Việt

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Việt (Kinh) có dân số 73.594.472 người (năm 2009).
Địa bàn cư trú: Cư trú ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
Tên gọi: Việt (Kinh)
Ngôn ngữ: Dân tộc Kinh thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (ngữ hệ Nam Á)

Sản xuất nông nghiệp

Người Kinh từ Bắc vào Nam gắn bó với nghề trồng lúa nước từ lâu đời. Trải qua quá trình phát triển, tùy thuộc vào địa hình, thủy văn, thổ nhưỡng mà mỗi vùng, miền có kỹ thuật canh tác khác nhau. Cư dân ở các làng quê Bắc bộ, Trung bộ từ thời nhà Lý đã có kinh nghiệm đắp những con đê dài hàng ngàn kilômét để chống lũ, tiếp tục mở rộng hệ thống kênh đào, mương máng tưới tiêu… từ thế kỉ XV đến nay. Kỹ thuật canh tác lúa nước ở đồng bằng Bắc và Trung bộ chủ yếu dùng cày, bừa làm đất và thực hiện theo quy trình: gieo mạ, nhổ mạ, cấy lúa, chăm bón, thu hoạch. Ở đồng bằng Nam bộ, do ảnh hưởng của thủy triều, đồng ruộng dễ bị xâm nhập mặn, nên đồng bào đã sáng tạo hệ thống thủy lợi kênh, cống ngăn mặn, lấy ngọt và tiêu úng để phục vụ sản xuất. Trên những cánh đồng phù sa màu mỡ, đồng bào cũng cày bừa làm đất, nhưng chủ yếu gieo sạ lúa, cây lúa không cần chăm bón cũng cho năng suất cao. Đặc biệt, ở Nam bộ còn có giống lúa nổi có thể cao đến 7 mét sống lênh đênh theo con nước. Hiện nay, có nhiều giống lúa mới được cấy trên cả 3 vùng đồng bằng, mang lại năng suất cao. Bên cạnh đó là các loại máy hiện đại (máy cấy, gặt đập, suốt lúa, chế biến lúa gạo) đã được đưa vào các khâu sản xuất, đưa nước ta trở thành nước đứng thứ 5 trong 10 quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới với tổng sản lượng 38,725 triệu tấn/năm. Tính đến tháng 6 năm 2018, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 3,57 triệu tấn, tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài cây lúa, các địa phương cả nước còn trồng chuyên canh, đa canh nhiều loại cây: lương thực, gồm ngô, khoai, sắn… chủ yếu để làm thức ăn chăn nuôi; hoa màu, rau và cây gia vị theo mùa vụ, gồm các loại: đỗ, cải xanhrau diếpcải xoongkhoai tây, dưa chuột, cà tím, đậu xanh, cà chua, bí xanh, tỏi, gừng, bầu, bí, đậu Hà lan, súp lơ, cải xanh…bắp cảicải xoăntỏi tây, các loại rau cải, rau diếphành tây… Các loại cây ăn quả cũng được chuyên canh theo vùng, miền và mùa vụ, gồm: đào, mận, táo, cam, quýt, bưởi, vải, nhãn, na, chuối, mít, chôm chôm, sầu riêng, xoài, mãng cầu… Nhiều vùng, đồng bào còn trồng chuyên canh các loại cây công nghiệp như: bông, dâu (nuôi tằm), chè, cao su, tiêu, cà phê, lạc, vừng, mía. Việc phát triển nhiều loại cây đã tạo cơ hội cho nhiều ngành nghề: mía đường (Thanh Hóa), dệt lụa (Hà Đông), chế biến chè (Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng), nhà máy đóng hộp và chế biến…phát triển.

Người Kinh ở các tỉnh thành đều phát triển chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm: trâu, bò, ngựa, dê, lợn, chó, gà, vịt, ngan, ngỗng… để lấy sức kéo, phân bón, phục vụ nhu cầu cuộc sống và bán lấy tiền. Hầu hết các gia đình đều có ao thả cá, một số hộ có ao lớn nuôi cá giống và nuôi cá bán. Cư dân ven sông, biển còn nuôi trồng thủy hải sản (tôm, cá, ngao, cua, cua, trai, ốc…) . Ngày nay, chủng loại vật nuôi ngày càng đa dạng, nhiều nhà nuôi chăn, rắn, ba ba, ếch, chim, thú…vừa nhỏ lẻ theo hộ gia đình, vừa phát triển trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thú rừng với số lượng lớn cung cấp nguồn thực phẩm rộng rãi cho thị trường trong nước, quốc tế.

Kinh tế tự nhiên

Do sinh sống ở khắp các vùng miền trong cả nước, nên đồng bào khai thác sản vật ở cả trên rừng và dưới biển. Trên rừng có nguồn lâm, thổ sản rất lớn như: gỗ, mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, măng, rau, củ, quả và các loại cây dược liệu… Nay diện tích đất rừng bị thu hẹp, nhà nước cấm cửa rừng, đây đó chỉ còn hiện tượng khai thác trộm. Cư dân ven sông, biển vẫn duy trì, phát triển đánh bắt thủy hải sản ở sông, biển như: cua, cá, tôm, mực, hải sâm, sò huyết, ngọc trai…Phương tiện truyền thống đánh bắt ở sông, suối ao hồ gồm: đơm, đó, dậm, riu, chài, lưới, vó… Đặc biệt, cư dân ven biển không chỉ đánh bắt gần bờ mà trang bị nhiều ngư cụ hiện đại, tàu có công suất lớn, ra-đa, hầm bảo quản, máy dò ngang sử dụng sóng siêu âm để dò tìm đàn cá, lưới vây, đăng lưới, te, chài, câu …để đánh bắt xa bờ. Họ lấy việc đánh bắt thủy hải sản làm nghề chính. Nhờ đó, hệ thống phân phối và chế biến thủy hải sản cũng phát triển, cùng với thủy hải sản nuôi trồng được, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm cho thị trường trong nước.

Nghề thủ công

Nghề thủ công của người Kinh có truyền thống từ lâu đời. Cho đến nay, dấu ấn nhiều làng nghề truyền thống vẫn hiện hữu như khu phố cổ Hà Nội với 36 phố phường, tên mỗi phố thường bắt đầu từ chữ “Hàng” chỉ nơi buôn bán một loại sản phẩm của ngành nghề thủ công truyền thống, như: Hàng Mành, Hàng Mã, Hàng Mây, Hàng Nón, Hàng Quạt, Hàng Giầy, Hàng Bạc…Một số nơi như phố Hàng Bạc vẫn sản xuất, chế tác vàng bạc; phố Hàng Thiếc vẫn làm đồ gò, hàn thiếc; phố Hàng Đồng vẫn duy trì nghề chạm khắc đồng…Một số nghề thủ công phát triển trên địa bàn cả nước phải kể đến, gồm: gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), gốm Phù Lãng, bạc vàng Định Công, đúc đồng Ngũ Xá, chạm gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Kim Bồng (Hội An, Quảng Nam), chạm khắc đá Non Nước (Đà Nẵng), lụa (Vạn Phúc), tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), dệt thổ cẩm Châu Giang (An Giang), chiếu Nga Sơn (Thanh Hóa), dệt Nam Định, nón Bình Định, nón Huế … Mỗi làng nghề có bí quyết riêng, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Bởi vậy, hàng trăm năm qua, đến nay nhiều nghề thủ công như dệt, nhuộm đã mai một, nhưng một số nghề truyền thống không những được duy trì mà còn rất phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, mẫu mã, là mặt hàng được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Phương thức vận chuyển

Phương tiện vận chuyển của người Kinh rất phong phú cả đường thủy đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Trước kia, đường bộ có: quang gánh, gánh cặp, đòn gánh, đòn sóc, đòn càn…); vác, khiêng (bao tải, đòn khiêng); cáng, đội, đeo (bị, thúng, tay nải…); cõng (ba lô, bao tải…). Thồ, chở bằng các loại xe: xe đạp, xe kéo, xe đẩy, xe ngựa, xe trâu, xe bò… Ngày nay, có rất nhiều loại ô tô là phương tiện vận chuyển nhanh chóng và tiện lợi. Đường thuỷ có: thuyền, bè, xuồng, tàu… Mỗi loại có nhiều kiểu dáng, to nhỏ, vật liệu chế tác và trang thiết bị khác nhau để phục vụ cho vận chuyển một cách hiệu quả nhất. Đường sắt có tàu hỏa là phương tiện vận chuyển được số hàng hóa lớn. Đường hàng không là phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa nhanh, tiết kiệm được thời gian.

Đóng thuyền chã tôm (một loại thuyền buồm bằng gỗ, loại nhỏ đa năng, chạy trên sông, biển) là một trong những nghề thủ công truyền thống của cư dân đảo Hà Nam, thị xã Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Thuyền chã tôm đánh bắt thủy hải sản là công cụ chủ yếu bám biển từ lâu đời của người dân Yên Hưng. Khi đóng thuyền chã tôm, người thợ phải tuân thủ những nguyên tắc tỷ lệ về chiều dài, rộng, cao, độ bền của phương tiện, thích nghi với con nước thủy triều, sức gió và tốc độ, đủ sức đối phó với sóng to, gió lớn, tiện cho việc khai thác thủy hải sản đạt năng xuất cao. Để làm được một con thuyền tốt, đầu tiên chọn ngày đẹp làm lễ phạt mộc. Người thợ cả chọn con ván giữa thuyền từ tấm gỗ gỗ táu, hoặc săng lẻ thẳng không có mấu, không sâu, không khoáy. Nếu có khoáy hầu, con tàu, thuyền đó sẽ phản chủ, khó điều khiển con thuyền. Chọn ván giữa xong, họ mới ghép ván lườn đáy, uốn đáy lườn, chia khoang thuyền, làm mũi, làm khoang lái, làm boong, cột buồm cánh buồm, dương buồm.v.v.. Làm xong thuyền, phải chít các chỗ ghép giữa các ván gỗ bằng vỏ xơ dừa xé nhỏ, đóng và dùng dao cạo từ cây tre thành bột mịn, trộn với bột hỗn hợp vỏ hà, vỏ hàu lấy từ sông Chanh. Khi hoàn thành con thuyền, ngư dân đảo Hà Nam phải chọn ngày tốt để làm lễ hạ thủy, dâng lễ bái tạ thần linh thủy thần chứng giám, cầu cho con thuyền trở về với sông nước biển khơi, vượt qua sông dài, biển rộng.

Trao đổi hàng hóa

Trong lịch sử, vùng cư trú của người Kinh đã có những cơ sở buôn bán nổi tiếng, đi vào câu ca dân gian: thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến (Hưng Yên ngày nay). Những cảng buôn bán từ thời Trần ở Vân Đồn (Quảng Ninh), từ thời Nguyễn cảng biển Hội An (Quảng Nam) còn giữ lại nhiều di tích đô thị cổ: phố cổ Hội An, chùa cổ Trung Quốc, Nhật Bản. Nghề buôn bán phát triển nhất là ở miền Nam, gắn với địa danh Sài Gòn – Chợ Lớn, Cần Thơ, Châu Đốc… Hàng chục thế kỷ qua, việc buôn bán đã thông thương không chỉ ở trong nước mà đã mở rộng với nước ngoài. Mặt hàng buôn bán phổ biến là: nông sản, thủ công, đặc biệt có các  mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài như: vải, gốm sứ, kim hoàn, thủ công mỹ nghệ…

Hiện nay, hình thành chợ khắp mọi nơi: chợ làng, chợ xã, chợ huyện, chợ tỉnh. Bên cạnh đó là các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại phát triển rất nhiều, nhất là ở thành thị. Thậm chí, việc trao đổi mua bán còn diễn ra trên mạng internet được đông đảo người tham gia, có nhiều sự lựa chọn và không mất thời gian đi mua hàng.

Văn hóa mặc

Người Kinh ở mỗi vùng miền có cách ăn mặc riêng. Cổ truyền, nam giới ở Bắc bộ thường ngày mặc áo cánh xẻ ngực, quần chân què, cạp lá toạ, màu nâu sồng, đi chân đất, đội nón hoặc mũ lá, dịp lễ hội mặc quần trắng, áo the, đội khăn xếp, chân đi guốc gỗ. Nam giới ở Nam bộ mặc y phục về kiểu dáng tương tự như nam giới ở Bắc bộ, nhưng màu sắc chủ yếu thiên về màu đen. Ngày nay, ở cả hai miền, nam giới mặc cơ bản như nhau: áo sơ mi, quần tây, đi giày hoặc dép da, mùa đông mặc áo com lê, áo khoác may sẵn. Truyền thống, phụ nữ Bắc bộ thường vấn tóc đuôi gà, chít khăn mỏ quạ, mặc yếm cổ xây màu hồng hay màu trắng, mặc áo cánh ngắn màu nâu gụ, cổ tròn, mở tà, không cài cúc, để hở yếm bên trong; dịp dịp tết, lễ hội, chị em mặc áo dài mớ ba, mớ bảy; mặc váy, đội nón ba tầm, nón thúng quai thao. Phụ nữ Nam bộ chủ yếu mặc bộ bà ba đen, chiếc khăn rằn ri quàng trên vai, để đầu trần. Áo dài truyền thống phổ biến ở cả hai miền và được cách tân cho phù hợp và tiện lợi khi mặc. Ngày nay, nữ giới chủ yếu mặc áo sơ mi, quần tây hay váy, giày, dép cao gót. Đặc biệt, có nhiều loại thời trang được thiết kế đa dạng, theo cả kiểu dáng trong nước và quốc tế. Trang sức phổ biến của nữ giới là: hoa tai, khuyên tai, nhẫn, vòng tay… được chế tác từ nhiều chất liệu: vàng, bạc, đá, các kim loại quý.

Văn hóa ẩm thực

Nguồn lương thực chính là gạo tẻ, nấu thành cơm, nấu cháo, làm bún, bánh tẻ, bánh đúc, bánh khoai, bánh cuốn, bánh tôm, bánh xèo… Gạo nếp chỉ đồ xôi, nấu chè kho, làm bánh (chưng, rợm, rán, dầy, bỏng…) trong các dịp lễ tết, cưới xin, ma chay, cúng bái, giỗ chạp. Từ gạo tẻ, người Kinh. Nguồn thực phẩm của người Kinh rất đa dạng, gồm: rau muống, rau cải, rau đay, mồng tơi, cà, bầu bí, đậu đỗ …; các loại thịt gia súc, gia cầm; các loại thủy hải sản. Cách chế biến lương thực ở cả ba cơ bản giống nhau, nhưng cách chế biến thực phẩm có nét khác nhau rõ rệt. Thức ăn ở miền Bắc có vị mặn đậm đà của muối; miền Trung bên cạnh vị muối còn có vị cay; miền Nam, có vị ngọt của đường. Trong bữa cơm thường ngày, thức ăn chủ yếu của người Kinh miền Bắc có rau muống muộc, cà dầm tương, ngoài ra còn có tôm, cua, cá, thịt; miền Trung có rau với mắm cá, còn miền Nam chủ yếu thủy hải sản với rau xanh. Rượu là đồ uống phổ biến trong các dịp lễ, tết, cưới xin, vào nhà mới… Rượu được chưng cất từ gạo tẻ, gạo nếp, ngô, sắn… bằng phương pháp thủ công. Thuốc lá và thuốc lào là thức hút phổ biến của nam giới. Trước đây, một số nơi, người Kinh có tục ăn trầu. Hiện nay, các món ăn, đồ uống của người Kinh vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều cách chế biến hương vị thơm ngon và hấp dẫn.

Văn hóa ở

Làng xóm của người Kinh thường lập ở những nơi bằng phẳng. Tùy từng vùng, thế đất, mà các làng phân bố khác nhau với 3 dạng thức cơ bản: làng ven sông, làng vùng đồi gò làng trên ô đất trũng. Dù có dạng thức nào, thì làng truyền thống có trật tự kỷ cương,  mỗi làng đều có cổng làng, lối ngõ với bờ tre bao bọc xóm làng. Bên trong mỗi làng đều có cổng làng, cây đa, giếng n­ước, đình làng thờ Thành Hoàng và chùa thờ Phật. Đường làng truyền thống lát gạch nghiêng, dấu ấn của tục cheo xưa. Mỗi khi lấy chồng, con gái phải nộp một khoản tiền cheo hoặc một số gạch nhất định để góp cho con đường làng được nối dài. Cổng làng truyền thống đư­ợc xây bằng gạch, lúc đầu cổng có vọng gác, cửa đóng then cài, để ngăn thú dữ, đạo tặc. Mọi sinh hoạt văn hoá cộng đồng đều diễn ra sau cánh cổng làng, theo lối ứng xử: “Trống làng nào làng nấy đánh, Thánh làng nào làng nấy thờ” và “phép vua thua lệ làng”. Người dân tuân thủ lệ làng bằng h­ương ­ước. Từ giữa thế kỷ XX, quan hệ làng xóm đã mở rộng ra các làng, các vùng, cổng làng không còn là vọng gác, mà trở thành địa điểm phô diễn bản sắc địa phương. Từ thời kỳ đổi mới, làng nghề, các hợp tác xã, các doanh nghiệp đa ngành đa nghề ngày càng mở rộng, nhưng cổng làng, cây đa, giếng nước, mái đình, đường làng đã đi vào tiềm thức, trở thành biểu tượng cho mỗi xóm làng người Kinh ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và Duyên Hải.

Khuôn viên nhà ở truyền thống của người Kinh thường bố trí theo 4 kiểu: kiểu chữ I (gồm 1 nhà chính, 2 nhà phụ 2 bên ôm lấy các sân ở giữa; kiểu chữ công (gồm 1 nhà giữa nối 2 nhà trước và sau, còn gọi là ống muống); kiểu chữ nhị và chữ tam (gồm 2 hoặc 3 nhà xếp song song nhau); kiểu thước thợ khá phổ biến (gồm các nhà xếp theo chữ L), bao khuôn viên có hàng rào bằng lũy tre hay xây gạch, cổng tiền hoặc cổng hậu (mở lệch về một bên, không được nhìn thẳng vào gian giữa). Cổng làm bằng gạch, gỗ (nhà giàu), bằng tre  kiểu cổng chống hay cổng khung (nhà nghèo)

Những năm 80 trở về trước, nhà trung lưu thường xây bằng gạch, nhà nghèo thường trát vách hay trình tường, mái lợp rạ. Kết cấu nhà của của người Kinh có nhiều kiểu, với nhiều loại vì kèo (kèo Vinh, kèo Hương Khê, kèo Tĩnh Gia, kèo Thanh Khê Thượng, kèo lều một mái, kèo 3 cột, quá giang kèo cầu, kèo suốt quá giang, kèo suốt giá chiêng, chồng giường giá chiêng, kèo kẻ – sau bẩy, kèo vì đục, kèo vì giữa chữ “công”, chồng “năm con” kiểu ngũ phúc. Vì kèo đục chạm khắc công phu với các mô típ “Tứ Quý” (Thông – Mai – Cúc – Trúc), hoa lá, chim muông. Các vì kèo, mộng đục, mộng thắt, con xỏ.. kết nối lá dong, đầu bẩy, xà thượng, xà nách… khăng khít, con chồng, thớt đấu cân đối, vuông vắn, rui mè phẳng phiu, để khi lợp ngói các mũi ngói ăn khớp với nhau. Cửa lắp ba gian kiểu bức bàn, ván bưng, trên ghép “bài bia”, chấn song con tiện. Ngoài mặt tiền có hiên kẻ chuyền, trên chạy hàng sòi (bức gỗ) chắn giọt ngói, dưới xếp cửa tre đan để chắn mưa. Cột cái bằng gỗ lim lõi to, cao và thẳng, biểu hiện cho sự trụ cột vững chắc. Người ta rất kỵ dùng loại gỗ lim xẻ vuông, bào tròn làm cột, vì loại cột không lõi, tức là không có tâm, nhà thiếu phúc. Trong nhà có thanh bắc nóc và sào mực rất quan trọng. Bắc nóc tượng trưng cho dương – trụ cột, nên phải chọn cây gỗ lim cứng, chịu lực, khoẻ, xuất phát từ quan niệm nóc có vững nhà mới bền. Cây sào mực gác trên xà đỉnh tượng trưng cho âm, gìn giữ song tồn cùng ngôi nhà, thể hiện sức khỏe, sự trường tồn. Cây bắc nóc phải chọn thầy nho hay chữ, gia cảnh song truyền, không có tang viết niên đại, đánh trực “Sinh – Lão – Mệnh – Tử – Sinh…” với ý nguyện trường tồn, thịnh vượng. Mặt bằng ngôi nhà chính: gian giữa gồm bàn thờ tổ tiên, bức đại tự (cuốn thư) và đôi câu đối nói về gia phong, giáo huấn con cháu lao động, ăn ở hiếu, nghĩa, nhân, bên dưới kê sập gụ, tủ chè. Hai gian bên làm nơi tiếp khách (có án thư đọc sách, bộ tràng kỷ, bàn trà) và nơi kê giường nghỉ ngơi của nam giới, khách nam. Buồng bên trái có tủ, hòm đựng quần áo, giường ngủ của các con gái, có cửa thông ra đầu hồi, gần cửa này có cối giã gạo. Buồng bên phải vừa là kho, chứa cót thóc, vừa có giường của vợ chủ nhà. Nhà phụ có bếp và cối xay thóc, giã gạo. Tiếp theo nhà phụ có chuồng trâu bò và chuồng gà, ngoài cùng là sàn thấp để rơm rạ dự trữ thức ăn cho trâu, bò. Trước nhà phụ, tiếp giáp với sân là giếng khơi. Trước mặt nhà chính và nhà phụ có sân, vườn, ao. Trước hiên nhà có vại để hứng nước mưa. Trong vườn bao giờ cũng có cây cau, giàn trầu ở phía trước, các cây mít ở phía sau.

Những nhà nghèo chủ yếu là “nhà tranh vách đất”. Khung nhà làm bằng tre ngâm, vách buộc tre chẻ, chát đất, mái lợp rơm rạ. Nhà ở thường có ba gian, hai chái, một cửa đi lại ở gian cạnh. Bố trí trong nhà tranh cũng như nhà ngói, đều có gian thờ tổ tiên ở gian giữa, chỉ có điều bàn thờ bằng ván kê, hoặc tấm ván bắc từ tường ra cột cái, phía trước có tràng kỷ hoặc chõng tre, hai bên là chõng hoặc giường tre đơn sơ thay cho tủ chè, sập gụ. Ngày nay, chủ yếu là nhà xây mái ngói hoặc đổ bê tông, nhà cao tầng. Ở những thành phố lớn còn có khu chung cư, căn hộ biệt lập. Cách bố trí trong ngôi nhà theo kiến trúc hiện đại với đầy đủ tiện nghi.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Ðại bộ phận người Kinh sinh sống thành từng làng, 5-10 làng họp lại thành một xã. Nhiều xã cũng chỉ bao gồm một làng lớn và một số xóm độc lập mới tách ra từ làng lớn. Trong làng thường có nhiều xóm, có xóm lớn tương đương với thôn và thôn Bắc bộ gần tương tự như một ấp của Nam bộ. Người trong xóm thường có một hay vài dòng họ: Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Vũ…  Mỗi tộc họ thường có nhà thờ tổ riêng. Họ đông, lại chia ra làm nhiều chi phái và mỗi chi phái lại bao gồm nhiều nhánh. Mỗi nhánh lại bao gồm các anh em cùng bố mẹ, ông bà. Quan hệ họ nội được truyền giữ bền chắc qua nhiều đời. Anh em họ hàng, kể cả họ nội và họ ngoại đều yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Người Kinh thực hiện hôn nhân theo nguyên tắc ngoại hôn dòng tộc, nghiêm cấm họ hàng trực hệ lấy nhau. Thực hiện hôn nhân một vợ, một chồng bền vững. Mỗi gia đình gồm từ 2 đến 3 thế hệ sinh sống, theo chế độ phụ quyền, nhưng phụ nữ vẫn giữ vai trò quản lý gia đình. Theo quan niệm xưa, người ta lấy tuổi người con gái để chọn năm cưới. Năm tuổi là những năm thuộc Kim lâu: 1, 3, 6, 8 thì không được cưới. Hôn nhân xưa có 6 lễ chính: nạp thái (kén chọn), vấn danh, nạp cát, thỉnh kỳ, nạp tệ, thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới). Tuy nhiên, ngày nay, các nghi lễ đã có phần giản tiện đi rất nhiều, chỉ gồm các lễ chính: dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới, lại mặt. Lễ dạm ngõ (chạm ngõ): nhà trai mang cơi trầu, quả cau đến nhà gái đặt vấn đề cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau, trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Lễ ăn hỏi: nhà trai mang: cặp gà, trầu cau, rượu, chè, hạt mứt sen, bánh… đến nhà gái để bàn định ngày, giờ cưới, đón dâu, lễ vật cưới và thủ tục hôn lễ … Lễ cưới, gồm có nghi lễ giao đồ sính lễ vào hôm trước (gồm gà, lợn, gạo, rượu, tiền mặt hoặc vàng bạc, buồng cau, gói trầu, không thể thiếu thủ lợn nguyên tai (cắt tai là thông điệp cô gái không còn trinh tiết, không được trân trọng), xin dâu, nhập gia. Đoàn đón dâu có một số đại diện lớn tuổi, uy tín trong họ nội, ngoại nhà trai, chàng rể, phù rể và thanh niên nam, nữ. Khi tới nhà gái, trước khi vào nhà, trẻ em có tục chăng dây, đợi nhà trai cho tiền mới mở cổng cho vào. Vào nhà, đại diện nhà trai có lời xin dâu; cô dâu và chú rể thắp hương trước bàn thờ, trình với tổ tiên về lễ cưới rồi cùng đoàn đưa dâu (đại diện người cao tuổi, nam, nữ, thanh niên, phù dâu..) về nhà trai. Về đến nhà chồng, cô dâu, chú rể phải đứng trước chậu nước (trước sân), mò lấy đồng xu trong chậu, rửa chân mới vào nhà chồng. Sau lễ bái tổ tiên, lễ tơ hồng, cô dâu chú rể mời trầu, nước hai họ, đồng thời nhận lại quà mừng cưới và những lời chúc phúc từ họ hàng hai bên nội, ngoại. Nam nữ hai bên hát đối đáp, giao lưu văn nghệ. Trước đây phù dâu ngủ lại nhà trai, vài chục năm trở lại đây, tục này không còn nữa. Trải giường chiếu cho đôi trẻ cũng là nghi thức quan trọng, ảnh hưởng đến con cái, hạnh phúc của đôi trẻ, nên nhà trai thường chọn người cao tuổi, đông con nhiều cháu, phúc hậu, hiền từ. Lễ lại mặt thực hiện sau ngày cưới, nay cùng ngày cưới. Hai vợ chồng trẻ, thông gia mang lễ vật gồm gà, rượu, trầu cau về nhà bố mẹ vợ, thắp hương, ăn uống, chính thức kết nối thông gia, hai nhà như một. Ngày nay, hôn lễ có nhiều thay đổi, tuy vẫn có dạm, hỏi, cưới, nhưng nhiều lễ thức như nhập môn, tơ hồng, ngủ phù dâu, hát đối đáp không còn nữa.

Tập tục tang ma

Đám tang của người Kinh gồm nhiều nghi lễ: tắm rửa cho người chết, chọn đất, đào huyệt,  khâm liệm, nhập quan, lập bàn  vong, phục hồn, phát tang, phúng viếng, tế vong, quay cữu, tế cơm, đưa đám, hạ huyệt, rước vong về thờ và các nghi lễ sau khi chôn. Khi qua đời, người chết được tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới. Người ta bỏ một ít gạo và 3 đồng tiền vào miệng người chết để làm lương thực và lộ phí cho người chết hành trình sang cõi âm. Khâm liệm, thi hài được quấn vải trắng, rồi đặt vào trong quan tài đặt ở chính giữa, đầu quay vào bàn thờ. Trên quan tài có một bát cơm lồng, quả trứng, kẹp bằng đôi đũa bông. Thầy cúng làm lễ nhập bàn thờ vong (có bài vị và ảnh cùng tên tuổi của người chết). mời thày cúng, thợ kèn, làm lễ phát tang: Con cháu ngồi 2 bên quan tài, mặc áo tang, con trai thì quấn khăn tròn, đầu đội mũ rơm, quấn bẹ chuối, chống gậy tre, con dâu thì thắt khăn sổ mối, hai dải khăn dài ngắn khác nhau nếu bố hoặc mẹ còn sống và bằng nhau nếu bố mẹ đã mất hết; vợ để tang chồng cũng chít khăn sổ mối, một dải dài, một dải ngắn nhưng chồng để tang vợ thì chỉ quấn vòng tròn quanh đầu; cháu quấn khăn trắng quanh đầu thành vòng tròn, chắt thì khăn vàng, chút thì đội khăn đỏ. Kèn trống nổi lên, con cháu mới bắt đầu khóc và bắt đầu các lễ tế (tế của các con trai, tế họ, tế của các thông gia, con gái, làng xóm, bằng hữu…. Từ khi phát tang xong, người con trai trưởng phải luôn đứng cạnh bàn thờ vong để cảm ơn (đáp từ) những người đến phúng. Lễ tế vong thường được làm vào buổi tối do phường hiếu thực hiện. Chủ tế lần lượt tế (xôi- thịt luộc, rượu, nước) lên bàn thờ vong, mỗi lần dâng có một bài tế riêng. Đúng 12 giờ đêm, người ta tiến hành làm lễ và quay cữu (xoay chiều quan tài). Trước khi đưa đám, người ta làm lễ tế cơm để người chết ăn no để về thế giới bên kia. Đến giờ đưa tang, thầy cúng đọc văn tế, sau đó vào nhà, cầm dao chém lên mặt áo quan ba nhát (còn gọi là phạt mộc) với quan niệm để xua ma tà, ác quỷ quấy nhiễu linh hồn, lúc này nắp quan tài mới được đóng kín. Xưa kia, khi đưa tang, con cháu phải lăn đường cho quan tài khiêng đến chỗ chồng đòn, con trai trưởng phải chống gậy tre và đi xuôi (nếu là tang cha); chống gậy vông, đi giật lùi (nếu là tang mẹ) nay không còn tục lệ này). Quan tài đặt lên đòn khiêng (xưa) hoặc xe tang (nay) rồi mới úp nhà táng lên, buộc chặt, đưa ra đồng. Con trai trưởng đi song song với quan tài, các anh em con cháu khác theo thứ tự đi cùng đoàn khiêng. Trên suốt chặng đường đi người ta thổi kèn, đánh trống, đánh phèng để xua đuổi ma tà, ác quỷ.  Đến huyệt mộ, thày cúng làm lễ cúng thổ thần, con cháu thắp hương các ngôi mộ cũ xung quanh rồi mới hạ huyệt. Con trai trưởng lấp nắm đất đầu tiên, sau đó các anh em con cháu, họ hàng, người thân lần lượt ném xuống một nắm đất, rồi nhóm phân công mới dùng cuốc, xẻng lấp đất, đắp mộ cho người chết. Trước kia, khi ra về tuyệt đối không đi bằng con đường lúc đi và cũng không được khóc, vì sợ hồn người chết sẽ biết lối mà theo về. Sau đám tang, đồng bào cúng cơm ba ngày, cúng tuần, cúng 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, cải táng, giỗ hàng năm. Một trăm ngày đầu, con cháu phải lập bàn thờ cúng người mới mât, con cháu ngày cúng cơm 3 lần. Ngày nay, họ chỉ cúng cơm tuần đầu. Các nghi lễ tang ma theo đó cũng giản tiện đi rất nhiều cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, nhất là ở các đô thị. Đa số chuyển từ hình thức địa táng sang hỏa táng, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm quỹ đất.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Từ ngàn xưa đến nay, người Kinh thờ cúng Trời – Phật – Mẫu (Tứ phủ) trong các ngôi chùa và thờ thành loàng làng ở các ngôi đình làng. Trong đó, họ coi trọng thờ nữ thần – Mẫu: bà Trời, bà Đất, bà Nước (Tam phủ), về sau, người Việt thờ “Tứ phủ công đồng” gồm có Tứ Mẫu trông coi 4 miền của vũ trụ: Trời, rừng, nước, đất; với trung tâm là “Tam Toà Thánh Mẫu“. Trong đó, Mẫu đệ nhất là Mẫu Thiên; Mẫu đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn; Mẫu đệ tam là Mẫu Thoải (Thuỷ); Mẫu đệ tứ là Mẫu Địa. Riêng ở những ngôi đền (hay phủ) thờ Mẫu Liễu thì dân gian đồng nhất với Mẫu Thiên nhằm cầu xin tài lộc, sức khỏe, may mắn. Bên cạnh đó còn có các bà thần Mây-Mưa-Sấm-Chớp (Tứ pháp), đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp; thờ Thần (Thổ ĐịaThần TàiTáo QuânHà BáMôn QuanPhúc Lộc Thọ); thờ bốn vị thánh bất tử (Tản ViênThánh GióngChử Đồng Tử và Liễu Hạnh); cư dân ven biển còn thờ Cá voi, thần Độc cước… Ở cấp quốc gia, người Kinh còn thờ Vua Hùng. Đặc biệt, mọi gia đình người Kinh rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, thành hoàng làng, tổ nghề. Họ tin rằng, mặc dù đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng họ vẫn phù hộ cho con cháu.

Cô Bơ được Vua Cha cho giáng trần để giúp vua cai quản vùng sông nước. Mãn hạn, cô được Vua Cha sai lính đưa xe loan lên đón về Thủy Cung. Giá chầu Cô Bơ diễn tả cảnh cô về ngự đồng, dạo chơi sông nước, ban tài lộc, làm phép chữa bệnh cho dân và độ cho thuyền bè qua lại được thuận buồm xuôi gió. Giá chầu Cô Bơ do đồng thầy Ngô Thị Thanh, pháp danh Diệu Ngọc Huyền hầu bóng tại Đền Thanh Lâm.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Kinh có vốn văn học, âm nhạc, nghệ thuật dân gian phong phú, bao gồm: truyện cổ tích, thần thoại, truyện cười, ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ, câu đố, vè… ca ngợi tài năng và lòng dũng cảm của con người trước thiên nhiên khắc nghiệt; ca ngợi tình yêu nam nữ, thiên nhiên, làng xóm, quê hương, chống lại những thói hư tật xấu của con người và những bất công trong xã hội; đồng thời là kho tàng tri thức về tự nhiên, xã hội, tâm linh, kinh nghiệm sống, ứng xử… giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Âm nhạc, hát, múa  dân gian truyền thống gồm có: chầu vănquan họca trùhát vídân cavọng cổ, bài chòi, đàn ca tài tử, rối nước, nhạc cung đình… Đến nay, nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền như: quan họca trùnhã nhạc cung đình Huế, hát xoan, hát bội, nghệ thuật bài chòi… được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Hiện nay, vẫn bảo tồn, phát huy nhiều di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật như: Thành Cổ Loa, thành Hoa Lư, Kinh thành Huế, chùa, tháp, đền, miếu, lăng, mộ, đình làng, nhà ở dân gian… ghi lại chặng đường lao động, sáng tạo nghệ thuật và lịch sử dân tộc.

Trống quân là một hình thức sinh hoạt văn hóa âm nhạc dân gian phổ biến ở nhiều địa phương, gắn với mục đích thờ cúng, khai xuân, cầu thần ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân đa, vật thịnh. Cuộc hát Trống quân là sinh hoạt nghệ thuật mở đầu cho lễ hội, diễn ra song song với nghi thức tế lễ đình, đền. Ngoài ra, tùy nơi, như ở Phú Thọ còn có hát Xoan, hát Đúm. Vì thế hát trống quân ở đây còn có tiết mục Hát đón đào (hát mời đeo trống và hát luật cấm), Hát vận (chặng Rước đào trên đường). Đây là phần chính của cuộc hát, chủ yếu nội dung giao duyên. Các chàng trai cô gái vừa hát Trống quân, vừa di chuyển diễn ra trên đường từ bến sông về đến đền Thượng theo cách “đào đi ngược nam đi xuôi”. Khi hát, họ đi ngược chiều kim đồng hồ theo hình xoáy trôn ốc. Cuối cùng là Hát kết của hai bên nam nữ khi về gần tới cửa đền. Hát trống quân thường có 3- 4 dây. Mỗi “dây” trống quân có thể là một đôi nam nữ hoặc nhiều hơn, cùng sử dụng một chiếc trống có đường kính khoảng 20-22cm, cao 7cm do các chàng trai tự làm để đệm giữ nhịp. Chiếc trống này được một cô đào đeo vào cổ hoặc bưng (nếu không có dây đeo) để khi hát bên nam sẽ cầm dùi gõ vào trống. Trong cuộc hát, nếu bên nữ thắng bên nam, các đào sẽ được tiến lên ba bước và ngược lại, nếu nữ thua nam thắng thì các đào sẽ bị du ngược trở lại ba bước. Các dây Trống quân cứ thế du đi du lại mãi cho đến chập tối mới tới được cửa đền. Múa trống quân trong lễ hội đình, đền đã được chuyển tải vào điệu múa trống quân, thể hiện không khí lễ hội đình, đền ở Phú Thọ và tục hát trống quân với 3 chặng rất đặc trưng của các chàng trai cô gái Phú Thọ.

Bắc Ninh là cái nôi sinh ra làn điệu dân ca quan họ, một làn điệu hát đối đáp giao duyên giữa nam và nữ. Từ Bắc Ninh, quan họ đã lan tỏa ra khắp các vùng miền. Chủ nhân của quan họ là những người nông dân Việt (Kinh), sống bằng nghề trồng lúa nước. Vì thế, dân ca quan họ tồn tại song hành cùng lễ hội làng, nơi thờ thành hoàng, nữ thần…Sau các nghi lễ tế thần, thành hoàng làng, là các màn hát quan họ. Tùy nơi, liền anh, liền chị tổ chức theo nhóm 5-7 người, thể hiện các làn điệu quan họ khác nhau, có khi kéo dài 2-3 ngày, nhưng quan họ bao giờ cũng có canh hát chính thống, tuân thủ đủ trình tự các chặng: lề lối, giọng vặt và giã bạn. “Mời trầu” của CLB Hoa Sen, tỉnh Thái Nguyên là tiết mục được hát trong chặng hát lề lối, luật lệ, chặng mở đầu của canh hát Quan họ

Tết, lễ hội cộng đồng

Người Kinh có nhiều lễ, tết, hội trong năm: Tết Nguyên tiêu (15/1), ngày trăng tròn đầu tiên của năm/ngày vía của Phật tổ; Hàn Thực (3/3), người dân dâng bánh trôi, bánh chay thờ cúng tổ tiên; Đoan Ngọ (5/5 âm lịch),là Tết giết sâu bọ, ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng; Rằm tháng bảy, con cháu dâng lễ cúng tổ tiên, báo hiếu cha, mẹ, cúng tế chúng sinh lang thang, chịu nhiều oan trái ở kiếp trước; Trung Thu (15/8), các gia đình dâng cỗ cúng gia tiên (trong nhà) và cúng trăng bằng hoa quả, bánh trung thu (ngoài trời), trẻ em đi rước đèn kéo quân, phá cỗ, ngắm trăng, tặng nhau bánh trung thu, chúc nhau có cuộc sống được tròn đầy, viên mãn; Táo Quân (23/12), dâng lễ cúng các vị thần Táo (Vua bếp), các gia đình dâng lễ xôi, gà, cá chép, quần áo giấy, vàng mã…để ông Công, ông Táo bay về trời, thay mặt gia chủ bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi sự đã qua trong năm cũ, cầu xin một năm mới vạn sự an lành. Đây cũng là dịp để các gia đình tỉa chân nhang, lau dọn bàn thờ, để chuẩn bị cho một năm mới sắp đến; Tảo mộ: (21-23 tháng chạp), con cháu trong họ ra dọn mộ, đắp mộ, rồi cùng về thịt lợn (con lợn nuôi chung, do các hộ trong họ luân phiên chăn nuôi), một phần nấu cỗ, một phần tổ chức ăn uống giữa các đại diện trong họ. Ngày nay, nhân dịp này, các họ còn mời các con cháu trong họ có thành tích học tập tốt để khen thưởng, khuyến học; Tết Nguyên đán là ngày tết lớn nhất trong năm, bắt đầu từ 30/chạp năm trước đến mồng 3/1 năm mới, nhằm mời tổ tiên về dự tết, vui cùng con cháu, báo cáo với tổ tiên kết thúc một năm cũ, cầu xin tổ tiên, thần linh 1 năm mới tốt lành cho gia trung. Đây là dịp đoàn tụ, sum họp của các thành viên gia đình, dòng họ, dịp để làng xóm, bạn bè, thầy trò thăm viếng, chúc tết nhau…  Tết Nguyên đán cũng là dịp để hướng về cội nguồn, tâm linh, hướng về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó không chỉ là nét văn hóa mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa và sự thiêng liêng.

Xưa kia, mỗi làng người Kinh đều có lễ hội làng. Các lễ hội thường tập trung vào việc cầu mùa màng nhà nông, cầu chăn nuôi phát triển, nghề thủ công phồn vinh, tôn vinh các hoạt động văn hóa của địa phương, các sự kiện lịch sử… Trong đó, có nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội đền cổ Loa, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Hương (Hà Nội); chọi trâu (Hải Phòng); hội làng Chuông, làng Đa Sĩ (Hà Nội); Hội Lim (Bắc Ninh); Tháp Bà (Khánh Hòa); cầu Ngư (Quảng Nam), núi Bà Đen (Tây Ninh)… Trong các ngày lễ hội, có nghi lễ cúng thần, nhưng không quên dành thời gian cho phần hội, với nhiều trò chơi, cuộc thi cho cá nhân và tập thể như: thả chim, thả diều, cờ tướng,  kéo co, đánh đu, đánh vật, đua thuyền, vật cù, nấu cơm thi, đánh pháo đất… Ngày nay, lễ hội vẫn được duy trì, nhưng tín ngưỡng được đẩy cao, nặng về phần lễ, còn phần hội lại bị thu hẹp, chưa thực sự là sân cho tất cả thành viên trong cộng đồng.

Lễ hội cầu ngư diễn ra các nghi thức truyền thống như lễ nghinh thần, tế âm linh, tế chánh cầu ngư…, đồng thời lồng phát động ra quân khai thác hải sản. Sáng sớm, từ Lăng Ông, đoàn người gồm đội cờ, đội hát bả trạo, kiệu có bốn người khiêng, cùng ban tế lễ (các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế, trong trang phục áo the, khăn đóng chỉnh tề), đội học trò lễ (trong trang phục áo xanh, nẹp đỏ), dân làng… tiến về đình làng Tân Thái để thỉnh văn (văn tế).. Sau khi thỉnh văn, đoàn rước đi dọc bờ biển để về lại lăng Ông, đặt Văn tế trang trọng ở gian thờ chính của Lăng.
Lễ chính của lễ hội cầu ngư, vị chánh bái thực hiện nghi thức cúng, đọc văn tế, tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông, cầu mong Cá Ông chứng giám lòng thành, phù hộ cho dân chài một mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn, xuôi chèo mát mái, tôm cá đầy thuyền. Tham gia thực hiện các nghi lễ cúng bái là những vị cao niên trong làng, đội học trò lễ. Tiếp theo là nghi thức xây chầu hát hội trước Lăng. Ở đó, có một trống chầu được che bằng khăn đỏ. Một vị cao niên trong làng sẽ đánh những hồi trống khai chầu, các nghệ sĩ biểu diễn tiết mục với lời ca mong bà con ra khơi thắng lợi.
Phần hội diễn ra với các trò chơi dân gian vùng biển như: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng… Các tiết mục hát tuồng, hát hò khoan, múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân. Đến tối, dân chài làm lễ phóng đăng, thả thuyền, phóng sinh…, cúng các linh hồn đã khuất trên biển. Cuối cùng là phá cỗ, hưởng lộc, cầu may.