Sán Dìu

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Sán Dìu có hơn 146.821 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú chủ yếu ở các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Tuyên Quang.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Sán Déo, Trại, Trại Đất, Mán quần cộc, Mán váy xẻ.
Ngôn ngữ: Người Sán Dìu nói thổ ngữ Hán Quảng ông (ngữ hệ Hán – Tạng).

Sản xuất nông nghiệp

Người Sán Dìu chủ yếu là canh tác lúa trên ruộng nước, một phần nương, soi, bãi Ngoài lúa ruộng, đồng bào trồng ngô, khoai, sắn, lạc, đậu, bầu, bí, rau… Từ lâu, đồng bào đã biết sử dụng cày, bừa làm đất. Lưỡi cày của người Sán Dìu nhờ được đắp thêm mũi phụ mà trở nên bền, sắc và thích hợp hơn với việc cày ở nơi đất cứng, nhiều sỏi đá. Từ rất lâu, họ biết dùng phân bón ruộng để tăng năng xuất cây trồng. Mùa thu hoạch, họ dùng hái liềm để cắt lúa. Ngày nay, nhiều nơi, đồng bào dùng máy cày và máy suốt lúa.

Bên cạnh trồng trọt, người Sán Dìu trú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò, chó, gà, lợn, dê để cúng lễ, cải thiện cuộc sống. Ngày nay, đồng bào phát triển đào ao, nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo đàn, trang trại và bán để tăng thêm thu nhập gia đình.

Kinh tế tự nhiên

Trước đây, người Sán Dìu rất quan tâm đến các hoạt động kinh tế tự nhiên, như hái lượm rau, măng, nấm rừng; đánh bắt cá ở đầm, ao, hồ, sông suối. Ngày nay, nguồn lợi này gần như cạn kiệt, đồng bào thi thoảng thu hái rau và đánh bắt cá theo mùa. Một số cư dân biển vẫn duy trì ra khơi đánh bắt thủy hải sản.

Nghề thủ công

Người Sán Dìu có các nghề thủ công: mộc, đan lát mây tre, làm gạch, làm rèn, thuốc nam. Tuy nhiên, sản phẩm họ làm chỉ mang tính tự cấp tự túc, chưa trở thành hàng hóa phổ biến. Sản phẩm mộc gồm có làm nhà, đóng xe trâu, làm xe quyệt, làm thùng đựng, làm trục lăn đấtSản phẩm đan lát gồm có cốc lồ, dần, sàng, rổ, rá, nong, nia, bồ, sọtSản phẩm thuốc nam để chữa các bệnh hậu sản, thận, xương khớp.Ngày nay, một số nghề thủ công mộc, đan lát, thuốc nam vẫn  được lưu truyền nhỏ lẻ ở một số hộ sống 3 -4 thế hệ, phần lớn các nghề thủ công đã bị mai một.

Phương thức vận chuyển

Trước đây, người Sán Dìu đã biết chế tạo ra xe quệt để vận chuyển nông sản, vật liệu. Xe quệt là loại xe dùng trâu kéo, không có bánh. Hai càng xe là bộ phận chủ đạo, được làm bằng tre. Xe chỉ có trọng tải khoảng từ 2 đến 4 tạ. Loại xe này thích hợp cho việc vận chuyển ở địa hình đồi núi dốc, đường mòn, nhỏ.

Sau đó, họ đã chế tạo ra loại xe có bánh bi, trâu kéo (gọi là xe trâu), có trọng tải lớn hơn xe quệ, đã phần nào trợ sức cho trâu kéo, năng suất vận chuyển cao hơn.

Trao đổi hàng hóa

Trước đây, đồng bào Sán Dìu  thường đổi hàng lấy hàng theo giá trị vật ngang giá, nhưng cũng rất hạn chế, chủ yếu vẫn là tự túc, tự cấp. Ngày nay, bà con đã dùng hình thức mua bán bằng tiền mặt ở các chợ huyện, xã. Cần bán hoặc mua gì đều đều đến các chợ gần nơi đồng bào cư trú.

Văn hóa mặc

Trang phục của phụ nữ Sán Dìu ở các địa phương cơ bản giống nhau. Ngày thường, nam giới mặc quần dài màu thâm, cạp chun, có hai túi; áo màu thâm dài ngang đùi, may kiểu bà ba có một túi. Ngày lễ, tết, hội, ngày cưới, nam giới mặc quần áo dài, mới hơn, đi guốc mộc do họ tự làm bằng loại cây gỗ rất nhẹ ở rừng.

Thường ngày, phụ nữ Sán Dìu mặc: áo, váy, yếm, thắt lưng, đội khăn, đi xà cạp, mang túi đựng trầu. áo thường mặc thành từng cặp, áo dài bên ngoài là màu chàm, áo bên trong là màu trắng. áo cắt theo kiểu tứ thân, cổ cao, nẹp trơn, không đính khuy, bên trong đáp bằng vải màu trắng, khi mặc thì lộn ra phía ngoài. Cách mặc áo cũng có sự khác biệt giữa các lứa tuổi. Người già thường mặc áo vạt trái vắt sang bên phải, trẻ thì ngược lại, thắt  lưng màu tím, đỏ, hoa lý, hoa văn trang trí nhiều màu. Riêng phụ nữ nuôi con nhỏ, thường mặc áo ngắn cắt theo kiểu áo năm thân, nhưng không có khuy, đính dải để buộc. Yếm của phụ nữ Sán Dìu may theo hình vuông, ở một đầu cạnh góc nhọn, được khoét tạo thành cổ yếm, hai đầu khoét đính hai sợi dâu buộc vòng phía sau, ôm sát phần ngực của người mặc. Váy lệch khúm, dạng váy không khâu, gồm có hai hoặc bốn mảnh vải cùng đính trên một cạp; mảnh này chồng lên mảnh kia khoảng 10-15cm. Nếu là váy hai mảnh thì mỗi mảnh có từ ba đến bốn mảnh can lại với nhau. Khi mặc váy một mảnh phía trước, một mảnh phía sau, tạo thành hai khe hở dọc theo hai bên chân. Nếu là váy bốn mảnh thì hai mảnh trước và hai mảnh sau. Thắt lưng gồm 3 chiếc 3 màu khác nhau, có dạng hình ống, may vát hai đầu. Khi dùng, thắt lần lượt từng chiếc chồng lên nhau, buộc nút ở phía trước. Xà cạp (kiọoc sen) bằng vải màu trắng hoặc màu chàm.  Ngày lễ, tết, hội, chị em luôn đeo túi đựng trầu (loi thoi) (hình múi bưởi, thêu nhiều hoa văn sặc sỡ và con dao cau có bao chạm khắc hoa văn rất đẹp để trưng diện với bạn bè, khách quý và bạn trai, đầu dây tết nút và có tua dài đeo một chuỗi săn su quả đào (bằng bạc nếu nhà giàu), chuỗi săn xu bằng nhôm (nếu nhà nghèo); đội khăn gấm hoặc nhung the, mặc yếm đỏ; có thể mặc quần áo hoặc váy (loại váy xẻ hai mảnh hoặc 4 mảnhcùng đính trên một cạp); thắt dây bao lưng màu xanh. Cô dâu ngày cưới còn đội cáipạithay khăn mỏ quạ, thắt 2 dây lưng và túi trầu (săn su quả đào).

Văn hóa ẩm thực

Người Sán Dìu ăn ba bữa trong ngày. Hàng ngày, đồng bào ăn cơm tẻ là chính, có độn thêm khoai sắn. Sau bữa ăn, họ thường húp thêm bát cháo loãng như người Nùng, đặc biệt họ kiêng ăn thịt chó, nhưng rất ưa món chúc líp (cháo trộn với một số loại rau lá lốt, rau cải, lá ngải), dùng làm thuốc chữa bệnh. Các dịp lễ, tết, hội, cưới hỏi, để cúng thần nông, gia tiên, mong ước vụ mùa năm nay được mưa thuận gió hòa, cho thu hoạch cao hơn năm trước, người Sán Dìu còn làm các loại bánh: Bánh chưng gói hình ống, hai đầu có bắt góc (mỗi đầu bắt thành 3 góc); bánh chưng gù. Bánh tro (hay “bánh do”) gói hình như bánh chưng nhưng nhỏ hơn, nguyên liệu làm bằng gạo nếp ngâm nước tro đốt từ một loại cây ở rừng gọi là câynham nhápvà rơm lúa chiêm xuân còn mới với nước vôi trong. Bánh nhân điền làm bằng bột gạo nếp có nhân bằng lạc rang giã trộn với đường phên hoặc nhân đỗ xanh (Bột gạo nếp lăn thành con bột, luộc chín, vớt ra đánh quện thật dẻo rồi nặn bánh, tra nhân, đặt lên lá mít, cho vào nồi hấp cách thủy); bánh dày, bánh Tày nồng ệp (màu nâu nhạt, hình tròn, dẻo, thơm mùi bột nếp, mùi gừng và vị ngọt mát thanh dịu để dâng cúng trời đất trong lễ hội, cưới hỏi. Trước đây, gạo hiểm, phải pha 7 phần gạo nếp 3 phần gạo tẻ, đem xay mịn (một kg bột, dùng 0,5 kg đường, cạo mỏng, đun chảy đường với nước gừng giã dập, nhào bột với nước đường gừng cho tới khi thấy bột dẻo quánh, không dính tay; cho bột vào khuôn lót lá chuối, dàn đều mỏng khoảng 5 cm, rắc lạc và vừng rang lên mặt bánh, phủ lá chuối lên trên, cho vào nồi hấp cách thuỷ, khoảng 6 – 12 tiếng (tùy bánh to hay nhỏ), dùng đũa xiên qua thấy bột bánh không dính đũa là đã chín; sau nửa ngày, bánh đủ độ se ăn không ngán, cũng có khi, bánh còn được chiên giòn để thay đổi khẩu vị).

Hàng ngày, ngoài nước cháo loãng, người Sán Dìu còn thường dùng nước chè xanh. Trong bữa tiệc đồ uống chủ yếu là rượu trắng do họ tự nấu thông qua công nghệ làm men bằng thứ lá cây rừng với gạo hoặc rượu mía, rượu sắn. Ngày Tết, có thêm rượu cái nếp do họ tự làm.

Văn hóa ở

Người Sán Dìu trước kia thường ở nhà vách đất, tường trình đất hoặc đóng gạch đất rồi tự xây bằng vữa đất dẻo. Mái thường lợp cỏ tranh hoặc lợp lá mía. Người Sán Dìu rất khéo tay trong việc tết các phên cỏ tranh hoặc phên lá mía lại thành từng mảng để lợp nhà, đảm bảo được độ bền chắc và không bị dột khi trời mưa. Trong khuôn viên đất ở, người Sán Dìu thường bài trí nhà ở và các công trình phụ trợ theo hình chữ U. Nhà ở chính nằm ở đáy chữ U còn gọi là nhà trên, quy mô từ 3 đến 5 gian, hai bên hồi nhà thường có hai trái nhà làm vẩy ra để chứa các phương tiện vận chuyển, phương tiện đi lại và là nơi xay lúa, giã gạo; bên tay phải là dãy nhà bếp, nhà để nông sản, nông cụ gọi là nhà ngang, bên tay trái thường là khu chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm và công trình phụ. Ngày nay, kinh tế-xã hội phát triển, nhà ở của người Sán Dìu đã thay đổi về chất liệu xây dựng và kiểu dáng. Nhà gạch xây theo kiểu hiện đại thay thế cho nhà tranh, vách đất truyền thống. Nhiều hộ đã có nhà cao tầng, nhà mái bằng kiên cố như nhà của người Kinh.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Người Sán Dìu có tính cộng đồng, tương thân, tương ái rất cao. Trong các công việc chung của bản, khi có một gia đình có việc (đám ma, đám cưới, làm nhà mới), mọi người trong bản và trong họ tộc chủ động góp thời gian, công sức, vật dụng khác để giúp đỡ. Trong bản bao giờ cũng có trưởng thôn, quản lý các công việc chung, điều động sản xuất, tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, có thày cúng chăm lo tinh thần cho bà con trong bản, các dịp lễ hội, vào nhà mới, tang ma.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Trước đây, nữ được tự do yêu đương, tìm hiểu nhau qua những đêm hát Soọng Cô hay đơn giản là bố mẹ tìm giú, nhưng có thành vợ thành chồng hay không họ lại tuỳ thuộc vào “số mệnh” và sự quyết định của bố mẹ. Hôn nhân  truyền thống diễn ra với nhiều nghi lễ: xin lá số (Lôổng nen sang), mừng lá số hợp (Sếnh lênh hạ thênh), ăn hỏi (Hị mun lén cạ), sang tiền-lễ vật (Hị cộ nghén),  gánh gà (Tam kay bạo nhít), nộp cheo (Nap cheo), ăn cưới (Sênh ca chíu), khai hoa tửu (Hoi va chíu) và lễ lại mặt (Thạp cóc chéo)…Trong đó, khai hoa tửu là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong đám cưới của người Sán Dùi, thể hiện sự công nhận của hai gia đình, cộng đồng đối với hôn nhân của cô dâu và chú rể. Trong lễ khai hoa tửu, lễ vật đơn giản chỉ có hai quả trứng luộc được xuyên qua bằng hai sợi chỉ đỏ và mỗi đầu buộc vào quả trứng hai đồng xu. Trứng đặt trong một cái đĩa có cắt hình hoa văn bằng hai tờ giấy, màu trắng ở dưới và tờ giấy màu đỏ ở trên. Cạnh đó có bầu rượu tình, trong đó có rượu, quả cau và đồng tiền. Trong đó, quả trứng có lòng trắng tượng trưng cho bạc (mang tính âm, tượng trưng cho nữ giới), lòng đỏ (mang tính dương tức là nam giới), có màu vàng tượng trưng cho vàng, thể hiện sự giàu có về của cải vật chất và kết hợp âm, dương hạnh phúc, sinh sôi con đàn cháu đống có nếp có tẻ. Sợi dây chỉ đỏ kết nối chàng trai và cô gái trở thành vợ chồng, sợi dây se duyên của ông Tơ bà Nguyệt cho họ được hạnh phúc, đồng thời là sự kết nối thông gia giữa hai gia đình. Những đồng tiền xâu vào sợi chỉ đó tượng trưng cho sự đền đáp công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục cô dâu nên người. Bầu rượu tình, cau, đồng xu, biểu hiện sự cầu mong vợ chồng sống tình nghĩa, mặn nồng bên nhau trọn đời, trong đó có công rất lớn của cha mẹ sinh thành và ông bà mối se duyên, có cưới có cheo đều được mọi người công nhận. Sau lễ khai hoa tửu, thày cúng hoà trứng vào rượu và cùng nâng chúc mừng cô dâu. Hai bên nam nữ hát Soọng cô thâu đêm, sáng hôm sau, nhà gái tự đưa cô dâu về nhà chồng, đi cạnh cô dâu là phù dâu cầm ô khe giống nhau (trang phục truyền thống) cô dâu còn đội thêm hai chiếc khăn đỏ trên đầu. Đến nhà trai cô dâu đi thẳng vào buồng, chú rể cướp một khăn đỏ trên đầu cô dâu với ý nghĩa linh hồn, tình cảm của cô gái đã thuộc về chàng trai đồng thời mang ý nghĩa giải tà, cầu mong hạnh phúc trọn đời. Hai chiếc khăn đỏ này được giữ cẩn thận đến lúc chết và được chôn theo để đôi trẻ tiếp tục sống với nhau ở thế giới bên kia.

Trước đây, người Sán Dìu có tục đẻ ngồi. Họ quan niệm, lúc lọt lòng, nếu đưa bé ra nghiêng là điềm lành, nếu đứa bé ra sấp là xung khắc với bố, ra ngửa là xung khắc với mẹ. Ngày nay, quan niệm này không còn nặng nề như trước nữa. Nhau thai được bỏ vào sọt đem treo ở cây cao ngoài rừng. Khi đem đi phải xem giờ và không được đi qua sông suối, tránh hướng đông và đi vào ngày mồng 1 mồng 2. Nếu không đứa trẻ sẽ khó nuôi, người mẹ sẽ không đẻ được nữa. Đứa trẻ nào có tràng hoa  quấn cổ sau sẽ làm thầy cúng, còn cuống rốn quấn vào chân khó nuôi phải đeo vòng vào cổ chân để trừ ma tà. Khi trong nhà có người mới đẻ, trước nhà thường treo một cây xương rồng (trai treo ở vách trái, gái treo ở vách phải) để người lạ không vào nhà. Trẻ sinh được 3 ngày mới cúng báo tổ tiên. Đầy cữ 45 ngày, sản phụ được về nhà ngoại. Sau đó người ta đặt tên tục cho trẻ, lúc nhỏ thay đổi tên nhiều lần, lúc trưởng thành tên tục được đổi thành tên chữ (tên thánh). Riêng tên đệm phải tuân quy định của dòng họ.

Trẻ đến tuổi thành niên, phải làm lễ cấp sắc, mới mong được làm thầy cúng, thầy thuốc, thầy giáo, bảo vệ được bản thân, gia đình mình và trị bệnh cứu người. Người được cấp sắc khi chết không sợ bị mất tên tuổi, được thờ cúng từ đời này qua đời khác. Cấp sắc được coi là tiêu chuẩn đối với nam giới có sức khoẻ, có tri thức, đã khiến nhiều người đàn ông Sán Dìu mặc dù tốn kém cũng cố gắng học hành để được cấp sắc để làm thầy. Cấp sắc gồm có 3 bậc: Cấp pháp sư (3 thầy, 3 đèn); cấp chức sư, (dành cho đàn ông ở tuổi trung niên, lễ vật ngũ sinh: 2 con lợn, 3 con gà); cấp chức thứ gia tổng xuyến (bậc cao nhất, khi chết về âm phủ được xếp vào hàng tiên gia và sẽ được thụ hưởng mọi sự sung sướng nhất ở cõi âm. Trong nghi lễ này đệ tử lo tiền bạc cho thầy để chuẩn bị một lá cờ, sớ, 2 tờ điện âm, dương có đóng dấu giáp lai. Lễ cấp sắc ở người Sán Dìu thể hiện một xã hội có truyền thống giáo dục về các quan hệ thân tộc, lòng biết ơn cha mẹ, tổ tiên lại được thể hiện trong quá trình phấn đấu và trưởng thành.

Tập tục tang ma

Người Sán Dìu coi trọng nghi lễ tang ma báo hiếu. Khi trong nhà có người chết, gia đình phải thông báo với họ hàng, dân bản, sau đó thực hiện đầy đủ các nghi lễ tang ma: tắm rửa cho người chết, liệm, nhập quan, chọn đất, đào huyệt,  tế đầu, cúng cơm, tiễn linh hồn, đưa, ma, hạ huyệt. Khi hạ huyệt, con cái phải từ phía chân quan tài bò một vòng quanh miệng huyệt. Con trai bò từ trái sang phải, còn con gái bò từ phải sang trái, vừa bò vừa xô đất lấp huyệt. Lúc đứng dậy, mỗi người vốc một nắm đất và chạy thật nhanh về nhà bỏ vào chuồng trâu, chuồng lợn… với ý nghĩa cho gia súc sinh sôi, nảy nở. Tiếp đó chạy vào nhà và ngồi xuống thúng thóc với quan niệm ai dính nhiều thóc là may mắn. Cuối cùng, mỗi người tự xé lấy một miếng thịt gà luộc để ăn, ai đến trước nhất được mào gà, tiếp theo được đầu, cổ, cánhHàng năm,dịp tết Thanh Minh, đồng bào đi tảo mộ, mang theo lễ vật gồm xôi, các loại cá (trừ cá Rô phi), thịt lợn, gà luộc…để cúng tổ tiên. Ngoài lễ vật, mỗi mộ phải có 1 bộ cờ dây (gồm 5 cờ giấy các màu), riêng các ngôi mộ của người làm thầy cúng, con cháu nhất thiết phải cắm thêm cờ tam giác. Khi cải táng, xương được xếp vào tiểu hoặc chum theo tư thế ngồi và nếu chưa chọn được ngày tốt thì chôn tạm ở chân đồi hay bờ ruộng.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Sán Dìu rất coi trọng việc thờ cúng các vị thần: Trước tiên là thờ cúng tổ tiên vào các ngày lễ tết, tuần tiết trong năm; thờ cúng táo quân (với bát hương đặt thấp hơn, bên trái ban thờ tổ tiên) vào ngày 23 tháng chạp với các lễ vật: bánh dợm, bánh giò, thịt lợn, không bao giờ cúng cá vào ngày tết 23; thờ cúng thổ công với một ống hương được làm bằng tre để dưới gầm bàn thờ tổ tiên, xin thần trông nom chăm sóc con người, vật nuôi, gia súc trong gia đình; thờ thần cửa với một ống tre nhỏ gài bên tay phải cửa chính, thắp hương cùng với dịp cúng lễ, tết, tuần tiết, cầu xin vị thần cửa sẽ giúp họ canh giữ nhà cửa, không cho ma tà, quỷ sứ đến xâm hại, quấy nhiễu gia đình; thờ cúng bà mụ ở ban thờ làm bằng tre, đặt ngay đầu giường của người sản phụ, được lập khi  gia đình sinh ra một đứa trẻ, cúng tạ và xin bà mụ chăm sóc bảo vệ, để trẻ hay ăn chóng lớn, không quấy khóc, dễ nuôi, cho đến khi trẻ lên ba tuổi mới thôi; thờ cúng thần nông, do dân làng thống nhất chọn vào một ngày nhất định; mỗi gia đình trong làng đều cử một người mang lễ vật (gà, rượu, xôi) ra cúng thần thổ địa (thành hoàng làng), tại nơi đình chung, vào ngày 1/1 âm lịch, cầu xin thần nông, thổ địa bảo vệ cho dân làng, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, súc vật không bị dịch bệnh, nhà nhà no đủ. Người có uy tín chủ lễ khấn xong, mỗi người lần lượt lên trước ban thờ thần xin đài âm dương để chọn người giữ cửa làm lễ trong năm. Khi có người xin được đài, thì buổi lễ dừng lại. Vì họ cho rằng thần đã chọn ra được người có uy tín canh giữ đình làng trong năm. Người được lựa chọn, cứ vào mùng một, ngày rằm đến đình lo tế lễ. Sau khi chọn được người giữ cửa, mọi người hạ lễ, cùng ăn chung một bữa cơm vui vẻ. Ngoài ra, người Sán Dìu làm thầy còn lập ban thờ thờ thần, thờ Phật, thờ tổ sư.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Sán Dìu có kho tàng văn học, nghệ thuật phong phú.  với loại hình nghệ thuật hát đối (soọng cô), truyện thơ, truyện kể; nhảy múa xiên tâng  trong đám ma. Nhạc cụ cótù và,kèn,trống,sáo,thanh la,não bạtcũng để phục vụ nghi lễ tôn giáo. Trong đó, Soọng cô là làn điệu dân ca độc đáo, được đồng bào Sán Dìu lưu truyền qua nhiều thế hệ, theo lối truyền miệng. Khi hát Soọng cô, nam nữ phải cách xa nhau 2 mét và không được ngồi, đứng gần nhau, trổ tài với nhiều bài, nhiều điệu hát khác nhau như: Mời trầu, mời nước, hát hỏi thăm, hát chào, hát xin về, hát níu chân nhau. Khi hát, bên nào thua phải xin hát đối lại trong lần hát đối sau. Những câu hát Soọng cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh, có thể hát một đêm, nhiều đêm, hát trong nhà, hát khi đi làm nương hay trong các lễ hội.

Tết, lễ hội cộng đồng

Hàng năm, người Sán Dìu có nhiều ngày lễ tết riêng: Tết lớn nhất là Tết Cả (tết cổ truyền) với lễ cúng giao thừa gồm một con gà/một miếng thịt lợn, xôi ngũ sắc, các loại hoa quả, rượu nước, trầu cau. Vào sáng mồng 1 Tết thì có tục ăn chay. Mồng 2 Tết mới làm cỗ thịnh soạn để đón năm mới, tiếp đón họ hàng, bạn bè thân thiết; Tết thanh minh 3/3; Tết Đoan Ngọ mồng 5/5, dâng bánh chưng gù, hoa quả rồi cùng nhau ăn, để giết sâu bọ; Tết 14/7 âm lịch, để con cháu hội tụ, tổ chức ăn uống; Tết Cơm mới vào 10/10 âm lịch, dâng lễ cúng tổ tiên và thổ thần: thịt lợn, thịt gà, nấu cơm bằng gạo mới, thịt gà, thịt lơn; Tết Đông Chí, dâng cúng cơm nếp, thịt gà, thịt lợn và nhiều loại bánh nếp và bánh tẻ. Đặc biệt, hằng năm, người Sán Dìu ở Quảng Ninh vẫn duy trì tổ chức lễ xuống đồng (tháng 6 âm lịch, khi sắp vào cấy vụ mùa) và lễ lên đồng (Lễ rửa cày bừa vào tháng 7 âm lịch). Trong lễ này, người ta làm bánh nhân điền bằng bột gạo nếp, nhân đỗ xanh trộn lạc rang, đường đen để cúng tạ Thần Nông, Gia Tiên, với mong ước vụ mùa năm nay mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau lễ cúng, trai gái, già trẻ Sán Dìu xưa thường tổ chức đi chơi đến các làng, bản lân cận để hát đối- soọng cô, vui vẻ, giao kết thêm nhiều bạn mới. Một lễ hội hết sức độc đáo của người Sán Dìu ở Quảng Ninh, phải kể đến là lễ Đại phan với ý nghĩa cầu an, cầu mùa, xua đuổi tà ma, dịch bệnh. Lễ này bao gồm nhiều bước: dựng vương đàn, ngũ nhạc lầu, nhập và tung phướn, chém thảo triều, rước sơn thái nhân du hương, dựng cây phan, ngọ triều, mãn triều, ngũ đại thiên vương chạy đàn, chém súc hiến tế,  leo đao,  cấp sắc, lội than. Trước một tháng, các thầy cúng quanh vùng tập trung tại nhà Phan chủ (người chủ trì lễ cúng) để viết sớ điệp, đóng dấu sớ, gấp các loại phong hàm, chuẩn bị lễ vật, tranh thờ  và  làm các nghi thức cúng tế; dựng ban thờ thần gồm 3 bức tranh, tượng trưng cho ba vị thần: Tiên, Phật, Ngọc Hoàng, cầu xin các thần xuống dự, ban cho tài lộc, trừ tà, diệt quỷ, phù hộ nhân dân; Thầy cúng dâng lễ vật (gồm 2 ấm rượu, 1 đĩa thịt lợn, 1 con gà có đủ nội tạng) xin phép thần rừng cho chặt cây tre tốt để dựng Thí phan (phướn tre) tại đám ruộng đầu làng, tượng trưng cho cây vũ trụ, có dải vải đỏ, tượng trưng cho chiếc cầu nối âm dương, mặt đất và các tầng trời, dựng vương đàn, ngũ nhạc lầu (bộ khung có 4 cột, với 12 nấc thang, kèm theo đó là thân 2 cây gỗ (cây âm và cây dương), được buộc, gắn 12 thanh đao sắc vào lưỡi quay lên trên, 1 lưỡi trên cùng của cây âm quay xuống đất, mô phỏng hình bông lúa, tượng trưng cho 12 tầng trời, 12 khổ nạn can qua mà con người phải bước). Thầy làm lễ trải thảm từ ban thờ ra đến ngõ, chuẩn bị đón các thần, rước sơn thái nhân du hương về làm lễ chém súc. Trong lễ chém súc, hiến tế, mừng chiến thắng, cầu sức khỏe, vạn vật sinh sôi. Các con vật được tuyển chọn (lợn đủ nặng 40kg, trâu, bò nặng 100 kg), trang điểm thành kim chuy (lợn vàng), hống chuy (lợn đỏ). Mỗi bài khấn, thày cúng Sán Dìu đều thổi một tiếng tù và để đánh thức Ngọc Hoàng, gửi lời cầu khẩn từ hạ giới. Trước lúc leo đao, thày cúng phụ phải rửa chân tay, mặt mũi, bắt quyết, đóng dấu đỏ vào trán, gan bàn chân và tay, mới bắt đầu đặt chân trần lên các lưỡi dao sắc và leo lên đỉnh cây dao. Thày cúng leo hết cây dao coi như đã leo lên trời, gắn với truyền thuyết của người Sán Dìu xưa: vua cóc phải bò qua 12 nấc thang để cầu trời đổ mưa. Trên lầu, thày cúng đọc các bài cúng, nhập và tung phướn, tống đạt nguyện vọng, cầu thiên vương ban phúc lành. Cúng xong, thày xuống đến đâu, sẽ chém thảo triều, chặt đứt các dây buộc, gỡ bỏ các lưỡi dao đến đó, với niềm tin: 24 lưỡi dao đã trở thành vật quý, không bao giờ mẻ lưỡi, để trong nhà trộm không dám bén mảng. Khi có biến, họ dùng dao này sẽ được thần linh trợ giúp. Đại Phan là nghi lễ rửa tội cho cả vong nhân lẫn người còn sống. Vì thế, trong lễ này, nhất thiết phải có lễ lội than (đi chân trần trên than hồng). Các thầy cúng đốt củi lấy tro than trải đường dài 4 thước (khoảng 6,5m), mọi người cùng nhảy than, để tẩy trần, hướng thiện, thanh sạch tâm tư, trút bỏ phiền muộn. Sau lội than, các thày múa hành quang, tái hiện cảnh vui chơi, lao động sản xuất như: hoàng mẫu giã gạo, xây đập đào kênh,xay thóc, trồng cây, chải đầu, thuỷ ngư vọng nguyệt, … Động tác múa phối hợp với đạo cụ: tù và, tầm xích, hay vật tế, vừa múa, hát, tấu nhạc cụ thanh la, cồng, tù và, kết thúc nghi lễ. Sau phần lễ, nhân dân tổ chức nhiều trò chơi dân tộc như: đi cà kheo, đánh khăng, kéo co