Ở Nga mọi người thường nói rằng “Đón Năm Mới ra sao, thì cả năm sẽ y như thế”. Tuân theo nguyên tắc này, trong Năm Mới mọi người đều vui chơi thoải mái. Nhân đây cũng cần nói thêm, ở Nga lễ hội Năm Mới là dài nhất trong năm, kỳ nghỉ tới 10 ngày. Bây giờ chúng ta sẽ nói về những truyền thống Năm Mới của người Nga.
Ở xứ Nga cổ xưa, gần tới ngày hội Năm Mới người ta chuyên tâm trồng cây anh đào. Từ cuối thế kỷ 18, biểu tượng trung tâm của không gian lễ hội là cây thông xanh. Theo truyền thống, một số người mua cây thông tươi và đặt trong nhà. Một số khác chọn cây thông nhân tạo. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào cây thông cũng phải được trang hoàng thật lộng lẫy bằng bóng điện nhấp nháy, những quả cầu thủy tinh đủ màu sắc và chuỗi hạt, dây trang kim lóng lánh. Mọi bận rộn ngày hội bắt đầu từ trước đêm Giao thừa khá lâu. Mọi người loại bỏ những đồ vật vô dụng, gói ghém quà tặng đặt dưới gốc thông dành cho những người thân. Về chiều, bắt đầu soạn bàn tiệc.
Hiện hữu điều mê tín như sau: trước khi bước sang Năm Mới, cần rũ bỏ tất cả những hờn giận và trả hết nợ nần. Nhắc nhở về chi tiết này có bài hát mà chúng tôi mời các bạn nghe sau đây. Tốp ca nữ “Blestyashie – Lấp lánh” gửi đến thính giả nhạc phẩm Năm Mới.
Mọi người đều chờ đợi điều kỳ diệu trong Năm Mới, cả người lớn và trẻ em. Các bạn có nghe tiếng những bước chân?
Ai đang đi vậy? Tất nhiên đó là Ông già Tuyết. Năm Mới chẳng thể nào thiếu nhân vật mặt đỏ hồng hào và chòm râu dài bạc phơ cùng túi quà trên vai. Nói chung thì Ông già Tuyết của Nga thường di chuyển bằng xe trượt tuyết do ba con ngựa kéo. Trang phục của Ông già Tuyết có mấy bộ khác nhau. Diện nhất là áo chòang màu đỏ thắm, dành cho những chuyến công du mùa đông long trọng. Ông già Tuyết mặc trang phục này Matxcơva trong ngày hội. Còn tại các Lễ hội Cây thông Năm Mới, Ông già Tuyết mặc áo choàng màu xanh đậm. Khi đón khách tới thăm dinh thự chính của mình ở Veliki Ustiug, cách Matxcơva 500 km về phía bắc, thì Ông già Tuyết vận chiếc áo chòang trắng của thuật sĩ màu nhiệm trong cổ tích. Ông già Tuyết có cô cháu gái tên là Snegurochka-Nàng Bạch Tuyết, vui vẻ giúp ông trong công việc, nhưng quả thật thường đến muộn, khi bắt đầu lễ hội. Đó là lý do tại sao Ông già Tuyết phải cùng với mọi người gọi cất giọng đồng thanh gọi Snegurochka, để cô cháu gái chạy tới giúp ông thắp sáng cây thông Năm Mới. Nào chúng ta cùng lên tiếng gọi Nàng Bạch Tuyết-Snegurochka nhé. Ban nhạc “Ivanushki” sẽ giúp chúng ta với bài ca “Hãy nói xem Nàng Bạch Tuyết ở đâu”.
Luôn có niềm tin rằng năm mới sẽ tốt lành hơn so với năm trước. Nếu muốn cho trong năm tới cuộc sống sẽ vui vẻ và phong phú, thì bàn tiệc ngày hội phải thật nhiều sơn hào hải vị. Buổi tối ngày 31 tháng 12, có lệ cả gia đình và bạn bè thân thiết nhất cùng quây quần quanh bàn tiệc lớn. Trước tiên, trong âm thanh dịu nhẹ của những chiếc ly pha lê rót đầy rượu sâm-banh, mọi người cùng tiễn đưa năm cũ, ôn lại những giây phút quan trọng nhất cùng thành công và thất bại năm qua. Món ăn lạnh chính luôn hiện diện trong thực đơn Năm Mới kể từ thời xô-viết vẫn là salad “Oliver” và món từ cá được gọi là “cá trích dưới áo choàng lông”. Đó là những miếng cá muối, xếp thành hàng phía trên rắc rau thái nhỏ nấu chín. Trong giỏ trái cây trên bàn nhất định phải hiện diện những quả quít vàng mọng nước, còn trong các đồ uống không thể thiếu rượu sâm-banh ướp lạnh. Những thứ khác thì tùy theo khẩu vị.
Nhưng thành phần chính của bất kỳ bữa tiệc Năm Mới luôn là tâm trạng hào hứng phấn khởi. Về chuyện đón mừng Năm Mới vui vẻ trên không gian Liên Xô cũ, ca sĩ Andrei Danilko sẽ kể cho chúng ta nghe. Ở Nga, nam ca sĩ hài hước trẻ tuổi người Ukraina hóa trang thành phụ nữ này được biết đến với nghệ danh sân khấu “Verka Serdiuchka”.
Những cuộc hội ngộ đón Năm Mới không thể thiếu lời chúc mừng của nguyên thủ quốc gia. Đúng 5 phút trước giao thừa, khi tất cả các thành viên gia đình đã quây quần quanh bàn tiệc, Tổng thống Nga có thông điệp chúc mừng nhân dân. Diễn văn ngắn của vị lãnh đạo được phát đi trên tất cả các làn sóng phát thanh và truyền hình.
Và thế rồi chuông đồng hồ chính của đất nước đặt trên tháp Spassky của điện Kremlin bắt đầu điểm nhịp, đếm những giây phút cuối cùng của năm. Chuông dóng 12 lần, và trước khi kết thúc tiếng chuông cuối cùng cần kịp rót sâm-banh vào những chiếc ly trong suốt và đoán điều ước.
Thế là một Năm Mới đã đến với mọi người. Vang lên lời hoan hô “Hurrah!” của đông đảo người dân Matxcơva và du khách tập hợp đón giao thừa trên Quảng trường Đỏ. Ngay cả trong tiết trời lạnh giá vẫn có ít nhất 20 nghìn người đến quảng trường chính của đất nước để kỷ niệm thời khắc chuyển giao yêu thích giữa hai năm. Cuộc vui chơi tiếp tục cho đến sáng, với những bông hoa giấy nhỏ confetti tung bay vào không trung. Pháo hiệu sáng lấp lánh, những người không quen biết cũng thân ái trao đổi lời chúc mừng năm mới và quà lưu niệm ngộ nghĩnh. Các bạn cũng hãy tiếp nhận tấm bưu thiếp âm nhạc. Ban nhạc trẻ “Korni” gửi đến quí thính giả của Đài “Tiếng nói nước Nga” lời chúc mừng Năm Mới tốt lành.
Trong những ngày nghỉ Năm Mới khá dài, người Nga đi thăm và tiếp đón khách khứa, dạo chơi giữa thiên nhiên, tham gia các môn thể thao mùa đông. Còn những người thích có mùa hè giữa tiết đông thì cả gia đình lên đường tới các vùng biển ấm áp ở nước nhiệt đới. Rất tiện lợi là kỳ nghỉ Năm Mới của người lớn trùng với dịp nghỉ đông của học sinh phổ thông. Nói chung, mọi người đều vui vẻ và hưởng thụ kỳ nghỉ một cách thoải mái. Đó là khung cảnh của các nhân vật trong bộ phim họat hình ưa thích của nhiều thế hệ người Nga nhan đề “Mùa đông ở vương quốc bơ sữa”.
Theo ruvr.ru