Dao

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Dao có 751.067 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú chủ yếu ở các tỉnh dọc biên giới Việt – Trung, Việt – Lào và một số tỉnh trung du ven biển Bắc bộ như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lai Châu, Hòa Bình.  Hiện nay, một số lượng khá lớn dân tộc Dao di cư tự do vào các tỉnh miền Nam (Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Lắk).
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Mán, Đông, Trại, Diu Miền, Kim Miền, Lù Gang, Làn Tẻn, Đại bản, Tiểu bản, Cốc Ngáng, Coóc Mùn, Sơn Dầu, Quần Trắng, Dao Đỏ, Quần Chẹt, Lô Gang, Dao Tiền, Thanh Y, Dao áo dài.
Ngôn ngữ: Tiếng nói người Dao nhóm ngôn ngữ Mông – Dao, ngữ hệ Nam Á.

Sản xuất nông nghiệp

Người Dao sản xuất nông nghiệp lúa nương và lúa nước, trong đó lúa nước chiếm tỷ lệ ít hơn. Đồng bào sinh sống trên cả ba vùng: cao, giữa và thấp, tùy từng địa hình, mà họ tổ chức canh tác khác nhau: Ở vùng núi giữa, người Dao làm nương. Trước đây, nương chỉ làm được vài vụ đã khô cằn, chưa có tập quán dùng phân bón, nên đồng bào bỏ hóa, chặt rừng nương mới và chuyển cả nhà du cư theo nương. Cây trồng chính là cây lúa nương. Công cụ lao động có rìu, dao, gậy chọc lỗ, nạo và hái nhắt. Vài chục năm trở lại đây, đồng bào định canh định cư, sử dụng phân bón trong canh tác, chuyên canh quế, hồi, trẩu, cây ăn quả, năng suất cây trồng cao hơn. Ở vùng cao núi đá, đồng bào Dao làm nương định canh. Họ trồng trọt trên những thửa nương nhỏ, hẹp, nương hốc đá. Cây trồng chủ yếu có ngô, kê, cao lương, tam giác mạch…Ở vùng núi thấp, đồng bào cấy lúa nước trên những ruộng bậc thang ở chân núi, ven sông, suối. Đồng bào đã biết sử dụng trâu, bò làm sức kéo, sử dụng cày, bừa làm đất, cuốc làm cỏ, dao, liềm thu hoạch.

Dù canh tác trên nương du canh, nương định canh, hay đất ruộng, người Dao đều có kinh nghiệm trồng xen canh: ngô với khoai lang, đậu tương, dưa chuột và các loại: rau dền, cây bí đỏ, bí xanh…Ngoài ra, đồng bào còn trồng thêm các loại cây công nghiệp như: chè, trẩu, lai.., và một số cây khác có giá trị kinh tế cao như: trúc, vầu, bồ đề. Đặc biệt, người Dao có truyền thống trồng cây công nghiệp: quế, hồi, trẩu, chè. Cây quế được trồng nhiều ở tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh…

Chăn nuôi: Đồng bào Dao cư trú ở vùng núi giữa, có rừng, đồi cỏ, thung lũng khá thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, phục vụ cho sản xuất, tín ngưỡng, cải thiện đời sống, ngày nay trở thành hàng hóa. Mỗi gia đình có hàng chục con trâu, con bò, nhiều hộ còn nuôi ngựa, dê. Lợn là con vật nuôi phổ biển nhất trong gia đình người Dao. Nhà nào cũng nuôi vài con, có nhà nuôi vài ba chục con. Đồng bào còn nuôi nhiều gà, vịt, ngỗng, một số nơi có tập quán nuôi cá ở ruộng.

Kinh tế tự nhiên

Đồng bào Dao vẫn duy trì hình thức săn bắn, đánh cá, hái lượm, tận dụng nguồn lợi tự nhiên, cải thiện đời sống, bảo vệ mùa màng. Dụng cụ đi săn gồm có súng kíp, nỏ, tên tẩm thuốc độc và các loại bẫy thú: bẫy chọc, bẫy chuồng, bẫy thòng lọng, bẫy trượt hay bẫy sập… Đồng bào Dao ở những vùng gần sông, suối, thường bắt cá bằng tay hay chài lưới, nơm, đó, vó, lờ, rọ, câu…hoặc ruốc cá bằng các loại cỏ, lá độc (lá cơi, hoắt…) Hái lượm vẫn được duy trì để kiếm thêm thức ăn hàng ngày, giúp đồng bào qua được những ngày giáp hạt. Sản phẩm hái lượm là các loại rau, măng, củ (mài, bấu, báng), nấm hương, mộc nhĩ, sa nhân, cánh kiến, các loại hạt để lấy dầu, các loại gỗ, tre, nứa, song, mây và các loại dược liệu.

Nghề thủ công

Người Dao có các nghề thủ công: dệt vải, nghề mộc, nghề rèn, làm giấy, ép dầu, kim hoàn, giấy dó… Sản phẩm thủ công chủ yếu để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày. Trước đây, nghề dệt vải rất phát triển. Phụ nữ Dao tự thực hiện cả quy trình: trồng bông, cán bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm, cắt khâu quần áo, thêu…. Đặc biệt, phụ nữ Dao Tiền có kỹ thuật in hoa văn sáp ong độc đáo. Dụng cụ in sáp ong gồm có: bút vẽ hình chữ T gắn ngòi đồng (2 -7 chiếc), một số khung tre/nứa hình tam giác để in các đoạn thẳng và góc; các ống tre (đường kính từ 1,5cm -2cm) để in các hình tròn; một vài lá chít ép phẳng dùng làm cữ; nanh lợn rừng; phiến đá dùng để miết mài khổ vải và 1 chiếc bát đựng sáp ong. Khi in, bát sáp ong luôn đặt trên than hồng, dùng dụng cụ in nhúng vào sáp ong đã nóng chảy, vẽ lên vải. Đợi sáp ong khô, đem nhuộm chàm nhiều lần. Nhờ sáp ong kết dính vào sợi vải, nên các hoạ tiết không bị ngấm chàm khi nhuộm. Nhuộm xong, nhúng vải vào nước nóng, sáp ong tan ra sẽ hiện lên các mảng hoa văn hình đồng tiền, sóng nước … màu trắng trên nền chàm xanh.

 Đan lát là công việc của đàn ông, được thực hiện vào mùa nông nhàn. Sản phẩm đan lát chủ yếu là gùi, giỏ, nong, nia, rổ, rá và đồ gia dụng… Nghề rèn của người Dao có từ lâu đời với các sản phẩm đa dạng: cuốc, cào, lưỡi cày, súng kíp, súng hoả mai và đạn bằng gang, phục vụ sản suất và chiếm đoạt tự nhiên. Nghề kim hoàn không phổ biến, chủ yếu làm ra trang sức như: vòng cổ, vòng chân, vòng tay, nhẫn, dây bạc… Nhóm Dao đỏ và Dao Tiền có nghề làm giấy bản, dùng để chép sách cúng, sách truyện hoặc viết sớ, tiền ma …trong các nghi lễ cắp sắc, cầu an. Nguyên liệu làm giấy Dó là cây mò (nhựa kết dính bột giấy), vầu non, dây leo và rơm. Cây Mò đem cạo lớp vỏ già bên ngoài, gọt lớp vỏ bên trong, thêm một ít thân cây, ngâm nước lã 1- 2 ngày để lấy nhựa màu trắng đục; Vầu non: cạo lớp vỏ bên ngoài, chẻ nhỏ từng thanh, dài 25cm, bó gọn; Rơm: cắt bỏ phần bông, chừa lại thân rơm dài 25cm, bó gọn. Khi làm giấy, kết hợp 3 bó vầu với 1 hoặc 2 bó rơm, bỏ vào nước lã, thêm ít vôi trắng, tro, luộc từ 5- 7h cho nhừ. Vỏ Mò được lọc qua một rá nhỏ để loại bỏ bã. Rửa sạch vầu và rơm đã luộc, giã nhuyễn, lọc bỏ bã, trộn đều nhựa Mò và hỗn hợp bột vầu, rơm, sẽ được một hỗn hợp bột giấy Dó. Dùng ca múc bột dàn đều hỗn hợp bột giấy lên bề mặt phên tráng giấy đã làm ướt, đem phơi khô. Một phên tráng giấy phơi được 2- 3 mẻ giấy/ngày (nếu trời nắng), 2- 3 ngày/mẻ giấy (nếu trời mưa). Giấy khô, có màu trắng đục, dựng phên tráng giấy lên, dùng thanh tre đã vót dẹt, tách giấy ra khỏi phên, gấp giấy thành khổ tiền, dùng dần. Ngày nay, hầu hết các nghề thủ công của người Dao đều bị mai một, chỉ một số ít cư dân Dao còn duy trì dệt vải, in hoa sáp ong, làm giấy dó từ rơm, tre.

Phương thức vận chuyển

Người Dao dùng gùi, sung đeo (loại túi lưới đan bằng sợi dây gai) để vận chuyển. Một số vùng dùng ngựa để thồ ngô, lúa trong mùa thu hoạch, hoặc khi di chuyển nhà ở. Ngày nay, đồng bào vận chuyển bằng xe đạp, xe máy, và các loại xe thồ…

Trao đổi hàng hóa

Trước kia, dân tộc Dao sản xuất kinh tế tự túc, tự cấp,ít khi đem bán sản phẩm. Vài chục năm gần đây, đồng bào sản xuất chuyên canh: nông, lâm sản, chăn nuôi, đem bán sản phẩm ở chợ hoặc bán buôn cho thương lái.

Văn hóa mặc

Các nhóm địa phương của dân tộc Dao có những đặc trưng riêng trong trang phục: Phụ nữ Dao Đỏ để tóc dài, vấn quanh đầu, bên ngoài đội khăn thêu hoa văn trên nền đỏ; mặc áo màu chàm dài ngang bắp chân, kiểu xẻ ngực, có yếm. Cổ áo, nẹp ngực, gấu áo thêu nhiều hoa văn chỉ màu. Nẹp áo gắn những miếng bạc chữ nhật (3x4cm) và đính những bông hoa bằng len đỏ rực rỡ. Thân áo sau và bả vai còn thêu hình ấn Bàn Vương; mặc quần chân què, cạp lá toạ, thêu nhiều hoa văn ở gấu quần. Nam giới Dao Đỏ mặc hai loại áo: ngắn và dài. Áo ngắn mặc thường ngày, áo dài mặc trong lễ tết, cưới xin, đi chơi xa; mặc quần chân què, cạp lá toạ. Hiện nay thanh niên mặc âu phục. Phụ nữ Dao quần chẹt mặc áo dài, quần ngắn, ống hẹp  (quần chẹt) đũng quần có độ roãng rộng, Yếm được làm bằng vải nhuộm chàm, thêu hoa văn bằng chỉ màu ở phần cổ, đính thêm hai bán cầu hoặc hai ngôi sao bằng bạc, đường kính 5 – 6cm.  Phụ nữ Dao Quần Chẹt cắt tóc ngắn, chải sáp ong, đội khăn chàm, tương tự như người Dao Đỏ, nhưng cũng có khi vấn khăn thành hình cái sừng ở trên đầu, nghiêng về phía bên phải hoặc trái. Phụ nữ Dao Lô Gang mặc y phục tương tự như Dao quần Chẹt, chỉ khác là nẹp áo thêu nhiều mô típ trang trí khác nhau; quần cắt ống rộng hơn Dao quần Chẹt, chân quấn xà cạp. Phụ nữ Dao cắt tóc ngắn, chải sáp ong, tùy địa phương, họ có cách đội khăn khác nhau:  Ở Lạng Sơn, phụ nữ Dao Lô Gang đội khăn vuông (khoảng 20 x 20cm), phủ ngoài các lớp vải chữ nhật chồng khít lên nhau. Ở Tuyên Quang, chị em đội khăn dài, vấn và độn thêm một que nhỏ vào trong khăn ở phía trước, làm thành hai góc nhọn chĩa ra hai phía thái dương. Phụ nữ nhóm Dao Tiền mặc váy ngắn, xòe khá rộng, không thêu hoa văn, mà in sáp ong, tạo các mô típ hình sóng nước, hình tròn, hình tam giác trên nền chàm; mặc áo dài, nền chàm, thêu hoa văn, nẹp ngực nhỏ, mỗi bên ngực có gắn các nửa đồng tiền kim loại làm cúc, nhìn đặc điểm này mà họ được gọi là Dao Tiền. Phụ nữ Dao Tiền cắt tóc ngắn, chải sáp ong, đội khăn: Ở Hòa Bình, Phú Thọ, phụ nữ Dao Tiền đội khăn chàm. Tại Lạng Sơn, Tuyên Quang, phụ nữ đội khăn màu trắng. Trong lễ cưới và khi có đám chay, người ta đội 1 mũ nhỏ, khung mũ làm bằng tóc phết sáp ong, quanh thành mũ đính nhiều mảnh bạc nhỏ hình tròn và ngôi sao. Bên ngoài khung mũ, đội một chiếc khăn thêu,  nhỏ. Phụ nữ Dao quần trắng để tóc dài, cuốn lên đỉnh đầu, đội mũ. Ngày nay, chị em  không cuốn lên đỉnh đầu, mà rẽ ngôi ở giữa, búi sau gáy, bên ngoài đội khăn thêu. Ngày cưới, cô dâu không đội khăn, mà đội mũ hình ống, chụp lên đầu, cao khoảng 25cm. Cốt mũ làm bằng xơ mướp, bên ngoài phủ lớp vải đen, đính nhiều hình ngôi sao bằng bạc. Áo dài như nhóm Dao khác, nhưng ít thêu hơn. Yếm và khăn là những thành tố đặc trưng của phụ nữ Dao (Yếm rộng 40 cmx60 cm), dệt  trang trí nhiều hoa văn chỉ màu. Khăn vuông  thêu nhiều hoa văn 8 cánh). Quần màu chàm, ống hẹp, ngắn ngang ống chân. Trong ngày cưới, các cô dâu phải mặc quần trắng.  Phụ nữ Dao Làn Tẻn để tóc dài, búi sau gáy, thanh niên đội một cái mũ dẹt như cái đĩa (đường kính 12 – 15cm). Mũ làm bằng tóc rối, đỉnh mũ đính ngôi sao bạc, chạm trổ công phu. Khi đội mũ, chị em dùng hai cái châm bằng xương cài mũ vào tóc để giữ mũ chắc trên đầu, rồi trùm 1 chiếc khăn nhỏ hình chữ nhật bằng vải trắng, thêu chỉ đen, hai đầu có tua dài. Chị em mặc áo màu đen, cổ thấp, xẻ ngực chéo sang nách phải, cài khuy vải, mặc quần rộng đũng, chân quấn xà cạp bằng vải trắng. Phụ nữ Dao Thanh Phán cũng mặc áo dài như các nhóm Dao khác, nhưng họ có chiếc mũ đìa piêu, làm bằng hàng trăm lớp vải đỏ xếp chồng lên nhau, đội khăn vải hoa con công hoặc vải khác màu. Chiếc đìa piêu gắn liền với lời nhắc nhở chị em hãy cẩn thận với mái tóc của mình khỏi gây ra tai hoạ, đồng thời là hình phạt cho sự bất cẩn của chị em. Phụ nữ Dao Thanh Y để tóc dài, rẽ ngôi giữa, vuốt ngược lên đỉnh đầu, cuốn thành 4 búi tóc nhỏ. Bên ngoài đội mũ, làm cốt bằng xơ mướp, đỉnh mũ gắn ngôi sao 10 cánh bằng bạc, thành mũ đính nhiều mảnh bạc nhỏ, tròn như đồng xu, phủ vải đỏ bên ngoài; mặc áo, quần màu chàm. Áo dài, cổ thấp, tay áo rộng, cửa tay đáp 1 khoanh vải đỏ, nẹp áo bằng vải đỏ. Thân áo trước, bên phải ngắn, bên trái dài. Khi mặc, 2 thân bắt chéo nhau, dùng dây buộc ngoài. Phụ nữ các nhóm Dao đeo nhiều trang sức bằng bạc, chạm nổi hoặc chìm với nhiều mô típ rất khéo léo.

Màn trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên (Ê Đê, Ba Na, Tày, Dao, Chăm, H’Mông) do các nghệ nhân và đoàn nghệ thuật huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên trình diễn: Trang phục phụ nữ dân tộc Tày là áo dài 5 thân, trước đây bằng vải sợi bông, nhuộm chàm, nay cải tiến bằng vải công nghiệp. Trang phục phụ nữ H’Mông vẫn giữ được nét bản sắc truyền thống, gồm váy xòe, xếp nếp; áo ngắn, xẻ ngực, có cải tiến trang trí các mảng màu công nghiệp; tạp dề trước sau; chân quấn xà cạp và chiếc khăn quấn tròn, hiện nay mũ có đính thêm tua rua rủ quanh đầu. Trang phục phụ nữ Dao Đại Bản (Dao đỏ) nổi bật là chiếc áo dài, xẻ ngực, trang trí mảng đỏ dọc 2 hò áo, áo yếm đỏ, đội khăn đỏ, mặc quần màu chàm. Trang phục phụ nữ Chăm Hroi trước đây là áo dài, váy tấm, nay mặc áo ngắn màu trắng, mặc váy tấm, dệt trang trí mảng thổ cẩm ở giữa thân váy, đội khăn vuốt cao lên đỉnh đầu, quàng đai chéo ngực. Trang phục phụ nữ Ba Na, Ê Đê may bằng vải tự dệt, gồm áo, váy, màu chàm, dệt thổ cẩm theo dải băng ngang, tuy nhiên áo và váy của phụ nữ Ba Na được dệt trang trí mảng hoa văn thổ cẩm màu trắng đỏ nổi bật gần như toàn bộ thân áo và váy.

Văn hóa ẩm thực

Người Dao ăn hai bữa chính trong ngày (trưa và tối). Những ngày mùa bận rộn, bữa trưa đồng bào mang cơm nắm ăn tại nương. Ở những vùng làm ruộng, người Dao ăn cơm (gạo tẻ) là chính; ở những nơi làm nương, , đồng bào ăn ngô nhiều hơn cơm. Một số nhóm Dao coi cháo đó là món không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Trước đây, thức ăn chủ yếu là rau, măng thi thoảng mới có thịt, cá. Ngày lễ tết, đồng bào mới chế biến nhiều món bánh, thịt, cá. Ngày nay, thịt, cá là thức ăn thường ngày của đồng bào.  Đồng bào ưa chế biến món thịt sóc sấy khô nấu với hoa chuối rừng hoặc măng chua đãi khách quý; thịt muối chua và thịt sấy trên gác bếp để xào nấu ăn dần. Người Dao hay uống rượu chế biến bằng các thứ lá và rễ cây rừng và món rượu hoẵng đặc trưng. Hàng ngày, đồng bào uống nước chè, nước vối, nước cây thuốc. Một số người vẫn còn uống nước lã. Người Dao hút thuốc lá và thuốc lào bằng điếu cày và tẩu. Trước đây, nhiều người còn hút thuốc phiện. Ngày nay, hút thuốc phiện bị cấm sử dụng. Trong bữa ăn, người Dao có tục đặt nồi cơm xa mâm, để tại bếp hoặc gần cột cạnh bàn thờ. Ăn xong, kiêng không để đũa ngang miệng bát, vì họ coi đó là dấu hiệu trong nhà có người chết.

Văn hóa ở

Đồng bào Dao ở 3 loại nhà: nhà sàn, nhà nửa sàn, nửa đất và nhà sàn. Nguyên liệu làm nhà chủ yếu là gỗ, tre, nứa, cỏ gianh, dây rừng hoặc ngói âm dương. Nhà nền đất: Thường thấy ở các nhóm Dao: Tiền, Đỏ, Thanh Phán. Nhà được làm ở những nơi tương đối bằng ở trên núi, sườn đồi thoải. Cách bố trí mặt bằng: Phía sau là nơi ngủ, gian giữa là bàn thờ tổ tiên, gường ngủ của gia chủ. Nhà có hai bếp: một để nấu ăn, một đun cám lợn. Nhà nửa sàn nửa đất: chủ yếu ở các nhóm Dao:  Đỏ, Họ, Quần Chẹt, Thanh Y. Những nhóm Dao này trước đây sống bằng nương du canh và cư trú trên đất dốc. Cách bố trí: Phần sàn làm nơi ngủ, phần nền đất để sinh hoạt và làm bếp. Nhà sàn: phổ biến ở nhóm Dao làm ruộng nước như Quần Trắng, Dao Tuyển, Thanh Y. Nhà được làm trên gò đất thấp, dưới chân núi hoặc  các thung lũng. Nhà có 3 phần: phần dành cho con gái chưa chồng, các cặp vợ chồng và bếp, một phần dành cho chủ gia đình và khách nam, một phần thuộc về người vợ. Về cơ bản, các loại nhà của người Dao có đặc trưng riêng. Đó là trong nhà có một gian nhỏ, được ngăn ra ở ngay giữa nhà để làm chỗ cúng Bàn Vương.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Bản của người Dao có vài chục nóc nhà. Trong bản có một trưởng bản và số thày cúng chăm lo đời sống tinh thần cho đồng bào như cấp sắc, làm ma, cúng giải hạn… Mỗi dòng họ của người Dao có một hệ thống tên đệm riêng, chẳng hạn Triệu Xanh, Triệu Gói, Triệu Con…Mỗi tên đệm được dùng cho các thành viên thuộc một thế hệ, bắt đầu tính từ đời ông tổ đến các đời về sau. Hệ thống các tên đệm không chỉ là dấu hiệu để nhận biết anh em họ hàng, mà qua đó còn biết được mức độ và khung thời gian cấm kết hôn trong dòng họ mình. Người Dao quy định: cùng một ông tổ sinh ra được coi là cùng một dòng họ. Những người cùng dòng họ, phải sau bảy đời mới được phép kết hôn với nhau.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Dân tộc Dao thực hiện hôn nhân theo nguyên tắc ngoại hôn dòng tộc, không chấp thuận hai anh em trai của gia đình họ này lấy hai chị em gái của gia đình họ kia và thực hiện nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng, sau hôn nhân cư trú bên nhà chồng. Hôn nhân của dân tộc Dao thường trải qua 4 bước: nại nham hay nịnh nại  (xin số, so tuổi ; (ghịa tịnh hay qủngpỉêu), nhà trai sang nhà gái báo kết quả so tuổi, số tốt, nhà gái ưng thuận, thì xin thách cưới; (quyế lẩy hay thúng thẩu), nhà trai đưa cho nhà gái một nửa số tiền mặt và các đồ sính lễ; cưới – (chip nham hay quái trà). Tùy từng nhóm địa phương, cách cưới hỏi cũng có sự khác nhau: Đối với người Dao Đỏ ở Yên Bái, khi tổ chức lễ cưới, nhà trai không đến nhà gái đón dâu, mà cô dâu được cha mẹ, anh chị em họ hàng bên nhà gái đưa đến nhà trai.  Trên đường đi, đoàn đưa dâu phải kiêng không được đi qua dưới máng nước, mà phải bước qua trên. Nếu máng nước bắc quá cao, thì phải tháo máng nước vì họ quan niệm, đi qua dưới máng nước, sau này sẽ gặp hạn, làm ăn không may mắn. Đi từ nhà mình đi sang nhà chồng, cô dâu mặc đơn giản, đến cách nhà trai gần 1km, cô dâu mới dừng chân, thay quần áo cưới. Đây tục lệ bắt buộc, cho dù nhà xa hay nhà gần. Nhà trai đi đón dâu ở một bãi đất rộng giữa đường và dẫn đoàn đưa dâu về nhà mình. Đến trước cửa nhà, thầy cúng làm lễ giải hạn, nhập môn cho cô dâu bằng con gà sống, bát nước đựng đồng bạc trắng, và thanh kiếm nhỏ. Thầy khấn, ngụm nước ở bát, phun mạnh về phía cô dâu, bước nhanh ra cửa, lấy dao chặt đứt cổ con gà, quăng đi thật xa, với ngụ ý tất cả các loại hạn của cô dâu đã bị đuổi đi theo con gà. Chỉ khi nào con gà sống lại, thì hạn của cô dâu mới quay lại được. Trong đám cưới, người Dao có tục thổi kèn, thể hiện sự long trọng, vui tươi. Mỗi bài khèn mang ý nghĩa khác nhau: đón nhà gái, đan kết thông gia (yuồi thình cha), mừng lễ gia tiên, mời cơm, tiễn đoàn đưa dâu. Sau tiệc cưới, người thổi kèn, đánh trống, chiêng được chủ nhà cảm tạ bằng thịt lợn. Sau 3 -7 ngày, cô dâu, chú rể mới tổ chức lễ lại mặt. Lễ cưới của người Dao Tiền diễn ra sau khi người con trai phải qua bước trẩu công (làm công tại nhà gái). Theo tục lệ, khi con trai đến tuổi trưởng thành, cha mẹ tìm chọn cô gái, nhờ người đánh tiếng và xin lá số để so tuổi. Nếu nhà gái đồng ý, nhà trai xin cho con mình trẩu công. Lần đầu tiên đến làm công, chàng trai đi cùng với một người bà con. Họ ngủ lại nhà cô gái một đêm, sáng hôm sau, người bà con về ngay, chàng trai ở lại làm công 3-4 ngày mới trở về nhà mình. Sau 1-2 tháng, chàng trai lại đến nhà gái làm công. Lần này, anh ta được phép chung chăn gối với cô gái (Nếu gia đình nhiều con gái,  cùng một lúc, có 2 chàng trai xin làm công, bố mẹ các cô gái sẽ bố trí mỗi đôi 1 giường). Sau vài ngày làm công, chàng trai được bố mẹ cô gái cho phép trở về và chuẩn bị làm lễ cưới hoặc yêu cầu tiếp tục làm công thêm thời gian nữa (phụ thuộc vào khả năng lao động, thái độ ứng xử của chàng trai). Trường hợp, chàng trai đi làm công nhiều lần, có thể có con, gia đình nhà gái vẫn không ưng, chàng trai chưa cưới được vợ, phải trở về nhà tay không, con để lại cho vợ, tiếp tục tìm chỗ khác “làm công”.

Xưa kia, lễ vật thách cưới của người Dao rất cao, nên gia đình chưa đủ lễ vật, có thể “cưới tạm” với một con lợn và thịt ướp chua. Vì thế, có trường hợp “cưới tạm” đã lâu, khi có con gái của họ đi lấy chồng, vẫn chưa cưới chính thức, phải mổ một con lợn cúng tổ tiên, mời bà con bên mẹ đến dự để xin giá (tức là hỏi ông bà ngoại trước đây đã thách cưới cho mẹ mình thứ gì, thì nay người con gái cũng thách những thứ đó và số của thách cưới này phải trao cho ông bà ngoại).

Tập tục tang ma

Người Dao tin rằng: con người có hồn và xác. Khi người chết, xác sẽ bị huỷ hoại, còn hồn vẫn tiếp tục sống ở thế giới bên kia, một thế giới tương tự như trần gian, nên phải làm ma tiễn hồn về với tổ tiên. Khi gia đình có người chết (người đã cấp sắc), chủ nhà ra sân bắn chỉ thiên ba phát súng để báo cho Ngọc Hoàng biết. Nếu người chết là chủ làng, phải chọc thủng nóc nhà và giương ô ngay tại lỗ thủng đó rồi mới bắn súng. Tang chủ phải đeo dao, buộc dây ngang thắt lưng, đem theo 2 gói muối, 1 chai rượu, vàng hương tới đặt trước cửa nhà thầy Tào và lạy 3lạy để báo tang, mời thầy đến “cầm đầu ma” (chủ trì đám tang); đến từng nhà trong xóm báo và xin hộ tang. Trước đây, người Dao có tục hỏa táng. Ngày nay, phần lớn các nhóm Dao theo tục thổ táng, ngoại trừ 2 nhóm Dao (Áo dài và Quần Trắng) vẫn  duy trì hỏa táng (người chết 12 tuổi trở lên, được nhập quan tài rồi mới đem thiêu, nhặt lấy ít xương vụn cho vào lọ, đặt ở nơi khác, những xương còn lại được chôn tại chỗ thiêu). Ngoài thổ táng, hoả táng, người Dao còn có tục “phong” táng với người chết xấu (Họ không đưa chôn ngay, mà quàn trong áo quan ghép bằng tre, nứa nguyên cây, đặt quan tài trên sàn cao khoảng 2 mét. Bốn cột sàn làm nhẵn để thú rừng không leo lên được. Sau 1năm, người ta nhặt xương cho vào lọ đem chôn. Hiện nay, nhiều nhóm chỉ có khăn tang, không mặc áo tang như xưa. Khi mãn tang, mời thầy cúng về làm lễ đoạn tang, lập bát hương thờ vọng trong 3 năm.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Dao thờ cúng tổ tiên và Bàn Vương. Bàn thờ tổ tiên đặt ở nơi tôn nghiêm nhất. Họ cúng tổ tiên vào mồng một và ngày rằm, vì cho rằng tổ tiên không ở thường trực trên bàn thờ, chỉ ghé thăm họ vào những ngày này. Bàn Vương là thủy tổ, liên quan đến số phận từng gia đình, từng tông tộc, được cúng chung với tổ tiên 9 đời trong các dịp lễ tết. Vì thế, cúng tổ tiên là phải cúng Bàn Vương, cầu xin khoẻ mạnh, gia tộc hưng thịnh mới linh nghiệm. Ngoài ra, người Dao còn tin vào các thần: gió, mưa, trông coi lúa gạo, hoa màu và chăn nuôi. Niềm tin ấy gắn liền với các nghi lễ cúng: nương, cơm mới, thóc giống, hồn gia súc, lễ cấp sắc khá phổ biến và rất quan trọng đối với người đàn ông dân tộc Dao.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Văn nghệ dân gian của đồng bào Dao rất đa dạng với nhiều thể loại truyện (thần thoại, cổ tích, thơ), dân ca, ca dao, tục ngữ… Nội dung chủ yếu phản ánh quan niệm của người Dao về nguồn gốc vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên, nguồn gốc loài người, kinh nghiệm sản xuất và cuộc sống. Hội họa được thể hiện chủ yếu qua bộ tranh thờ vẽ về các vị thần Tam Thanh, các tướng lĩnh ảnh hưởng đến đời sống tôn giáo của người Dao, hàng ngày cất giữ tranh ở nơi kín đáo không cho người khác nhìn thấy, khi nào cúng mới mang tranh ra ngoài.

Nhạc cụ truyền thống của người Dao gồm có: trống, thanh la, chũm choẹ, chuông, tù và chủ yếu phục vụ các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng và đám cưới.

Tiết mục thể hiện tình yêu đôi lứa, yêu thiên nhiên, cuộc sống. Tiết mục do sinh viên dân tộc thiểu số, Trường Cao Đẳng văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc biểu diễn, nhân dịp Liên hoan kiến trúc sư trẻ toàn quốc lần thứ VII, tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa Các dân tộc Việt Nam.

Điệu múa gắn liền với một nghi lễ tâm linh của người Dao – lễ cấp sắc cho các chàng trai đến tuổi thành, hay cấp sắc nâng đèn cho những người đàn ông đã trưởng thành để khẳng định vị thế của mình trong dòng tộc và cộng đồng. Tiết mục do sinh viên dân tộc thiểu số, Trường Cao Đẳng văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc biểu diễn, nhân dịp Liên hoan kiến trúc sư trẻ toàn quốc lần thứ VII, tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Tết, lễ hội cộng đồng

Tết cổ truyền của người Dao diễn ra cùng hoặc sớm hơn nửa tháng so với Tết nguyên đán của người Việt. Với lòng thành hướng về cội nguồn, đồng bào coi trọng dâng các lễ vật: thịt lợn, thịt gà trống, bánh chưng gù, bánh dày, rượu… thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết.

Trong năm, người Dao tổ chức nhiều lễ hội như: cầu mùa, nhảy lửa, cấp sắc…Trong đó, lập tịch (lễ cấp sắc) là nghi lễ thành đinh, đánh dấu một giai đoạn từ tuổi thiếu niên lên tuổi trưởng thành của người con trai, được cộng đồng và thần linh công nhận có đủ mọi tiêu chuẩn của một thành viên chính thức của cộng đồng; Lễ tết nhẩy: là nghi lễ cúng Bàn Vương-thủy tổ của dân tộc Dao, hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo và những giá trị nhân văn sâu sắc, tiêu biểu là tấm lòng thành kính, uống nước nhớ nguồn đối với tổ tiên, đấng sinh thành, sự trọng vọng bậc bề trên. Vào những ngày giáp Tết (tháng 12 âm lịch), các thanh niên trong làng phải tập các điệu múa, điệu nhảy và phải chuẩn bị gươm đao bằng gỗ để múa. Đúng ngày “tết nhảy”, dân bản tập trung tại nhà trưởng bản hoặc một nhà nào đó theo phiên để cùng nhau tham dự “Tết nhảy”. Sau nghi lễ cúng bàn vương trong “Tết nhảy”, người tham dự nhảy múa liên tục cả ngày cả đêm, ai mệt thì ra, người khác sẽ thay thế. Cứ luân phiên như vậy, có người múa hàng trăm lượt trong tiếng chuông, tiếng trống giục giã, làm nên vũ điệu sắc màu độc đáo riêng của người Dao.

Điệu nhảy trong lễ cúng Bàn Vương là vũ điệu dân gian đặc sắc gắn liền với tết nhảy của đồng bào Dao. Trong tết nhảy, người Dao lập ban thờ, dâng đồ lễ (bánh ống, bánh dầy, vịt hoặc gà, lợn) cúng Bàn vương, thần thánh, tổ tiên một gia đình, để cầu lộc, cầu tài, cầu sức khỏe, tiễn họa, trừ ác, tổ chức cho con cháu học nhảy, đọc sách (Sài Dung). Lễ hội có phần nghi lễ diễn ra trong một gia đình, nhưng phần hội lại thu hút toàn thể dân làng tham gia. Họ cùng ăn uống, tham gia múa nhiều điệu múa truyền thống như múa cờ, múa tế rùa, múa kiếm, múa chuông… Trước ban thờ Bàn Vương, thầy múa đi trước, thanh niên theo sau, vừa đi, vừa múa trong âm thanh trống mảnh, thanh la, chúm chọe, thay phiên nhau múa hát…tưng bừng, nhộn nhịp liên tục trong nhiều ngày.