Lên non xem Lễ hội buôn làng

Hằng năm cứ sau vụ mùa trên nương rẫy, đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang (Quảng Nam) lại tổ chức lễ hội buôn làng “ăn mừng lúa mới” để “báo cáo” với Giàng đã thu hoạch xong vụ mùa.

Các già làng cho biết tập tục “ăn mừng lúa mới” của người Cơ Tu hình thành từ rất lâu đời. Đây là dịp để buôn làng thể hiện lòng thành của mình với Giàng, các vị thần linh sông nước… đã phù hộ và giữ gìn cho buôn làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong nhịp điệu cồng chiêng rộn rã, khắp các buôn làng rừng núi hoang sơ, trai gái Cơ Tu cùng nhau hội tụ trước sân nhà gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng) truyền thống, say sưa múa hát những vũ điệu t’tung, zază nhịp nhàng quyến rũ, mê say.

Theo quan niệm của người Cơ Tu, chính các vị thần linh đã phù hộ cho con cháu làm ăn, giữ cho buôn làng không bị thú dữ tấn công, lúa mùa tươi tốt, đồng bào chung sống thuận hòa… Nhớ công ơn của Giàng, hằng năm sau khi thu hoạch xong vụ mùa trên nương rẫy, đồng bào Cơ Tu thường tổ chức lễ hội buôn làng như một dịp để báo ơn Giàng.

Trong mỗi dịp tổ chức hội làng, đồng bào thường cùng nhau chung sức đóng góp cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện. Thông thường, mỗi hộ gia đình Cơ Tu phải góp cho làng mỗi thứ một ít như: thóc, gạo, gà, lợn, ghè rượu cần, củi,…

Ngoài ra, hội đồng già làng, trưởng bản sẽ trích ngân quỹ chung của làng để mua con trâu làm lễ tế Giàng và tổ chức múa hát cho cả buôn. Thường lễ hội diễn ra vào cuối tháng 10 (dương lịch), kéo dài suốt 3 ngày đêm liên tục.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách thập phương sẽ được thưởng thức các món ngon ẩm thực truyền thống của đồng bào Cơ Tu như: món Avị Cuốt (bánh sừng trâu), Ch’rươn (cơm lam), A xiêu (cá suối)… đậm đà hương vị. Đặc biệt, du khách sẽ được thưởng thức rượu cần, rượu T’vạt và T’đin (2 loại rượu được chiết chế từ cây rừng) thơm ngon và bổ dưỡng, được đồng bào Cơ Tu khắp vùng ưa chuộng.

 

Theo TT