Mạ

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Mạ có 41.405 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào Mạ cư trú chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Đắk Nông và Bình Phước.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Người Mạ có tên gọi khác là Châu Mạ và có các nhóm địa phương: Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngăn.
Ngôn ngữ: Tiếng Mạ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á.

Sản xuất nông nghiệp

Rẫy là phương thức canh tác truyền thống, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày của người Mạ. Cả làng cùng canh tác trong khu rừng của làng đã được chia phần cho từng gia đình, họ cùng nhau phát, đốt và canh tác trong một thời điểm. Công cụ sản xuất thô sơ chủ yếu do đồng bào tự chế tác như: gậy chọc lỗ, xà gạc, cuốc, rìu… với các cây trồng chính là lúa, ngô, bầu, bí, thuốc lá, bông… Người Mạ ở huyện Cát Tiên (lưu vực sông Đồng Nai) canh tác lúa nước nhưng không cày, bừa ruộng làm đất mà sử dụng trâu để giẫm đất đến khi sục bùn thì gieo gióng lúa (xạ lúa). Gần đây, đồng bào mới sử dụng cày, bừa trong canh tác. Quá trình canh tác nương rẫy gắn liền với các lễ nghi nông nghiệp như: lễ cúng thần rừng, lễ cúng hồn lúa, lễ ăn mừng và tạ ơn thần lúa… Ngoài ra, họ còn biết làm vườn với các loại cây ăn quả: chuối, mít, đu đủ. Một vài nơi đã trồng cây công nghiệp như: chè, cà phê theo lối cá thể.

Ở người Mạ chăn nuôi kém phát triển, chủ yếu nuôi trâu, bò, gà, vịt, ngan… theo cách thả rông vào rừng sống thành đàn để chúng tự kiếm ăn, chỉ khi cần mới tìm bắt về. Chăn nuôi của đồng bào chủ yếu dùng trong các nghi lễ hiến sinh, cưới xin, tang ma… Ngày nay, người Mạ chủ yếu canh tác ruộng nước, có hệ thống thủy lợi, gieo trồng giống lúa mới hai đến ba vụ một năm, mang lại nguồn lương thực ổn định cho cuộc sống. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế chưa phát triển, đồng bào ít áp dụng những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà chủ yếu là công cụ sản xuất truyền thống nên năng suất chưa cao.

Kinh tế tự nhiên

Địa bàn cư trú của người Mạ có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cung cấp nguồn lương thực và thực phẩm quan trọng cho đời sống của đồng bào, nhất là những lúc giáp hạt, mất mùa. Sản phẩm hái lượm gồm có: rau rừng; củ mài, củ chụp; lâm thổ sản (mộc nhĩ, nấm hương, măng, đọt mây, mật ong). Người Mạ biết sử dụng nhiều loại công cụ săn bắt thô sơ nhưng khá hiệu quả như: nỏ, lao, giáo, bẫy để săn các loại thú rừng, chim, bò sát. Các loại cá, nhuyễn thể sống ở các sông, suối cũng là nguồn thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào. Ngày nay, nguồn lời tự nhiên đã cạn kiệt, đồng bào không còn săn bắn nhiều như xưa. Họ chủ yếu đặt bẫy để ngăn thú phá hoại mùa màng.

Nghề thủ công

Người Mạ có các nghề thủ công truyền thống như: dệt, rèn, một và đan lát. Nghề trồng bông, dệt vải truyền thống của người Mạ  do phụ nữ đảm nhiệm, chỉ thực hiện những lúc nông nhàn, đáp ứng nhu cầu vải mặc trong gia đình. Khung dệt thô sơ nhưng kỹ thuật khá cao, họa tiết hoa văn phong phú như: hình học, kỷ hà, sóng nước, hình người, muông thú và các vật dụng gần gũi quen thuộc, gắn bó với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của họ như: cối, chày giã gạo, cây nêu, quả bầu, cây đa, con thằn lằn, con rắn nước, chân quạ, các đường zic zac… Nghề rèn của người Mạ phát triển ở nhiều làng, sản phẩm gồm công cụ sản xuất và vũ khí như: xà gạc, dao, lao… Người Mạ ở vùng ven sông còn làm thuyền độc mộc để đi lại, vận chuyển và đánh bắt cá. Đan lát là công việc của nam giới, ngày nông nhàn nam giới lên rừng khai thác các cây thuộc họ tre (tre, nứa, lồ ô…), dây leo (mây, cói, dây rừng…), vỏ cây (sâm lũ, sim rừng, cóc rừng, gạo…) về chế biến nan đan, Kỹ thuật đan kết hợp kết, quấn nan tinh tế đã tạo ra nhiều loại sản phẩm phong phú gồm gùi thân cuốn hình trụ, đáy vuông; gùi có nắp; nia hình lá đề; rá đựng cơm miệng tròn, đế hình vuông; chiếu… Mỗi  loại có kiểu dáng, họa tiết khác nhau, công dụng khác nhau được nhiều cư dân trong vùng ưa chuộng.

Phương thức vận chuyển

Sinh sống trong điều kiện địa hình rừng núi, lối mòn rất nhỏ, chiếc gùi đeo trên lưng là phương tiện vận chuyển phổ biến nhất của người Mạ. Gùi có nhiều loại với các chức năng khác nhau: gùi đan dày dùng để vận chuyển thóc, đậu, lạc, ngô…; gùi đan thưa dùng đi rừng, đi lấy rau, củi, nước, sắn…; gùi đi chợ, đi chơi; gùi dành riêng cho nữ giới, nam giới; trẻ em, gùi đi săn… Người Mạ sống ở khu vực ven sông suối, còn vận chuyển, đi lại bằng thuyền độc mộc, làm từ cây gỗ nguyên khối. Xưa kia, ở vùng cao nguyên, đồng bào còn thuần dưỡng voi làm sức kéo. Ngày nay, đồng bào vận chuyển phổ biến bằng xe đạp, xe máy…

Trao đổi hàng hóa

Trước kia, trao đổi hàng hoá ở đồng bào Mạ chủ yếu bằng hình thức “vật đổi vật”, vật trung gian định giá bằng trâu bò, ngô, lúa đo lường bằng gùi to nhỏ khác nhau tuỳ theo từng địa phương. Ngày nay, hình thức này không còn phổ biến mà mang tính chất tiền tệ. Họ không trồng lúa nước nhưng có thể mua gạo và các loại hàng hóa khác trên thị trường để đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Văn hóa mặc

Trước đây, nam giới mạ chủ yếu đóng khố, cởi trần. Khố có 2 loại: loại đơn giản mặc thường ngày chỉ là đoạn vải màu chàm đen; loại dệt cầu kì có hoa văn chạy dài hai bên mép khố, đầu khố có tua dài, đính hạt cườm mặc vào dịp lễ hội. Về mùa lạnh, mặc áo chui đầu, vạt sau dài hơn vạt trước, bên ngoài khoác thêm tấm mền. Phụ nữ Mạ mặc váy quấn dài ngang bắp chân, áo ngắn ngang thắt lưng, kiểu chui đầu. Nửa thân dưới áo trước và sau lưng được trang trí hoa văn các màu đỏ, xanh là chính trong bố cục dải băng ngang thân với các mô típ hoa văn hình học là chủ yếu. Váy, áo đều may ngang khổ vải, có nhiều đường hoa văn trang trí song song chạy ngang quanh thân váy, áo. Trước đây, người Mạ có tập quán cà răng cửa hàm trên và xâu lỗ tai để đeo vòng cỡ lớn bằng ngà voi hay khoanh nứa. Cả nam và nữ đều thích mang nhiều vòng đồng ở cổ tay có những ngấn khắc chìm, đó là ký hiệu ghi nhận của các lễ hiến sinh tế thần linh mong cầu may cho chính mình.

Văn hóa ẩm thực

Lương thực chính của người Mạ là cơm tẻ. Thức ăn hàng ngày có được từ săn bắt (cá, tôm, cua, ốc), thịt thú rừng (sóc, heo, gà…), các loại rau rừng (đọt mây, đọt bí, măng, củ mài) và các loại thịt gia cầm có được từ chăn nuôi. Nam giới người Mạ có thói quen uống rượu cần và hút thuốc bằng tẩu. Hiện nay, xuất hiện chợ hoặc quán tạp hóa ngay trong bon (buôn), đồng bào có thể mua cá khô, mì tôm… làm thức ăn. Đồ uống chủ yếu là rượu trắng, bia, nước ngọt… bên cạnh thuốc rê hút bằng tẩu, thanh niên Mạ chủ yếu thuốc đầu lọc.

Văn hóa ở

Đơn vị cư trú của người Mạ là “Bon” được lập trên bãi phẳng sườn đồi hay trong thung lũng gần sông suối để tiện nguồn nước sinh hoạt. Mỗi bon gồm một hay nhiều ngôi nhà. Trước đây, trong bon có những ngôi nhà dài hàng 100m làm bằng gỗ, nứa, bương, mai, là nơi cư trú của nhiều hộ gia đình nhỏ có quan hệ huyết thống theo dòng cha. Mặt bằng sinh hoạt trong nhà bố trí theo cách: giữa nhà là nơi sinh hoạt chung của mọi gia đình, có bàn thờ thần bếp và có một cái cột để buộc ché rượu cần khi tiếp khách, các hộ gia đình ở về hai bên của khu trung tâm, trong mỗi căn nhà đều có bếp và cửa ra vào riêng. Hiện nay, nhà sàn chỉ còn ở những vùng cao, vùng thấp chủ yếu là nhà đất, nhà dài truyền thống nay đã hiếm, chỉ còn nhà sàn ngắn của các gia đình nhỏ.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Người Mạ sống thành từng bon (làng), đứng đầu làng là chủ làng (chau Kuang bon) hay chủ rừng (Tom Bri) cùng với các gia trưởng (Pô hiu) hợp thành bộ máy tự quản của làng truyền thống. Mọi thành viên trong làng đều có quyền bình đẳng trong việc sở hữu một khu vực đất để canh tác và hưởng phần hoa lợi trên phần đất của mình. Những thành viên trong làng thường có quan hệ huyết thống với nhau theo dòng cha hoặc có quan hệ hôn nhân. Người Mạ theo chế độ phụ hệ, trước đây tồn tại gia đình lớn, nay nhường chỗ cho những gia đình nhỏ. Đứng đầu là người đàn ông cao tuổi thuộc thế hệ trên trong gia đình, là người quán xuyến mọi công việc chính, có quyền phân chia đất canh tác và chỉ đạo sản xuất, đứng đầu trong các lễ nghi và giải quyết các xích mích trong các thành viên gia đình.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Người Mạ hôn nhân một vợ, một chồng, theo chế độ phụ hệ, nhưng vẫn còn tồn tại tàn dư của chế độ mẫu hệ, được biểu hiện ở chỗ có thể cư trú song phương và ý kiến của người cậu (bên vợ) vẫn có tính chất quyết định trong việc hôn nhân. Xưa kia, trước khi cưới, nhà trai phải nộp cho nhà gái một cặp chiêng, ba mươi cái ché, hai con trâu, 3-6 con lợn và một số tặng phẩm khác. Nếu chưa đủ lễ vật, chàng trai phải ở rể đến khi hoàn tất mới đưa vợ về ở hẳn nhà mình. Tuy nhiên, những đứa con sinh ra đều được mang họ cha. Một số nơi có tập quán, nhà gái đi hỏi chồng và cư trú luân phiên mỗi bên vài năm, cho đến khi cha mẹ không còn nữa thì ở hẳn bên có cha mẹ còn sống. Tục kết hôn với em chồng và em vợ khi khi vợ hoặc chồng chẳng may qua đời vẫn còn biến. Trong quá trình sống chung, nếu đôi vợ chồng trẻ không hợp nhau hay cô gái không thể sinh con cho nhà chồng, nhà trai có thể trả cô gái về nhà mẹ đẻ.

Tập tục tang ma

Trước đây, khi có người qua đời, tang chủ cử những đàn ông khỏe mạnh vào rừng tìm gỗ làm áo quan. Quan tài được đưa vào nhà bằng cửa riêng mới mở, kiêng không đưa qua lối đi hàng ngày, đến ngày thứ 3 mới khâm liệm và quàn xác một tuần, mới đem chôn. Người chết được mặc đồ mới và đẹp nhất, được đeo đồ trang sức tinh xảo. Xuất phát từ quan niệm người chết vẫn tiếp tục tồn tại bên kia thế giới, nên người thân và họ hàng mỗi người cắt một nhúm tóc bỏ vào quan tài phần để báo hiếu rửa tội, phần để người chết về thế giới bên kia có cái lợp nhà. Sau khi chôn cất, tang chủ chia tài sản cho người chết gồm: gùi, dao, rìu, chóe, đồ dùng sinh hoạt… đã bị làm sứt, méo để phân biệt với người sống. Đồng bào không có tục xem hướng và đào huyệt trước, chỉ đến khi quan tài được đưa đến nghĩa địa mới đào huyệt. Sau khi chôn cất, người ta bỏ mả luôn. Đưa đám về đến nhà, thày cúng lấy một cành lá ngái nhúng vào nồi nước sôi đã được hoà với tiết gà làm bùa phép, rồi vẩy 7 lần vào những người đưa đám, đồng thời niệm mấy câu thần chú, thì họ mới được vào nhà. Sau đám ma, tang chủ kiêng 7 ngày không được vào rừng, lên rẫy.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Mạ theo tín ngưỡng đa thần: thần lúa, thần rừng, thần núi, thần lửa, cao nhất là thần sáng tạo vũ trụ. Đồng bào cúng thần vào những dịp vui như: cưới hỏi, sinh đẻ, lên nhà mới, kết nghĩa anh em và cúng thần vào những dịp không may: ốm đau, tang ma, dịch bệnh, thiên tai… Lễ hiến sinh lớn nhất là lễ đâm trâu, không chỉ là một loại hình tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thủy mà còn là một sự phản ánh sinh hoạt săn bắn hái lượm tiền nông nghiệp của đồng bào. Những năm gần đây, Thiên chúa giáo và đạo Tin lành đã xâm nhập vào một số vùng người Mạ ở Lâm Đồng.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Kho tàng văn học dân gian Mạ gồm nhiều truyền thuyết, huyền thoại, ca dao, tục ngữ, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, truyện cười phản ánh về đời sống lao động, thời tiết, mùa vụ… Nngười Mạ có một thể loại cổ tích bằng văn vần kể về buổi khai thiên lập địa trên xứ Mạ xưa gọi là ya liau giống như trường ca của người Êđê. Nhạc cụ của người Mạ gồm có bộ chiêng đồng 6 chiếc, trống da trâu, khèn bầu 6 ống, tù và, đàn lồ ô 6 dây, sáo trúc 3 lỗ gắn vào vỏ trái bầu.

Tết, lễ hội cộng đồng

Trước kia người Mạ không ăn tết cổ truyền, nhưng những năm gần đây, đồng bào coi lễ cúng Yang Bơnơm (cúng thần linh) là lễ hội cộng đồng lớn thứ hai trong năm. Sau lễ Yang Koi (mừng lúa mới) là tết đón năm mới cùng các dân tộc anh em khác. Ngoài ra, người Mạ còn tổ chức nhiều nghi lễ liên quan đến chu kỳ canh tác của cây lúa như: Lễ cúng thần rừng (tổ chức vào tháng Giêng âm lịch), là nghi lễ quan trọng đầu tiên trong chu kỳ canh tác, được tổ chức trước khi chọn rừng làm rẫy; Lễ cúng hồn lúa (trước khi gieo hạt giống); khi lúa trên rẫy sắp trổ đòng, đồng bào làm lễ ăn mừng lúa sinh trưởng và tạ ơn thần lúa (được tổ chức vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch hàng năm, với mục đích chấm dứt những điều kiêng kị cho người giữ rừng (chàng trai khỏe mạnh, chuyên đến thăm nương rẫy của bà con trong bon và cùng già làng tổ chức các lễ hội nông nghiệp. Anh ta không ăn thịt mỡ, da các con vật, đầu cá…từ khi gieo hạt đến khi cây mọc. Nếu vi phạm, nương rẫy sẽ bị cạn khô và cây lúa sẽ không có hạt, nhằm xua đuổi sâu bọ và thú dữ để mùa màng luôn tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…Thày cúng cùng người giữ rừng dắt dê đi khắp rẫy trong bon. Đến rẫy nhà nào, nhà ấy có trách nhiệm đón tiếp và chuẩn bị lễ vật làm lễ cho cây lúa: một con gà và một ché rượu cần. Già làng cắt tiết các con vật hiến tế, bôi lên cây nêu, cắt một ít lông gà kẹp vào cây nêu, dựng gần chòi rẫy cùng với mâm cơm, trứng gà, chén đựng máu vật hiến tế… Đó là nơi dành cho các các thần về dự lễ và trông coi lúa, là nơi trú ngụ của hồn lúa. Vì vậy, những cây lúa ở đó sẽ được tuốt sau cùng, khi làm lễ mừng lúa mới thì họ mới lấy rơm đó về nhà và được kẹp bên cạnh kho lúa của gia đình. Sau khi đi khắp các rẫy trong làng, mọi người về bãi đất trống của làng, cùng các lễ vật cả làng đóng góp: dê, lợn, gà, vịt, mỗi thứ 1 con. Già làng cắt tiết dê, tiết các con vật bôi lên cây nêu để cầu cho mùa màng tươi tốt, bôi lên trán những người trong làng dưới sự chứng kiến của thần linh để xua đuổi bệnh tật, mang lại sự bình an, hạnh phúc. Sau lễ cúng, mọi người say sưa uống rượu cần, kể chuyện, múa xoang, trong âm thanh chiêng trầm bổng, linh thiêng và không khí ấm áp, bình dị của cộng đồng); khi lúa trổ bông thì làm lễ Yu rmul hay Yu Đụng, họ dựng cây nêu tượng trưng cho nhà của hồn lúa trên đám rẫy gia đình; Mừng lúa mới – Yang Koi (lễ cúng thần) lúa được coi là lễ hội nhất của người Mạ, diễn ra vào tháng 2-3 âm lịch, khi người Mạ đã thu hoạch xong mùa màng. Nghi lễ thường diễn ra tại nhà dài, cánh đồng bằng phẳng. Tại đây, những người đàn ông Mạ sẽ vào rừng tìm cây tre cao 3-4m thân thẳng về dựng cây nêu, trang trí trên đó hoa văn màu sắc và gắn những chùm bông, chùm gai mây, tượng trưng cho bông lúa. Dân làng lần lượt gùi những lễ vật dâng cúng: gà, vịt, dê, rượu, lúa, bánh…bày quanh cây nêu. Năm nào được mùa còn hiến tế 1 con trâu. Buổi lễ bắt đầu khi thầy cúng chọn được giờ tốt và thổi 3 hồi tù và mời thần linh và dân làng về làm lễ. Nếu có hiến trâu, thì thày cúng làm lễ hiến sinh nhằm tạ ơn Yàng. Sau đó, thày cúng lần lượt quệt máu của con vật hiến sinh lên trán của trai gái, kèm những lời cầu mong tới thần linh, để trai chưa vợ, gái chưa chồng, tìm được bạn đời, có sức khoẻ dồi dào và gia đình hạnh phúc. Thày cũng dùng máu hiến sinh quệt vào chiếc chiêng với mong muốn chiếc chiêng sẽ sống mãi với văn hoá người Mạ. Sau tiếng chiêng ngân dài, lễ cúng tế kết thúc, nam, nữ nhảy vũ điệu xoang sôi động quanh cây nêu cùng với tiếng chiêng trống, tiếng kèn bầu, kèn môi và những hoạt động đời thường như: ẩm thực, thi dệt thổ cẩm, thi đan gùi, giã gạo, các trò chơi dân gian giữa các bon (làng).