Lễ hội Lễ hội Kăhkapơ còn được gọi là lễ Đâm trâu. Đối với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, con trâu là biểu tượng cho sự thịnh vượng và sức mạnh trong cộng đồng. Vì vậy, trâu thường được người đồng bào dân tộc sử dụng làm vật tế thần linh hay dùng để trao đổi với các món đồ quí khác, như: cồng chiêng, chum ché, trống và thậm chí cả voi…
Để tế thần, người đồng bào dân tộc có lễ đâm trâu. Và đâm trâu là lễ tế long trọng nhất trong tất cả các buổi lễ tế của người Tây Nguyên. Lễ hội đâm trâu thường được tổ chức vào các dịp như: ăn mừng chiến thắng, tạ lễ, cầu an, khánh thành nhà rông của làng, khơi dậy niềm kiêu hãnh, tự tin của cộng đồng hay thậm chí còn để xua đuổi tà thần đến quấy nhiễu dân làng như thiên tai, dịch bệnh… Tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình giàu có cũng tổ chức lễ hội đâm trâu để phô trương thế lực và nâng cao uy thế trong cộng đồng nữa. Nhưng cho dù ở qui mô gia đình, dòng họ hay làng xã, lễ hội đâm trâu vẫn luôn luôn là một hoạt động văn hóa đặc sắc, nó nêu cao tinh thần cộng đồng của người dân tộc thiểu số mà ở đó cồng chiêng đóng một vai trò không thể thiếu được.
Về nguyên tắc, lễ hội đâm trâu thường được tổ chức ở bãi đất trống trong làng, vào mùa lễ hội (hay còn gọi là tháng ning nơng – tháng nghỉ ngơi), diễn ra hàng năm sau khi mùa màng đã được thu hoạch xong. Và lễ hội thường được chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó…
Đến ngày đầu tiên của lễ hội, tiếng cồng chiêng, thường là chiêng arap, nổi lên để mời gọi và đón tiếp thần linh cũng như những người tham dự và hoàn thành các bước chuẩn bị cho lễ hội. Trong suốt thời gian này, cồng chiêng liên tục nổi lên để khuấy động không khí.
Ngay từ sáng sớm ngày hôm sau, tất cả những người tham dự đều đã có mặt và tụ tập xung quanh cây nêu. Vị già làng của làng tổ chức, sau vài câu thần chú, cho dẫn ra một con trâu đực và cột chặt vào cây nêu với một sợi dây thật chắc được làm bằng vỏ cây rừng. Tiếng cồng chiêng lúc này ngừng lại để nhường lời cho vị già làng, chủ tế buổi lễ, phát biểu vài lời. Sau đó cồng chiêng lại tiếp tục nổi lên với một nhịp độ nhanh hơn và thúc giục hơn cho thanh niên thiếu nữ sẽ cùng vào nhảy múa theo điệu nhạc.
Trong suốt ngày và đêm nay, mọi người sẽ nhảy múa theo tiếng chiêng. Ngoài ra còn có các hoạt động thi thố tài năng bằng đấu vật, đánh roi… để tranh giành bùa do già làng (pô khua) tặng. Và đặc biệt là các chiến binh ra nhảy múa, diễn lại cảnh đánh nhau và chiến thắng để khơi dậy dũng khí trong lòng mọi người tham dự. Tất cả mọi hoạt động đều được diễn ra xung quanh cây nêu có con trâu – vật tế lễ đã được buộc chặt.
Buổi chiều ngày thứ 3, một thanh niên được tuyển chọn, lực lưỡng, tay cầm giáo nhọn tiến gần lại bên con vật trong khi vẫn nhảy múa theo điệu nhạc. Giây phút linh thiêng đến, chàng thanh niên sẽ giết chết con vật bằng cách đâm mũi giáo vào cạnh sườn, xuyên qua tim.
Con trâu sau khi bị giết chết sẽ được xẻ thịt để thết đãi những người tham dự. Chiếc đầu trâu được chặt đứt ra, nguyên vẹn và được đặt trang trọng trên cây nêu để dâng cho thần linh. Nếu thịt trâu không đủ, người ta còn giết thêm heo gà để mọi người cùng được ăn uống. Buổi lễ còn được tiếp tục cho đến sáng ngày hôm sau với tiếng nhạc cồng chiêng và rượu cần. Mọi người ăn thịt và uống rượu. Các món ăn truyền thống cũng được mọi người chuẩn bị trước và mang ra cùng ăn uống nhảy múa theo tiếng âm vang cồng chiêng. Lễ hội là một nét văn hóa của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên thể hiện rõ nét tinh thần dân tộc và đoàn kết của mọi thành viên trong cộng đồng.
Theo simplevietnam