Tranh dân gian Đông Hồ

Tranh dân gian Đông Hồ là nghề làm tranh khắc gỗ dân gian, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống, được cộng đồng dân làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sáng tạo và phát triển từ mấy trăm năm qua, có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc.

 

Trong các dòng tranh dân gian ở Việt Nam, tranh Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ s&te;ng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề. Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt. Để thể hiện một bức tranh, ngoài bản nét đen chủ đạo, tranh mẫu có bao nhiêu màu thì cần bấy nhiêu bản gỗ khắc in màu tương ứng. Đặc biệt, giấy in là loại giấy dó truyền thống, có quét điệp và màu sử dụng in tranh được chế từ nguồn gốc tự nhiên, như màu vàng của hoa hòe, màu đỏ của hoa hiên, màu trắng từ bột vỏ sò, điệp và màu đen của than lá tre…, tạo ra mỹ cảm dung dị, độc đáo.

Về thể loại, dựa vào nội dung chủ đề, có thể chia tranh Đông Hồ thành 7 loại chính, gồm tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.

Quá trình sản xuất tranh có nhiều khâu, song có thể tạm chia thành 2 công đoạn chính như sau: khâu sáng tác mẫu/khắc ván và khâu in/vẽ tranh. Sáng tác mẫu tranh và khắc ván là khâu lao động sáng tạo, khâu quan trọng, quyết định sự sinh tồn của một làng tranh. Nó đòi hỏi ít nhiều năng khiếu bẩm sinh và kỹ năng lao động cao ở các nghệ nhân. Công việc sáng tác mẫu tranh tốn rất nhiều thời gian, trước tiên phải lựa chọn đề tài, ý nghĩa, nội dung sâu sắc, màu sắc hài hoà, bố cục chặt chẽ và có giá trị nghệ thuật cao. Khi sáng tác mẫu tranh, các nghệ nhân thường sử dụng bút lông và mực Nho để vẽ lên giấy bản mỏng và phẳng để người thợ khắc, đục ván theo mẫu. Việc sáng tác mẫu tranh không phải là việc của riêng các nghệ nhân mà thường là kết quả chung của một làng tranh, của nhiều thế hệ. Cũng chính vì thế mà trong tranh Đông Hồ, có trường hợp một mẫu nhưng có nhiều dị bản khác nhau, hoặc một mẫu tranh cũng có đến hai, ba cách phân bố màu khác nhau. Vì vậy, có nhiều mẫu tranh cổ đến nay chúng ta cũng chưa xác định được chủ nhân sáng tạo.

Ván khắc in tranh có 2 loại: ván in nét và ván in màu. Ván in nét thường được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực. Gỗ thị có thớ đa chiều, vừa mềm, dễ khắc lại vừa dai, do đó khi khắc ván in, nghệ nhân có kỹ năng chạm khắc giỏi, sẽ tạo được các nét gọn, mảnh, nhỏ, tinh vi và ván in lại mềm. Dụng cụ khắc ván là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve, được làm bằng thép cứng. Mỗi bộ ve có khoảng 30 – 40 chiếc.

Vật liệu và dụng cụ dùng để in tranh gồm: giấy dó, các loại màu, ván in, co ván, bìa và thét (chổi làm bằng lá thông). Cách thức in tranh như sau: trước khi in tranh, phải chuẩn bị sẵn giấy in để thành 1 tập (khoảng từ 100 đến 200 tờ ở trước mặt). Khi in, người ta nhúng thét lá thông vào chậu màu để lấy màu, rồi quét đều trên mặt bìa. Phương pháp lấy mực để in tranh dân gian Đông Hồ theo cách xếp ván, tức là cầm “co” ván dập đi, dập lại tấm ván xuống mặt bìa đã được phết màu, để màu thấm đều trên bề mặt ván, sau đó đặt ván in lên tờ giấy định in sao cho cân đối, chính xác, ấn mạnh ván in vào tờ giấy, để có sự liên kết nhất định, rồi lật ngửa ván in có dính cả tờ giấy in tranh lên; lấy xơ mướp xoa đều lên mặt sau tờ giấy, để cho phẩm mầu trên mặt ván tiếp tục thấm đều trên mặt giấy. Tiếp đó, gỡ tờ tranh ra khỏi ván in, rồi mang tranh ra phơi ở những nơi thoáng mát. Tranh khô rồi mới tiếp tục lần lượt in các màu khác. Bản nét đen bao giờ cũng được in cuối cùng.

Trước kia, chỉ có nghệ nhân làng Hồ sáng tác mẫu mới vẽ tranh bằng tay. Các công đoạn khác trong sản xuất tranh dân gian Đông Hồ đều dùng ván in. Ngày nay, người ta còn vẽ tranh theo cách thức khác (ngoài in), đó là tô màu, vờn màu trên tranh đã được in ván nét trước (theo lối vẽ tranh Hàng Trống) và vẽ tranh trên giấy trắng hoặc giấy màu bồi. Khi vẽ tranh trên giấy đã in ván nét, người nghệ nhân chỉ việc phân bố màu sắc sao cho hài hoà, hợp lý, thể hiện rõ nội dung của bức tranh, mà vẫn biểu đạt được giá trị thẩm mỹ.

Về giá trị nghệ thuật, so với các dòng tranh  khác, tranh dân gian Đông Hồ có tính biểu trưng, trang trí nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, dễ hiểu, gần gũi với đời sống của người dân vùng châu thổ Bắc Bộ, độc đáo trong việc sử dụng đường nét tiết giản và những mảng màu dẹt đều, là màu tự nhiên của cỏ cây, hoa lá, tươi sáng trên nền giấy dó quét điệp óng ánh. Về nội dung, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần, vật chất của con người, xã hội theo quan điểm mỹ học dân gian của người dân nơi đây. Đó là những bức tranh khắc hoạ ước mơ ngàn đời của người lao động về cuộc sống gia đình thuận hoà, ấm no, hạnh phúc, về một xã hội công bằng, tốt đẹp. Tranh dân gian Đông Hồ góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ những vốn văn hoá truyền thống của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần của người Việt Nam thêm phong phú.

Hiện nay, tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một do tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu thẩm mỹ của người dân thay đổi, “đầu ra” cho tranh gặp nhiều khó khăn. Dân làng tranh giờ đây chủ yếu làm hàng mã. Bên cạnh đó, theo đánh giá của một số họa sĩ, tranh Đông Hồ không còn mang tính hồn nhiên, chất phác, “thuần Việt” như xưa, mà đang dần bị thương mại hoá, không có màu sắc thắm như tranh cổ, do người ta trộn màu trắng vào điệp để tiết kiệm lượng điệp, khiến giấy mất độ óng ánh. Đồng thời, màu sử dụng cũng chuyển sang dùng loại màu công nghiệp cho rẻ và tiện, các bản khắc mới thường thô và sơ sài, không được tinh tế như bản cổ. Đặc biệt, một số bản khắc đã bị đục bỏ phần chữ Hán, hoặc chữ Nôm, vốn là một phần cấu tạo nên bố cục của tranh, khiến tranh bị mất đi tính hoàn chỉnh.

Nghề làm tranh Đông Hồ ngày nay tồn tại “yếu ớt”, chỉ còn một vài gia đình duy trì. Theo thống kê mới đây, số lượng nghệ nhân hiện chỉ còn 3 người, số lượng người thực hành khoảng 20 người, số nghệ nhân hiện còn khả năng truyền dạy chỉ còn 2 người (ông Nguyễn Hữu Sam và ông Nguyễn Đăng Chế) đều đã cao tuổi. Trước nguy cơ này, Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có một số chủ trương, biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, như ban hành Nghị quyết về phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nghề làm tranh dân gian Đông Hồ; ban hành Quyết định về xây dựng và phát triển khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh; giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh thực hiện Dự án “Bảo tồn văn hoá phi vật thể làng tranh Đông Hồ”; Đảng bộ và chính quyền và nhân dân xã Song Hồ, huyện Thuận Thành đề xuất xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, tổ chức hội thảo khoa học về nghề làm tranh dân gian Đông Hồ và cho lập Hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, được Chính phủ đồng ý cho lập hồ sơ trình UNESCO và được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1), loại hình Nghề thủ công truyền thống tháng 12 năm 2012.

Kim Dung (Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)