Tháng 10 đón chào mùa thu dịu dàng bằng những lễ hội sôi động, đậm đà bản sắc văn hóa và không kém phần vui nhộn trên khắp thế giới.
Cuộc đua vịt cao su Tubingen, Stuttgart, Đức
Thời gian: 5/10
Hàng nghìn chú vịt bằng cao su sẽ tham gia cuộc đua thường niên trên sông Necker ở thị trấn nhỏ Tubingen gần Stutgart, Đức. Từ năm 1999, cuộc đua vui nhộn này trở thành một lễ hội nhỏ của người dân hàng năm.
Những người tham gia thuê vịt cao su của ban tổ chức và không được phép mang vịt riêng tới “đường đua”. Những chú vịt này đều được gắn mã số, tên chủ nhân và một miếng kim loại nhỏ để tránh bị lật. Hàng nghìn chú vịt được thả xuống sông, người tham sự đi dọc hai bên bờ và hồi hộp đón chờ chú vịt nào cán đích đầu tiên. Giải thưởng dành cho chủ nhân của chú vịt thắng cuộc là kỳ nghỉ trị giá 1.000 euro.
Lễ hội ăn chay Phuket
Thời gian: 5/10
Theo truyền thuyết, lễ hội bắt đầu từ năm 1825 khi một nhóm người từ Trung Quốc bị ốm khi ghé thăm Kathu, Phuket, Thái Lan. Để chống lại bệnh tật, họ áp dụng một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt với đức tin dành cho các thánh thần và sức mạnh mà thần thánh ban cho họ. Kể từ đó, lễ hội ăn chay Phuket ra đời.
Lễ hội diễn ra vào tối đầu tiên của tháng 9 âm lịch và kéo dài 10 ngày. Trong tất cả các nghi thức của lễ hội, rùng rợn nhất là phần các tín đồ tự hành xác. Họ dùng nhiều vật nhọn đâm xuyên qua má vì tin rằng càng chịu đựng được đau đớn trong sự kiện này, họ càng may mắn, thành công trong năm tới.
Lễ hội có 10 quy tắc mà những người tham gia buộc phải tuân thủ, trong đó có không được ăn thịt, uống rượu và đặc biệt là không quan hệ tình dục. Người mang thai bị cấm tham gia lễ hội. Pháo hoa và trống cũng được sử dụng nhiều trong suốt lễ hội ăn chay Phuket để tiễn đưa linh hồn ma quỷ đi xa.
Lễ hội Fiestas del Pilar Tây Ban Nha
Thời gian: 12/10
Fiestas del Pilar là lễ hội thường niên được tổ chức vào tháng 10 ở thành phố Zaragoza, Tây Ban Nha nhằm tôn vinh đức mẹ Mary. Đây là một hoạt động tôn giáo kết hợp với nghệ thuật bao gồm các hoạt động như: triển lãm tranh, đấu bò tót, las vaquillas (đấu bò tót của những người không chuyên), lễ hội bia và các màn trình diễn âm nhạc thâu đêm suốt sáng.
Nghi thức dâng hoa tại quảng trường del Pilar được coi là độc đáo. Đoàn người tham dự sẽ mặc trang phục truyền thống của vùng Aragon hoặc bất cứ vùng nào ở Tây Ban Nha, mang hoa diễu hành trên đường phố tới đặt tại trung tâm quảng trường del Pilar. Tại đây, những người tình nguyện sẽ xếp hoa thành hình kim tự tháp che phủ xung quanh tượng đức mẹ Mary được đặt giữa quảng trường để mọi người có thể chiêm ngưỡng.
Lễ hội Dussehra, Ấn Độ
Thời gian: 13/10
Dussehra là một trong nhiều lễ hội của người Hindu trên toàn Ấn Độ, thường diễn ra vào tầm cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm.
Theo truyền thuyết, người Hindu tin rằng vào ngày này Rama cùng thần Lakshman và Khỉ vương Hanuma giết chết vua quỷ Ravana sau chín ngày đêm chiến đấu, giải cứu người vợ bị bắt cóc của mình, nàng Sita. Họ trở về Ayodhya trong chiến thắng và vinh quang và tổ chức lễ hội mừng chiến thắng.
Hầu hết công sở, cửa hàng ở đất nước này đều đóng cửa vào những ngày này. Người dân từ già đến trẻ đều diện những trang phục đẹp nhất, lộng lẫy nhất để tham gia lễ hội. Tại thủ đô New Delhi, lễ hội chính được tổ chức tại quảng trường Ramlila ở trung tâm thành phố với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo cấp cao.
Lễ hội của những nụ cười Masskara, Philippines
Thời gian: 18/10
Lễ hội Masskara là lễ kỷ niệm hàng năm ở thành phố Bacolod, đảo Nergros, Philippines. Cái tên Masskara là sự kết hợp của từ tiếng Anh “mass” – nhiều người và tiếng Tây Ban Nha “cara” – mặt. Mỗi năm, khoảng 450.000 người dân xuống đường vào dịp này, đeo những chiếc mặt nạ với nụ cười rạng rỡ và trình diễn nhiều điệu nhảy đường phố đặc sắc.
Lễ hội xuất hiện từ những năm 1980 để đánh dấu hai vụ khủng hoảng đặc biệt ở Bacolod. Nergos Occidenta, thủ phủ của Bacolod, đối mặt với khủng hoảng giá mía đường và những người dân đảo Negros thiệt mạng trên tàu Don Juan trong một tai nạn nghiêm trọng.
Lễ hội Halloween
Thời gian: 31/10
Lễ hội ma quỷ được tổ chức vào đêm trước lễ các thánh hàng năm bắt đầu từ các nước phương Tây rồi lan dần khắp nơi trên thế giới. Halloween có nguồn gốc từ lễ hội cổ Samhain của người Celtic vào cuối thế kỷ 19.
Trong đêm Halloween, trẻ em vận các bộ trang phục kinh dị, càng khác người càng tốt và đến gõ cửa từng ngôi nhà có trang trí các đèn lồng bằng quả bí ngô khoét mặt quỷ để xin bánh kẹo. Ai không cho chúng bánh kẹo, sẽ bị trêu ghẹo.
Theo vnexpress.net