La Chí

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc La Chí có dân số 13.158 người(năm 2009)
Địa bàn cư trú: Người La Chí cư trú chủ yếu ở tỉnh Hà Giang và Lào Cai.
Tên gọi theo nhóm địa phương: Tên tự gọi là Cù Tê, tên gọi khác: La Quả, Thổ Đen, Mán La Chí, Xá.
Ngôn ngữ: Dân tộc La Chí thuộc nhóm ngôn ngữ Ka ai (ngữ hệ Thái-Ka Đai)

Sản xuất nông nghiệp

Dân tộc La Chí làm ruộng kết hợp với nương rẫy. Đồng bào có nhiều kinh nghiệm trong việc khai phá ruộng bậc thang, tạo nên những thửa ruộng màu mỡ. Việc khai phá ruộng bậc thang thường tiến hành vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 7 (âm lịch). Công cụ khai khẩn ruộng nương là: dụng cụ phát bờ, cuốc chim, thuổng, cuốc bàn, cày, bừa… Trong lao động có sự phân theo giới: nam đào đất, đánh gốc cây; phụ nữ và trẻ em kéo bừa để gạt đất, san phẳng; đắp bờ ruộng có người chuyên trách riêng. Về kỹ thuật canh tác được chia làm 3 loại: nương dốc dùng gậy chọc lỗ, nương thoai thoải dùng cuốc, nương bằng phẳng dùng cày. Trên các thửa ruộng bậc thang, người La Chí chỉ canh tác mỗi năm một vụ (hè thu), thời vụ, từ tháng giêng đến tháng 4. Trong canh tác, đồng bào đã quan tâm bón phân cho lúa theo 2 cách: vãi phân ra giữa ruộng trước khi bừa lần cuối cùng và chấm gốc mạ vào phân khi cấy. Người La Chí thu hoạch lúa theo 2 cách: lúa nếp ngắt từng bông bằng nhíp, bó lại mang về nhà; lúa tẻ dùng liềm gặt, đập lúa vào Loỏng ngay ngoài ruộng, gánh thóc về nhà. Bên cạnh việc trồng lúa nước, đồng bào còn làm nương, trồng ngô, lúa, khoai, sắn, rong giềng, các loại hoa màu và trồng bông dệt vải.

Người La Chí chăn nuôi nhiều loại gia súc và gia cầm: nuôi trâu phục vụ cho việc kéo cày, bừa, lấy phân bón cho cây trồng. Ngoài trâu, đồng bào còn nuôi ngựa để vận chuyển, nuôi dê, lợn, gà, vịt, chó phục vụ hiến sinh cúng bái trong các dịp lễ, tết, cưới xin, tiếp khách hoặc bán lấy tiền.

Kinh tế tự nhiên

Sống ở miền núi, đồng bào La Chí biết tận dụng và khai thác nguồn lâm, thổ sản. Hàng ngày, mùa nào thức dấy, phụ nữ, trẻ em thường thu hái các loại: măng, mộc nhĩ, rau, hoa quả dại trên rừng về ăn, chăn nuôi lợn, thu hái một số cây dược liệu về làm thuốc nam chữa bệnh. Trong nhà, đồng bào luôn có sẵn một số loại thảo dược để phòng khi bị cảm, đau bụng, thông dụng nhất là rễ cây dó. Săn bắt các loại thú rừng để làm nguồn thực phẩm bổ sung cho bữa ăn hàng ngày, được nam giới La Chí thực hiện vào những lúc nông nhàn. Vào mùa gặt, họ thường bắt chuột đồng để làm thức ăn và sử dụng trong các nghi lễ thờ cúng. Ngoài ra, đồng bào còn đánh bắt các loại nhuyễn thể, cá, tôm ở sông, suối.

Nghề thủ công

Người La Chí nổi tiếng với nghề dệt vải và đan lát. Hầu hết, phụ nữ La Chí đều biết trồng bông, dệt vải, nhuộm màu. Trước kia, vải mặc của các thành viên trong gia đình đều do bàn tay của người phụ nữ tự tay làm ra, họ không mua vải từ các dân tộc khác. Ngay từ nhỏ, các bé gái đã được dạy cho công việc của nghề dệt vải và họ cũng lấy đó làm thước đo giá trị của phụ nữ La Chí. Hiện nay, do sự trao đổi, giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ nên nghề dệt của đồng bào đã bị mai một, mỗi bản chỉ còn một đến ba gia đình còn duy trì nghề dệt, cung cấp đủ vải cho gia đình và bán cho các hộ khác làm trang phục mặc về thế giới bên kia. Bên cạnh nghề dệt, người La Chí còn tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như: nứa, giang, vầu, tre, trúc, guột, mây… để phát triển nghề đan lát các vật dụng dùng trong sinh hoạt gia đình và trao đổi, bán cho các tộc người khác. Sản phẩm đan lát bao gồm: bồ đựng thóc, dậu, rổ, rá, sọt, địu, hòm tư trang. Trong đó, chiếc hòm đựng tư trang của cô dâu trong ngày cưới “Ăn lòng” là sản phẩm điển hình. Trước mỗi một đám cưới, sau khi ăn hỏi xong, nhà trai ngoài việc lo đủ số tiền thách cưới, chàng rể còn phải mua hoặc tự tay đan một đôi hòm đem sang nhà cô dâu, chờ đến ngày cưới cô dâu sẽ đựng tư trang đem về nhà chồng. Hòm được đan bằng nan tre, một số nan được nhộm màu đen từ củ nâu trộn than quả bầu khô, luộc kỹ để chống mối mọt. Hòm đan thành hai lớp, giữa hai lớp nan có lót một lá hoặc mo tre, kết hợp cả lóng mốt, lóng hai, lóng ba, tạo hoa văn hình vuông, 8 cánh…khá đẹp và tỉ mỉ. Hòm có nắp đậy, chụp khíp miệng hòm. Thân hòm, đan liên kết với nắp hòm “phả lòng” bằng đai mây, có thể cài hoặc khoá an toàn khi đựng tài sản.

Phương thức vận chuyển

Sống ở vùng cao, đồng bào La Chí sử dụng chủ yếu hai phương thức vận chuyển là gánh và gùi. Phụ nữ dùng địu đan bằng giang, địu vải để địu con khi đi làm trên nương hay làm việc ở nhà, đặc biệt là chiếc gùi đeo dây qua trán. Nam giới đeo gùi qua hai vai hoặc gánh đôi dậu để vận chuyển lương thực, hoa màu từ nương về nhà. Khi cần vận chuyển đồ nặng đồng bào dùng ngựa thồ. Người La Chí còn dùng những ống bương dài tới 1,5m để đựng và vận chuyển nước từ khe suối hay đầu nguồn về nhà dùng.

Trao đổi hàng hóa

Trước kia, cuộc sống của người La Chí chủ yếu là tự cung tực cấp về mọi mặt, họ chỉ dùng nông sản, lâm thổ sản, đồ đan…đổi ngang giá lấy mắm, muối, chất đốt và một số đồ dùng thiết yếu để dùng trong gia đình. Hiện nay, việc trao đổi hàng hóa thường diễn ra vào mỗi dịp chợ phiên, đồng bào bán nông lâm thổ sản, đồ đan, rau, củ, quả tự thu hái và trồng được như: măng rừng, mật ong, trứng (gà, vịt), bầu, bí, hồng, mùa nào thức ấy để lấy tiền mua sắm các vật dụng sinh hoạt. Ngoài ra, đồng bào còn bán lợn, gà, dê, bò do chăn nuôi được, thậm chí đánh bắt được con thú nào (sóc, dúi, nhím) cũng mang ra chợ bán.

Văn hóa mặc

Trang phục của người La Chí đơn giản, không cầu kỳ, màu sắc chủ đạo là màu chàm. Trước đây, đàn ông để tóc dài, đội khăn cuốn, mặc áo 5 thân dài ngang bắp chân, cổ đứng, vạt chéo và cài khuy bên nách phải, mặc quần chân què, cạp lá tọa. Phụ nữ La Chí mặc áo dài (pù), may kiểu tứ thân, xẻ trước ngực, không cài cúc. Nẹp cổ áo đáp thêm một mảnh vải cùng màu, thêu trên đó hai hình tam giác châu đỉnh vào nhau, cứ 3 hoặc 4 hoa văn như vậy được xen kẽ bằng đoạn thêu chỉ màu đỏ có 4 chấm tròn, quả trám, kết hợp với các đường viền với nhiều gam màu: xanh, trắng, đỏ, vàng, tím. Trong đó, chủ đạo là đỏ và màu tím, đây cũng là hai màu mà người La Chí ưa thích, tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc. Hai bên xẻ tà đều nẹp vải đỏ, vải hoa ở phía trong, khi mặc vắt chéo hai thân trước chồng lên nhau, phần cổ áo khép lại ngang ngực, dùng thắt lưng quấn ngoài áo, quần hoặc váy. Bên trong áo mặc yếm (nhúm) bằng vải chàm đen,  góc vuông của yếm cắt khuyết một hình vuông nhỏ, hai đỉnh góc đính một đôi dây đeo cổ (phồ), thêu hoa văn lá thông và đáp ghép vải màu, khi mặc thả dây xuống ngang lưng. Cùng với áo là váy (èng), kiểu váy ống hoặc quần chân què, cạp lá tọa. Khi mặc, dùng thắt lưng (kha dá dê) màu đen hoặc xanh chàm, quấn hai vòng quanh người, thắt mối trước bụng và giắt hai đầu thắt vào các vòng vải đã quấn. Vào mùa đông, phụ nữ còn quấn xà cạp (pu ke) bằng vải chàm đen hình tam giác, vòng chéo quanh bắp chân. Hầu hết phụ nữ La Chí đều dùng khăn đội đầu (kha) bằng vải chàm đen (rộng 25 cm, dài 320 cm), hai đầu khăn thêu hai đến ba hàng hoa văn chùm lá thông “kha la”, bằng chỉ trắng – đỏ, xanh – đỏ, kết nối với nhau thành hình nốt chân chim. Mỗi khi ra khỏi nhà, dù đi chợ, đi chơi hay đi nương, họ đều đeo túi để đựng đồ tư trang. Túi được ghép bằng bốn khổ vải hình chữ nhật (45 x 47 cm), miệng  túi có gắn hai loại dây để đeo và quàng dây qua trán. Phụ nữ La Chí có tục nhuộm răng đen, phong tục này đến nay vẫn còn tồn tại, tuy số lượng người nhuộm răng đen ngày càng ít dần. Cách nhuộm răng của họ cũng khá đơn giản. Trước khi nhuộm phải đánh răng thật sạch để chất nhuộm rễ bám vào răng. Sau đó, họ hái một nắm là cây nhan tế (giống như lá dây mơ lông), nhai và ngậm hai, ba lần mỗi ngày, cho đến khi răng ngả sang màu vàng, lại ngậm, nhai lá cây mía phe có vị đắng, cay nhiều lần, đến khi răng đen mới thôi. Sau khi răng đen,  thường xuyên nhai và ngậm hai loại lá cây trên một lần để răng không bị bạc. Đối với người La Chí răng càng đen thì càng đẹp.Một số phụ nữ có thói quen đeo vòng cổ bằng bạc làm đẹp.

Văn hóa ẩm thực

Người La Chí chủ yếu ăn cơm tẻ với cách nấu rất độc đáo, không giống tộc người nào. Trước tiên, họ cho nước vào chảo, đun sôi rồi đổ gạo vào đun cho đến khi hạt gạo sắp chín mới đổ ra rá cho ráo nước. Sau đó, tiếp tục cho vào chõ đồ đến khi gạo chín. Với cách nấu này, cơm không bao giờ bị khê hay nát mà lại tơi, chín đều. Thức ăn thường ngày của người La Chí chủ yếu là rau, thi thoảng có thêm thịt, cá. Món ăn đặc trưng của đồng bào là: da trâu sấy khô, thịt nướng, thịt chuột và thịt ướp chua. Vào các dịp lễ, trâu được mổ để tế lễ, sau đó chế biến thành các món ăn, nhưng không thể thiếu món canh xương trâu nấu với củ chuối hoặc xương sườn trâu xào với thân cây chuối thái mỏng. Người La Chí còn chế biến thịt chua từ thịt lợn, thịt trâu để ăn dần (thái miếng dài, dày, trộn muối thật mặn, cho vào hũ đậy kín, khoảng 3 tháng là ăn được). Khi ăn, thái miếng nhỏ, trộn với bột gạo nếp đã rang và dấm, tạo món ăn có vị mặn của muối, vị chua của dấm và vị bùi của bột gạo nếp rang. Đặc biệt, chuột đồng không chỉ là món ăn khoái khẩu mà còn là lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức cúng: tổ tiên, lúa mới, xuống đồng, đám cưới. Trong tất cả các lễ hội, tết, cưới hỏi, rượu, rượu hoẵng là đồ uống không thể thiếu của người La Chí. Rượu hoẵng làm từ gạo nếp, nấu chín, để nguội, trộn men cổ truyền (gồm 12 thứ lá rừng), ủ trong chum. Trước khi uống, đổ nước lạnh vào và chắt ra thứ rượu màu trắng đục, có vị ngọt thơm. Khi uống, họ quy định: đàn bà, con gái uống bằng bát; đàn ông, con trai uống bằng sừng trâu. Trong các lễ cúng tổ tiên, thầy cúng bao giờ cũng vừa cúng vừa uống rượu, làm như vậy thì ma tổ tiên mới được uống.

Văn hóa ở

Người La Chí lập làng tại các sườn đồi cao, ít ai chọn vùng đất thung lũng, ven sông, suối. Mỗi làng có một địa vực nhất định, ranh giới giữa các làng thường là quả đồi, đường đi hoặc dòng suối, được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Nhà ở của người La Chí là nhà nửa sàn nửa đất, phần nền đất là nơi đặt bếp, phần sàn là nơi ở, nơi diễn ra các sinh hoạt chủ yếu của gia đình. Nhà có một cầu thang bắc từ nền đất lên sàn nhà. Phần sàn gồm 3 gian và 1 trái nhỏ, ở gian giữa mở 1 cửa để thông ra sàn phơi. Ba mặt của phần nền nhà đất được trình tường dày, cao gần sát mái, có một cửa duy nhất được mở từ phía đầu hồi vào nhà. Việc bố trí trong nhà thông thường là: ở gian chái có hai buồng, phía trước để đồ đạc của bố mẹ, phía sau là buồng của vợ chồng con trai thứ. Bố trí mặt bằng trong nhà theo thứ tư, gian đầu chia làm 2 phần, nửa trước là nơi đặt bàn thờ, nơi ngủ của bố mẹ, nửa sau có 1 bếp dùng để sưởi, đun nước và nấu thức ăn; gian thứ 2 là nơi đặt bàn thờ của các con thứ. Gian cuối cùng dành cho con cả. Con gái chưa chồng không có buồng riêng, họ ngủ ngay trên sàn ở phần chái hoặc gian đầu.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Người Người La Chí ở tỉnh Hà Giang cư trú ở huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì. Họ tự coi nhóm La Chí ở bản Díu (huyện Sín Mần) là anh cả, các nhóm La Chí ở bản Phùng (huyện Hoàng Su Phì) là anh thứ 2, bản Máy (cũng thuộc huyện Hoàng Su Phì) là em út. Đồng bào có 4 dòng họ: Ly, Tận, Lùng, Vương.  Mối liên hệ dòng họ được thể hiện chủ yếu qua tín ngưỡng. Người đứng đầu dòng họ không nhất thiết phải là người già nhất hay trưởng họ mà là người biết cúng. Nhiệm vụ chủ yếu của người đứng đầu là cúng tổ tiên của dòng họ vào tết tháng 7 hàng năm.

Gia đình người La Chí là kiểu gia đình phụ hệ, con theo họ bố. Trong nhà thường có ba thế hệ cùng sinh sống (bố mẹ, các con và các cháu). Mọi công việc trong gia đình có sự trao đổi bàn bạc giữa vợ, chồng và các con, nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là người chồng. Trong gia đình, con dâu, em dâu không được đến chỗ ngủ và ngồi chung mâm với bố chồng, anh chồng. Chỉ con trai được thừa kế tài sản do bố mẹ để lại. Họ quan niệm: Nhà to là nhà của anh/ Ruộng to là ruộng của em út vì khi các anh chết đi người em út sẽ phải trông nom mồ mả của gia đình.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Người La Chí thực hiện hôn nhân theo chế độ ngoại hôn dòng tộc. Nghiêm cấm tuyệt đối các trường hợp: nội hôn dòng họ (phải đến đời thứ 4 mới được kết hôn); vợ chết chồng kết hôn với chị hoặc em gái vợ. Phong tục cho phép anh chết, em có thể lấy chị dâu, nhưng không cho phép anh lấy em dâu. Đồng bào có 2 cách tổ chức cưới: cưới do bố mẹ đi hỏi cho và cưới do trai, gái người tự tìm hiểu. Hôn nhân do cha mẹ đi hỏi cho phải trải qua nhiều nghi lễ: dạm hỏi, xêu tết, cưới. Theo phong tục, bố mẹ nhà trai nhờ ông mối (pô phì)đến nhà gái để thỏa thuận về lễ vật cưới, bao gồm: tiền công nuôi con gái (mí khá) là 6,6 đồng bạc trắng, vòng tay, 72 kg thịt trâu biếu bố mẹ vợ, 40kg thịt biếu họ hàng nhà gái, 12 kg thịt để cúng tổ tiên. Trước mỗi một đám cưới, sau khi ăn hỏi xong, nhà trai ngoài việc lo đủ số tiền thách cưới, chàng rể còn phải mua hoặc tự tay đan một đôi hòm đem sang nhà cô dâu, chờ đến ngày cưới cô dâu sẽ đựng tư trang đem về nhà chồng. Khi đón dâu từ nhà gái về nhà chồng, đôi hòm cùng một chiếc chăn bông và một chiếc chiếu được người nhà cô dâu gánh đến nhà trai vào lúc nửa đêm. Đến nhà trai số tài sản trên được bày ra mâm và mời nhà trai chứng kiến rồi mới đưa vào buồng cô dâu. Ngày cưới, khi đón dâu về, cô dâu làm lễ trước bàn thờ tổ tiên xong phải quay về nhà bố mẹ đẻ, chiều hôm sau mới trở lại nhà chồng, 13 ngày sau cô dâu về nhà bố mẹ đẻ lại mặt lần 2 và ngủ qua đêm hôm sau mới về. Hôn nhân do trai gái tự tìm hiểu: Khi 2 người quyết định lấy nhau, người con trai báo cho bố mẹ mình biết rồi đón cô gái vào rừng ăn ở với nhau. Hôm sau, bố mẹ nhà trai nhờ ông mối sang báo cho nhà gái biết, nếu nhà gái không đồng ý, thì đòi nhà trai vào rừng đón con gái về. Sau đó, người con trai tiếp tục đưa cô gái vào rừng ăn ở cho đến khi bố mẹ cô gái đồng ý, chàng trai đưa cô gái về nhà mình. Nhà trai mời nhà gái sang ăn uống mừng con cái nên vợ chồng. 13 ngày sau, cô gái trở về thăm bố mẹ đẻ như một hình thức lại mặt. Thời gian tổ chức lễ cưới chính thức tùy theo hoàn cảnh kinh tế của nhà trai.

Phụ nữ La Chí đến ngày ở cữ, họ thường đẻ ở dưới gầm sàn hay cạnh bếp, phần nhà nền đất. Trẻ sinh ra, được cắt rốn, chừa 1 đoạn cách rốn 2 đốt ngón tay, nhau thai được chôn cất cẩn thận, người mẹ mới bế con lên nhà, ngủ cạnh bếp sưởi. Trước khi đặt tên, người lạ vào nhà phải lấy chỉ buộc cổ tay đứa trẻ và người đó được nhận là bố mẹ nuôi. Khi đặt tên phải cúng tổ tiên và bói gạo trên trứng để chọn tên thích hợp. Nếu trẻ mới đẻ hay khóc thì đến ngày thứ 13, phải cúng miềng pho (bà mụ), gọi hồn cho trẻ và tìm bố mẹ nuôi. Sau khi đã gọi hồn (kè ngui), trẻ bớt khóc hay không khóc nữa thì phải bói tìm bố nuôi. Trước hết bói xem bố nuôi sẽ là người họ nào rồi đến bất cứ nhà nào trong họ đó xin một bát gạo về nấu cơm cho con ăn. Nếu con ban đêm không khóc nữa tức là đã tìm được đúng người mong mỏi, bố mẹ mang lễ vật (chai rượu, con gà) sang nhà nhận bố mẹ nuôi và xin đặt tên mới cho con. Cũng có khi không cần cúng bà mụ, người ta chỉ đặt một sợi chỉ đỏ lên trên bát nước đầy để cạnh bàn thờ đợi người vào nhà trước sẽ nhận làm bố nuôi. Đôi khi bố mẹ bế con ra đường cái đón người gặp đầu tiên về nhà làm lễ nhận bố nuôi. Nếu suốt buổi không có ai qua lại thì tự đặt tên cho con là y phá (hòn đá), hay nếu chỉ gặp loại gia súc, gia cầm nào thì đặt tên con theo loại ấy (trâu, ngựa, lợn…). làm lễ gọi hồn cho đứa trẻ. Sau lễ đó người mẹ phải bế con về nhà ông bà ngoại ở vài ba ngày.

Tập tục tang ma

Khi trong nhà có người chết, người ta tắm sạch sẽ cho người chết bằng lá thơm, mặc quần áo mới, quan tài được rửa bằng nước thảo quả. Thi hài được quàn giữa nhà, trên đó luôn có ngọn đèn sáng. Chọn nơi đào huyệt bằng cách bói trên xương đùi gà, huyệt đào trên sườn dốc. Sau khi đào huyệt xong, những người đào huyệt lấy cành lá có gai quét xuống lòng mộ để gọi hồn mình về. Họ để lại cuốc xẻng tại mộ, rồi đi đường tắt về vì họ kiêng gặp đám ma trên đường về nhà. Khi hạ huyệt, đầu quan tài quay về hướng núi. Trên quan tài đặt nong gạo của những người đến viếng, mộ đắp cao hình nón, đỉnh mộ là ống tre. Con cháu đóng bốn cọc ở 4 góc quan tài, cách đầu mộ khoảng 1m đóng thêm một cọc tre ở đầu mộ để treo túi vải (nếu là phụ nữ treo nón). Cuối cùng, người ta đập chết một con chó để cạnh mộ, đầu chó quay về hướng mặt trời mọc. Con chó có nhiệm vụ trông nhà cho người chết ở thế giới bên kia. Ba ngày đầu sau khi chôn, con cháu đến thăm mộ và để vào túi vải trước mộ cơm, thịt, nước đựng trong ống vầu đề người chết ăn cơm tối, sáng và chiều. Đến đêm thứ 3, gia đình cúng mời người quá cố về ăn cơm. 13 ngày sau khi chôn, con cái ăn bốc hay bằng thìa, không được dùng đũa để tỏ lòng thương tiếc cha mẹ. Sáng ngày thứ 13, con cháu dắt trâu đi quanh mộ 3 vòng, rút 4 cọc tre ở mộ và gọi hồn những người đi chôn hôm trước trở về. Sau đó, họ làm lễ hiến trâu cho người chết, sọ trâu đem ra treo ở cột trước mộ. Sau 7 tháng đến 1 năm, vào đúng ngày chết của người quá cố, người ta làm lễ ni khùng (hiến trâu) và chôn cọc tre giống hàm răng trâu, quanh mộ. Nếu người chết làm đủ ba cấp độ thờ tổ tiên sẽ được chôn 42 đôi cọc, ai chưa đủ thì chỉ chôn 6 đôi. Cả hàng cọc chôn sát nhau và thấp dần về hai bên trông như hàm răng trâu- đó là nét độc đáo trong tang lễ của người La Chí. Họ tin rằng, sau lễ ni khùng, hồn sẽ dần dần chết từng đôi một và biến thành cỏ cây, côn trùng, cuối cùng hồn biến thành đất là hết.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người La Chí theo tín ngưỡng đa thần, họ thờ tổ tiên và các thần linh (thần cây đa, thần rắn, hồn lúa). Đồng bào thờ cúng tổ tiên (ba đời đối với nam, hai đời đối với nữ) vào các dịp tết, ngày lễ, không có ngày giỗ. Nét đặc trưng của thờ tổ tiên trong gia đình người La Chí là thờ bố và các con trai khi còn sống, mỗi người có một bàn thờ riêng, xếp dọc phần vách phía trước theo thứ tự : bàn thờ của bố, bàn thờ của con út, bàn thờ của các con thứ trong cùng là bàn thờ của con cả. Bàn thờ của con thấp hơn bàn thờ của bố một chút. Một bàn thờ tổ tiên hoàn chỉnh cần phải qua ba lần hay ba cấp cúng (lần 1: khi xây dựng gia đình; lần 2: có con đầu lòng; lần 3: ngoài 40 tuổi). Sau khi bố đã làm đủ ba cấp, thì con trai cả mới bắt đầu được dựng bàn thờ. Anh cả làm xong cả ba cấp, các em mới lần lượt được dựng bàn thờ. Chỉ có những người đàn ông có vợ mới được dựng bàn thờ như vậy, người goá vợ hoặc không lấy vợ không được lập bàn thờ. Đồng bào tin rằng chỉ những người cúng đủ ba cấp, thì sau khi chết, vợ chồng mới đoàn tụ, tiếp tục sống với nhau ở bên kia thế giới và họ mới được coi là ‘người già’ được kính trọng trong làng xóm.

Bên cạnh thờ cúng tổ tiên, trong miếu của làng, người La Chí còn thờ thần Hoàng Dìn Thùng (tức Hoàng Văn Đồng) như một thành hoàng làng. Ông là một tù trưởng ở xã Tụ Long, tỉnh Tuyên Quang đã lãnh đạo dân chúng chống phong kiến vùng này vào cuối thế kỷ XVIII. Trước đây, dân làng cúng hàng năm, nhưng nay khoảng 10-15 năm mới cúng một lần bằng bò, do cả làng góp tiền mua. Ngoài ra, họ còn thờ hồn lúa, thần rắn (phù trợ cho sản xuất nông nghiệp). Vào ngày 2/2 hàng năm, đồng bàotổ chức lễ hội thờ thần cây đa cổ thụ trong làng, vì họ quan niệm cây đó là tổ tiên của người La Chí.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người La Chí có vốn văn nghệ dân gian khá phong phú gồm: truyện thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích. Cốt truyện chủ yếu tập trung vào chủ đề nguồn gốc lịch sử như truyện về nguồn gốc dân tộc (Hoàng Dìn Thùng), các hiện tượng tự nhiên (vì sao có mặt trời, mặt trăng), nguồn gốc cây lúa và các hiện tượng xã hội, các phong tục tập quán (truyện nguồn gốc dùng củ gừng cúng tổ tiên, cúng xin giống, vì sao sinh ra then). Đồng bào La Chí có nhiều trò chơi giải trí như: Mì khum (ném còn), ni cô (đánh quay), chơi ống phốc. Tết tháng tám ăn cơm mới, thanh niên chơi pỉ cúng vầy (đu dây). Trong những ngày lễ, tết, họthường hát ni ca, đánh trống, chiêng, con trai thổi đàn môi bằng lá cây để hẹn hò bạn gái.

Múa hát diễn ra sau lễ cúng tổ tiên 3 đời của người Là Chí vào ngày đầu năm mới. Mục đích tạ ơn tổ tiên đã giữ đất, giữ rừng, truyền lại cho con cháu. Múa hát khu cù tê còn là dịp để con cháu cầu chúc cho tổ tiên vui vẻ, trường tồn cùng non sông, núi rừng để phù hộ cho gia đình, làng bản. Tiết mục múa hát “Khu cù tê” do sinh viên dân tộc thiểu số Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc biểu diễn.

Tết, lễ hội cộng đồng

Người La Chí có nhiều lễ, tết trong năm như: Tết Khu cù tê (1/7-15/7), tết âm lịch mồng một, tháng giêng, tết tháng 3, lễ mừng cơm mới Trong đó, Tết Khu cù tê được xem là lễ hội đặc trưng, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào. Khu cù tê là nhà cộng đồng để thờ cúng tổ tiên của người La Chí. Tết khu cù tê có nghĩa là Tết được tổ chức tại nhà cộng đồng. Theo phong tục của người La Chí, vào ngày này, tổ tiên (từ 3 đời trở lại) sẽ được mời về khi cúng tại nhà trưởng tộc của các dòng họ. Vật cúng là một con gà trống và tiết gà được đặt trên mâm. Đầu tiên, trưởng tộc cúng mời các linh hồn (nam giới trước sau đó mới đến nữ) ở lại ăn Tết cùng con cháu và phù hộ cho sức khoẻ, làm ăn may mắn, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu… Kết thúc lễ cúng, mọi người cùng ăn uống đến tối mới về nhà. Sau đó, các gia đình trong họ mới được phép làm cỗ mời họ hàng đến ăn. Sau lễ cúng tại nhà các trưởng tộc là lễ cúng tại nhà trưởng làng, với sự tham gia của các trưởng tộc. Khi cúng, trưởng làng hoặc trưởng họ là người chủ trì, các trưởng họ khác cùng phụ giúp thực hiện nghi lễ. Trưởng làng là người cúng đầu tiên, sau đó các trưởng họ mới được cúng. Họ dùng sừng trâu đựng rượu hoẵng mời tổ tiên dòng họ của mình về chứng giám cho lòng thành của con cháu, mong tiên phù hộ cho người trong họ ngày càng đông, sức càng mạnh, ngô, thóc đầy bồ, đầy nhà, trâu, ngựa đầy chuồng… Các trưởng tộc cúng xong cùng uống rượu, ăn xôi, thịt để báo hiệu tổ tiên đã về, chia các phần thịt, rượu cho nhau để thể hiện sự đoàn kết, tương trợ giữa các dòng họ. Ngày cuối cùng, dân làng tập trung tại nhà cộng đồng Khu cù tê làm lễ đánh trống để tiễn tổ tiên trở về thế giới bên kia. Cúng xong, họ cùng nhau nhảy múa và đánh trống. Khi tiếng trống kết thúc, đồ cúng mà các dòng họ mang đến được bày ra, tất cả mọi người tham dự cùng thụ hưởng.

Tết cơm mới của dân tộc La Chí, bản Tân Lợi, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Lễ cúng cơm mới của người La Chí được tổ chức vào khoảng tháng 9 âm lịch, khi những bông lúa ngoài đồng bắt đầu chín vàng. Người cao tuổi và có uy tín nhất trong xã sẽ chọn một ngày tốt, rồi thông báo với bà con trong xã chuẩn bị sắm sửa lễ vật làm lễ cúng mừng cơm mới. Chỉ khi nào đã làm xong lễ cúng mừng cơm mới, dân bản mới được ăn cơm gạo mới. Đây là lễ cúng báo tổ tiên, tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, để đồng bào La Chí có được một vụ mùa bội thu. Lễ vật cúng cơm mới không thể thiếu củ gừng (vì đó là vật nối liền giữa âm và dương), cơm nếp, cơm tẻ là cơm mới vừa được gặt ở ruộng, nương về. Bên cạnh đó còn có thịt, cá, chim, chuột, nhộng ong, rượu, tiền, vàng mã…Tất cả lễ vật cúng cơm lên một chiếc mâm, đặt trước bàn thờ tổ tiên, để khấn mời thần linh, tổ tiên về ăn cơm mới, chứng kiến lòng thành, phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, sản xuất được nhiều lúa gạo, con cháu được thóc đầy nhà, lợn bò đầy sân và mong muốn những mùa tới sẽ được nhiều may mắn, thuận lợi. Kết thúc nghi lễ, cả gia đình quây quần bên mâm cơm, mỗi người nắm một nắm cơm nhỏ, kèm lẫn một con cá, để lấy lộc, rồi mời bà con hàng xóm cùng nếm cơm mới. Ngày lễ mừng cơm mới, thanh niên nam nữ trong bản còn tổ chức ném còn, đu đôi nam nữ, thi hát giao duyên, hát đối đáp… các em nhỏ thì chơi các trò chơi bập bênh…