Raglai

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Raglai có 122.245 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú tập trung ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, một số ít tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Tên gọi: Dân tộc Raglai còn gọi là Raglây, Raglay, Hai, Noana, La Vang.
Ngôn ngữ: Tiếng Raglai thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô-Pôlynêsia (Ngữ hệ Nam Đảo).

Sản xuất nông nghiệp

Kinh tế nông nghiệp trồng trọt: Người Raglai sống du canh du cư theo các triền núi, cuộc sống chủ yếu sản xuất nông nghiệp, tự cung tự cấp. Đồng bào làm nương rẫy theo phương pháp cổ truyền: phát, đốt, chọc, trỉa với các loại cây trồng chủ yếu: lúa, bắp (ngô), bo bo, cao lương, kê…Ngoài ra còn có các cây trồng khác như: khoai mì, khoai chụp, bầu, bí, d­ưa, đậu, các loại rau và một số cây gia vị. Công cụ sản xuất chủ yếu là: rìu, rựa, chà gạc, gậy chọc lỗ, nạo cỏ. Do thổ nhưỡng và khí hậu khô nóng, cây lúa ít chịu được hạn nên cây lương thực chính của đồng bào là bắp (ngô). Ngoài ra, đồng bào còn trồng cây công nghiệp và cây ăn trái nh­ư mít, đu đủ, chuối, khóm (dứa), keo… Ngày nay, người Raglai đã sống định canh, định cư, ngoài canh tác trên nương rẫy, đồng bào đã canh tác thêm lúa nước, đời sống ổn định hơn. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người Raglai còn chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm theo lối thả rông (trâu, bò, heo, gà, vịt…), tối đến mới lùa về chuồng. Vật nuôi chủ yếu để làm thức ăn, hiến sinh trong các dịp tế lễ, làm sức kéo (trâu, bò) phần nhỏ bán lấy tiền. Ngày nay, đồng bào đã làm chuồng trại nuôi nhốt, thậm chí một số hộ gia đình nuôi bò sinh sản còn trồng cả cỏ voi làm thức ăn để đàn bò phát triển tốt.

Kinh tế nông nghiệp chăn nuôi: Trước đây, người Raglai chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm theo lối thả rông (trâu, bò, heo, gà, vịt…), tối đến mới lùa về chuồng. Vật nuôi chủ yếu để làm thức ăn, hiến sinh trong các dịp tế lễ, làm sức kéo (trâu, bò) phần nhỏ bán lấy tiền. Ngày nay, đồng bào đã làm chuồng trại nuôi nhốt, thậm chí một số hộ gia đình nuôi bò sinh sản còn trồng cả cỏ voi làm thức ăn để đàn bò phát triển tốt.

Kinh tế tự nhiên

Kinh tế tự nhiên: Kinh tế tự nhiên đóng vai trò quan trọng, góp phần bổ sung và làm phong phú thêm nguồn thức ăn hàng ngàycủa người Raglai. Các sản phẩm hái lượm gồm: các loại khoai rừng (hu buơi kel), khoai từ (hu b­ơi săm­k), củ mài (hu b­ơi tapung), củ nằn (akok daning), cu do (akok do)…; hoa quả rừng: quả thị (boh makia), trái da đá (boh djau), quả xay (boh djuai), mằn tăn (boh tăh), trái nâu (boh jamau)… X­ưa kia, nam giới Raglai rất giỏi săn bắt thú rừng (heo, nai, trăn, cúi lúi, mẻn, rắn, tắc kè, kỳ đà…), đánh bắt cá và các loại nhuyễn thể (ếch, ễnh ­ương, nhái), nhộng kiến, mối cánh. Ngày nay, diện tích rừng bị thu hẹp, thú rừng khan hiếm, việc săn bắt đã bị cấm nên đồng bào đã chuyển sang phát triển chăn nuôi và trồng trọt.

Nghề thủ công

Các nghề thủ công: Người Raglai có một số nghề thủ công truyền thống để phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày: rèn, đan lát, làm nỏ, chế tác nhạc cụ. Ngoại trừ dệt vải, các nghề thủ công chủ yếu do đàn ông đảm nhiệm. Đồng bào đặc biệt trú trọng phát triển đan lát các sản phẩm vận chuyển và đồ gia dụng như: gùi để vận chuyển nông sản, lương thực; quần áo, sàng, nia, rổ, rá để chế biến ẩm thực; giỏ đựng …  Ngoài ra, đồng bào còn biết làm ra các loại nhạc cụ (đàn chapi, kèn bầu, đàn đá…) phuc vụ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hiện nay, đồng bào tận dụng những hạt quả rừng (hạt mắt mèo, bồ đề, cầm thảo, bồ cao, gõ đỏ… ) để tạo nên những mặt hàng lưu niệm, đồ trang sức (vòng tay, vòng cổ) bán cho các đại lý ở thành phố phục vụ khách du lịch, nâng cao đời sống.

Phương thức vận chuyển

Phương thức vận chuyển: Phương tiện vận chuyển chủ yếu của người Raglai là các loại gùi có kích thước to, nhỏ, phù hợp lứa tuổi, giới tính và từng công việc cụ thể: lên rừng, đi rẫy, vận chuyển lúa bắp, rau măng; ra suối lấy nước; đi chợ, đi chơi, đi thăm hỏi người thân… Hiện nay, giao thông thuận lợi, họ thường sử dụng xe đạp, xe máy để đi lại và vận chuyển hàng hóa, thay dần cho chiếc gùi truyền thống xưa.

Trao đổi hàng hóa

Trao đổi hàng hóa: Trước đây, cuộc sống của người Raglai chỉ bó hẹp trong khuôn khổ của làng, theo lối tự cung tự cấp hoặc có sự trao đổi vật lấy vật mang tính ước lệ trong cộng đồng tộc người. Về sau, cư dân các dân tộc Kinh, Chăm mang hàng hóa là những vật dụng sinh hoạt thiết yếu đến tận nhà trao đổi với đồng bào để họ lấy các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi như: lợn, gà, vịt, khoai mì (sắn), ngô… Hiện nay, người Raglai chủ yếu giao dịch bằng tiền ở các chợ xã, huyện, cửa hàng tạp hóa, người bán hàng dong….

Văn hóa mặc

Văn hóa mặc: Thời xa xưa, đàn ông Raglai ở trần, đóng khố; đàn bà quấn váy tấm, mặc áo cộc chui đầu, với 2 màu chủ đạo là đen và trắng. Nữ mặc áo thân ngắn, cổ tròn, ngực xẻ sâu khoảng 7-10cm. Thân áo từ ngực trở lên là màu trắng, từ ngực trở xuống là màu đen. Ống tay áo chia thành ba khoang đen trắng xen kẽ nhau. Váy của phụ nữ Raglai là loại váy ống màu đen, gấu váy được đáp một đường viền bằng vải khác màu. Đàn ông mặc áo (au) và khố (cà giọt). Áo nam giới về kiểu dáng, cách phối màu cơ bản giống của nữ. Vào ngày hội, họ đeo thêm nhiều đồ trang sức: vòng tay, vòng cổ, hoa tai bằng các chất liệu cườm, bạc, đồng. Ngày nay, đàn ông mặc quần âu và áo sơ mi, đàn bà mặc áo bà ba và váy hoặc quần.

Trình diễn, giới thiệu trang phục lễ hội của nam giới và phụ nữ dân tộc Chăm; Trang phục truyền thống của nam nữ dân tộc Raglai. Tiết mục trình diễn trang phục dân tộc do nghệ nhân hai dân tộc Chăm, Raglai và các diễn viên đoàn nghệ thuật dân gian tỉnh Ninh Thuận thực hiện.

Văn hóa ẩm thực

Văn hóa ẩm thực: Món ăn truyền thống hàng ngày của người Raglai đơn giản, chủ yếu là cơm, cháo gạo hoặc cháo ngô và không thể thiếu món canh, được nấu từ một trong các loại: bầu, bí, đu đủ, mít, lá sắn, quả sung và các loại lá cây rừng (lá bép, lá klăn, lá ô chao, lá paranhau, các loại măng, nấm). Thi thoảng, bữa ăn có thêm các loại thịt trâu, bò, heo, mẻn, nai, cá, ếch… được chế biến thành món nướng, luộc, kho, nấu canh, nếu bắt được nhiều, họ treo trên giàn bếp để khô ăn dần. Trước đây, do thường xuyên thiếu lương thực, nên người Raglai nấu cơm độn với các loại hạt, củ­: bắp, đậu, khoai mì (hu buơi kayau), khoai chạp (hu buơi balang) khoai sáp (hu buơi ra lin), khoai từ, khoai mài (củ mài). Khoai, sắn được gọt vỏ, cắt khúc, đem luộc hoặc giã nhuyễn làm bánh, nấu cháo, cắt thành từng lát mỏng, phơi khô, trộn cơm hay giã bột làm bánh ăn dần. Những ngày lễ tết, ngoài món cơm (la say) không thể thiếu bánh tét, bánh nướng ống lồ ô, chuối chín, thịt gà, heo (lợn), trâu, Cúi lúi và rượu cần. Những con vật hiến sinh thường cắt bỏ tiết vì họ quan niệm, tiết là phần của đất đai.

Trước kia, nước uống hàng ngày là nước suối. Ngày nay, họ đều đã thực hiện ăn chín, uống sôi. Rượu cần được chế biến từ bắp, bo bo, sắn, là đồ uống không thế thiếu vào những dịp cúng tế, hiến sinh, lễ hội cộng đồng.

Luật tục Raglai quy định rõ đến bữa ăn các thành viên trong gia đình phải ngồi ăn cùng nhau, không phân biệt già trẻ, nam nữ… và được quan tâm như nhau. Nếu ai có ngôn ngữ, hành vi sai lệch hoặc đối xử tàn tệ khi ăn đều bị lên án, nếu khuyên ngăn không được thì đưa ra làng xử việc, nhẹ nhất là phải làm lễ cúng tẩy rửa.

Văn hóa ở

Văn hóa ở: Làng (palây) truyền thống của người Raglai được lập trên sườn đồi, gần nguồn nước. Mỗi làng có vài chục nóc nhà của một hoặc nhiều dòng họ cùng sinh sống. Nhà ở truyền thống của người Raglai là nhà sàn dài, nơi chung sống của ba, bốn thế hệ dưới sự cai quản của chủ nhà – người già, cao tuổi nhất trong gia đình, dòng họ. Nhà sàn có kết cấu vững chắc, sàn nhà cách mặt đất 1,5m, gồm 1 cửa chính ra vào và cửa phụ ở hai bên đầu hồi. Đầu hồi phía bên trái ngôi nhà là không gian mở, làm nơi ngồi trò chuyện, đan lát của nam giới. Phía bên phải là nơi dành riêng cho phụ nữ, một góc được ngăn thành buồng riêng dành cho con gái đến tuổi lấy chồng. Phần thềm trước hiên nhà chạy suốt theo chiều dài của nhà rộng khoảng 3m là nơi tổ chức các sinh hoạt, mỗi khi gia đình có việc: cưới xin, tang ma, bỏ mả… Trong ngôi nhà truyền thống, có thể có nhiều bếp, nhưng bếp chính của chủ nhà phải luôn giữ để lửa không bị tắt. Đặc biệt, dù nhà lớn hay nhỏ, không thể thiếu cột cái  – cột thiêng ở giữa nhà, xuyên từ mái qua sàn xuống đất. Mọi nghi lễ cúng của gia đình đều diễn ra xung quanh cột thiêng này, nó giống như con đường lên xuống của ông bà tổ tiên mỗi khi về với con cháu trong các lễ cúng của gia tộc. Ngày nay, các gia đình hạt nhân dần tách ra khỏi nhà sàn dài, chuyển xuống những ngôi nhà đất nhỏ, vừa đủ cho một đôi vợ chồng và những đứa con.

Ngoài nhà chính, trên đám rẫy đang canh tác, người Raglai còn làm nhà rẫy để nghỉ ngơi, ăn uống trong những ngày lao động mùa vụ, có kho chứa lương thực trước khi mang về nhà.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Quan hệ xã hội, dòng họ: Xưa kia, mỗi làng của người Raglai đều có chủ làng  (pôpalây) là người có công đầu trong việc khai khẩn đất hoang lập làng. Bên cạnh đó, ở người Raglai còn có sự liên minh giữa các làng cư trú kế cận nhau để tạo thành một laga với một người đứng đầu gọi là chủ laga hoặc chủ núi (pôlaga). Chủ laga cũng là người có công khai phá đất đai, lập làng… nhưng chỉ có quyền duy nhất về mặt tín ngưỡng, họ là người đại diện tổ chức lễ cúng các thần linh khi bị hạn hán, mất mùa hoặc khi dân làng bị dịch, bệnh… Hiện nay, làng của người Raglai không còn vận hành theo luật tục riêng của cộng đồng, mà theo luật pháp của Nhà nước. Vai trò của chủ làng được thay thế bởi bộ máy chính quyền địa phương.

Người Raglai có các dòng họ như: Chăm Maléc (Mấu), Pi măng (Cau), Ka tơr (Bo Bo), Pa tâu (Tro), Asah, Kaya, Tu inb… Mỗi dòng họ hay mỗi chi của dòng họ có sự tích hay truyền thuyết riêng về nguồn gốc dòng họ của mình. Trong tộc họ, trưởng họ có quyền quyết định những công việc lớn.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Tập tục hôn nhân, gia đình: Người Raglai theo chế độ mẫu hệ, con gái cưới chồng về nhà mình với quan niệm “Chặt cây rừng về làm nhà, bắt người ta về làm người nhà mình”. Chàng rể là trụ cột trong gia đình nhà vợ, nhưng quyền quyết định những công việc lớn vẫn thuộc về người vợ và ông cậu bên vợ. Nếu đàn ông Raglai lấy vợ là người Kinh hay dân tộc khác, sống theo chế độ phụ hệ, thì quyền trong gia đình nghiêng về người chồng. Ở người Raglai, con gái sinh ra mang họ mẹ, quyền thừa kế tài sản chỉ thuộc về con gái, đặc biệt người con gái út gánh vác trọng trách quản lý gia đình khi cha mẹ qua đời…

Trong gia đình, mọi thành viên đều phải có trách nhiệm với nhau. Cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con cái trong khuôn khổ đạo đức của cộng đồng. Ngược lại, con cái dù đi đâu cũng phải có trách nhiệm với gia đình, cha mẹ và những người thân. Luật tục Raglai quy định phải xử những đứa con bất hiếu tội thật nặng, không trừ một ai để răn đe những người làm trái với đạo đức của tổ tiên, ông bà.

Tập tục tang ma

Tập tục tang ma: Người Raglai quan niệm, con người chỉ chết phần thể xác, còn linh hồn tiếp tục “sống” ở thế giới bên kia. Khi trong gia đình có người qua đời, người ta dùng vải hoặc quần áo cũ quấn quanh thi hài người chết và đặt trong quan tài bằng thân cây khoét rỗng hoặc quấn bằng vỏ cây. Người chết được chôn trên rẫy hoặc trong rừng, đầu hướng về phía Tây. Sau một thời gian chôn cất hoặc khi có điều kiện, người Raglai làm lễ Padhi (bỏ mả) để tiễn đưa linh hồn người chết về với thế giới tổ tiên, chấm dứt mối quan hệ giữa người sống và người chết. Thời gian tổ chức lễ bỏ mả thường từ 3-5 ngày, tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình. Đối với đám bỏ mả lớn thường có Kagor hình chiếc thuyền làm bằng gỗ được chạm khắc công phu. Trên lòng thuyền có nhà, hình chim và một số con vật khác. Kagor là tài sản tượng trưng cho sự giàu sang phú quí mà người sống làm để tặng cho người chết với ước mong người chết sẽ được sống sung sướng, đầy đủ ở thế giới bên kia.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Tín ngưỡng tôn giáo: Người Raglai theo tín ngưỡng đa thần, họ tin rằng mọi vật đều có linh hồn. Xung quanh đời sống của họ có cả một thế giới thần linh, trong đó “Yàng” là vị thần tối cao nhất, có thể phù hộ hoặc mang tai họa đến cho con người. Vì vậy, người Raglai thường thờ cúng “Yàng” để cầu mong sức khỏe và mùa màng bội thu. Ngoài ra, đồng bào còn thờ cúng các thần như: thần núi (Yang chớ), thần rừng (Yang gla glai), thần lúa (Yang Paday)… Ngày nay, đồng bào Raglai còn đi theo các tôn giáo mới, nhất là Công giáo và Tin Lành.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật: Người Raglai có đời sống văn hóa, văn nghệ dân gian khá phong phú. Những câu chuyện cổ tích, thần thoại, tục ngữ, làn điệu dân ca phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất, phong tục tập quán, tình yêu quê hương, đôi lứa… Về nhạc cụ khá phong phú như: mã la, các loại đàn chế từ lồ ô, tre, nứa (sáo Talakung, kèn môi, đàn môi, kèn Gadet, đàn Chapi, kèn bầu Sarakel, kèn bầu Kupoăt…). Đặc biệt, đàn đá là nhạc cụ cổ xưa nhất của người Raglai có lịch sử từ 3000-5000 năm.

“Âm vang Raglai” là điệu múa dân gian của dân tộc Raglai, thể hiện sức sống của con người, văn hóa và vùng đất miền Tây tỉnh Phú Yên. Tiết mục múa “Âm vang Raglai”, âm nhạc: Nhạc sỹ Vi Nhật Tảo, biên đạo: Chăm a Nế Thị Nga do tốp múa nữ dân tộc Raglai đến từ huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận biểu diễn.

Đán đá là nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người. Bộ đàn đá đầu tiên trên thế giới được ông G.Condominas, kỹ sư người Pháp phát hiện năm 1949 tại Tây Nguyên – Việt Nam. Năm 1979, ông Bo Bo Ren, người dân tộc Raglai ở Khánh Sơn tiếp tục công bố đã đào được bộ đàn đá Khánh Sơn từ hàng chục năm trước. Từ đó, ở Khánh Sơn đã phát hiện nhiều bộ đàn đá khác. Bộ đàn gồm 12 thanh đá, được đẽo gọt với độ lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau, tạo nên nhiều âm thanh, có thể coi là nhạc cụ tự rung như cồng, chiêng, đàn tơ-rưng…. Bộ đàn đá nguyên sơ được đồng bào Tây Nguyên dùng để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng, thể hiện sự giao hòa, chinh phục của con người đối với thiên nhiên. Đàn đá sau này chủ yếu được tấu trong những ngày lẽ hội: mừng lúa mới, mừng được mùa, ăn trâu, uống rượu cần. Tiếng đàn đá thay cho tiếng lòng, là lời kể, niềm an ủi, lúc vui, lúc buồn trong cuộc sống của người dân Tây Nguyên, trong đó có người Raglai. Hiện nay, đàn đá Khánh Sơn được các nghệ sỹ đưa lên sân khấu để biểu diễn cho khán giả thưởng thức những giai điệu trầm bổng, sâu lắng mang bản sắc riêng của cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên. Độc tấu đàn đá Khánh Sơn “Đàn ơi hát cùng ta” do nghệ nhân Bo Bo Dũng và đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Khánh Hòa biểu diễn.

Vũ điệu Gà rừng là tiết mục sáng tác mới dựa trên vũ điệu dân gian truyền thống – Alơu của người Raglai, ở tỉnh Bình Thuận. Điệu múa theo nhịp tiết tấu nhanh, sôi nổi, biểu diễn trong các lễ hội, thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng Raglai và cuộc sống hòa đồng với núi rừng thiên nhiên nơi cư trú. Vũ điệu Gà rừng, do NSND Đặng Hùng biên đạo, âm nhạc: Bảo Phúc, do tốp nam nữ Nhà hát ca múa nhạc Biển xanh biểu diễn.

Tết, lễ hội cộng đồng

Tết, lễ hội dân gian: Dân tộc Raglai có kho tàng lễ hội dân gian phong phú. Trong đó, đáng chú ý là lễ bỏ mả, lễ ăn lúa mới, lễ cưới, lễ cầu mưa thuận gió hòa, lễ trưởng thành, lễ xuống giống… Trong các nghi lễ đó, lễ ăn lúa mới (bấc padai barâu) là một trong những lễ hội lớn nhất của người Raglai được tổ chức sau khi thu hoạch xong để tạ ơn trời đất, tổ tiên đã ban cho vụ mùa bội thu. Theo phong tục của người Raglai, mặc dù lúa bắp đã đưa lên nhà sàn kho nhưng chưa làm lễ ăn lúa mới thì chưa được phép lấy ra ăn. Đối với đồng bào, lễ ăn lúa mới rất quan trọng, được xem như là ngày Tết cổ truyền của cả dân làng.