Khmer

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Đồng bào Khmer có 1.260.640 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Dân tộc Khmer sống tập trung ở các tỉnh Nam Bộ: Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ…
Tên gọi:  Người Khmer tại Việt Nam còn gọi là Khmer Krom, Khmer Crộm, Khmer hạ, Khmer dưới.
Ngôn ngữ: Tiếng nói của dân tộc Khmer thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer.

Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt: Người Khmer là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ lâu đời ở vùng Nam bộ. Họ sống xen kẽ với người Kinh, Hoa, Chăm. Bên cạnh trồng cấy lúa, đồng bào còn sạ và gieo lúa nổi ở một số vùng trũng ngập nước. Có nhiều loại đất gieo trồng: ruộng gò phù hợp với lúa sớm, ruộng thấp phù hợp với lúa mùa, ruộng rộc (nằm giữa 2 giồng) thích hợp với nhiều vụ lúa và hoa màu trong mùa khô, ruộng lúa nổi thích hợp với sạ lúa. Họ biết chọn giống lúa, làm thuỷ lợi và lợi dụng thuỷ triều để thau chua, xổ phèn, cải tạo đất. Công cụ sản xuất độc đáo, sử dụng hiệu quả thích ứng với điều kiện Nam bộ như: chiếc phảng, tay ngắn, lưỡi dài để phát cỏ ở những vùng ngập nước; nọc cấy (sơ chal); hái đầu rồng để gặt lúa. Cư dân Khmer còn trồng nhiều hoa mầu và cây ăn quả trên các miệt vườn.

Chăn nuôi: chăn nuôi ở vùng Khmer đồng bằng sông Cửu Long chưa tách khỏi nông nghiệp, còn mang tính chất gia đình, nhằm tận dụng nguồn nông sản dư thừa cho chăn nuôi. Hầu hết các gia đình Khmer đều nuôi gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà, vịt…để cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa bán để tăng thu nhập kinh tế cho mỗi gia đình.

Kinh tế tự nhiên

Do sinh sống ở vùng châu thổ sông Mekông nên những sản vật ở đây chủ yếu là sông, biển và rừng. Các gia đình sống ở ven biển, ven sông, phát triển  nghề đánh bắt thủy hải sản làm kế sinh nhai. Sản phẩm đánh bắt gồm: cá, tôm, cua, ghẹ, mực, sò, ốc, hến… Thực vật biển có các loại rau câu như: rau câu đá, rau câu sói, rau câu châm. Sản vật ở sông có nhiều loại cá như: cá lóc, cá trê, cá rô, rùa, rắn, lươn… Sản vật trên rừng có heo rừng, kỳ đà, trăn, rắn, các loại chim… Đặc sản thực vật rừng có dưa leo rừng, rau đắng đất, kim thất…Phương pháp đánh bắt trên sông chủ yếu dùng lưới, giăng câu, vó, lờ, xiên. Đánh bắt trên biển thì dùng nghe câu, nghe lưới chạy bằng máy hoặc dùng chèo tay.

Nghề thủ công

Người Khmer có một số nghề thủ công khá nổi tiếng như: mây tre đan, nuôi tằm dệt lụa, gốm, mộc. Nghề  mây tre đan phổ biến ở nông thôn, họ thường làm vào lúc nông nhàn, đan đồ đựng, các loại giỏ, làn đựng trái cây… và đồ đánh cá như: lờ, đó, đăng, nơm… Nghề nuôi tằm dệt lụa khá nổi tiếng và phát triển  Sản phẩm dệt gồm các loại sampốt, khăn tắm, khăn đội. Nghề làm đồ gốm có từ lâu đời với hai trung tâm gốm lớn là Tri Tôn và Sóc Xoài (tỉnh Kiên Giang). Nét đặc sắc trong nghề làm gốm của người Khmer là tất cả các công đoạn đều được người thợ làm bằng tay, không sử dụng bàn xoay hay các kỹ thuật khác. Sản phẩm chủ yếu là các loại nồi, cà ràng (loại bếp có thể nấu trên sàn nhà, trên ghe thuyền), lò than, khuôn làm bánh khọt, các loại trống cúng thần. Người Khmer ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên tỉnh An Giang có làng nghề nấu đường thốt nốt truyền thống.

Phương thức vận chuyển

Phương tiện vận chuyển trên cạn phổ biến của người Khmer là xe bò, xe trâu và cộ trâu, xe lôi bánh gỗ, hoặc bánh hơi, đi lại trên đường hay những chân ruộng khô, vận chuyển nông sản trong mùa thu hoạch. Trên sông, biển, kênh rạch, họ sử dụng các loại xuồng ba lá, ghe tam bản, thuyền ” tắc ráng” hoặc thuyền “đuôi tôm” chạy máy. Đặc biệt, chiếc ghe ngo (tuộc mua) dài 30m, làm bằng gỗ sao, chở được 30-40 tay chèo. Ghe ngo chỉ dùng trong lễ hội Ok om bok, còn ngày thường họ gửi trong chùa, được đồng bào Khmer coi như vật thiêng. Hiện nay, đồng bào sử dụng các loại phương tiện vận chuyển hiện đại khác như xuồng máy, xe máy…

Trao đổi hàng hóa

Nền kinh tế của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long còn mang tính chất tự cấp tự túc. Nông sản và các sản phẩm thủ công, chăn nuôi… hầu như chỉ đủ cung cấp cho sinh hoạt của phum sóc của các gia đình nông dân. Việc trao đổi hàng hóa xuất hiện nhỏ lẻ ở nông thôn, nông dân tham gia vào các hoạt động thị trường hầu như rất ít. Ở thị trấn, thị xã đã hình thành phường hội người Khmer chuyên kiếm sống bằng nghề dịch vụ thương mại. Đặc biệt, tại mỗi tỉnh miền Tây Nam bộ, trên tuyến giao thông chính, người Khmer ở Nam Bộ còn họp chợ ngay trên sông, người mua người bán ngồi trên thuyền, trao đổi mua bán như trên đất liền với rất nhiều các chợ nổi,  điển hình phải kể đến 6 chợ: Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Bảy (Phụng Hiệp -Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng) Long Xuyên (An Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Sông Trẹm (Cà Mau)….

Văn hóa mặc

Nam nữ Khmer trước đây mặc xà rông bằng lụa tơ tằm do họ tự dệt. Những người đứng tuổi, người già thường mặc quần áo bà ba màu đen, chiếc khăn rằn luôn quấn trên đầu, hoặc vắt qua vai. Trong cưới xin, nam nữ mặc quần áo cổ truyền. Chú rể mặc xà rông, áo màu đỏ, cổ đứng với hàng khuy trước ngực, bên vai trái quàng chiếc khăn dài trắng (Kăl xinh) và con dao cưới (Kầm pách) ngụ ý để bảo vệ cô dâu. Cô dâu mặc Xăm pốt (váy) màu tím hay màu hồng, áo dài màu đỏ, quàng khăn và đội mũ cưới truyền thống. Áo dài Khmer (Wện) gần gũi với chiếc áo dài của phụ nữ Chăm: áo bịt tà, thân áo rộng dài dưới gối, cổ áo thấp, xẻ trước ngực vừa đủ để chui đầu vào, tay áo hẹp, hai bên sườn thường ghép thêm bốn miếng vải (thường hoặc màu) kéo dài từ nách đến gấu áo. Hiện nay, nam nữ Khmer mặc quần âu với áo sơ mi.

Văn hóa ẩm thực

Người Khmer ăn cơm gạo tẻ là chính. Thức ăn hằng ngày là rau đậu, bầu bí và các loại tôm, cá, đánh bắt được trên kênh rạch. Các dịp lễ, tết, họ làm bánh tét, bánh ú, bánh chuối… Người Khmer chế biến nhiều loại mắm: mắm ơn Pứ làm bằng tôm tép, mắm Pơ inh làm bằng cá sặc, nhưng nổi tiếng nhất là mắm B’hóc “prahoklàm bằng cá lóc, cá sọc, cá trê, tôm tép trộn với thính và muối. Gia vị ưa thích nhất là vị chua (từ quả me) và cay (hạt tiêu, tỏi, sả, ca ri…). Làm mắm prahok, phải thực hiện quy  trình: chọn cá, đánh vẩy, chặt vây, mổ bụng bỏ ruột, cá lớn chỉ lóc lấy thịt, bỏ xương, khứa mình cá chảy hết máu, rồi rửa nhiều lần, nước trong mới được (Nếu không sạch, cá sẽ hỏng, thối, đắng, ăn không được). Cá làm sạch cho vào chậu  sành, ngâm nước hai đêm, vớt ra rổ, để ráo nước, đem phơi nắng một ngày. Muối biển, rửa nhanh cho trắng, cho vào cối giã nhuyễn, trộn với cá một lượng vừa phải (nếu quá ít muối, cá sẽ ươn, có mùi, ngược lại, mắm mặn mất ngon), cho thêm cơm nguội (một bát mắm, bỏ hai thìa cơm), cho vào cối đá, giã nhẹ, múc cá ra rổ, đậy lá chuối tươi, nén đá khoảng một ngày đêm, nước cá chảy ra hết, xếp cá vào chum đã rửa sạch, nén chặt, phía trên gài bằng mo nang dừa, trên cùng gài bằng các dọc dừa già rồi đổ nước muối. Quan trọng là phải ém mắm cho kỹ tránh nước muối lọt xuống thấm vào mắm. Khoảng 1 tháng trở lên là ăn được. Mắm prahok để càng lâu, càng ngon. Nước muối phía trên lâu ngày sẽ sinh nhiều dòi, có vậy mắm mới ngon. Nếu không có dòi mà chỉ có màu mốc xanh là mắm bị hỏng, thối, ăn đắng, thường phải bỏ. Mắm prahok được người Khmer dùng nêm cho gần hết các món ăn. Nếu ăn riêng thì chưng, kho, chiên, nấu canh, nấu nước lèo. Bún nước lèo – bún gạo tẻ và nước lèo bắng cá lóc là món ăn được đồng bào ưa thích được dùng phổ biến trong ngày mùng một tết ở chùa. Ngoài ra, đồng bào có nhiều món ăn được chế biến từ hải sản.

Văn hóa ở

Người Khmer sống ở đồng bằng sông Cửu Long, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và tụ cư trên ba vùng môi sinh lớn: vùng đồng bằng nội địa, vùng phèn mặn ven biển, vùng đồi núi Tây Nam giáp biên giới Cam Pu Chia. Đơn vị cư trú của người Khmer là Phum. Trước đây, phum được dựng trên các giồng đất, về sau do sự phát triển của dân số và xã hội đã hình thành các làng dọc theo đường quốc lộ, các dòng sông hay kênh rạch. Mỗi phum có từ vài ba nóc nhà đến hàng trăm nóc nhà, ở giữa là một ngôi chùa thờ Phật. Trong phum gồm nhiều dòng họ khác nhau. Trước đây, người Khmer ở nhà sàn, nay ở nhà đất. Nhà đất có hai loại: nhà đất mái lá nhỏ chỉ có hai mái, mái trước ngắn, mái sau dài và nhà đất mái lá lớn là nhà gồm hai mái chính và hai mái phụ. Bài trí trong nhà đơn giản: gian giữa phía trước là nơi tiếp khách, hai bên là chỗ ngủ của đàn ông, nửa phía sau chia làm hai buồng nhỏ dành cho phụ nữ. Bên cạnh bàn tiếp khách thường có tủ kính để bày những chiếc gối thêu vừa để trang trí, vừa để dùng khi có khách.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Bộ máy quản lý ở các Phum, sóc là những người già có kinh nghiệp được dân chúng bầu lên, chăm lo công việc sản xuất và các hoạt động tôn giáo gắn với ngôi chùa: chuyện tu hành của các tín đồ trong phum, tổ chức các lễ hội tôn giáo, lễ hội truyền thống của dân tộc như: Lễ Chôl – chnăm – thmây (tết cổ truyền của người Khơ-me), lễ Đôl ta (lễ cúng ông bà), lễ Ok-Om bok (lễ cúng trăng), lễ ca-thanh-nắ-tiên (lễ dâng y cà sa), lễ an vị tượng Phật… Hằng tháng vào các ngày, mồng 8, 15, 23, 30 âm lịch, người Khmer đến Chùa làm lễ và dâng cơm cho sư sãi (những ngày trên, sư sãi không đi khất thực). Việc dâng cơm cho sư sãi ăn, có nghĩa là dâng cho Phật, làm điều thiện, để Phật ban cho phước lành. Con em Khơ-me vào chùa học tiếng phổ thông, học văn hóa, học chữ viết và những kiến thức về toán học, văn học, sử học, ngôn ngữ học (tiếng Pali). Bên cạnh đó, trường chùa còn thể hiện vai trò tích cực trong giáo dục đạo đức con người, tham gia giải quyết bất hoà và những xung đột trong phum, trong họ tộc và gia đình… Vì vậy, đã bao đời, trường chùa được xem như một sức mạnh tinh thần, một nền tảng đạo đức, góp phần đoàn kết cộng đồng, giữ cho xã hội phát triển trong hoà bình và ổn định.

 Người Khmer có nhiều họ khác nhau. Những họ do triều Nguyễn trước đây đặt ra như: Danh, Kiên, Kim, Sơn, Thạch. Những họ tiếp thu từ người Việt và người Hoa như: Trần, Nguyễn, Dương, Trương, Mã, Lý… và có những họ thuần túy Khmer như: U, Khan, Khum. Tình trạng đa thê, ly hôn hoặc loạn luân giữa những người có huyết thống trực hệ, ít xảy ra và tuyệt đối nghiêm cấm. Gia đình nhỏ phụ quyền phổ biến. Đứng đầu gia đình là người chồng hay người cha. Trong nuôi dạy con cái, người Khmer chú ý dạy bảo con gái nhiều hơn, còn con trai thường được nhà chùa rèn luyện, dạy bảo theo quan điểm Phật giáo. Tài sản của cha mẹ được chia đều cho các con, không phân biệt trai gái, con trưởng hay con út.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Người khmer thực hiện hôn nhân một vợ một chồng bền vững. Đám cưới của người Khmer diễn ra trong thời điểm, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Truyền thống, hôn nhân của người Khmer được tổ chức bên nhà gái. Khi xã hội chuyển sang giai đoạn phụ hệ thì hôn lễ cũng có biến đổi. Hiện nay, chủ động hôn lễ thuộc về nhà trai. Việc sắp xếp, tổ chức, điều khiển mọi nghi lễ cưới xin do nhà trai đảm nhiệm. Thông thường đám cưới trải qua các bước: lễ dạm hỏi, còn gọi là lễ ăn trầu cau “Sisla dak”; Lễ gói trầu cau – ăn hỏi “Sisla kân sèng” và  lễ cưới xin “Sisla banh chepeak”.  Đám cưới dù to hay nhỏ đều diễn ra 3 ngày: ngày thứ nhất – nhập gia: nhà trai mang lễ sang nhà gái xin phép làm đám cưới; ngày thứ hai – ngày cưới chính thức; ngày thứ ba – lạy ông bà và họ hàng, làm lễ rắc hoa cau (lấy hoa cau rắc lên người đôi trai gái và rắc từ đường đi chỗ ngồi đến buồng tân hôn); làm lễ rút gươm ra khỏi bao (gắn với truyền thuyết); lễ buộc chỉ cổ tay, lễ nhập phòng, lễ quét chiếu, lễ chung mùng. Sau ngày cưới, cô dâu, chú rể và những thành viên mới của hai bên gia đình làm quen, ra mắt. Hai vợ chồng đem buồng cau đến chùa làm lễ ra mắt sư sãi và xin ban phước lành. Ngoài những nghi thức được tập tục quy định, lễ cưới Khmer còn là hình thức diễn xướng tổng hợp, trong đó ca hát chiếm một số lượng lớn với những bài như “mở cổng”, “quét chiếu”, “cắt hoa cau”, “cắt tóc”, “đào thuốc nhuộm răng”, “lạy mặt trời”.

Tập tục tang ma

Người Khmer tin theo đạo Phật, chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Phật trong quan niệm về cái sống và cái chết. Họ quan niệm, chết chưa phải là chấm dứt cuộc sống mà là tiếp tục ở một thế giới khác, không sống bằng thể xác mà sống bằng linh hồn. Do đó, khi chết họ chuẩn bị nhiều lễ vật cho người chết mang theo đề tiếp tục sống ở thế giới thần linh. Tập quán của người Khmer là hỏa táng, trường hợp chết vì bệnh dịch mới đem chôn. Người Khmer còn có tục chia của cho người chết, đồ dùng vật dụng trong gia đình, trừ đồ sắt đều cho vào trong quan tài để chôn theo người chết. Sau khi thiêu, tro được giữ trong tháp “Pì chét đẩy”, xây cạnh ngôi chính điện trong chùa. Nhà thiêu của người Khmer nhìn khá giống kiểu đền thờ linh vật của Chăm, gồm hai phần: phần dưới là nhà thiêu; phần  trên là ống khói. Tháp cốt trong khuôn viên chùa có đủ loại lớn nhỏ, được cấu trúc ba phần: chân tháp khá rộng, hình vuông, có một lỗ nhỏ để cốt của người quá cố; thân tháp nhiều tầng; đầu tháp là những mũi nhọn, trên đỉnh thường để đầu thần bốn mặt gọi là “Maha Prum”. Những ngôi tháp lớn, lưu lại cốt của các vị Sãi cả trong chùa, người có công xây dựng, trùng tu, kiến thiết chùa. Những ngôi tháp lớn hơn dùng để cốt của những người dân trong phum, sóc. Tháp cốt xây dựng trong khuôn viên chùa là thể hiện: Lúc sống được gần Phật và lúc chết linh hồn sẽ siêu thoát lên thiên đàng với cõi Phật. Vì vậy, họ có tục thiêu xác, lấy cốt, thờ ở nhà một thời gian dài (tuỳ theo từng gia đình hoặc dòng họ về điều kiện thờ ở nhà). Khi cần thiết, họ mới đem cốt của người chết đã thờ ở nhà, vào tháp đựng cốt ở trong chùa vào lễ CHÔL-CHHNAM-THMÂY ngày đầu năm mới, 13/4 dương lịch hàng năm.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Khmer là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, nên trong quan niệm của đồng bào, thì trời, đất, mặt trời, mặt trăng … là lực lượng siêu nhiên có thể ban phước lành hoặc giáng họa cho mọi người. Họ tin rằng trong cuộc sống, sản xuất của cá nhân, gia đình, dòng họ muốn được bình yên phải được lực lượng siêu nhiên đầy quyền năng che chở, bảo hộ, đó là Arak (thần bảo hộ dòng họ), Neakta (thần bảo hộ), Teevada ( các thiên thần chăm sóc thế gian). Vì vậy, hàng năm, người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long thường tổ chức các lễ hội nhằm mục đích cầu an, cầu xin mưa thuận, gió hòa để mùa màng được tươi tốt, cuộc sống no đủ.

Tôn giáo:Trước đây, người Khmer theo đạo Balamon và Phạt giáo Đại thừa. Hiện nay, hầu hết người Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa. Người Khmer từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, rồi về già với mọi niềm vui, nỗi buồn đều diễn ra ở chùa. Do tôn sùng Phật giáo nên người Khmer quan niệm rằng, người con trai có đi tu, sau khi hoàn tục mới là người có đức hạnh, có giáo dục và là người tốt. Mọi lễ nghi gắn với cuộc đời như cưới xin, tang ma, lễ hội tôn giáo, lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer đều gắn với ngôi chùa như: Lễ Chôl – chnăm – thmây (tết cổ truyền của người Khmer), lễ Đôl ta (lễ cúng ông bà), lễ Ok-Om bok (lễ cúng trăng), lễ ca-thanh-nắ-tiên (lễ dâng y cà sa), lễ an vị tượng Phật… Hằng tháng vào các ngày, mồng 8, 15, 23, 30 âm lịch, người Khmer đến Chùa làm lễ và dâng cơm cho sư sãi (những ngày này, sư sãi không đi khất thực) với ý nghĩa là dâng cho Phật, làm điều thiện, để Phật ban cho phước lành.

Tín ngưỡng dân gian: được thể hiện trong các nghi lễ: lễ cúng thần nông, cúng Neak Ta (thần bảo hộ cho con người, mùa màng), cúng Arak (vị thần bảo hộ cho dòng họ), cúng Rea Hu (phổ biến trong các chùa, tháp với khuôn mặt nhe nanh, trợn mắt, nuốt mặt trăng trông rất giữ tợn), lễ cúng tổ nghề.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Khmer có kho tàng văn học, nghệ thuật phong phú với nhiều cuốn sách viết trên lá buông, các loại truyện cổ: thần thoại, truyền thuyết (sự tích ao bà Om, núi Mê Đeng…), cổ tích (giải thích về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài), ngụ ngôn, truyện cười; Tục ngữ đề cập đến các khía cạnh của cuộc sống xã hội, gia đình, kinh nghiệm lao động sản xuất và triết lý làm người; Dân ca phổ biến trong hội hè, nghi lễ, phong tục và ngày thường. Âm nhạc của người Khmer luôn gắn với lao động sản xuất, tình yêu, tín ngưỡng, đám cưới, tang ma, hội hè. Đồng bào có hai dàn nhạc là nhạc dây (sử dụng trong tất cả các ngày lễ, sinh hoạt tập thể vui chơi và dàn nhạc nghi lễ, còn gọi là dàn nhạc ngũ âm). Sân khấu truyền thống là Dù kê và Rô băm, một nền âm nhạc vừa có nguồn gốc ấn Ðộ, vừa có nguồn gốc Ðông Nam á. Nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là di sản đặc sắc nhất của văn hoá Khmer. Trong các ngôi chùa Phật giáo tiểu thừa (Thérévada), ngoài tượng Ðức Phật Thích Ca trong ba tư thế (tu hành, đắc đạo, cứu vớt chúng sinh) được tôn thờ duy nhất, chiếm vị trí trung tâm khu chính điện, vẫn tồn tại một hệ thống phong phú linh thần, linh thú, đó là những dấu vết tàn dư còn lại của Bà la môn giáo và tín ngưỡng dân gian.

Tết, lễ hội cộng đồng

Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer rất phong phú, có rất nhiều lễ hội đặc sắc, gắn liền với phum sóc và các ngôi chùa thờ Phật: Lễ Chôl – chnăm – thmây (tết cổ truyền của người Khmer), lễ Đôl ta (lễ cúng ông bà), lễ Ok-Om bok (lễ cúng trăng), lễ ca-thanh-nắ-tiên (lễ dâng y cà sa), lễ an vị tượng Phật…

Trong đó, CHOL CHHNAM THMÂY là tết năm mới, diễn ra vào ngày 13/4 dương lịch (sau tết Thanh minh). Người dân đem lễ vật đến chùa cúng năm mới. SENE –  ĐÔLTA là lễ cúng ông bà, diễn ra vào ngày 30/8 âm lịch hằng năm, người Khmer đem lễ vật đến chùa làm lễ cúng ông bà. KTHÂN –  TEAN là lễ dâng y, diễn ra từ ngày 15/9 đến ngày 15/10 âm lịch hằng năm. Đồng bào mặc trang phục truyền thống, tổ chức thành đoàn, rước lễ vật gồm: vải y của sư sãi, cây bông, tiền, các vật dụng cần sử dụng trong chùa, dâng lên để nhà chùa sử dụng, coi đó là việc tích thiện. OK -OM – BOK là lễ hội cúng trăng, diễn ra vào ngày 15/10 âm lịch hằng năm. Nhà chùa làm cốm đầu mùa tổ chức lễ hội cúng trăng, đút cốm, chuối cho trẻ em, biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian, thả đèn dưới nước, thả đèn gió (đèn trời). Sau những phần lễ hội riêng, mỗi chùa còn có một đội đua ghe ngo riêng, tham gia thi đấu chung với các chùa khác tại kênh lớn hoặc sông ở địa phương.  CHÔL – VASA, là lễ nhập hạ, diễn ra bắt đầu từ ngày 15/6 âm lịch hằng năm, kéo dài trong thời gian ba tháng. Tất cả sư sãi trong chùa không được nghỉ ở nơi khác, nếu có đi thì chỉ đi trong ngày phải về chùa. Thời gian lễ nhập hạ ba tháng là để sư sãi trong chùa tập trung vào tu học kinh sách. CHÊNH –  VASA là lễ ra hạ, diễn ra vào ngày cuối cùng của ba tháng nhập hạ. Sau khi làm lễ, các sư sãi được tự do đi lại và nghỉ ngơi ở nơi khác khi đi ra ngoài chùa. VISAK –  BÔCHIA, là lễ mừng ngày Phật sinh (Phật đản), diễn ra ngày 8/4 âm lịch hằng năm. Ngày này, Phật tử đến tế lễ rất đông để cảm tạ đức Phật. BON – BUỐS, là lễ đi tu, diễn ra vào trước lễ nhập hạ (15/6 âm lịch). Ngày này, chùa tổ chức làm lễ nhập chùa cho con em người Khmer đi tu, trở thành sư sãi, cạo trọc đầu và mặc quần áo cà sa. PUTHIA –  PYSEK là lễ an vị tượng Phật. Khi làm xong tượng, phải tổ chức lễ rước tượng Phật vào chùa, làm lễ nhập hồn, mới được đem vào chùa để thờ. CHÔS – XÂY MA, là lễ kiết giới, diễn ra sau khi ngôi chính điện được sửa chữa lại hoặc xây dựng, khi đã hoàn thành. Nhà chùa làm lễ khánh thành, làm một lỗ trụ SIMA (một lỗ to) để dân chúng bỏ vào lỗ, đóng góp bằng nhiều hình thức cho chùa như: Để bày tỏ ước mơ của mình với Phật, được trở thành hiện thực, muốn giàu có hơn thì bỏ vàng, tiền vào lỗ trụ SIMA; muốn học giỏi thì bỏ cặp sách, bỏ sách vở, bỏ bút vào lỗ trụ SIMA…Cách đóng góp vào lỗ trụ để thỏa niềm mong ước vừa là tập tục văn hóa, vừa thể hiện tính nhân văn và giá trị tinh thần sâu sắc. Mỗi lễ hội chùa là một môi trường tốt để nghệ thuật cổ truyền Khơ-me phát huy tác dụng. Loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống như: Dù kê, Rô băm, các điệu múa Sarawan, Rom wong v.v… Các nghệ nhân chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư đua tài biểu diễn nghệ thuật làm phước đúng như nội dung của hội lễ đã thể hiện đầy đủ bản sắc văn hóa dân tộc.

Trò chơi dân gian

Tri thức dân gian: Từ nhiều thế kỷ trước người Khmer đã biết dùng Ngãi xanh, Ngãi vàng để đắp bó những chỗ sưng bầm do bị đánh, ngã; uống Ngãi đen để trị đau bụng, tiêu chảy hoặc ăn uống không tiêu; họ còn dùng cây lá Ngãi mọi để ngâm rượu uống hàng ngày và trị tê thấp, nhức mõi; dùng cây Chó đẻ hoặc dây Thần thông để điều trị bệnh sốt rét, khi bị rắn cắn họ thường dùng Ngãi trứng, Ngãi năm ông... Khi bị ung nhọt họ thường dùng đọt Chùm gọng và đọt Mây dóc để đắp bó rất kiến hiệu; khi tâm thần không yên, mất ngủ họ cũng biết dùng Ngãi tượng để an thần…