Khơ Mú

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Người Khơ Mú có dân số 72.929 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú chủ yếu ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Nghệ An và Thanh Hóa.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Xá Cẩu, Khạ Klẩu, Măng Cẩu, Mứn Xen, Pu thênh, Tềnh, Tày Hay, Kmụ, Kưm Mụ.
Ngôn ngữ: Tiếng Khơ Mú thuộc nhóm ngôn ngữ Môn -Khmer

Sản xuất nông nghiệp

Người Khơ Mú chủ yếu làm nương rẫy. Đồng bào dùng dao, rìu, gậy chọc lỗ canh tác theo lối phát, đốt, chọc, trỉa. Cây trồng chính  trên rẫy gồm: lúa, ngô, khoai, sắn, bầu bí. Vụ rẫy thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 9, mỗi công đoạn sản xuất gắn liền với lễ nghi nông nghiệp. Ngày nay, người Khơ Mú đã tiếp thu canh tác ruộng lúa nước, làm đất bằng cày bừa, biết làm thủy lợi, bón phân cho cây trồng, mở rộng canh tác các loại cây trồng, nấm sò, nấm linh chi, cao su, xoài, đổi mới giống lúa nếp cho năng xuất cao. Người Khơ Mú nuôi nhiều gia súc, gia cầm, trước đây chỉ để phục vụ các dịp lễ tết, tiếp khách. Ngày nay, nhiều hộ gia đình Khơ Mú phát triển chăn nuôi các đàn gia súc (Trâu, bò), gia cầm (gà, vịt), đào ao thả cá…Sản phẩm chăn nuôi đã trở thành hàng hóa để mua bán, trao đổi.

Kinh tế tự nhiên

Khai thác nguồn lợi tự nhiên (săn bắn, hái lượm) đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Khơ Mú. Hàng ngày, họ thu hái các loại măng đắng, măng tre, măng nứa, măng giang, măng vầu cùng với các loại rau rừng: tàu bay, lá lốt, hoa chuối, nấm rừng… cải thiện bữa ăn gia đình. Ngày giáp hạt, đồng bào còn khai thác thêm các loại củ: mài, dáy, nâu, đao, bột báng làm nguồn lương thực cứu cánh khi đói. Người Khơ Mú có kinh nghiệm trong săn bắt các loài muông, thú tự nhiên. Họ dùng các loại cạm bẫy: bẫy thắt cổ, bẫy kẹp, bẫy phóng  lao, thòng lọng, hố sập, cắm chông, bẫy đè, trát nhựa dính trên thân cây để săn bắt thú rừng. Đánh bắt cá cũng là một hoạt động kinh tế phụ diễn ra quanh năm, theo hai hình thức, đánh bắt cá nhân và đánh bắt tập thể. Ngày nay, đồng bào vẫn nặng về kinh tế tự nhiên, nhưng xu hướng phát triển kinh tế hàng hóa dần vượt lên nền kinh tế hái lượm chiếm đoạt tự nhiên.

Nghề thủ công

Dân tộc Khơ Mú còn có một số nghề thủ công mang tính chất tự túc, tự cấp, đó là nghề đan lát, nghề rèn, mộc. Trong đó nghề đan lát rất phát triển và đạt đến trình độ tinh xảo, kỹ thuật cao bởi cách tạo dáng, hoa văn trang trí và độ bền của sản phẩm, với nhiều chúng loại khác nhau như: gối mây, gùi, mâm, giỏ đựng kim chỉ, ghế mây, ép đựng xôi, nia, mẹt, xúc thóc… Người Khơ Mú không nhuộm nan như một số dân tộc khác, mà chỉ tạo hoa văn theo lối kết hợp giữa nan cật với nan lòng. Nan cật bóng vẫn còn nguyên màu xanh của vỏ, kết hợp với nan lòng màu trắng đã tạo ra những hoa văn có màu tự nhiên, thô mộc nhưng rất tinh tế, hài hoà. Ví dụ như hoa văn hình hộp xếp cạnh nhau trên lòng mâm, tạo cho người ta cái cảm giác hình khối trong không gian ba chiều, hay chiếc gùi lúa có miệng loe tròn, đan tạo hoa văn hình vuông bao nhau liên tiếp… Đó là những vật dụng có kỹ thuật đan phức tạp, trong làng chỉ có ít nghệ nhân còn làm được. Trong đan lát, nam giới Khơ Mú phải chọn thời điểm tìm nguyên liệu, không đi đẵn tre, nứa vào những ngày đầu tháng vì thời gian này thân cây chứa nhiều nước, tre cuối tháng nên dễ bị mọt. Dù có vội cũng phải đợi ngoài tuần trăng mới đẵn tre. Khi người chồng vào rừng lấy tre nứa, người vợ ở nhà phải kiêng gội đầu và không được đóng cửa để tránh tai nạn cho chồng. Người đi chặt tre không được gõ sống dao vào cây, nếu không nan sẽ bị mọt. Nếu như đẵn tre, chặt nứa là việc của đàn ông thì lấy mây là việc của đàn bà. Chỉ phụ nữ mới khéo chọn mây tốt, dây già, không bị cớm nắng, có màu vàng hoặc xanh, những dây bò dưới đất hay mọc ở rừng chuối, có màu trắng thì giòn, khó chẻ và hay bị mọt… Lấy mây, tre về là phải pha chẻ ngay, vì nếu để mây khô, quánh lại rất khó làm. Đối với tre nứa phải chẻ từ ngọn xuống gốc, còn với mây thì chẻ từ gốc lên ngọn. Sau khi chẻ sợi mây thành những mảnh nhỏ, buộc lại thành từng bó gác lên mái nhà hoặc hàng rào để hong phơi, hai ngày sau cạo lại vỏ sót, bỏ phần bụng tạo thanh nan. Mây dùng để uốn thân mâm phải phơi khoảng 5 – 7 ngày cho sợi khô tái, mềm và dẻo rồi quấn theo hình số 8 vào 2 chiếc cọc song song với nhau. Còn để uốn vành ghế thì dùng mây tươi khoanh xung quanh cột gỗ. Nan tre mây thường được bảo quản trên gác bếp để tránh mốc ải, mọt và tạo màu đẹp hoặc ngâm nước. Nếu ngâm nan không đủ 2 ngày, sau này sản phẩm làm ra dễ bị mọt, còn ngâm hơn 2 ngày, khi nan khô đi sẽ giòn, khó đan. Một điều đặc biệt kiêng kỵ đó là khi người đàn ông đan gùi, phụ nữ tuyệt đối không được bước qua, làm vậy sẽ uế tạp trong suốt quãng thời gian sử dụng, thậm chí nếu chiếc gùi ấy bị hỏng rồi mà thày mo đem sửa cũng có thể gây tử vong. Khi đan gùi và ép đựng xôi phải đan hoa văn trang trí, một phần hoa văn làm tôn thêm vẻ đẹp của vật dụng, phần khác xuất phát từ quan niệm đồ vật nhiều hoa văn, người sử dụng chúng mới ăn nên làm ra.

Phương thức vận chuyển

Gùi là phương tiện vận chuyển phổ biến nhất của người Khơ Mú. Tùy thuộc vào mỗi vùng mà người Khơ Mú có những kiểu đan gùi khác nhau, gùi đan dày sử dụng lâu năm, đan thưa – mỏng dùng trong một thời gian ngắn rồi bỏ. Gùi của người Khơ Mú thường có dây đeo trên trán, ngoài ra còn có các loại túi đeo, bộ phận người Khơ Mú làm ruộng dùng thêm sọt gánh. Ngày nay đường giao thông miền núi phát triển, đồng bào Khơ Mú đã biết dùng các phương tiện xe đạp, xe máy, ô tô để vận chuyển hàng hóa đi mua bán, trao đổi.

Trao đổi hàng hóa

Trước đây, đồng bào chủ yếu dùng nông sản, đồ đan lát để mua bán trao đổi lấy muối, đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất… với các dân tộc khác trong vùng. Ngày nay, đồng bào chủ yếu mua bán bằng tiền, nhiều sản phẩm đan lát tinh tế, các loại lâm thổ sản thu hái được hoặc nông sản, vật nuôi dư thừa, không ăn hết đều đã trở thành mặt hàng để trao đổi, buôn bán với các dân tộc khác trong vùng.

Văn hóa mặc

Người Khơ Mú không phát triển nghề dệt vải. Họ chủ yếu mua bán, trao đổi quần áo, váy của người Thái để mặc. Trang phục phụ nữ Khơ Mú giống với phụ nữ Thái: Váy ống hẹp bó sát đùi, áo bó sát ngực, ống tay áo dài hoặc cộc, chỉ hơi khác là cách trang trí những hàng tiền bạc hoặc miếng tròn vỏ ốc, chữ nhật… dọc trước thân áo. Đầu cũng đội khăn piêu, nhưng  quấn vắt chéo trên đỉnh đầu, bà già thì đội mũ chỏm cao có tua ở phía sau, nam giới thì hoàn toàn mặc theo người Thái, người Kinh. Nhìn chung, trang phục phụ nữ Khơ Mú, gồm có: áo, váy, thắt lưng, đội khăn, đeo túi trang trí. Khăn đội đầu (Ri Vót) của phụ nữ Khơ Mú ở nghệ An, khác với khăn piêu của phụ nữ khơ mú ở Tây Bắc bởi cách khâu ghép vải và hoa văn trang trí hình voi, hoa cúc, 8 cánh, thay cho khút piêu, tám cánh…được thêu ở đầu khăn. Khi đội khăn, người ta búi tóc, độn thêm vải cho búi tóc to, đẹp, gấp khăn thành bốn theo chiều dọc, đặt một đầu khăn ở sau gáy, rua rủ xuống lưng, một quấn quanh đầu, rồi giắt vào phía trong khăn. Áo (Tép) dệt bằng sợi bông, được cắt, khâu kiểu cổ tròn, có 5 hàng khuy ở phía trước, dùng sợi bông nhỏ xe lại để buộc  hai tà với nhau thay cúc. Váy (Côn), được khâu ghép từ hai miếng vải có hoa văn khác nhau, khâu theo hình ống. Cạp váy (ngơi) có nền mầu đỏ, dệt xen kẽ các sọc chạy song song nhau theo chiều dọc. Thân váy (A ló) khâu nối với cạp bằng một đường chỉ mầu. Gấu váy (Rưng Chuông) thường là hai mảnh hoa văn, mô típ ô quả trám, hình học nối tiếp nhau.. .Thắt Lưng (Rơ eo) mầu đỏ, khâu ghép thành hình ống. ở hai đầu là hai mảng trang trí ô trám, tam giác, hoa mặt trời và các đường chỉ màu nối tiếp nhau. Túi (Rjạ duôn) được khâu ghép lại với nhau bằng hai khổ vải có trang trí hoa văn.

Nghệ An có 5 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, bao gồm: dân tộc HMông, dân tộc Ơ Đu, dân tộc Thổ, dân tộc Thái và dân tộc Khơ Mú. Mỗi dân tộc bên cạnh văn hóa chung, đều có bản sắc riêng. Một trong những biểu hiện bản sắc văn hóa ấy là trang phục phụ nữ.
Phụ nữ H’Mông mặc áo, váy, đội khăn, thắt lưng quấn quanh bụng, dùng xiêm che trước bụng và khăn quấn đầu. Tất cả các thành tố trang phục đều được thêu nhiều hoa văn, điển hình là hoa văn con ốc. Váy xòe rộng, xếp nếp. Áo mở ngực, cánh tay, cổ áo, ngực áo trang trí cả mảng hoa văn. Ngoài ra, họ còn đeo vòng tay, còng cổ, hoa tai. Phụ nữ Ơ Đu ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An (một dân tộc khoảng 800 người, dân số ít nhất cả nước) mặc áo, váy, khăn. Váy gồm 2 phần: chân váy và thân váy. Chân váy là mảng trang trí hoa văn có họa tiết đơn giản, hình vuông, hình tam giác. Thân váy là tấm thổ cẩm màu đen. Khi mặc, chị em thắt lưng bằng khăn thổ cẩm, buộc mối về 1 bên. Áo may bằng vải lụa màu tím hoặc đỏ, bên trong mặc thêm chiếc áo màu đỏ. Phụ nữ Khơ Mú mặc áo, váy, thắt lưng, dùng khăn quấn đầu. Váy là một tấm vải trang trí thêm một số đường viền trắng ngang. Áo cánh dơi cổ truyền trang trí hai hàng hoa văn hình mặt trời trên ngực áo, thể hiện sự phồn thịnh. Họ quấn khăn quanh đầu, giắt trong vòng quấn và bỏ mối bên tai. Phụ nữ Thổ mặc áo, váy, thắt lưng cho chặt và dùng khăn quấn đầu. Váy may bằng vải sợi bông nhuộm chàm, có thêu 2 đường chỉ từ cạp đến gấu váy (ở vị trí mép vải). Áo năm thân, màu nâu hoặc mộc trắng. Khăn vuông bằng vải phin trắng khổ 80 cm, gấp lại, để đội đầu. Người Thái ở Nghệ An có hai nhóm: Tày Mường và Tày Thanh. Trang phục của họ có nét riêng độc đáo. Trong đó, trang phục của phụ nữ Thái cổ là váy lụa dạng tấm, dệt hoa văn tinh xảo, dây lưng bằng con sợi cuộn màu trắng, áo sơ mi màu tối. Dịp lễ hội, họ mặc áo đủ màu sắc và quấn khăn thổ cẩm trên đầu.
Màn trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Nghệ An do đoàn nghệ thuật quần chúng, tỉnh Nghệ An thể hiện.

Văn hóa ẩm thực

Người Khơ Mú ăn hai bữa chính (sáng, tối) và  một bữa phụ trong ngày. Thường ngày, người Khơ Mú đồ xôi hay đồ ngô, độn sắn, thích ăn những món có vị cay, chua, đắng, các thức ăn nướng có mùi như chẻo, nậm pịa, cá chua.., các món luộc (thịt lợn, thịt gà, thịt trâu luộc, lòng lợn, lòng trâu, lòng bò)…Ngày lễ tết, đặc biệt là tết cổ truyền Mạz chiêng, đồng bào Khơ Mú chế biến nhiều món ăn như: canh Mọ – tổng hợp các loại thịt chuột, chim, sóc sấy khô, băm nhỏ, trộn với hoa chuối, các loại rau thơm, ớt chỉ thiên, mắc khén, tấm gạo nếp cho vào ống bương bánh tẻ, đổ nước vào đem đốt như cơm lam. Khi sôi, lấy que tre vót nhọn sọc liên tục đến khi nhuyễn, sánh sền sệt kiểu như súp, ăn với xôi nếp; món Or cun mọ –  tổng hợp các loại rau quả bí non, rau bon, ớt non, bì trâu, thịt chim, thịt sóc, cá, thịt nai, gạo tấm, tất cả cho vào ống nứa đem lam chín, sau đó được đem ra ăn với các loại rau thơm, rau cải non và các loại rau sống;  món A cơ nẹp – tổng hợp thịt lợn băm nhỏ, trộn gia vị, hạt mắc khén, hành, nhiều loại rau thơm, ớt tươi…, gói lá dong, nướng trên than hồng; món a lăm bót – xương sụn băm nhỏ, trộn lẫn mắc khén, rau thơm, hành, rau, ớt, … nhồi vào ống bương bánh tẻ, nướng trên than hồng.

Văn hóa ở

Người Khơ Mú thường dựng làng ở lưng chừng núi, nơi gần nguồn nước, theo hệ thống mật tập, rải rác trong rừng sâu, hay xung quanh những đám nương rẫy. Mỗi bản chỉ vài chục nóc nhà, vài dòng họ cùng chung sống đoàn kết.

Nhà sàn của người Khơ Mú có nhiều loại: nhà sàn nhỏ kiểu một gian hai chái, hai gian hai chái hoặc ba gian hai chái và nhà nửa sàn nửa đất. Nhà sàn dù nhiều loại nhưng đều có điểm chung là: Vách nhà được thưng bằng nứa đan, mặt sàn lát luồng, vầu đập dập. Nhà rất ít hoặc không có cửa sổ và chỉ có một cầu thang lên xuống. Mỗi loại nhà, bên cạnh điểm chung, có những nét riêng: Nhà nửa sàn nửa đất gồm một nửa là đất san phẳng, còn một nửa ngoài có cột theo kiểu nhà sàn, cột là những cây chặt ở rừng về, có khi để nguyên cả vỏ; mái lợp cỏ gianh; mặt bằng ngôi nhà bố trí theo cách: phía trước cửa vào có sàn phơi, cuối nhà có một gian buồng làm nơi ngủ của phụ nữ; trong nhà có 2 bếp bằng khung đất, một ở gần giữa nhà để sưởi, tiếp khách, một ở gần cửa để nấu ăn, cạnh đó có các ống bương đựng nước; phía ngoài đặt cối giã gạo, có trụ chôn qua sàn xuống đất. Nhà một gian hai chái lại bố trí: gian giữa là nơi ngủ của chủ nhà, chái bên trái có cầu thang, đặt 1 bếp nấu ăn hàng ngày và tiếp khách; chái bên phải đặt bếp thiêng, chỉ dùng đồ cơm, không nấu thức ăn; vách hồi có “cửa ma”, chỉ được mở khi chủ nhà qua đời. Nhà sàn ba gian của người Khơ Mú ở Tây Bắc lại ngăn phần sàn sau để tạo thành 3 gian nhỏ: gian hồi bên trái có bếp khách; gian giữa, trên vách hậu treo bàn thờ tổ tiên, dưới sàn có 1bếp ma; trong nhà còn có 1 bếp đặt ở phía trước gian hồi phải, để nấu ăn hàng ngày. Nhà người Khơ Mú ở huyện Quế Phong (Nghệ An) là nhà 5 gian, hai đầu hồi có hai sàn nhỏ, cầu thang đặt lên sàn ở đầu hồi bên trái. Nhà được chia thành 3 phần theo chiều dọc: phần phía sau có bếp, nơi ngủ cho vợ chồng con trai cả, cầu để nước, nơi để chài lưới; phần phía trước là nơi ngủ vợ chồng con trai thứ, trong đó có 2 bếp, 1 để nấu, 1 dành cho chủ nhà, nơi để củi; Bàn thờ tổ tiên treo trên vách tiền của gian thứ tư. Gian hồi bên trái dành để tiếp khách. Tại đây có một bếp khách. Hiện nay xuất hiện nhiều nhà sàn chắc chắn, mái hình mai rùa theo kiểu kiến trúc của nhà Thái Đen, La Ha hay Kháng.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Sống xen kẽ trong vùng người Thái cư trú, bản của người Khơ Mú thường có người Thái sinh sống nên cũng có bản do người Khơ Mú làm trưởng bản, cũng có bản lại do người Thái đứng đầu.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Người Khơ Mú sinh sống theo gia đình nhỏ phụ quyền, hôn nhân theo chế độ một vợ, một chồng, nghiêm cấm kết hôn cùng dòng họ, nhưng lại cho phép con trai cô lấy con gái cậu. Trong hôn nhân, trai gái Khơ Mú được tự do tìm hiểu bạn đời, nhưng vai trò quyết định là do hai gia đình, đặc biệt là ông cậu. Hôn nhân của người Khơ Mú còn nhiều tàn dư mẫu hệ như tục ở rể, chồng mang họ vợ, hôn nhân anh em vợ, chị em chồng. Hôn lễ trải qua nhiều bước: lễ ngỏ, dạm hỏi, lễ cưới bên nhà gái (nhà trai phải dẫn sang nhà gái tiền mua người và đồ sính lễ. Cưới xong, người con trai ở rể bên nhà vợ một thời gian. Khi ở nhà vợ, người chồng đổi họ theo vợ, còn nếu có con thì con theo họ mẹ, trái lại khi về nhà chồng thì vợ phải đổi họ theo chồng và các con lại mang họ bố ), lễ đón dâu và đám cưới tại nhà trai (nhà trai đi đón dâu, thực hiện lễ nhập môn, cúng gia tiên, sau đó làm tiệc, mời dân làng, họ hàng ăn uống, chúc phúc cho đôi trẻ.

Phụ nữ Khơ Mú mang thai có tục kiêng ăn các loại: động vật có lông màu trắng, các con vật đã bị chết, thịt rùa, ba ba thịt rắn…và kiêng sát sinh. Khi chuyển dạ, sản phụ chuyển ra ở 1 gian riêng. Khi sinh, phụ nữ Khơ Mú có tục ngồi xổm, 2 tay nắm chặt sợi dây thừng buộc từ xà nhà xuống, dùng cật nứa sắc cắt rốn cho trẻ, nhau thai do ông bố bỏ vào ống tre, rồi lẳng lặng đem treo lên một cây cao nhất trong rừng. 7 ngày đầu ở cữ, gia đình kiêng không cho người lạ vào nhà; sau 3 ngày (nếu là con trai) và sau 2 ngày (nếu là con gái), gia đình làm lễ đặt tên cho trẻ. Lễ đặt tên gồm có 1 con gà, 1 vò rượu cần, 2 chai rượu trắng, 1 bộ quần áo và dùng 6 sợi chỉ đỏ để buộc dây vía bé và bố mẹ bé. Sau lễ này, sản phụ cùng đứa trẻ sẽ được trở lại chỗ ngủ ngày thường. Một tháng sau ngày sinh, người mẹ có thể địu con lên nương, ra suối làm việc như thường lệ.

Tập tục tang ma

Người Khơ Mú có tục: nếu ông chủ nhà chết, quan tài đặt giữa nhà, đầu quay về phía sân phơi; nếu là bà chủ nhà chết thì đầu quay về phía gian thờ tổ tiên, còn lại những người khác chết, quan tài phải đặt góc nhà cạnh bếp sưởi, đầu quay về phía cửa giữa nhà. Sau đó tang ma mới diễn ra theo các bước: Tắm ma, thay quần áo mới; khâm liệm (vải trắng quấn chăn đệm xung quanh, đập chết một con gà, kẹp vào nách người chết cùng thịt gà, thịt lợn, 2 nắm xôi để làm lương bữa sáng (là gà), bữa chiều (là lợn) với ý nghĩa đưa đường cho người chết đi về thế giới bên kia;  nhập quan (buộc 1 con gà đã chết vào dây buộc áo quan để dẫn linh hồn về với tổ tiên);  tang tế (khóc tang); cúng tiễn hồn (kéo dài nửa ngày với lễ thức đọc bài cúng tiễn biệt người chết, có tấu chiêng, thổi kèn phụ họa, rồi đưa thi hài ra khỏi nhà); đi chôn; chọn đất, đào huyệt (tung thẻ xin âm dương, đo quan tài, lấy dao vạch hình chữ nhật, cúng thổ thần, đốt sáp ong, tượng trưng cho thắp đèn và làm ấm nhà người chết, lấy lá cây hua như quét nhà làm sạch chỗ ở – khi quét tuyệt đối không để rụng, người trong nhà sẽ bị ốm); lễ mở mắt cho người chết “ăn mê riêng nọng rắt noong ma” (mở nắp quan tài, cúng xin người chết mở mắt xem nhà cửa của mình); hạ huyệt; chia thóc giống (rắc 2 – 3 kg thóc làm giống xuống huyệt, cầu mong người chết phù hộ con cháu làm được nhiều thóc gạo); lấp đất (chừa 4 đầu dây buộc quan tài lộ trên mặt đất để giúp người chết lên mặt trăng); đắp mộ (đắp cao 20 cm, vòm theo hình người, lấy chiếc đòn kê quan tài đập vào mộ, đẽo mảnh gỗ nhỏ, đặt vào những vết đập, tượng trưng cho từng bộ phận như mắt, mũi, miệng…người quá cố); dọn đường cho người chết lên mặt trăng (đặt gậy khênh quan tài lên trên mộ, lấy 4 đầu dây buộc quan tài đã bỏ ngỏ, buộc vào đòn khiêng, làm phương tiện cho người chết lên mặt trăng, vạch lên mộ bên trái 2 vạch, tượng trưng cho đường đi lên nương và đường đi lấy nước), hoàn tất việc tang ma.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Khơ mú thờ đa thần. Họ tin rằng, mọi hiện tượng đều có ma, ma trời (hroi lvang) là to nhất, dưới ma trời có binh lính là giông bão, sấm sét. Ma đất (hroi plê) gồm ma đất từng nơi, dưới quyền ma đất có ma nương, ma rừng, ma bản. Ma thuồng luồng (Pru đồng) tượng trưng cho sức mạnh của nước suối. Ma nhà (hroi gang), ma tổ tiên (hroi ta dạ). Các ma có thể mang đến điều lành cho con người, nhưng đôi khi giận giữ ma cũng trừng phạt, gây họa cho con người. Vì thế, người Khơ Mú tổ chức nghi lễ cúng bày tỏ sự tôn kính ma và cầu cho con cháu, gia đình mạnh khỏe, không gặp hoạn nạn, rủi ro. Ứng xử với ma nhà (ma tổ tiên), dù nhà có 3 hay 5 gian, bao giờ người Khơ Mú cũng dành riêng gian đầu hồi thờ tổ tiên ông bà trên vách tiền và đặt 1 bếp để thờ ma bếp (táo công), bếp này chỉ được nấu xôi và cỗ cúng. Đặc biệt trước kia, trong thờ cúng tổ tiên, người Khơ Mú có một chiếc trống đồng, tượng trưng cho linh hồn tổ tiên, nó được sử dụng đánh liên hồi khi muốn đánh thức “hồn” tổ tiên dậy chứng giám lòng thành của con cháu. Nhưng từ lâu, tập tục này đã bị thất truyền. Vào đầu năm mới, đông đủ con cháu trong nhà, mỗi người bôi một chút máu gà lên đầu gối, dâng cúng 2 con gà để tiễn năm cũ chiều 30 và một con cúng giao thừa, kính cáo với tổ tiên 1 năm đã qua và cúng đón năm mới, cầu một năm mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Ngoài thờ cúng tổ tiên, dòng họ và ma bếp trong nhà, người Khơ Mú còn cúng một số thần và ma khác  như: cúng thần núi, thần rừng, thần khe suối để có nước làm ruộng, có gỗ làm nhà. Cúng ma rẫy để cầu mùa màng tốt tươi, cúng ma để xua đuổi bệnh tật, cúng ma cho người đi xa gặp may mắn…

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Nền văn học, nghệ thuật dân gian của người Khơ Mú rất phong phú, bao gồm: Truyện kể, thuyền thuyết, thần thoại… chủ yếu thông qua truyền miệng. Người Khơ Mú có làn điệu hát dân ca “Tơm” theo kiểu đối đáp, đậm tính sử thi, trữ tình, giàu hình ảnh của cây ngàn, khe suối, của lời tỏ tình giao duyên sâu lắng… Người Khơ Mú thích múa xoè, thổi các loại sáo dọc (píot), sáo nhiều ống (ho rơ), Pí Tơm, biểu diễn các bộ gõ: đàn trống (mbring rơbang), đặc biệt là thổi kèn môi, đàn dây (bring tơ hếch); tăng bu “Tằm đào”,  làmg bằng nứa khoét 2 lỗ nhỏ so le và vạc một đầu tách làm 2 để phát ra âm thanh.

Tăng boong bu là điệu múa gắn liền với canh tác nương rẫy và các lễ hội của đồng bào Khơ Mú như cầu mưa rơi, mừng lúa mới, chào xuân mới… Điệu múa tăng bu thường được biểu diễn với các điệu múa: Vêr guông (múa Âu eo), Tăng Bu, Tra hạt… Động tác múa uyển chuyển, nhịp nhàng, sôi động, uốn lưng là chính, nhưng nhìn giống kiểu lắc mông, uốn eo, xoay dần xuống rồi xoay dần lên. Quá trình canh tác trên nương, đồng bào Khơ Mú dùng gậy chọc lỗ (cây húng) bằng gỗ, vót nhọn đầu, bịt sắt để chọc lỗ, tra hạt. Trên ngọn húng có gắn một đoạn Grếch rỗng (khoảng 20 cm), trong đó có một mẩu gỗ cứng. Khi chọc lỗ tra hạt, lõi gỗ này văng lên, đập xuống, phát ra âm thanh, như bản nhạc rộn ràng. Nam giới chọc lỗ, đi giật lùi, nữ giới vừa tra hạt vừa tiến. Âm thanh của đoạn Grếch rỗng trên đầu gậy sôi nổi theo nhịp chọc lỗ, đã tạo ra nhịp điệu lao động. Cả tốp người, bên nam, bên nữ đi làm đổi công. Họ cùng chọc lỗ theo nhịp, làm cho buổi lao động trở thành buổi sinh hoạt văn hóa dân gian. Vì thế mà điệu múa Tăng bu (tăng boong bu) ra đời, biểu tượng cho mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Từng nhịp điệu tăng bu đều liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng về tình yêu đôi lứa. Màn hát múa “Âm điệu Tăng boong bu”, sáng tác: Nhạc sỹ Lương Tuyển do đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Nghệ An biểu diễn.

Dân tộc Khơ Mú có nhiều điệu múa và các làn điệu hát ca như hát tơm, hát mưa rơi…với lối hát đối đáp, đầy chất trữ tình, vui tươi. Đó là nguồn mạch quan trọng để các nghệ sỹ, nhạc sỹ tiếp tục phát triển dân ca dân tộc Khơ Mú trong cuộc sống hôm nay. Lời hát mang theo cuộc sống mới đang phát triển nhiều chiều của người Khơ Mú, mà người nghe vẫn thấy ẩn hiện các giá trị văn hóa truyền thống như lối canh tác chọc lỗ tra hạt, lễ hội văn hóa tộc người và những giá trị văn hóa phi vật thể đã được lưu giữ lâu đời. Phát triển dân ca dân tộc Khơ Mú – Nhạc và lời Hoàng Yến, do Lò Văn Việt và tốp nữ đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Sơn La biểu diễn.

Tết, lễ hội cộng đồng

Ngoài tết Nguyên đán, người Khơ Mú tổ chức nhiều lễ hội trong năm như cúng ma bản, cúng cơm mới/đón mẹ lúa, lễ hội mừng măng mọc… Tết: Tết cổ truyền (Mạz chiêng) nhộn nhịp từ ngày 27  tháng chạp, đến ngày 3 tháng giêng năm sau. Mỗi nhà đều dựng thêm bàn thờ thổ công (đón tổ tiên về chơi xuân ăn tết và kết thúc ngày 15/ mới dỡ bỏ để tiễn tổ tiên), trang hoàng bàn thờ tổ tiên và bàn thờ thổ công lộng lẫy, sặc sỡ với các loại giấy màu đỏ, biểu tượng cho hạnh phúc và may mắn. Mỗi nhà gói rất nhiều bánh chưng (ma gựp), lần lượt mổ một con lợn, chế biến các món ăn canh mọ, các món nướng: a lăm bót, a cơ nẹp, Or cun mọ; các món luộc, …để cúng tổ tiên, ma nhà (ngày mổ lợn tùy thuộc vào từng gia đình). Khi mổ lợn, gia chủ mời dân làng tới dự, chung vui ăn tết, cảm ơn bà con đã giúp đỡ trong cuộc sống. Đồng bào ăn tết cho tới 15/giêng, nên bánh chưng được gói liên tục nếu trong nhà hết bánh. Đêm 30 tết, sau giao thừa, người Khơ mú có tục “bói chân gà” nghe tiếng kêu con vật trước để dự đoán may rủi trong năm: nếu con gà kêu trước, năm đó sẽ mất mùa; nếu lợn/chó kêu trước, năm đó sẽ được mùa; nếu con mèo kêu trước, năm đó sẽ có nhiều chuột phá rẫy. Sáng sớm mồng một, đồng bào có tục dậy sớm ra suối lấy nước, cho cả nhà uống và rửa mặt lấy may. Ngày mồng hai, các gia đình thăm nhau và vui chảy hội. Trong các ngày lễ tết, trẻ em hay đánh cầu lông làm bằng lông gà, đánh quay và các trò chơi dân gian khác. Ngày 15/giêng, sau lễ “đuổi ma” về rừng, tết cổ truyền Mạz chiêng mới kết thúc, bàn thờ được dỡ bỏ, người dân kiêng đi chơi, ra đường, để hôm sau, mọi người lại bắt đầu bận rộn với vụ mùa mới.

Lễ cúng ma bản diễn ra vào tháng 2 âm lịch hàng năm, nhằm tạ ơn trời, đất, tinh hổ và ma bản  đã che trở cho bản làng trong năm cũ, cầu mong được phù hộ cho năm mới. Lễ vật gồm lợn, gà, rượu, xôi… do thầy mo chủ trì cúng lễ, cùng dân bản tham dự, cầu xin được phù hộ. Sau buổi lễ, mọi người cùng nhau ăn uống và nhảy múa. Trong 3 ngày liền, dân làng không ra khỏi bản, không gánh nước, không giã gạo, người lạ không được vào bản với ý nghĩa tôn trọng sự có mặt của các ma.

Lễ hội cầu mùa là nghi thức để tạ ơn tổ tiên và các thần đã biết tìm cây lúa, cây màu, cho mùa màng bội thu, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống no ấm, đầy đủ. Lễ hội gồm 4 nghi thức: cúng ma nhà, tổ tiên; lễ tôn vinh cây lúa, cây khoai sọ; lễ cầu mưa; lễ chọc lỗ tra hạt; … Phần lễ diễn ra nghiêm trang, nhưng sâu sắc, không kém phần sôi động bởi các tiết mục: múa tra hạt “Tẹ chư moi”, múa đao, múa đuổi chim, múa cá lượn (Tẹ cạ grang), thổi nhạc cụ Pilưmblang theo giọng tơm, múa cầu mùa (Te grơ). Sau phần lễ là các trò chơi dân gian đánh yến lông gà, đánh quay …