(Cinet) – Nghinh Ông là lễ hội của ngư dân vùng biển, gắn liền với tục thờ cá ông phổ biến. Bằng nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá “Ông”, lễ cúng “Ông”, lễ nghinh ông Thuỷ tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá “Ông” là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên.
Lễ hội Nghinh Ông là một nét văn hóa đặc trưng của người dân ven biển như: Vũng Tàu, Khánh Hoà, Bình Thuận, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh. Lễ hội vừa là dịp cho ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn, vừa là dịp để các địa phương thu hút du khách trong và ngoài nước góp phần nâng cao doanh thu cho ngành du lịch. Lễ hội Nghinh Ông còn là nơi cho mọi người tưởng nhớ đến việc báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn.
Tùy theo từng địa phương mà lễ hội Nghinh Ông sẽ diễn ra vào một thời điểm nhất định trong năm với nhiều nghi thức long trọng được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng. Tại Vũng Tàu điển hình là Lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam được tổ chức vào ngày 16, 17, 18 tháng 8 âm lịch hàng năm.Tại thị trấn Cần Giờ TP.HCM người dân tổ chức lễ hội hàng năm từ 14-17/8 âm lịch. Còn tại Khánh Hòa lễ hội được tổ chức vào ngày 15/12 âm lịch. Cộng đồng người Hoa ở Bình Thuận thì lại tổ chức vào rằm tháng 7 âm lịch. Ở Cà Mau bà con nơi đây tổ chức vào ngày 14-16/2 âm lịch…
Lể hội Nghinh Ông Cần Giờ. Ảnh: Internet
Dù ở địa phương nào thì lễ hội Nghinh Ông đều diễn ra với các trình tự như: Phần lễ với các nghi thức Lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển; Lễ tế diễn ra trang trọng sau lễ rước với nghi thức cổ truyền. Các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng ông Thủy tướng;
Phần hội các ngư dân mời thỉnh lẫn nhau, kể cả khách từ nơi xa đến cùng nhau ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình…các trò chơi dân gian thả vịt chạy, bắt vịt, trói cua, quăng chài, vá lưới trên bờ biển diễn ra sôi nổi cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của du khách.
Theo truyền thuyết, tục thờ cá Ông được xuất phát từ tín ngưỡng của dân tộc Chăm: “Vị thần tên là Cha-aih-va, vì quá nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian khổ luyện phép thuật, đã cãi lại thầy của mình và tự ý biến thành cá Voi.
Từ đó, mỗi khi có thuyền lâm nạn vị thần đều nâng đỡ và đưa người lâm nạn vào bờ”. Truyền thuyết dân gian của dân tộc Kinh thì cho rằng: “Cá Voi do Phật Quan Âm Bồ Tát xé chiếc áo cà sa thành muôn mảnh thả trên mặt biển để cứu vớt chúng sinh đi biển bị lâm nạn”. Trong lịch sử triều Nguyễn có ghi lại: Khi Chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ngoài đảo Phú Quốc (Kiên Giang) bị bão lớn, thuyền sắp đắm, ông đã cầu nguyện và được cứu thoát nạn. Sau khi phục quốc lên ngôi, vua Gia Long (tức Chúa Nguyễn Ánh) phong cho cá Voi là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần”. Những người dân vùng ven biển tôn vinh cá Ông (cá Voi) thành một vị thần rất đỗi thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đắm, con người bị hiểm nguy đe doạ./.
Cinet