Hoa (Hán)

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Hoa có hơn 823.071 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Người Hoa sống tập trung phần lớn ở các đô thị, đông nhất là Quận 5, 6, thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng…
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Tên gọi khác: Khách,  Hán, Tàu; Các nhóm địa phương: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Minh Hương…
Ngôn ngữ: Tiếng nói của người Hoa thuộc nhóm ngôn ngữ Hán.

Sản xuất nông nghiệp

Người Hoa có truyền thống làm ruộng nước từ lâu đời, với trình độ kỹ thuật sản xuất khá cao và kinh nghiệm dùng cày bừa trong khâu làm đất, sử dụng phân bón, thuỷ lợi, xen canh gối vụ. Đồng bào còn khai phá những chân ruộng cao hay những cánh đồng khô để phát triển trồng  màu như: ngô, khoai, sắn, lạc, vừng và rau đậu các loại. Bộ phân cư dân ven biển có truyền thống đắp đê chống cát và ngăn mặn. Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bào Hoa còn làm vườn rẫy trồng dứa, mít và các loại cây ăn quả đem lại lợi nhuận kinh tế cao. ở phía Bắc, một số nơi, đồng bào Hoa còn trồng quế và sa mộc. Công cụ sản xuất nông nghiệp của người Hoa cũng là chiếc cày gỗ, chiếc bừa một, bừa đôi (dùng hai trâu kéo), hái gặt lúa, cuốc, thuổng, mai lưỡi cong, lồ xúc đất, thùng tưới nước, liềm, hái, quạt thóc … Với tinh thần lao động cần cù và nhiều kinh nghiệm sản xuất, người Hoa có thể tạo ra nhiều vùng kinh tế trên một phạm vi canh tác: tầng 1 nuôi cá và trồng lúa, tầng hai vừa trồng lúa vừa trồng màu, tầng 4 trồng cây ăn quả.

Người Hoa chăn nuôi khá nhiều trâu, bò, gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút… Chăn nuôi vịt đàn, chim cút phát triển tốt ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh.

Kinh tế tự nhiên

Khai thác tự nhiên là nguồn sống đáng kể của người Hoa sinh sống ở trên các đảo thuộc vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang, Minh Hải, Đồng Nai Một bộ phận người Hoa chuyên sống bằng nghề đánh cá ở ven biển, hải đảo, trên sông, cửa sông, cửa lạch. Một vài nơi như Quất Đồng, Kô Tô, Cát Bà, đồng bào còn phát triển nghề làm muối, kết hợp đánh bắt thủy hải sản.

Nghề thủ công

Người Hoa từ lâu đã phát triển các ngành nghề thủ công  cơ bản lên thành sản xuất công nghiệp. Nổi tiếng phải kể đến nghề làm gốm từ cao lanh ở nhiều nơi như: Quảng Ninh, Móng Cái, Đồng Nai, Bình Dương; làm giấy súc, làm nhang (thành phố Hồ Chí Minh), làm đèn lồng ở Hội An…

Nghề gốm: Trước đây, người Hoa làm gốm bằng bàn xoay tay, kéo cắt đất, nung gốm bằng lò cóc, nhưng sản phẩm đã đạt độ bền cao, mặt gốm mịn đều, kiểu dáng đa dạng, kỹ thuật tráng men mỏng đều và bóng. Vài chục năm gần đây, nghề gốm của người Hoa đã được cải tiến, chuyển sang công nghệ hiện đại, từ nghiền cao lanh đến nặn gốm, làm khuôn đều làm bằng máy, bàn xoay điện, lò nung bằng ga. Khuôn làm gốm được sử dụng nhiều lần, mỗi lần đổ đều chỉnh sửa, đánh nhẵn khuôn để sản phẩm có độ mịn. Sản phẩm gốm sau khi tách khỏi khuôn, được đặt trên bàn xoay điện, dùng dao sắt cắt gọt phần đất dư, dùng mảnh vải nhúng nước truốt quanh miệng đồ gốm, làm sạch, mịn bề mặt sản phẩm; dùng mực tàu (ô xít cô ban) vẽ, bôi màu, tạo các mô típ: tứ linh, tứ qúy và cảnh quan thiên nhiên Việt Nam trên sản phẩm gốm;  nhúng và phun men (kìm men); nung nóng trong lò rồng, 5-7 bầu ở nhiệt độ cao, điều chỉnh lửa cháy đều, sản phẩm bóng, nhẵn, tăng độ bền và độ cứng; phun men bên ngoài sản phẩm bằng máy. Sản phẩm gốm phong phú về chủng loại (lọ hoa, chum vại, bát đĩa, ấm chén, ang, chậu hoa, cây cảnh, bình rượu… phần trang trí thể hiện cuộc sống, thiên nhiên như tứ quý, tứ linh và sông nước hữu tình của Việt Nam.

Nghề làm đèn lồng ở Hội An: phát triển từ 400 năm trở lại đây. Hiện nay, ở Hội An có nhiều hộ làm đèn lồng. Nguyên liệu chính để làm lồng đèn truyền thống là tre và vải lụa. Sản phẩm phong phú, với đủ loại kích cỡ, nhiều hình thù: tròn, bát giác, lục giác, trái bí, củ tỏi, quả bóng, hộp nhựa, đèn gỗ, đèn hình trụ, hình cầu, hình thoi, tam giác, lục lăng, ô van, trái bầu, trái nhót, đèn kéo quân hình rồng, hình cá… đủ loại màu sắc. Đèn lồng Hội An đã xuất khẩu sang các nước: Brazin, Pháp và Thái Lan…

Trao đổi hàng hóa

Phần lớn người Hoa ở Việt Nam làm thương mại, ngân hàng và dịch vụ buôn bán. Ngay từ thế kỷ XVI – XVII, nhiều người Hoa đã vượt biển tràn vào các thương cảng và đô thị của Việt Nam như: Kẻ Chợ, Phố Hiến (Đàng ngoài), Thanh Hà – Hội An  (Đàng trong) và nhanh chóng định hướng con đường hoạt động thương mại. Những hoạt động kinh doanh của người Hoa đã góp phần tạo cơ sở cho quá trình hình thành các phố cổ khu phố thương nghiệp của Việt Nam. Hiện nay, người Hoa ở các đô thị, đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh – những khu phố của người Hoa như: quận 5 – chợ Lớn, quận 10, quận 11 (thành phố Hồ Chí Minh), phố cổ Hội An  trở nên sầm uất, buôn bán nhộn nhịp. Trong số các loại dịch vụ truyền thống, bánh bao, thuốc bắc và nghề gốm là những nghề mang tính truyền thống, phản ánh rõ nét đặc trưng tộc người. Hoạt động kinh tế truyền thống của dân tộc Hoa có hai nét nổi bật: thứ nhất, dù sinh sống ở nông thôn hay ở thành thị, người Hoa đều có truyền thống hoạt động kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường; thứ hai, hoạt động kinh tế của người Hoa mang tính liên kết.

Văn hóa mặc

Thường ngày đàn ông Hoa mặc quần áo giống như nam giới các dân tộc Nùng, Giáy, Mông, Dao… Xưa họ thường búi tóc và bịt chiếc răng vàng. Ngày nay cắt tóc ngắn và ăn mặc theo kiểu hiện đại. Đầu thế kỷ XX, nam giới (tầng lớp bình dân) thường mặc quần đùi dài ngang gối, áo “xá xẩu” tay lỡ, ít khi cài cúc, đội nón “cời lối” hoặc “túc lối” đan bằng tre rộng vành, đi guốc hoặc chân trần, vắt vai khăn (ệk bậu) để lau mồ hôiNhững người trung lưu mặc quần dài đen, đi giày gỗ hoặc hài gấm, đội mũ quả bỉ màu đen. Nam giới người Hoa ở độ tuổi trung niên sống ở vùng đông dân cư dân Khmer cũng thường mặc áo xà rông ở nhà.Trang phục truyền thống của người Hoa hiện chỉ còn thấy ở một số người có tuổi hoặc trong các nghi lễ cưới xin, tang ma. Đàn ông mặc áo màu đen hay xanh đậm, cài khuy vải một bên, vai liền cổ đứng, xẻ tà hoặc kiểu áo tứ thân, xẻ giữa, cổ đứng, vai liền có túi. Người Hoa thường đội mũ, nón hoặc mang ô. Phụ nữ thường mặc áo 5 thân dài trùm mông, cài khuy tết bằng vải bên nách phải, cổ đứng, táp thêm một miếng vải màu dài 3cm chạy từ cổ áo bên trái về phía trước ngực, vòng xuống nách áo bên phải. Cửa ống tay táp thêm miếng vải khác màu. áo cộc tay cũng 5 thân, cổ viền cao, cài khuy một bên, xẻ tà cao hoặc một chiếc áo “sường xám” may dài, ôm ngang hông, xẻ tà phần dười đùi, mặc quần. Bên ngoài áo của phụ nữ thường có một tạp dề (yếm ngoài), may bằng vải sợi màu đen, hình cánh dơi, giữa yếm ngoài được táp thêm một miếng vải hoa, phía dưới cắt hình lượn sóng, ở hai đầu cánh dơi mỗi bên có một dây buộc tết bằng vải màu. Khi mặc, người ta thắt nút dây yếm về phía sau lưng. Quần  may theo kiểu chân què, đũng rộng, cạp lá tọa, khi mặc, thường vặn hai đầu thắt vào phía trước bụng. Hiện nay, phụ nữ Hoa lớn (bình dân) vẫn mặc bộ quần áo lụa hoặc vải màu chăn đen hay màu lam cổ truyền. áo có thể dài tay hay ngắn tay, song hò vạt vòng qua sườn phải cái nút thắt, cổ áo cao, xẻ vạt hai bên hông.

Trang phục cưới cổ truyền của cô dâu người Hoa ở đô thị là bộ quần áo màu đỏ bằng gấm thêu dài chấm gối, chiếc áo ngắn bằng gấm ngũ sắc, cổ đứng xẻ giữa, nút thắt to; tay áo dài và rộng để lộ chiếc áo trắng bên trong. áo ngoài thêu hình phong. Cô dâu thường bới tóc, thoa đầu bóng, giắt trâm hình cánh hoa đỏ và là trắc bá diệp xanh tươi, bên ngoài đội thêm một chiếc mũ có hình chim phượng và các bông nhung đo, trước mũ có chiếc rèm thưa bằng hạt châu để che mặt, chân đi hài gấm. Trang phục ngày cưới của cô dâu bình dân người Hoa vùng nông thôn đơn giản hơn, chỉ là bộ áo lụa may dáng áo bà ba của người Việt Nam bộ, song cúc được cài bên nách phải cổ đứng, đội nón bằng nan tre có chóp tròn ở đỉnh nón.

Văn hóa ẩm thực

Đồng bào Hoa ăn 3 bữa trong ngày, cháo là món ăn ưa thích và được sử dụng nhiều hơn cơm. Vào các buổi sáng, họ thường ăn cháo trắng với xá pấu (cải muối) và trứng muối. Bữa trưa là bữa chính, bữa quan trọng nhất trong ngày, thức ăn được nấu cầu kỳ với các món ăn đặc trưng: cơm, mỳ xào, hủ tiếu, mì sợi, vằn thắn, bánh gật gù (loại bánh tráng ướt, làm từ bột gạo xay lẫn một chút cơm nguội, tráng trên khuôn vải,  chín nhờ hơi nước, khi ăn chấm với mắm, hành phi, thịt băm, tiêu, ớt); nhà khá giả hơn ăn bánh bao (làm từ bột mỳ, đánh nhão, mịn với nước, ủ khoảng 30 phút, chia cục bột  nhỏ, cán mỏng và cho nhân thịt lợn, cá, dầu ăn, xếp vào khay, hấp chín), gà tần thuốc bắc, chân giò bắc thảo, xíu mại, khâu nhục (làm từ thịt ba chỉ rửa sạch, cắt miếng 0,5 kg, luộc chín tới, vớt ra để nguội, dùng que nhọn châm bì cho kỹ, để miếng thịt ngấm đều gia vị; chao mỡ vàng, vớt ra, để nguội, thái từng miếng (dày 1,5cm), xếp vào bát (mỗi bát 8 miếng), lật bì xuống dưới, bên trên bỏ gia vị (húng lìu, xì dầu, tỏi, lá tàu soi muối mặn, thái nhỏ trộn với tương tàu choong), trên cùng là lớp khoai môn/khoai lang đã chao giòn; hấp cách thủy (khoảng 4 giờ) cho thịt chín nhừ. Khi ăn, úp bát khâu nhục vào đĩa, phần bì xốp, màu vàng đậm nổi lên rất đẹp mắt, thơm, mềm, ngậy nhưng không ngấy). Đồng bào còn có cách muối chua, phơi khô các loại:  su hào, bắp cải, củ cải để dành ăn cả năm. Đỗ tương thường được chế biến thành xì dầu, đậu xị, đậu phụ ướp. Thức uống có trà sâm, hoa cúc, nước thảo quả (nhân trần)… Những dịp hội hè, lễ, tết nam giới cũng quen dùng rượu. Thuốc lá được nhiều người hút, kể cả phụ nữ, nhất là những người phụ nữ có tuổi.

Văn hóa ở

Tại các đô thị, người Hoa sống tập trung thành các khu phố hay một đường phố riêng biệt, đông đúc và gắn bó với nhau. Mỗi khu đều có những nhà từ đường của từng dòng họ. Đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh có những khu phố của người Hoa như: quận 5 – chợ Lớn, quận 10, quận 11 trở nên sầm uất, buôn bán nhộn nhịp, tạo nên nét đặc trưng trong văn hóa của người Hoa. ở trung du phía Bắc, người Hoa thường dựng làng bản ở ven chân núi, đồi trong cánh đồng trên bãi biển, gần nguồn nước tiện đường giao thông. Mỗi làng có từ 15 – hàng 100 nóc nhà. Nhà cổ truyền có là nhà hình ấn rất điển hình. Nhà thường có năm gian đứng không có chái, tường xây gạch rất dày, mái lợp ngói âm dương. Mặt bằng sinh hoạt với nhà chính bao giờ cũng thụt vào một chút tạo thành một cái hiên hẹp. Gian chính giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, đồng thời còn là nơi tiếp khách. Các gian bên đều có tường ngăn cách với nhau. Đến nay nhà của người dân tộc Hoa đã có nhiều thay đổi như có một số kiểu nhà là biến thể của nhà cổ truyền. Cũng có những kiểu nhà người Hoa tiếp thu của người dân tộc Tày hay người Việt. Nhà cửa thường có 3 loại như nhà 3 gian hai chái, nhà chữ Môn và chữ Khẩu. Nhà thường xây bằng đá, gạch mộc hay trình đất, lợp ngói máng hay lá quế, lá tre, phên nứa… Trong đó, nhà chữ khẩu là kết cấu phổ biến gồm 4 nhà liên kết với nhau, tạo thành một hình vuông ôm lấy một mảnh sân nhỏ ở giữa. Nhà chính gồm 5 gian, có 10 cửa ra vào, gian giữa rộng hơn gian bên để đặt bàn thờ tổ tiên, bàn tiếp khách hình vuông và giường khách, hai gian bên cạnh đều có: tủ nhỏ, giường đôi kê sát nhau,  gian hồi có gác xép ở phần sau, trên tường có các cửa sổ, phòng hồi phải có một thúng tro để tiểu tiện ban đêm, sát đó là nhà vệ sinh, ở hành lang đặt cối giã gạo, quạt hòm. Nhà phụ 2 bên đều có 2 bàn ăn, các vò muối dưa, bếp và gác xép, hồi nhà mỗi bên đều có cửa sổ. Nhà phụ trước chỉ có bàn mộc để làm nghề thủ công gia truyền. Nổi bật trong nhà ở là các bàn thờ tổ tiên, dòng họ, thờ Phật và các vị thần (thần bếp, thổ địa, thần tài….) và một số vị thánh, Bồ tát (Quan công, bà Thiên Hậu, ông Bổn, Quan âm…). cùng các câu đối, liễn, các giấy hồng chữ Hán với nội dung cầu phúc, cầu lợi, cầu bình yên.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Xã hội  người Hoa mang tính phụ quyền, tinh thần cố kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng, nhóm địa phương, dòng họ rất cao và bền chặt và luôn có ý thức bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, mối quan hệ với những người cùng họ hết sức coi trọng. Mỗi một dòng họ có một từ đường/hội quán để thờ cúng. Hàng năm vào một ngày nhất định, những người cùng họ tụ tập tại từ đường để làm lễ giỗ tộc họ. Những hoạt động kinh doanh, sản xuất thường có các hội nghề nghiệp tương ứng. Những hội này đều có một vị tổ và một ngày giỗ tổ trong năm.

Gia đình được xây dựng theo chế độ một vợ một chồng khá bền vững và mang tính phụ hệ. Người Hoa thường dựng vợ gả chồng cho con trong cùng một nhóm địa phương. Trưởng họ, ông mối, các chức dịch đóng vai trò khá quan trọng trong hôn nhân. Trong gia đình, người chồng là chủ hộ, con trai được thừa kế tài sản, phần hơn thuộc về con trai cả. Đến nay, nhiều gia đình người Hoa vẫn duy trì lễ mừng thọ cho người già, dâng cúng thần các xiên bánh đào tiên (xìn thù)/ bánh trường thọ (xầu thù), dáng và màu phớt hồng như quả đào mới chín; món chè nấu bằng bột nếp, vo viên tròn, bên trong có viên đường nhỏ hình vuông (tượng trưng cho trời và đất), cầu chúc cho cha mẹ trường thọ, an khang, viên mãn, tốt đẹp.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Hôn nhân của người Hoa chú trọng đến sự môn đăng hộ đối giữa hai gia đình và tương đồng về hoàn cảnh kinh tế cũng như địa vị xã hội. Hiện nay, phụ nữ Hoa xây dựng gia đình khá muộn (tuổi cưới trung bình là 28, 30) và số con ít nhất (trung bình một phụ nữ sinh 2 hoặc 3 con). Tục lệ cưới xin của người Hoa có nhiều nghi lễ phức tạp, gồm: Dạm hỏi lạp thái – nhà trai nhờ mai mối đến nhà gái thăm dò, tìm hiểu về cô dâu và gia đình cô ấy; Vấn danh – thông qua mai mối để xem xét tên, họ, tuổi tác cô dâu, chú rể, đối chiếu sổ mệnh của đôi trai gái có tương hợp, có sống với nhau đượchạnh phúc, bền lâu hay không, trước khi quyết định trở thành vợ chồng;  Lễ hỏi (nạp cát) – hai gia đình đã bằng lòng, nhà trai gồm bà mối, vài người lớn tuổi trong họ, một số thiếu nữ chưa chồng thường chuẩn bị các cơi lễ hỏi bao gồm: trầu cau, trà, rượu, hoa quả, 1 cặp giò lợn trước, một cặp vịt trống mái và một ít tiền sính lễ mang sang nhà gái, trong đó món bánh thèo bò  (kẹo lạc) và1 đôi giò lợn (trước) là những lễ vật không thể thiếu, rất đặc trưng  trong đám cưới của người Hoa- Nam Bộ. Tiền sính lễ thường được chia làm ba phần: tính từ hàng triệu, hàng trăm đến hàng chục, sao cho con số nhà trai đưa ra, cả hàng triệu, hàng trăm, hàng chục đều là con số tự nhiên.Ví dụ: 9000.000 (chín triệu)- 900.000 (chín trăm nghìn)- 90.000(chín mươi nghìn) hoặc 5.000.000 – 500.000 – 50.000 đ, nhà gái thường chỉ chọn số giữa: 900.000 đồng hay 500.000 đồng để mong cho cặp vợ chồng sống có trước, có sau, chung thuỷ trọn đời. Đồng thời nhà trai cũng phải mang đồ sính lễ cho cô dâu bao gồm: quần áo, vải vóc, màn đỏ, nhẫn xuyến, vòng tay, hoa tai… số lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào điều kiện kinh tế nhà trai, trong đó đôi bông tai là lễ vật bắt buộc; Nạp tế –  các mai mối bàn việc hôn lễ, các khoản hồi môn, quyết định ngày cưới; Lễ cưới lễ thân nghinh nhà trai chọn giờ tốt, đem lễ vật (giống như lễ hỏi) cùng xe hoa sang nhà gái đón dâu. Sau khi nhận lễ, 2 gia đình có lời qua lại với 2 bên họ hàng. Khi lên xe hoa bao giờ cô  dâu cũng mang theo 1 ấm đun nước, 2 thau nước, 2 khăn mặt để phục vụ cha mẹ bên chồng. Đến ngõ nhà trai, mẹ chồng lánh mặt, chỉ có một bà lớn tuổi có cuộc sống may mắn hạnh phúc, ra dẫn dâu vào nhà bái lạy tổ tiên, vợ chồng giao bái xong, mới đi chào anh em họ hàng chồng, đồng thời rót rượu dâng từng người và nhận lại bao lì xì. Nhà trai làm tiệc đãi hai họ, mừng cho cô dâu chú rể hạnh phúc. Trong hôn lễ, mọi thứ đều gắn với màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tốt đẹp: cô dâu chú rể mặc trang phục đỏ; cô dâu che mặt bằng vải đỏ trước khi bước vào nhà chồng; đồ sính lễ phủ vải đỏ.Ba ngày sau khi cưới, bố mẹ cùng đôi tân hôn trở lại nhà gái làm lễ phản bái (lễ lại mặt), kết thúc hôn lễ.

Sinh con nối dõi tông đường là nhiệm vụ quan trọng của mỗi cặp hôn nhân. Đặc biệt, phụ nữ sinh con trai, coi như họ là đã tạo dựng một gia đình chắc chắn và an toàn, còn người đàn ông đã hoàn thành nghĩa vụ đối với dòng dõi, tổ tiên.Vì thế, người phụ nữ Hoa có thai không phải làm các công việc nặng nhọc, đồng áng, không đến những nơi ma chay, cưới xin để tránh những điều xui.Lúc sinh con, phụ nữ có thai thường cúng xin mẹ sinh (12 bà mụ) che chở và bảo vệ cho mẹ tròn, con vuông, đứa trẻ thông minh. Đến ngày sinh, nếu người phụ nữ quá đau và khó đẻ, người ta sẽ lấy một lá bùa may mắn vỗ nhẹ lên bụng người mẹ để cầu xin sự dễ đẻ. Phụ nữ sau khi sinh, bồi bổ bằng gà tần thuốc bắc, trứng gà ngâm rượu nếp, giò lợn nấu hải sâm, cháo vừng ăn với đường, cùng các món ăn thêm gừngcho chóng lại sức. Sau sinh một tháng, người ta làm lễ cúng tạ ơn bà mẹ sinh (12 bà mụ) bằng quả trứng gà luộc, nhuộm đỏ, cầu cho đứa trẻ số đỏ, may mắn và mạnh khoẻ, đặt tên cho trẻ và hội tụ họ hàng, anh em bạn bè cùng chúc mừng cho bé. Khi ra về, mỗi người họ hàng được biếu 2 hoặc 4 trứng nhuộm đỏ, vài miếng gừng chua  (xuyến) đồng âm với hão xuyến, là cháu tốt, cháu tốt Ngày nay, các gia đình người Hoa thường tổ chức lễ sinh nhật, đầy tháng cho cả con trai và con gái theo nếp sống mới

Tập tục tang ma

Người Hoa quan niệm: người chết là chết phần xác, còn phần hồn tách ra khỏi xác và vẫn sống. Người chết là từ biệt cõi đời, sang thế giới bên kia, cũng giống như ở trần gian. Việc làm ma không chỉ báo hiếu, vĩnh biệt người chết, tiễn hồn về với tổ tiên, đưa xác đi chôn ở từng địa bang của dòng họ, mà còn giúp con cháu bình an. Tang ma được tiến hành qua nhiều bước: báo tang, phát tang, khâm liệm, mở đường cho hồn người chết, chôn cất, đưa hồn người chết đến cõi Tây thiên phật quốc, đoạn tang. Người chết được chôn cất với đầy đủ các dụng cụ thường ngày, nếu chồng chết trước vợ chặt đôi đòn gánh, một nửa chôn theo chồng, một nửa cất đi, khi chết mang sang thế giới bên kia để nhận nhau. Khi chết người ta thường tiến hành làm chay- lễ tắm rửa cho hồn người chết, để hồn mau chóng về đoàn tụ với tổ tiên và đầu thai lại kiếp người. Ông bà cha mẹ chết đi đều được thờ cúng tại nhà. Trong nghi lễ đoạn tang của người Hoa, đáng chú ý nhất là nghi lễ xả tảng (lễ hết tang) tổ chức sau ngày mất một năm, một nghi lễ vừa mang tính nhân văn đời thường, vừa mang yếu tố Phật giáo. Trụ trì buổi lễ là một nhà sư, trước tiên là cúng tại từ đường để cầu siêu, dâng lễ vật cho người chết và báo với tổ tiên đón nhận linh hồn. Đúng 12 giờ đêm (giờ giao hoà giữa âm và dương), nhà sư làm lễ xả tang cho tang chủ, trước sân nhà bên phía cửa trái. Nơi đây đã chuẩn bị 1 bàn hương án, lư hương, cây đèn, chậu nước, kéo, lượcSau 3 tuần cúng hương trà, rượu, nhà sư làm lễ xả tang cho tang chủ, trước tiên là con trai trưởng, lần lượt tới con trai thứ, cháu, chắt. Nhà sư vừa nhúng lược vào chậu nước, chải lên đầu tang chủ, vừa khấn qua hết rối ren, qua đi buồn đau, hãy sống xứng đáng với người đã chết, để xả tang hết cho con cháu trai trong nhà. Đồng thời với lễ thức này, người ta hoá nhà táng cùng lễ vật dâng cho người chết mang sang tế giới bên kia. Từ đây, con cháu không phải trở tang, chỉ thắp hương tổ tiên vào ngày rằm, tuần tiết. Riêng tết thanh minh hàng năm, dù ở xa xôi vạn dặm, những người con, nhất là con trai không thể vắng mặt tại nhà con cả để cúng tổ tiên, đi dọn mồ mả cho dòng họ. Nếu vắng mặt bị coi là bất hiếu, họ hàng xa lánh.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Nổi bật trong các tín ngưỡng dân gian của người Hoa là thờ cúng tổ tiên, gia tộc và dòng họ, thờ cúng các vị thần bảo hộ và các vị thánh linh. Ngoài thờ cúng tổ tiên, đạo Khổng, đạo Phật, đạo Giáo tác động sâu sắc đến đời sống xã hội của người Hoa. Hầu hết các khu phố, thôn xóm của người Hoa đều có chùa thờ Phật, đền, miếu thờ thành hoàng, thần đá, thần núi, thần sông, các vị thần bảo hộ cho cộng đồng và những người có công khai phá đất đai. Nhiều chùa Hoa được xây dựng từ những thế kỷ trước, mang đậm phong cách Trung Hoa như chùa Bà – Tuệ thành hội quán, chùa Ông  Nghĩa An  hội quán, chùa ông Bổn  Nhị phủ miếu.Hội quán được coi là một trong những nét độc đáo của người Hoa. Hầu hết các hội quán của người Hoa được xây dựng vào thế kỉ 17 đầu thế kỉ 18. Đây là nơi duy trì các hoạt động cộng đồng và thờ các vị thần, nuôi dưỡng đời sống tín ngưỡng của cộng đồng. Hội quán có nguồn gốc là nơi dừng chân tạm trú ban đầu của người Hoa mới đến miền Nam trong lúc chân ướt chân ráo, đã được những đồng hương của mình ở đây đón tiếp, giúp đỡ kiếm kế sinh nhai và lưu lại ở Hội quán. Về sau, cổng hội quán dần trở thành nơi quy tụ các nhóm người Hoa địa phương, thậm chí, thời kỳ Pháp thuộc,  Hội quán gần như một cơ quan đại diện hành chính của người Hoa. Ngày nay, ngôi chùa của người Hoa gắn liền với thuộc hội quán, nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Dân tộc Hoa có một nền văn học nghệ thuật rất phong phú, đa dạng. Các thể loại văn học dân gian: truyện thần thoại, truyện cổ tích, thơ ca, ca dao, tục ngữ, thành ngữ đều rất phong phú; các loại hình hát, múa, hài kịch như hát Quảng, hát Tiều, hát sơn ca (san cưa), ca ngợi tình yêu trai gái, cuộc sống, quê hương; Nhạc cụ  có nhiều loại: tiêu, sáo, các đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, chập chọe… Hát “sơn ca” (sán cố) là hình thức được nhiều người ưa chuộng, nhất là tầng lớp thanh niên. Ngày tết có tục múa, lân, sư tử, múa rồng… để chúc phúc, ấm no, an khang thịnh vượng cho mọi thành viên trong gia đình, cộng đồng, đồng thời xua đuổi tà ma, giữ yên cuộc sống.

Tết, lễ hội cộng đồng

Người Hoa tổ chức nhiều lễ hội trong năm. Đó là tết năm mới, tết 3/3, tết 5/5, tết 15/7, tết Trung thu… Mồi lễ hội đều có đối tượng tôn thờ khác nhau. Tết tháng giêng – năm mới là tết mở đầu cho vụ sản xuất nông nghiệp năm mới, là tết truyền thống cho tất cả người Hoa. Vào dịp năm mới, người Hoa cúng tổ tiên trong gia đình, cầu mong tổ tiên phù hộ cho gia đình làm ăn được may mắn, mọi người có sức khỏe, làm được nhiều công việc ra được tiền, được của. Trong ba ngày ngày đầu, người Hoa đi tết ông bà nội, ngoại và thầy học. Những ngày tiếp đó tùy theo nhu cầu, có thể đi chơi bạn bè, đi học nghề, tham gia các cuộc vui chơi theo sở thích… Tết ngày 3/3, người Hoa đi tảo mộ tổ tiên, ông bà. Cả con cháu trong gia đình đi ra phần mộ của tổ tiên, phát quang cây cỏ, đắp lại phần mộ cho đầy đặn, đẹp, treo giấy tiền lên nơi phần mộ, bày mâm cúng tổ tiên tại mộ. Tết ngày 5/5, người Hoa tổ chức ăn chua, ăn rượu ngọt để diệt sâu bọ trong người, hái các loại cây thuốc về phơi khô dùng trong cả năm. Tết ngày 15/7 là tết xá tội vong nhân (vu lan) – tết chiêu đãi cho vong hồn người chết bị tù đày được xá tội (tha tội), tự do đi tìm ăn.

Các lễ hội mùa xuân vào dịp tết trong năm, đồng bào Hoa thường tổ chức các trò chơi thi võ thuật, đấu kiếm, chơi cờ tướng, rèn luyện trí tuệ, hát dân ca, rước đèn song trò vui hấp dẫn, đặc trưng nhất, phải kể đến là múa rồng, lân và múa sư tử. Trong đó, con rồng gắn liền với hạnh phúc- con lân là biểu tượng sức mạnh, sự từ bi. Múa Lân thực chất là lễ cầu trí phúc, sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc, hanh thông, cầu lộc, cầu tài; cầu mùa cầu thiện, trừ ác Đội múa Lân có từ 3- 5, có khi đến 7 nam giới (tuổi từ 16- 35), mặc đồng phục, đầu chít khăn đỏ, buộc thắt lưng, nhưng múa Rồng thì phải có nhiều người tập rất công phu, ít nhất cũng có 6, nhiều nhất là 30 người múa rồng. Đi với múa lân hay rồng còn có đội võ kiếm, đội nhạc gồm (3 người đánh trống, chiêng, phèng la). Múa lân – sư – rồng có khi được thể hiện riêng rẽ, đôi khi cũng có sự phối hợp với nhau tạo thành bộ ba hoàn hảo. Lân thường có 3 nhân vật, luôn múa chung với nhau, tượng trưng cho 3 anh em kết nghĩa đoàn viên. Trong đó, lân mặt vàng, râu trắng (Lưu Bị), lân mặt đỏ râu đen (Quan Vân Trường) và lân mặt đen, râu đen (Trương Phi). Một con lân biểu diễn gọi là độc chiếm Ngao hầu. Hai con lân cùng biểu diễn gọi là Song Hỉ, thể hiện niềm hân hoan khoan khoái, tâm đầu ý hợp như loan với phụng, như vợ với chồng, như đất trời và âm dương tương hợp. Ba con lân hợp múa phải có ba màu vàng, đỏ, đen, gọi là Tam Tinh, thể hiện những điều cầu nguyện của mọi người đạt được điều lành, ba điều tốt là Phúc, Lộc, Thọ. Múa lân, sư, rồng thì phải có ông địa, hiện thân của đức Di Lặc, nhân vật thiện, đi đến đâu là giáng phúc tới đó nên nhà nào cũng hoan hỉ treo rau xanh và giấy đỏ đón chào. Sau này, người có tiền thường treo giải bằng tiền buộc trong một miếng vải đỏ, treo cùng bắp cải hoặc rau xanh. Lân phải trèo lên cao lấy bằng được “thức ăn” này. Vào ngày đầu năm mới, mồng 1, 2, 3, đội múa sư tử (múa lân) thường đến tất cả các nhà, không phân biệt giàu nghèo, xa gần, để chúc phúc, chúc no ấm, an khang thịnh vượng cho mọi người, đồng thời xua đuổi tà ma giữ yên cuộc sống.  Khi thấy đội múa Lân đến, các gia đình phải mở cổng để họ đi thẳng vào nhà (ông Lân đứng giữa, ông Tề thiên đứng bên phải, ông Địa đứng bên trái) vái 3 vái trước từ đường và biểu diễn nghi lễ múa tín ngưỡng nhằm đuổi tà và chúc phúc, chúc tài lộc cho gia chủ. Sau đó họ ra sân múa diễn tả cuộc sống của con người từ vui chơi, ăn ngủ, đùa nghịch, chọc ghẹo lẫn nhau. Bao lì xì ( lộc) của gia chủ thưởng cho đội Lân cố ý treo rất cao, đội Lân phải cố gắng mới lấy được.

Tri thức dân gian

: Người Hoa quan niệm: bệnh tật phát sinh phần lớn là do sự mất thăng bằng yếu tố âm dương trong cơ thể. Vì vậy, thức ăn cần được đưa vào cơ thể con người một cách có lựa chọn để cân bằng trạng thái âm dương. Thể chất con người được chia thành các loại âm, dương, hư, hàn. Còn thực phẩm nói chung mang 3 yếu tố: nhiệt, hàn, ôn. Thể trạng con người có những thay đổi tương ứng với khí hậu, thời tiết, nên muốn không bị lâm bệnh thì cần phải điều chỉnh, lựa chọn cơ cấu thực phẩm cho thích hợp. Tuy nhiên nếu cơ thể mang bệnh thật sự thì người Hoa cũng biết dùng các loại thảo dược thuốc bắc để tự chữa bệnh cho mình và chữa cho mọi người.