Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Lô Lô có 5.541 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Người Lô Lô sinh sống chủ yếu ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai).
Tên gọi: Dân tộc Lô Lô có hai nhóm Lô Lô hoa và Lô Lô đen. Họ còn có các tên gọi khác là: Ô Man, Lu Lọc Màn, La La, Qua La, Di Nhân, Di Gia, Mùn Chì, Màn Di, Mỳa, Mìa, Pú Mìa.
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến, ngữ hệ Hán – Tạng.
Sản xuất nông nghiệp
Người Lô Lô sinh sống chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy với các loại cây trồng: ngô, lúa nương, xen canh với các loại: sắn, khoai sọ, đậu, bầu, bí, ớt, rau cải… Nông lịch canh tác của đồng bào Lô Lô diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, trên cả hai loại nương: nương xếp đá (làm bờ đá giữ đất) để trồng ngô, hoa màu và nương hốc đá (tận dụng các mảnh đất nhỏ ở sườn núi đá và hốc đá, đổ đất vào để canh tác). Trên nương bằng, đồng bào dùng cày, bừa và trâu kéo. Các mảnh nương cheo leo trên sườn núi, đồng bào lại dùng cuốc và sức người . Người Lô Lô ở Cao Bằng còn canh tác lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang. Họ dùng cày, bừa làm đất, dùng cuốc đắp bờ giữ nước. Trong quá trình canh tác, đồng bào biết sử dụng phân chuồng, ủ phân xanh để chăm bón cây trồng; thực hiện chế độ luân canh, lưu canh, để khắc phục tình trạng đất bạc màu, chống xói mòn và thoái hóa đất, tạo điều kiện cho rừng tái sinh. Ngoài ra, người Lô Lô còn trồng các loại cây ăn quả: chuối, mít, vải, hồng… ở những mảnh vườn xung quanh nhà.
Người Lô Lô rất chú trọng phát triển chăn nuôi bò, lợn, gà. Nếu như trước kia đồng bào chỉ chăn thả để lấy sức kéo, tế lễ, thì hàng chục năm trở lại đây, đồng bào phát triển trồng cỏ voi để chăn nuôi bò bán lấy tiền, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Kinh tế tự nhiên
Trước đây, săn bắt, hái lượm là hoạt động không thể thiếu của người Lô Lô, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm và bảo vệ mùa màng. Nam giới Lô Lô sắn bắt theo hai hình thức (săn tập thể và săn cá nhân), tranh thủ lúc nông nhàn hoặc khi mùa màng sắp được thu hoạch. Dụng cụ săn bắn có nỏ, súng kíp, các loại bẫy. Sản phẩm là nai, lợn rừng, khỉ, gà rừng, chuột, sóc…
Người Lô Lô có nhiều hình thức đánh bắt cá ở sông, suối: quăng chài, đánh lưới, kéo vó, dùng vợt xúc, câu…Khi đi rừng hay đi nương, phụ nữ thường mang theo gùi, giỏ để hái lượm các loại rau, củ quả trong rừng, nấm hương, mộc nhĩ, măng, các loại cây dược liệu…
Nghề thủ công
Người Lô Lô có một số nghề thủ công truyền thống: Dệt vải, đan lát, mộc, làm ngói… , nhưng sản phẩm nghề chưa trở thành hàng hóa, mà chủ yếu mang tính tự túc, tự cấp. Nghề trồng bông dệt vải nay đã bị mai một, đồng bào chỉ còn duy trì kỹ thuật thêu và chắp ghép vải màu trang trí trên trang phục. Nghề đan lát với kỹ thuật đơn giản, chủ yếu theo kiểu lóng một, lóng đôi, lóng ba với các sản phẩm dậu, sọt, hòm đựng quần áo, nón, nia, dần, sàng, giỏ đựng kim chỉ… Nghề mộc ít phát triển, sản phẩm nghề mộc gồm bàn, ghế, cối, diệp cày, bắp cày, bừa, thùng đựng nước, chạn bát, mâm… Nghề làm ngói máng sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ trong gia đình và người dân quanh vùng.
Phương thức vận chuyển
Đồng bào Lô Lô chủ yếu vận chuyển nông sản, hàng hóa bằng các loại gùi, sọt, túi, ngựa thồ. Gùi có 2 loại đeo vai và đeo trán. Gùi đeo vai có hai quai, còn gùi đeo trán có một quai, nhưng chỗ đặt vào trán được tết khá to. Ngoài ra, đồng bào còn có tấm địu hàng bằng khung tre và mây đan. Khi đi nương, đi rừng, đi chợ, kể cả đi chơi, nam nữ đều đeo thêm chiếc gùi, lúc gùi hàng, lúc vận chuyển nông sản, có lúc lại dùng hái lượm, gùi củi…Hiện nay, người Lô Lô còn sử dụng xe đạp, xe máy để vận chuyển.
Trao đổi hàng hóa
Mặc dù đời sống gặp nhiều khó khăn nhưng người Lô Lô đã sớm tham gia vào hoạt động trao đổi, mua bán với các tộc người trong vùng. Đồng bào thường mua các loại đồ gia dụng, nông cụ, dầu hỏa, kim chỉ, thuốc chữa bệnh… và bán các loại dược liệu, rau, nông lâm sản, gia cầm. Hiện nay, họ còn tham gia trao đổi mua bán ở các chợ giáp biên giới Trung Quốc, mua các loại phân bón, giống cây trồng, giống gia súc, gia cầm, các vật dụng gia đình bằng nhựa, đồ chơi trẻ em.
Văn hóa mặc
Các nhóm Lô Lô sử dụng kỹ thuật đắp ghép vải màu, tạo thành các mảng hoa văn tam giác, hình vuông trên áo, quần, thắt lưng, tạp dề, khăn, xà cạp. Tuy nhiên, tùy từng nhóm địa phương, trang phục Lô Lô có sự khác biệt: Phụ nữ Lô Lô Hoa ở Hà Giang mặc áo ngắn, cổ tròn may kiểu xẻ ngực, tay dài, gấu áo vừa chạm cạp quần (chân què, ống rộng). Trên áo, gấu quần trang trí rất nhiều hoa văn đắp ghép vải màu, hình tam giác, tạo thành các khối hình vuông. Tạp dề, quấn quanh quần cũng trang trí đáp ghép các mảng vải màu tam giác. Thắt lưng bằng vải sợi bông, hai đầu đính thêm tua màu và hạt cườm, bỏ mối thắt phía trước hoặc cạnh sườn. Phụ nữ Lô Lô Đen ở Cao Bằng mặc áo ngắn, cổ vuông, xẻ ngực, cài khuy vải hoặc đồng. Ống tay áo, phần sống lưng, nẹp ngực và mép gấu áo được trang trí đắp ghép vải hình hoa hay hình vuông màu vàng, đỏ, trắng, hồng. Họ quấn 2 chiếc khăn màu trắng và đen, dùng thắt lưng đen. Nam giới Lô Lô mặc áo may kiểu tứ thân (Lô Lô Hoa) và 5 thân (Lô Lô Đen), cổ tròn, xẻ ngực, cài khuy bằng vải, có 4 túi ở hai bên ngực và vạt áo. Cả nam và nữ Lô Lô đen để mặc quần may kiểu chân què, cạp lá tọa không trang trí hoa văn, đeo trang sức bằng bạc, phụ nữ thường đeo nhẫn, vòng cổ, vòng tay, xà tích. Nam giới đeo dây chuyền, vòng tay, nhiều người thích bọc răng vàng. Dịp lễ tết, họ quấn trên đầu chiếc khăn có những tua màu và hạt cườm. Ngày nay, chỉ còn một số người già vẫn mặt trang phục truyền thống,thanh niên nam nữ chuyển mặc trang phục hiện đại.
Văn hóa ẩm thực
Người Lô Lô ăn 2 bữa chính trong ngày. Lương thực chủ yếu là ngô, được chế biến thành món mèn mén ăn với rau nấu canh. Ngoài ra, đồng bào còn ăn cơm tẻ. Ngày lễ, tết có thêm xôi, cơm lam. Thức ăn ngày thường của người Lô Lô chỉ có các loại rau tự trồng, thịt gia cầm tự chăn nuôi, một phần tự tìm kiếm trong tự nhiên. Vào các dịp lễ tết, cưới xin, vào nhà mới… đồng bào làm lợn quay, thịt nướng và các loại bánh. Người Lô Lô coi trọng bữa ăn gia đình. Trong bữa ăn, kiêng không để đũa lên miệng bát, con dâu không được ngồi đối diện với bố chồng. Tập quán chia sẻ, nhường nhịn và gắp thức ăn cho nhau là nét đẹp trong văn hóa của người Lô Lô
Nam giới Lô Lô rất thích uống rượu, chủ yếu là loại rượu tự chưng cất từ ngô và men lá. Trước kia, đồng bào có thói quen uống nước lã. Hiện nay, họ uống nước sôi nấu với một số lá cây rừng và cây chè. Cả nam và nữ Lô Lô có thói quen hút thuốc lào, thuốc lá tự trồng. Tập quán ăn trầu còn tồn tại ở phụ nữ trung niên.
Văn hóa ở
Người Lô Lô thường lập làng ở lưng chừng núi, nơi gần nguồn nước. Mỗi làng có từ 20-25 nóc nhà. Nhà truyền thống có 3 loại, tương ứng với các địa hình khác nhau: nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất và nhà sàn. Nhà sàn hiếm dần, chỉ còn nhà đất là phổ biến hơn cả. Nhà sàn có 3 hoặc 5 gian, 2 chái, vách thưng bằng ván hay phên tre, mái lợp có gianh hoặc ngói máng. Nhà có 1 hoặc 2 cửa ra vào, ít cửa sổ, có 2 bếp. Gầm sàn là nơi nhốt gia súc, gia cầm, để cối xay thóc, giã gạo, các loại nông cụ. Trên sàn là nơi sinh hoạt chính của các thành viên trong gia đình. Ngày nay, các hộ đã tách chuồng trại chăn nuôi ra khỏi ngôi nhà. Nhà đất là nhà trình tường, có cửa chính mở ở gian giữa, đối diện với bàn thờ gia tiên. Trong nhà có gác xép để cất trữ lương thực và đồ gia dụng. Người Lô Lô rất coi trọng việc làm nhà mới. Họ cẩn thận từ khâu chọn đất, chọn nguyên liệu đến đặt hướng nhà theo tuổi gia chủ. Tuy nhiên, với họ, hướng Đông là đẹp nhất, tượng trưng cho sự phát triển. Họ kỵ hướng nhìn thẳng vào đỉnh núi, tảng đá hay hang đá. Trước kia, người Lô Lô có những quy định khá nghiêm ngặt trong việc đi lại của các thành viên trong gia đình. Thường ngày, bố chồng không được đi vào buồng ngủ của các con dâu, bố đẻ không được đi đến chỗ ngủ của các cô con gái đã lớn tuổi. Con gái đã đi lấy chồng không được vào buồng ngủ của anh em trai đã có vợ. Nếu vi phạm sẽ làm ăn không phát đạt, bị cộng đồng chê cười.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Xưa kia, trong chòm xóm của người Lô Lô có sự phân hóa giàu nghèo. Những gia đình có dòng họ lớn, nhất là trưởng họ có nhiều quyền thế, không chỉ quản lý các gia đình thành viên trong dòng họ về tập quán, luật tục, mà còn quản lý làng về nhiều mặt. Những gia đình này khá giả, có nhiều đất sản xuất, không bóc lột sức lao động của người dân trong làng. Hiện nay, ngoài trưởng làng, mỗi dòng họ còn có một người đứng đầu, có trách nhiệm giữ gìn mối liên kết giữa các thành viên dòng họ, đảm bảo sự đoàn kết, kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, trong làng còn có lớp người già giữ vai trò quan trọng trong cộng đồng. Họ là người am hiểu luật tục, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, được dân làng kính trọng, học hỏi.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Người Lô Lô hôn nhân một vợ một chồng, cư trú nhà chồng. Tập tục cưới xin trải qua nhiều bước: hỏi tuổi, thông báo hợp tuổi, chọn ngày ăn hỏi, ăn hỏi, đón dâu và lại mặt. Trong ngày cưới, khi ra khỏi nhà cô dâu phải bôi nhọ nồi, trùm khăn kín mặt để tránh tà ma đeo bám. Trước đây, người Lô Lô kết hôn từ 15 tuổi trở lên. Ở tuổi đó, nam thạo việc gia đình, biết cúng bái, giao tiếp tốt; nữ biết làm nương, thêu thùa đắp ghép vải màu, cắt may trang phục. Đồng bào nghiêm cấm kết hôn giữa những người cùng huyết thống (cùng họ bố), 2 anh em ruột lấy 2 chị em ruột, con trai cậu lấy con gái cô, nhưng họ lại khuyến khích con trai cô lấy con gái cậu để chi phí ít tốn kém, quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp hơn; cho phép em trai chồng có thể kết hôn với chị dâu nếu chẳng may người chống chết nhưng lại cấm anh không được lấy vợ em.
Người Lô Lô có tập quán cắm cành lá xanh ở đầu cầu thang để báo hiệu kiêng cữ (nếu sinh con trai cắm cành lá bưởi, con gái cắm cành lá bất kỳ). Sản phụ phải ở cữ 33 ngày, sau đó gia đình mời thầy cúng đến làm lễ đặt tên cho đứa trẻ.
Tập tục tang ma
Cho đến nay, tang ma của người Lô Lô vẫn bảo lưu nhiều lễ thức truyền thống. Tang ma phải trải qua các bước: Khâm liệm, gọi hồn, nhập quan, đưa hồn về với tổ tiên, chia của, cúng cơm, đưa tang, hạ huyệt… Khi ai đó qua đời, gia đình phải mời thầy cúng đến làm tang lễ. Quá trình làm ma, đồng bào sự dụng các loại nhạc cụ: thanh la, não bạt, chuông lắc, kèn…, đặc biệt đám ma cho người già, không thể thiếu trống đồng. Theo quan niệm của người Lô Lô, con người do bố trời và mẹ đất sinh ra và định đoạt số mệnh nên khi chết phải đưa hồn về với tổ tiên và trời đất. Bộ trống gồm hai chiếc trống đực và trống cái. Ngày thường, trống được chôn dưới đất, khi có đám tang mới đào lên sử dụng. Nếu đi mượn trống của dòng họ khác, phải có con gà đĩa xôi để cúng tổ tiên của dòng họ đó. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình tang lễ diễn ra to hay nhỏ, nhưng nhìn chung khá tốn kém. Trong quá trình diễn ra tang lễ, người Lô Lô phải thực hiện một số kiêng kỵ như: con cái ăn cơm không được dùng đũa, hút thuốc không được cho nước vào ống điếu, sau khi chôn cất xong con trai cả kiêng ra khỏi nhà và kiêng rửa chân tay trong 7 ngày… Sau khi kết thúc tang lễ, linh hồn người chết được đưa lên bàn thờ, chỉ đến rằm tháng bảy hay ngày giỗ mới cúng.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Người Lô Lô cho rằng mọi vật đều có linh hồn, nên họ có tín ngưỡng đa thần. Đồng bào gọi chung các thế lực siêu nhiên là Nềnh. Họ cho rằng, mỗi làng đều có ma bản cai quản, có thể phù hộ hoặc làm hại người dân. Vì vậy, mỗi năm họ tổ chức cúng ma bản 1 lần. Lễ vật cúng do các thành viên trong làng tự nguyện đóng góp và tham gia thụ lễ gồm có xôi, gà vá bánh các loại. Trước kia, mỗi làng thường có một khu rừng cấm, coi đó là nơi trú ngụ của ma bản, nên tuyệt đối không được chặt phá cây cối, khai thác lâm sản, săn bắt ở khu vực này.
Ngoài ra, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp còn có các nghi lễ liên quan tới cây lúa, mẹ lúa, lễ đánh thức hồn lúa, xông lúa, xông đất, cúng ruộng… với mục đích cầu mong cho các lực lượng siêu nhiên phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, gia súc gia cầm không dịch bệnh.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Người Lô Lô có kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú, thể hiện qua các điệu múa, nhạc vũ dân gian, bài ca, truyện cổ tích… được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, truyền thống ứng xử với thiên nhiên, quá trình di cư của tổ tiên, tình yêu đôi lứa… từ thời xa xưa đến nay. Người Lô Lô còn có các loại nhạc cụ: đàn, nhị, đặc biệt là chiếc sáo ca lế (chỉ nhỏ bằng chiếc đũa) nhưng rất độc đáo.
Tiết mục múa dân gian “Vui hội ngày mùa” của dân tộc Lô Lô phản ánh quá trình lao động sản xuất, gồm các động tác: đi nương, cấy lúa, làm cỏ, thu hoạch, vác lúa về nhà, sàng xẩy, giã gạo, kèm theo những đạo cụ gắn với hình tượng mặt trời của cư dân nông nghiệp. Ngoài việc canh tác trên nương, những ngày nông nhàn, chị em dân tộc Lô Lô còn thêu thùa dệt vải, làm nên các bộ trang phục của mình. Múa vui hội ngày mùa có tiết tấu nhanh, rộn rã, trên nền nhạc vui, mang bản sắc riêng của dân tộc Lô Lô, một dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao phía Bắc Việt Nam.
Người Lô Lô có nhiều lễ hội, nhưng tiêu biểu là lễ mừng ngô mới và lễ hội cầu mưa. Sau vụ thu hoạch ngô tháng 9 và tháng 10, người Lô Lô thường tiến hành tổ chức lễ mừng ngô mới. Trong ngày lễ thường có các lễ vật như rượu, xôi, gà hoặc lợn được tổ chức tại một mảnh nương đã thu hoạch xong. Họ mời thầy cúng đến làm lễ cảm tạ thần nông, tổ tiên, trời đất và cầu khấn cho năm sau mưa thuận, gió hoà, làm cho mùa màng tốt tươi… Lễ hội Cầu mưa thường diễn ra vào đầu tháng 3 (âm lịch) hàng năm, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Trong các lễ hội, kết thúc phần nghi lễ cũng là phần hội. Tại đó, đồng bào Lô Lô kéo nhị, nhảy múa các vũ điệu dân gian, hát các làn điệu dân ca và tổ chức các trò chơi truyền thống. Múa vui hội mùa của dân tộc Lô Lô, do đoàn nghệ nhân dân tộc lô Lô, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang biểu diễn.
Người Lô Lô sống trên vùng núi cao Hà Giang, Cao Bằng. Đồng bào có các làn điệu dân ca phong phú như hát đón khách, hát tế trời đất, hát cầu mưa… (trong lễ hội), hát than thân, hát buồn (trong tang ma), hát giao duyên (trong đám cưới), hát ru (trong sinh hoạt đời thường). Các làn điệu dân ca của người Lô Lô thường được phụ họa chung một giai điệu âm nhạc, ngoại trừ hát ru. Lời hát dân ca chủ yếu ca ngợi tình yêu trai gái và lao động sản xuất, bày tỏ tâm tư, tình cảm, niềm khát khao về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong những làn điệu dân ca truyền thống của người Lô lô, đáng chú ý là làn điệu hát ru với giai điệu âm nhạc du dương, vỗ về, phụ họa cho lời ru ngắn, gọn, mộc mạc. Mỗi câu hát ru thường có vần bằng, trắc ở cuối câu để có trường độ ngân nga, ru con vào giấc ngủ ngon:
À ơi à ời ơi; Ngủ đi ngủ đi con
Ngủ say ngủ say con;
Bố lên núi lên non; Tay dao bố chặt củi;
Củi mọt ăn hết rồi; Chỉ còn 1 cành khô
Thiếu củi lo khách đến; Lửa không đủ ấm thân….
Khi con khóc trên nương, lời ru của lại có sự thay đổi cho phù hợp:
Nín đi nào con ơi
Đừng khóc nhiều con hỡi
Bố đang bận ở nhà
Mẹ thương con con à.
Ngủ đi nào con ơi…
Tết, lễ hội cộng đồng
Cũng như nhiều tộc người khác, người Lô Lô ăn tết Nguyên đán như người Kinh. Vào chiều 30 tết, tất cả các thành viên trong gia đình đều được cúng sức khỏe, gọi hồn (hồn sống) về với ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em sum họp đầy đủ để đón mừng năm mới. Cũng trong ngày này, tất cả các vật dụng gia đình đều được “niêm phong” từ cuốc, xẻng, dao, cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại… đều được dán giấy màu vàng hay màu bạc để các vật này được “nghỉ Tết”. Đồng bào đón giao thừa bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ về ăn Tết với con cháu. Trong gia đình phân công, người đi gánh nước, người thì cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng heo kêu, chó sủa, ngựa hí vang làm ầm ĩ, náo nhiệt cả làng. Ngoài Nguyên đán, đồng bào còn có lễ cúng chung cho cả làng vào tháng Bảy, tết mồng3/3, 5/5, 9/9…
Lễ hội dân gian của người Lô Lô gồm có: cầu mưa, rước đuốc, tế trời, đất, các lễ chung cho cả đồng tộc cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, no ấm, con người có sức khỏe… Trong đó, lễ hội hóa trang và múa lễ là nét văn hóa tiêu biểu, cổ xưa còn giữ lại trong đời sống của cộng đồng. Mỗi lễ hội của người Lô Lô đều có phần tế lễ thần linh và phần hội với các trò chơi: tung còn, đánh yến, chơi cù…