áo nam Thái Trắng còn có thêm một túi ở ngực trái; cài khuy tết bằng dây vải. Ngày lễ, tết cả nam, nữ mặc áo đen dài, xẻ nách, bên trong có một lần áo trắng, tương tự để mặc lót. Ngày thường, nam giới cuốn khăn đen theo kiểu mỏ rìu, dịp lễ, tết họ cuốn dải khăn dài một sải tay. Phụ nữ Thái thường mặc áo, váy, thắt lưng, dùng trâm cài đầu, đeo hoa tai, vòng tay, xà tích, đội khăn. Khi ra khỏi nhà, chị em đeo bên mình một chiếc túi thổ cẩm hay ớp hoa để đựng đồ và trang điểm. Tuy nhiên, mỗi nhóm Thái địa phương có sắc thái riêng. Phụ nữ Thái đen mặc áo (xửa cỏm), may kiểu tứ thân, xẻ ngực, cổ tròn, bó sát thân, nẹp áo đính hai hàng cúc bạc (nay là nhôm), hình bướm, mai rùa, nhện, ve sầu, ăn nhịp với chiếc váy hình ống; thắt eo bằng dải lụa màu xanh lá cây; đeo dây xà tích bạc ở bên hông. Theo tập tục truyền thống, chân cổ áo của phụ nữ mới lấy chồng phải viền thêm vải đỏ, vì họ coi đó là hình tượng của sự thuỷ chung. Giống như áo phụ nữ Thái đen, áo Thái trắng cũng có hàng cúc (11 -13 cúc) bằng bạc (nay là kim loại trắng) hình mai rùa hay hình bướm, nhưng lại khác với áo phụ nữ Thái đen ở chỗ: cổ áo có hình trái tim, liền với nẹp áo mầu chàm đen, rộng 2,4cm chạy suốt từ gấu tà áo bên phải vòng qua cổ đến gấu tà áo bên trái. Ngày lễ, họ mặc thêm áo dài đen, xẻ nách, hoặc kiểu chui đầu, hở ngực có hàng khuy bướm, chiết eo, vai phồng, đính vải trang trí ở nách, đối vai ở phía trước như của Thái Trắng. Cách đội khăn của phụ nữ Thái ở mỗi nơi, mỗi lứa tuổi cũng có sự khác nhau: phụ nữ Thái đen ở Yên Bái thường quấn gọn và vắt ngược cả hai đầu khăn buông trước trán. Phụ nữ Thái đen ở Sơn La lại buông một đầu khăn xuôi sau gáy, một đầu vắt lên đỉnh đầu, để phô vẻ đẹp của mảng trang trí hoa văn. Người già đội loại khăn piêu xiếu, hai đầu khăn chỉ có các núm bông nhỏ, ít hoa văn, thiếu nữ và phụ nữ trẻ lại đội piêu cút, hai đầu khăn thêu các mô típ: vuông, quả trám, khau cút, con nhện, con cua, bằng chỉ màu, mép ngoài đính 4 tai piêu 3 cánh ở 4 góc khăn và những chùm cút piêu, mỗi chùm 3 hoặc 5 chiếc. Các chàng trai Thái thường ngắm khăn piêu để chọn bạn trăm năm. Khi yêu nhau, các cô gái tặng cho chàng trai khăn piêu làm kỷ vật, tượng trưng cho sợi dây tình chung thuỷ. Chiếc khăn được giữ gìn cẩn thận, đến khi qua đời, sẽ cắt làm đôi, mỗi người chôn theo một nửa với hy vọng có thể tìm lại nhau ở thế giới bên kia. Phụ nữ Thái (nhóm Mán Thanh), không đội khăn piêu, mà đội chiếc khăn dài, có dệt những vạch hoa văn ngang bằng chỉ màu ở gần hai đầu khăn. Khi đội, gấp nhỏ khăn theo chiều dọc, quấn quanh đầu, sao cho phần trang trí vạch ngang nằm ở trước trán, đầu khăn cuối cùng vắt ngược phía sau gáy và cài dắt vào lớp trong của khăn. áo (xửa khò) của phụ nữ Thái Mán Thanh cũng là loại áo ngắn tứ thân, nhưng 1 màu đen, cổ may liền với nẹp, tạo thành đường thẳng, cúc áo bằng đồng (mắc toòng), không trang trí cúc bướm. Váy (xỉn nản xeo) là váy có hoa văn chân váy, được thêu nhiều họa tiết: dâu da (hon hỏ) cách điệu, xương cá, quả trám theo hàng ngang. Thắt lưng có 166 sợi dây mầu trắng xe lại, giống như các con sợi, không chỉ giữ chắc váy, mà còn làm đẹp. Khăn đội đầu (khẳn tải) của phụ nữ Thái (Hàng Tổng) khác với khăn của phụ nữ (Mán Thanh) ở chỗ khăn có 2 màu, phần màu chàm chiếm một nửa khăn, nửa còn lại nhuộm màu gụ tươi gọi là tải, trên đó có bốn lớp hoa văn dệt ngang gọi là tải nọivà một số mô típ hoa văn thêu hình bướm, hình tam giác, hình con voi cách điệu bằng chỉ màu, đầu khăn khâu ghép hai mảnh vải chàm và trắng. Ngày cưới, cô dâu bắt buộc phải dùng hai chiếc khăn, một để đội đầu, một vắt qua vai. Khi đội, búi tóc, trùm khăn qua tóc, thắt nút phía sau gáy. áo xửa mẹ nhinhcủa phụ nữ Thái (Hang Tổng) có cổ (co xửa) hình tròn, gấp mép, khâu vắt phía trong, khuy cài bằng gỗ, hình quả trám hoặc không thùa khuy, chỉ buộc bằng dây vải. Váy (xỉn khải) hình ống, chân váy (tin xỉn) được thêu dệt cầu kỳ với các mô típ chân con nhái (tín khiết), con cá sấu (ưa chỉ khe), sóng nước, quả trám, cây cỏ, tảo rêu hay hình rồng.
Phụ nữ các nhóm Thái thường sử dụng các đồ trang sức như: trâm cài tóc, xà tích, vòng cổ, vòng tay, hoa tai. Trong đó, trâm cài tóc (Mai hắt cẩu) là một thanh kim loại tròn hình kim, dài 12,5 cm, một đầu nhỏ nhọn, một đầu to mài nhẵn, hàn gắn với một đồng tiền bạc (nay gắn với đồng xu hay mảnh kim loại tròn), chỉ dành cho phụ nữ đã có chồng. Thời con gái họ buông mái tóc dài, khi lấy chồng, tóc được búi ngược trên đỉnh đầu (tẳng cẩu), dùng trâm cài vào búi tóc. Xà tích (sọi) bằng bạc (trước đây), hợp kim (ngày nay) gồm nhiều vòng kim loại nhỏ khép kín, lồng vào nhau liên tiếp theo từng cặp song song, tạo thành một sợi dây 4 cạnh. Mỗi phụ nữ đeo từ 2 đến 4 sợi dây như vậy, rồi liên kết chúng với nhau bằng những vòng tròn trang trí, một đầu xà tích còn gắn thêm các đồ dùng: nhíp, hộp đựng vôi, thuốc lào Khi đeo, giắt 2 đầu xà tích vào thắt lưng, để lệch về phía bên phải hay bên trái tuỳ theo sở thích của từng người.
Văn hóa ẩm thực
Trước đây, người Thái chủ yếu ăn cơm nếp đồ xôi. Ngày nay, gạo tẻ đã trở thành lương thực chính, gạo nếp vẫn được coi là lương ăn truyền thống. Trên mâm ăn, không thể thiếu được món ớt giã hoà muối, tỏi, có rau thơm, mùi, lá hành… có thể thêm gan gà luộc chín, ruột cá, cá nướng… gọi chung làchéo. Mỗi khi thịt con vật ăn cỏ, thuộc loài nhai, đồng bào không thể thiếu món nước nhúng, lấy từ lòng non (nặm pịa). Đồng bào có cách chế biến cá thành các món: gỏi sống, nhúng (lạp, cỏi), ướp muối, thính làm mắm; cá nướng, cá gói lá vùi tro, cá đồ, cá sấy khô, canh cá, cá luộc, … Họ ưa thức ăn có các vị: cay, chua, đắng, chát, bùi, ít dùng các món ngọt, lợ, đậm, nồng… Dịp có khách, lễ tết, đồng bào hay uống rượu cần và cất rượu. Người Thái hút thuốc lào bằng điếu ống tre, nứa và chạm bằng mảnh đóm tre ngâm, khô nỏ.
Cách thức và quy trình làm cốm của người Thái ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Tục làm cốm của người Thái ở xã Tú Lệ gắn liền với vùng đất nằm ở chân núi Khau Phạ, nơi trồng lúa nếp thơm ngon nổi tiếng ở Yên Bái và tục lệ dâng cốm cúng ông bà, tổ tiên, cảm tạ tấm lòng tiên ông ban cho giống thóc quý.
Vào mùa lúa chín, đồng bào Thái ở Tú Lệ, Văn Chấn, Yên Bái thường chọn những bông lúa to, hạt mẩy, đang thời kỳ uốn câu, vẫn còn sữa cắt về, tuốt lấy hạt (xưa) cho vào máy tuốt (hiện nay), sàng bỏ đi những những hạt lúa lép, dùng chảo gang, đun nhỏ lửa, rang đều cho lúa chín tới, để nguội, cho vào cối giã đạp chân. Người ở đầu cối dùng đũa cả đảo cốm đều tay, sao cho những hạt cốm không bị nát. Sau khi giã chóc vỏ, chị em dùng sàng, loại bỏ vỏ chấu, hạt kẹ, lựa chọn những hạt cốm đẹp nhất có màu xanh, dùng lá dong gói lại, giữ độ dẻo và mùi thơm của nếp.
Văn hóa ở
Nhà của người Thái trắng có khá nhiều điểm tương đồng so với nhà của người Thái Đen. Nhà của người Thái đen lại có những nét tương đồng với kiểu nhà của cư dân Khmer. Tuy vây, nhà của người Thái Đen lại có đặc trưng không hề thấy trong nhà của cư dân Khmer: Nhà của người Thái đen có nóc hình mái rùa. Đầu đốc, trang trí khau cút với nhiều kiểu khác nhau, thể hiện vị thế, đẳng cấp của gia đình: người gìau làm khau cút chùm, bình dân làm khau cút hình sừng trâu. Bô khung sườn nhaà người Thái có hai kiểu vì cơ bản laư khang và hay điêng. Vì Khay điêng chính là laư khan g, nhưng mở rộng bằng cách thêm 2 cột nữa. Khung cửa ra vào và cửa sổ có nhiều kiểu trang trí khác nhau, nổi bật là hình vầng trăng khuyết chụm vào nhau, gắn liền với câu chuyện người Thái di cư đến địa điểm cư trú vào một đêm trăng non và quy định dấu ấn nhận ra đồng tộc của mình. Nhà người Thái có 2 cầu thang: Táng quản, dành cho nam giới và khách nam (bên trong treo các Tạy, biểu tượng lưu giữ linh hồn của các thành viên nam trong gia đình, bên ngoài treo các Ho, biểu tượng lưu giữ linh hồn của các thành viên nữ trong gia đình); Táng chan dành cho nữ đi lại hàng ngày. Cách bố trí trên mặt bằng trong nhà người Thái khá độc đáo, các gian đều có tên riêng. Mặt sàn chia 2 phần: một phần dành cho các thành viên gia đình ngủ nghỉ, sinh hoạt; một nửa là bếp và phần còn lại là nơi tiếp khách nam. Nhà có lan can bao quanh. Trong nhà, nơi ngủ của phụ nữ có rất nhiều chăn, đệm, là tài sản mà người phụ nữ chăm chỉ dệt may có được.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Cơ cấu xã hội cổ truyền của người Thái được gọi là ẳm. Ban đầu, đẳm bao gồm tất cả các thành viên đang còn sống hay đã chết trong một dòng họ. Về sau, Đẳm bị thu hẹp, chỉ là những người cùng một chi, tức cùng tông tộc. Mỗi tông tộc có một trưởng đẳm (cốc đẳm), chảu đẳm. Người trưởng đẳm là người lớn tuổi nhất, và thuộc thế hệ cao nhất trong họ. Khi người cả chết, chức trưởng đẳm chuyển sang người thứ hai rồi thứ ba. Cuối cùng khi thế hệ này chết hết, chức trưởng đẳm lại chuyển sang người con đầu của ngành trưởng. Mỗi người có 3 quan hệ dòng họ chủ yếu: ải Noong (tất cả các thành viên nam sinh ra từ một ông tổ bốn đời). Lung Ta (tất cả các thành viên nam thuộc họ vợ của các thế hệ).Nhinh Xao (tất cả các thành viên nam thuộc họ người đến làm rể). (tất cả các thành viên nam sinh ra từ một ông tổ bốn đời). Lung Ta (tất cả các thành viên nam thuộc họ vợ của các thế hệ).Nhinh Xao (tất cả các thành viên nam thuộc họ người đến làm rể).
Tập tục hôn nhân, gia đình
Trước kia, hôn nhân của người Thái có tục ở rể. Hôn lễ gồm nhiều bước, nhưng không thể thiếu 2 bước cơ bản là: Cưới lên (đong khửn) – đưa rể đến cư trú nhà vợ – là bước thử thách phẩm giá, lao động của chàng rể (nhà trai dậy sớm mổ bò, mổ trâu, chuẩn bị các lễ vật đem sang nhà gái, gồm: lợn hơi, gạo nếp, rượu, gà, cá suối sấy khô bỏ trong giỏ nan đan hình mắt cáo, ống bẳng nhứa (thịt nạc ướp muối, nhồi vào ống tre) để khao lúng ta (cậu bên ngoại); gói xí hó, khát pú (4 gói trầu rừng) ăn cùng với rễ cây co hát (không ăn với vôi); cá chua (cá khô, thái thành lát, nhồi vào ống vầu 1 tuần, cá sẽ có vị chua dịu, thơm ngon) và bánh chưng (gạo nếp và nhân thịt, không có đậu xanh), cúng tổ tiên nhà gái và hỏi cưới. Sau lễ này, nhà trai mang đồ sính lễ (hai búi tóc độn, châm cài tóc bằng bạc, vải (trắng, thổ cẩm), thắt lưng, tiền) để làm lễ tằng cẩu (búi tóc ngược) cho cô dâu. Nhà gái đáp lễ trao cho con gái: vải, tiền, lược chải đầu, bát nước lã… Trong lễ tằng cẩu, người ta chọn một nai cẩu, người búi tóc, vừa búi, bà vừa hát những lời dặn dò và chúc phúc cho cô dâu, chú rể: “Mái tóc dài, chải cho mượt. Búi ngược lên thành tằng cẩu. Từ nay về sau, người đã có chồng, nước không đổi dòng, lòng không đổi hướng, con ơi”. Trước đây, tục ở rể từ 8 đến 12 năm mới tiến hành cưới xuống đưa gia đình trở về với họ cha. Vài chục năm trở lại đây, chú rể ở lại 2 ngày đến 1 tuần, sau 1-2 năm mới làm lễ cưới lần 2 cưới xuống. Cô dâu, chú rể mặc lễ phục truyền thống đẹp nhất của dân tộc Thái.Người ta làm lễ Phái xửa rước ho linh hồn cô gái về nhà chồng, chính thức là dâu con, chịu trách nhiệm và hưởng mọi quyền lợi theo đúng nghĩa thành viên gia đình. Đây cũng là lúc cô dâu mang về nhà chồng những tấm chăn nệm mà mình đã kỳ công dệt từ khi còn con gái. Đám cưới được tổ chức trong ba ngày liên tiếp, tất cả cùng nhau uống rượu xòe, “khắp” tưng bừng. Đồng thời, đôi trai gái chính thức trở thành chồng vợ và về sống với nhau. Hiện nay, phong tục ở rể truyền thống không còn nữa. Lễ hỏi và lễ cưới thường được tổ chức gộp một lần, nhưng có tục cô gái sau khi lấy chồng phải búi tóc cầu an ở trên đỉnh đầu vẫn được duy trì, như là một chỉ dẫn dấu hiệu về tình trạng hôn nhân ủa người phụ nữ.
Tập tục tang ma
Người Thái quan niệm, chết là tiếp tục sống ở thế giới bên kia, đám ma là lễ tiễn biệt và chia của cho ngươi chết về với tổ tiên. Đám ma diễn ra nhiều nghi lễ: tắm rửa, khâm liệm, nhập quan, đào huyệt, cúng cơm, lạp trâu, tiễn ma, chôn cất. Trong các nghi lễ đám ma, không thể thiếu 1 cây tre cò chau phạ (cây thăng thiên), nếu người chết là nam cây thăng thiên là một cây tre cao bọc thổ cẩm, nếu là nữ cây thăng thiên là những ngọn cờ xòe đủ màu, kèm theo đó là nhà mồ hai tầng, bem đựng quần áo, ghế, chăn, đệm, 1 con chó, 1 con vịt đưa đường, 1 con trâu chia của, đôi gà trống mái, một vài con lợn làm cỗ mời họ hàng và biết người đến phúng viếng. Sáng hôm sau khi chôn, con cháu phải ra thăm mộ, quần áo trong bem (đồ đựng của người Thái) được mang ra phơi, thả gà, rào nhà, để người chết làm lương ăn trong lúc chưa thể đi ngay lên trời. Trước khi đi về nhà, con cháu chặt cây xanh để chặn lối không cho người chết về nhà. Sau 10 ngày, con cháu làm lễ khé khửn hớn, gọi hồn người chết lên nhà thành con ma hóng (tổ tiên) mới và làm lễ dệt hóng để chính thức báo cáo với tổ tiên ông bà, người quá cố đã trở thành ma nhà, từ này trở đi lên trên trời với tổ tiên ông bà và chỉ được về khi con cháu gọi đến tên tuổi.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Người Thái quan niệm thế giới 3 tầng, một ở trên trời cao và hai cùng tồn tại ở mặt đất, một bên là thế giới của những người sống và một bên là thế giới của ma. Trên trời có Then Luông là đấng tối cao nhất, cai quản trời đất, loài người và vạn vật, Then Luông được các quần thần giúp việc. Dưới trần gian, bất cứ ở nơi nào cũng có các ma (phi) cai quản. Muốn lập bản, khai phá ruộng, phát nương, đánh cá, săn thú đều phải xin phép các ma ruộng, ma nương, ma rừng, ma suối. Những vị thần trên trời, các ma dưới trần kể trên cùng với ma nhà (phi hươn), ma họ (phi đẳm), những ông, bà, cụ kỵ đã khuất (pú pầu) là những lực lượng phù hộ, bảo vệ người.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Người Thái có kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian phong phú. Đó là kho tàng thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao, nổi tiếng phải kể đến: Xống chụ xôn xao, Khum Lu nang ua, Quắm tố mương. Người Thái sớm có chữ viết với nhiều vốn cổ văn học, luật tục được ghi chép lại trên giấy bản và lá cây. Người Thái có nhiều vũ điệu, phải kể đến là múa xòe, múa sạp… đã trở thành những di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng của cộng động. Nhạc cụ của người Thái gồm có: khèn bè để đệm cho các điệu khắp, xòe, sạp và thổi các điệu dân ca quen thuộc như sài peng (tình tự), pay căn (chia tay), khắp chiêu (hò), báo sao (trai gái), loong tông (xuống đồng). Xoè Thái có 2 lối hát là hát thơ (khắp xư) và hát gọi (khắp chiệu).
Múa xòe “Xe khăm khen” (múa cầm tay) là nét văn hóa đặc sắc, phổ biến trong cộng đồng người Thái ở Tây Bắc Việt Nam. Xòe Thái có từ xa xưa, hình thành từ môi trường tự nhiên, lao động sản xuất, khát vọng về cuộc sống thanh bình, tốt đẹp. Xòe khăn là một trong 6 điệu xòe cổ của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, gồm: khắm khen (nắm tay nhau vòng tròn, biểu hiện tình đoàn kết, chung sức vượt qua khó khăn), khắm khăn mơi lảu (nâng khăn mời rượu để bày tỏ lòng yêu quý và mến khách trong văn hóa giao tiếp), phá xí (xòe bổ bốn, tượng trưng cho bốn phương trời đất và tình đoàn kết trong cộng đồng, dù đi bốn phương vẫn luôn nghĩ về nhau, cùng hướng về cội nguồn), nhôm khăn (tung khăn piêu tưng bừng, sôi nổi, thể hiện chuyện vui như đám cưới, mừng nhà mới, mừng mùa bội thu…), đổn hôn (điệu múa với những bước tiến, lùi nhịp nhàng, uyển chuyển trong cung vòng tròn, biểu trưng cho tình cảm son sắt, dù cho trời giông bão, cuộc sống khó khăn, trở ngại, nhưng ý chí, tình cảm con người vẫn luôn keo sơn, bền chặt), ỏm lọm tốp mư (vòng tròn vỗ tay, điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui, chất chứa niềm hân hoan hòa cùng nỗi bịn rịn trong không khí chia tay). Từ 6 điệu xòe cổ, người Thái tiếp tục phát triển thành 36 điệu xòe, làm giàu cho bản sắc văn hóa các dân tộc miền Tây Bắc Việt Nam. Múa xòe khăn phát triển từ múa dân gian dân tộc Thái, âm nhạc Lê Hoạt, biên đạo múa Tô Uyên, do tốp nữ đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Sơn La biểu diễn.
Tiết mục múa sạp dân gian truyền thống của người Thái ở vùng Tây Bắc Việt Nam, chủ yếu được biểu diễn trong các dịp lễ hội, mùa xuân, thu hút nhiều dân tộc tham dự. Đạo cụ múa là một dàn sạp, gồm: 2 cây tre to làm sạp cái, 3 đến 5 cặp tre nhỏ xếp đều song song làm sạp con. Khi múa, từng cặp đôi nam nữ hoặc từng nhóm, nhún nhảy theo nhịp 2, 4, tiến theo các sạp con, sao cho khi các sạp dập vào nhau, đôi chân của người múa đã nhảy sang bên cạnh. Những nhóm múa giỏi, họ có thể đi theo vòng tròn, đan hình số 8 hoặc biến hóa theo khả năng của mình.
Tết, lễ hội cộng đồng
Đồng bào Thái còn có nhiều những lễ hội truyền thống trong năm như: Hội xên bản, xên mường, hội cầu mưa, lễ hội gội đầu, lễ hội hạn khuống, lễ hội hoa ban, lễ hội xang khan, lễ hội Kin pang then. Trong đó, hội “Hạn khuống” được tổ chức vào khoảng tháng 11 âm lịch. Đây là thời điểm nhàn rỗi, chị em vào mùa bật bông, kéo sợi, thêu thùa, vừa thi nhau kéo sợi mịn, thêu khăn đẹp, con trai thi đan lát khéo, thổi sáo hay đàn môi giỏi. Hai bên công khai tìm hiểu nhau qua tài nghệ và lời ăn tiếng nói. Trai gái có những đôi nên duyên chồng vợ cũng là nhờ vào “Hạn Khuống”. Lễ hội Xên pang (xên bản xên mường), bắt đầu từ tháng chạp, khi thu hoạch mùa màng xong, đồng bào Thái có thời gian để ủ rượu cần, cất rượu chai, kiếm củi, lá dong, lá chuối…(ván au đua, au tong), góp mang lợn, gà, thức ăn của rừng của suối đến vấn an và đóng góp cho lễ hội, cầu mong sức khỏe con người, đầm ấm yên vui bản làng, mùa màng thì tươi tốt bội thu. Trong lễ hội, người Thái làm (co tao) để dựng cây nêu (tẳng xặng pang), trang trí hoa và lá nhiều màu sắc: chim muông, ong, bướm…. và các lễ vật: pí, váy mo, hoa quả: cam, quýt, chuối, bánh chưng (tùy địa phương), bung thóc, trứng gà, rượu cúng thần, vấn an. Sau lễ vấn an, đồng bào tổ chức múa xòe, đâm nõn chuối. Người hát, người múa xòe, người uống rượu cần, mời rượu cho đến canh khuya. Họ lễ và hội một cách hồ hởi với mong muốn: âm dương hòa hợp, giống nòi phát triển, nhà nhà hạnh phúc, bản làng đầm ấm yên vui.
Lễ hội Kin Pang Then của đồng bào dân tộc người Thái tổ chức vào dịp đầu năm, để thầy mo tổ chức lễ cúng và gặp mặt các con nuôi (những người đã được thầy mo chữa cho khỏi bệnh). Thời gian cúng có thể kéo dài từ 3 đến 4 ngày, tùy thuộc và số lượng con nuôi đến với “Then” nhiều hay ít. Phần lễ có các hoạt động dâng hương, cúng lễ vật, mời các vị then (thần linh) xuống trần gian thụ hưởng, chung vui với mọi người trong ngày hội. Thầy then hát các bài Then truyền thống, cầu cho dân bản một năm mới tốt đẹp, mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt, con người luôn khỏe mạnh, no ấm. Cùng với đó là lễ tạ ơn của con cái đối với cha mẹ, cầu phúc lộc cho cả gia đình. Đây cũng là dịp để các con tạ ơn thầy trong dịp đầu năm mới. Theo hầu là các nàng sao (Báo sao). Họ là những thiếu nữ Thái xinh đẹp, múa hay, hát giỏi, có nhiệm vụ múa hát, chào hỏi, chúc rượu các thần linh, thổ địa trên đường lên trời. Họ tạo ra không khí vui tươi phấn khởi, cuốn hút cộng đồng tham dự. Trong phần lễ cũng tái hiện các cảnh lao động sản xuất như: quăng chài bắt cá…. Phần hội có các trò chơi: Đánh cầu lông gà, kéo co, đẩy gậy, ném còn, hát Then và biểu diễn các điệu múa: Hái nấm, múa khăn, múa tăng bu tăng bẳng và múa xòe. Vì vậy, lễ hội thu hút đông đảo bà con và trai gái trong bản, trong mường gặp gỡ, giao lưu tình cảm qua câu hát, điệu múa. Sau lễ hội, nhiều đôi đã nên vợ, nên chồng. Trích đoạn Lễ hội Kin Pang Then do đoàn nghệ thuật tỉnh Yên Bái biểu diễn.
Hang Bua (thăm búa) không chỉ đẹp nổi tiếng bởi cảnh quan sơn thủy hữu tình (có nhiều thạch nhũ, tạo hình đa dạng gồm bồ lúa, dàn cồng chiêng, giường công chúa, chậu nước, ruộng lớn, ruộng nhỏ, một số hình người…) mà còn là di tích khảo cổ gắn với truyền thuyết lịch sử, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, ở huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An. Lễ hội Hang Bua được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 22 tháng Giêng âm lịch hàng năm, để yết cáo, lễ đại tế và lễ tạ, tạ ơn thần núi, tưởng nhớ công ơn 3 vị Thành hoàng, đó là 3 anh em Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông đã có công khai bản, lập mường, cầu mong mưa thuận gió hòa. Trai gái đến Hang Bua ôn lại câu chuyện tình chung thủy giữa nàng Ni xinh đẹp, hát hay và chàng Ban hiền lành, chân thật, cầu mong những điều tốt đẹp cho hạnh phúc lứa đôi… Bên cạnh phần lễ là phần hội, đồng bào Thái tổ chức múa sạp, khắc luống, ném còn….
Lễ hội Hang Buakhông biết có từ bao giờ, chỉ biết vào năm 1937, vua Bảo Đại đã từ cố đô Huế về đây thăm thú, du Xuân, dự lễ hội. Đã có một thời gian dài, hội Hang Bua không được tổ chức. Đến năm 1996, Lễ hội Hang Bua được khôi phục trở lại. Đến năm 2006, lễ hội Hang Bua được tổ chức với quy mô cấp huyện, phần lễ không có gì thay đổi, nhưng phần hội có thêm văn nghệ chào mừng, lễ khai mạc và các hoạt động hội diễn: Thi văn nghệ; trình diễn sinh hoạt Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Thái; thi văn hóa ẩm thực; thi cham rượu cần; thi nhảy sạp, khắc luống; thi quay tơ, thêu, dệt; trình diễn sản phẩm văn hóa – ẩm thực; cuốn hương trầm; trình diễn nghi lễ Xăng Khan; thi người đẹp Hang Bua; thi viết chữ Thái; thi cắm trại đẹp; thi các môn thể thao bóng chuyền nam nữ, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, ném còn, tò mạc lẹ… Các hoạt động giàu bản sắc văn hóa đều được trình diễn tại lễ hội.