Về miền văn hóa dân gian và lễ hội

Các lễ hội trải rộng trên nhiều địa phương xứ Lạng

Lạng Sơn – mảnh đất biên cương Tổ quốc, thật ấn tượng với nét văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng riêng. Đây là nơi hội tụ và sinh tồn của 7 dân tộc anh em: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Mông và Sán Chay qua hàng nghìn năm lịch sử.

Đặc sắc văn hóa dân gian

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới với hơn 250 km đường biên, có cửa khẩu quốc tế và quốc gia, cửa ngõ giao lưu kinh tế và văn hóa. Đây là nền tảng cơ bản tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của tỉnh. Tại đây còn lưu giữ kho tàng văn nghệ dân gian khá phong phú như: Truyền thuyết, cổ tích, ca dao, tục ngữ… Với những lợi thế về địa lý và truyền thống văn hóa sẵn có, Lạng Sơn đã tạo được nét chấm phá riêng, độc đáo để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.

Nhắc đến văn hóa phi vật thể của Lạng Sơn, người ta nhớ tới kho tàng dân ca, dân vũ vô cùng phong phú. Trong đó, khúc hát sli mượt mà đã từng được đưa vào câu tục ngữ: “Đêm ốm dài, đêm sli ngắn”; khúc hát đồng dao tinh nghịch hay những đêm hát lượn của trai gái khi trưởng thành như “Đứng thuyền hái hoa”, “Bốn mùa”,…

Sống giữa cảnh núi rừng hùng vĩ đầy huyền bí, các dân tộc Lạng Sơn đã có những khái quát cụ thể về hiện tượng mưa, nắng, hạn hán, lũ lụt…, thành những câu nói ngắn gọn, những kinh nghiệm đối phó với thiên nhiên có hiệu quả nhất, từ việc tổ chức lao động sản xuất theo thời vụ trong năm, trong tháng, đến thời gian làm, tu sửa nhà cửa, tổ chức các nghi lễ gia đình, để không bị động trước những bất trắc của tự nhiên và làm chủ cuộc sống. Nội dung đó được ghi lại trong những câu tục ngữ, ca dao, dân ca, dân vũ, câu đố, truyện cổ tích, truyền thuyết; trong lời hát then, phong slư, hát quan làng, hát sli; trong điệu múa chầu, múa xiêng tâng…

Ca dao, đồng dao là 2 thể loại văn học dân gian rất phổ biến ở các vùng trong tỉnh. Nội dung gần gũi, gắn với cuộc sống hàng ngày của bà con. Như bài ca dao chúc mừng năm mới “Chúc mừng phát tài/ Tháng giêng năm mới/Làm gì cũng may/ sắm gì được nấy”…, hay bài ca ru con, chọn vợ… Ở thể loại đồng dao, Lạng Sơn có số lượng khá đồ sộ, phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống về tuổi thơ, hay chế giễu, phê phán những người lười lao động, kẻ nghiện ngập…

Trong văn nghệ dân gian các dân tộc xứ Lạng phải kể đến nét đặc sắc của một “kho tàng” trò chơi, như trò sỹ, nông, công, thương (trò kén rể) trong lễ hội Lồng tồng, hay trò múa sư tử, trò múa võ (Oóc quyền), trò cầu mùa, trò bôi mặt nhọ (Ná Nhèm)… Cùng với đó là sự độc đáo của các trò chơi tung còn (thọt còn), chơi cờ tướng, cờ lài, thi chọi chim họa mi (Nộc Tiêu tò ót), thi đánh yến, đánh sảng, đánh đáo, đánh bi, đánh khăng, đi cà kheo, trò bắn chân vịt, trò kéo cày…

Mùa xuân và những lễ hội

Song hành với những nét đặc sắc về văn hóa dân gian, Lạng Sơn là vùng đất của những lễ hội, đặc biệt là những lễ hội mùa xuân… Có thể điểm qua một số lễ hội tiêu biểu:

 Hội Đền Mẫu Đồng Đăng (10 tháng Giêng âm lịch): Đền thờ Phật Quan Âm Bồ Tát và Mẫu Cửu Trùng Thiên, kiến trúc theo kiểu “tiền Thánh, hậu Phật”. Vào ngày hội, không chỉ riêng nhân dân trong tỉnh mà còn có rất nhiều du khách tham dự.

Hội Quỳnh Sơn (12-13 tháng Giêng âm lịch): Hàng năm, vào ngày này người dân Làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn) tổ chức lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) và lễ rước kiệu vị tướng Dương Tự Minh (quan thời Lý) – người có nhiều công lao với nhân dân địa phương. Lễ hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian như: Hát sli, hát ví, đu quay và thi các môn thể thao… Tại lễ hội còn tổ chức thi giã gạo và gói bánh chưng, thi cày giữa các thanh niên trong xã để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Hội Bủng Kham (12 tháng Giêng âm lịch): Diễn ra tại xã Đại Đồng (huyện Tràng Định). Hội mang đậm nét đặc sắc của văn minh nông nghiệp, với nhiều trò chơi dân gian như: Tung còn, đẩy gậy, kéo co, cờ người, giao lưu đối đáp dân ca, hát phong slư, then, sli, lượn.

 Hội Tam Thanh và Hội Lồng tồng Khòn Lèng (15-16 tháng Giêng âm lịch): Hội Tam Thanh gắn với chùa Tam Giáo ở động Nhị Thanh và chùa Tam Thanh ở động Tam Thanh trong quần thể khu danh thắng Nhị – Tam Thanh, thành nhà Mạc, núi nàng Tô Thị. Về phần hội, bao gồm những hoạt động: Đánh cờ người, thi múa võ dân tộc, ném còn và các làn điệu sli, then, lượn…

Hội chùa Bắc Nga (15 tháng Giêng âm lịch): Chùa nằm sát bên dòng sông Kỳ Cùng, là nơi vừa thờ Tiên, vừa thờ Phật. Ngày hội có cúng tế mời Tiên, mời Phật về phù hộ cho dân chúng được bình an, hạnh phúc. Hội có múa sư tử, hát sli, lượn…

 Hội chùa Tiên (18 tháng Giêng âm lịch): Chùa nằm trong lòng núi Đại Tượng, là nơi thờ Tiên, thờ Phật. Hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian: múa sư tử, đánh cờ người, hát sli, then, lượn, diễn xướng dân gian…

 Hội Thồng Báo Slao (21 tháng Giêng âm lịch): Đây là nơi người Tày, người Nùng có thể tìm được một nửa của mình, hay đơn giản chỉ là ôn lại chuyện tình đã qua. Hội không có phần lễ, mà chỉ có phần hội, với những tiết mục văn nghệ, làn điệu Sli, lượn và các trò chơi dân gian như: kéo co, tung còn, múa võ dân tộc…

 Hội Tả phủ – Kỳ Lừa (22-27 tháng Giêng âm lịch): Là lễ hội lớn nhất ở Lạng Sơn. Đền Kỳ Cùng là nơi thờ quan lớn Tuần Tranh. Đây là vị thần thuộc hàng Ngũ vị quan lớn (chỉ sau hàng Mẫu). Bên cạnh đó, đền còn thờ Đức Kỳ Cùng Đại Vương (ông Cộc, ông Dài – vị thần của sông Kỳ Cùng). Hội gắn với truyền thuyết dân gian về việc quan Tuần Tranh được vị quan Thân Công Tài giải oan… Hội diễn ra nhiều hoạt động: Nghi thức rước kiệu, cướp đầu pháo, múa sư tử, múa rồng, đánh cờ người, thi múa võ dân tộc, kéo co, hát sli, then, lượn…

 Hội  đền Vua Lê (23 tháng Giêng âm lịch): Tại xã Hoàng Đồng, TP.Lạng Sơn. Hội là dịp để nhân dân trong tỉnh tri ân các bậc danh nhân, anh hùng có công với dân, với nước trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn…

 Hội Hải Yến (28 tháng Giêng âm lịch): Đây là lễ hội vẫn còn lưu giữ được các giá trị văn hóa truyền thống của người Nùng, với những bộ trang phục dân tộc đặc trưng, các đội sư tử sặc sỡ sắc màu đồng diễn, những màn biểu diễn võ dân tộc và các trò chơi dân gian (đi cà kheo, hái còn, đẩy gậy, kéo co, hát sli, lượn…).

Theo Congthuong