Từ ngày 29 – 31/5/2018, Hội nghị toàn thể Ủy ban Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) lần thứ 8 được tổ chức tại Gwangju, Hàn Quốc, với sự tham gia của 125 đại biểu đến từ 28 quốc gia.
Một trong những nội dung quan trọng tại cuộc họp lần này, Hội nghị đã xét duyệt 10/12 hồ sơ trình ghi danh di sản tư liệu khu vực của 8 quốc gia: Tuvalu, Mianma, Trung Quốc, Philippin, Hàn Quốc, Úc, Việt Nam và Đảo Salomom. Vào lúc 17giờ 05phút (Hàn Quốc) tức 17giờ 05phút (Việt Nam), ngày 30/5/2018, Hội nghị toàn thể Ủy ban Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) của UNESCO lần thứ 8, đã nhất trí ghi danh hồ sơ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” của Việt Nam vào danh sách Di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Vào giữa thế kỷ XVIII, hoạt động đi sứ giữa Trung Hoa với các nước nói chung và giữa Trung Hoa với Việt Nam nói riêng được tăng cường. Từ năm 1758, Nguyễn Huy Oánh (1713 – 1789) đã được đưa vào danh sách để lựa chọn làm Phó sứ cho chuyến đi sứ dự định vào năm 1760, và năm 1764 ông được chọn làm Chánh sứ đi Yên Kinh vào năm 1766 – 1767. Năm 1732, Nguyễn Huy Oánh đỗ đầu kỳ thi Hương, năm 1748 đỗ Đình nguyên Thám hoa, làm quan đến Thượng thư bộ Công, bộ Lễ, Tế tửu Quốc Tử Giám, tước là Thạc Lĩnh hầu. Ông là nhà ngoại giao, từng tiếp sứ nhà Thanh năm 1761, dẫn đầu đoàn sứ bộ sang Trung Hoa năm 1766 – 1767, từng giao tiếp với sứ thần Triều Tiên và Nhật Bản. Ông sáng lập và là chủ nhân Trường học và Thư viện Phúc Giang, đây là trường học tư nhân nổi tiếng nhất trong lịch sử, góp phần mở rộng nền giáo dục Nho học tới khu vực miền Trung Việt Nam trong thế kỉ XVIII. Học trò ông có hơn 30 người đỗ Tiến sĩ. Ông để lại 40 đầu sách về nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lý, văn thơ, y học, ngoại giao….
Đoàn sứ bộ của Nguyễn Huy Oánh khởi hành từ Hà Nội ngày 9 tháng Giêng năm 1766, qua biên giới ngày 29 tháng Giêng, theo đường bộ đến châu Ninh Minh, từ đây đi thuyền theo đường thủy qua Nam Kinh, đến châu Tế Ninh thì đi bộ đến ngoài thành Bắc Kinh. Sau gần hai tháng ở Bắc Kinh, thực hiện các thủ tục ngoại giao, ngày 16 tháng 2 năm 1767, đoàn lên đường về nước, theo đường cũ, ngày 8 tháng 11 năm 1767 về tới Hà Nội. Trong quá trình đi sứ gần 2 năm, Nguyễn Huy Oánh đã có nhiều trước tác về hành trình, ông tham khảo nhiều sách của Trung Hoa, biên tập, tóm tắt các bộ sách lớn của Trung Hoa về danh thắng, địa chí…. để về phổ biến trong nước, đồng thời so sánh hành trình của mình với các tư liệu trước đó, hoàn thiện tập Hành trình đi sứ Trung Hoa.
Hành trình đi sứ Trung Hoa (tức Hoàng hoa sứ trình đồ 皇華使程圖) là sách với phần chính là tập bản đồ ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ XVIII do Nguyễn Huy Oánh 阮輝? biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765 – 1768 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766 – 1767 do ông làm Chánh sứ.
Sách Hoàng hoa sứ trình đồ. Ảnh: Nguyễn Mỹ
Người sao chép cuốn sách này là Nguyễn Huy Triện (1852 – 1909), cháu 5 đời của Nguyễn Huy Oánh, từng làm việc ở Quán Nho lâm, tham gia Hội văn huyện La Sơn,tác giả dòng văn họ Nguyễn Huy. Hành trình đi sứ Trung Hoa hiện được lưu giữ là bản sao chép tay duy nhất còn tồn tại, được con cháu dòng họ lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu, nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Danh mục di sản là sách khổ 22 x 14 cm, đóng theo kiểu xưa gồm 119 tờ (mỗi tờ sẽ ghi chú 2 trang a và b), thành 238 trang, chất liệu giấy dó, chữ Hán viết tay. Lòng trang sách có đường kẻ viền khung, bốn xung quanh, đầu trang có2 đường kẻ ngang, chân trang và hai bên trái phải 1 đường kẻ ngang. Trừ phần bản đồ vẽ bằng mực đen tô mực đỏ và màu xanh tím than, các phần nội dung ghi chép thông thường viết bằng mực đen. Văn bản sử dụng 3 màu cơ bản, trong đó màu đen dùng để vẽ các đường nét, màu đỏ dùng để tô lòng sông, lòng đường, lá cờ, tường thành, vv…màu xanh tím than dùng để tô các dãy núi. Nét vẽ đơn giản nhưng sắc nét, tinh tế, tạo thành các bức tranh đẹp, sống động. Các trang khi ghép lại liên tục sẽ thành một bức tranh kéo dài từ Hà Nội đến Bắc Kinh theo đường đi sứ. Chữ viết đẹp, rõ ràng, dễ đọc. Tính mạch lạc của bản đồ cao.
Hành trình đi sứ Trung Hoa là di sản tư liệu phong phú xung quanh đi sứ Trung Hoa của các sứ thần Việt Nam, bao gồm 7 nội dung chính gồm: Hoàng Hoa dịch lộ đồ thuyết “皇華驛路圖說” (Thuyết minh hành trình), Lưỡng kinh trình lộ ca “兩京程路歌”(Bài ca về lộ trình giữa hai kinh đô), Sứ trình bị khảo “使程備考” (Lược ghi đường đi phần Việt Nam), bản đồ hành trình, Bản quốc tự thần kinh tiến hành lục lộ 本國自神京進行陸路 (Tuyến đường bộ đi từ kinh đô Việt Nam), Bắc sứ thủy lộ trình lý số北使水陸路程里數 (Độ dài cung đường thủy bộ hành trình đi sứ phương Bắc) và Quốc sơ kiến cung điện國初建宮殿 (Buổi đầu xây dựng cung điện). Cuối sách là Bài Tựa của Nguyễn Huy Triện (1852-1909), là cháu 5 đời Nguyễn Huy Oánhvà là người sao chép năm 1887.
Sau khi được lựa chọn cử đi sứ, từ năm 1758, Nguyễn Huy Oánh đã ý thức được việc cần chuẩn bị kỹ cho chuyến đi của mình, việc ông sưu tìm tư liệu của các đoàn sứ bộ trước, trong đó có tư liệu của thầy ông là Nguyễn Tông Quai, biên tập, hiệu đính, chú thích để phục vụ cho chuyến đi của mình. Sau đó ông lại so sánh với chuyến đi của mình, chỉnh sửa lại, nhằm lưu giữ và phục vụ cho các đoàn sứ sau, cũng như việc truyền bá kiến thức về đất nước Trung Hoa.Việc làm có truyền thống này của ông, khẳng định tính xác thực của văn bản gốc.
Tính xác thực của di sản cũng có thể được đối chiếu qua các tài liệu chính sử của Trung Hoa về cách thức, nghi lễ đón tiếp các đoàn sứ bộ; qua các tài liệu chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục; cũng như qua các sách khảo cứu như Bắc sứ thông lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch và được kiểm chứng qua tập nhật ký đi sứ của Nguyễn Huy Oánh, Phụng sứ Yên Đài tổng ca, ghi chép lại hành trình đi sứ của ông, thời gian qua các địa điểm, nghi lễ ngoại giao ở các Châu, phủ huyện, thành…của Trung Hoa, sách đã được khắc in cuối thế kỷ XVIII, biên dịch và xuất bản năm 2014, hay được khẳng định qua một số tư liệu: về việc Nguyễn Huy Oánh giao tiếp làm thơ tặng sứ thần Cao Ly và sứ thần Nhật Bản; các tư liệu đề tặng của quan lại Trung Hoa cho Nguyễn Huy Oánh trong chuyến đi sứ. Trong hai trang 1a và 105b hai phần có ghi rõ năm 1765 – Nguyễn Huy Oánh biên tập. Trang 118a ghi rõ Nguyễn Huy Triện sao tháng 2 năm 1887, hơn 20 ngày.
Chất liệu giấy dó với tuổi thọ/niên đại và các dấu hiệu về phong cách, kỹ thuật đóng sách khẳng định tính xác thực của di sản.
Bản sao duy nhất còn Hành trình đi sứ Trung Hoa là tập tư liệu độc đáo hiện còn lưu giữ được, tổng hợp đầy đủ về hành trình đi sứ có giá trị nhiều mặt: từ địa lý học đến sử học, dân tộc học và mỹ thuật văn học. Đây là tập tư liệu còn lưu giữ được của một dòng họ về quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa, một hình thức ngoại giao mà ngày nay không còn tồn tại. Các bản đồ cùng chú thích tỷ mỷ về từng phủ huyện, cung đường, đò trạm, sơn xuyên, khe ngòi, đồng ruộng, dinh thự, phố bãi, cầu đập,…rất khó ngụy tạo.
Tính độc đáo, duy nhất của tập tài liệu này thể hiện ở các điểm sau:
– Bố cục của tập sách: các đoạn đường thủy bộ, khoảng cách, nghi lễ ngoại giao…thành một tập hợp về hành trình đi sứ.
– Chữ viết trên mộc bản là chữ Hán.
– Trên cơ sở tham khảo, biên tập các tài liệu của các sứ bộ trước và bổ sung phần thực tế qua cuộc đi của chính Nguyễn Huy Oánh, thành một tư liệu rất có ích cho các đoàn sứ bộ sau và lưu giữ trong gia tộc. Phương pháp soạn sách tổng hợp thành một tư liệu phục vụ công tác ngoại giao thời thế kỷ XVIII, vẫn còn có ý nghĩa kinh nghiệm cho việc biên soạn tài liệu ngoại giao hiện nay.
– Hiện tại, Hành trình đi sứ Trung Hoa có sức lôi cuốn các nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá và so sánh các nghi thức ngoại giao, đặc biệt ở các nước trong khu vực. Là hiện vật quý hiếm, cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nhiều lĩnh vực như: văn hóa, địa lý, lịch sử, đời sống kinh tế – xã hội của Trung Hoa thời thế kỷ XVIII.
Hành trình đi sứ Trung Hoa là tư liệu quý hiếm về hành trình đi sứ thế kỷ XVIII được lưu giữ trong dòng họ của chính vị sứ thần xưa. Đây là các tư liệu gốc giúp nghiên cứu quan hệ ngoại giao thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn lịch sử giữa thế kỷ XVIII. Bản sao hiện tại là độc bản được viết, vẽ bằng tay, không có bản đúp nên nếu bị mất hoặc hư hỏng thì sẽ rất khó khôi phục. Sách đã được Trung tâm lưu trữ Quốc gia I tu bổ lại. Hiện sách vẫn còn đầy đủ các trang bên trong, thể hiện toàn vẹn nội dung tác phẩm. Với những giá trị đặc biệt về nội dung, cuốn sách đã trải qua thời gian gần 150 năm với bao biến cố của thời gian, chiến tranh, thiên tai…, xứng đáng trở thành một bảo vật trong kho tàng di sản tư liệu của Việt Nam và thế giới.
Khánh Ngân – Nguyễn Mỹ