Phù Lá

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Phù Lá có dân số 10.944 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Dân tộc Phù Lá cư trú tập trung tại các tỉnh: Lào Cai (8.926 người) Yên Bái (942 người) và Hà Giang (785 người).
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Người Phù Lá có các tên gọi khác là: Xá Phó, Bồ Khô Pạ, Mú Dí Pạ, Phổ, Va Xơ Lao, Pu Dang, Cần Thin; các nhóm địa phương: Phù Lá Lão – Bồ Khô Pạ, Phù Lá Ðen, Phù Lá Hán.
Ngôn ngữ: Tiếng nói Phù Lá thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến, ngữ hệ Hán-Tạng

Sản xuất nông nghiệp

Trước đây, người Phù Lá chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, với phương pháp canh tác pháp, đốt, chọc lỗ tra hạt, săn bắn, phục vụ cuộc sống tự cung tự cấp. Hiện nay, người Phù Lá đã phát triển thâm canh lúa nước. Hiện nay, ở nhiều nơi như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai… đồng bào Phù Lá nhận được sự hỗ trợ đầu tư của chính phủ,  tiếp tục khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, mở rộng diện tích cấy lúa nước, cấy giống lúa mới, năng suất cao hơn, trồng ngô, kết hợp với kinh tế vườn rừng, trồng cây phân tán và khuyến lâm; trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khoanh nuôi tái sinh rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng. Ví dụ, ở Yên Bái, có tới 13 xã (Yên Hưng, Yên Thái, Yên Hợp, Yên Phú, Ngòi A, Mậu A, Mậu Đông…) thâm canh cây lúa; 6 xã chuyên trồng màu và cây ăn quả; 8 xã chuyển sang chuyên canh trồng quế. Nhiều vùng như Mường Khương, Lào Cai, Hà Giang, đồng bào còn trồng cỏ để chăn nuôi trâu bò.

Trước đây, đồng bào Phù Lá chủ yếu trâu, bò, ngựa, gà, lợn, dê, chó…để lấy sức kéo, vận chuyển và phục vụ lễ, tết, cải thiện cuộc sống. Vài chục năm trở lại đây,  đồng bào Phù Lá ở Hà Giang, Lào Cai …nhận được đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng thế giới phát triển mạnh chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. Ví dụ, ở xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, Lào Cai, ban đầu (năm 2011), dự án của Ngân hàng thế giới hỗ trợ cho 100 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện “Chăn nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ”, nuôi theo phương thức quay vòng. Người nuôi hưởng lợi con bê, còn con mẹ luân chuyển cho hộ nghèo khác. Đồng thời hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến, như chăn bò bằng ngô non gieo dày, cỏ voi làm thức ăn dự trữ, nhốt bò trong chuồng trại, không thả bò sớm khi có sương muối, hỗ trợ 1 lần tiền mua giống gia súc, gia cầm và vắc xin tiêm phòng dịch bệnh …. Đến năm 2016, từ 100 con bò giống ban đầu, đến đã sinh sản và chuyển giao thêm được 179 con. Nhờ đó, kích thích bà con tiếp tục chăn nuôi bò, lợn nái đen có hiệu quả. Thời điểm 2018, cả xã Tả Gia Khâu có 412 hộ, nuôi gần 900 con bò sinh sản và bò thịt, trong đó nhiều hộ gia đình có hàng chục con bò, có giá vài trăm triệu đồng, bà con dần vươn lên thoát nghèo bền vững.

Kinh tế tự nhiên

Trước đây, cuộc sống khó khăn, năm nào, người Phù Lá cũng thiếu đói vài ba tháng, vì thế, săn bắn, hái lượm, đánh bắt cá nơi con suối là công việc mưu sinh thường xuyên của đồng bào. Ngày nay, không ai còn săn bắn nữa, hái lượm có duy trì, mùa nào thức ấy để lấy măng, rau làm thức ăn hàng ngày.

Nghề thủ công

Người Phù Lá có nhiều nghề thủ công như dệt, đan lát, mộc, rèn, thêu thùa…để phục vụ cuộc sống. Đồng bào tranh thủ lúc nông nhàn, nữ thì trồng bông kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm, thêu thùa, …Nam giới thì đan lát. Sản phẩm dệt của người Phù Lá Lão (Bồ khô pạ) nổi tiếng là cách dệt kết hợp với xâu ốc núi, cườm thành những mảng trang trí trên áo và thêu trên áo váy những mô típ hình cây thông, cỏ, hoa lá, hình vuông, hình thoi rất độc đáo. Sản phẩm đan lát mây tre là gùi vận chuyển, giỏ tra hạt, đồ đựng, đồ gia dụng nhiều họa tiết. Sản phẩm đan lát, dệt, thêu khoảng 20 năm nay không chỉ để dùng mà còn là hàng hóa trao đổi với các dân tộc khác và khách du lịch.

Phương thức vận chuyển

Người Phù lá chủ yếu vận chuyển bằng gùi. Cách vận chuyển của hai nhóm cũng có đặc điểm khác nhau: nhóm Phù Lá Lão – Bồ Khô Pạ đeo gùi trên trán, nhóm Phù Lá Hán và Phù Lá Ðen cõng gùi trên lưng hoặc sử dụng ngựa thồ để chuyên chở. Ngày nay đường xá, giao thông thôn bản phát triển đồng bào đã biết dùng các phương tiện như xe đạp, xe máy để vận chuyển hàng hóa đi chợ, đi nương.

Trao đổi hàng hóa

Sinh sống trên địa hình miền núi cao, giao thông đi lại khó khăn, nên vùng cư trú của người Phù Lá rất ít chợ để trao đổi, mua bán hàng hóa. Sản phẩm nông lâm sản chủ yếu dùng để trao đổi với các dân tộc láng giềng. Những năm gần đây, từ chính sách đầu tư điện, đường lên miền núi, cuộc sống người Phù Lá có nhiều thay đổi. Nhờ giao thông thuận lợi, việc giao thương với các vùng lân cận cũng khá dễ dàng, các sản phẩm từ nông, lâm nghiệp cũng như sản phẩm các nghề thủ công truyền thống, vật nuôi đều trở thành hàng hóa, trao đổi mua bán tại các phiên chợ trên địa bàn hoặc với các tiểu thương lái đến từ các vùng khác nhau.

Văn hóa mặc

Mỗi nhóm Phù Lá (Phù Lá Hán, Phù Lá Lão) và mỗi lứa tuổi, mỗi giới Phù Lá có cách mặc trang phục khác nhau: Truyền thống, nam giới Phù Lá mặc quần (khử chư) chân què, cạp lá tọa, áo xẻ ngực, cài khuy bằng nút vải. Riêng nam Phù Lá Lão lại mặc chiếc áo xẻ ngực. Trên thân áo sau đính hoa văn chữ thập bằng hạt cườm, điểm xuyết từ cổ xuống đến vạt, chạy vòng quanh gấu áo, mô típ chữ thập xen lẫn hoa văn thêu bằng chỉ đỏ. Tay áo (u sủy) thêu hoa văn hình xương cá và zích zắc ở giữa và phía cửa tay. Khi mặc, cả mùa đông và mùa hè, nam giới để phanh ngực, không cài cúc. Ngày nay, loại áo này chỉ mặc trong lễ tết, hội, cưới xin, thường ngày họ mặc âu phục.

 Phụ nữ Phù Lá Hán mặc áo, quần, đội khăn bằng vải sợi bông nhuộm chàm. Khăn dài (phả zhi) 1 màu đen, hai đầu có tua (pả sí si), được tết bện kiểu dây thừng to, ngoài cùng có đính bông tua trang trí. Khi đội, chụp kín lên đầu, phần còn lại gấp theo nếp cũ, quấn nhiều vòng quanh đầu, thả tua sau lưng.Yếm (gùy dấu) màu xanh, giữa yếm đắp ghép thêm một mảnh vải màu đen, thêu mô típ quả trám (phù tì), hình chóp, kỷ hà (trì chí), viền hoa văn sóng nước (gùy dáu dìn). Áo (phủ nhi nến dí sắng)  may kiểu tứ thân, cổ tròn, xẻ tà cao, cài cúc bên nách phải và giáp cổ áo. Tay áo (dí sáo sửu) đáp ghép các khoanh vải khác màu ở cửa tay và giáp bả vai. Quần (phủ nhí khẩu) may kiểu chân què, cạp lá tọa. Hiện nay, chỉ có người già còn mặc loại quần truyền thống này, thiếu nữ mặc quần âu hoặc quần bổ đũng.

Người Phù Lá Lão (bồ khô pạ) mặc áo, váy, đeo túi, vòng cổ, vòng tay. Khăn đội đầu (kha lang) có hai loại: khăn trong màu đen, vấn tóc quanh đầu, không thêu thùa hoa văn. Khăn ngoài được thêu trang trí hoa văn hình tam giác đối xứng. Ngày nay, loại khăn này không còn, chị em chủ yếu dùng khăn len đội bên ngoài. Áo (khờ) may kiểu chui đầu (pon cho), cổ vuông, áo ngắn 5 thân, dài tay. Thân trước và sau trang trí giống nhau với hai mảng hoa văn rõ rệt: phần giáp cổ thêu các dải hoa văn chạy dọc, mô típ tam giác, hình thập ngoặc, sao 4 cánh… bằng cách dệt xâu hạt cườm hay ốc núi (Đây là nét riêng biệt, không có ở bất cứ dân tộc nào); phần dưới thêu nhiều hoa văn, mô típ hình thoi, dấu nhân (mắt cua). Váy (hộ) hình ống, không gấp nếp. Thân váy thêu trang trí các mô típ: quả trám, cây thông, quả thông, quả núi hay sóng nước. Thắt lưng (dù hệ) màu chàm đen hay mộc trắng, hai đầu thêu móc chỉ màu. Vòng cổ (ho họ), vòng tay (lè cụ) hoa tai (ná gụ) trước đây làm bằng bạc, mua của người Thái hay người Hmông. Ngày nay, mua vòng công nghiệp bán sẵn ở chợ.

Văn hóa ẩm thực

Lương thực chính của người Phù Lá là lúa và ngô, lương thực phụ là sắn và hạt kê. Họ có thói quen ăn hai bữa chính (sáng và tối), một bữa phụ (buổi trưa), phù hợp với điều kiện canh tác trên nương rẫy. Xưa kia, gạo nếp được dùng theo cách nấu xôi vốn rất phổ biến của vùng cao, nhưng họ không có nồi đất hay chõ gỗ mà thường hông xôi trong các dụng cụ làm từ thân bương to ghép chồng lên nhau. Nhiều gia đình dùng thân cây móc già khoét rỗng ruột làm chõ. Ngày nay, gạo nếp cũng được ưa dùng, song cơm gạo tẻ đã chiếm ưu thế trong các bữa ăn thường nhật. Cơm được nấu bằng nồi và ủ kín trong than nóng, khi ăn mới dỡ ra đĩa hoặc xới vào bát. Ngô được chế biến theo ba cách: luộc bắp ăn tươi khi hạt đang non, độn với gạo; bung (hạt ngô khô được luộc qua một lượt, giã sạch vỏ, đổ nước đun cho hạt ngô chín mềm, nở đều mới nêm muối vào và bắc ra ăn); Ngô hạt xay nhỏ thành bột, dần sàng sạch sẽ, nhào với nước lã cho ẩm đều, đồ trong chõ gỗ. Mỗi nồi cơm ngô bao giờ cũng phải qua “hai lửa”. Lần đầu đun cho chín tới sau đó dỡ ra nia, nhào với nước nguội một lần nữa, bóp cho tơi rồi lại cho vào chõ hông kỹ. Nhờ vậy, ngô để nguội, ăn cả ngày vẫn mềm. Gặp những năm mất mùa, họ tìm các loại cây, củ rừng ăn thay cơm. Các loại củ rừng thường băm nhỏ, đem ra suối tãi nước một ngày một đêm cho nhạt hết nhựa, rồi mới nấu lên ăn. Thực phẩm của người Phù Lá chủ yếu là các loại rau, cá và các loại thịt từ chăn nuôi hay săn bắt: sóc nướng, chuột nướng, cá nướng,… Xôi gạo ăn với cá nướng được xem là món ăn quý, thường là món dành để đãi khách trong các dịp lễ hội, lễ tết. Thịt lợn thường thui trước khi mổ và chế biến thành món nướng hay luộc. Nhóm Phù Lá Hán  lại ưa ăn các món xào, rán hay kho mặn, bỏ thêm đường hoặc mật ong để ăn trong nhiều ngày mà không sợ ôi thiu. Các bữa ăn của người Phù Lá không bao giờ thiếu một đĩa muối ớt. Người Phù Lá có thói quen uống rượu trong bữa ăn hàng ngày, dịp gặp bạn bè, người thân hay những khi ma chay, cưới hỏi…Nước uống hàng ngày thì lấy từ các khe suối ven bìa rừng, người già và trẻ em mới uống nước đun sôi. Khi có khách, người ta đun búp sim, búp ổi đã nướng chín để mời khách.

Văn hóa ở

Người Phù Lá ở Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai (Lào Cai) ở nhà đất. Đó là ngôi nhà trình tường, 3 gian, hai mái chính, không có mái phụ, khung sườn chỉ có 1 bộ kèo tam giác gồm hai kèo, 1 quá giang gác lên đầu tường hoặc có thêm 1 cột hiên, gian giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Ngoài ra, người Phù Lá còn có một  nhà phụ nối thông với ngôi nhà chính. Người Phù Lá Lão ở Bảo Thắng ở nhà sàn. Đó là ngôi nhà 3 gian, 2 chái, vì kèo ba cột giống nhà người Hà Nhì, vách thưng phên nứa/vầu, sàn ghép vầu hay nứa đập dập, mái lợp lá cọ. Trong nhà bố trí gian đầu hồi cạnh cầu thang là gian chủ nhà; gian bên kia là gian của con cháu và tiếp khách; gian giữa có “cửa ma” giáp vách hậu là bàn thờ tổ tiên. Dọc theo chiều dài ngôi nhà, có 2 bếp: bếp chính dùng để nấu nướng, còn bếp trên đối diện với cửa ma chỉ sử dụng để nấu các món làm đồ cúng. Cầu thang lên sàn làm bằng ba cây gỗ có bậc, bên cạnh là máng nước lần để rửa chân, gần máng nước có một hòn đá to, nối với cầu thang lên nhà, tiện cho khách rửa chân xong bước sang hòn đá, rồi mới lên cầu thang vào nhà. Nếu như người Phù Lá ở Lào Cai có tục chọn hướng nhà (bằng cách đào một hố nhỏ, thả 3 hạt thóc xuống, úp lại, gần đến ngày dựng nhà, họ đến xem hạt thóc nở quay về hướng nào, thì làm nhà theo hướng đó) thì người Phù lá ở Yên Bái lại quan tâm tới vị trí đặt bếp lửa (nhờ thầy cúng xem đất và quyết định chọn đất và chọn nơi định đặt bếp lửa). Trước đây, mỗi khi trong nhà có người qua đời, đồng bào thường đốt nhà cũ đang ở chuyển tới một địa điểm mới dựng nhà. Lễ lên nhà mới được coi là lễ thức quan trọng nhất. Trong đó, nghi thức cúng bếp mới và “cửa ma” gian giữa. Thầy cúng lấy một ống nứa đựng nước mới, một ống gạo (mang ý nghĩa về một cuộc sống ấm no, đầy đủ), 3 lá trầu, 3 miếng vỏ trầu đặt ở một góc của bếp. Trên 4 góc xà của gian nhà giữa, thầy cúng dùng 4 cum lúa vắt lên 4 góc xà với quan niệm nhà lúc nào cũng sung túc, mong muốn lúa ngô đầy nhà, mùa màng tươi tốt no đủ. Khi cúng, gia chủ phải làm thịt gà trống, lợn, lấy tiết, lông gà cắm lên vách “cửa ma”. Kết thúc lễ cúng, người dân và gia chủ cùng múa xòe xung quanh bếp lửa chúc phúc cho gia chủ.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Trong bản của người Phù Lá có nhiều họ khác nhau, mỗi họ lại chia thành nhiều chi. Phủ bên ngoài các tên họ bằng âm Hán, Hán – Việt, Việt, Thái còn có những tên họ riêng bằng tiếng dân tộc. Dấu vết thờ vật tổ trong các dòng họ còn đặc biệt rõ nét ở nhóm Phù Lá Lão. Quan hệ dòng họ không thật chặt chẽ. Trong bản thường giúp đổi công cho nhau. Khi gia đình nào đó có công to việc lớn (cưới xin, làm nhà, ma chay…) đều nhận được sự giúp đỡ của các thành viên trong bản.

Người Phù Lá quy định: người cùng họ không được lấy nhau, ai phạm điều cấm kỵ ấy đều khép vào tội loạn luân. Trước đây người Phù Lá có tục khi anh trai chết thì em trai phải lấy chị dâu làm vợ, trừ trường hợp chênh lệch tuổi tác quá lớn. Trong gia đình con trưởng là người quyết định. Gia đình nhỏ một vợ một chồng, quyền của người cha đối với con là tuyệt đối, con đối với cha phải ăn ở hết đạo hiếu, vợ đối với chồng nhất mực nghe lời. Ngày nay vai trò của người phụ nữ đã được coi trọng, tiếng nói của họ bao giờ cũng có trọng lượng nhất định.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Thanh niên nam nữ tự do tìm hiểu, yêu đương. Nếu chín muồi, thì báo cho cha mẹ 2 bên biết để làm lễ hỏi, cưới và lại mặt. Trong lễ hỏi, có tục hai ông mối đến nhà cô gái 3 lần ngồi cửa nói vọng vào, từng bước xin cưới. Mỗi lần cách nhau 12, tương ứng với 12 con giáp, nhưng bố mẹ cô gái không trả lời. Đến làn thứ ba, ông mối đưa sang nhà gái tiền, hai ống rượu bỗng, hai con gà (một trống một mái), một vòng tai. Mâm cơm được bày ở giữa nhà, sau đó hai bên bàn lễ vật cưới. Sau bữa cơm thân mật giữa hai gia đình và một số bà con thân mật, đôi trai gái coi như thành vợ chồng. Lễ cưới có thể làm ngay hoặc sau 2-3 năm, đợi nhà trai sắm đủ gạo, thịt mới cưới: Ngày cưới, đoàn đón dâu khoảng 20-30 người đi đón dâu lúc mặt trời lặn, không nhìn rõ mặt cô dâu, vì họ cho rằng con dâu về nhà chồng cần phải dấu mặt chưa cho họ hàng nhà chồng nhìn thấy mặt ngay. Muốn vào cửa nhà gái, ông mối phải uống hết 12 bát rượu, để trao cho nhà gái toàn bộ lễ vật như đã thoả thuận (gồm tiền, 10 đồng bạc trắng, 6 ống thịt, 6 gói thịt, 6 ống rượu, 1 chum rượu trắng, 1 bánh dày; cho họ hàng nhà gái 20 ống rượu, 20 gói thịt, 20 bánh dày và tiền,1 bộ quần áo, một vòng cổ bạc trắng, khoảng 50 cân gạo, hai đến ba hũ rượu hoẵng. Bố mẹ tặng con gái làm của hồi môn một con lợn, có khi là con trâu, 30 cân thóc giống, một con dao, một cái cuốc,  một cái chum, một cái cào cỏ, bát, đũa, nồi, chảo, chiếu, … Ông mối phải uống hết 12 bát rượu, mới đón được dâu về. Về đến nhà trai, cô dâu chú rể làm lễ tế tổ tiên. Lễ lại mặt được tiến hành 12 ngày sau khi cưới cô dâu chú rể mang theo một ống thịt, một ống rượu về nhà gái, ăn một bữa cơm rồi trở về nhà trai. Việc cưới hỏi của người Phù Lá thực ra chỉ là thủ tục hình thức vì trước nghi lễ này, cô dâu đã sống bên nhà chồng rồi.

Tập tục tang ma

Khi trong nhà có người chết, con cháu mang thi hài đặt giữa nhà, đầu quay về phía bàn thờ, phía trên căng một chiếc chài rộng, đỉnh chài móc dưới mái nhà. Nước rửa mặt cho người chết không được đổ đi mà để tự bốc hơi hết. Lễ cúng, có bát cơm cắm đôi đũa, con gà (thui hay nướng, không cắt tiết, không rửa). Trong những ngày tang gia, con cái trải đệm rơm ngủ hai bên quan tài. Áo quan bằng thân gỗ, không nắp, đắp bằng dát vầu hoặc đóng bằng ván. Lễ viếng có kèn, trống. Khiêng quan tài ra đến nghĩa địa mới đào huyệt. Có nơi còn làm nhà mồ cho người chết. Trong đám tang người Phù Lá rất quan tâm đến việc giữ gìn hồn vía của những người đi đưa tang để không bị ở lại dưới mộ hay nghĩa địa.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Phù Lá thờ riêng tổ tiên nam để phù hộ cho sức khoẻ, tổ tiên nữ phù hộ cho mùa màng. Lễ cơm mới chủ yếu cúng ở nơi thờ tổ tiên nữ. Lễ cúng bản thường vào tháng hai hàng năm. Họ thực hiện nhiều nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp trên nương, ruộng. Chiếc chài mới cũng phải qua lễ cúng mới được dùng. Thày cúng giữ vị trí quan trọng trong xã hội làng bản Phù Lá.  Ngoài Tết Nguyên đán, người Phù Lá còn có Tết Rằm tháng Bảy và đặc biệt có Tết Khui Xmơ, lễ cúng thần rừng, thần làng, thần sông, suối, lễ quét làng, cúng hồn lúa… Hầu hết các lễ tết đều gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các điệu nhảy T’xin chi va có đệm sáo Pi Lí, kèn ma nhí, trống, chuông, nhạc. Dân tộc này còn có lễ hội cầu mùa và múa phồn thực, hát kể diễn xướng tùy theo nội dung mỗi lễ hội.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Phù Lá có kho tàng truyện cổ tích, văn hóa dân gian hết sức phong phú. Hầu hết tục ngữ, ca dao nói về triết lý cuộc sống và đạo lý làm người, các câu chuyện kể về thế giới thần linh cùng các hiện tượng, sự tích liên quan tới phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng. Người Phù Lá sử dụng kèn, trống. Trai gái thích hát giao duyên. Trẻ em thích chơi đu quay, đá cầu, trốn tìm, chơi cù… Trong các dịp hội hè, lễ tết… ngay cả người lớn cũng tham gia vào các trò chơi vui nhộn, hồn nhiên. Âm nhạc dân gian của người Phù lá gồm thanh la, chũm chòe, kèn, đàn, sào… Trong đó, nổi bật là cây sáo mũi ‘cúc ke’ hoặc « pí li »  của Phù Lá Lão. Người thổi để sáo nằm ngang, dùng hơi mũi để thổi cho kêu, đưa ngón tay cái bịt một lỗ mũi lại để lấy hơi cho khoẻ. Sáo mũi dành cho phụ nữ Phù Lá Lão thổi vào những lúc nhàn rỗi và những ngày hội hè của dân tộc. Âm thanh cây sáo mũi nói lên được tiếng nói từ trái tim của các cô gái đang yêu.

Múa “Mừng cơm mới” là điệu múa dân gian của người Phù Lá, diễn ra khoảng tháng 9, 10 hàng năm, khi lúa nương bắt đầu ngả vàng, để cám ơn tổ tiên, trời đất đã ban cho mưa thuận gió hoà, vụ mùa bội thu. Điệu múa mừng cơm mới (Già – ì – xì – mờ – ra – né) còn diễn tả tập quán canh tác lúa nương qua những động tác, phát nương, chọc lỗ, tra hạt… Tiết mục múa dân gian “Mừng cơm mới” do đoàn nghệ nhân dân tộc Phù Lá (nhóm Xá Phó) xã Chậu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái biểu diễn.

Thổi sáo trúc (Nuosu), hát dân ca, hát kể là thể loại độc đáo trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc Phù Lá. Mỗi dịp xuân về, vụ lúa mới hay mỗi mốc thời gian bắt đầu một chu kỳ đời người (sinh ra, trưởng thành, xây dựng gia đình và già yếu rồi chết) đều gắn với các lễ hội đặc trưng như tết năm mới, tết cơm mới, lễ hội hoa chuối, hội mừng mưa…. Mỗi lễ hội, ngoài nghi lễ tạ ơn, cầu xin thổ công, tổ tiên và các thần phù hộ, không thể thiếu hát dân ca, hát ru, hát kể – hình thức truyền tải câu nói mang giai điệu với giá trị nhân văn sâu sắc. Trong bữa cơm, ai biết hát, biết thổi sáo thì thể hiện, tạo điểm nhấn trong các cuộc vui của cộng đồng.

Tết, lễ hội cộng đồng

Người Phù Lá có các lễ: Cúng rừng, cúng thần thổ địa, Lễ quét làng, lễ tra hạt, lễ cúng ngăn sâu bệnh, lễ gieo hạt, lễ cúng cơm mới, lễ đưa hồn lúa lên sàn gác nhà, sau những nghi lễ này, người Phù lá đều tổ chức ăn uống, giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian và xem đây như một ngày hội của cộng đồng. Đồng bào ăn tết chính trong 3 ngày từ (mồng 1 – mồng 3), nhưng các hoạt động vui xuân kéo dài từ mồng 1 đến hết ngày 15 tháng giêng, sau đó mới bắt đầu bước vào lao động sản xuất trong một mùa vụ mới. Trong các lễ hội cộng đồng của người Phù Lá phải kể đến là: lễ cúng rừng. Mỗi làng của người Phù Lá luôn có hai khu rừng cấm (rừng thiêng): rừng “lùng sáng khú” (Rừng Rồng), nằm ở đầu nguồn nước, có vai trò bảo vệ và cung cấp nước cho dân làng sản xuất, sinh hoạt và “sán sình khú” -khu rừng cấm của làng gắn liền với tín ngưỡng thờ thổ địa “Thu tỷ”, vị thần cai quản, bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi, mang lại sự no đủ, bình yên, hạnh phúc cho các gia đình. Trong các khu rừng cấm, người Phù Lá chọn một cây to (cây dẻ, cây sung), làm cây thần để lập miếu thờ thần rừng. Bên trong miếu đặt một ống hương, một chiếc bát con, 3 chiếc chén làm nơi thờ cúng các vị thần rừng 2 lần/năm. Trong đó, lễ cúng rừng “lùng sáng khú” được tổ chức vào ngày 30/2 âm lịch, còn lễ cúng rừng Sán sình khú diễn ra vào ngày 1/3 âm lịch, mang ý nghĩa cầu mong các vị thần phù hộ cho mưa thuận gió hoà, cây cối phát triển, mùa màng bội thu, người dân trong bản có cuộc sống ấm no. Mỗi lần cúng, ba gia đình làm chủ cúng “ khai thầu”, được dân làng bầu theo hình thức luân phiên hàng năm. Trưởng làng và các thành viên mang các đồ đạc, lễ vật (con lợn, 2 con gà trống thiến đến địa điểm tổ chức lễ cúng rừng rồng (thần nước); 2 con gà đến cúng rừng thổ địa, kèm theo vàng, hương), nhưng phải giữ sự thanh tịnh, yên ả của khu rừng, tránh làm ảnh hưởng đến các vị thần. Thày cúng làm lễ xong, cắt tiết gà trước cửa miếu thờ, nhổ lấy một nhúm lông cổ, để vào miệng bát tiết,  đặt vào trước cửa miếu thờ, có nghĩa đã giao gà cho thần rừng, có tiết gà chứng giám. Theo lệ làng, sau khi các nghi lễ được thực hiện xong, chủ cúng cử một người chạy về nhà trưởng thôn, lấy mõ “ kháo pháng nóng” đánh báo hiệu lễ cúng rừng làng đã xong, mời các gia đình về dự lễ. Nghe thấy tiếng mõ, mọi người trong bản, mỗi nhà cử một người không phân biệt nam, nữ, dân tộc cùng rủ nhau theo đoàn, mang rượu, cơm, bát đũa đến dự ngày hội của làng. Trong ba ngày diễn ra lễ cúng rừng, các gia đình trong làng kiêng đi làm đồng, hay những công việc có đụng chạm đến dao, cuốc, cày mà chỉ ở nhà chơi hoặc đi thăm anh em, bạn bè cùng uống rượu vui vẻ.