Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, còn được gọi là chùa Đức La, là một trung tâm Phật giáo lớn thuộc phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chùa Vĩnh Nghiêm là một trung tâm ấn hành, xuất bản lớn của Phật giáo Việt Nam. Kho mộc bản (ván khắc) còn lưu giữ hiện nay (được san khắc tại đây), vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách (âm bản) khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán.

 

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm, là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt nói chung, của chữ Nôm nói riêng trong lịch sử. Chữ Hán và chữ Nôm (một số rất ít bằng chữ Phạn) với nhiều phong cách, lối viết khác nhau, được khắc ngược trên hai mặt của đa số tấm ván (một số tấm chỉ được khắc trên một mặt). Phần lớn là thể chữ chân dễ đọc, được khắc sâu (khoảng 1,5 mm) nên bản in ra giấy dó rất sắc nét. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán của Trung Quốc sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm (chữ do người Việt Nam tạo ra để ghi âm tiếng Việt). Từ chỗ chỉ được dùng lẻ tẻ ở thời kì trước đó, chữ Nôm bắt đầu được sử dụng một cách có hệ thống trong trước tác của các cao tăng Thiền phái Trúc Lâm. Họ sử dụng chữ Nôm để viết lời thuyết pháp dưới dạng văn vần (tiện cho việc phổ biến giáo lí nhà Phật vào dân gian), không phải dịch trực tiếp từ kinh Phật viết bằng chữ Hán hay bằng chữ Phạn, mà nó là tổng kết ngắn gọn dưới dạng thơ hoặc là những diễn giải tư tưởng Phật học dưới lăng kính của người Việt Nam.

Hiện nay, mẫu chữ Nôm từ sách Thiền tông bản hạnh – một phần của mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm, được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nom Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight,ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới.

Nội dung chính của kho mộc bản là các bộ kinh, sách, luật giới nhà Phật và trước tác của một số danh nhân, thiền sư đã sáng lập, chấn hưng, phát triển trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm trong nhiều thế kỷ và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển về văn hóa, xã hội của một giai đoạn lịch sử Việt Nam, như: Trần Nhân Tông, Pháp loa Đồng Kim Cương, Huyền quang Lý Đạo Tái, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Tuệ đăng – chân nguyên thiền sư… Kho mộc bản có tổng số 3.050 ván rời với 9 đầu sách: Tỳ khâu ni giới kinh (năm Tự Đức 34 – 1881), Giới luật kinh (năm Tự Đức 34 – 1881), Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh (năm Tự Đức 37 – 1884), Kính tín lục (năm Tự Đức 39 – 1886), Yên Tử nhật trình (năm Bảo Đại 7 – 1932), Đại thừa chỉ quán (năm Bảo Đại 10 – 1935), Sa di ni giới kinh (năm Tự Đức 34 – 1881), Di Đà kinh, Quan Thế Âm kinh, Tây Phương mỹ nhân truyện (trong đó có vài chục mảnh là mộc bản sớ, điệp và lịch pháp xem ngày giờ tốt xấu trong năm), được chế tác nhiều đợt trong khoảng thời gian từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, nhưng phần lớn được san khắc trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đây là bộ mộc bản gốc, duy nhất của Phật phái Trúc Lâm hiện còn lưu giữ được tại chùa Vĩnh Nghiêm để truyền bá tư tưởng cốt lõi của đạo Phật cho hàng trăm ngôi chùa với hàng triệu tăng ni, Phật tử xưa nay.

Trực tiếp chế tác mộc bản là những người thợ thủ công thuộc các phường thợ chuyên làm nghề khắc mộc bản ở tỉnh Hải Dương. Họ được các vị sư trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm mời đến làm công lâu dài trong chùa, trực tiếp thực hiện các công đoạn chế tác mộc bản (chọn gỗ, xử lý gỗ, khắc chữ, khắc trang trí), in ra sách, đóng sách. Phía nhà chùa đóng vai trò giám sát, tổ chức công việc. Các mộc bản được làm bằng gỗ thị là thứ gỗ màu trắng, có độ bền cao, ít cong vênh và nứt vỡ. Kỹ thuật khắc chữ và đồ án trang trí trên mỗi tấm ván đều đúng theo quy chuẩn in của Việt Nam. Mỗi trang sách in ra sẽ có biên lan (khung viền lề sách), bản tâm (vị trí khắc tiêu đề sách), ngư vĩ (gáy sách). Đặc biệt, ở ván khắc tương ứng với trang đầu và trang cuối của mỗi cuốn sách, thường có lạc khoản cho biết thời gian san khắc, người san khắc, địa điểm tàng trữ.

Kích thước các mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm không đồng đều, tùy theo từng bộ kinh/sách mà có kích thước khác nhau. Bản khắc lớn nhất là loại sớ, điệp chiều dài hơn 100cm, rộng 40 – 50cm, bản nhỏ nhất khoảng 15 x 20cm, nhưng phần lớn mộc bản bộ Kinh hoa nghiêm (hơn 2800 mảnh) có kích cỡ 33cm x 23cm x 2,5cm. Vì đã qua nhiều lần sử dụng, mực in bám khá dầy, nên các ván đều có mầu đen. Trong điều kiện bảo quản mang tính tự nhiên trước đây, lớp mực bám này có tác dụng chống thấm nước và mối mọt rất hiệu quả.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là sưu tập Kinh sách được in ra từ kho mộc bản này là tư liệu thể hiện tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm. Sự ra đời của Phật phái Trúc Lâm vào thế kỉ thứ 13 là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần tự lực và tùy duyên, nghĩa là xem Phật chính là bản thân mình, tự tin vào bản thân, không tin vào các thế lực thần bí, lạc quan với cuộc sống thực, thuận theo tự nhiên. Do đó, về tổng thể, nội dung của mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn đối với xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện, như: triết lí nhân sinh và giáo dục nhân cách công dân, tôn giáo tín ngưỡng, ngôn ngữ văn tự, khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật.

Kho mộc bản là bản nguyên gốc, còn tương đối nguyên vẹn và được bảo quản tốt theo phương pháp truyền thống của người Việt Nam, là tài sản quý hiếm đặc biệt.

Với các giá trị khoa học, lịch sử đặc sắc, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, năm 2012.

Khánh Ngân