Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc La Hủ có hơn 9.651 người ( năm 2009)
Địa bàn cư trú: Người La Hủ sinh sống chủ yếu ở huyện Mường Tè, Lai Châu.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Dân tộc La Hủ có các tên gọi: Xá Lá Vàng, Cò Xung, Khù Sung, Khả Quy… và có ba nhóm địa phương: La Hủ Sủ – La Hủ Vàng, La Hủ Na – La Hủ Đen, La Hủ Phung – La Hả Trắng.
Ngôn ngữ: Tiếng La Hủ thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến, ngữ hệ Hán-Tạng.
Sản xuất nông nghiệp
Trước kia, người La Hủ sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy. Trên rẫy, đồng bào chủ yếu trồng ngô xen các loại canh rau cải, bầu bí, đỗ… Nông cụ đơn giản gồm: dao, cuốc nhỏ, cù ngoèo (thay gậy chọc lỗ tra hạt). Gần đây, họ chuyển sang trồng lúa nước trên ruộng bậc thang. Người La Hủ thường chọn đất trồng lúa trước, rồi mới đi tìm đất trồng ngô, đậu, sắn. Khi phát nương, họ không đốn hạ các cây lớn mà giữ lại để lại che nắng, giữ ẩm và để cho rừng tái sinh nhanh. Mùa tra hạt ngô, đồng bào theo cặp năm chọc lỗ, nữ tra hạt theo hướng đi lùi từ chân núi lên đỉnh núi. Trong canh tác, đồng bào có kinh nghiệm tìm nơi đất tốt, đoán định thời tiết, xem việc ra hoa kết trái của dâu da, muỗm, gạo, mà đoán định mùa màng.
Người La Hủ cũng chăn nuôi nhiều gia cầm, đặc biệt là đàn gia súc (trâu, bò, ngựa) để lấy sức kéo, hiến sinh trong các dịp tế lễ gia đình và bán lấy tiền. Phương thức chăn nuôi vẫn chủ yếu là thả rông, ban ngày các con vật nuôi phải tự đi kiếm ăn, chủ nhà chỉ cho ăn vào sáng sớm và chiều tối, trước khi về chuồng.
Kinh tế tự nhiên
Trước đây, người La Hủ giỏi săn bắt các loại thú rừng và đánh cá. Dụng cụ săn bắt có súng hỏa mai, nỏ và các loại bẫy. Có 2 cách săn: săn cá nhân và săn tập thể, săn cá nhân phổ biến hơn. Khi đi săn, người ta kiêng không nói là đi săn vì sợ “xúi quẩy”, sợ muông thú “thấy động” sẽ bỏ chạy hết. Hầu hết nam giới đều rất thành thạo trong việc làm các loại bẫy và thường xuyên đặt bẫy ở những nơi chim, thú đi qua, nơi bìa rừng hay nương rẫy. Người La Hủ ít săn tập thể, chỉ khi ai đó phát hiện được thú lớn về gần bản, người ta mới tổ chức vây đuổi. Khi đã bắt được con thú, người ta chia phần ngay tại rừng theo cơ chế: Người phát hiện bao giờ cũng được hưởng cái đầu và 4 chân, nửa bộ lòng và một đùi sau. Nếu là hổ thì được thêm bộ da và bộ xương, nếu là gấu thì được thêm túi mật. Phần còn lại được chia hai phần theo chiều dọc: một phần chia đều cho những người tham gia cuộc săn, phần còn lại mang về chia đều cho các gia đình trong bản. Ngày nay, để bảo vệ rừng, người La Hủ không săn bắt thú, họ chỉ đặt bẫy ngăn chặn thú phá hoại mùa màng.
Một số cư dân La Hủ sống ven sông, suối thường xuyên đánh bắt cá bằng nhiều hình thức: ruốc lá đắng, làm đăng, đặt đó, bắt cá bằng tay để cải thiện bữa ăn. ven sông, suối mang lại nguồn thức phẩm đáng kể cho bữa ăn của đồng bào, có nhiều hình thức: ruốc lá đắng, làm đăng, đặt đó, bắt cá bằng tay. Ngoài ra, người La Hủ còn bắt các loại nhuyễn thể như ốc, ếch ở các ao, vũng trong khe núi.
Trước kia, kinh tế hái lượm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào, sản phẩm thu hái trên rừng gồm: cây báng, cây móc, củ mài, củ ấu, hạt giẻ, các loại quả, rau, măng, các loại nấm, mộc nhĩ, mật ong… Đồng bào có phong tục đánh dấu những sản vật mà mình phát hiện ở trong rừng, nhưng chưa thu hoạch được, nếu ai vi phạm quyền sở hữu không phải chỉ đem trả lại toàn bộ mà còn phải mổ một con lợn, lo cơm rượu cho cả làng ăn một bữa. Trong việc thu hái tài nguyên quý, cây thuốc chữa bệnh sẵn, đồng bào yêu cầu người thu hái phải trồng một cây thay thế.
Nghề thủ công
Người La Hủ không biết trồng bông dệt vải, nhưng họ mua vải của các dân tộc trong vùng về tự cắt may y phục cho cả gia đình. Đồng bào rất giỏi đan lát và làm ra các sản phẩm: mâm cơm, ghế mây, chiếu mây, nong…tự phục vụ cuộc sống và đem trao đổi với các dân tộc khác để lấy vải, muối, dầu hỏa. Trước kia, nghề rèn khá phát triển, hàng năm vào ngày Ngựa trong tháng 10, các gia đình La Hủ làm nghề rèn đều cúng ông tổ nghề. Lễ cúng được thực hiện ngay bên lò rèn với tất cả công cụ rèn (búa, đe, kìm…) Ngày nay, nghề rèn bị mai một, một số ít người còn duy trì, chủ yếu để sửa nông cụ trước vụ canh tác hoặc thu hoạch.
Phương thức vận chuyển
Người La Hủ quen dùng gùi (đan bằng mây, giang, có quai đeo qua trán), ngựa để vận chuyển hàng hóa khi đi chợ hoặc các loại nông sản, thực phẩm từ rẫy về nhà. Ngoài ra, đồng bào còn dùng địu trẻ khi đi nương hay lúc làm việc nhà.
Trao đổi hàng hóa
Trước đây, phụ nữ La Hủ thường đem thịt thú rừng, nấm hương, thuốc phiện và các lâm thổ sản quý đổi lấy vải của các dân tộc khác hoặc đổi lấy bông để tự dệt thành vải. Hiện nay, đồng bào chủ yếu giao dịch bằng tiền. Vào các ngày chợ phiên, người La Hủ thường mang nông sản tự trồng, lâm sản, khai thác được đem bán lấy tiền mua nhu yếu phẩm thiết yếu, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.
Văn hóa mặc
Thường ngày, phụ nữ La Hủ mặc áo dài màu đen, trên ống tay trang trí bằng kỹ thuật thêu và đáp ghép các khoanh vải màu xanh, đỏ. Dịp lễ, tết, cưới xin… họ mặc thêm một chiếc áo ngắn, không có ống tay, nhưng được đính trang trí khá cầu kỳ ở cổ áo, nẹp ngực, phía trước còn đính thêm nhiều đồng xu bạc, nhôm và các bông chỉ đỏ. Phân biệt giữa y phục người già và thiếu nữ La Hủ khá rõ nét: Phụ nữ lớn tuổi thường chọn loại áo có cánh tay trang trí màu chủ đạo là viền xanh đen xen kẽ, con gái La Hủ mặc loại áo cánh tay có nhiều sắc đỏ, thể hiện sức trẻ và niềm tin yêu cuộc sống. Khăn đội đầu của phụ nữ có nhiều phụ kiện, được ghép bằng vải, hạt cườm, tua len các màu, tạo các núm bông dựng ngược trên đầu. Nam giới La Hủ mặc áo 5 thân hoặc 4 thân, kiểu xẻ nách, cài cúc bằng nút vải tết; mặc quần kiểu chân què, cạp lá tọa, khi mặc, gập cạp 1 khoảng, dùng dây lưng vải thắt ngoài cho chặt. Phụ nữ La Hủ đeo nhiều đồ trang sức bằng bạc: vòng cổ, vòng tay, nhẫn mua từ người Hà Nhì hoặc người Thái.
Văn hóa ẩm thực
Nguồn lương thực chính của đồng bào La Hủ là gạo tẻ, gạo nếp và ngô. Gạo tẻ nấu thành cơm ăn hàng ngày, gạo nếp đồ thành xôi trong chiếc chõ gỗ. Ngô được xay thành hạt nhỏ, nấu độn νới gao tẻ, hay giã thành bột rồi đồ bằng chõ. Đồng bào còn khai thác củ mài, bột cây báng, cây cọ, chế biến thành thức ăn khi mất mùa, vụ giáp hạt. Người La Hủ biết chế biến nhiều loại thức ăn: chế biến rau dại thành các món chua/xào, luộc; chế biến các món thịt, cá… (động vật) theo cách xào, nướng (cá, thịt nướng than hồng; sâu chít gói lá, vùi tro nóng; trứng kiến nướng trong ống tre), làm chua (thịt thái lát, cá mổ bỏ ruột, ếch làm sạch chặt khúc… ướp muối, tẩm gia vị, cho vào ống tre bịt kín, đặt cạnh bếp lửa khoảng 10 ngày là ăn được). Để bảo quản thịt ăn lâu ngày, đồng bào còn sấy khô, để trên gác bếp.
Văn hóa ở
Trước đây, người La Hủ sinh sống trong những lều tạm xung quanh nương rẫy du canh. Nhà lợp mái bằng lá cây xanh, đến khi lá vàng lại chuyển đi ở nhà khác, nên người ta còn gọi người La Hủ là Xá Lá Vàng. Ngày nay, thực hiện chính sách định canh định cư, họ chuyển xuống lập bản ở địa bàn thấp hơn. Mỗi bản quây quần vài chục nóc nhà, phần lớn là nhà trệt, vách thưng phên tre đan hoặc trình tường. Tùy theo từng gia đình, nhà mở cửa ở đầu hồi hay trước nhà. Trong nhà, gian giữa là nơi ngủ của vợ chồng chủ nhà và đặt bếp nấu ăn; trên vách phía sau đặt bàn thờ tổ tiên; một đầu nhà là nơi nghỉ của con cái và khách, đầu kia đặt cối giã gạo và các đồ gia dụng. Ngày nay, người La Hủ đã có nhà xây bằng gạch, lợp ngói hoặc đổ bê tông. Những năm gần đây, đồng bào bắt đầu định canh, định cư có sự quản lý của trưởng xóm và những người già làng có kinh nghiệm sản xuất và tổ chức cuộc sống.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Cách đây khoảng chục năm, người La Hủ cư trú phân tán thành nhiều xóm nhỏ với thành phần dân cư thay đổi thường xuyên do lối sống du canh. Người La Hủ có nhiều dòng họ, mỗi dòng họ có nhiều ngành, mang ý nghĩa tô tem giáo, như: họ Vàng có ngành Pà Thô Ngá (chim gõ kiến), họ Ly có ngành La Ló (con hổ), ngành Phụ La Thó (con sóc nâu). Xã hội La Hủ chưa có sự phân hoá giàu nghèo. Quan hệ dòng họ lỏng lẻo, không có người đứng đầu, nên ít có sự cố kết và không có nghi lễ cúng bái chung cho cả họ. Người La Hủ phổ biến là gia đình nhỏ phụ quyền, tài sản được chia cho các con trai, không kể con đầu hay con thứ. Con gái đi lấy chồng được chia của dưới dạng của hồi môn. Phụ nữ được tham gia vào bàn bạc giải quyết công việc trong gia đình song có ít vai trò xã hội.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Người La Hủ hôn nhân một vợ, một chồng, bền vững, ít có trường hợp li dị. Trai gái La Hủ được phép tự do yêu đương khi đến tuổi lập gia đình. Đồng bào nghiêm cấm hôn nhân cùng dòng họ, nhưng cho phép lấy nhau khác ngành; chấp nhận hôn nhân con cô con cậu, con dì con già, không ngăn cấm hôn nhân ngoài dân tộc. Việc cưới hỏi được tiến hành qua các bước: hỏi, cưới, lại mặt. Trong lễ hỏi, nhà trai bắt buộc phải đưa sang nhà gái bạc trắng và số thịt sóc theo số chẵn (không ít hơn 4, nhưng cũng không nhiều hơn 8 con). Nếu nhà rể nghèo, không có bạc, chàng trai phải ở lại làm rể (trước kia từ 8-12 năm, hiện nay chỉ còn từ 2-4 năm). Nếu lễ ăn hỏi có số con sóc là số chẵn, thì lễ cưới quy định đoàn đi đón dâu phải là số lẻ, trong đó, nhất thiết phải có hai ông “mối” và chàng rể. Khi đoàn rước dâu về đến nhà, mẹ chồng đứng đợi ở cửa, lấy một nắm gạo xoa lên lưng con dâu, ngụ ý “xóa hết cỏ để con dâu không mang cỏ về, trên nương sẽ không có nhiều cỏ mọc”. Trước đây, phụ nữ La Hủ có tục sinh đẻ ngay tại buồng nhà, 3 ngày sau mới đặt tên cho đứa trẻ. Trong thời gian ở cữ kiêng không cho người lạ vào thăm, người nhà lấy cành lá xanh treo trước cửa vừa để báo hiệu cho mọi người biết vừa xua đuổi tà ma. Nếu người nào vô tình, chót vào thăm rồi, phải buộc chỉ cổ tay cho sản phụ để cầu chúc sức khỏe cho hai mẹ con. Ngày nay, chị em sinh con tại trạm y tế của xã.
Tập tục tang ma
Khi nhà có người qua đời, người ta bắn 2 phát súng để báo cho họ hàng, làng xóm biết. Người chết được tắm rửa sạch sẽ và đặt trên chiếu ở giữa nhà, bên cạnh đặt chiếc gậy để người chết “sống” có cái chống ở thế giới bên kia. Khi khâm liệm, người ta lấy một đồng bạc trắng chặt thành 9 mảnh, cho vào mồm người chết, rồi đặt nằm theo hướng nhà (gần cây cột thiêng). Quan tài làm từ thân cây gỗ bổ, phần to làm hòm, phần nhỏ làm nắp. Khi nhập quan, đầu thi hài nằm ở phía ngọn cây, còn chân ở phía gốc cây. Những ngày tang lễ, người chết được cúng cơm vào các bữa ăn. Ngày an táng, người La Hủ kiêng các ngày Dần và ngày sinh của con cái, ngày mà trước đó đã có người nhà mất. Khi khiêng quan tài ra khỏi nhà, đồng bào lấy tro bếp rắc đều xuống nơi đã đặt quan tài, rồi lấy sàng úp lên. Sau khi mai táng xong trở về, chủ nhà nhấc sàng lên xem tro có vết chân con gì không. Nếu có vết chân, có nghĩa là linh hồn người chết đã hoá kiếp tái sinh thành con vật đó. Khi hạ huyệt, mỗi người đưa ma phải cắm một que tre hay một lá cỏ gianh xuống cạnh quan tài, rồi cùng lấp; khi nào lấp được một nửa, mới rút que tre, lá gianh của mình lên, vứt về phía nhà mình và nói “đi về đi”, tức là bảo linh hồn mình đi về nhà, đừng đi theo linh hồn ma. Từ đó, không cải táng phần mả, chỉ thờ linh hồn tại nhà con trai cả, người con cả mất bàn thờ được chuyển sang thờ linh hồn cha mẹ tại nhà con trai thứ.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Dân tộc La Hủ quan niệm mọi vật đều có linh hồn (hồn vật, hồn người và hồn ma). Con người là thực thể phức tạp, nên có 12 hồn, nếu hồn bị thất lạc thì người bị ốm, hồn mất thì người chết về với tổ tiên. Vì vậy, đồng bào rất coi trọng thờ cúng tổ tiên để được phù hộ. Bàn thờ tổ tiên là một tấm phên đan bằng tre hay nứa, treo ở phía trên đầu chỗ ngủ của chủ nhà (sát vách hoặc mái nhà). Người La Hủ Trắng không cúng vào ngày bố mẹ chết, mà cúng tổ tiên mỗi tháng một lần và 3 dịp lễ, tết trong năm (Nguyên đán, cơm mới và cúng bản). Lễ vật cúng duy nhất là cơm gói trong lá rừng. Hai nhóm, La Hủ Vàng và Đen lại cúng tổ tiên 4 lần trong năm. Lễ vật cúng gồm một con gà trống đỏ, hai bát gạo, hai chén rượu, một bát thịt và vài củ gừng. Tất cả đặt lên giường, cạnh cột ma nhà. Trước khi cúng, người ta gắn một số lông đuôi và lông cánh gà vào cột để cho ma biết nơi đặt mâm lễ vật cúng. Chủ nhà đích thân làm lễ cúng, cầu mong tổ tiên phù hộ cho gia đình mọi điều tốt lành.. Ma có hai loại: Ma lành là ma nhà, ma tổ tiên, ma bếp, ma vách, ma sét, ma gió… phù hộ cho con người sức khoẻ, may mắn. Ma dữ là ma rừng, ma suối, ma trẻ ranh, ma đá, ma cây đa, ma đất, ma của những người chết xấu… luôn tìm cách hại người. Để cho khỏi bị ma dữ làm hại, hàng năm, phải cúng lễ cho chúng.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Người La Hủ có nhiều truyện kể dân gian như: truyện cười, cổ tích về quả bầu, về sự tích của mặt trời, mặt trăng, hạt lúa, cây ngô, những truyện về hổ, ma quỷ… Bên cạnh đó, đồng bào còn có nhiều tục ngữ, thành ngữ đúc kết kinh nghiệm của tổ tiên trong lao động sản xuất, trong ứng xử với thiên nhiên. Nhạc cụ của người La Hủ có sáo, khèn, đàn môi. Thanh niên thường dùng khèn, đàn môi khi tâm sự, tìm hiểu bạn gái. Các cô gái La Hủ thường thổi sáo để bày tỏ nỗi niềm tâm sự trong tình yêu và cuộc sống. Trong dịp lễ, tết, đám cưới, mừng nhà mới, thanh niên nam nữ còn có lối hát giao duyên giàu chất trữ tình.
Tết, lễ hội cộng đồng
Người La Hủ có một số ngày lễ tết lớn trong năm như: Nguyên đán, cơm mới, mùa mưa, lễ hội cúng bản… Nguyên Đán là tết quan trọng nhất trong năm của người La Hủ, được tổ chức khi mùa thu hoạch kết thúc (khoảng cuối tháng 12 Dương lịch). Đây là dịp đoàn tụ của gia đình, cộng đồng. Thời gian ăn tết kéo dài 3 ngày, tránh ngày mất của bố, mẹ. Ngày đầu tiên, những người trong dòng họ đến nhà đặt ban thờ tổ tiên chúc Tết. Sau 12 giờ trưa, các gia đình trong bản mới đến nhà nhau. Trong 3 ngày này, họ kiêng sát sinh chó, dê, những con vật gần gũi, thân thiết với người, để tránh gặp xui xẻo. Tết Mùa mưa được tổ chức vào tháng 6 âm lịch. Đây là dịp để người ta thực hành các nghi lễ cúng tế mong sự bình an, may mắn, sức khỏe, mùa màng tươi tốt. Ngoài ra, vào đầu tháng 10 hoặc 11 âm lịch, đồng bào tổ chức ăn Tết cơm mới. Trong dịp này, người ta kiêng 3 ngày không đi hái rau, lấy củi, chặt cây, phát cỏ trong rừng để cầu mong cây trồng tốt tươi, mùa màng bội thu. Lễ cúng bản cũng là một trong những ngày lễ truyền thống được tổ chức vào ngày Dần (tháng 3 âm lịch hàng năm). Người La Hủ quan niệm, nếu bản nào có nhiều người chết, nhiều thiên tai thì cả bản phải tập trung lại tổ chức cúng lễ đuổi tà ma xấu không đến quấy nhiễu cuộc sống của người dân. Cùng với các lễ nghi trên rừng, tại các bản còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Các chàng trai, cô gái La Hủ với những bộ trang phục mới, sặc sỡ say sưa hòa mình trong các trò chơi dân gian hay các điệu dân ca dân vũ trong tiếng trống chiêng rộn ràng.