(Cinet) – Ngày 2/7/2010 (tức1/6 âm lịch) tại Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh đã diễn ra “Lễ hội Đình làng Trà cổ” lần thứ 13. Nằm ở ven biển, phía đông Bắc bộ, Trà Cổ có thiên nhiên tươi đẹp, phong cảnh hữu tình, bãi biển đẹp lý tưởng cho du lịch, vì vậy lễ hội Trà Cổ luôn thu hút đông đảo người dân Trà Cổ và du khách tham gia.
Mở đầu là lễ rước kiệu nghênh thần hay còn gọi là lễ rước Vua ra miếu với nghi thức rất đặc sắc.
Đi đầu là đội quân cầm mã tấu, kiếm, chuỳ, cờ thần, bát âm, bát bửu. Tiếp đến là người cầm cờ vía (là người cường tráng, trẻ, đẹp và có đạo đức tiêu biểu của làng) mặc áo đỏ, đai lưng thêu rồng, phượng lộng lẫy. Sau đó là 12 ông đám với những người khiêng kiệu đi ngay sau họ là 2 cô đào, thường là người Vạn Xuân chuyên hát ả đào, vừa đi vừa hát trong nhịp trống phách xốn xang. Cuối cùng là các vị chức sắc và đông đảo quần chúng nhân dân.
Đoàn người diễu hành rước kiệu từ sân đình đi vòng qua bãi biển đến miếu thờ Ðôi thờ Quận He để xin chân nhang nghênh thần hồi cung.
Sau lễ rước là cuộc thi sản phẩm chăn nuôi trồng trọt, biểu thị chủ yếu là các chú lợn được người dân nơi đây gọi là các ông voi.
Từ đầu năm, mỗi ông đám đã nuôi một con lợn to, gọi là ông voi ngày hội, sau lễ rước là cuộc thi các ông voi Các ông đám đem những ông voi ra sàn đình, để thị Các ông voi đều ở trong những chiếc cũi gỗ tốt, trang trí đẹp, được khiêng bằng những đòn dóng chạm hình rồng phượng tinh xảo, đám nào có ông voi to béo nhất, cái cũi đẹp nhất, sẽ được làng trao giải thưởng lớn. Sang các ngày từ 3 đến 5, cả 12 ông đám chia nhau làm cỗ, hình thức như làm khao ở các hội làng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi ngày có 4 ông đám rước cỗ ra đình tế thần, hai ông làm cỗ mặn, hai ông làm cỗ chay, cỗ mặn gồm hai con gà, hai con phượng (thay bằng hai con ngỗng) luộc chín, tạo dáng đẹp; còn thêm các loại thức ăn chế biến từ thịt, ngon và đẹp mắt. Còn cỗ chay là đủ các loại bánh, xếp thành tầng, đầy các thùng lớn bằng gỗ. Những thùng này đều có buộc những lạt tre to bản nhuộm hồng nhuộm xanh, tựa như cách buộc bánh chưng ngày tết Nguyên đán. Cỗ mặn, cỗ chay sau khi được tế thần thì các ông đám lại đem về nhà và mời bà con đến ăn. Trong những ngày lễ hội, các nhà đều làm cỗ. Nhà nghèo làm cỗ nhỏ, vui trong gia đình. Nhà khá, làm cỗ to mời họ hàng, bạn hữu. Riêng 12 ông đám thì mời cả họ hàng xa, bè bạn và các vị chức sắc làng xã, mời cả người ở vùng khác có quan hệ thân thiết tới ăn cỗ…
Nét độc đáo của lễ hội Trà Cổ là hội thi làm cỗ, thi nấu ăn, ai nấu ăn giỏi đều được cả làng biết đến.
Đình Trà cổ được xây dựng vào thế kỷ 15, là công trình mang nét kiến trúc điêu khắc độc đáo thời Hậu Lê và là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của Việt Nam đã được Bộ Văn hóa – Thông tin nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật./.
Cinet