Không gian văn hoá vùng núi cao phía Bắc

Vùng văn hóa núi cao phía Bắc được thể hiện trên diện tích 4.000m2. Trong đó, trưng bày nguyên mẫu ngôi nhà truyền thống của người H’Mông trắng ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, làm điểm nhấn giới thiệu đời sống văn hoá của cư dân núi cao phía Bắc. Trong nhà có trưng bày các sưu tập hiện vật theo cách bài trí của ngôi nhà truyền thống gồm: Công cụ sản xuất; dệt vải lanh, dụng cụ chế biến mèn mén và các vật dụng phục vụ sinh hoạt gắn với góc bếp của người H’Mông.

Cấu trúc cảnh quan gồm: Sân vườn, hàng rào, cổng nhà, cây trồng xung quanh khuôn viên ngôi nhà; Nương thổ canh hốc đá, nương trồng lanh, ruộng bậc thang; Cổng nhà người Cờ Lao được làm theo cổng nhà truyền thống của người Cờ Lao ở xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

1.  Ngôi nhà truyền thống của người H’Mông.
Bản của người HMông có từ vài ba nóc nhà trở lên, trong bản có nhiều dòng họ, tuy nhiên có bản chỉ có một dòng họ. Nhà dựa lưng vào núi, làm nhà sát nhau.  Nhà thường là ba gian hai chái, nhà đất, trình tường, xếp đá, thưng ván, liếp nứa hay lợp cỏ tranh,  mái lợp ngói hoặc ván gỗ. Trong 3 gian nhà chính, gian bên trái đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian bên phải đặt bếp nấu ăn. Gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên. Hai chái nhà đặt cối xay ngô, cối giã gạo, thùng ngâm chàm, các dụng cụ dệt vải…

2. Nương thổ canh hốc đá.
Các tộc người H’mông, Cờ Lao, Lô Lô, Dao đỏ sống ở vùng núi đá  đã biết lợi dụng thế đất hẹp, độ dốc lớn làm nương và nương thổ canh hốc đá. Đồng bào đã địu từng quẩy đất từ các lòng khe suối lên trên núi và xếp đá theo kinh nghiệm riêng, khi mưa xuống, đất không bị rửa trôi để trồng ngô, khoai, các loại cây công nghiệp dài ngày: chè, quế, hồi, thảo quả, đẳng sâm, các loại giống su hào, bắp cải, các loại cây ăn quả và hoa mầu khác.

Từ lâu họ đã biết sử dụng cày, bừa, ngoài ra người ta còn sử dụng các loại dao, rìu, thuổng, cuốc, gậy chọc lỗ để canh tác trên nương thổ canh hốc đá.

Nương thổ canh của đồng bào H’mông, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

3. Ruộng bậc thang.
Việc khai phá ruộng bậc thang mất rất nhiều công sức. Sau khi đã chọn đất làm ruộng, đồng bào tiến hành khai phá đất. Họ dùng cuốc san và dùng cày để cày và san từng lớp đất tạo mặt bằng ven sườn núi, mỗi bậc thang đều có bờ đất để giữ nước và đất mầu. Đồng bào đắp bờ cho các thửa ruộng ở khoảng đồi dốc và buộc nước chảy qua, tạo được những mảnh ruộng mà nước luôn luôn được duy trì bằng chiều cao của ruộng, chiều rộng hẹp của ruộng nhiều khi chỉ vừa một đường bừa, chiều dài uốn theo sườn núi, có những mảnh ruộng dài tới vài chục mét. Hiện nay, ở các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc, Tây Bắc có những thửa ruộng bậc thang chạy dài từ chân núi lên đỉnh núi.

4. Hình tượng gia đình người Hmông dắt ngựa về chợ
Trước đây, do điều kiện kinh tế và giao thông đi lại khó khăn, phương tiện vận chuyển chủ yếu của đồng bào các dân tộc vùng núi cao là gùi và ngựa. Người Hmông thường nuôi ngựa để thồ hàng ra chợ bán và vận chuyển nông sản từ nương về nhà. Ngựa còn được sử dụng làm sức kéo thay trâu, bò. Trong những ngày chợ phiên dễ dàng bắt gặp hình ảnh 1 đôi vợ chồng người H’mông xuống chợ, chồng ngồi trên lưng ngựa, vợ dắt ngựa, phía sau là hai gùi hàng đựng đồ nông sản, bó vải, một bịch giày… đặt trên yên ngựa đem xuống chợ bán.

Bài viết liên quang

Không gian văn hoá vùng thung lũng

Không gian văn hoá vùng Trung du – Đồng bằng Bắc Bộ

Không gian văn hoá vùng Trường Sơn – Tây Nguyên