Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Vào hồi 17 giờ 10 phút giờ địa phương (15 giờ 10 phút giờ Việt Nam) ngày 07 tháng 12 năm 2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài chòi có hai hình thức chính: “Chơi Bài chòi” và “Trình diễn Bài chòi”. Chơi Bài chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán. Trong các buổi trình diễn của Bài chòi, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói, hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc trong những dịp riêng tư của các gia đình. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài chòi là các anh chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn Bài chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài. Người trình diễn và gia đình họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hình thức thực hành bằng cách giảng dạy các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ. Cùng với cộng đồng, những người này đã thành lập gần 90 đội, nhóm và câu lạc bộ để luyện tập và truyền dạy Nghệ thuật Bài chòi, thu hút sự tham gia rộng rãi của cộng đồng. Hầu hết, nghệ nhân đều được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát Bài chòi trong gia đình, chủ yếu thông qua phương pháp truyền miệng. Tuy nhiên, một số nghệ nhân Bài chòi ngày nay cũng truyền dạy kiến ​​thức và kỹ năng trong các hội, các câu lạc bộ và trường học.

        Nghệ thuật Bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Các thành tố văn hóa nghệ thuật: thơ ca, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ, tập tục… trong Nghệ thuật Bài chòi được chuyển tải một cách giản dị, tự nhiên, tạo sức hấp dẫn với công chúng, trở thành sinh hoạt văn hóa thiết yếu và phổ biến khắp miền Trung. Vì thế mà sinh hoạt Bài chòi trở thành môi trường thực hành và sáng tạo nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi bảo tồn vốn văn nghệ dân gian, phong cách trình diễn và các giá trị văn hóa vùng miền.

Với khả năng trao truyền các tri thức văn hoá dân gian thông qua trò chơi và việc trình diễn, Bài chòi đã trở thành hình thức sinh hoạt cộng đồng mang tính giáo dục cao, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, hiện nay, việc trao truyền Bài chòi gặp trở ngại do: yêu cầu về năng khiếu, năng lực và sự đam mê; cơ hội, không gian trình diễn, đối tượng khán giả bị thu hẹp; nhiều nghệ nhân tuổi cao, đời sống khó khăn, kinh phí hỗ trợ học và thực hành di sản còn hạn chế.

Nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài chòi được các tỉnh/thành phố có di sản thực hiện ở nhiều cấp độ: các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam và Phú Yên đã xây dựng hồ sơ di sản Nghệ thuật Bài chòi và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2013 – 2014 (http://dsvhpvt.dsvh.gov.vn/HeritageNational.aspx). Năm 2012, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã kiểm kê di sản Bài chòi tại 8 tỉnh miền Trung và đưa vào Ngân hàng dữ liệu của Viện. Tới năm 2014, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 9 tỉnh đã phối hợp với Viện Âm nhạc kiểm kê di sản Nghệ thuật Bài chòi và được lưu trữ kết quả tại Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể của Cục Di sản văn hóa (http://dsvhpvt.dsvh.gov.vn/HeritageLocal.aspx). Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Viện Âm nhạc phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 9 tỉnh tổ chức tập huấn và kiểm kê di sản hàng năm; nhận diện, tư liệu hóa di sản; phục hồi các thành tố đã mai một, những tri thức dân gian liên quan đến di sản và định kỳ tổ chức Liên hoan Bài chòi. Nhờ đó, dựa trên những hiểu biết về Nghệ thuật Bài chòi và Luật di sản văn hóa, đại diện cộng đồng của 86 đội, nhóm, câu lạc bộ thực hành Bài chòi tại cả 9 tỉnh/thành phố có di sản đã cam kết đồng thuận với việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đưa Nghệ thuật Bài chòi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại:

R.1: Nghệ thuật Bài chòi là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Các câu chuyện trong Bài chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Hồ sơ đề cử đã chỉ ra được vai trò quan trọng của người lưu giữ di sản. Là một di sản của cộng đồng, việc truyền dạy Bài chòi diễn ra chủ yếu trong gia đình, làng xóm, hội, câu lạc bộ và trường học. Việc thực hành di sản Nghệ thuật Bài chòi thúc đẩy sự bình đẳng về giới tính cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng.

R.2: Việc ghi danh Nghệ thuật Bài chòi khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân; tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành, qua đó làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật. Việc ghi danh cũng có thể củng cố mối liên kết giữa các cá nhân, các nhóm người và các câu lạc bộ thực hành di sản và thực hành các truyền thống văn hoá khác thông qua các hoạt động trình diễn và lễ hội liên quan. Hơn nữa, việc ghi danh sẽ nâng cao nhận thức về sự đa dạng của di sản văn hoá phi vật thể vì Nghệ thuật Bài chòi là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật.

R.3: Hồ sơ đã mô tả chi tiết, rõ ràng những nỗ lực trong quá khứ và hiện tại để bảo vệ di sản và đảm bảo sự tồn tại của các cộng đồng, các nhóm người và các câu lạc bộ với sự hỗ trợ của Chính phủ. Những nỗ lực này bao gồm việc tổ chức các hội Bài chòi, trình diễn và giảng dạy bải bản và kỹ năng ca hát, cũng như kỹ thuật trình diễn, phương pháp làm thẻ bài và các kỹ năng chơi Bài chòi. Thông qua Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương, Quốc gia thành viên sẽ cung cấp nguồn tài chính, pháp lý và nhân lực để hỗ trợ thực hiện các biện pháp này, với sự hợp tác của cộng đồng và các nghệ nhân. Các doanh nghiệp và ngân hàng đã đóng góp cho các hội thảo khoa học về Bài chòi và hoạt động văn hóa liên quan như việc thực hành và truyền dạy di sản, cũng như sưu tầm tài liệu, tư liệu hóa và hỗ trợ các biện pháp phục hồi di sản, vì di sản vẫn có nguy cơ mai một, chủ yếu là do những khó khăn trong việc truyền dạy. Chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân đã được ban hành và chương trình giáo dục chính quy cũng đã được thiết kế để thu hút các thế hệ trẻ. Các phương tiện truyền thông địa phương và quốc gia cam kết nâng cao nhận thức về giá trị của di sản với phần lớn các học viên tình nguyện tham gia vào quá trình phổ biến, quảng bá di sản.

R.4: Cộng đồng tích cực đóng góp ý tưởng cho việc sưu tầm và tư liệu hóa di sản, điền vào các mẫu kiểm kê và tham gia vào tất cả các công đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử. Các cá nhân và đại diện của các nhóm và câu lạc bộ Bài chòi đã ký Cam kết tự nguyện, đồng thuận của họ đối với đề cử, đồng thời, sự hiểu biết về việc xây dựng hồ sơ đề cử của họ cũng được thể hiện trong các đoạn ghi âm và ghi hình các cuộc phỏng vấn được thực hiện tại các địa phương có thực hành Bài chòi. Cục Di sản văn hoá và Viện Âm nhạc Việt Nam đã được ủy thác quá trình tham vấn thông qua các cuộc họp và hội thảo quốc gia và quốc tế được tổ chức trong năm 2014 và 2015. Các tác động thực tiễn thông thường không tham gia điều chỉnh hoặc hạn chế quyền tiếp cận đối với di sản.

R.5: Di sản này được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia trong giai đoạn 2014 – 2016. Bản kiểm kê được lưu giữ tại Phần mềm Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hoá phi vật thể của Cục Di sản văn hoá Việt Nam. Các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao của 9 tỉnh có di sản Bài chòi chịu trách nhiệm phối hợp với cộng đồng để báo cáo hàng năm về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các thông tin kiểm kê di sản Bài chòi. Viện Âm nhạc Việt Nam quản lý cơ sở dữ liệu về Nghệ thuật Bài chòi và cập nhật hàng năm.

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO./.

 

Thu Trang