Chứt

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Chứt có hơn 6.022 người (năm 2009).
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú chủ yếu ở các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá, Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Mày, Rục, Sách, Arem, Mã Liềng.
Ngôn ngữ: Dân tộc Chứt thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (ngữ hệ Nam Á).

Sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp: Trước đây, dân tộc Chứt chủ yếu canh tác nương rẫy du canh, săn bắn hái lượm. Việc trồng trọt được tiến hành theo hai mùa, mùa mưa và mùa khô. Mùa khô (từ tháng chạp tới tháng 4 năm sau), họ trồng ngô, sắn, đỗ và thuốc lá. Ngô, thuốc lá, đỗ thu hoạch vào tháng năm, sắn thu hoạch vào tháng tám. Mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10), người Chứt chỉ trồng lúa và ngô. Tháng tám thu hoạch ngô, tháng mười thu hoạch lúa. Tùy theo chất đất và giống cây trồng mà thời gian canh tác các mảnh nương rẫy có khác nhau: loại đất trồng sắn có thể sử dụng trong bốn năm, còn loại trồng ngô chỉ sử dụng được trong hai năm. Khi đất bạc màu, họ lại di chuyển sang các đám rẫy khác để canh tác. Công cụ lao động chỉ có rìu hay rựa để phát rẫy và chiếc gậy chọc lỗ để trỉa hạt. Nơi làm ruộng có thêm cày, bừa.

Hiện nay, người Chứt đã sống định canh, định cư. Nguồn sống chính là trồng trọt. Tuy nhiên, mỗi nhóm địa phương có mức độ canh tác cây trồng trên rẫy và ruộng khác nhau: nhóm người Sách làm ruộng, sử dụng kỹ thuật cày, bừa, làm đất, chăm bón, làm có thu hoạch; nhóm người Rục và A Rem làm rẫy đa canh (gồm nương rẫy và nương vãi) Nương rẫy khai phá từ việc phát đốt rừng mà có. Nương vãi là những khoảng đất thấp, bằng phẳng, quanh nơi cư trú, bãi bồi ven suối, thường được tận dụng một cách tối đa, với một cơ cấu cây trồng đa dạng, hỗn tạp (cây ăn quả, ngô, khoai, bầu, bí, cà, ớt…) Trước đây, trên nương rẫy, đồng bào Chứt chỉ canh tác một vụ lúa, một vụ ngô và đan xen một số loại hoa màu. Ngày nay, chỉ có đồng bào Rục còn trồng trỉa một vụ: cây lúa (A loó) được trồng từ tháng 4, thu hoạch vào tháng 8, 9. Cây ngô (Po) bắt đầu trồng từ tháng 12, thu hoạch vào tháng 4, 5. Cây sắn (Lề-rắng) trồng từ tháng 1, 2 và có thể thu hoạch quanh năm. Các nhóm địa phương khác như Mày, Sách đã biết làm thêm vụ rẫy chiêm (gieo trồng vào tháng 5, thu hoạch vào tháng 9 âm lịch). Từ những năm 70 của thế kỷ XX đến nay, đồng bào Mày, Sách đang chuyển đổi theo hướng tăng dần số lượng thời vụ canh tác nương rẫy trong năm từ một vụ lên hai vụ. Các nhóm Rục, Arem, Mã Liềng dường như chuyển đổi rất chậm, trồng trỉa xong, làm cỏ qua loa, không chăm sóc, để mặc cho trời điều chỉnh, nên năng xuất bấp bênh. Trên nương rẫy, đồng bào các nhóm Chứt đều có sự phân biệt thành 3 loại: nương năm đầu (rẫy lúa) là loại nương tốt, đất có độ mùn cao, chưa bị xói mòn, được ưu tiên trồng thuần lúa, canh tác 1 – 3 năm, sau đó bỏ hoang một năm rồi mới làm lại. Nương năm thứ hai đã bắt đầu giảm độ dinh dưỡng, đồng bào trồng lúa xen với ngô, khoai, kê. Nương năm thứ ba, nghèo dinh dưỡng chỉ dùng trồng ngô xen với sắn, khoai, thuốc lá… hoặc trồng thuần sắn. Khi chất đất bạc màu, đồng bào lại chuyển sang canh tác ở vùng đất khác, xa nơi cư trú hơn. Sau đó 2 – 3 năm (nếu đất xấu có thể 4 – 5 năm) bỏ hoang cho hàm lượng mùn trong đất tăng lên rồi đồng bào lại phát quang để canh tác trở lại. Chu trình canh tác gắn liền với các lễ nghi nông nghiệp. Mùa thu hoạch, họ vẫn lên ở các hang núi gần nương rẫy hoặc làm chòi nương ở lại canh tác. Họ chỉ trở lại bản làng khi mùa màng đã thu hoạch xong.

Bên cạnh trồng trọt, người Chứt còn chăn nuôi gia súc theo lối thả rông: bò, lợn để đáp ứng sinh hoạt trong gia đình và làm sức kéo, chăn nuôi gia cầm: gà, vịt vừa làm vật cúng tế, vừa để cải thiện bữa ăn cho gia đình.

Kinh tế tự nhiên

Kinh tế tự nhiên: Các nhóm người Mày, Mã Liềng, Arem, Rục chủ yếu làm rẫy trên những vùng núi cao, kỹ thuật còn lạc hậu, theo lối chọc lỗ tra hạt, năng suất thu hoạch thấp. Thêm vào đó, một năm họ chỉ canh tác một vụ rẫy. Vì vậy, lương thực làm ra chỉ đủ nuôi sống gia đình vài ba tháng, thời gian còn lại họ phải vào rừng để săn bắn, tìm kiếm, khai thác thêm củ nâu, củ mài, bột báng hay củ nhúc, xuống suối đánh bắt cá để sống sinh tồn. Đời sống kinh tế của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, hái lượm và săn bắn chiếm vị trí quan trọng, thậm chí là nguồn sống chính trong những năm mất mùa của đồng bào. Họ chủ yếu bắt những loại thú nhỏ như khỉ, cày, cáo, nhím…. Công cụ săn bắt gồm nỏ, bẫy (Bẫy đò ho, bẫy vòng để bẫy thú lớn, bẫy tren (một loại bẫy kẹp), cừ tít (một loại bẫy cạm), kháo dùng để bẫy thú nhỏ như: nhím, chim, chuột…)

Nguồn hái lượm chủ yếu là các loại cây có bột như nhúc (báng/kpac), một loại cây thuộc họ dừa) và nhăng, khoai len, củ mài, mật ong… các loại rau rừng. Hàng ngày, đồng bào thường đánh bắt các loại thủy hải sản: cá, ốc, hến… Hình thức đánh cá phổ biến nhất của người Chứt là thuốc cá. Trước hết, người đàn ông phải lên rừng kiếm cây độc như vỏ cây chẹo, đò ho, hồi…về đập mịn, giã nát, thả xuống đầu ngọn nước làm cá say. Đợi cá nổi  Công cụ hái lượm rất đơn giản, người ta dùng rìu, rựa để chặt nhúc, dùng rựa cùn cài nhọn, đôi khi cả cây gỗ vót nhọn để đào. Để bắt cá, đồng bào dùng cần câu thường, cần câu bẫy (là một loại bẫy trong đó cần câu là cần bật), thả lá độc, tát cạn, gần đây có chài lưới. Sản vật săn, đánh bắt, thu hái được là nguồn thức ăn chính của đồng bào.

Nghề thủ công

Các nghề thủ công: Người Chứt chỉ có nghề mộc để làm ra những chiếc nỏ, tên dùng săn bắn và nghề đan lát để làm ra các dụng cụ phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Họ không quan tâm đến các nghề thủ công dệt, rèn, nên các loại dao, rựa, trang phục … chủ yếu mua hoặc trao đổi với các cư dân láng giềng. Ðan lát chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong gia đình. Sản phẩm đan lát đẹp và độc đáo của người Chứt phải kể đến chiếc mâm cơm bằng nan cây tre, mây và các loại gùi Achoi to, nhỏ khác nhau, với công dụng khác nhau như đựng lúa, ngô, khoai, sắn và vận chuyển nông sản từ nương về nhà. Ðôi nơi, họ biết thêm nghề rèn dao, rìu, đồ dùng bằng kim loại.

Phương thức vận chuyển

Phương thức vận chuyển: Hầu hết cư dân Chứt chủ yếu đi bộ, dùng gùi vận chuyển lúa, ngô, khoai, sắn từ trên nương rẫy về nhà hay đem ra chợ bán. Khi vận chuyển, người Chứt thường buộc những vật dụng cần thiết bên eo lưng, mang gùi sau lưng và chống gậy đi từ vùng này sang vùng khác. Những lúc di chuyển vật nặng như gỗ làm nhà, đồng bào mang vác trên vai, lên dốc thì buộc dây kéo, xuống dốc thì thả rơi tự do. Khi khai thác lá, cỏ lợp nhà, họ thường bó lại, dùng dây rừng quấn chặt hai đầu, nối kết hai vòng này bởi hai sợi dây lớn để có thể đeo trên vai, khi đi tay nắm lại trước bụng, lội suối, băng rừng về nhà. Việc đi bộ mang vác, gùi có dây đeo vai vận chuyển một phần do địa hình, điều kiện sống, phần khác để giải phóng hai tay, có thể hái lượm rau rừng khi đi trên đường.

Trao đổi hàng hóa

Trao đổi hàng hóa: Trước đây, người Chứt chủ yếu trao đổi các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, hái lượm, săn bắn được để lấy các nhu yếu phẩm cần dùng. Tại đây chỉ có hàng đổi lấy hàng. Họ thường trao đổi hàng với người Kinh, người Nguồn ở đồng bằng lên hay cư dân Ma Coong, Bru, Lào ở các bản lân cận. Các sản phẩm trao đổi bao gồm mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, măng… đổi lấy những vật phẩm cần dùng như: gạo, muối, vải, dao, rìu, rựa…phục vụ cho đời sống thường ngày. Người Chứt còn nhớ hình thức trao đổi câm. Nghĩa là người trao đổi không trực tiếp gặp nhau. Họ chỉ thông qua địa điểm và những ám hiệu đã định trước để nhận biết vật phẩm cần trao đổi. Ví dụ: khi đến địa điểm trao đổi, thấy cuộn dây thắt một mét và một ống mật ong (loại ống lồ ô nhỏ), có nghĩa là người đó muốn đổi lấy một cái rìu, nếu thấy cuộn dây thắt hai mét, có nghĩa là họ muốn đổi lấy rựa. Hiện nay, có nhiều các phiên chợ huyện, xã, trong đó hội tụ rất nhiều sản phẩm tự đồng bào hái lượm được và nhiều sản phẩm công nghiệp: quần áo may sẵn, đồ dùng sinh hoạt gia đình, đồ điện ti vi, tủ lạnh…Những khu vực cách xa trung tâm chợ, các thương lái người Kinh hàng tuần mang ô tô hàng lưu động đến tận nơi để trao đổi các nhu yếu phẩm như áo quần, rổ, rá nhựa, dao, rìu, nồi, chảo nhôm, dầu, muối, xà phòng… và thu mua sản vật. Vì vậy, người dân có thể mua thức ăn, đồ dùng gia đình ngay tại chỗ.

Văn hóa mặc

Văn hóa mặc: Trước đây người Chứt để tóc dài, búi tóc sau gáy, đàn ông đàn bà đều lấy vỏ cây làm áo, khố. Nguyên liệu để làm là vỏ các loại cây: Sui, Ràng, Dâu dáng,  trầm… để làm thành choàng, áo, khố, chăn đắp. Cách đây vài chục năm trở về trước, nam giới các nhóm Chứt ở trần hoặc mặc áo vỏ cây (một loại áo chui đầu, hở nách), đóng khố.

Phụ nữ các nhóm Chứt mặc áo vỏ cây ché hay poncho như nam giới (khi mặc dùng dây thắt sát người), mặc váy. Mùa đông, cả nam và nữ choàng ngực bằng một tấm chăn hay tấm choàng ngực (kché). Ngoài ra, phụ nữ Sách còn dùng vỏ con rùa, đục thủng 3 lỗ, lấy da con kỳ đà (bò tà) phơi khô làm dây xỏ vào 3 lỗ đã đục trên vỏ con rùa và đeo vào phía trước để che thân. Những năm nửa cuối thế kỷ XXđến nay, đồng bào chủ yếu được đổi bằng lâm sản với các dân tộc bên Lào, để lấy vải may áo và váy giống với người Lào. Trước khi đến tuổi lấy chồng, các thiếu nữ Chứt đều phải tự tay khâu cho mình những chiếc áo “Thắt” truyền thống để mặc trong ngày cưới, sau đó cắt may cho con cái mặc ngày thường. Cuối thế kỷ XX, đầu  thế kỷ XXI, những chiếc áo truyền thống màu đen của cư dân Sách, Mày hay những chiếc váy bằng vải sợi bông, dệt mô típ hình rồng đã trở lên rất hiếm, ít ai còn giữ được. Ngày nay, người Mày mặc giống với người Khùa, còn người Sách, Rục, Mã Liềng, Arem mặc giống người Kinh. Sự giao thoa và khác biệt trong trang phục phụ nữ các nhóm Chứt thể hiện rất rõ trong từng thành tố của trang phục, dễ phân biệt nhất là  khăn. Phụ nữ Mày và Mã Liềng đội khăn màu trắng, chỉ trùm lên đầu và thắt lại phía sau gáy, giống như dạng khăn mũ. Phụ nữ Sách, Rục, Arem đội khăn là một mảnh vải dệt công nghiệp, kẻ ka rô màu đen, đỏ, tím. Khi sử dụng, phụ nữ Sách thường gấp khăn làm 4 và quấn tròn trên đầu và giắt đuôi khăn vểnh lên bên tai trái. Riêng phụ nữ Mã Liềng và phụ nữ Mày, khi đã có gia đình, bao giờ cũng búi tóc ở trên đầu bên trái và đội thêm một chiếc khăn màu đỏ. Đó là dấu hiệu để nhận biết người phụ nữ Mã Liềng, Mày đã có chồng. Phụ nữ Sách không đội khăn trong lễ hội, họ chỉ gấp khăn thành 4 lượt theo chiều dài, rồi vắt chéo qua vai, vòng xuống nách và buộc thắt nút ở ngực bên trái. Ngày thường, chị em phụ nữ Chứt chủ yếu mặc quần âu và áo sơ mi. Những phụ nữ trung tuổi và người già còn mặc váy, nhưng là váy may sẵn mua của người Lào ở bên kia biên giới mang sang bán tại các phiên chợ xã, huyện giáp biên giới. Ngày nay, đồng bào chịu ảnh hưởng của trang sức đi kèm y phục của các dân tộc láng giềng, nên trang sức có phần phong phú hơn, có cả vòng cườm nhựa, vòng đồng, vòng mã não và vòng bạc….

Văn hóa ẩm thực

Văn hóa ẩm thực: Nguồn lương thực chính là ngô, sắn, ngoài ra còn có bột báng, củ mài. Đồng bào Chứt ăn ngày hai bữa: trưa và tối. Ngoài ngô, sắn, thức ăn hàng ngày còn  là những thứ hái lượm, săn bắt được như: rau rừng, măng rừng, cá, ốc hến. Ngô thu hoạch xong, đồng bào Chứt thường để nguyên cả bắp treo trên vách nhà và để trên gác bếp cho khô, sau đó bảo quản lâu dài trên sàn gác, ăn đến đâu sẽ tách hạt đến đó. Khi sử dụng, đồng bào chế biến theo 2 cách: giã khô cho bột nhỏ mịn mới nấu hay ngâm nước cho hạt mềm mới giã nhỏ. Sắn là lương thực phụ, một năm mới thu hoạch một vụ, nhưng sản lượng và diện tích sắn lại đem lại hiệu quả hơn cả. Sắn mang về bóc vỏ, sắt miếng mỏng, sấy trên gác bếp cho khô, dự trữ để sử dụng dần. Phần còn lại để nguyên trên rẫy để thu hoạch sắn tươi ăn dần. Lương thực phổ biến và sử dụng nhiều nhất phải kể đến bột nhúc. Cây nhúc mang về, ngọn làm rau, thân được chia khúc, tách ruột mang về cắt thành lát mỏng, phơi, sấy trên gác bếp chot khô, giã thành bột (toóc) dự trữ để ăn dần.

Đồng bào các nhóm Chứt ăn hai bữa chính sáng và tối. Ngày giáp hạt, đồng bào vẫn giữ nguyên cơ cấu ăn hai bữa, nhưng một bữa chính, một bữa phụ. Thường ngày, những gia đình khá giả, buổi sáng nấu cơm, cả nhà ăn xong, một phần mang theo đi nương, phần dành lại cho người già và trẻ nhỏ ở nhà ăn cơm nguội. Tối đến, cả nhà mới đoàn tụ trong bữa cơm gia đình, những thứ săn bắn, hái lượm được đem về chế biến, cải thiện cuộc sống. Những nhà nghèo khó, bữa sáng cả nhà ăn cơm canh hay cơm bồi (ngô đồ), buổi trưa, người nhà, trẻ nhỏ ăn phần cơm hay bồi còn lại, bữa tối cả nhà quây quần ăn bột nhúc và uống nước canh. Ngày lễ tết, có thêm thịt thú rừng và các loại bánh như bánh chưng, bánh ro, cơm bồi… Điều quan trọng trong cách ăn uống của đồng bào Chứt, dù trong bữa ăn thường ngày hay ngày lễ tết, dù cuộc sống rất nghèo khó, nhưng họ cũng thực hiện nếp sống “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Phần ngon nhường người già, con trẻ, thiếu ăn, thiếu đói, người lớn sẽ dành phần cho trẻ em. Nếu nhà có khách, các thành viên thường dành cho khách.  Ngày lễ tết, đặc biệt là tết nguyên đán, ngoài những món ăn trên, người Chứt không thể thiếu các món bánh làm từ gạo nếp:  bánh chưng, bánh đòn, bánh tro, bánh rợm…Trong đó, bánh tro có hình dáng gần giống mai con rùa (còn gọi là bánh rùa) hay có hình tam giác (gọi là bánh nhọn). Bánh nhọn tượng trưng cho thần núi Cu Lôống – ngọn núi cao nhất ở vùng cư trú của người Chứt ở tỉnh Quảng Bình; Bánh trưng vuông tượng trưng cho đất; Bánh đòn tượng trưng cho chiếc rìu và cây đèn thắp sáng. Đồng bào kể rằng, ngày xưa, không có đèn, người ta đã dùng một loại cây cỏ giống như lá dứa, đem giã nhỏ, lấy lá dong gói khoảng 40 cm, buộc lại để làm đèn thắp. Để nhớ những cây đèn ấy, người ta mới làm món bánh dài tượng trưng cho đèn thắp sáng trong nhà. Vì vậy, khi dâng cúng các loại bánh này, người Chứt tin rằng vị thần Cu Lôống sẽ xua đi ác quỷ, đem lại sự bình an cho người dùng rìu. Tất cả các món bánh dâng cúng thần, đồng bào thường làm riêng một loại không nhân cho trong sạch, mong thần linh không trách phạt. Đồng thời, họ cũng làm bánh có nhân để gia đình ăn và làm quà biếu.

Người Chứt thích uống rượu đoác, rượu gạo hoặc rượu sắn. Hầu hết đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ em đều biết hút thuốc. Phụ nữ các nhóm Chứt còn có thói quen ăn trầu.

Văn hóa ở

Văn hóa ở: Cho đến trước năm 1954 các nhóm Rục, Arem chủ yếu vẫn sống trong các hang đá, mái đá. Những năm 60 của thế kỷ XX trở lại đây, họ sống tập trung ở các bản nhỏ vùng thung lũng  (gọi là Cavên hay Cavel). Mỗi làng có vài đến vài chục nóc nhà, sống biệt lập theo thiết chế tự quản. Hầu hết các nóc nhà đều nhìn về hướng sông suối và tựa lưng vào núi, tùy theo địa thế đất. Một điều dễ nhận thấy là dù bản ít nóc nhà hay bản đông, người Chứt đều dựng làng ở gần nguồn nước, trên những triền núi dốc, diện tích cư trú hẹp, hai bên là núi hay vách lèn đá, thuận lợi cho việc săn bắn, hái lượm và làm rẫy. Riêng bộ phận người Sách, người Mày thường dựng bản ở những vùng thung lũng, tương đối bằng phẳng, nơi có điều kiện phát triển ruộng nước, ruộng vãi và nương rẫy.

Nnhà cửa của các nhóm Chứt gồm nhà sàn, nhà đất, nhà canh rẫy, nhà đẻ, nhà ma hay nhà mồ. Ngoài các công trình ấy, trong không gian cư trú của người Sách, các nhà đều có công trình phụ như nhà vệ sinh, chuồng trâu, chuồng bò và vườn cây ăn quả. Các nhóm địa phương khác như Mày, Rục, Arem, Mã Liềng không có công trình phụ và chuồng trại chăn nuôi, gia súc, gia cầm chủ yếu là thả rông. Mỗi loại nhà gắn với từng nhóm địa phương nhất định. Nhà sàn gắn với nhóm người Mày, Mã Liềng, Arem, còn nhà đất gắn với nhóm người Sách và người Rục

 Nhà của người Chứt là nhà sàn đơn sơ. Nguyên liệu chính để làm nhà là gỗ, tre, nứa, lá, làm theo kiểu dùng xà nhà đặt lên cây cột gỗ có sẵn ngoãm, bưng phên nứa xung quanh nhà, sàn lát bằng tre, mái lợp cỏ gianh. Nét đặc trưng của ngôi nhà sàn người Chứt (nhóm Arem) là hai chiếc khau cút được bố trí ở hai đầu nóc nhà. Khau cút được làm từ hai đoạn cây lồ ô hoặc gỗ buộc chéo nhau tạo thành một góc vuông. Nửa trên được vót nhọn, nửa dưới buộc vào rui của mái nhà. Khau cút ngoài việc giữ cho đầu mái nhà không bị gió lật, nó còn có ý nghĩa xã hội cơ bản đối với cư dân ở đây là: Dấu hiệu để nhận biết dòng tộc. Mặt bằng sinh hoạt trong nhà đất người Sách hiện nay có những đặc điểm chung so với mặt bằng sinh hoạt trên nhà sàn của các cư dân Mã Liềng, Arem, Mày là: nhà chia thành 2 phần: trong (khoong) và ngoài (ngoai) bởi một thanh ngang cao hơn mặt đất 20 cm, tương ứng với thanh xà ngang trên phía mái nhà. Chính thanh ngang này đã thay thế cho thanh gỗ nẹp giữa nhà sàn của các nhóm Mã Liềng, Arem, Mày. Nửa bên phải, còn gọi là phần ngoài (ngoai) cũng dành cho việc tiếp khách, nơi ngủ của khách và nam giới chưa vợ, góc trước ngôi nhà là nơi thờ tổ tiên. Nửa bên trái, còn gọi là phần trong (khoong) được ngăn các vách gỗ thành từng buồng ngủ. Buồng giáp gian khách dành cho vợ chồng chủ nhà, buồng tiếp theo dành cho con trai có vợ, buồng trong cùng dành cho con gái chưa chồng, không gian còn lại cất giữ dụng cụ sinh hoạt, công cụ lao động, phía trước các buồng ngủ là một bếp lửa chung cho cả nhà.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Quan hệ xã hội, dòng họ: Người Chứt thường nhận mình là họ Cao, họ Ðinh… Mỗi dòng họ đều có người tộc trưởng, có bàn thờ tổ tiên chung. Trong làng, tộc trưởng nào có uy tín lớn hơn thì được suy tôn làm trưởng làng. Trước kia, tuy sống du cư và phân tán, nhưng các gia đình vẫn có sự liên kết với nhau trong một đơn vị nhất định gọi là caven. Mỗi caven có một khu vực sinh sống và làm ăn nhất định. Đất và rừng trong khu vực cavên nào thuộc quyền khai thác và sử dụng của caven ấy. Ai muốn chọn đất làm rẫy ở chỗ nào chỉ cần cắm cây để báo cho người khác biết đất ấy đã có người sử dụng. Người ở caven này muốn làm ăn ở cavên khác phải có sự đồng ý của caven đó. Trong một cavên có nhiều dòng họ khác nhau. Những người ở cùng một dòng họ thường ở cùng một caven. Cũng có khi họ lại sống ở caven khác nhau. Đứng đầu caven là Pừ caven người ta còn gọi ông là Chăm rú (người trông coi núi rừng). Pừ caven phải là những người tuổi tác, giàu kinh nghiệm làm ăn, có uy tín, thông hiểu phong tục của caven… Pừ caven luôn làm chủ lễ trong những buổi cúng lễ  của caven. Ngoài những công việc phải gánh vác cho cavên, Pừ cavên vẫn phải lao động kiếm sống như những thành viên khác. Giúp việc cho Pừ caven có những người già trong caven (gọi là ngài K mấc). Pừ caven cùng các già làng bàn bạc và giải quyết các công việc của caven như: Việc cúng bái, ăn mừng được mùa, dàn xếp những xích mích, xem xét và quyết định việc những người ngoài xin vào làm ăn sinh sống trên đất của caven mình. Sinh hoạt tập thể của caven chỉ được tiến hành trong những dịp lễ tết nông nghiệp, còn những nghi lễ, ma thuật săn bắn chỉ do các cá nhân thực hiện tùy theo thời gian xuất hành của mỗi người mà không tổ chức tập thể như những nghi lễ nông nghiệp.

Ở người Chứt không còn chế độ đại gia đình, mà chỉ có tiểu gia đình phụ quyền. Các gia đình nhỏ (một vợ một chồng) đều sống riêng biệt. Những người chưa xây dựng gia đình sống chung với bố mẹ. Các con trai khi lấy vợ thường ở riêng. Con gái đi lấy chồng phải về nhà chồng. Giữa các gia đình trong cùng một dòng họ và gia đình của những người anh em ruột thịt không có chung đụng về kinh tế và không có lao động tập thể, vì mọi việc canh tác nương rẫy cũng như săn bắt, hái lượm đều làm cá thể.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Tập tục hôn nhân, gia đình: Dân tộc Chứt theo chế độ hôn nhân ngoại hôn dòng họ. Nghiêm cấm những người có quan hệ huyết thống kết hôn với nhau.

Trai gái đến tuổi trưởng thành, được tự do tìm hiểu yêu đương, tâm sự thâu đêm. Ngoại trừ người Sách ít có chuyện vượt qua giới hạn, nhưng nam nữ các nhóm Chứt đều có phần quan hệ phóng khoáng. Vì thế, mà các nhóm Chứt đã dùng phép thổi để hạn chế việc sinh con quá sớm của nam nữ khi còn quá trẻ. Phép thổi: thực chất là cách thức điều chỉnh việc sinh đẻ của thiếu nữ và phụ nữ Chứt bằng những phép thuật, bài chú riêng của tộc người. Trong phép thổi có 2 loại là phép thổi thắt phép thổi mở. Nếu như phép thổi thắt giúp người con gái không mang thai khi sinh hoạt tình dục trước hôn nhân, thì phép thổi mở sẽ giúp người con gái Chứt có khả năng sinh con trở lại. Vì vậy, người biết thổi thắt, nhất thiết phải học cả cách thổi mở. Việc học để có thể làm phép thổi là quá trình tập luyện công phu, mất nhiều thời gian. Người học được phép thổi có thể giúp người cũng có thể hại người, khiến người nào đó vĩnh viễn không có con. Vì vậy, những người biết thổi muốn truyền nghề cho ai đó, thường chọn người tốt, nếu không sẽ mang tội với người đã truyền nghề cho mình. Người có nghề chỉ thổi cho người nhà khi cô gái đó yêu đương quá sớm (thổi thắt). Thổi mở khi các thiếu nữ đã yêu được 3 – 4 năm, chuẩn bị cưới. Người nào đã thực hiện thổi thắt cho ai đồng thời cũng là người thổi mở, hiếm có trường hợp một người thổi thắt lại một người thổi mở, ngoại trừ trường hợp người thổi thắt qua đời sớm, phải nhờ người khác trong gia đình làm phép thổi mở để cháu gái trong gia đình tránh bị vô sinh. Một nét độc đáo nữa trong hôn nhân của người Chứt là: khi chàng trai thầm yêu một người con gái nào, anh ta sẽ một mình vào rừng, tìm chặt một bó củi, bó gọn gàng, mang về đặt trước cửa nhà cô gái, không được để các trai bản biết. Nếu gia đình cô gái đồng ý lời cầu hôn đó thì sẽ mang bó củi vào bếp. Ngược lại, nếu sáng hôm sau, bó củi vẫn để nguyên, chàng trai có thể mang bó củi về chờ dịp cầu hôn người con gái khác.

 Hôn nhân truyền thống của các nhóm Chứt cơ bản giống nhau gồm các bước: làm dấu, hỏi, ở rể (cưới lần 1), cưới lần 2 (xin cưới, cưới, đón dâu) và lại mặt.  Lễ làm dấu (mãn cơ nêu) được tổ chức vào các ngày chẵn các tháng âm lịch. Trong lễ này, hai ông mối: chính (tơ rưng) và phụ (tơ cau), cùng bố, mẹ, ông cậu, chị gái, chàng trai mang theo lễ vật gồm rượu và trầu cau đến nhà gái hỏi cưới. Nếu nhận lời, nhà gái đặt lễ vật lên buồng thờ ma cúng tổ tiên, hẹn ngày làm lễ hỏi. Khi nhận bố mẹ cô gái nhận lời chính thức, chàng rể tương lai sẽ đem một con gà trống sang biếu bố mẹ và xin ở rể. Chàng trai ở lại nhà cô gái 3 đêm, sau đó cô gái cũng sang ở nhà chàng trai 3 đêm để sống thử mới làm lễ hỏi. Lễ hỏi (hêu): Nhà trai nhờ ông mối, ông cậu hoặc ông bác mang theo lễ vật gồm 12 miếng trầu, 2 con gà, 2 cái bát, 2 hũ rượu đến nhà gái để dạm hỏi và xin cho con trai ở rể. Nếu nhà gái đồng ý, bố cô gái rót rượu, bày lễ vật ra nhà, thắp hương cúng tổ tiên, thần Cu Lôống, Đu đác biết, đồng thời xin phép từ nay có người đến ở rể nhà mình. Nhà trai chuẩn bị đồ sính lễ, nhà gái chuẩn bị gạo, rượu để đãi bà con dân bản, họ hàng, bè bạn. Lễ cưới thường diễn ra 2 lần. Lần 1, chàng trai ở rể (ở xu). Lần 2, đón dâu về hẳn nhà chồng. Tùy từng nhóm, cưới lần 1, lần 2 được tổ chức đơn giản hay phức tạp. Sau khi nhà gái nhận lễ vật (2 con lợn, 2 yến gạo nếp, 2 đôi vòng cườm, 2 cặp gà trống mái, 1 vò rượu cần, 2 cặp bát, 2 cặp rựa, 2 cặp nồi, 1 cái mâm), tổ chức cưới lần 1, đãi tiệc dân làng, thì người con trai được quyền đến ở rể bên nhà gái khoảng 3 năm. Trong thời gian ở rể, chàng trai phải làm mọi việc cho nhà gái và hai người được phép ăn ngủ với nhau.  Lễ xin cưới (lễ cưlơi): Gần hết thời gian ở rể, nhà trai đem lễ vật sang nhà gái xin cưới, gồm: 4 con gà, 1 hoặc 4 nồi đồng, 4 cái bát. Nhà gái thịt gà, luộc chín, nấu cơm, dọn cỗ, thắp hương, cúng báo, xin ma tổ tiên làm lễ cưới cho con gái, con rể.  Lễ cưới lần 2 (doong hoặc cướn): Nhà trai người Sách mang sang nhà gái gồm 2 chuỗi hạt cườm, 2 vòng đồng, 2 cái rựa, 2 nồi đồng, 10 cái bát, 1 con lợn, 2 con gà, 4 hoặc 6 yến gạo (cadăng), 2mét vải…. Nhà trai người Rục mang sang nhà gái, giàu thì mỗi thứ mang 3, nghèo thì phải đủ đôi: 2 lợn, 2 con gà, 2 nồi đồng, 10 cái bát, 1 chuỗi hạt cườm, 2 cái dao rựa hoặc rìu…. Lễ vật của người Mày gồm: 2 con lợn, 4 đôi gà, bốn đôi bát,10 đôi vòng cườm, 10 đôi vòng bạc, rượu và bánh…Theo tục lệ, chàng rể phải tự tay mổ con lợn, nhà gái sắp cỗ cúng ma tổ tiên, ma Cu Muych, các thần Đu đác, Cu lôống phù hộ cho vợ chồng khoẻ mạnh, sinh được con trai con gái, làm ăn no đủ. Cúng xong, bà con nhà trai, nhà gái cùng nhau ăn uống vui vẻ. Sau khi ăn uống xong, nhà trai được quyền rước dâu về.

 Lễ đón dâu (lể vô ma): Sau lễ cưới ở nhà gái, cô dâu trở về nhà chồng ở ba ngày. Khi về, cô mang theo quần áo, chăn đắp, một yến gạo và không thể thiếu một chiếc nỏ, tên để kỵ tà. Khi bước vào nhà chồng, nhà trai để trước cửa một đồng bạc, loại hoa xoè to và con dao (rựa) đặt ở trên, người con dâu 1 chân đạp trên đồng bạc một chân bước vào nhà. Khi vào nhà, cô dâu phải ở trên chiếc gường của 2 vợ chồng trong 3 ngày. Suốt ba ngày đó, cô dâu có người bưng cơm đến để cho ăn, mang nước đến cho để uống. Tuy vậy, trong 3 ngày đó người chồng vẫn được ở chung giường với vợ. Tập tục này được giải thích: cô dâu mới về nhà chồng là ma trong nhà gái mang đến nhà mình, nên phải làm lễ để ma nhà chấp nhận người con dâu mới về nhà mình. Hết 3 ngày cho ma nhà quen với cô dâu, họ mới làm lễ nhận dâu. Lễ vật gồm có 1 con gà, 1 cỗ xôi, 7 lá dong, lá thơm (cây tràng, cây thiền liền), 3 hòn đá lấy ở khe suối. Họ dùng 3 hòn đá nướng đá, bỏ vào chậu nước lá thơm, người bố bưng chậu nước vẩy khắp người con dâu, vừa vẩy nước vừa nói: ông bà tổ tiên về chứng dám để con dâu mới vào nhà. Xin ma phù hộ cho con dâu mới khoẻ mạnh.  Lễ lại mặt: Sau lễ nhận dâu, vợ chồng trẻ phải trở về nhà bố mẹ vợ. Khi về nhà vợ, chàng rể mang theo 1 nồi đồng và 4 con gà, trong đó có 1 con để sống và 3 con đã làm thịt. Toàn thể gia đình nhà gái, kể cả con rể phải thực hiện nghi thức bắc nồi. Chiếc nồi đồng của con rể được đặt lên bếp, người ta bỏ vào đó chiếc vòng cườm sính lễ của nhà trai hôm cưới, một đôi đũa và ít nước. Trên bếp lửa, tất cả mọi thành viên trong gia đình, cùng thực hiện một hành động lần lượt úp các bàn tay lên nhau, tượng trưng cho sự chấp nhận thành viên mới và sự đoàn kết nhất trí, chia sẻ trong cuộc sống. Trước khi các thành viên buông tay, ông bố vợ thông báo với ma nhà, thần bếp và mọi người: Từ nay, trở đi, con gái và con rể đã chính thức trở thành vợ chồng. Cúng xong mọi người lấy 3 con gà luộc cùng ăn uống vui vẻ. Con gà sống còn lại để vợ chồng trẻ nuôi làm vốn ban đầu. Sau lễ lại mặt, cô dâu sẽ về ở cùng bố mẹ chồng, khi có con mới ra ở riêng. Nhà riêng của cặp vợ chồng mới thường ở gần nhà bố mẹ để tiện chăm sóc bố mẹ già. Trong trường hợp, gia đình nhà trai quá nghèo, không đủ điều kiện lo liệu lễ vật cưới, chàng trai ở rể cho tới khi có đủ điều kiện để tổ chức đám cưới.

Tập quán sinh đẻ: Hầu hết các nhóm Chứt đều có quy định, phụ nữ không được sinh nở trong nhà chính, nếu người đàn bà đẻ tại nhà hay nơi cư trú sẽ mang nhiều vía xấu, ảnh hưởng đến tính mạng của những người khác trong gia đình và xung quanh. Vì vậy, người đàn bà phải chịu nghi thức ấy để tránh những hậu quả xấu cho bản thân, gia đình, cộng đồng và trẻ sơ sinh. Sắp đến ngày ở cữ, người chồng dựng một chiếc lều nhỏ ở ngoài rừng, đưa vợ ra đó chờ ngày sinh con. Hàng ngày, chồng ra thăm nom, tiếp tế lương thực, củi đun và đồ ăn uống cho vợ, người chồng cũng chọn 1 hòn đá cuội to để khi vợ sinh xong sẽ sử dụng để xông hơi. Phụ nữ Chứt theo tập quán đẻ đứng và tự xoay sở lấy hết thảy mọi việc. Ðẻ xong, người sản phụ tự mình nhóm lửa, đốt nóng một hòn đá cuội chồng đã chuẩn bị sẵn, rồi dội nước lã lên hòn đá cho bốc hơi nóng để xông hơi làm toát khí độc trong cơ thể. Phong tục cũng cấm người chồng, trong thời gian này, không được ngủ chung với vợ; khi đi rừng, anh ta không được mang đồ ăn thừa về nhà….Sau 7 ngày, người chồng mới đến đón vợ con vào nhà.

Tập tục tang ma

Tập tục tang ma: Người Chứt quan niệm con người có 2 phần hồn và xác. Khi chết là xác vẫn còn, hồn vẫn tiếp tục sống. Do đó, khi có người chết, đồng bào làm lễ tang đưa xác đi chôn và tiễn hồn về với tổ tiên. Lễ tang được tổ chức trong 2 đến 3 ngày bằng nghi lễ cúng bái. Khi chôn cất người chết, nhà giàu làm quan tài bằng thân cây khoét rỗng; nhà nghèo chỉ bó người chết bằng vỏ cây. Mộ được đắp thành nấm đất, không có nhà mồ bên trên. Sau 3 ngày, tộc trưởng làm lễ gọi hồn cho người chết về ngụ tại bàn thờ tổ tiên ở nhà tộc trưởng, từ đó người thân không lai vãng chăm sóc mộ nữa.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Tín ngưỡng tôn giáo: Trong quan niệm của người Chứt luôn có sự chi phối của các đấng thần linh: ma trời, ma núi, ma sông suối, ma rừng và ma nhà (ma tổ tiên)…Với niềm tin đó, đồng bào Chứt đã thực hiện các hành động thờ cúng theo cách thức riêng của mình. Mặc dù trong ngôi nhà của đồng bào không có bàn thờ tổ tiên ở gian chính giữa như người Kinh, nhưng buồng ma và cây cột chính (Rôông pachít của người Arem; Cô Lôốc của người Mày, người Rục) không thể thiếu trong ngôi nhà của các nhóm Chứt, càng quan trọng hơn trong không gian cư trú của gia đình tộc trưởng. Đó là nơi linh thiêng nhất trong nhà, nơi trú ngụ của những hồn ma tổ tiên nhiều thế hệ, nơi con cháu dâng lễ thờ cúng tổ tiên. Người Chứt không cúng tổ tiên vào ngày lễ tết, tuần tiết như người Kinh. Cuộc sống nghèo khó của họ chỉ có ché rượu cần mới, món ăn ngon trước khi mời khách cũng là tâm nguyện và tấm lòng thành đối với tổ tiên. Nghi lễ cúng tuy ngắn gọn với nội dung mời ma nhà cùng ăn uống, cầu xin sự phù hộ sức khỏe, bình an hàm chứa đức tin và trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả dòng họ.

Bên cạnh việc cúng tổ tiên, các nhóm Chứt đều có tục cúng các vị thần như ma trời, ma núi rừng, ma sông suối…trong những dịp săn thú, chọn đất, trỉa hạt, lấp lỗ hay các lễ thức nông nghiệp trong chu kỳ canh tác nương rẫy, cúng thần khi ốm đau để mong khỏi bệnh… Trong quá trình sinh tồn, vì cuộc sống quá khó khăn, thiếu thốn, mà đồng bào Chứt đã tự trang bị cho mình những phép thuật để tồn tại với thời gian và trong không gian khắc nghiệt của vùng rừng núi Quảng Bình. Đó là những hình thức ma thuật: chữa bệnh, hạn chế việc sinh đẻ sớm của các thiếu nữ còn quá trẻ, đôi khi bao gồm cả ma thuật ám hại và tình yêu khi không theo ý muốn…, dùng ma thuật chữa bệnh, dùng phép thổi chi phối quá trình sinh đẻ…

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật: Người Chứt có kho tàng văn học nghệ thuật dân gian khá đa dạng với các thể loại: truyện cổ (thể hiện tư duy về nguồn gốc tộc người, nhận thức của tộc người về vũ trụ, con người, cuộc đấu tranh chống thiên nhiên, về khát vọng của con người vươn tới cuộc sống ấm no hạnh phúc, về ước mơ chinh phục thiên nhiên “thần sấm, thần mây”, đồng thời cũng phản ánh cuộc sống thường nhật như công cụ lao động, săn bắn v.v… theo lối tư duy trực quan, phản quá trình hình thành và tồn tại của đồng bào gắn với những vùng đất nhất định), dân ca (Kà Tơm, Tà Lềnh) và các loại nhạc cụ (đàn Chư Ra bon, đàn môi-K’doong, sáo dọc –K’lurc, khèn bè, đàn ống lồ ô loại cho nam và loại cho nữ, ống sáo 6 lỗ, tù và (kù và), trống da bò (thường ngày, trống được lưu giữ ở nhà Già Keo. Ngày lễ hội, thanh niên sử dụng theo tập thể, tạo thành dàn nhạc tưng bừng, thâu đêm)…. Người Chứt thích dùng đàn, sáo, hát các giai điệu khác nhau. Họ có nhiều truyện cổ tích, thần thoại. Trong đó phải kể đến Truyện Mụ Gia với nội dung kể về buổi khai thiên lập địa và sinh ra con người. Trong lễ cúng, thày Shaman còn dùng  một loại nhạc cụ làm từ hai ống nứa có độ dài ngắn không bằng nhau. Khi cúng, thầy cúng thường kéo đi kéo lại hai ống nứa trên hòn đá nhám, tạo nên những âm thanh vang mời gọi thần linh về chữa bệnh cho con người.

Hát dân ca “Lời ca ơn Đảng” cuả dân tộc Chứt, phỏng theo làn điệu Cà Tưng, Cà Lềnh. Đó là những làn điệu dân ca đối đáp, giao duyên, liên quan đến nguồn gốc nông nghiệp và tình cảm con người: “Cà tơm, tà lênh” (cà tưng, cà lềnh) “Kà răng tà nêu”: “Mời anh về thăm bản Rào Tre; Nghe hát điệu Cà Tưng ngọt ngào tha thiết; Mời e về quê anh dân tộc Chứt; Với điệu Cà Lềnh trao hết cả yêu thương…”. Từ chất dân ca ấy, người Chứt phát triển lời ca, ca ngợi công ơn của Đảng đã chỉ dẫn cho người Chứt phát huy đức tính cần cù, chăm chỉ lao động, vươn lên thoát khỏi cái nghèo, có được cuộc sống ấn no, hạnh phúc.
Hát dân ca “Lời ca ơn Đảng” của dân tộc Chứt, do đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn.

Chư ra bon (đàn nứa), khèn môi là những nhạc cụ truyền thống, không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của dân tộc Chứt. Cây đàn Chư ra bon của người Chứt là 1 ống nứa, 2 dây cước, chạy song song theo ống nứa và 1 thanh nứa mỏng dùng để kéo đàn, tạo nên âm thanh, lúc réo rắt, lúc du dương. Trước khi kéo đàn, người Chứt thường làm ướt thanh nứa, dây cước buộc vào ống nứa không được quá chặt, cũng không quá lỏng. Ống nứa non hay già, to hay nhỏ, ngắn hay dài sẽ tạo ra những tiếng đàn khác nhau. Đàn Chư ra bon được biểu diễn bên bếp lửa hay ngày lễ hội của bản làng. Đặc biệt dịp mùa xuân, đàn Chư ra bon được biểu diễn để đón chào mùa xuân, chúc nhau những lời tốt đẹp, thủ thỉ câu chuyện cùng anh em trong họ tộc, dân bản hay thay lời giao duyên đôi lứa.
Hát cây đàn Chư ra bon là sáng tác mới, nói về cây đàn Chư ra bon truyền thống, quan trọng của người Chứt:
“Chư Ra Bon cung bậc hồn nhân gian nối tiếp
Nhúng vào ngày thăng trầm, ẩm mốc rấm vào đêm
Khúc dân ca chưa hết điệu Sử Tiêng
Về bản Rào Tre cùng cây đàn Chư Ra Bon anh hát”
Hát cây đàn Chư ra bon, sáng tác: Nguyễn Đình Đức, lời thơ: Đào Minh Sơn do Công Ánh và tốp múa đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn.

 

Tết, lễ hội cộng đồng

Tết, lễ hội dân gian: Ngoài Tết cổ truyền, đồng bào Chứt còn có Tết “Lấp lỗ” và Tết Chăm Cha bới. Tết “Lấp lỗ” được tổ chức vào 7/7 âm lịch hàng năm, sau khi gieo xong mùa màng, mang ý nghĩa “cắm lỗ, gieo hạt”.  Bà con quây quần bên bếp lửa gia đình đón mừng tết đến, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Tết Chăm Cha bới (mừng cơm mới), được tổ chức vào đầu tháng 11 âm lịch,  để tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cái sinh sôi nảy nở và chào đón mùa vụ mới.

Ngoài những lễ hội gắn chu trình sản xuất nương rẫy, người Chứt còn tham gia lễ hội đập trống (Vưừ t’rôống) của người Bru- Vân Kiều vào tháng giêng hàng năm. Phần lễ do người Bru- Vân Kiều thực hiện, cầu cho mưa thuận gió hoà, thú rừng không phá hoại, mùa màng bội thu. Người Chứt chỉ tham gia phần hội: Nam nữ được tự do đánh trống bằng một dùi mây (hoặc gỗ nhưng không sắc cạnh) thâu đêm suốt sáng. Khi tham gia đập trống, con trai được phép hưởng phần của trời cho ở người phụ nữ và nếu đồng ý, có thể tạo nên mối quan hệ không giới hạn cho tới sáng. Họ đánh trống suốt đêm, cho đến khi thủng cả hai mặt trống mới thôi. Họ cho rằng, trống thủng cả hai mặt chính là kết quả của quá trình giao hoà giữa thiên – địa – nhân. Đó chính là quan niệm của cư dân Đông Nam Á cổ đại, tạo tiền đề ước vọng về một cuộc sống an lành, vạn vật sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hoà.