Ngày 19/5/2016, Ủy ban di sản ký ức thế giới vinh danh thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu thế giới thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã khẳng định giá trị nhiều mặt, xứng đáng được tôn vinh và bảo tồn bền vững di sản này ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
1. Giá trị nổi bật của Di sản tư liệu
Vùng đất Huế vốn có lịch sử lâu đời và là nơi giao thoa, hội tụ của nhiều luồng văn hóa, văn minh, mà nổi bật là văn minh Nho giáo từ phương Bắc xuống, văn minh Phật giáo từ phương Nam lên, kết hợp với các yếu tố bản địa Đông Nam Á… Từ năm 1636, Huế đã được lựa chọn để xây dựng làm thủ phủ – kinh đô của Đàng Trong, và từ đó dần dần trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị mới ở phía nam Đại Việt. Cho đến giữa thế kỷ XVIII, Huế đã trở thành kinh đô nổi tiếng phồn hoa đô hội của vương quốc Đàng Trong với một hệ thống công trình kiến trúc gỗ phong phú. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ XIX, sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, xây dựng Huế trở thành kinh đô của nước Việt Nam độc lập, việc quy hoạch và xây dựng kinh đô Huế mới trở nên hoàn chỉnh. Có thể nói, kinh đô Huế thời Nguyễn là sự tích hợp và phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc truyền thống Việt Nam với một quy hoạch hoàn chỉnh và một hệ thống công trình kiến trúc đồ sộ, bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, chùa quán… được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, tuyệt đẹp với sông Hương, núi Ngự, đồi Vọng Cảnh, phá Tam Giang… Các công trình kiến trúc từ Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, Triệu Miếu, Hưng Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu, chùa Thiên Mụ… đều sử dụng văn thơ để trang trí trên liên ba, đố bản, cổ diềm ở cả nội và ngoại thất công trình. Và cách trang trí 1 ô thơ hoặc 1 đại tự đi liền với 1 bức họa tạo nên kiểu thức “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa” gần như đã trở thành một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Đây là một hình thức trang trí được thực hiện trên các liên ba sơn son thếp vàng, dùng kiểu ô hộc lớn nhỏ xen nhau, thể hiện nhiều đề tài, nhiều biểu tượng kèm theo, được lắp đặt khéo léo tại phần trên của các bức tường. Trong giai đoạn này, chất liệu chế tác để tạo nên văn thơ là từ gỗ quý hoặc có độ bền vững cao (lim, kiền kiền, thị, dỗi rừng…) hoặc xà cừ, xương hay cao cấp hơn là ngà voi, hoặc đồ pháp lam (đồ đồng tráng men), bê tông đắp ngõa sành sứ.
Phần lớn các công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời vua Nguyễn (1802-1945) có thơ văn được trang trí “nhất thi nhất họa” và “nhất tự nhất họa” được hình thành cùng thời xây dựng công trình. Thơ văn này thể hiện sự phong phú đa dạng về cả nội dung cho đến hình thức. Một ô thơ đi kèm với một ô họa khắc những đề tài truyền thống thuần túy Việt Nam như bát bửu, hoa lá, trái cây, rồng, hạc, đầu rồng, dây lá… Nội dung của những ô họa chỉ mang tính chất trang trí, không minh họa cho nội dung của những ô thơ đi kèm với nó. Trải qua một thời gian dài, sự tàn phá của chiến tranh, các thảm họa thiên nhiên và con người, Cố đô Huế còn bảo lưu được một khối lượng rất lớn thơ văn trên các di tích kiến trúc này. Theo thống kê hiện nay, trên các di tích kiến trúc cung đình có tổng số 2679 ô thơ văn và cũng có chừng đó ô họa được chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ, trên pháp lam và đắp ngõa sành sứ. Đây thật sự là một bảo tàng sống động về văn chương của triều Nguyễn.
Trước hết, phải nói về tính xác thực của hệ thống di sản thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế. Bởi, văn tự chữ Hán được chạm khảm trên gỗ ở kiến trúc Huế là những bản gốc duy nhất hiện còn ở hệ thống di tích Cố đô Huế.Trong lịch sử xây dựng và tu sửa các công trình từ triều Nguyễn chưa hề có tư liệu nào đề cấp đến việc thay đổi, chỉnh sửa hay làm mới các văn tự trên di tích. Từ sau triều Nguyễn cáo chung (1945), việc trùng tu sửa chữa đến các chi tiết trang trí “nhất thi nhất họa” không hề được đặt ra.Trong 3 thập niên vừa qua, kỹ nghệ trùng tu di tích ngày càng tiến bộ, sự quan tâm của cả nước và quốc tế đến công cuộc bảo tồn di tích ngày càng sâu sắc, song các ô hộc thơ văn chữ Hán hiện còn vẫn là hiện trạng gốc, không hề có sự thay đổi, điều chỉnh hay làm mới.
Đến nay, công cuộc bảo tồn phát triển rực rỡ, văn tự chữ Hán trên di tích luôn được nhìn nhận là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, vừa hàm chứa một giá trị lịch sử quý báu, nên càng lúc càng được bảo tồn trân trọng. Trong những năm gần đây, nhiều di tích được trùng tu lớn, các văn tự này ở một số nơi được tôn vinh bằng cách dặm vá lại bằng sơn son và thếp vàng (vàng thật) như nó đã là trong quá khứ, vừa đảm bảo tính lịch sử vừa thể hiện sự trân trọng với mảng văn hóa độc đáo này.
Di sản tư liệu hệ thống di sản thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế như đã nêu có giá trị rất độc đáo và không thể thay thế. Nếu một số thứ bị mất, hỏng sẽ làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của một mảng di sản nhân loại. Di sản này tạo ra sự ảnh hưởng lớn đến một giai đoạn phát triển lịch sử mỹ thuật kiến trúc trang trí của Việt Nam.
Ở đây, cần nhấn mạnh đây là một di sản tư liệu hết sức độc đáo và duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam; và theo các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, chưa thấy di tích nào trên thế giới có một hệ thống văn tự trình bày theo lối “nhất thi nhất họa” gần như biến thành một lề lối phép tắc quy củ của triều đình như ở trên di tích cung đình Huế. Độc đáo ở Việt Nam và độc đáo trên thế giới là điều mà đa số thừa nhận, thể hiện qua nhiều khía cạnh.
Qua phân tích trên, có thể nhìn nhận đây là một di sản tư liệu độc đáo và không thể thay thế, không thể làm mới được. Nếu di sản này không còn nữa, hoặc bị mất mát, hư hỏng, thì di sản văn hóa nhân loại sẽ bị khuyết đi không phải chỉ là một di sản tư liệu mà còn là một thể loại di sản độc đáo, riêng có ở Huế – Việt Nam; sẽ làm nghèo đi về di sản và loại hình di sản trong kho tàng di sản của loài người.
Đây là một di sản tư liệu chân xác hàm chứa một nội dung giá trị được lưu giữ bằng những tác phẩm nghệ thuật vô giá: những bức tranh, những bức thư pháp được các nghệ nhân tài hoa chạm khảm trên một loại gỗ quý và bền như sắt thép (lim: thiết mộc) để trang hoàng làm tôn vinh giá trị của các công trình kiến trúc cung đình Huế.
2. Bảo tồn và phát huy giá trị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế
Ngay sau khi Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm đã nỗ lực đổi mới và mở rộng các hình thức quảng bá, tuyên truyền nhằm giới thiệu đến với công chúng trong nước và ngoài nước tiếp cận, hiểu được giá trị nội dung, ý nghĩa của nguồn tài liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa, phong tục… đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam về vai trò của công tác lưu trữ, giá trị của tư liệu lưu trữ thông qua các khối lượng tư liệu lưu trữ của triều Nguyễn đã được công nhận như Mộc bản, Châu bản…
Đối với công tác trùng tu công trình di tích, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và định hướng bảo quản an toàn thơ văn trˆn các liên ba, đố bản bờ nóc, hạn chế sự hư hỏng của tài liệu nhằm gìn giữ nguồn tư liệu được bền lâu và nguyên vẹn. Bên cạnh đó, tập trung khảo sát đánh giá hiện trạng thơ văn chạm khắc, khảm, cẩn, tráng men… trên cấu kiện gỗ, bê-tông, pháp lam; tiếp tục nghiên cứu phục hồi kỹ thuật pháp lam truyền thống, kỹ thuật chạm, khảm để phục hồi các bài thơ, các chữ đã mất trên các liên ba, các ô cổ diềm của các di tích; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm tập hợp các ý kiến của các nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa Hán Nôm liên quan đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; đẩy mạnh công tác triển khai áp dụng công nghệ số để bảo tồn di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế…
Dưới đây là một số nội dung cụ thể:
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, làm nổi bật giá trị to lớn, đa dạng của di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và đưa những giá trị đó đến cộng đồng
Dựng phim, phóng sự giới thiệu, quảng bá về thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế trên truyền hình
Tổ chức trưng bày, triển lãm thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế
Tổ chức biên soạn, xuất bản ấn phẩm
Tổ chức sử dụng và giới thiệu tài liệu ở các lễ hội, các cuộc hội nghị, hội thảo liên quan đến văn hóa Nguyễn với cộng đồng
Tổ chức hội thảo, triển lãm liên kết các di sản tư liệu (Mộc bản, Châu bản, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế) liên quan đến triều Nguyễn để có cái nhìn tổng thể về nguồn tư liệu quý giá này
Nhận thức được tầm quan trọng của di sản, các nhà quản lý di sản tư liệu luôn nỗ lực trong công tác bảo tồn và nâng cao giá trị di sản, tuyên truyền cho thế hệ trẻ Việt Nam và cộng đồng xã hội thêm yêu quý, trân trọng những di sản vô giá của dân tộc. Đồng thời, tăng cường quảng bá, phát huy giá trị góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước, của con người và của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
TS. Phan Thanh Hải