Hà Nhì

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Hà Nhì có hơn 21.725 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Người Hà Nhì sống tập trung ở các huyện: Mường Tè (tỉnh Lai Châu) và Bát Xát (tỉnh Lào Cai).
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Hà Nhì, Hà Nhì Hoa, Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì đen. Tuy nhiên, có 2 nhóm chính: Hà Nhì hoa và Hà Nhì Đen
Ngôn ngữ: Tiếng nói Hà Nhì thuộc ngôn ngữ Tạng-Miến (ngữ hệ Hán-Tạng).

Sản xuất nông nghiệp

Hà Nhì là một trong những dân tộc có truyền thống khai khẩn ruộng bậc thang, đồng bào có nhiều kinh nghiệm khai hoang ruộng, khơi mương, đào phai, đắp đập. Người Hà Nhì chọn đất để làm ruộng bậc thang không kể núi cao hay thấp, phải là những nơi đó có khả năng dẫn nước tưới ruộng. Mùa mưa, khoảng từ tháng năm, tháng sáu âm lịch, là mùa vỡ hoang, lúc đó đất mềm dễ đào xới. Khai phá ruộng bắt đầu từ trên đỉnh núi rồi dần dần làm thấp xuống. Trước tiên phải phát cỏ, đánh gốc rồi dùng cày bừa san bằng mặt ruộng, đắp bờ giữ nước. Dụng cụ lao động chỉ có cuốc, cuốc chim, thuổng, cày và bừa gạt đất bằng gỗ. Với những công cụ đơn giản như vậy, nhờ sức lao động cần cù và sáng tạo của mình, người Hà Nhì đã biến bao núi đồi thành những cánh đồng ruộng bậc thang. Đồng bào sử dụng phân chuồng chăm bón ruộng, để có năng xuất tốt hơn. Vì ruộng ở xa nhà, lại ở cao thấp khác nhau trên sườn núi không gánh phân bỏ ruộng được, đồng bào đã biết lợi dụng mương phai để đưa phân tới các ruộng bậc thang. Đồng bào thành thạo kết hợp cấy lúa nước, làm nương và làm vườn cạnh nhà. Quá trình làm ruộng đồng bào dùng cày và cuốc để trồng ngô, sắn, đậu, bầu bí bông, chàm. Ngày nay, người Hà Nhì khai phá được nhiều ruộng bậc thang nên diện tích nương đã giảm đi nhiều.

Đồng bào phát triển chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, vịt để lấy sức kéo, phân bón ruộng, đồng thời cải thiện cuộc sống. Hiện nay, họ nuôi nhiều gia súc, gia cầm theo lối chăn thả tự nhiên, đàn trâu trong rừng có khi hàng trăm con, có thể đem bán, tăng thêm nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Kinh tế tự nhiên

Hái lượm còn chiếm vị trí đáng kể trong đời sống hàng ngày. Người Hà Nhì đã tận dụng triệt để điều kiện tự nhiên để săn bắn, hái lượm, phục vụ cuộc sống. Hái lượm, bắt cá có thể tiến hành bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, đối với từng loại, đồng bào lựa chọn theo mùa, xác định thời vụ để thu hái hiệu quả. Chẳng hạn, mùa khô, họ xuống sông, suối bắt các loại tôm cá, trai, hến, ốc ruộng, ốc suối. Mùa mưa họ bắt các loại ốc núi. Đối với các loại cây có chất bột như củ mài, bột báng… đồng bào nắm vững chu kì sinh trưởng và phát triển của từng loại để thu hoạch. Việc săn bắn chim thú diễn ra quanh năm với mục đích vừa cải thiện đời sống vừa bảo vệ mùa màng. Trong quá trình săn bắn, đồng bào đã tự tạo ra các loại bẫy thú to, thú nhỏ, các loại lồng nhử chim. Ngày nay do rừng bị thu hẹp nên nguồn thức ăn từ rừng mang lại cho đồng bào ngày càng cạn kiệt, đồng bào đã chuyển sang chăn nuôi gia súc gia cầm để cải thiện đời sống.

Nghề thủ công

Người Hà Nhì có nghề thủ công phát triển, nổi bật là đan lát, dệt vải và nhuộm màu. Nghề trồng bông, dệt vải đảm bảo nhu cầu vải mặc truyền thống. Có nơi do khí hậu lạnh, không trồng được bông, đồng bào phải đem các sản phẩm như chàm, đồ đan, gia cầm đổi lấy bông. Bông được trồng vào tháng 2, trên những nương dốc, nương bằng hay ở đất pha cát, đến tháng 5, 6, bông được thu hoạch, phơi khoảng 2 nắng, mới cán bông, tách hạt, cuốn cúi, se sợi, cuộn sợi, đem luộc trong nước sôi có pha ít cám ngô hoặc cám gạo để hồ sợi, phơi khô, cuốn ống sợi, rồi mới lên go dệt vải. Phụ nữ dệt vải trên khung cửi nhỏ, khổ 20 -30cm. Dệt xong nhuộm chàm 7-8 nước. Chàm được trồng trên nương gọi là nương quả ớt, vì trước khi trồng chàm vào tháng 2, người ta thường trồng ớt. Ngày nay giao lưu kinh tế thuận lợi, nhưng phần lớn đồng bào Hà Nhì Đen ở Lai Châu vẫn tự túc vải mặc để may quần, áo, địu  May xong, chị em mới thêu hoa văn, bởi vậy, dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc có những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt, khác với nhiều dân tộc khác. Nghề đan lát của người Hà Nhì khá phát triển, tuy chỉ đan lát vào lúc nông nhàn, tận dụng mây, tre có sẵn ở địa phương, nhưng đồng bào đã đan được rất nhiều sản phẩm đẹp như: mâm, gùi, ghế, làn, địu, rổ, rárất tinh xảo. Ngày nay, người dân sử dụng đò nhựa, nên người đan lát ngày càng ít, chỉ có người già còn đan.

Phương thức vận chuyển

Người Hà Nhì phổ biến dùng gùi đeo qua trán, một số nơi dùng trâu, bò, ngựa trong việc đi lại và chuyên trở. Hiện nay, đồng bào sử dụng xe đạp, xe máy để vận chuyển.

Trao đổi hàng hóa

Trước đây, đồng bào Hà Nhì thường đổi hàng lấy hàng theo giá trị vật ngang giá, trâu, bò, vải, quần áo…Trong đó trâu là vật ngang giá trong việc trao đổi lương thực, thực phẩm Ngày nay, đồng bào phổ biến hình thức mua bán bằng tiền ở các chợ huyện, thị xã…

Văn hóa mặc

Người Hà Nhì có hai nhóm địa phương: Hà Nhì Hoa và Hà Nhì Đen. Trang phục truyền thống của nam giới Hà Nhì với một màu chàm đen, áo mở, cài khuy vải trước ngực, quần nam và nữ đều may kiểu quần chân què, cạp lá tọa, trong khi đó, trang phục của phụ nữ có nhiều sắc thái khác nhau. Bộ nữ phục Hà Nhì Hoa mầu sắc rực rỡ. Bộ nữ phục Hà Nhì Đen ít trang trí, thêu thùa, chủ yếu là mầu chàm đen. Nhóm Hà Nhì Hoa ở Lai Châu có hai nhánh Hà Nhì “La Mí” (nhóm núi cao) và Hà Nhì Cồ Chồ (nhóm ở thấp hơn), mỗi nhánh cũng có sự khác biệt. Sự khác nhau được biểu hiện rõ nhất trong chiếc áo ngắn mặc ngoài. Chiếc áo ngắn của phụ nữ Hà Nhì La Mí may kiểu ghi lê không có tay áo, cài khuy cạnh nách phải. Cổ áo, nẹp ngực, nửa thân được trang trí bằng kỹ thuật ghép vải, kết hợp với kỹ thuật thêu, đính hạt bạc. áo ngắn phụ nữ Hà Nhì Cồ Chồ may kiểu tứ thân mở ngực, tay ngắn. Cổ áo, nẹp ngực, hai bên sườn trang trí hoa văn ghép vải mầu và hoa văn thêu.

Bộ trang phục nữ Hà Nhì Hoa La Mí gồm có: Khăn, mũ, vành đai đội dầu bằng vải, vòng hạt cườm, áo dài, áo ngắn, quần, thắt lưng, xà cạp, túi đeo, vòng cổ, vòng tay. Khi ra khỏi nhà, họ còn đeo thêm chiếc túi (Khà co) bằng vải chàm, mỗi bên thân túi có đáp trang trí một miếng vải phin đỏ và xanh, để đựng kim chỉ, áo, quần khâu dở, tranh thủ khâu vá, thêu lúc rảnh rỗi. Khăn đội đầu (ùstrò) hình vuông, nhuộm chàm đen, thêu họa tiết vuông, bao phủ 4 tam giác, 2 tứ giác, hoa 4 cánh bằng chỉ đỏ, vàng, bốn góc khăn đính tua len, xâu hạt cườm nhựa đủ màu. Khi đội, gấp chéo khăn hình tam giác, một đầu xếp dầy trước trán, thả đầu khăn ra sau, cài kim băng sau gáy, đầu tam giác còn lại vắt ngược lên trán, trùm qua đầu, buông chùm tua hạt cườm ra sau. Mũ (Pa Pịa) ghép vải hoa và đính hai hàng hạt bạc giả, 2 dây vòng bằng hạt cườm nhựa có tua len ở đầu, đủ màu làm quai. Vành đai (ủ Slung) bằng vải phin, giữa có mảng hoa văn tám cánh, sát mép trên có tua len đỏ, vàng, khi chụp bên ngoài khăn, tua len dựng ngược. Vòng chụp đầu hạt cườm (Pi sí)  dùng buộc ngoài cùng, giữ cho khăn, mũ, vành đai thêm chắc chắn. Riêng thiếu nữ chưa chồng còn sử dụng chiếc vòng mây (ná cọ) bằng 4-6 mảnh dây mây chẻ đôi nhuộm đỏ, hai đầu được đính vào một dây vải chụp vừa khít lên đầu. Vòng mây được đeo thấp xuống dưới trán, sau đó chụp mũ hay mảnh vải trang trí rồi mới đội khăn vuông, chụp vành đai và vòng hạt cườm. áo dài (pí mó) may kiểu năm thân, cài khuy tết bằng vải bên nách trái, cổ tròn (ló khẹ), thêu hoa văn hình răng cưa. Tay áo (ló ủ) đáp ghép các khoanh vải khác màu, xen lẫn hai đoạn hoa văn hình hoa die. Trên thân áo (từ cổ đến nách) đáp trang trí các đường vải màu, hoa văn hình răng cưa, sóng nước. Quần (Slà) màu chàm xanh, kiểu chân què, cạp lá toạ, Khi mặc, quấn chặt vào eo người mặc sau đó giắt vào bụng, dùng thắt lưng buộc ngoài. Thắt lưng (là phi) thêu kín hoa văn hình móng ngựa, móc câu châu đầu vào nhau, hình núi, hình răng cưa, sau đó viền vải các màu. Xà cạp hình ống (Khứ strừ) màu trắng, gắn liền với đôi dây buộc vải.

Bộ trang phục nữ Hà Nhì Đen (Pí hơ là suỳ đà mi dà ơ) gồm có: khăn, dây độn tóc, áo, quần, yếm, xà cạp. Tuy nhiên, màu và cách trang trí khác hoàn toàn với trang phục Hà Nhì Hoa. Tóc, độn tóc (só pe) làm từ rất nhiều dây sợi bông, nhuộm đen, đính thêm những túm len màu xanh, đỏ, vàng ở đầu tua, tết đuôi sam và quấn quanh đầu nhiều vòng, khoe đầu độn tóc to như bắp chân cạnh tai trái, làm tăng độ dày cho khăn đội đầu (ù phi) – hình vuông, có 2 hàng tua sợi màu đen. Khi đội, gấp chéo khăn, quấn ngang đầu, buộc nút ở phía sau, tua rủ xuống hai bên thái dương. áo (Pí hơ) may bằng vải đen, kiểu tứ thân, cổ đứng, dài quá đầu gối, xẻ nách, cài khuy bên nách phải. Thân áo (pí đò mò ho pô) cắt nhọn ở giữa giống hình con ong, dọc hai bên sườn, dưới  nách áo có đáp một hoặc ba đường vải xanh song song kéo vòng hết tà áo, tạo thành góc nhọn giữa thân áo. Quần (Là suỳ) chân què, cạp lá toạ. Yếm (sừ đà)màu đen, phần trên ngực cắt theo hình vòng cung, với 5 đoạn thẳng nối nhau. Trên đó trang trí những đường ghép vải tròn, màu xanh, đính thêm các hình tròn như chiếc cúc áo bằng chỉ màu hoặc thêu hoa văn 8 cây hoa uốn theo vòng cung. Xà cạp (khứ hò) màu đen, hình ống (xà cạp ống), thêu hoa văn trang trí bằng chỉ màu xanh, đỏ hình răng cưa (su su e sơ) và hình ngọn cây đao (go nhung nà a de), mặc vào bắp chân, phía trên dùng dây buộc chặt.

Văn hóa ẩm thực

Người Hà Nhì dùng cả cơm nếp và cơm tẻ trong các bữa ăn hàng ngày. Thực phẩm chủ yếu được cung cấp từ săn bắt, đánh cá, hái lượm. Món ăn phổ biến nhất là các loại cải muối dưa nấu với thịt, cá; canh cá nấu rau chua; cá chua (cá làm sạch, ướp muối, mắc khén, để 5 phút, cho vào ống nứa, phủ lớp cơm nguội trên miệng ống, nút chặt bằng lá chuối khô, khoảng 4-5 ngày, dậy mùi là cá ngấu chua) xào mỡ nêm gừng;  thịt, cá bống xào với măng chua (thịt hoặc cá xào trước, cho măng chua vào sau, thái nhỏ tía tô xào cùng). Ngoài ra, đồng bào còn có món nộm hoa chuối, châu chấu rang, cào cào rang chua, dế mèn xào mỡ, ve sầu xào nước chua, trứng kiến rang Vào dịp lễ tết, họ thường làm nhiều loại bánh như bánh trưng, bánh dày, thịt lợn nướng, xào, làm chua, đặc biệt là cháo nấu với thịt gà, lợn.

Văn hóa ở

Bộ phận người Hà Nhì làm ruộng nước, định canh định cư từ lâu đời, nên bản làng thường khá đông, có tới 50, 60 hộ, có tuổi vài chục đến trên 100 năm tuổi. Những nơi làm nương, bản thường phân tán rải rác theo nương. Trong các bản làng, các ngôi nhà xây dựng theo thế đất, tựa lưng vào đồi núi, cửa nhìn về phía thung lũng, để của cải trong nhà bao giờ cũng đầy đặn. Nhìn từ xa những ngôi nhà trông như hình cây nấm, nối nhau mọc lúp xúp bên sườn núi, làm cho những bản làng nhỏ bé của đồng bào đẹp như một bức tranh. Nhà cổ truyền người Hà Nhì là nhà đất, trình tường, trong nhà có một lớp tường thứ 2, có tác dụng phòng thủ và chống rét, chống sương, mây mù lùa vào nhà. Lớp tường ngoài và lớp tường trong cách nhau 1m50, tạo nên khoảng trống gọi là hiên trong. ở tường thứ hai mở một hoặc hai cửa để vào trong nhà. Bộ khung nhà khá đơn giản, vì kèo kiểu ba cột, mái nhà dốc và ngắn. Mặt bằng sinh hoạt bố trí như sau: hai gian ở 2 đầu được ngăn thành 2 buồng dành cho vợ chồng chủ nhà, con cái hoặc vợ chồng con trai. Khoảng 1/3 chiều rộng của hai gian giữa là phần đất, phần còn lại được dựng thành sàn. ở phần đất có bếp lò nấu cơm, cám lợn, có chạm bát. Phần sàn là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi ngủ của con cái, khách. Trên sàn còn có bếp lửa để sưởi.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Đồng bào Hà Nhì có nhiều dòng họ khác nhau như: họ Ly, Sần, Có (Cáo), Phà, Phu, Chu, Bờ, Vù, Toán… Mỗi họ chia thành nhiều chi, mỗi chi thường lấy tên ông tổ của chi mình làm tên gọi. Như họ Ly có các chi lò Ly Đo Xá, Ly Mé Xe, lò Ly Dú Xí, lò Ly Dé Phe  Mỗi gia đình Hà Nhì có bàn thờ riêng, anh em trai cùng bố có chung một bàn thờ bố mẹ, do anh cả trông nom việc thờ cúng. Nếu anh cả chết không có con trai kế thừa, thì chuyển bàn thờ cho em út. Các em trai hay anh vợ con của họ chết, phải đưa xác tới cúng ở nhà anh cả, nơi có bàn thờ bố mẹ rồi mới được chôn, được thờ cúng chung với tổ tiên, được cúng trong buổi chự cư hàng năm. Chự cư (Sự dú) là buổi lễ mang tính chất dòng họ, kể lại các đời của dòng họ mình. Hàng năm, vào tối 30 tết, cả gia đình ngồi quây quần bên bếp lửa nghe người già kể về lịch sử sinh ra con người, tổ tiên và dòng họ mình. Khi bắt đầu kể về dòng họ, người già đọc tên từng tổ tiên, các con trai, cháu trai đều đọc theo (phụ nữ ngồi nghe, không được đọc). Để dễ nhớ, người Hà Nhì đã đặt tên theo nguyên tắc tên cha làm tên đệm của con, vì vậy, họ có thể đọc mấy chục đời tên tổ tiên. Ví dụ, họ Ly (xã Y Tí), sau khi kể sự hình thành con người là Ô Ma, Ma Hồ, trải qua 42 đời nữa, tới đời Ly Ngô. Từ đây bắt đầu tách họ riêng như Ly, Tráng, Phà (một vài họ như Sần có một lịch sử khác, không sinh ra từ Ly Ngô). Nếu tính họ Ly bắt đầu từ đây cho đến thế hệ những người họ Ly trên 60 tuổi hiện nay, thì dòng họ này đã trải qua tất cả là 29 đời. Bằng cách tính chự cư như thế những người cùng tên họ với nhau dù không quen biết cùng có thể tìm ra mối quan hệ họ hàng của mình.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Trong hôn nhân, trai gái Hà Nhì được tìm hiểu nhau trước khi kết hôn. Tùy nơi, tục cưới hỏi của đồng bào Hà Nhì có sự khác biệt. ở Bát Xát, lễ dạm hỏi gồm ba bước: lần đầu, người mối (diế khà) mang một chai rượu, quả trứng và hai gói cơm nếp sang nhà gái nói chuyện cưới xin. Lần thứ hai, ông mối mang thêm một đồng bạc trắng biếu cô dâu tương lai. Lần thứ ba, ông mối sang xin nhà gái định ngày cưới. Mỗi cặp vợ chồng phải trải qua hai lần cưới. Ngay sau lần cưới trước, họ đã thành vợ chồng, cô dâu về nhà chồng và theo phong tục nhà chồng: cô dâu phải đổi họ theo chồng. Lần thứ hai tùy điều kiện kinh tế, có thể làm sau vài ngày, vài tháng, vài năm, 50-60 năm sau, thậm chí, lúc chết mới làm.

Cưới lần thứ nhất: người con trai rủ vài người bạn đến nhà người yêu, cô gái trả lại chàng trai một đồng bạc trắng mà người mối đã đưa sang hôm dạm. Họ đưa nhau về nhà trai chào bố mẹ và cúng tổ tiên. Hôm đó, hai gia đình đều làm bữa cơm thân mật mời bà con hàng xóm để chúc mừng hạnh phúc cho đôi trẻ. Từ đó, con dâu về ở hẳn bên nhà chồng. Sáng hôm sau, nhà trai sang nhà gái với lễ vật gồm chai rượu, cơm nếp và một quả trứng để hỏi về đồ thách cưới trong lễ cưới lần thứ hai.

Cưới lần thứ hai: nhà gái thường ăn uống tiếp khách 1 ngày, nhà trai 2  ngày. Số lượng tiền gạo, thịt rượu chi tiêu trong ngày cưới rất tốn kém, nên người Hà Nhi chỉ tổ chức lễ cưới khi gia đình đã làm ăn khấm khá. Nhiều người nghèo, 50-60 năm sau, khi đã có con, có cháu mới đủ khả năng tổ chức lễ cưới lần thứ hai. Có người cho đến lúc chết vẫn không cưới xong. Với những trường hợp này, lúc chết, trước khi làm ma, người ta phải làm lễ cưới tượng trưng với lễ vật là một con gà và ba gói xôi.

Phụ nữ Hà Nhì có tục đẻ đứng. Tập tục truyền thống, khi thai phụ chuyển dạ, với mong muốn thai phụ dễ đẻ, gia đình đập vỡ ống bương đựng nước cho nước toé ra hoặc thả ống bương nước trong có cái đục từ trên đỉnh nóc nhà xuống, đục bắn ra giống như đứa trẻ được đẻ ra. Có nơi sản phụ được uống nước tro của ruột voi với mong muốn sản phụ có sức mạnh như voi. Nhau thai được chôn ở ngay sau cửa ra vào hay cột cạnh bếp lò. Thời gian ở cữ, người Hà Nhì có tục làm dấu bằng chiếc nón úp trên cọc ở trước cửa, nếu cọc ở phía bên phải – sinh con gái, bên trái – sinh con trai, để cấm người lạ mang vía xấu vào nhà, buồng sản phụ lúc nào cũng có một lò than hay bếp sưởi, hàng ngày (khoảng 4-5 tháng), họ phải dội nước sôi vào hố để rau khỏi thối và giết kiến, mối. Sau khi sinh một đến 3 ngày, người Hà Nhì làm lễ đặt tên cho con. Tên con đặt theo ngày sinh hay phụ tử liên danh (tên bố làm đệm cho tên con): con gái thường đặt tên là: Mơ, Nhò, Bơ, Sú, Máy, Phơ. Con trai có các tên: Xe, Thó, Dì, Suy, Mìa, Dú, Dé… Sau 12 ngày, theo lịch dân tộc, vào đúng ngày sinh của con, bố mẹ làm lễ cho con ra ngoài. Nếu con gái, mẹ địu đi, tượng trưng lấy củi ở quanh bản, nếu con trai – mẹ cầm dao đi phát nương và làm cái móc treo chài đánh cá để đứa trẻ ngay từ đầu đã quen với những công việc lao động sau này của mình.

Tập tục tang ma

Khi trong nhà có người chết, tấm liếp của buồng người chết phải dỡ bỏ (hay rút một vài nan), phá bàn thờ tổ tiên, làm giường đặt tử thi ở bếp, chọn ngày giờ tốt để chôn. Vào mùa mưa, quan tài người chết được treo xuống huyệt nhưng không lấp, bên trên có nhà táng hoặc đặt trên giàn, sang mùa khô mới đem chôn. Nơi đào huyệt được chọn bằng cách ném trứng, trứng vỡ ở đâu thì đào ở đấy. Kiêng chôn vào mùa mưa, vào thời điểm đó quan tài người chết được treo xuống huyệt nhưng không lấp, bên trên có nhà táng hoặc đặt trên giàn. Hết mùa mưa mới đem chôn quan tài có người chết. Đồng bào Hà Nhì có tục mang thi thể con trai, con dâu đến cúng trước bàn thờ tổ tiên nhà anh cả rồi mới đi chôn. Một số nơi như ở Mường Tè, sau khi nhập quan, con trai hay người chủ lễ tổ chức chụ cư, đọc 3 lần gia phả của dòng họ kể từ đời bố mẹ trở lên để đưa người đã khuất về với tổ tiên.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Hà Nhì thờ cúng tổ tiên theo gia đình và do con trai cả, dòng trưởng đảm nhận. Gia đình nhỏ phụ quyền song người phụ nữ vẫn được trân trọng trong xã hội. Bàn thờ tổ tiên thường ở cạnh cột cái trong buồng chủ nhà. Bàn thờ có khi chỉ là một ống tre trong đựng ít men rượu, có nơi (ở người Hà Nhì Cồ Chồ) là một chiếc sọt đan mắt cáo buộc vào cột, tại đây người ta cắm vài bông lúa vào hôm cúng cơm mới và chiếc que ha ti ta pa (que đánh đầu gà). Theo phong tục của nhóm này trước khi cắt tiết gà để cúng tổ tiên phải dùng chiếc que này (dài 20cm, rộng 4-5cm) gõ lên đầu gà mấy cái nhằm báo cho tổ tiên nhận gà cúng. Sau mỗi lần cúng que đó lại được gài vào chỗ cũ. Muốn có que đánh đầu gà phải làm lễ cúng ha ti tá pa báo trước cho tổ tiên biết. Cùng với việc thờ cúng tổ tiên, người Hà Nhì còn rất coi trọng thờ bố mẹ vợ. Nơi thờ ma bố mẹ vợ ở chiếc cột chống nóc đối diện với cột thờ tổ tiên trong nhà. Mỗi khi cúng tổ tiên, bao giờ cũng phải cúng cả bố mẹ vợ; lễ vật chung trên một mâm cúng nhưng thường cúng bố mẹ trước, sau đó mới đến bố mẹ vợ.

Cúng bản, gà ma thú hay gà ma dó (Bát Xát) mỗi lễ cúng lớn của người Hà Nhì, hàng năm được tổ chức vào các ngày hổ, cừu hay dê của tháng âm lịch nhằm mục đích ngăn ma vào bản, cầu mong người và gia súc khoẻ mạnh, sinh sôi, nảy nở, mùa màng tốt tươi. Lễ cúng tổ chức trong hai ngày, ngày đầu cúng gà ma (thần trông coi bản),  thu tỉ (thần đất) ở một hòn đá, tượng trưng cho các vị thần canh một gốc cây cao phía trên bản. Ngày thứ hai, làm cá tu tu, dựng cổng ở các ngả đường vào bản để ngăn ma rừng. Cổng gồm hai cột con cắm hai bên đường nối với nhau bằng một sợi dây bện rơm hay cỏ gianh, trên đó buộc các loại dao nhọn bằng gỗ, trên cột còn buộc thêm súng gỗ, giáo tre hướng chĩa ra ngoài làng. Dưới chân cột còn có sọt đất (tượng trưng cho thóc) và đá (ngô) để dâng cho ma rừng. Lễ hiến chó làm ngay trên con đường chính vào bản, các đường khác vào bản cũng làm cổng như trên và treo đuôi, chân chó hoặc cả bộ lông gà được lột da một cách cẩn thận. Một vài nơi, người ta còn khắc hình âm vật dương vật lên trên những phiến gỗ đặt cạnh đường để cầu mong sự phồn thực trong bản làng. Sau lễ cúng cấm ba ngày không cho người lạ vào bản.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

: Đồng bào Hà Nhì có kho tàng văn hóa dân gian phong phú (truyện thần kỳ, cổ tích, trường ca, ca dao, thành ngữ…); Dân ca, dân vũ với nhiều loại nhạc cụ (đàn môi, khèn lá, sáo dọc, trống) được mọi lứa tuổi ưa thích.  Nam, nữ thanh niên có điệu múa riêng, đều theo nhịp tấu, nhạc cụ gõ. Trai, gái Hà Nhì tỏ tình thường dùng các loại khèn lá, đàn môi, sáo dọc. Các thiếu nữ thích thổi am-ba, mẹt-du, tuy-húng hay nát-xi vào ban đêm. Con trai gẩy đàn La khư. Ngày lễ hội còn có trống, thanh la, chập cheng góp vui. Người Hà Nhì có nhiều bài hát: các mẹ hát ru, thanh niên nam nữ hát đối. Có hát đám cưới, hát đám ma, hát mừng nhà mới, hát tiếp khách quý, hát trong ngày Tết có khi dài tới 400 câu.

Tết, lễ hội cộng đồng

Dân tộc Hà Nhì có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc. Tết năm mới vào đầu tháng 10 âm lịch. Trong năm còn có Tết cơm mới, Tết mồng 5/5, rằm tháng 7; cans lễ hội: “Khu già già, cúng thần rừng, Trùm chăn…, lễ cúng cơm mới.. Trong đó, Tết “khu già già” là lễ hội lớn và lâu đời nhất của người Hà Nhì, nhằm cầu xin các vị thần phù hộ cho mùa màng tốt tươi, người yên, vật thịnh. Lễ cơm mới làm vào lúc lúa sớm bắt đầu chín. Người Hà Nhì đi nương ngắt 6 hoặc 3 bông lúa mới và bắt 2 con châu chấu. Khi về đến đầu làng, người ta chặt 3 nhát trên một cành cây, gói một con châu chấu nhét vào nhát chặt ở giữa, hai nhát hai bên chỉ nhét gói lá không; con châu chấu còn lại được thả ra sau khi đã bẻ hết răng. Vừa làm họ vừa nói: “Ba tháng châu chấu không ăn lúa của ta thì ba ngày ta không bắt mày nữa. Ba ngày sau đó người ta không bắt châu chấu để hy vọng chúng không phá hoại lúa. Buổi tối gia đình nấu cơm cúng tổ tiên và treo những bông lúa mới lên cột thờ. Trong lễ cơm mới người Hà Nhì Cồ Chồ lấy gạo mới và gạo cũ cùng với một con châu chấu làm bánh dày cúng tổ tiên.