La Ha

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc La Ha có 8.177 người (năm2009).
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú tập trung tại các tỉnh Sơn La, Lào Cai.
Tên gọi khác: Xá Cha, Xá Bung, Xá Khao, Xá Táu Nhạ, Xá Poọng, Xá Uống, Bủ Hà.
Ngôn ngữ: Tiếng nói dân tộc La Ha thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Đai, ngữ hệ Thái  Kađai.

Sản xuất nông nghiệp

Người La Ha sống chủ yếu canh tác ruộng nước kết hợp với nương rẫy. Ruộng nước nà có 2 loại: ruộng bậc thang ven suối và ruộng bậc thang sườn đồi, được khai thác triệt để ở những nơi có nguồn nước, địa thế bằng phẳng. Trước đây, ruộng của người La Ha trồng lúa nếp một vụ. Ngày nay, do được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật  bà con đã trồng lúa nếp trong hai vụ: chiêm xuân (cấy lúa ngắn ngày, từ tháng 2 đến tháng 6) và vụ mùa (giống dài ngày, từ tháng 7 đến tháng 11). Quy trình canh tác ruộng gồm: (khẩn khoạng), gieo mạ (pan trả), cấy (lăm na), chăm bón (tới cham non na) và thu hoạch (kíu hơi). Do tập quán ăn cơm nếp nên các loại giống đều là giống lúa nếp. Giống địa phương có 2 loại cơ bản là lúa nếp ngắn ngày (hơi pe tlo) và giống dài ngày (hơi pe mu). Công cụ làm ruộng phổ biến từ trước đến nay là cày (thay), bừa (ban), cuốc (chop). Khoảng 6 năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình đã dùng máy tuốt lúa thay cho việc đập vào trạc cây (hoong pến) hay vò bằng chân.

Nương hạ của đồng bào La Ha có nhiều loại: nương lúa (hạ li) màu mỡ, nương ngô (hạ hơi) độ màu vừa phải, nương sắn (hạ măn) và nương đỗ (hạ khay) được trồng ở nơi đất xấu. Ngoài ra đồng bào còn xen canh các loại cây: đỗ (khay), ớt (ứt), bí xanh (ma pắc xinh) và bí đỏ (ma ớ), đậu tương, bông, trên nương lúa. Lúa nương gieo vào tháng 3, 4 (Dương lịch), thu hoạch vào cuối tháng 9; ngô tỉa vào tháng 4, thu hoạch tháng 8, 9; sắn trồng vào cuối tháng 2, thu hoạch quanh năm. Nông cụ nương rẫy gồm dao phát – dao quắm (phá), cuốc (chop), gậy chọc lỗ (chót hố), dao làm cỏ (oạch) và dao cắt lúa (mạc khởi). Đồng bào La Ha còn có diện tích vườn nhà để trồng rau: cải (củng ống), mùi tàu (họm pén), tía tô (họm tu), hành (họm bụ), tỏi (họm kíp), họm au…, xả (nộn guồn), giềng (khả), gừng (khỉnh), ớt (ứt)…Vườn nương mới được hình thành hơ 10 năm, để trồng cây ăn quả như muỗm (má mùng), chuối (má tốc), đu đủ (má hống) nhãn (má nhạn), ổi (má uổi)… Dụng cụ làm vườn nương là thuổng, cuốc…

Đồng bào còn chăn nuôi các loại: trâu (tu mà nạ) bò (tu nơi), dê (tu mạ), lợn (tu màu), gà (tu cởi), vịt (tu cạp). Trước đây nuôi trâu, bò, dê  chủ yếu để sinh sản, bán và giết thịt, lấy sức kéo cày. Ngày nay, đồng bào phát triển chăn nuôi nhiều để bán.Một số hộ đào ao, diện tích nhỏ để thả cá.

Kinh tế tự nhiên

Hái lượm là công việc hàng ngày của phụ nữ La Ha. Đồng bào thu hái các loại lâm thổ sản như măng rừng, mộc nhĩ, nấm hương, hoa quả, rau các loại, sa nhân, thảo quả làm thuốc, khai thác gỗ để làm nhà và lấy củi đun. Nam giới thường đặt bẫy, bắt thú rừng bảo vệ mùa màng và lấy thịt ăn. Ở khu vực ven sông Đà, đồng bào La Ha còn dùng chài lưới đánh cá trên sông, dùng thuyền đi theo dòng sông tổ chức quây bắt cá hoặc dùng câu, mò bắt bằng tay… Những sản vật thu hái từ tự nhiên đã góp phần cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, nên đồng bào hiện nay không săn bắn.

Nghề thủ công

Người La Ha có các nghề thủ công: đan lát, rèn, làm thuyền. Sản phẩm đan lát là gùi, sọt, hòm mây đựng quần áo, mẹt, đồ đựng cơm, đơm, đó, chài lưới…các sản phẩm này khá tinh xảo, trước đây còn được trao đổi với các dân tộc khác. Nghề rèn, trước đây họ tự rèn công cụ sản xuất, sửa chữa các loại công cụ hỏng. Nghề mộc của người La Ha chủ yếu là làm nhà và đóng thuyền.Nhiều làng có thợ rèn và sửa chữa nông cụ phục vụ cho lao động sản xuất. Sản phẩm của nghề thủ công chủ yếu dùng trong sinh hoạt hàng ngày và trao đổi giữa các làng, giữa các nhóm trong cộng đồng dân tộc mình. Hiện nay, nghề thủ công của người La Ha cũng bị mai một khá nhiều, mỗi bản chỉ có vài người biết đan lát, nghề rèn hầu như không còn.

Phương thức vận chuyển

Phương tiện vận chuyển chính của người La Ha là gùi. Những năm gần đây họ đã biết sử dụng sức kéo trâu, ngựa để chuyên chở lương thực, hàng hóa, vật liệu… Ngoài ra, họ còn dùng thuyền, mảng làm phương tiện đi lại trên sông, suối. Những làng cư trú ở gần sông, mỗi làng thường có vài chiếc thuyền neo ở bờ sông để làm phương tiện vận chuyển đi lại qua sông của người dân.

Trao đổi hàng hóa

Trong vùng người La Ha cư trú, việc trao đổi buôn bán còn ít phát triển. Trước đây, đồng bào La Ha thường đổi hàng lấy hàng theo giá trị vật ngang giá. Đồng bào đổi các sản phẩm đan lát, bông, thóc … lấy các sản phẩm của người Thái, gồm: vải, váy, áo, khăn piêu và các đồ dùng sinh hoạt khác… hoặc bán lấy tiền mua muối ăn, dầu thắp, kim chỉ…Hiện nay, đường giao thông đến tận bản, họ có thể mua hàng của những người bán hàng rong, họ cũng bán nông sản, gia súc cho các nhà buôn rất thuận tiện.

Văn hóa mặc

Mặc dù người La Ha có trồng bông, kéo sợi nhưng lại không phát triển nghề dệt vải. Họ đem bông trao đổi với người Thái để lấy vải mặc, về cắt may theo kiểu truyền thống. Vài chục năm trở lại đây, họ mua trang phục, nên áo, váy, khăn của người Thái đen khá giống với kiểu may của người Thái. Đó là khăn (pừn piu), làm bằng vải chàm, khổ rộng 40cm. Hai đầu khăn thêu hoa văn, các mô típ: thực vật, hình học kết hợp cáp pin (là dải vải đỏ viền các góc khăn), hu piu (vải đỏ kết thành bông hoa ba cánh) và chùm cút piu (những bông hoa nhiều cánh được thêu riêng mới đính vào khăn). Pừn piu được phụ nữ La Ha sử dụng quanh năm. Áo (ụp cóm lạc mạy) may kiểu áo cóm bó sát người, tứ thân, màu chàm đen, xẻ ngực, cổ cao 3cm, khâu viền đường chỉ xanh, đỏ. Nẹp áo rộng 3cm, đính cúc hình bướm theo số lẻ 11,13, 15 đôi cúc. Váy (ớng lạc mạy) may bằng vải bông nhuộm chàm đen, hình ống, cạp váy rộng 15-20cm, làm bằng vải xanh chàm, đây là điểm khác với phụ nữ Thái (cạp váy phụ nữ Thái làm bằng vải bông màu trắng nhuộm chàm). Thắt lưng (sai eo) bằng vải tơ tằm, phụ nữ dưới 30 tuổi và thiếu nữ dùng thắt lưng màu xanh lá cây, phụ nữ trên 30 tuổi và người già dùng thắt lưng màu tím. Khi thắt, quấn vào vòng eo người mặc sau đó dắt đầu cuối vào trong. Phụ nữ chưa chồng búi tóc sau gáy, có chồng búi tóc trên đỉnh đầu giống người Thái Ðen, đeo vòng cổ, khuyên tai, người già có tục nhuộm răng đen. Nam giới mặc quần áo, quần may kiểu chân què, cạp lá tọa, ống rộng. Áo cổ đứng, xẻ ngực coa hai túi ở vạt áo, cài khuy vải.

Văn hóa ẩm thực

Bà con thường ăn 3 bữa: sáng (ngại), trưa (mom) và chiều tối (sâu rệt); trong đó bữa sáng được làm đơn giản hơn, chủ yếu là xôi, thức ăn còn lại từ tối hôm trước và nước chấm. Bữa cơm thông thường có 4 món chính: cơm xôi đồ, rau (đồ hoặc luộc), măng và nước chấm (chang); một tuần có 2-3 ngày có thêm các món thịt cá. Người La Ha chủ ăn cơm, xôi nếp, rất ít khi ăn cơm tẻ, thi thoảng họ ăn thêm ngô nếp và sắn. Gạo nếp thường được đồ chín, ăn bằng tay. Ngô được ăn tươi hay đã phơi khô. Sắn tươi được nạo (bò) độn với gạo đồ lên ăn trong vụ giáp hạt. Những năm mất mùa, đói kém, bà con còn ăn củ chuối (măn đông), củ mài (cò) lấy từ rừng, chế biến theo cách đồ chín.

Thức ăn có rau: cải (củng ống), măng (pun), hoa chuối rừng (háu oặc), rau bướm (pùng sửu), cải xong (pùng sọ) xào, mộc nhĩ, nấm, rêu suối… Các loại măng thường được ngâm chua (pá pụn) để xào với thịt hay nấu canh cá. Các loại rau rừng khác chủ yếu được đồ hoặc nấu canh. Thịt, cáchủ yếu là xào, nướng hoặc sấy khô để dành, thực phẩm thường được ướp chua bằng gia vị lấy từ tự nhiên. Đồng bào thường ăn món rau chấm muối, tỏi, ớt. Đàn ông có tục uống rượu:rượu trắng (pô siu), rượu cần (pô hay). Phụ nữ La Ha có tục ăn trầu.Nước uống hàng ngày bà con ít khi đun mà uống trực tiếp nước lã từ các mó nước.

Văn hóa ở

Người La Ha sống tập trung thành từng bản nhỏ, hoặc sống xen kẽ với ngươì Thái, Khơ Mú. Bản được dựng ở chân núi, sườn đồi, thuận lợi cho sản xuất và có nước sinh hoạt, gồm 10 đến vài chục nóc nhà sàn “lôn”. Nhà sàn có 2 loại:  nhà sàn tạm và nhà sàn kiên cố. Loại nhà tạm rất đơn sơ, kích thước bé (dài khoảng 5 m rộng 3,5 m), mái 2 bên trái thường có hình vòm. Nhà sàn kiên cố, cũng là loại nhà phổ biến nhất của người La Ha thường theo mô típ nhà của người Thái, mái hình mai rùa, cột nhà thường được chôn chứ không kê trên các phiến gỗ hay đá như nhà sàn của người Thái. Nhà phổ biến thường có 3 hoặc 5 gian, 2 chái có mái khum; cột, kèo, ván sàn, vách làm bằng gỗ, mái lợp gianh. Nhà thường có 02 cửa, cửa chính (pạc tâu) và cửa phía sau, tương ứng với 02 cửa là 02 cầu thang lên xuống: cầu thang chính (cạt) dành cho khách, cầu thang phía sau, dành cho người nhà lên xuống. Gian giữa là nơi thờ ông bà tổ tiên – ma nhà (tá nải). Mỗi gian nhà có một cửa sổ (pắc tang) ở vách đối diện với nơi ngủ. Gầm sàn là nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm và cất nông cụ. Trước đây, nhà bếp (thâu pơi) được bố trí ở gian trong cùng (gian gần cầu thang), ngay sát gần cột sâu hẹc – cột chính của ngôi nhà. Hiện nay, nhiều hộ đã làm bếp tách riêng – nối liền với trái nhà phía trong. Trên bếp có một giàn bếp (sao sách) 2 tầng: trên (sao) và dưới (sách) để sấy khô lương thực thực phẩm, gia vị, cây thuốc, bẫy chim và các loại đồ đan lát để lấy bồ hóng. Người La Ha thường ăn uống cũng như tiếp khách ở gần bếp. Phía trước bếp có một cái sàn để làm nơi phơi quần áo và có khoảng không để làm bếp. Trong nhà, nơi ngủ của vợ chồng chủ nhà thường sát với gian thờ và cũng là nơi cất trữ những đồ đạc quí giá của gia đình. Con trai chưa vợ, con gái chưa chồng thường ngủ riêng một gian. Con cái lập gia đình thì ngủ riêng với chồng hay vợ ở một gian riêng. Con rể khi đang trong thời gian ở rể được phép ngủ chung với vợ “chưa cưới”.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Người La Ha sống theo làng bản riêng, hay xen cài với các dân tộc khác, người đứng đầu bản là “Khun cai”. Khun cai” có hai người giúp việc là Khun tang, Khun téng do dân cử ra. Trong bản, mọi thành viên sống chan hòa, đoàn kết với các dân tộc khác ở địa phương để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Gia đình người La Ha là gia đình nhỏ, phụ hệ. Không chỉ con cái mang họ bố mà vợ cũng phải mang họ chồng. Con gái không được thừa kế tài sản.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Từ lâu, người La Ha theo chế độ hôn nhân ngoại hôn dòng tộc và hôn nhân một vợ, một chồng bền vững. Người cùng dòng tộc không được lấy nhau, khi lớn lên nam nữ được tự do tìm hiểu, chọn bạn đời.

Sau thời gian tìm hiểu từ 3 đến 10 ngày, người con trai nói với bố mẹ cử người đi dạm. Nhà gái nhận trầu và đưa áo của cô gái cho bên nhà trai xem bói. Nhà gái chia trầu cho họ hàng để hỏi ý kiến. Ai không đồng ý thì trả lại trầu. Trong 5 ngày nếu nhà gái không trả lại trầu cho nhà trai có nghĩa là nhà gái đồng ý và 10 ngày sau người con trai đến nhà gái bắt đầu ở rể làm công cho bố mẹ vợ. Thời gian ở rể là từ 4 đến 8 năm. Hết hạn ở rể mới bắt đầu tổ chức lễ cưới chính thức thu mà phu (làm cơm rượu). Sau lễ cưới này, cô dâu được đón về nhà chồng, đổi họ theo họ chồng và không được quay về ở với bố mẹ đẻ nữa, dù chồng chết. Trường hợp người đàn bà goá đi bước nữa, người chồng thứ hai mang lễ cưới nhỏ thu cơi poọng (làm gà báo cưới) đến gia đình người chồng thứ nhất chứ không cần có quan hệ gì với bố mẹ của người đàn bà goá.

Tập tục tang ma

Đồng bào La Ha chôn người chết chứ không hỏa táng như người Thái đen. Người La Ha có tục chôn thóc và tiền theo người chết, để linh hồn có cái ăn ở thế giới bên kia. Tiền và thóc được rải lót từ phần đầu, hai cánh tay và hai gót chân-nơi hồn trú ngụ khi người còn sống. Khi liệm xong thi hài được đặt lên chõng-soóng và khiêng ra đến huyệt mới bỏ vào áo quan. Quan tài được làm từ một thân gỗ to, đục giữa rồi cho thi hài vào. Hạ huyệt xong, mỗi người đi đưa bỏ một nắm đất xuống mặt quan tài rồi lấp. Mộ người chết được đắp hình vuông, cao ngang đầu gối, xung quanh đào rãnh thoát nước. Phía đầu và phía chân mộ có đường đi ra vào. Người La Ha dựng nhà mồ ngay sau khi chôn, của cải chia cho người chết gồm có: giỏ xôi, mâm cơm, điếu cày, hòm đựng quần, áo, chăn và đệm… được đặt cạnh nhà mồ. Bốn góc nhà mồ cắm bốn lá cờ được làm từ những vuông vải trắng, vàng. Xung quanh mộ được rào lại, chỉ mở một lối vào ở phía chân người chết. Khi người đưa tang trở về đến sân nhà, phải khua cối giã gạo để đuổi ma không được quấy phá gia đình rồi mới được bước vào nhà.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người La Ha tin vào vạn vật hữu linh, nên họ có tục thờ cúng ma rừng và ma suối theo định kỳ, nếu không cúng bái, chúng sẽ gây khó khăn cho cuộc sống con người, gây hạn hán hoặc lụt lội, làm thiệt hại mùa màng, vật nuôi. Họ quan niệm: con người có 8 linh hồn: hồn chủ trên đỉnh đầu, các hồn khác ở mồm, mũi, cằm và tứ chi. Hồn rời khỏi xác là người chết, hồn biến thành ma (Kdạ). Người chết bình thường (chết già), con cháu chôn cất theo đúng thủ tục tang ma thì thì hồn người chết biến thành ma nhà, ma coi nương. Nếu chết không bình thường, tùy từng trường hợp, hồn biến thành các loại ma xấu, ma ranh, ma đường, ma chợ. Người La Ha có tục thờ cha. Khi cha chết, con trai cả phá liếp, đuổi ma ông bà ra nương để đón ma cha về thờ, sau đó dựng lại liếp mới. Nếu mẹ chết trước cha, con trai cả đập vào vách trên đầu để báo hiệu cho tổ tiên biết đón sang thế giới bên kia. Hằng năm vào mùa hoa ban nở, người La Ha lại tổ chức lễ mừng xuân (la đẳm phing man) lễ tạ ơn tổ tiên để đền ơn cha nuôi nấng. Trong dịp này, con dâu thường đồ xôi trắng và xôi cẩm, đồ thịt thú rừng đã sấy, đồ khoai sọ, bầu bí, rau…. Sau đó, gói thành từng gói riêng, đặt lên mâm rồi để lên bàn thờ của cha.

Người La Ha kiêng đem rau xanh, lá xanh, vật màu xanh và thịt sống vào cửa bên ở gia đình, mà phải mang những thứ đó vào cửa của bên khách. Khi đặt nồi, chảo lên bếp phải đặt hai quai theo hướng nằm ngủ của người trong gia đình, kiêng không để quai nồi, chảo theo hướng của 2 cửa ra vào vì đó là hướng đặt người chết trước khi đem chôn. Khi có người chết, tất cả những điều kiêng kỵ trên đều huỷ bỏ và làm ngược lại.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Do cư trú cộng cư lâu đời với người Thái, người La Ha không chỉ sử dụng thành thạo tiếng Thái mà còn hiểu biết và thành thạo ca, múa, nhạc dân gian Thái, đó là các điệu múa xòe, làn điệu khắp và các nhạc cụ khác. Hiện nay, chỉ còn có một số cụ già biết hát các làn điệu dân ca La Ha bằng tiếng Thái hoặc tiếng La Ha. Xưa kia, người La Ha có lịch khắc trên xương sườn trâu. Tương truyền rằng, thời xa xưa: người La Ha có quyển sách lịch để xem ngày nhưng vô tình bị một con trâu ăn mất. Người La Ha quyết định mổ con trâu kia để lấy lại quyển sách trên, nhưng không thấy sách trong bụng trâu, nên đã quyết định lấy xương sườn nó để khắc lịch. Họ khắc trên xương sườn trâu 30 vạch, mỗi vạch tương ứng với một ngày trong tháng. Trên lịch đó họ khắc những ngày tốt, xấu khác nhau, nhìn vào lịch đó đồng bào tính được ngày tốt, ngày xấu để tiến hành các việc hệ trọng và dự đoán thời tiết.

Người La Ha có điệu múa tăng bu rất phổ biến trong các lễ hội, đám cưới, mừng nhà mới…người ta sử dụng ống tre (bẳng bu) dỗ xuống tấm ván sàn, vừa tạo nhạc, vừa làm đạo cụ để múa. Ngoài ra, trong lễ hội Pang A còn có điệu múa khăn để đón mừng các thần linh về dự lễ hội, múa Sừng lừng (phồn thực) để cầu mong cho vạn vận sinh sôi. Nhạc cụ của người La Ha gồm: trống, chiêng, ống tre, sáo…được sử dụng chủ yếu trong các ngày lễ, tết.

Múa dân gian dân tộc La Ha, tỉnh Yên Bái, âm nhạc Lê Hoàng, biên đạo múa Lê Yên. Điệu múa có sự phát triển từ hai vũ điệu dân gian đặc trưng của người La Ha là múa dương dương vật (linga) và múa cung kiếm.

Tết, lễ hội cộng đồng

Hàng năm, người La Ha tổ chức nhiều lễ hội như: Lễ cúng bản và lễ hội Pang A, lễ mừng xuân. Lễ “mừng xuân” (le đắm phịng man) của người La Ha tổ chức vào dịp hoa ban nở rộ, nhằm đền ơn cha nuôi nấng. Sáng hôm đó, chủ nhà mời bà con trong bản đến mừng lễ. Họ đồ một chõ xôi trắng, một chõ xôi cẩm, đồ các con vật săn bắt, đã sấy, khoai sọ, bầu bí và một vài loại rau trồng trên nương. Sau đó, bà chủ gói mỗi thứ bằng lá chuối tươi đặt lên mâm, bưng lên thờ cha, làm lễ tạ ơn cha mẹ. Sau đó, chủ nhà bắt một con lợn đến đặt trước nơi thờ cha mẹ, cúng xong, mổ lợn, luộc chín ngay ở cạnh gian thờ, đồ thêm một chõ xôi cẩm. Xôi sắp chín, bà chủ đem hạt thóc, hạt bông quải khắp nhà, biểu thị việc gieo giống ở nương. Xôi cẩm chín được đổ ra mâm để mọi người xô lại tranh nhau lấy ăn, tỏ ý chúc cho vụ sản xuất năm mới của chủ nhà được kết quả. Ông chủ đặt thủ và thịt lợn lên mâm, đồng thời xếp mấy miếng khoanh cổ con lợn (được nhà ngoại bên vợ mang sang biếu), dâng lên ban thờ cha mẹ, rồi mời ông mo cúng tạ, bày tỏ công ơn cha mẹ sinh thành và cầu cho mùa màng trong năm tới bội thu.