Thổ

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Thổ có 74.458 người ( năm 2009)
Địa bàn cư trú: Người Thổ cư trú tập trung tại các tỉnh Nghệ An (59.579 người), Thanh Hóa (9.652 người), số còn lại cư trú rải rác tại các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Đan Lai, Ly Hà, Tày Pọng, Con Kha, Xá Lá Vàng.
Ngôn ngữ: Tiếng nói của người Thổ thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, ngữ hệ Nam Á

Sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp: Dân tộc Thổ là cư dân nông nghiệp ruộng nước kết hợp với nương rẫy, làm vườn. Cây trồng chính là lúa và gai. Trước kia, người Thổ dùng gậy chọc lỗ tra hạt. Những năm 50 của thế kỷ XX trở lại đây, người Thổ đã sử dụng trâu bò làm sức kéo, dùng cày để làm đất với nương sử dụng từ năm thứ hai trở đi, sử dụng nông lịch để canh tác. Ngày nay, đồng bào mở rộng diện tích trông fluas nước, tham canh tăng vụ. Cùng với cây lúa, người Thổ còn trồng các loại cây lương thực phụ như ngô, khoai, sắn, lạc, đậu…Ngoài ra, đồng bào còn trồng cây gai để lấy sợi đan võng nằm, đan lưới săn thú, lưới đánh cá, đồ đựng, đan túi đeo.

Người Thổ chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà, vịt, chó, mèo, v.v… Chục năm về trước, phương thức chăn nuôi kết hợp giữa chăn thả, chăn ở nhà hai bữa: sáng sớm và chiều tối, còn cả ngày thả tự đi tìm kiếm ăn, tối lùa chúng về chuồng. Hiện nay, đồng bào chủ yếu sử dụng hình thức chăn dắt. Hiện nay, nhiều hộ gia đình dân tộc Thổ mở rộng diện tích đào ao, thả cá, cải thiện cuộc sông.

Kinh tế tự nhiên

Kinh tế tự nhiên: Người Thổ cũng như các dân tộc khác đã tận dụng nguồn tài nguyên lâm thổ sản, thủy sản từ các cánh rừng và các dòng sông nơi đồng bào cư trú, để mùa nào thức ấy họ thu hoạch, đánh bắt các loại rau, củ, hoa quả, muông thú trên rừng, con cá, tôm, cua dưới nước cải thiện bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, từ lâu, người Thổ không săn bắn thú rừng, chỉ duy trì hái lượm nguồn lợi tự nhiên để lấy các loại rau rừng nấu ăn, nhựa cây làm nến, làm hương…Ngày giáp hạt, đồng bào Thổ đào củ mài, củ nâu, khai thác cây củ dan, cây sê (dạng cây đoác) về chống đói. Trước đây, người Thổ chưa có điện, không có tiền mua dầu để đốt đèn, đồng bào đã biết lấy nhựa trám làm đèn thắp sáng. Vào khoảng tháng 6, 7, lúc nông nhàn, nam giới vào rừng, dùng nạo sắt cạo (ngao) vỏ cây trám, theo xoáy ngược quanh gốc cây. Sau đó, dùng cuốc đào một hố nhỏ, bằng cái bát ở dưới đất, đặt lá cây ban ban (loại lá to từ 25 – 30cm, khi khô vẫn có độ dai, không bị rách) xuống hố. Lấy một đoạn nứa khô, chẻ đôi, đặt vào chỗ khoét vỏ cây, cho nhựa trám theo máng nứa chảy xuống lá ở dưới đất, giống như kiểu lấy nhựa cao su. Vài ngày sau, người ta lấy ống nứa khô, xúc nhựa bỏ vào ống mang về, cô cho đặc sánh, cất trữ trong ống nứa, buộc ở chân cột hoặc chân giường, dùng dần. Hàng ngày, gần chập tối, người Thổ lấy nhựa trám đã cô sánh, bỏ vào lá ban ban, cuộn như kiểu quấn giò nhỏ, đường kính khoảng 2-3 cm. Nếu không lấy được lá ban ban, đồng bào còn dùng lá sung tươi, cuốn tròn đặt trong bát hoặc đĩa để thắp sáng. Ngày nay, điện lưới về tận thôn, bản, không ai lấy nhựa trám làm đèn nữa.

Nghề thủ công

Các nghề thủ công: Truyền thống, người Thổ có các nghề dệt vải, đan lát đồ gia dụng, vận chuyển, sản xuất bằng mây tre (ghế mây, mâm mây, bồ đựng quần áo, hộp đựng kim chỉ.,) đan lưới, võng, vó, túi đeo …bằng dây gai. Nghề đan lưới bằng sợi gai phát triển ở vùng Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An), Như Xuân ( Thanh Hóa…Trước đây, võng gai là đồ dùng quen thuộc trong mỗi gia đình người Thổ. Võng  gai gắn bó với người Thổ từ trẻ cho đến lúc về già. Vì vậy, các bé gái dân tộc Thổ từ nhỏ đã học nghề trồng và đan võng gai. Gia đình bà thường ươm cây gai vào tháng 2 – 3 (âm lịch). Khi ươm, cắt thân thành từng đoạn dài khoảng 20cm, vùi xuống đất đến khi nẩy mầm mới đem trồng. Sau 3 tháng, người ta đốn thân cây, chừa lại phần gốc 50cm, để làm giống cho vụ sau. Gai thu hoạch, tước vỏ, dùng chày gỗ đập dập, ngâm nước 1 – 2 ngày cho thịt gai thối rữa, còn trơ lại phần xơ. Gần đây, người Thổ  không ngâm nước sợi gai, mà dùng dao nhỏ chuốt bỏ vỏ, lấy xơ gai, sau đó đem luộc trong vòng 1 – 2 giờ, vớt ra, phơi nắng, cho khô, trắng, chỉ việc cuốn sợi vào thoi là có thể đan được. Kỹ thuật đan lưới hay võng của người Thổ cơ bản giống nhau, tạo hình mắt võng/lưới dạng  ô trám, ô vuông, chỉ khác nhau là sợi võng to, sợi lưới nhỏ. Trung bình một người đan giỏi phải mất 2 ngày mới đan xong một chiếc võng đẹp. Đan gai vất vả, lợi ích không lớn, chủ yếu phục vụ cuộc sống tự cung tự cấp. Hiện nay, hàng hoá nhiều, võng, lưới và các đồ gia dụng công nghiệp bày bán sẵn, thế hệ trẻ không ai biết đan gai nữa, chỉ còn một vài người già trong làng còn duy trì đan gai, nhưng không phổ biến.

Xuất phát từ cuộc sống tự cung tự cấp, từ lâu, cứ chuẩn bị vào các dịp tết, rằm, rằm tháng 7, mùng 5/5 (tết đoan ngọ – moóc đăm, tháng đăm) và tết nguyên đán, người Thổ đều tự làm hương từ nguyên vật liệu tự nhiên: nhựa trám, cây mắc khén, nhựa củ nâu, nứa, rơm. Cách làm: lấy cây mắc khén đốt thành tro, trộn với nhựa cây Trám kiểu bột sền sệt như bột làm bánh ót (bánh rợm hình sừng bò) làm vỏ hương; lấy cây nứa chẻ nhỏ làm chân hương. Nhựa trám dính, cho nên phải lấy nhựa củ nâu cắt lát xoa vào tay, sau đó trải bột lên miếng gỗ, lăn que vào bột, cho tới khi bột hương bám đều chắc vào chân que hương, đem phơi trong nhà khoảng 2 – 3 ngày, phơi nắng lại cho khô, đóng gói, cất trữ dung dần

Phương thức vận chuyển

Phương thức vận chuyển: Người Thổ có nhiều phương thức vận chuyển. Ðối với những thứ nhỏ gọn thì có thể mang, xách hay cho vào sọt, bồ để gánh, bỏ vào gùi đeo sau lưng, còn những vật nặng đồng bào dùng sức trâu, bò kéo. Xe  kéo được làm bằng gỗ (cả khung và bánh). Ngày nay, đường giao thông miền núi phát triển, đồng bào Thổ đã dùng các phương tiện xe đạp, xe máy, ô tô để vận chuyển hàng hóa.

Trao đổi hàng hóa

Trao đổi hàng hóa: Trao đổi và mua bán  của người Thổ, trước cách mạng tháng Tám rất hạn chế, chủ yếu đem xuống vùng xuôi bán và trao đổi lâm sản và sản phẩm chăn nuôi để lấy dụng cụ sản xuất (cày, bừa, dao, cuốc, thuổng…) và các đồ dùng trong sinh hoạt (kim, chỉ, vải vóc, thuốc lào…). Sau cách mạng, các cửa hàng mua bán của hợp tác xã, chợ phiên họp một tháng sáu lần họp, đường xá đi lại thuận tiện… thúc đẩy việc mua bán và trao đổi hàng hóa của người Thổ phát triển nhảy vọt. Những năm 50, thế kỷ XX trở về trước, người Thổ ở  huyện Như Xuân (Thanh Hóa), Tân Kỳ …(Nghệ An) chủ yếu trao đổi bằng hình thức đổi hàng lấy hàng. Do cuộc sống nghèo khó, đồng bào chủ yếu vào rừng khai thác dây mấu (lấy vỏ để ăn trầu), củ nâu (để nhuộm vải), mật ong…để đổi lấy quần áo, như yếu phẩm như mắm, muối, kim chỉ, nạo cỏ, dao, cuốc, liềm, … Họ có thể đổi 15 củ nâu để lấy 1 yến muối (thời điểm năm 1965). Hai chai mật ong có thể đổi được 1 lưỡi rìu hay một lưỡi cuốc hoặc một nồi đất… Về sau, người Kinh ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa còn gánh cá mắm, nồi đất đổi lấy nông, lâm sản. Vài chục năm trở lại đây, người Thổ không phát triển nghề dệt, chỉ phát triển nghề thủ công đan lưới và đan mây, tre, tự tạo ra các sản phẩm truyền thống: võng nằm, lưới đánh cá, ghế mây, mâm mây… đem trao đổi, bán lấy tiền, mua muối ăn, xoong, nồi, dao, cuốc, kim khâu, dầu thắp, mua chỉ thêu, đồ trang sức, vải may quần áo, hoặc mua áo váy người Thái để mặc.

Văn hóa mặc

Văn hóa mặc: Nghề dệt vải của người Thổ không phát triển, họ chủ yếu mua quần áo may sẵn về dùng, nên y phục của họ có nơi mặc giống người Kinh, có nơi mặc giống người Thái hoặc Mường. Riêng nhóm Tày poọng gần đây đã biết trồng bông, dệt vải, tự túc một phần vải mặc. Y phục truyền thống của phụ nữ Thổ gồm có khăn, áo, váy. Tùy từng địa phương, y phục Thổ có những đặc điểm riêng biệt: Phụ nữ Thổ nhóm Tày Poọng mặc y phục giống nhóm Thái Hàng Tổng,  nhưng đã có một số cải biên cho phù hợp với thị hiếu dân tộc. Khăn đội thường ngày của phụ nữ Thổ là khăn vuông màu trắng, rộng 70x70cm hay khăn dài đen. Trong đám tang, họ đội khăn dài màu trắng như người Kinh. Khi đội, thắt hai đuôi khăn ở sau gáy. Áo của phụ nữ Thổ là loại áo ngắn, khâu bằng vải thô tự dệt màu trắng, may kiểu tứ thân mở ngực, cổ tròn có đường viền nhỏ. Tay áo(xiảo) ngắn và rộng. Thân áo sau (xương sôông) và hai vạt trước (nong toọc) bằng nhau. Hai tà áo trước không khâu nẹp mà chỉ viền mép vải. Áo không thùa khuy, đơm cúc, chỉ đính hai hoặc ba đôi dây sợi xe để buộc hai vạt áo với nhau. Khi mặc để hở một phần cạp váy.Phụ nữ Thổ thường mặc hai loại váy: váy trắng và váy có hoa văn. Váy trắng “pứn” là loại váy cổ hơn, được khâu ghép từ hai mảnh vải sợi bông tự dệt, theo chiều ngang tạo thành hình ống, không trang trí hoa văn. Váy có hoa văn gọi là “pứn pơn”. Ở chân váy có dệt hoa văn, mô típ chủ yếu là hình con rồng, hoa hướng dương, hình tam giác, hoa nhiều cánh. Loại váy này lúc đầu, đồng bào Thổ trao đổi ghế mây, võng đay, bem với người Thái mới có được, về sau, họ học cách dệt, nhuộm vải của người Thái để tự cắt may trang phục. Ngày nay, loại váy này được người Thổ sử dụng rất phổ biến, nhất là trong các dịp cưới xin, hội hè. Trước cách mạng tháng tám, hàng ngày, đàn ông Thổ  mặc quần dài màu nâu cắt kiểu chân quấn hoặc đóng khố, mặc áo cánh bốn thân xẻ tà như kiểu áo nông dân người Kinh. Vào ngày hội hè, tết, họ mặc quần trắng áo dài năm thân màu đen (áo lương) cúc bằng đồng cài ở bên sườn phải, đầu đội khăn xếp. Phụ nữ Thổ ưa đeo vòng cổ, vòng tay với ý nghĩa tránh ma tà, có phong tục búi tóc tó sau gáy nhuộm răng ăn trầu, xăm mình trong ngày mùng 5 tháng 5.

Văn hóa ẩm thực

Văn hóa ẩm thực: Đồng bào Thổ thường ăn hai bữa chính (sáng, tối) (chủ yếu ăn cơm tẻ) và  một bữa phụ trong ngày (ăn cơm nếp hoặc cơm nếp đồ lẫn khoai, ngô, sắn). Người Thổ có nhiều món ẩm thực độc đáo như món Mọc hay còn gọi là Moọc, là món ăn đặc sản của người Thổ, canh bồi, thịt nướng; thịt chua, cá nướng; cá hông; cá hấp; cá chua; cá ướp…vv); Các món ăn chế biến từ các loại măng rừng như: Măng đắng nấu canh bồi; măng nứa chấm chẻo măng giang nướng cùng các loài nấm rừng tạo nên một món ăn rất độc đáo, thơm ngon, bổ. Ngoài những món ăn kể trên, trong văn hóa ẩm thực dân gian của người Thổ còn có các loại rượu trắng, rượu cần, các loại nước uống đun từ cây rừng. Trước đây, ngày giáp hạt, đồng bào Thổ chế biến củ nâu, củ mài để chống đói theo cách: cạo vỏ, nạo như nạo sắn, ngâm ba ngày, lấy 1 bơ gạo năm lạng trộn với củ nâu, đồ chín bằng chõ gỗ (hông), nồi hông (piếng). Chục năm nay, người Thổ không đồ chõ gỗ, chuyển sang đồ chõ nhôm. Dịp cưới xin, ma chay, … họ chế biến nhiều món ăn như làm giò (giò nạc, giò mỡ, giò lòng …) làm nem, chả, xào nấu,  rán, luộc… và làm các loại bánh: chưng, bánh ú, bánh ít, bánh trôi, xôi nhiều màu (ngâm gạo một đêm lấy màu: Màu xanh là cây hoa roi, màu đỏ là quả gấc, màu vàng là cây vang, màu tím là củ căm giống củ từ, nhưng màu tím. Lá cẩm nấu nước đổ gạo ngâm một đêm rồi đồ bằng củi). Đồng bào có  có nhiều kinh nghiệm dự trữ thức ăn: sấy thịt, cá cho khô để dành hàng năm không hỏng. Hàng ngày người Thổ uống nước chè xanh, lá ngấn và nước các loại cây thuốc, hút thuốc lào.

Văn hóa ở

Văn hóa ở: Người Thổ sống thành những làng bản đông đúc theo lối mật tập, dọc theo các con sông, con suối lớn. Mỗi bản từ 20 – 60 nóc nhà ở vùng thung lũng, bên sườn núi thoải. Mỗi làng có truyền thuyết và tên gọi riêng (theo tên nôm  hay  tên chữ), theo địa danh sông, suối, rừng núi như lũng Mít (nơi trồng mít), lũng Chuối (nơi trồng chuối), lũng Thấng (bên núi Thấng), có làng đặt tên theo ý nghĩa như lũng Thượng Cốc (bát cơm đầy), lũng Thịnh..  Trong làng có đình thờ Thành Hoàng người có công sáng lập ra làng hoặc người phụ hộ cho làng.

Nhà ở truyền thống là loại nhà sàn 3 gian được che xung quanh bằng liếp nứa hoặc gỗ. Một số vùng, nhà người Thổ lại được làm theo kiểu cột ngoãm. Ngày nay, nhà ở của người Thổ đã chuyển từ nhà sàn sang nhà đất xây tường, lập ngói hoặc nhà mái bằng như kiểu nhà người Kinh trong vùng. Mặt bằng sinh hoạt trong nhà, gian giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên đồng thời là gian giành tiếp khách và chỗ ngủ của người già. Gian trong bên phải là buồng ngủ của con dâu, gian ngoài bên phải là là buồng ngủ của con gái, phụ nữ, bếp nấu làm độc lập so với nhà ở

Quan hệ xã hội, dòng họ

Quan hệ xã hội, dòng họ: Trong làng người Thổ, quan hệ gắn bó giúp đỡ lẫn nhau là nếp sống lâu đời. Theo tục cũ, toàn bộ đất đai, rừng núi, sông suối là của chung, mỗi người được quyền quản lý, khai thác khi đang gieo trồng. Ðơn vị hành chính nhỏ nhất trước kia của người Thổ là làng với một ông trùm đứng đầu làng . Trùm làng được bầu lại hàng năm, có nhiệm vụ đốc thúc sưu dịch, thuế khoá, giải quyết các vụ việc xảy ra trong phạm vi làng. Ngày nay trong các bản người Thổ có 1 bí thư, 1 tổ trưởng, cán bộ phụ nữ, cán bộ văn hóa, y tế thôn bản điều hành.

Người Thổ có các dòng họ: Hữu, Đức, Bá, Văn, Ngọc, Thiện, trong đó có 2 họ Văn, Ngọc là họ lớn. Đồng bào áp dụng hệ thống cửu tộc vào tính hệ thống huyết tộc trong dòng họ, trực hệ gồm bố, mẹ, ông, bà, cụ kị dưới có con, cháu, chút, chít. Từ chút đến kị là cửu tộc (9 đời). Quan hệ này, người trong cùng một họ đoàn kết và có nghĩa vụ giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời có ý thức máu mủ chặt chẽ, cấm kết hôn năm đời để tránh phạm tội loạn luân, bị xã hội chê cười, dòng họ ruồng bỏ.

Gia đình của người Thổ thuộc tiểu gia đình phụ quyền, con trai trưởng có quyền thừa kế tài sản, có nghĩa vụ nuôi dạy hỏi vợ, gả chồng cho em út, chia tài sản cho các em khi bố mẹ quá cố. Các con gái khi đi lấy chồng không được hưởng tài sản gì và không có quyền hànhtrong gia đình. Gia đình người Thổ nói chung con cái vợ chồng sống hòa thuận, phân công lao động rõ ràng, đàn ông làm các công việc nặng như cày bừa, phát rẫy… còn đàn bà thì làm những công việc nhẹ như cấy, gặt….

Tập tục hôn nhân, gia đình

Tập tục hôn nhân, gia đình: Người Thổ theo chế độ hôn nhân ngoại hôn dòng tộc. Quan hệ hôn nhân giữa những người trong cùng huyết thống bị nghiêm cấm, coi đó là sự loạn luân không thê chấp nhận được và bị phạt rất nặng. Trước đây, người Thổ chủ yếu kết hôn giữa những người cùng dân tộc Thổ. Ngày nay, đã có nhiều người Thổ kết hôn với người Kinh, người Thái, người Mường…Hôn nhân của người Thổ là hình thức hôn nhân một vợ một chồng, vợ cư trú ở nhà chồng. Trước đây hôn nhân mang tính chất mua bán, chủ yếu là ép duyên. Nếu ép không được sẽ làm bùa chú, để kéo cô gái phải theo mình. Một trong những cách đó là: một người con gái mà chàng trai đó thích, nhưng có ý muốn hỏi cưới làm vợ, cô gái đó không đồng ý, chàng trai mời được cô gái về nhà mình, dõi theo vết chân cô gái, nếu cô bước vào chỗ nào, nhất thiết phải lấy tý đất ở đúng vết chân ấy, mang vào nhà bỏ lên gác bếp. Ngày hôm sau, cô gái ấy theo luôn về nhà chàng trai. Vì cách thức bùa ngải này không được văn minh, nên không ai học, hiện chỉ còn trong trí nhớ của người già. Trước đây, người Thổ có tục “ngủ mái”: nam nữ thanh niên được nằm tâm tình với nhau, nhất là vào dịp tết, lễ hội, tuy nhiên không được có hành vi thiếu đúng đắn bởi dư luận và luật tục rất nghiêm minh. Từ những đêm “ngủ mái”, họ chọn bạn trăm năm. Trước đây, khi tiến hành hỏi cưới, nhà trai nhờ người làm mối – ông Pin, sau đó vài ba năm mới cưới. Trong thời gian ba năm thăm hỏi, chàng trai phải cỏ lễ thăm nhà gái đều đặn, mỗi tháng một lần vào các dịp tết nguyên đán, lễ mồng 5 tháng 5, rằm tháng bảy, lễ cơm mới…. Khi tổ chức lễ cưới, mọi chi phí do nhà trai chịu. Thông thường, nhà trai phải dẫn một con trâu, 100 đồng bạc trắng, 30 vuông vảỉ mộc trả ơn công mẹ đẻ, 6 thúng xôi, một con lợn. Người Thổ cũng có những trường hợp hôn nhân lấy vợ lẽ, gửi rể đời…thì tổ chức một bữa cơm mời anh em, họ hàng hai gia đình đến ăn uống, coi như công nhận cặp trai gái đó đã lấy nhau. Ngày nay hôn nhân bình đẳng, nam nữ tự do yêu nhau, không có chuyện gả bán. Hôn nhân của họ gồm các bước: Thăm nhà (dạm), chỉ là nghi thức đi xem nhà, tìm hiểu gia cảnh lẫn nhau; đi hỏi (ép/ti han): nhà trai mang 12 miếng trầu, 1chai rượu và 8 chiếc bánh trưng không nhân, nếu bánh trưng có nhân là thể hiện sự coi thường, đánh giá nhà gái thấp kém; Nhận rể (ra mặt rể): Nhà rể sang nhà gái, mang theo đồ lễ có bánh trưng không nhân, 12 miếng trầu, 1 chai rượu. Nếu đi đông phải mang đồ góp nhà gái nấu cỗ cùng ăn. Mục đích là ra mắt chú rể để họ hàng nhà gái nhận mặt; Hỏi cưới/ đòi cưới (tòi suôi): Nhà trai gồm ông mối, chú bác, ông, cô dì, cậu mang trầu cau, bánh trưng không nhân, chai rượu, võng đay sang nhà gái hỏi cưới. Hai bên bàn bạc khoản sính lễ; Nạp tài; Cưới (tại nhà gái và tại nhà trai); Lại mặt: Cách đây 60 – 70 năm, sau đám cưới ba ngày, nhà trai mới mới đi lại mặt. Ngày nay, cưới và lại mặt tiến hành trong 1 ngày, nam nữ bình đẳng, tự do tìm hiểu, đi đến kết hôn, xây dựng hạnh phúc, không còn tục gả bán như xưa nữa.

Sinh đẻ: Người Thổ có tục kiêng cữ khi mang thai:  không cho xem con chuột, con khỉ, con Dúi, con Nhím hay Lợn rừng, vì sợ con xấu, sinh ra có lông lá như khỉ. Họ tuyệt đối không được ăn các con vật chết, vật lạ, thậm chí không được xem, nhìn chúng vì sợ ám tà, đen đủi. Khi mang thai, cũng như người Kinh, họ kiêng ăn ốc vì sợ sau này con rớt rãi, kiêng ăn canh nước vì sợ con không chắc, kiêng qua chạc trâu.  Sắp đến ngày sinh, người chồng chuẩn bị cho vợ một bếp củi, củi và một khung ghép ván làm giường cho sản phụ sinh ở trong buồng. Đẻ con xong, người cha chặt cây nứa, vạc lấy một miếng vót mỏng để cắt dây rốn cho trẻ. Nhau thai bỏ túi, đem đi chôn sâu ở vườn, tránh để  chó gà lợn không đào bới. Khi sinh được 3 ngày thì cúng bà mụ để đặt tên cho con và người mẹ phải kiêng cữ trong vòng một tháng, trong tháng đó người lạ không được vào nhà. Khi trẻ đầy tháng, chỉ có bố và mẹ là được bế, chăm sóc và tắm cho trẻ. Khi trẻ đã đầy tháng, gia đình làm lễ cúng mụ xong, ông bà, cha mẹ mới được bế cháu ra khỏi buồng. Khoảng chục năm năm nay, người Thổ cũng giao thoa theo nếp sống mới là tổ chức lễ sinh nhật cho trẻ. Khi làm lễ sinh nhật, họ đều làm 12 chiếc bánh sừng bò để thắp hương cúng thổ công, tổ tiên, bà thiên, bà mụ.

Tập tục tang ma

Tập tục tang ma: Khi trong nhà có người chết, đồng bào Thổ phải  làm quan tài (bằng cây gỗ nguyên khối, xẻ đôi, khoét rỗng ở giữa; làm nhà táng (nhà bàng); cúng thổ địa xin đất trước khi đào huyệt; cúng ma tại nhà; làm lễ gọi hồn vía về để nhập liệm; nhập quan; phát tang (thành phục); chuộc nhà táng; để tang; cúng đầu; làm cỗ cúng tế trong nhiều ngày; đưa ma. Trước khi đưa ma, bao giờ cũng có 1 cái võng đay nhỏ để mâm bài vị chai rượu, bát hương, bát cơm, quả trứng cho con cháu đích tôn hoặc cháu gái nội mang đi trước. Trong võng còn có một đèn hoặc nến. Khi khiêng ra khỏi nhà, chân người chết hướng về phía trước, còn ở mộ thường để chân người chết hướng xuôi theo chiều nước chảy. Xưa kia, người Thổ có tục: Khi đi chôn, người ta làm cờ trắng. Trên cột cờ có buộc 10.000 đồng tiền và 1 bánh chưng. Ai khiêng quan tài sẽ nhận tiền, bánh trưng từ cột cờ gọi là lễ nghĩa. Trên đầu mỗi đòn khiêng, người ta cũng buộc 10.000 đồng. Khi nào xong, người khiêng đòn cũng nhận lại 10.000 ấy gọi là tiền ra lộc. Sau khi mai táng, người Thổ tổ chức các lễ cúng 3 ngày, 50 ngày và 100 ngày, tương tự như tập quán người Kinh trong vùng. Người Thổ không có tục bốc mả. Hàng năm vào dịp Tết nguyên đán, tết Đoan ngọ (5 – 5), tết Trung nguyên (15-7), Tết cơm mới (10 -10)… đồng bào tổ chức qụét mả, mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu gia đình ăn tết,  thể hiện lòng kính trọng tổ tiên.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Tín ngưỡng tôn giáo: Người Thổ thờ đa thần, ma, đặc biệt là các vị thần có khai khẩn đất đai, đánh giặc lập làng, giữ nước. Trong phạm vi gia đình, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, họ còn làm lễ cúng bà mụ mỗi khi trẻ em đau ốm và cúng vía cho người lớn vào dịp lễ, tết, khi đau ốm. Người Thổ trong một họ có bàn thờ dòng họ riêng, do người con trưởng của chi trưởng được đứng ra để thờ cúng dòng họ trên sơ sở đóng góp tiền gạo để cúng tế của các thành viên dòng họ.

Người Thổ thờ tổ tiên từ 3-7 đời, tùy từng dòng họ. Trên bàn thờ mỗi nhà thường có hai bát hương, một bát to, thờ tổ tiên từ cố trở lên, một bát nhỏ, thờ từ ông trở xuống. Ngoài ra, nhà nào có bà cô chết trẻ từ 17 tuổi trở xuống vẫn còn trinh tiết, phải thờ riêng một bàn (gọi là bàn bà cô). Một số nhà còn thờ Thổ riêng như bàn thờ bà cô. Những người làm thày cúng còn làm thêm một bàn thờ Phật, thờ Quan Thế âm bồ tát và thờ Pháp sư. Vì thế, trên ban thờ này cũng có hai bát hương, một bát hương để thờ Phật Quan Thế Âm bồ tát và một bát thứ hai để thờ âm binh.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Văn học, nghệ thuật: Văn học dân gian của người Thổ khá phong phú và đặc sắc. Vốn văn vần: ca dao, đồng dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, giải đố tồn tại từ lâu đời, được nhiều người biết và sử dụng thành thạo trong cuộc sống như: Tục hát ví, hát bạn, hát “nhà tơ”; tục kể đắng – một hình thức kể chuyện sự tích, có nhân vật, có tình tiết khá hấp dẫn; Các làn điệu dân ca: đu đu điềng điềng, tập tính tập tang với các nhạc cụ kèn, đàn, sáo nhị, trống, đàn môi…Đàn môi làm bằng ống nứa, có lưỡi én bằng đồng, dành cho các chàng trai thổi khi đi chơi với người con gái mình yêu hoặc khi tham dự đám cưới, lễ hội. Đặc biệt, trong đám cưới hay hội xuân, trai gái đến dự túm năm tụm bảy, để biểu diễn và nghe tiếng đàn môi réo rắt, rồi đem long cảm mến mà kết bạn tram năm.Trò chơi kéo co, múa sư tử, chơi cờ tướng, chơi đá cầu, đánh cù quay là nét đặc sắc văn hóa dân tộc Thổ.

Tết, lễ hội cộng đồng

Lễ hội cộng đồng: Người Thổ có các lễ xuống đồng, lễ cơm mới, lễ mừng nhà mới, lễ Đâm đầu moong, đồng bào tổ chức lễ “ăn péng” (ăn Tết) vào đầu năm âm lịch, tết Hàn thực, Đoan Ngọ, Rằm tháng 7, tết nguyên đán….Người Thổ đến nay vẫn duy trì có tục cúng thượng tiên ngày 25 tết, tức là lễ cúng để dựng cây nêu ngày tết,  mời ông bà về ăn tết. Cây nêu làm bằng cây nứa để nguyên ngọn, dựng lên ngay gần cổng ra vào. Ngày nay, bên cạnh cây nêu, người Thổ còn thượng cờ tổ quốc. Hình ảnh cây nêu và cờ tổ quốc là sự hiện diện tinh thần yêu nước và niềm tin vào Phật Pháp cùng các đấng siêu nhiên của người Thổ luôn hiện hữu trong mối gia đình thôn Thấng Sơn. Từ ngày này, bà con dân bản chuẩn bị sắm tết, làm bánh mật, bánh rợm, chặt chuối xanh cho ráo nhựa; lấy lá cẩm, ngâm gạo đồ xôi màu. Chiều 30 tết và giao thừa, đêm 30, mỗi gia đình đặt các loại bánh để cúng chay. Lúc sang canh 12h không có gà, không có ngũ quả như người Kinh. Đồng bào phải đợi đến sang mồng một tết đầu năm mới cúng xôi, gà, ngũ quả. Ngày mùng 2 tết âm, bà con cũng cúng lễ vật như ngày mùng 1 tết, nhưng có thêm bánh trưng có nhân. Con cháu ngày mùng 2 tết âm mới đến nhà cha mẹ. Người làm thầy, con cháu mừng 3 âm mới đến, theo phong tục: mùng 2 tết cha mẹ, mùng 3 tết thầy. Vì thế, người làm thầy còn cúng vào ngày mùng 3 tết và cúng ông táo luôn để đón con cháu về dự lễ, gặp mặt, ăn uống, chúc tụng đầu xuân năm mới, vui cửa vui nhà, ăn nên làm ra, an khang thịnh vượng.