Không gian văn hoá vùng Miền Trung – Ven biển

Vùng văn hoá Miền Trung – Ven biển được thể hiện trên diện tích 4.000m2 gồm: Ngôi tháp Chăm; Đền thờ cá ông được xây dựng theo mô típ lăng ngư Ông ở phường Mân Thái, Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng; Xưởng gốm của người Chăm, trưng bày sưu tập tài liệu hiện vật: Công cụ sản xuất và sản phẩm nghề làm gốm. Sưu tập đồ thờ cúng, dụng cụ sinh hoạt, công cụ và sản phẩm nghề dệt vải; Các hiện vật gắn với tôn giáo, tín ngưỡng, từng nghi lễ trong chu kỳ đời người, nhạc cụ của đồng bào các dân tộc miền Trung – Ven biển, đặc biệt là hệ thống tượng Chăm và các hiện vật tiêu biểu của người Chăm như Linga và yoni, vũ nữ Chăm…

Cấu trúc cảnh quan gồm: Xương rồng, phi lao, các loại cây khác và hình tượng thiếu nữ Chăm đội nước.

1. Ngôi Tháp Chăm

Người Chăm có nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc là đặc trưng hết sức độc đáo. Từ Quảng Nam đến Bình Đình có tới 30 cụm tháp. Thánh địa Mỹ Sơn là cụm di tích nổi tiếng được xếp hạng di sản văn hoá thế giới, minh chứng cho thời kỳ hoàng kim của vương quốc Chăm bắt đầu từ thế kỷ thứ  IV kéo dài đến thế kỷ thứ XIII. Bên cạnh đó là những tháp mang phong cách Đồng Dương (thế kỷ IX đến cuối thế kỷ X) nơi đây từng là thủ đô của vương quốc Chămpa. Thêm vào đó là các khu đền tháp nổi tiếng ở Bình Đình, Khánh Hoà,  Ninh Thuận như Tháp Hoà lai (Pôk long Girai) (Ninh Thuận), Pô Rô Mê (Phan Rang), Phố Hài (Phan Thiết), các công trình Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương đều là những kiến trúc tôn giáo mang giá trị lao động quý giá, là niềm tự hào của người Chăm.

Ngôi tháp Chăm được phục chế theo nguyên mẫu tháp Po Klong Grai, tỉnh Ninh Thuận với tỷ lệ 1/3.

2. Đền thờ cá ông

Dọc ven biển miền Trung có nhiều lăng đẹp gắn với tục thờ cá voi của các ngư dân miền biển như: tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. HCM… Lăng ngư ông là nơi hàng năm ngư dân tổ chức các hoạt động và nghi lễ thờ cá voi, các hội vui chơi truyền thống. Hầu hết các lăng miếu đều có ngọc cốt. Đầu cá Ông được trùm vải đỏ. Lăng “Ông” thường có ba phần: phần chính là lăng nơi để xương cá ông; Hai bên là tả, hữu lý ngư (hộ vệ của cá ông).Tục thờ cúng cá Ông tồn tại như một tín ngưỡng của ngư dân miền biển. Các động thái cầu cúng, diễn xướng trong lễ hội này đều mang một nội dung chung qua các bài chèo bả trạo đưa ông, là cầu mong được mùa cá, làng xóm bình yên, mọi nhà no đủ.

Lăng ngư ông được Bảo tàng VHCDT Việt Nam phục chế nguyên mẫu theo Lăng ngư ông làng Tân Thái (cũ) thuộc phường Mân Thái – quận đảo Sơn Trà – TP. Đà Nẵng, với tỉ lệ 1/3 (rộng: 4,2m; sâu 4,4m; cao 2m).

3. Xưởng gốm của người Chăm

Nghề gốm của người Chăm từ lâu đã nổi tiếng với những tên tuổi như: Gò Sành, Bầu Trúc, nó không những đáp ứng được nhu cầu xây dựng các kiến trúc tháp mà còn phục vụ đời sống tự cung tự cấp. Kỹ thuật làm gốm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, theo lối đắp con trạch, không sử dụng bàn xoay mà đi giật lùi xung quanh bệ gốm để tạo hình sản phẩm .

Người Chăm ít chú trọng trang trí hoa văn trên đồ gốm. Chỉ có lu đựng nước hoặc đựng lương thực là được trang trí. Hoa văn chủ yếu là hình kẻ khuông nhạc. Người thợ dùng lược nhiều răng vẽ đường sóng lượn lên phần trên vai các loại lu. Hoa văn được vẽ khi gốm còn chưa khô, ngay sau giai đoạn nặn hình. Khi vẽ, một tay cầm lược, một tay đỡ trong, chân giật lùi nhẹ theo động tác của tay. Gốm được nung ngoài trời, không có lò nung riêng.

Xưởng gốm gia đình ông Bá Văn Ngọt, dân tộc Chăm, thôn Vĩnh Thuận, thị Trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

4. Cây xương rồng, phi lao.

Dọc dải đất miền trung đầy nắng và gió với những dải cát trắng trải dài, đất đai khô cằn và nắng nóng không một loại cây trồng nào có thể tồn tại và phát triển, chỉ có loài xương rồng và phi lao có thể sống được trên những dải cát nóng và khô cằn, tạo mầu xanh cho cuộc sống của người dân miền Trung. Để trống chọi vào thiên nhiên khắc nghiệt, những rặng phi lao còn có tác dụng chắn cát, chắn sóng biển mỗi khi bão về. Nó là biểu tượng cho sức sống quật cường của người dân miền Trung.

5. Cụm  thiếu nữ Chăm đội nước.

Múa Chăm là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Chăm nh­ ®iÖu móa: Biyen, Tiaung (bắt chước dáng con công, trĩ), Patra (hoàng tử), Wah gaiy (chèo thuyền). Các điệu múa luôn là tâm điểm và là “tiết mục” được trông chờ nhất trong lễ hội như: Múa đội lu (Tamia đwa buk): Múa quạt (Tamia tadik): Múa khăn (Tamia tanhiak). Trong đó điệu múa đội lu rất nổi tiếng xuất phát điểm là Múa đội Thong hala (cỗ bồng trầu) trong lễ dâng nước thánh trên tháp, sau đó nó được kết hợp với thao tác đội lu nước trong sinh hoạt ngày thường, thành loại hình múa này.

Bài viết liên quang

Không gian văn hoá vùng thung lũng

Không gian văn hoá vùng Trung du – Đồng bằng Bắc Bộ

Triển lãm ảnh chuyên đề: “Bộ đội biên phòng với đồng bào các dân tộc vùng biên giới” tại Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam