(Cinet) – Người dân Trà Kiệu luôn tự hào về lịch sử mở đất của tổ tiên, chính vì thế mà hàng năm nơi đây thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động văn hoá nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền bối. Năm nay, người dân Trà Kiệu đã tổ chức Lễ hội kỷ niệm 540 năm mở đất với quy mô hoành tráng.
Lễ hội là sự kết hợp tổ chức của 5 làng: Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Nam, Trà Kiệu Trung, Trà Kiệu Tây và Trà Kiệu thượng, thể hiện tình đoàn kết lòng tự hào dân tộc về các bậc tiền bối đã có công mở cõi.
Mở đầu bằng lễ dâng hương tưởng nhớ hành trình mở cõi cách đây 540 năm của 13 bậc Tiền hiền ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, thuộc 13 dòng tộc Lê Đình, Lưu Văn, Nguyễn Hữu, Nguyễn Thành, Nguyễn Như, Nguyễn Tá, Lê Quang… theo vua Lê Thánh Tông tiến vào Nam đã dừng chân ở vùng đất Chiêm Thành.
Theo ông Nguyễn Quỳnh- một bô lão của Làng thì Lễ hội này đã có hàng trăm năm và được duy trì thường xuyên. Hàng năm, con dân của Ngũ xã dù có làm ăn xa mấy cũng bảo ban nhau về tưởng niệm tổ tiên, để rồi lại ra đi mang theo hồn phách của vùng đất, lòng tự hào về các bậc tiền nhân đã là tấm gương soi chung cho lớp lớp cháu con bao thế hệ. Ở đây dù là người theo lương hay theo giáo thì đạo với đời không tách rời nhau mà cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt xẻ bùi, đoàn kết thương yêu nhau để chung tay xây dựng quê hương, xứ sở.
Tính đến năm 1661 đã có 63 tộc phái được khắc tên trong Kim bảng – Bài vị thờ tại Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu. Ruộng đất (công điền, công thổ, tư điền, tư thổ) khoảng trên 1.525 mẫu, được ghi đầy đủ vào sổ bộ lập từ thời Gia Long, dày đến 840 trang. Năm Thành Thái thứ 18 (1905), để dễ bề cai quản về hành chính, Trà Kiệu được chia thành 5 xã nhỏ, danh xưng Ngũ xã Trà Kiệu ra đời từ đó. Trải qua thời gian, dù phân chia địa giới hành chính nhưng các lễ cúng tế tổ tiên vẫn giữ nguyên như lúc chưa chia tách.
Lễ hội diễn ra từ 22 đến 24/4 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi như hát tuồng, đá gà, bóng chuyền, bóng đá, cắm trại… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Cinet tổng hợp