Ngày 23 tháng 6 năm 2014, tại Kỳ họp lần thứ 38 của Ủy ban Di sản Thế giới ở thủ đô Doha, Ca-ta, Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức Quyết định đưa Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Nằm ở cực Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 90 km về phía Đông Nam, Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172 ha, vùng đệm có diện tích 6.079 ha, với ba khu vực liền kề nhau là: Di tích quốc gia đặc biệt Cố Đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình).
Chiếm gần như toàn bộ khối đá vôi Tràng An, với tuổi địa chất hơn 250 triệu năm, một khu vực hòa lẫn giữa thiên nhiên và văn hóa, Quần thể danh thắng Tràng An là vùng bán sơn địa có hướng phát triển chung Tây bắc – Đông Nam, thấp dần về phía Nam và Đông Nam. Đan xen trong các dải đá vôi Tràng An là hệ thống đa dạng các thung lũng, hố sụt các-xtơ cùng phương hoặc vòng cung, vách dựng đứng, đáy khá bằng phẳng ở các độ cao khác nhau. Nhiều thung lũng, hố sụt như ở đền Trần – Tràng An, Trường Yên, Bái Đính,… đã phát triển đến tận cơ sở xâm thực địa phương, trở thành các trũng các-xtơ đầm lầy, thông với nhau bởi mạng lưới thủy văn khá phát triển với nhiều hang động xuyên thủy. Thảm thực vật nguyên sinh phát triển rậm rạp trên đá vôi, trong đó, đáng kể nhất là rừng đặc dụng Hoa Lư ở phía Tây và Tây Nam.
Hòa quyện với cấu trúc và vẻ đẹp của cảnh quan các-xtơ là thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm khắp cảnh quan, quanh năm có sương sớm, mây chiều, khí núi. Những ngôi chùa, đền, phủ tựa mình bên vách đá với mái ngói cổ kính, rêu phong, thâm trầm tạo ra một yếu tố văn hóa tâm linh, chứa đựng những giá trị bản địa đồng điệu với cảnh quan. Chính những rặng núi cổ kính, các hang động bí ẩn và nhiều địa điểm linh thiêng của Tràng An đã truyền cảm hứng cho con người qua nhiều thế hệ. Tràng An – một hình mẫu nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian ở khu vực Ðông – Nam Á trải qua hơn 30.000 năm phát triển, là nơi có giá trị lịch sử và văn hóa vô giá, kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người; là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Ðông – Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu mà không bị ảnh hưởng lớn bởi con người và các tác nhân khác.
Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới với 03 tiêu chí sau:
– Tiêu chí (v) về văn hóa: Quần thể danh thắng Tràng An là một thí dụ nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường ở khu vực Đông Nam Á trải qua hơn 30.000 năm lịch sử phát triển của con người từ Hậu kỳ Pleistocene đến Holocene. Các cuộc nghiên cứu khảo cổ học và việc phục dựng lại môi trường cổ đã hé lộ chuỗi phát triển văn hóa và hoạt động của người cổ trong mối quan hệ chặt chẽ với tiến hóa địa chất gần đây của khối các-xtơ đá vôi, làm biến chuyển mạnh mẽ giữa các môi trường lục địa, đảo và bờ biển. Chính vì vậy, Tràng An thể hiện rõ là một kho thông tin nguyên vẹn về thích ứng của con người với các điều kiện biến đổi môi trường trải qua một số những biến đổi về địa lý và khí hậu khắc nghiệt nhất trong lịch sử gần đây của Trái đất, đặc biệt là những biến đổi diễn ra vào cuối và ngay sau thời kỳ băng hà cuối cùng. Tràng An là nơi chứa đựng các thông tin về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian, và là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Đông Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu và không bị ảnh hưởng lớn bởi con người, động vật và các tác nhân khác.
– Tiêu chí (vii) về vẻ đẹp thẩm mỹ: Cảnh quan tháp các-xtơ của Tràng An nằm trong số những khu vực đẹp mê hồn thuộc kiểu này trên Trái đất. Ngự trị cảnh quan là một dãy các tháp đá vôi và núi hình nón bao bọc bởi các vách cao 200m. Chúng nối liền nhau ở nhiều chỗ bởi các sống núi sắc cạnh bao trọn các hố sụt sâu và các thung lũng ngập nước, nối với nhau bởi vô số các dòng suối và hang động ngầm, một vài nơi có thể đi lại bằng thuyền. Du khách, đi trên những con thuyền truyền thống, có thể trải nghiệm sự gắn kết gần gũi với môi trường và tận hưởng cảm giác thanh bình và an toàn. Những ngọn núi hùng vĩ, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh và nhiều đình chùa linh thiêng của Tràng An đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ đến với mảnh đất này. Đây là một nơi mà thiên nhiên và văn hóa không thể tách biệt, nơi mà văn hóa chứa đựng sự kỳ diệu, bí ẩn và hùng vĩ của thế giới tự nhiên và đã được tự nhiên cải biến.
– Tiêu chí (viii) về địa chất-địa mạo: Quần thể danh thắng Tràng An nổi bật trong số các cảnh quan tháp các-xtơ đá vôi của thế giới và không có gì sánh bằng trên phạm vi toàn cầu, minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa các-xtơ trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm. Tràng An nổi bật toàn cầu một cách rõ ràng và tổng quát về đặc trưng cảnh quan các-xtơ đá vôi nhiệt đới ẩm, bao gồm các nón các-xtơ, tháp các-xtơ, các hố sụt, các bồn địa, ngấn đầm lầy, hang ngập, sông ngầm và các hang động với các trầm tích trong đó. Có ý nghĩa khoa học lớn là sự hiện diện trong cùng một cảnh quan các dạng chuyển tiếp giữa các-xtơ chóp nón, với các nón liên kết với nhau qua các sống núi sắc mảnh, và các-xtơ tháp đứng rời rạc trên cánh đồng bóc mòn phủ lớp phù sa. Không có nơi nào trên thế giới cho thấy sự chuyển tiếp cảnh quan các-xtơ này tốt hơn và rõ hơn Tràng An. Câu chuyện tiến hóa các-xtơ, đã được kể khá kỹ ở Tràng An, thậm chí còn mang ý nghĩa khoa học lớn hơn với các bằng chứng dao động mực nước biển ở đây trong quá khứ. Trong thời kỳ Pleistocene và Holocene, các rìa của sơn khối Tràng An bị biển xâm lấn và biến cải nhiều lần. Tràng An được coi là có tầm quan trọng toàn cầu trong việc minh họa sự tương tác của quá trình tiến hóa các-xtơ với những dao động mực nước biển và mực nước ngầm có liên quan.
Để bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực của khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới này, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, bảo vệ di sản trước những tác động ảnh hưởng đã được xác định trong Kế hoạch quản lý, cũng như khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và Quy chế bảo vệ Quần thể danh thắng Tràng An, làm cơ sở cho việc tu bổ, tôn tạo và phát triển bền vững di sản cho các thế hệ tương lai.
Viết Cường