Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Pà Thẻn có dân số 6.811 người (năm 2009).
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú tập trung ở các tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Tên gọi: Pà Thẻn còn gọi là Pà Hưng, Mèo Lài, Mèo Hoa, Mèo Ðỏ, Bát Tiên Tộc…
Ngôn ngữ: Tiếng Pà Thẻn thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao (ngữ hệ Nam Á).
Sản xuất nông nghiệp
Trước kia, người Pà Thẻn sống chủ yếu bằng nương rẫy với cây lương thực chính là lúa và ngô. Phương thức canh tác truyền thống theo lối phát, đốt, chọc lỗ, tra hạt bằng các công cụ thô sơ: rìu, cuốc, dao, gậy chọc lỗ. Đồng bào trồng nhiều loại lúa như: lúa tẻ (mô ha la, mô cò nhà, mô ta tớ, mô nhơ) và lúa nếp (mô cằm đi, bôn tri, bù mẻ khó…). Mỗi đám nương, tùy theo độ màu mỡ của đất mà họ chỉ canh tác từ hai đến ba vụ, sau đó lại bỏ hoang để đi tìm vùng đất mới và tiếp tục canh tác. Hàng năm, người Pà Thẻn tra lúa từ tháng 3 đến tháng 5, thu hoạch khoảng tháng 8-10. Lúa nương thường thu hoạch bằng cách dùng nhíp (a li chác) để cắt từng bông, bó thành từng cum, phơi khô, ăn đến đâu giã đến đó. Do tình trạng nền sản xuất lạc hậu, kém phát triển nên năng suất thấp, lúa trồng không đủ ăn, đời sống bấp bênh, nhiều người phải vào rừng kiếm thêm rau và những cây có củ để làm lương thực. Bên cạnh việc trồng lúa, đồng bào còn trồng thêm khoai môn, khoai sọ, đậu, ngô, bầu, bí và các loại rau xanh. Hiện nay, người Pà Thẻn chủ yếu canh tác lúa nước, sử dụng cày bừa, trâu kéo hoặc cày máy làm đất, sử dụng liềm, hái cắt lúa, máng đập lúa, nhiều nhà đã dùng máy suốt lúa. Ngoài ra, họ còn trồng cây công nghiệp, cây ăn quả mang lại thu nhập cao như: mỡ, cam, quýt…
Người Pà Thẻn chăn nuôi các loại gia súc và gia cầm như: Trâu, bò, dê, lợn, gà… ngoài phục vụ nhu cầu sức kéo, chăn nuôi còn vừa để vừa làm vật hiến sinh trong các dịp lễ tết, cúng bái, cưới xin, tang ma và kết hợp ăn thịt. Ngày nay, đồng bào chăn nuôi chủ yếu để bán cho các thương lái.
Kinh tế tự nhiên
Trước kia, do sản xuất phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên nên đời sống bấp bênh, nhất là lúc mất mùa, giáp hạt, họ phải vào rừng hái lượm để bổ sung thêm nguồn lương thực và thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Sản phẩm thu hái được tùy theo mùa, bao gồm: các loại củ (nâu, mài…), măng, nấm hương, mộc nhĩ, rau, hoa quả, mật ong…Những lúc nông nhàn, thanh niên nam giới thường đi săn bắt thú rừng, đánh bắt cá ở các sông, suối về cải thiện bữa ăn.
Nghề thủ công
Người Pà Thẻn có các nghề thủ công truyền thống là nghề dệt, đan lát, mộc… Nghề dệt có từ lâu đời, gắn với cuộc sống tự cung tự cấp của đồng bào. Theo truyền thống, trẻ em gái Pà Thẻn ngay từ bé đã phải học cách trồng bông, dệt vải, nhuộm màu, làm ra trang phục để đến khi trưởng thành, có thể tự tay làm cho mình bộ khăn, váy, áo để về nhà chồng cùng các vật dụng khác như chăn, gối… Vì vậy, nghề dệt của người Pà Thẻn còn đánh dấu sự trưởng thành của người con gái và là một trong những tiêu chí để lựa chọn vợ của các chàng trai Pà Thẻn. Cho đến nay, tuy nghề dệt không phổ biến như xưa, nhưng nhiều phụ nữ vẫn duy trì dệt vải thổ cẩm, nhuộm chàm và nhuộm màu đỏ nổi trội trong trang phục. Tuy Nghề đan lát của người Pà Thẻn cũng khá phát triển, họ có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn, khai thác, chế biến nguyên liệu. Cả nam và nữ Pà Thẻn đều biết đan lát, sản phẩm gồm: gùi, dậu, cót phơi thóc. Đặc biệt, những bồ đựng thóc có hoa văn trang trí đẹp, lạ mắt.
Phương thức vận chuyển
Phương tiện vận chuyển chủ yếu của người Pà Thẻn là gùi đeo qua vai và gánh bằng dậu đối với các loại nông sản khi thu hoạch. Ngoài ra, đồng bào còn dùng trâu để kéo gỗ từ rừng về nhà. Hiện nay, họ dùng bao tải các loại đựng hàng hóa và vận chuyển bằng xe thồ, xe đạp, xe máy…
Trao đổi hàng hóa
Trước đây, do cuộc sống chủ yếu là tự cung tự cấp nên người Pà Thẻn ít đi chợ để trao đổi, mua bán hàng hóa, mà thỉnh thoảng đi chợ phiên họp chung cùng với các tộc người khác trong vùng. Đồng bào thường mang bán hoặc trao đổi các lâm thổ sản thu hái được ở trong rừng như: nấm hương, mộc nhĩ, mật ong, măng…; những vật nuôi như: gà, vịt, lợn, trâu; sản phẩm nghề dệt vải và đan lát, để mua về những hàng hóa không tự sản xuất được như: muối ăn, dầu thắp sáng, kim khâu, đồ gia dụng và các vật dụng sinh hoạt thiết yếu trong gia đình. Ngày nay, do sự phát triển của kinh tế thị trường, nhu cầu mua bán tăng, chợ được họp thường xuyên, các mặt hàng phong phú, đủ chủng loại, hình thức trao đổi bằng tiền.
Văn hóa mặc
Y phục truyền thống của người Pà Thẻn được làm bằng vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm. Đặc biệt, phụ nữ Pà Thẻn nào cũng có riêng bộ y phục truyền thống để mặc trong ngày cưới, lễ hội, sau đó cất kỹ và chỉ được mặc khi qua đời. Y phục nam giới Pà Thẻn đơn giản, áo may kiểu 4 thân, xẻ ngực, cài khuy ngang tết bằng vải, cổ tròn có chân. Quần được cắt may theo kiểu chân què, cạp lá tọa. Bộ y phục phụ nữ dân tộc Pà Thẻn với màu đỏ là chủ đạo, gồm có: khăn, yếm, áo, váy, tạp dề, thắt lưng, chùm tua. Khăn đội đầu có hai loại: khăn trong (màu đen) và khăn ngoài (trang trí hoa văn màu đỏ, trắng, đen xen kẽ). Khi đội, khăn trong được quấn nhiều vòng quanh đầu, sau đó mới quấn khăn ngoài để trang trí. Hai đầu khăn ngoài còn được gắn chùm tua sợi màu với chiều dài của khăn được tính toán, sao cho khi quấn hai chùm tua buông xuống hai vai tạo sự mềm mại. Áo được may theo kiểu không có cổ, không cúc, thân sau dài hơn thân trước. Khi mặc, hai thân trước vắt chéo nhau, buộc mối ở phía sau. Áo được dệt trang trí nhiều họa tiết hoa văn: hình học (hình vuông, thoi, tam giác, răng cưa…), động vật (con chó, chân chó, chân gà, mắt cua, con tằm…). Bên trong áo mặc yếm được khâu ghép từ các mảnh vải màu đỏ, trắng và trang trí bằng những đường chỉ thêu các màu. Ngày nay, các cô gái không mặc yếm bên trong mà mặc áo sơ mi trắng có cổ, nổi bật trên nền vải đỏ. Váy là loại váy mở, dài quá đầu gối được xếp nếp ở phần cạp. Giống như áo, váy cũng một màu đỏ tươi xen kẽ là các họa tiết hoa văn màu vàng, trắng đen. Thắt lưng có hai loại: đen và trắng. Thường ngày dùng thắt lưng màu đen, trong các dịp lễ hội, đi chợ, hay cưới xin, dùng loại thắt lưng màu trắng. Khi về nhà chồng, cô dâu Pà Thẻn còn phải thắt thêm chiếc thắt lưng có 8 chùm tua (8 dải dây màu trắng đại diện cho 8 họ gốc) ở phía sau lưng,bởi theo quan niệm, cô dâu dù có lấy chồng người ngoại tộc, vẫn phải luôn ghi nhớ về dòng họ, nguồn gốc, tổ tiên mình. Ngoài ra, phụ nữ Pà Thẻn còn đeo đồ trang sức như: vòng cổ,khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn, túi đeo.
Văn hóa ẩm thực
Người Pà Thẻn ăn 3 bữa chính trong ngày (vào ngày mùa) và 2 bữa chính, một bữa phụ (vào dịp nông nhàn). Nguồn lương thực chính của người Pà Thẻn là gạo tẻ, khi mất mùa, thiếu đói họ độn thêm ngô hoặc nấu cháo ngô. Gạo nếp được sử dụng để đồ xôi và làm các loại bánh trong dịp lễ tết hội hè, cưới xin, ma chay. Thức ăn hàng ngày của đồng bào chủ yếu là các loại rau, đậu, bầu, bí do họ tự trồng hoặc một số loại rau rừng thu hái được. Thịt, cá, trứng có nhưng không thường xuyên. Cách thức chế biến món ăn phổ biến của người Pà Thẻn là luộc hoặc xào (đối với các loại rau, thịt), nướng hoặc làm thành món chua (đối với các loại thịt, cá). Cách chế biến món nướng đơn giản, chỉ ướp với muối rồi nướng trên than hồng. Món chua được làm cầu kì hơn, thịt (thú rừng, gia súc, gia cầm) đều có chung cách chế biến là thái lát mỏng (đối với các loại thịt), chặt khúc (đối với cá), ướp muối, trộn với thính gạo rang, sau đó lèn chặtvào ống nứa, bịt kín và để nơi thoáng khoảng 15-20 ngày là có thể ăn được. Người Pà Thẻn còn bảo quản thịt, măng, mộc nhĩ… bằng cách sấy khô hoặc phơi khô để ăn dần.
Đồ uống hàng ngày của người Pà Thẻn là nước chè và nước đun sôi để nguội. Rượu tự nấu từ gạo, ngô, sắn không thể thiếu trong các dịp sinh hoạt cộng đồng, lễ tết, tiếp khách. Họ hút thuốc lào (nhe bia) với loại thuốc trồng trên nương bằng ống điều.
Văn hóa ở
Người Pà Thẻn sinh sống thành từng làng,mỗi làng có khoảng từ 30 – 40 nóc nhà,rải rác dọc theo các con sông, suối. Lưng nhà dựa vào núi, mặt trước là khoảng không gian rộng rãi, có tầm nhìn xa. Theo kinh nghiệm, hướng làm nhà tốt nhất là hướng Nam, kiêng trước cửa có núi hoặc sông nhìn thẳng vào mặt trước nhà. Nếu làm nhà vào những kỵ đó, gia đình có người hay bị đau yếu, vật nuôi trong nhà không phát triển.
Nhà ở truyền thống của người Pà Thẻn có 3 loại: nhà sàn, nhà đất và nửa sàn nửa đất. Trước kia, để làm một ngôi nhà, người ta phải tự vào rừng chọn gỗ, chặt cây, dùng trâu kéo gỗ về nhà tập trung cho đến khi đủ nguyên vật liệu mới tổ chức dựng nhà. Trước khi làm nhà phải chọn đất, xem hướng, đoán giấc mơ… Bất kể trên nền đất mới hay cũ, đồng bào đều kiêng làm nhà vào ngày chết của bố mẹ; ngày, tháng, năm sinh của vợ chồng gia chủ; ngày, tháng, năm thân (ta chô), dần (ta nghe pốc) (người trong gia đình hay bị ốm đau); ngày tý (sẽ bị chuột phá hoại lúa, cắn quần áo). Theo quan niệm, nếu chọn được ngày, tháng, năm sửu (ta vại), mùi (ta le), hợi (ta bế), thìn (ta rưng), mão (ta nho) là tốt nhất. Vào nhà mới tốt nhất là ngày con dê (ta le) hoặc ngày rồng (ta rưng). Ngày đó, gia chủ nhờ người có uy tín, đông con cháu vào nhà đốt lửa đầu tiên. Tro bếp, bàn thờ nhà cũ cùng với lương thực, vật nuôi tượng trưng (thóc, ngô, súc vật…) được đưa vào cúng nhà mới. Ngày dọn về nhà mới, người bố chưa vào nhà ngay, mà phải đợi mọi người đang ăn mới được vào. Ông được con cái tiếp đón như khách đến nhà
Nhà truyền thống của người Pà Thẻn có 3 gian. Kết cấu khung sườn, đòn nóc, đòn tay bằng gỗ, rui, mè bằng tre đã ngâm để chống mọt. Kết nối các cột, vì cột kèo, xà ngang, xà dọc theo kiểu đục lỗ có mộng, chân cột kê trên đá tảng. Vách nhà thưng ván hoặc phên nứa, mái lợp lá cọ. Nhà có từ 2 đến 3 cửa ra vào, nhưng lại ít cửa sổ. Cửa chính được mở ở gian giữa, tại gian này có bàn thờ ở trên vách (đối diện với cửa chính), chỉ có 1 bát hương thờ gia phả. Nếu trong nhà có người làm nghề thầy cúng thì đặt thêm 1 bát hương tổ tiên và chỉ thắp hương cùng lễ vật khi đi cúng về. Hai gian hai bên là bếp và nơi ngủ. Gian ngủ của vợ chồng và con cái có vách ngăn riêng. Gian bếp được bố trí 2 bếp lửa: 1 để nấu ăn, làm nơi sinh hoạt chung của gia đình,1 để nấu cám lợn. Cạnh gian bếp, còn dựng thêm gian liếp có cửa để đi lại chăn thả gia súc, gia cầm. Ngày nay, nhà ở của đồng bào ngoài nhà sàn (còn tồn tai), chủ yếu là nhà xây, mái lợp lá cọ, tấm lợp, tôn hoặc ngói, kiểu dáng, kiến trúc và cách bài trí trong nhà có sự thay đổi nhưng cơ bản.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Do cư trú quần tụ thành từng làng nên ngoài quan hệ gia đình, dòng họ, người Pà Thẻn có mối quan hệ hàng xóm đoàn kết, gắn bó. Các gia đình trong làng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, làm nhà, cưới xin, tang ma… Trong làng của người Pà Thẻn, người đứng đầu “a chứ”, có năng lực quản lý, am hiểu phong tục tập quán, có kinh nghiệm trong sản xuất, sinh hoạt… được dân làng tín nhiệm bầu ra. Ông là người đại diện cho dân làng khi quan hệ với các cấp chính quyền địa phương và các dân tộc anh em khác. Ngoài ra, thầy cúng cũng là người có tiếng nói trong cộng đồng. Họ cho rằng thày cúng có thể giao tiếp được với thế giới âm, cầu xin các thần, ma phù hộ cho dân làng tránh được ốm đau, làm ăn may mắn.
Người Pà Thẻn có nhiều dòng họ, trong đó có 8 họ gốc, đó là: Hủng, Tẩn, Tải, Sìn, Phù, Làn, Ván, Lìu (điều này còn để lại dấu ấn trên chiếc thắt lưng của người Pà Thẻn có 8 chùm tua). Mỗi họ chia thành nhiều chi họ gắn với truyền thuyết riêng. Ngoài ra, còn có họ Bàn, Triệu (gốc Dao); họ Trẩu, Giàng (gốc Mông). Dòng họ của người Pà Thẻn không có nơi thờ cũng như tài sản chung. Trưởng họ (pú én) thường là người cao tuổi nhất, có uy tín, kinh nghiệm và vai trò quan trọng trong việc điều tiết các mối quan hệ trong và ngoài dòng họ. Trưởng họ không kể chi trưởng, chi thứ hay cha truyền con nối mà do trong họ bầu ra. Con sinh ra thường lấy theo họ bố, cách đặt tên không có sự phân biệt giữa nam và nữ mà chỉ phân biệt qua tên đệm (nam đệm là Láo, nữ đệm Thì).
Tập tục hôn nhân, gia đình
Người Pà Thẻn hôn nhân một vợ một chồng, cư trú bên nhà chồng là chủ yếu. Đồng bào có nghiêm cấm kết hôn cùng dòng họ. Trước đây, hôn nhân mang nặng tính mua bán, tiền và lễ vật thách cưới mà nhà trai phải mang sang nhà gái rất cao (khoảng 150kg gạo, 100kg thịt và 25 đồng bạc trắng). Ngoài hình thức cư trú bên nhà chồng, ở người Pà Thẻn còn có tục ở rể (tạm thời và vĩnh viễn). Ở rể tạm thời là hình thức bắt buộc của người Pà Thẻn sau khi cưới. Thời hạn ở rể là 12 năm (ít nhất là 6 năm, 6 năm còn lại có thể thế chấp bằng tiền). Ở rể vĩnh viễn đối với gia đình không có con trai, người ở rể phải thờ ma họ vợ (cũng có trường hợp thờ cả ma bên họ mình bằng bàn thờ riêng), con sinh ra mang họ mẹ (hoặc 1 nửa mang họ bố). Trong thời gian ở rể, nếu người chồng chết, vợ sẽ ở lại bên nhà bố mẹ đẻ, khi tái giá do nhà gái quyết định. Nếu con gái đã về nhà chồng, nếu người chồng chết việc gả bán sẽ do nhà trai quyết định. Hiện nay, hôn nhân của người Pà Thẻn đã thay đổi rất nhiều, trai gái được tự do tìm hiểu, không còn tục thách cưới, các nghi lễ trong đám cưới cũng được giảm bớt…
Gia đình người Pà Thẻn là gia đình nhỏ phụ hệ, chủ gia đình là người cha hoặc con trai cả đã trưởng thành. Mọi công việc hệ trọng trong gia đình các thành viên đều được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến nhưng quyền quyết định vẫn thuộc về người chủ gia đình. Chỉ có con trai mới được thừa kế tài sản, nên họ có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ già và thờ cúng tổ tiên, chăm sóc mồ mả dòng họ. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình người Pà Thẻn tương đối bình đẳng. Cách xưng hô trong cùng chi, ngành không theo vào thứ bậc mà căn cứ vào tuổi.
Tập tục tang ma
Người Pà Thẻn quan niệm rằng, chết chưa phải là hết mà là “kế tục” sự sống ở một thế giới khác. Đồng bào chia cái chết thành 3 loại: chết già (từ 36 tuổi trở lên), chết trẻ (36 tuổi trở xuống) và chết bất đắc kỳ tử (chết đuối, tai nạn, bị đâm chém…). Người chết già khi làm ma phải cúng 2 hồn: Một hồn lên mả người chết (gọi là làm ma) và một hồn đi về với tổ tiên (làm chay) được tiến hành ngay sau khi chôn cất người chết). Người chết trẻ chỉ được cúng một hồn lên mả, nên ma của người chết trẻ không được siêu thoát về với tổ tiên. Những người chết bất đắc kỳ tử phải chôn cất tại nơi bị chết và chỉ cúng qua loa ở nhà. Trẻ em dưới 3 tuổi chết không được làm ma, vì đồng bào cho rằng chưa có hồn nên chỉ bó chiếu hoặc quấn quần áo cũ rồi lặng lẽ mang đi chôn. Theo tục lệ truyền thống, nếu người vợ chết trước, chồng đi đưa ma là tín hiệu người chồng đó không lấy vợ khác và ngược lại nếu người vợ đi đưa ma chồng cũng sẽ không đi bước nữa. Người Pà Thẻn không có tục cải táng và cúng giỗ hàng năm, mà sau khi người chết được 3 tháng, người ta chỉ làm một mâm cỗ để cúng ma cho người chết. Hàng năm, đồng bào tổ chức cúng ma người chết theo dòng họ vào ngày thanh minh (3/3 âm lịch) và cúng tạ mả sau ngày tết Nguyên đán.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Người Pà Thẻn quan niệm mọi vật đều có linh hồn tồn tại bất diệt trong không gian và thời gian. Đồng bào cho rằng có rất nhiều loại ma, nhưng chủ yếu có 2 nhóm ma là ma lành và ma dữ. Ma lành gồm: ma trên trời (quơ sai do), ma đất (chê chè pè cự), ma bản (quơ lòng vo), ma tổ tiên (pa quơ)… Các ma này thường phù hộ và bảo vệ con người, làng bản, nhà cửa. Ma dữ gồm: ma thuồng luồng (quơ o dung), ma chó sói (quơ sa cự), ma con gà (quơ xanh ke), ma của những người chết bất đắc kỳ tử. Chúng có thể gây hại cho người, gia súc, cây trồng… Hàng năm, người Pà Thẻn tổ chức nhiều nghi lễ cúng tế để được sự che chở của ma lành và hạn chế sự gây hại của ma dữ.
Trong mỗi gia đình người Pà Thẻn đều có bàn thờ tổ tiên (a xẹ) và được cúng chính thức một lần vào đêm 30 tết Nguyên đán. Trên bàn thờ chỉ có một bát hương và một bát nước lã (được úp đĩa ở bên trên), nếu bàn thờ có hai bát hương thì gia đình đó lấy rể. Đồng bào luôn chú ý, không bao giờ để bát nước thờ bị cạn, vì theo họ, nếu bát nước trên bàn thờ bị cạn, gia đình sẽ có người ốm đau hoặc gặp điều không may mắn.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Dân tộc Pà Thẻn có vốn văn học nghệ thuật dân gian khá phong phú như: truyền thuyết, thơ ca, ca dao, tục ngữ, câu đố… với nội dung về nguồn gốc dân tộc, nguồn gốc loài người, sự tích các loài vật; phản ánh các khía cạnh của đời sống xã hội, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa; các hiện tượng tự nhiên… Đời sống sinh hoạt, âm nhạc và nghệ thuật của người Pà Thẻn đơn giản. Trong các ngày lễ, tết, hội hè có sáo (tơ vớt), kèn (pà nghe) dùng để đệm cho các điệu múa. Ngoài ra, đồng bào còn có các loại nhạc cụ chỉ thày cúng mới được sử dụng trong các nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng (cúng ma, nhảy lửa, cúng hồn…) như: pàn dơ, pàn sán tàu, gờ bô. Đặc biệt, thiếu nữ Pà Thẻn có tục thổi sáo tìm bạn trai. Nghe tiếng sáo sáo hay, như là vật chỉ đường để chàng trai sẽ tìm đến tâm sự với người bạn gái, tìm hiểu lứa đôi để nên duyên vợ chồng.
Màn hát múa “Hội cầu lửa”. Sáng tác: Đào Thế Y do tập thể nam nữ diễn viên đoàn nghệ thuật quần chúng đồn Biên Phòng tỉnh Hà Giang biểu diễn trong đêm giao lưu ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ V tổ chức tại Hà Giang, tháng 8 năm 2006.
Tết, lễ hội cộng đồng
Trong một năm, người Pà Thẻn không có nhiều tết như các tộc người khác mà chỉ có hai tết chính là: Tết thanh minh (3/3) và tết Nguyên đán. Vào ngày Tết thanh minh, đồng bào đồ xôi các màu và mang cùng với thịt, rượu ra mộ bố mẹ để cúng và ăn luôn tại đó. Người Pà Thẻn chuẩn bị và ăn Tết Nguyên đán từ khoảng 25/12 âm lịch năm trước đến 15 tháng giêng năm sau. Đêm 30 tết, gia đình nào cũng tổ chức cúng mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Khi bắt đầu cúng, cửa chính phải đóng lại cho đến tận sáng hôm sau, trước khi mở cửa phải bắn 3 phát súng hiệu. Sáng ngày mồng 1 tết, các gia đình làm lễ xin nước (gả ỏ) ở đầu nguồn mong ma nguồn nước cho nước sạch, nước đều quanh năm cho dân bản rồi mới tổ chức đến nhà nhau chơi.
Trong các lễ hội truyền thống của người Pà Thẻn, nhảy lửa là lễ hội độc đáo và mang nhiều nét huyền bí. Lễ nhảy lửa thường được tổ chức vào lúc nông nhàn, vừa ăn tết xong (từ tháng 10 âm lịch năm trước tới tháng Giêng năm sau). Đây được coi là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, nói lên sức mạnh phi thường của con người. Đồng thời, có ý nghĩa xua đuổi tà ma, bệnh tật, mừng cho một vụ thu hoạch vừa kết thúc, cầu thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, dân bản được mùa, no ấm. Lễ vật cúng trong lễ nhảy lửa gồm: một bát hương, một con gà luộc, mười chén rượu trắng và những cây củi trên rừng để đốt thành những đống than đỏ hồng. Phần lễ do thày cúng thực hiện trong khoảng một giờ đồng hồ, xin phép thổ công, thổ địa cho được phép nhảy lửa. Bên cạnh thày cúng là khoảng 10 thanh niên nam khỏe mạnh nghe thầy khấn và gõ vào Pàn dơ (đàn cúng) cho đến khi thần thánh nhập vào người thì lúc đó họ mới nhảy vào ngọn lửa đang cháy và đống than hồng với đôi chân trần mà không bị bỏng, hay sợ hãi. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút và có thể nhảy nhiều lần. Những người này luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của mọi người. Với giá trị đặc sắc đó, năm 2013 “Lễ hội nhảy lửa” của người Pà Thẻn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đây cũng là điểm nhấn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với huyện Quang Bình nói riêng và Hà Giang nói chung.
Ngoài ra, trong các lễ hội, người Pà Thẻn tổ chức có các trò dân gian như: đánh cù (bó dê), cầu lông gà (pa es lư), chơi khăng, đi cà kheo…
Lễ hội Nhảy lửa (Cầu lửa) “Po dinh họn a tờ” của người Pà Thẻn thường được tổ chức vào ngày 16/10 (Âm lịch) hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong, gắn liền với lễ truyền nghề thầy cúng “Póc Quơ” trong từng dòng họ. Trước kia, một hội nhảy lửa thường chỉ có một thầy cúng (Pác mân) và các học trò (Tô thích) của người thầy cúng đó tham dự. Hiện nay, số người học làm thầy cúng không đông, nên hội nhảy lửa không bắt buộc chỉ có thày cúng và học trò, thêm vào đó, có cả thanh niên trai tráng trong làng hoặc những học trò của thầy cúng khác cũng có thể tham gia. Lễ hội nhảy lửa thường diễn ra vào buổi tối, để thày cúng làm lễ, lắc vòng Pà sán tầu và gõ que tre vào đàn Pàn dơ với các lễ thức: trình bày lý do làm lễ, cúng “xuất hồn” lên trời, toàn thân thày lắc lư, tạo âm thanh náo động, dồn dập như đang chu du tìm các vị thần về nhập vào các chàng thanh niên đã ngồi chờ trong. Qua bài cúng và nhạc điệu, người ta cảm thấy con đường đi tìm thần về nhảy lửa của thầy cúng rất gian nan, có khi phải đi qua cả hang quỷ, nên chỉ có ông thày cao tay, nhiều phép thuật mới làm được. Sau khoảng 30 phút, cơ thể các học trò bắt đầu rung, lắc, giống như các thần ở trên trời đã xuống và nhập vào họ. Lúc này, họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, với bàn chân trần, dùng tay bốc than tung lên, thậm chí, có người còn cho than hồng vào mồm nhai, như không hề cảm thấy sức nóng của than hồng. Việc nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một giờ, người này ra, người kia vào, cho tới khi lửa tàn hẳn, thày cúng làm lễ tiễn các ma về trời, cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia. Lễ hội Nhảy lửa (Cầu lửa) “Po dinh họn a tờ”, do nhóm thày cúng và thanh niên dân tộc Pà Thẻn, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang thực hiện.