Mường

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Mường có 1.268.936 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào Mường cư trú chủ yếu ở tỉnh Hòa Bình và các tỉnh miền núi lân cận như Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Ninh Bình.
Tên gọi: Dân tộc Mường còn gọi khác là Mol (hoặc Mon, Moan, Mual), các nhóm địa phương: Ạo Tá (Ạu Tá), Mọi Bi, Mọi, Mual.
Ngôn ngữ: Tiếng Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường (ngữ hệ Nam Á)

Sản xuất nông nghiệp

Đồng bào Mường khai phá các triền đất dốc, sườn đồi thành ruộng bậc thang để canh tác lúa nước theo quy trình: cày, bừa, gieo mạ, cấy lúa, làm cỏ, bón phân và thu hoạch. Trong canh tác, người Mường cũng tận dụng dòng chảy, ngăn dòng, tạo áp lực nước, làm cọn quay, đưa nước lên các chân ruộng cao, đồng thời khai mương máng cho dòng nước chảy vào ruộng. Ngoài lúa tẻ và lúa nếp, đồng bào Mường còn làm nương, trồng ngô, khoai, sắn, rau, đậu, bầu, bí…; tận dụng diện tích đất đồi trồng chuyên canh các loại cây: luồng, trẩu, sở, quế, gai, đay, bông, dâu tằm và cây cánh kiến. Ngày nay, đồng bào không trồng bông, trồng dâu, đay gai, mà mở rộng trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi…

 Đồng bào Mường chăn nuôi gia súc trâu, bò theo phương thức: ban ngày thả trâu, bò vào rừng tự kiếm cỏ ăn, chiều tối lùa trâu, bò về chuồng. Trâu bò được nuôi để làm sức kéo: cày (ruộng, nương), kéo xe, kéo gỗ… lấy phân chuồng để bón cho  các loại cây trồng; lấy thịt trong các dịp cưới xin, ma chay, lễ tết và bán cho đồng bào miền xuôi. Ngoài trâu, bò, đồng bào còn nuôi dê, lợn, chó, mèo, gà, vịt…, đào ao thả cá để cải thiện bữa ăn và làm vật hiến sinh trong các nghi lễ cúng bái, cưới xin, tang ma. Một số gia đình còn nuôi ong lấy mật vừa để ăn, vừa để bán.

Kinh tế tự nhiên

Đồng bào Mường thường xuyên thu hái lâm, thổ sản; săn bắt muông thú và đánh cá trong môi trường tự nhiên. Hàng ngày, đi làm trên nương, lúc về nhà, chị em thường tranh thủ vào rừng hái rau rừng, măng rừng, nấm hương, mộc nhĩ, củ mài, củ nâu…về chế biến canh rau, mùa giáp hạt còn ăn thay cơm. Nam giới Mường thường đánh bẫy, dùng súng kíp, súng hỏa mai vừa để săn bắt các loại thú rừng, vừa để bảo vệ mùa màng, vừa để cải thiện cuộc sống. Cư dân sống ở ven các sông, suối, ao, đầm, hồ còn tích cực đánh bắt cá, mò cua, băt ốc để cải thiện bữa ăn. Đặc biệt, vào cuối năm, khi nước ở các đầm, ao, hồ, suối  xuống thấp, để chuẩn bị thực phẩm dự trữ cho những ngày tết cổ truyền, đồng bào tập trung chài, lưới, đơm, đó hay ruốc cá bằng thuốc để bắt cá.

Nghề thủ công

Các nghề thủ công truyền thống của người Mường khá phát triển, phổ biến là nghề dệt vải, đan lát song, mây, tre và nghề mộc làm nhà cửa. Các nghề thủ công chủ yếu mang tính thời vụ, tranh thủ lúc nông nhàn, phục vụ cuộc sống tự cung, tự cấp trong phạm vi gia đình. Nghề dệt do phụ nữ đảm nhiệm. Họ dạy cho con gái dệt thành thạo từ lúc 13, 14 tuổi. Họ tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải, dệt thổ cẩm, nhuộm và cắt may, khâu thành quần, áo, váy, chăn đắp, màn gió, rèm cửa buồng…Trước đây, mỗi gia đình Mường đều có một khung cửi, có thể tạo nhiều hoa văn bằng nhiều go khác nhau, tạo các sản phẩm cao váy, chăn với những mô tip hoa văn hình rồng, phượng, hươu, rùa, chim… có tính thẩm mỹ cao. Ngoài vải thổ cẩm, vải mộc được dệt xong mới đem nhuộm màu vằng các loại cây rừng: màu đỏ lấy từ cây bang, màu vàng lấy từ cây nghệ, màu đen lấy từ cây chàm… Chàm có hai loại, chàm lá to và chàm lá nhỏ. Cây chàm được trồng trên nương vào tháng 2 – 3, thu hoạch vào tháng 5 – 6. Chàm được cắt về cho vào vại  ngâm mục rã, gạn lấy nước, hoà với nước tro bếp, vôi khuấy đều để lắng. Phần lắng xuống gọi là cao chàm. Loại cao này cất trữ dùng trong cả năm để nhuộm vải mới, hay quần áo cũ bạc màu, đem nhuộm lại. Trước khi nhuộm, người ta nhúng vải qua nước cho ngấm đều mới đưa vào vò nước chàm, ủ qua đêm, giặt qua nước sạch rồi đem phơi. Phải qua 8-10 lần nhuộm cho vải có màu đen nhánh mới được. Đàn ông Mường sử dụng tre, luồng, song, mây để đan những đồ gia dụng như thúng, mủng, giần, sàng, nong nia, bồ ổ (đồ đựng quần áo), gùi cưới (chón), ớp đeo; các dụng cụ đánh bắt cá như: đơm, đó, giỏ; dùng dây gai, dây đay để đan chìa, lưới .

Phương thức vận chuyển

Người Mường thường dùng các loại gùi, ớp để  vận chuyển nông sản, rau; ở những nơi có đường mòn, dễ di chuyển,  người dân dùng trâu, bò, xe ngựa, xe bò… vận chuyển hàng và kéo gỗ; cư dân ven hồ, sông dùng thuyền để đi lại và chở hàng; Hàng ngày, người Mường dùng các ống tre, nứa, bương, mai rỗng ruột, dài hơn 1 mét ra suối lấy nước, vác vai về dựa vách nhà để dùng dần.

Trao đổi hàng hóa

Trước đây, người mường chủ yếu sản xuất tự túc, tự. Ngày nay, các hoạt động mua bán khá sôi động tại các chợ nông thôn ngày càng nhiều. Trong các ngày chợ, đồng bào bán các loại vật nuôi và nông, lâm sản (trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngô, khoai, sắn, thổ cẩm, măng khô, mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, quế…); mua các loại nhu yếu phẩm như muối, dầu thắp, kim khâu, sách vở, giấy bút mực cho trẻ em đi học; mua các loại nông cụ: cuốc, cày, thuổng, xẻng, dao, búa…

Văn hóa mặc

Trang phục nam giới Mường gồm: áo ngắn, áo chùng, quần, thắt lưng và khăn. Áo cánh ngắn được may từ vải bông hoặc vải tơ tằm, vạt dài, hai bên hông áo xẻ tà. Có hai kiểu thiết kế khuy cài: cài trước ngực hoặc cài chéo sang bên. Quần chân què, may rộng, dài trùng tới mắt cá chân, cạp lá tọa, khi mặc dùng dây vải buộc ngoài cho chặt.Trong lễ hội, nam giới mặc áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn màu tím than, khoác đôi áo chúng đen dài tới gối, cài cúc bên nách và sườn phải.

Trang phục cổ truyền của phụ nữ Mường gồm có khăn, áo cóm, váy ống, thắt lưng, xà tích, vòng cổ, phần cạp váy  trang trí nhiều hoa văn. Tuy nhiên ở mỗi vùng trang phục phụ nữ Mường có một số điểm khác nhau. Phụ nữ Mường ở Hoà Bình, mặc áo phủ bên ngoài cạp váy, không cài cúc, buộc thắt lưng giắt cạnh sườn, dịp lễ hội, đội khăn (tênh) màu trắng mộc, không thêu hoa văn, thắt đuôi khăn ở sau gáy; thường ngày, họ đội khăn màu nâu; phụ nữ Mường ở Phú Thọ hay xen kẽ với người Thái ở vùng Đà Bắc, Mai Châu, Hòa Bình mặc áo phủ bên ngoài cạp váy, không cài cúc, đội khăn đen, buộc thắt lưng thả tự do sau lưng; phụ nữ Mường Thanh Hoá đội khăn thổ cẩm, quấn váy trùm bên ngoài áo để phô ra phần hoa văn sặc sỡ của cạp váy, buộc giắt hai đầu thắt lưng phía hông trái. Yếm (cại yêm), trước kia, may bằng vải thô tự dệt, ngày nay chủ yếu là vải trắng công nghiệp, để mộc trắng (nếu mặc trong các dịp lễ hội), hoặc nhuộm nâu (mặc trong lao động ngoài đồng áng hoặc trên nương). Áo (cặt), may từ vải sợi bông màu xanh, trắng, nâu hay hồng, theo kiểu áo cóm ngắn, bó sát thân, cổ tròn, tứ thân, mở ngực, khi mặc không cài cúc, để phô yếm bên trong. Áo màu trắng mộc để mặc trong ngày lễ hội, còn áo màu nâu được mặc thường ngày ở nhà cũng như khi lao động trên ruộng, trên nương. Váy (wăl) may hình ống (váy kín), có hai phần rõ rệt, phần thân một màu đen, tím than, cạp váy (klôốc wăl) gồm 2 khoang, gọi là rang và cao váy, được dệt bằng sợ tơ tằm trang trí hoa văn, họa tiết độc đáo như hình con rồng, con hươu, nai, chim, đồng tiền, hình trái me, quả trám, kẻ ô vuông, kẻ luống, rích zắc, tam giác cách điệu… Đặc biệt hoa văn trên cạp váy Mường chính là hoa văn trên mặt trống đồng Đông Sơn, được được bảo lưu và truyền thụ rất nhiều đời qua hoa văn trên cạp váy Mường. Thắt lưng (tênh) của phụ nữ Mường làm bằng vải tơ tằm, nay bằng vải phin xanh lơ hay lá mạ. Khi dùng vuốt thẳng tạo thành hai lớp vải và thắt đúng giữa co trên phần “cao” của váy làm nổi rõ eo người. Khi ra khỏi nhà, thiếu nữ đeo ớp láo (dáng thon, nhỏ, đẹp), phụ nữ đeo  ớp pu dáng to, đan lóng mốt, ít chau chuốt vừa làm đồ đựng vừa để trang điểm. Phụ nữ Mường có thói quen búi tóc sau gáy và sử dụng một số đồ trang sức bằng bạc như vòng tay, vòng cổ, hoa tai. Khi đi chơi hay đi hội, chị em còn trang điểm thêm bộ xà tích bằng bạc gồm dây tết bốn cạnh, hộp ốc đào đựng vôi ăn trầu và chùm vuốt hổ bọc bạc. Khi dùng, toàn bộ xà tích được móc vào thắt lưng (tênh) từ bên hông vòng quanh eo về phía trước và giắt trước bụng. Trang phục phụ nữ Mường, tỉnh Thanh Hoá có một số điểm khác so với Hòa Bình. Đó là chiếc áo may kiểu chui đầu (pon cho) cổ, không mở cúc, màu xanh sĩ lâm, xanh thẫm hay trắng, không sử dụng yếm ngực, ma kéo váy cao quá ngực. Khăn đội đầu (khăn) thường ngày là khăn dài đen, dịp lễ hội đội khăn thêu ở 2 đầu, với các mô típ rích zắc, “thăng mun” (gai mùn), “lố neo”(hoa móc), “lố thao” (hoa sao), răng cưa, dãy núi, hoa cây bi, 4cánh, 8 cánh, hình con gà.. Khi đội, chỉ quấn 1 vòng quanh đầu rồi buộc thắt phía sau gáy, buông tự do hai đầu khăn xuống lưng áo. Váy (vằn) hình ống, thân váy có trang trí hoa văn ô vuông; cạp váy (chốc vằn) có ba phần: Rạng trên (đang) rộng 13cm, hoa văn chủ đạo là hình thoi, bao phủ sao tám cánh, ở giữa là hình đồng tiền có lỗ (lố tôống); Rang dưới(buôn) rộng 15cm gồm các băng ngang màu hồng đỏ dệt xen các mô típ: hoa móc, hình thoi; thần cao (lai) rộng 06cm dệt các sọc ngang khổ vải trên điểm các đồng tiền thủng hoặc sọc màu. Thắt lưng (tân) giống cơ bản với thắt lưng phụ nữ Mường, tỉnh Hòa Bình. Vào ngày cưới hay lễ hội, cô dâu chú rể, người đến dự đám cưới đều mặc thêm chiếc áo dài (ao chùng) cho sang trọng. Ao chùng cắt may bằng vải tơ tằm xanh hay mận chín, kiểu tứ thân, không khuy, dài 100 cm, tay dài 45 cm, phía sau áo viền thêm miếng vải trắng hình chữ U. Khi mặc, buông vạt cho mềm mại, nếu ai muốn gọn thì dùng thắt lưng.

Văn hóa ẩm thực

Nguồn lương thực chính của người Mường là gạo nếp và gạo tẻ. Trước đây, bữa cơm thường ngày, đồng bào chủ yếu ăn cơm nếp với rau xanh và có thể có cua, cá, ếch nhái. Rau xanh thu hái ở trên rừng hay trong vườn nhà; cua, cá, ếch nhái thì đánh bắt ờ ngoài suối, trên đồng ruộng.  Ngày nay, đồng bào chủ yếu ăn cơm tẻ, dù nếp hay tẻ, đồng bào đều có thói quen ngâm gạo, đồ chín bằng hơi. Thịt lợn của người Mường thường dùng lửa thui. Vì vậy khi đến với đồng bào Mường thường nghe câu “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”.  Người Mường có cách chế biến thức ăn riêng, độc đáo, phần lớn đều đem đồ. Trong đó phải kể đến các món ăn: cá rô hấp lá lồm, cá trắm ướp măng với hạt dổi, cơm trộn lá lồng màu hồng giúp bổ máu, nhất là những trường hợp sau hậu phẫu, bà mẹ sau khi sinh; Ron nấu chuối, rêu đá bọc lá chuối hấp; Phu mọc hấp (loại động vật giống con nòng nọc bắt trên rừng, cho vào bát rồi đập trứng đánh đều lên, cho vào đồ, khi nóng con Phu ngoi (mọc) lên tạo thành những chấm đen trên nền vàng của trứng. Đây là món ăn cống nạp vua chúa thời phong kiến ngày xưa được các thế hệ cha ông trong làng truyền lại, món ăn này rất hấp dẫn và bổ dưỡng); nòng nọc đồ lá khoai; nhộng ong rừng rang nước măng chua; kiến nấu lá lốt; thịt dơi nấu chuối; cá muối…Đồng bào Mường không thể thiếu rượu cần (rão tỏng) trong các lễ tết, hội hè, đám cưới, mừng nhà mới, thờ cúng, lễ tạ… Rượu cần được làm từ gạo nếp ủ với men, mà thứ men này làm từ nhiều loại cây, củ, lá tự nhiên như cây mun giã nhỏ, củ riềng, củ gừng, một ít ớt, với lá ổi trộn lẫn. Chính những hỗn hợp tự nhiên này đã làm nên vị thơm ngon của rượu cần; mun, gừng, riềng, ớt là để tạo nồng độ, lá ổi để tạo mùi thơm và chống đau bụng do đổ nước lã hoặc nước đun sôi để nguội vào vò rượu. Mỗi khi có khách quý đến chơi nhà, gia đình sẽ đóng rượu cần để mời uống. Nếu khách quý đặc biệt, cần rượu quay ra vóng. Nếu khách thân thuộc, cần rượu có thể quay vào bếp. Vừa uống rượu chủ và khách vừa trò chuyện hay vui vẻ hát đối đáp dân ca (điệu thường giang hay bọ mẹng). Mỗi cuộc rượu như vậy thường kéo dài 2-3 tiếng. Khoảng thời gian ấy đủ để gia đình chuẩn bị cơm khách cho chu đáo.

Văn hóa ở

Làng của người Mường được dựng ở chân núi, phía trước là vùng đất bằng để khai phá thành ruộng trồng lúa, phía sau là đồi núi thấp, để khai phá thành nương rẫy rồng ngô, khoai, sắn… quanh làng có những rặng tre bao bọc, trong làng còn được tô điểm bởi những hàng cau. Trong làng, có miếu thờ thổ công và trong rừng của làng thường có cây si – nơi thần linh trông coi bản cư trú. Mỗi làng của người Mường có hàng chục đến vài chục nóc nhà. Mỗi ngôi nhà ở hầu như đều có hàng rào bằng tre, nứa hoặc bằng cây xương rồng để hạn chế trộm cắp và đề phòng thú dữ làm hại.  Nhà ở truyền thống của người Mường là  nhà sàn 3 gian, 5 gian hoặc 7 gian, 4 mái. có bốn mái, hai mái lớn và hai mái nhỏ, mái nhà dốc và thấp, diềm mái che lấp một phần cửa sổ. Mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà của người Mường có độ cao khác nhau, trên cùng là gác xép để chứa nông sản, các dụng cụ dệt vải, giữa là mặt bằng sàn chính, được bố trí: gian khách, giáp cầu thang (gian gốc), gian thiêng, có một cây cột to (cột chồ) để đặt khám (bàn thờ) thờ tổ tiên. Mọi người kể cả chủ hay khách đến nhà chơi đều không được bôi nhọ, dựa lưng, gác chân, buộc đồ vật hay treo quần áo vào cột này. Phần cột dưới sàn cũng không được buộc trâu bò hay dựng, treo công cụ lao động. Phụ nữ trong nhà không được ngồi ở gian Gốc. Trong các ngày cưới, ma chay, chỉ nam giới có vai vế trong dòng họ mới được ngồi ăn uống. Tại gian này có một cửa sổ làm sát đến sàn nhà gọi là cửa “voóng”, không ai được đưa vật gì hay chui qua, chỉ dành để đưa ma ra ngoài khi gia chủ có tang ma. Đối diện với cột gốc có một để vào cum lúa đã tuốt hết hạt. Đầu cột đội một cái giỏ thủng biểu hiện cho âm tính (gọi là nường), cạnh đó, treo một đoạn tre tước xơ một đầu cho bông lên biểu hiện cho dương tính (gọi là nõ) và treo những chiếc nạ mụ để giữ vía cho các thành viên nhỏ tuổi trong gia đình. Gian thứ hai (cạnh gian gốc) dành cho nam giới ngủ nghỉ, nơi để cót thóc và làm bếp. Khuôn bếp được làm bằng gỗ cứng, có đường viền xung quanh, đáy lót bẹ chuối, rải bùn lên trên. Trước đây, nhà  người Mường có hai bếp, một để nấu nướng thức ăn, nơi phụ nữ, trẻ em trong gia đình ngồi sưởi, một nhỏ hơn đặt ở gian gốc dùng để cho đàn ông ngồi sưởi vào mùa đông và đun nước uống, tiếp khách. Về sau, người ta bỏ một bếp sưởi, nên trong nhà chỉ còn có một bếp chung cả nấu và sưởi. Gian cuối cùng là nơi dành cho phụ nữ sinh hoạt có chạn bát, để đồ dùng gia đình, nơi sửa soạn cơm nước. Gian này được ngăn với các gian khác trong nhà bởi một tấm liếp. Đây cũng là nơi người phụ nữ thay quần áo và ngủ nghỉ. Đầu hồi nhà, người Mường để một cái cối đuống và một cối tròn. Cối đuống không chỉ dùng để giã thóc gạo mà còn là phương tiện để gia đình báo nhà có việc lớn như đám cưới mà tang ma. Bên cạnh đó, cối đuống còn là một nhạc cụ sử dụng để gõ “đâm đuống” những bản nhạc vui trong ngày lễ tết, hội hè với những bản đuống rộn ràng âm vang. Dưới sàn nhà ở là nơi để cối giã gạo, các công cụ sản xuất như cày, bừa, cuốc xẻng, các đồ đan, nhưng cũng có nơi làm cả chuồng nhốt gia súc như chuồng trâu, chuồng bò, chuồng lợn và làm chuồng nhổt gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng. Ngày nay, chuồng trại chăn nuôi đã tách ra khỏi nhà, các ngôi nhà sàn cũng dần thay thế bằng nhà xây hiện đại.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Đồng bào Mường có một số dòng họ có uy tín do nắm quyền cai trị trong bộ máy hành chính, đó là các họ Đinh, Quách, Bạch, Hà, Hoàng, Xá. Đây là những họ của những người nằm trong hệ thống nhà Lang. Họ của dân, thường là họ Bùi. Nhiều người lấy họ Bùi, nhưng không hề có quan hệ anh em với nhau. Trong đồng bào Mường, một số dòng họ có kiêng kỵ, không được ăn, không được sát hại một số con vật và cây nhất định (họ Quách kiêng ăn thịt chọ, họ Đinh kiêng ăn thịt khỉ…). Gia đình Mường là gia đình phụ hệ, thường có 2 thế hệ sinh sống là cha mẹ và con cái. Con lấy họ cha. Người cha có quyền quyết định mọi công việc; người con trai có quyền thừa kế tài sảnvà có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Trong gia đình người Mường có quan hệ giữa anh trai cả và em trai út rất độc đáo, người anh cả nhận em út làm con và có trách nhiệm với em út trong mọi mặt đời sống. Đặc biệt, trong xã hội cổ truyền của người Mường còn xảy ra hiện tượng, khi một gia đình có cha mẹ qua đời  mà không có con trai thừa kế tài sản, thì tài sản đó có thể bị thu lụt – tức là bị lang đạo thu hết, con gái không được giữ hay thừa kế tài sản của cha mẹ để lại. Từ lâu, tập tục này không còn nữa.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Người Mường thực hiện hôn nhân ngoại hôn dòng tộc. Phong tục, nghiêm cấm dòng họ trong  5 đời lấy nhau, họ coi đó là phạm tội loạn luân, họ hàng, làng xóm lên án nặng nề. Hôn nhân một vợ, một chồng bền vững. Sau lễ cưới, người vợ sang cư trú bên nhà chồng. Có tục ở rể một năm, nhưng trong thời gian đó không được chung chăn gối. Con cái lớn lên được quyền yêu đương, nhưng quyền quyết định cuối cùng thuộc về cha mẹ. Tục lệ cưới xin của người Mường có một số nét độc đáo như: ông bà mối trong đám cưới là người trung gian không thuộc họ hàng bên nào; khi đón rể, đón dâu đều có tục ném củ ráy rừng, củ chuối trộn lẫn tro bếp ném vào quần áo đẹp của nhà trai và nhà gái với mong muốn cuộc sống của đôi tân hôn phải chịu đựng gian khổ, để có hạnh phúc trong cuộc đời, sau này sinh con không mụn nhọt. Khi đón dâu về đến nhà chú rể, thì chú rể, cô dâu phải làm thủ tục lòn lau lót láo (chui qua cổng có hai ngọn lau chụm lại, lót nứa ở dưới) để cầu đôi trẻ sau này làm ăn mát mẻ. Xong lễ cưới, phù dâu tiếp tục ở lại nhà trai ba ngày, vợ chồng chưa được chung chăn gối. Một bà lớn tuổi bên cô dâu ở lại để trông đèn, không cho ngọn đèn tắt trong ba đêm liên tục. Nếu để đèn tắt là điềm báo sự bất hạnh, chia lìa. Khi người vợ sắp sinh con, người chồng phải chuẩn bị nhiều củi, làm một bếp riêng ở gian trong và quây phên nứa thành một buồng kín cho vợ đẻ. Khi sinh, bà đỡ cắt rốn cho đứa trẻ bằng dao nứa lấy từ đầu chiếc dui trên mái nhà. Nếu là con trai thì dùng dao nứa mái nhà trước, nếu là con gái thì dùng dao nứa mái nhà sau. Cuống rốn của các con trong gia đình được đựng chung trong một ống nứa, họ tin rằng làm như thế lớn lên anh em sẽ thương yêu nhau.Trẻ sơ sinh nếu là trai thì được âu yếm gọi là lọ mạ (thóc giống), nếu là gái thì lại trìu mến gọi là cách tắc (rau cỏ). Thường thì trẻ khoảng 1 tuổi mới được đặt tên gọi chính thức.

Tập tục tang ma

Xuất phát từ quan niệm người sống có xác, có hồn. Người ta khi còn sống có 90 vía, khi chết các vía biến thành hồn. Khi chết là chết phần xác, còn phần hồn vẫn tồn tại và sẽ sống ở thế giới bên kia. Khi có người ốm, người mường làm lễ kéo si để gọi vía lạc về với chủ. Họ quan niệm, khi con người sinh ra thì cũng là lúc cây si mọc lên xanh tốt, người chết thì cây si đó cũng chết theo, nên phải làm lễ kéo si là để cúng vía cho người ốm mau khỏi bệnh. Khi người chết không qua khỏi, họ làm tang ma cho người chết là để báo hiếu và tiễn linh hồn người chết sang thể giới bên kia. Sau khi báo tang, mời thày cúng, con trai trưởng cầm đao, nín thở, chặt ba nhát vào khung cửa sổ voóng, rồi nổi chiêng phát tang. Tang lễ do thầy mo chủ trì, thực hiện các nghi thức: khâm liệm  (bằng nhiều lớp vải, quần áo), nhập quan (quan tài bằng thân cây khoét rỗng, bên ngoài phủ áo vẩy rồng bằng vải); phát tang (con trai cả mặc quần áo tang, chống gậy tre (nếu tra chết), chống gậy gỗ (nếu mẹ mất). Quan tài được quàn trong nhà, người ta treo quần áo các con trai, con gái trên cây sào, bắc trên quan tài, dọc theo chiều dài của quan tài. Hàng ngày, ngoài việc tế lễ, dâng cơm, các cô dâu ngồi cạnh quan tài để quạt ma – quạt trực tiếp vào quan tài cho hồn người chết được mát mẻ. Tế quạt ma là một nghi lễ độc đáo trong đám ma người Mường. Khi tế quạt ma, những người là dâu trong nhà trong họ của người quá cố phải mặc bộ đồ quạt ma rất đẹp, gồm: váy đen, cạp mới, áo ngắn, áo chùng trắng, yếm đỏ, hai tay đeo vòng hạt cườm, tay phải cầm quạt cọ múa, tay trái cầm que gậy, đầu đội mũ quạt trong trí tua hạt cườm; phía trước đặt một chiếc ghế mây. Sau khi chôn cất, lấp huyệt, đắp mộ, người mường lấy 4 viên đá to đẹp để dánh dấu mộ ở vị trí đầu, cuối và 2 bên, nhằm đánh dấu vị trí mồ mả, tránh mất dấu sau này.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Đồng bào Mường tin vào đa thần giáo, vạn vật hữu linh, mọi. Các thần linh có khả năng tác động tốt hoặc xấu đến cuộc sống con người, nên phải thờ cúng. Trong các làng đều có miếu thờ thổ công, một số làng có đình thờ thành hoàng làng, có chùa thờ Phật (bụt) và thánh Tản Viên. Mọi gia đình đều thờ cúng tổ tiên. Trước đây, trong vùng người Mường có một số nhà thờ Thiên chúa giáo, nhưng nhìn chung ảnh hưởng của các tôn giáo lớn đối với người Mường không nhiều. Khi có việc người dân vẫn chỉ tìm đến thầy cúng. Thầy cúng là người đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các nghi lễ của người Mường. Khi làm lễ, thầy cúng thường đọc các bài tế, còn gọi là bài Mo. Mo Mường có nhiều loại: Mo tlêu (tác phẩm Đẻ đất đẻ nước) như một bản sử thi thuật lại lịch sử về sự tiến hóa của nhân loại từ khi có đất trời; Mo vái (mo lên trời) tường thuật về cõi sống và cõi thiêng với những huyền thoại ly kỳ. Trong đám tang, thầy cúng thường đọc các bài Mo tlêu, Mo vái để dẫn dắt người chết vào cõi siêu trần, về mường trời thanh thản. Ngoài ra, người Mường còn Mo cho người sống trong buổi mừng lên lão, mừng đám cưới, cơm mới…

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Trong nghệ thuật dân gian của người Mường nổi tiếng nhất là nhạc cụ. Người Mường có nhiều loại nhạc cụ như: sáo, nhị, trống, khèn bè, cồng… Trong đó, trống và cồng đồng là những nhạc cụ đặc sắc nhất của người Mường, với nhiều cỡ to nhỏ, tạo ra những âm thanh trầm bổng khác nhau. Người đánh cồng thường là chị em phụ nữ. Tiếng cồng vang lên trong các dịp lễ tết, hội hè luôn làm cho những tâm hồn được thức tỉnh, nhưng đồng thời cũng như những hiệu lệnh “giữ nhịp” cho cuộc vui. Người Mường cũng có nhiều loại hình múa dân gian sinh động như: biểu diễn đánh trống đồng, được cách điệu như là điệu múa, với nhiều người tham gia và có sự kết hợp nhịp điệu để tạo ra một âm thanh trầm bổng mà hùng tráng của trống đồng; múa cờ, hình thức múa tế lễ, diễn ra ở nhà lang. Tham gia múa cờ là những người nhận ruộng của nhà lang, khi nhà lang có người chết phải đến phục dịch tang lễ; Múa quạt ma, được tiến hành khi nhà có tang, từ khi xảy ra đám tang cho đến lúc đưa người chết về nơi yên nghỉ. Tham gia múa quạt mà là tất cả các con dâu trong gia đình người chết. Mục đích của múa này nhằm tỏ lòng thương tiếc và yêu quý người đã chết.Trong nghệ thuật Mường còn có hình thức “đâm đuống” trong các dịp vui hội hè rất đặc trưng. Người ta đâm đuông. Đồng bào vừa đâm đuống, vừa gõ chày vào nhau tạo ra âm thanh khá ấn tượng…

Trong 4 loại hình hát dân ca (rang – giao duyen, ru ún, giáo bùa, mỡi), thì ru ún là loại hát ru con, hấp dẫn, đặc sắc, đậm chất thi ca và rất phổ biến nhất của người Mường. “Ru ún” vào các thời điểm ban ngày, ban đêm và hát thường có đôi chút khác nhau, nhưng người hát đều mượn lời trong ca dao để giãi bày ý nghĩ, tình cảm của mẹ nặng trĩu yêu thương dành cho con trẻ, dành cho hạnh phúc gia đình. Mượn hát ru để mọi người thấy nỗi lo toan cũng như điều khát vọng thầm lặng của mình. Tiết mục hát dân ca dân tộc Mường “Ru ún” do nghệ nhân Ma Thị Nhơn, dân tộc Mường, tỉnh Hà Tây sưu tầm và biểu diễn.

Hát múa “ngày hội xứ Mường” tái hiện cảnh đánh trống, khua luống, tấu cồng của người Mường trong các dịp lễ hội cộng đồng như hội mùa, hội xuân, kéo si… Hát múa “Ngày hội xứ Mường” sáng tác Ngô Minh Toán, biên đạo múa Lý Huyền Trân do tốp nam nữ dân tộc Mường, tỉnh Phú Thọ biểu diễn.

Tết, lễ hội cộng đồng

người Mường có các lễ hội: hát sắc bùa, đoọc moong, khai hạ, Pồn pông. Ngoài ra, đồng bào Mường có nhiều ngày hội quanh năm: Hội xuống đồng (Khung mùa), hội cầu mưa (tháng 4), lễ rửa lá lúa (tháng7, 8 âm lịch) lễ cơm mới… Trong đó, tết năm mới, là dịp để người Mường nghỉ ngơi, cúng tổ tiên, đi chúc tụng nhau, đến nhà nào, họ đều có câu chúc nhau: “Đầu xuân năm mới, chục cho ông mú và phơ thôn năm nay phạt tát châu có hơn năm hơ” (Đầu xuân năm mới, chúc cho ông bà và gia đình năm nay phát đạt, giầu có hơn năm cũ). Ngoài ra, các tộc họ và các bản Mường đều thành lập một phường bùa, đến các gia đình trong bản đánh cồng và hát sắc bùa. Đoàn cồng chiêng sắc bùa khoảng 10 -12 người đi hát chúc tết các gia đình trong làng. Phường bùa vừa đi vừa tấu cồng chiêng vừa hát, rong ruổi hết nhà này sang nhà khác, theo lời hát của phường bùa, nhịp điệu cồng chiêng ngân nga, lắng đọng trong suốt cả dịp tết. Đến nhà nào, đoàn đứng dưới chân cầu thang, đánh vào cồng và hát chúc gia đình sức khỏe, làm ăn may mắn, mùa màng bội thu… Chủ nhà cũng hát lại những lời chúc đầy tình cảm, mời đoàn ăn uống hoặc tặng gạo, tiền. Những gia đình có phường bùa vào hát được coi là may mắn trong năm. Lễ hội Đoọc moong: là lễ khai sơn – mở cửa rừng, được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng hàng năm. Sau lễ này, người dân mới được vào rừng hái lượm, săn bắt thú rừng. Để chuẩn bị cho lễ hội này, người dân làng quy định với nhau về một khu rừng cấm không ai được vào rừng đó hái lượm, săn bắn trong năm, để thu hút những con thú bốn chân có thể về trú ngụ bình yên tại khu rừng đó. Trong lễ hội này, sau nghi lễ cúng rừng, mọi người đánh cồng, reo hò, leo núi, uống rượu cần, thi tài bắn nỏ, bắn súng, đâm giáo…Lễ khai hạ được tổ chức vào ngày 7 tháng tư theo lịch Mường, tức ngày 8 tháng giêng âm lịch trên khu ruộng rộng trước khi bắt đầu mùa sản xuất mới trong năm, để dâng lễ vật lên cúng xin Thánh Tản Viên và Thành hoàng làng, cầu xin mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc, mùa màng bội thu. Sau lễ khai hạ, người làng mới được ra làm việc đồng áng, người có vai vế khá giả ra đồng trước, dân làng theo sau. Sau phần lễ, phần hội được mở đầu bằng việc biểu diễn của dàn cồng 360 chiếc, tiếp đó là các trò diễn múa kiếm, đi cà kheo, đánh cù, ném còn, đu dây, kéo co, đánh vật. Ngoài trò diễn còn có các cuộc thi: hát dân ca, hát đúm hàng đang, bọ mẹng; thi nấu ăn: cá nướng, cá đồ, ếch hầm, nộm cua.

Lễ hội Pôồn Pôông, có nghĩa là lễ hội chơi hoa, mừng hoa của dân tộc Mường , tỉnh Thanh Hóa . Lễ hội là hình thức diễn xướng dân gian, cùng nghi lễ cúng thần linh và giao duyên của trai gái. Pôồn Pôông thường được tổ chức trong các dịp lễ hội rằm tháng giêng, tháng 3, tháng 7 hay lễ mừng cơm mới, để cầu chúc cho mối tình chung thủy của nàng Nga – hai mối, nàng Ờm – Bồng Hương và cũng là dịp mời họ về Mường chung vui cùng các nam thanh, nữ tú. Chủ lễ hội là Ậu Máy và các nhân vật: Enh chàng – Bông danh, nàng Choóng long – Đồng thiếp, Nàng Quắc – cô nàng lắm lý lẽ hay vẽ công, vẽ việc. Cây bông là trung tâm của lễ hội, là biểu tượng của vũ trụ, bao gồm chùm hoa đủ sắc, tượng trưng cho nông cụ sản xuất, vật nuôi, thức ăn, cá, tôm… Dưới gốc cây bông, Enh Chàng – Bông Danh cùng nàng Chóng Long – Đồng Thiếp ngồi đối xứng với nhau, trùm khăn đỏ, khăn xanh, soi gương và hát. Nét đặc sắc trong lễ hội là Ậu Máy vừa diễn vừa kể lại giai thoại bằng lời Mường cổ, báo cáo với thần về cuộc sống bản mường, dâng cúng thần món xôi nếp mới, cầu xin thần tiếp tục phù hộ cho dân bản Mường khỏe mạnh, may mắn; ôn lại quá trình sinh ra trời đất, khai lập bản Mường, chia đất, chia nước, dựng nhà, săn đuổi thú dữ, trồng trỉa lương thực, chọi gà, chọi trâu, đấu vật, đánh cá, múa bông, bói bông, làm cơm mời mường, ăn cơm ram, uống rượu cần… Ậu Máy phải kể đúng, nếu kể sai sẽ bị thần linh phạt, năm sau không được tham gia trẩy hội cùng dân làng. Ngoài diễn Pôồn Pôông, người Mường còn biểu diễn các tiết mục: Kin chiêng boóc mạy (cầu mùa), múa rùa, múa bát, múa chuông… Kết thúc pôồn pôông, trai gái xin Ậu Máy một cành bông mang về cầu may. Ậu Máy sẵn lòng cho hết cây bông, chỉ giữ lại một cành đặt lên bàn thờ, đánh dấu mùa pôồn pôông kết thúc. Trai gái tham gia đối đáp với Ậu Máy vừa thể hiện nghi lễ, vừa biểu đạt tình cảm nam nữ…

Lễ Hạ nêu (còn gọi là lễ Khai hạ), là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của đồng bào Mường trong một năm. Phần lễ diễn ra ngay tại đình làng, do ông chủ đình chủ trì tế lễ, cúng thành hoàng, bản thổ của làng theo phong tục truyền thống dân tộc, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng được bình an, mạnh khỏe, có một năm mới tốt đẹp. Sau đó, chủ đình thay mặt toàn thể dân làng thực hiện các nghi lễ cầu mùa, cúng tế các vị thần nông, cầu xin một vụ mùa bội thu, mưa thuận gió hòa, nước vào đầy ruộng, mọi vật sinh sôi, người người khỏe mạnh, xóm làng bình yên no ấm… Phần hội bắt đầu bằng nghi thức chủ đình ném trái còn đầu tiên, sau đó mọi người liền hào hứng tham gia ném còn, tổ chức các trò chơi dân gian đã lưu giữ trong cộng đồng từ lâu đời. Trích đoạn lễ Hạ Nêu của dân tộc Mường tỉnh Đắk Lắk, do đoàn nghệ nhân, nghệ thuật dân tộc Mường, tỉnh Đắk Lắk biểu diễn.

Tri thức dân gian

Lịch cổ truyền người Mường gọi là sách đoi làm bằng 12 thẻ tre tương ứng với 12 tháng. Trên mỗi thẻ có khắc ký hiệu khác nhau để biết tính toán, xem ngày, giờ tốt xấu cho khởi sự công việc.

Trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian mang tính phổ biến trong trẻ em Mường là trò đỗ lá. Ngoài ra còn có các trò chơi khác như: thi bắn nỏ, đánh đu, ném còn…