Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Ngái có 1.035.000 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú chủ yếu ở các đảo thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, một số ít ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên.
Tên gọi: Dân tộc Ngái còn có tên gọi khác: Ngái Hắc Cá, Ngái Lầu Mần, Hẹ, Sín, ản, Lê, Xuyến. Người Ngái có các nhóm: Sín, Lê, Đản, Khách gia, Xuyến.
Ngôn ngữ: Tiếng nói dân tộc Ngái thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán-Tạng).
Sản xuất nông nghiệp
Người Ngái sinh sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng nước. Họ rất thành thạo việc cày, bừa trong khâu làm đất, sử dụng phân bón để xem canh gối vụ từ xa xưa. Đồng bào canh tác thời vụ dựa theo tiếng chim kêu, mùa hoa nở, lá cây rụng để định lịch gieo trồng và thời vụ sản xuất hợp lý. Đồng bào cũng có nhiều kinh nghiệm trong công tác thuỷ lợi. Ngoài lúa nước, trên những vạt đồi đồng bào khai phá thành nương và trồng các loại cây ngô, khoai, sắn, lạc, vừng, mía. Trên những mảnh vườn cạnh nhà, họ trồng các loại rau xanh như: rau cải, su hào, bắp cải, các loại cây gia vị (hành, tỏi, ớt, rau thơm). Người Ngái còn trồng cây quế, sa mộc, nay trồng vải trên những triền đồi, núi vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa chống xói mòn đất. Công cụ sản xuất của đồng bào gồm có: cày, bừa đôi, cào gỗ, cuốc, thuổng, mai lưỡi cong, lồ xúc đất, thùng tưới nước, liềm, hái, quạt thóc.
Bên cạnh trồng trọt, người Ngái cũng phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như: trâu, bò để kéo cày; nuôi ngựa để cưỡi, kéo xe; lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo để làm thức ăn, cúng bái hoặc bán lấy tiền mua những thứ hàng hóa cần thiết khác. Ngày nay, nhiều hộ còn chăn nuôi đàn gia cầm để bán cho thương lái.
Kinh tế tự nhiên
Cư dân sinh sống trên các đảo từ Hải Phòng đến Quảng Ninh chuyên sinh sống bằng nghề chài lưới, đánh cá trên biển. Họ sống thành làng vạn chài trên sông nước. Ban ngày ra khơi đánh cá tối về tụ cư ở một nơi nào đó ven bờ, neo đậu thuyền lại, nghỉ ngủ trên thuyền. Công cụ để đánh cá là thuyền và lưới. Thuyền vừa là phương tiện đi lại trên biển sông, vừa là phương tiện chứa hải sản đánh bắt được. Ngoài ra, một số cư dân ở các hải đảo còn có nghề làm muối.
Nghề thủ công
Người Ngái có các nghề thủ công truyền thống như: dệt chiếu, làm mành trúc, rèn, mộc, nung vôi, làm gạch ngói. Trong đó, nghề làm gốm ở Móng Cái khá nổi tiếng, mang lại thu nhập đáng kể cho cuộc sống của đồng bào. Ngoài ra, họ còn có nghề đan lát, làm mũ, nón lá để che nắng, che mưa, đặc biệt là tấm che lưng người đi cấy khi trời mưa.
Phương thức vận chuyển
Đối với cư dân làm nghề đánh bắt cá, tất cả việc vận chuyển đều thực hiện bằng thuyền, xuồng. Cư dân trên đất liền dùng gùi đeo, sọt gánh để vận chuyển hoặc dùng xe trâu, bò, ngựa để kéo. Hiện nay, họ dùng các phương tiện hiện đại như tàu, thuyền máy, xe máy các loại.
Trao đổi hàng hóa
Người Ngái thường xuyên tham gia các hoạt động trao đổi, mua bán tại chợ trong vùng mà đồng bào cư trú. Với cư dân chuyên sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản thì chợ vừa là nơi bán sản phẩm đánh bắt được, vừa là nơi để mua gạo, rau thịt ăn hàng ngày và các nhu yếu phẩm khác. Đối với những cư dân làm nghề nông nghiệp, nhu cầu mua bán ít hơn, do họ tự túc được nhiều thứ cho cuộc sống, họ chủ yếu mua muối, cá, tôm, cua… dầu thắp, sách vở cho con em đi học và bán các hàng nông sản như: gạo, rau, thịt lợn, gà, vịt…
Văn hóa mặc
Do nền kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp, nên đồng bào Ngái từ lâu đã biết trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm và cắt may y phục. Trang phục của người Ngái đơn giản, chỉ một màu chàm, không thêu thùa, trang trí hoa văn. Nam giới mặc áo ngắn, xẻ trước ngực, cổ áo có chân cao khoảng từ 2 đến 2,5 cm, có 7 cúc cài tết bằng vải, áo dài ngang mông; quần dài, màu đen, kiểu chân què, đũng rộng, cạp cao 15cm, khi mặc dùng dây luồn qua cạp quần và thắt lại cho chặt; đầu đội mũ, chân đi giầy vải. Phụ nữ mặc áo 5 thân: 4 thân dài đủ che quá mông, 1 thân ngắn ở phía bên phải, nằm trong thân trước. Áo xẻ dưới cổ, cài khuy tết bằng vải ở bên nách phải, thân ngắn chấm mông, khâu thêm túi để đựng tiền. Chiếc quần của nữ về kiểu dáng cắt may cơ bản giống chiếc quần nam giới, đó là quần chân què, cạp lá tọa, đũng và ống rộng. Khi mặc người ta thường vặn hai đầu thắt vào phía trước bụng. Nữ giới để tóc dài, đầu để trần. Mùa rét, họ dùng khăn vuông, gấp chéo trùm từ trên đầu và buộc ở dưới cằm, chân đi giầy vải. Ngoài ra, phụ nữ Ngái ưa thích dùng đồ trang sức như: khuyên tai, vòng tay bằng bạc.
Văn hóa ẩm thực
Lương thực chính của đồng bào Ngái là gạo tẻ, gạo nếp, ngô và một vài loại ngũ cốc khác. Món ăn mang đậm tính dân tộc: Miến, mì, xíu mại được chế biến từ gạo hoặc dong riềng. Thực phẩm thường là các loại thịt, trứng, cá và rau xanh. Cách chế biến thức ăn của người Ngái thường là rán, rim (thịt, cá); xào bằng mỡ lợn (các loại rau). Trong các loại rau, củ cải muối là một trong những món ăn phổ biến như món dưa chua của người Kinh. Món ăn của người Ngái bao giờ cũng nhiều mỡ, đậm cay, ngọt. Trong quá trình chế biến không thể thiếu các loại gia vị như: hành, tỏi, ớt, gừng, rau thơm. Các món ăn trong dịp lễ tết được đồng bào chế biến khá cầu kỳ như: lợn quay, khâu nhục. Ngoài ra, đồng bào còn làm các loại bánh: bánh chưng, bánh dầy, chè lam Trong tổ chức bữa ăn, con dâu và em dâu không được ngồi cùng mâm cơm với bố chồng và anh chồng. Nếu gia đình có ông bà, bao giờ cũng phải dọn thành hai mâm: một mâm là ông và các con trai, cháu trai, mâm còn lại là con dâu và các thành viên là nữ.
Văn hóa ở
Người Ngái có hai loại làng: làng của cư dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên biển và làng của cư dân sinh sống bằng nghề trồng trọt trên đất liền. Cư dân làm nghề đánh bắt cá sống thành làng chài trên sông nước, ban ngày ra khơi tối về tụ cư ở ven bờ nên ít có các mối quan hệ giữa các gia đình. Đối với cư dân sinh sống trên đất liền, họ sống thành từng làng xen kẽ với các dân tộc khác.
Nhà ở của người Ngái có hai loại: nhà thuyền di động trên mặt nước và nhà cố định trên mặt đất. Nhà thuyền vừa để ở, vừa dùng để đi đánh cá. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên thuyền, có nơi thờ cúng, chỗ ngủ cho các thành viên trong gia đình và đầy đủ các đồ dùng gia dụng cần thiết như: nồi nấu ăn, bát đũa, bếp có gia đình còn nuôi cả chó, gà. Nhà cố định trên mặt đất của người Ngái có kiến trúc liên hoàn, khép kín. Nhà ở, nhà bếp, nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm nối tiếp nhau thành một vòng khép kín, mỗi nhà có một mái riêng. Giữa các nhà là sân, chỉ có một cổng ra vào bằng gỗ hoặc tre tùy điều kiện của gia đình. Bố trí trong ngôi nhà ở của người Ngái có nơi để thờ cúng tổ tiên, buồng ngủ cho nữ giới. Bếp thường làm sát nhà ở nhưng không có cửa thông sang mà phải đi cửa riêng.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Trong mỗi làng, vị trí người tộc trưởng của dòng họ lớn nhất được đề cao và có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các quan hệ làng xóm. Người Ngái nhận họ và phân biệt chi ngành qua hệ thống tên đệm. Bên họ vợ, ông cậu (khảo) có vai trò quan trọng trong quan hệ thân tộc. Gia đình người Ngái là gia đình phụ quyền, con theo họ bố. Trong gia đình, người cha, người anh cả có vai trò lớn, tham gia và quyết định mọi việc từ cưới xin, ma chay, sản xuất cho đến quan hệ xã hội. Bố chết, người anh cả thay vị thế như người bố trong nhà. Khi cha mẹ chết, con trai được thừa kế tài sản và có trách nhiệm thờ cúng. Con gái đi lấy chồng được cha mẹ chia cho của hồi môn là các con giống như: trâu, bò, lợn, gà
Tập tục hôn nhân, gia đình
Người Ngái thực hiện chế độ hôn nhân ngoại hôn dòng tộc. Những người có quan hệ huyết thống không được lấy nhau. Nghiêm cấm các trường hợp hôn nhân con cô con cậu, con dì, con già, hai em ruột lấy hai chị em gái ruột. Trước đây, hôn nhân trong nội bộ dân tộc là chủ yếu, ít khi có quan hệ hôn nhân với các dân tộc khác. Hôn nhân của người Ngái là hôn nhân một vợ, một chồng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sinh toàn con gái, người ta lấy vợ hai để sinh con trai. Trường hợp này, nếu vợ chồng thỏa thuận được với nhau, vợ cả đi hỏi vợ lẽ cho chồng. Ngày nay, không có hiện tượng lấy vợ hai khi sinh con một bề.
Nam nữ thanh niên Ngái được tự do tìm hiểu bạn đời, nhưng việc hôn nhân do cha mẹ quyết định. Để đi đến hôn nhân, người Ngái rất coi trọng việc xem số mệnh của đôi trai gái có hợp nhau không. Nếu số mệnh hợp nhau mới tiến hành đi tới hôn nhân. Đám cưới thường phải trải qua hai lần cưới là: lễ thành hôn và lễ nhập phòng. Ngày cưới, chú rể không đến tận nhà gái đón dâu mà nhờ ông mối và hai phù dâu đến đón dâu về. Chú rể sẽ đón cô dâu ở giữa đường và đưa về nhà làm lễ gia tiên. Trước bàn thờ, cô dâu, chú rể phải làm đủ ba lạy: lạy trời đất, lạy tổ tiên và lạy lẫn nhau rồi mới đi mời họ hàng, khách khứa ăn uống.Sau đám cưới cô dâu cư trú bên chồng. Chỉ có những trường hợp đặc biệt (nhà gái không có con trai, chú rể đông anh em…) mới có hiện tượng ở rể. Khi có thai, phụ nữ Ngái kiêng cữ rất cẩn thận: không ăn ốc, thịt bò, dê; không may vá hay mua quần áo. Sau khi sinh con 60 ngày đối với con đầu, 40 ngày đối với con thứ, người sản phụ mới được đến nhà mẹ đẻ của mình.
Tập tục tang ma
Tập tục tang ma của người Ngái xuất phát từ quan niệm con người sống có phần xác và phần hồn. Khi chết, xác bị phân hủy, còn hồn sẽ tiếp tục sang sống ở thế giới bên kia. Cuộc sống của phần hồn ở thế giới bên kia không khác gì cuộc sống ở bên trần gian. Vì thế, họ thường chôn theo người chết những đồ tuỳ táng mà khi sống người ta vẫn dùng. Tang ma của người Ngái được thực hiện qua rất nhiều nghi lễ: lễ báo tang, phát tang, khâm liệm, mở đường cho hồn người chết thoát khỏi trần gian, chôn cất, đưa hồn người chết về Tây thiên Phật quốc, đoạn tang. Theo phong tục, nếu chồng chết trước, người vợ chặt đôi chiếc đòn gánh, một nửa chôn theo chồng, nửa kia vợ giữ lại để khi chết chôn theo sang thế giới bên kia, so hai nửa đòn gánh để vợ chồng nhận nhau. Sau khi mai táng, đồng bào thờ riêng người quá cố ở cạnh chỗ ngủ của họ khi còn sống. Hàng ngày, người nhà cúng cơm cho người quá cố 2 bữa. Sau 120 ngày, hoặc kết hợp lễ vu lan, đồng bào làm chay, thay quần áo giấy sạch sẽ cho người chết, đưa hồn lên thờ cùng bàn thờ tổ tiên và bỏ bàn thờ trước đây.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Người Ngái cho rằng, trong cơ thể con người có sự tồn tại của hai phần: thể xác và linh hồn. Ngoài ra, đồng bào còn tin vào các nhiên thần: thần núi, thần sông, thần cây lúa, cây gạo, cây si các thần bảo hộ gia súc, gia cầm. Chính vì vậy, trong các gia đình người Ngái đều lập bàn thờ để thờ cúng tổ tiên ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Khi mùa màng thất bát, gia súc ốm đau đồng bào tổ chức cúng các vị thần tương ứng để cầu mong các thần phù hộ. Đồng bào Ngái chịu ảnh hưởng của Tam giáo (Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo): tin vào số mệnh, bói toán, cúng bái, dùng phép thuật chữa bệnh khi ốm đau.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Người Ngái có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với loại hình nghệ thuật như: dân ca, dân vũ và đặc biệt là loại văn học truyền miệng. Họ có nhiều truyền thuyết, truyện kể dân gian, truyện cổ tích, thành ngữ, tục ngữ… thể hiện quan niệm của đồng bào về thế giới quan, nhân sinh quan đến nay còn giàu ý nghĩa nhân bản. Đáng kể nhất vẫn là làn điệu dân ca sản cố – sơn ca, được đồng bào ưa thích. Sán cố không chỉ là những lời hát ghẹo, hát ví của trai gái, ca ngợi tình yêu nam nữ mà còn ca ngợi quê hương, đất nước. Sán cố thường diễn ra trong các dịp lễ hội, lễ tết, cưới xin. Bên cạnh đó, người Ngái có các điệu múa sư tử, múa võ thuật trong dịp năm mới; múa cây tiền, múa bướm lượn hoàng cung… Đồng bào cũng có nhiều loại nhạc cụ như: sáo, kèn, hồ, nhị, trống, thanh la, não bạt.
Tết, lễ hội cộng đồng
Người Ngái có nhiều lễ tết trong năm như: Tết Nguyên tiêu (15/1), Hàn thực (3/3), oan ngọ (5/5), Vu lan (15/7), cơm mới (10/10) Trong đó, Tết Nguyên đán là tết lớn nhất của đồng bào. Việc chuẩn bị tết bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp (cúng tiễn ông Táo về trời). Sau đó, các gia đình dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị làm các loại bánh, thức ăn để đón năm mới. Ngày 30 tết, các loại công cụ lao động trong gia đình đều được nghỉ ngơi và niêm phong bằng giấy hồng hoặc đỏ. Người Ngái cúng tất niên vào ngày 30 tháng Chạp để mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu; cúng giao thừa mời tổ tiên cùng hưởng Tết, đón năm mới và đón ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng trở về. Ngày mùng một Tết, mọi người trong gia đình đi chúc Tết họ hàng, làng xóm, bạn bè để chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Trong ngày Tết, người Ngái cũng có tục xông đất xông nhà, xuất hành đầu năm, kiêng quét nhà và cãi cọ. Cũng vào dịp đầu năm mới, người Ngái tổ chức lễ Kỳ Yên để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi, tươi tốt, mọi nhà mọi người được bình an, vạn sự như ý. Trước đây, để tổ chức lễ Kỳ Yên đồng bào thường giết trâu, bò làm lễ vật để cúng các thần linh (hiện nay đơn giản chỉ cần con gà hoặc thủ lợn). Ngoài lễ vật, còn treo bức tranh Tam thanh Ngọc đế (các vị thần linh) và sử dụng các nhạc cụ như thanh la, tù và, chũm chọe. Để làm lễ, phải có từ 2 đến 10 người mặc trang phục dân tộc. Trong đó, có người thầy dẫn đầu (mặc áo cà sa, đầu đội mũ Phật) đưa các học trò của mình lên báo cáo thần linh. Trước khi cúng, thắp 3 nén hương và thổi một hồi tù và. Người thầy bắt đầu dẫn đầu các học trò đi vòng quanh theo hình bát quái, vừa đi vừa múa, vừa hát trong tiếng thanh la, báo cáo với thần linh về kết quả sản xuất của dân làng trong một năm qua và cầu các thần linh phù hộ cho năm mới mọi nhà, mọi vật đều hưng thịnh. Trong những ngày lễ hội, người Ngái còn tổ chức các trò chơi dân gian như: chơi cù, chơi khăng, đuổi bắt, đánh cầu lông gà, đá cầu