Tây Nguyên có các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và một phần tỉnh Lâm Đồng, dân số tổng cộng khoảng gần 2.000.000 người, là nơi mật độ tập trung cao các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, cuộc sống của các dân tộc ở Tây Nguyên đã khá hơn trước, song, nhiều phong tục tập quán vẫn được đồng bào các dân tộc lưu giữ, trong đó có hôn nhân.
Lễ cưới MNông là một nghi lễ của người đồng bào dân tộc MNông Preh. Khi chàng trai tìm được cô gái vừa ý, chàng tặng cô gái một cái lược, một chuỗi hạt hoặc một vòng đeo tay để làm tin. Sau đó, chàng trai về thông báo với bố mẹ và xin ý kiến. Nếu đồng ý, bố mẹ chàng trai sẽ nhờ ông mối mang lễ vật đến nhà gái. Khi nhà gái bằng lòng, ông mối sẽ thay mặt nhà trai bàn bạc với nhà gái về Lễ dạm hỏi. Đến ngày đã định, nhà trai cử một người già có uy tín cùng một số trai tráng khỏe mạnh mang lễ vật đến nhà gái. Tùy từng nơi, từng gia đình mà sính lễ khác nhau. Lễ chính gồm: một con trâu hoặc lợn, một gùi măng chua, da trâu mối, một ché rượu cần nhỏ. Nhà gái cử một vị cao tuổi nhận lễ vật rồi bày lên chiếc chiếu hoa ở giữa nhà để cúng Giàng xin làm Lễ dạm hỏi. Xong xuôi hai bên nhà trai, nhà gái mới tiến hành bàn bạc, chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới. Lễ cưới sẽ được tổ chức ba ngày liền ở nhà gái. Hôn lễ mở đầu bằng việc nhà gái đem biếu nhà trai mỗi người một bát gạo đầy, tượng trưng ý nguyện cầu mong cuộc sống họ luôn luôn no đủ. Mỗi bát gạo tương đương một ché rượu mà nhà trai tặng nhà gái. Ông mối sẽ đóng luôn vai trò người làm chủ hôn. Ông dẫn đôi uyên ương đến bên cột nhà chính. Hai người làm chứng đại diện cho hai họ cầm chiếc khăn buộc vào cột nhà. Chủ lễ cầm tay đôi vợ chồng trẻ nắm vào chiếc khăn, ý nói tình cảm hai người đã được buộc chặt, luôn gắn bó bên nhau. Sau đó chủ lễ dặn dò chú rể, cô dâu về đạo vợ chồng và trách nhiệm của mỗi người đối với cha mẹ, gia đình họ hàng. Tiếp sau đó là người làm chứng, họ xúc cho hai vợ chồng mỗi người ba muỗng cơm và cũng được đôi vợ chồng phúc đáp lại. Sau nghi thức này, ông mối đưa cần rượu để hai vợ chồng trẻ uống đầu tiên mở màn cho lễ uống rượu mừng ngày cưới. Những ché rượu được cột sẵn ở Cột buộc ché rượu theo hàng dọc giữa nhà. Mọi người cùng uống rượu, ca hát, nhảy múa theo nhịp cồng chiêng rộn rã suốt ngày đêm. Những người đến dự đám cưới mang theo rượu, thuốc lá, gạo nếp .. góp vào ngày vui của gia chủ. Còn có lễ rước rể vào ngày hôm sau. Cưới xong đôi vợ chồng trẻ phải ở trong nhà bảy ngày, không được ra khỏi nhà tránh gặp mặt người lạ. Hết thời gian kiêng cữ, họ trở về nhà trai bảy ngày, sau đó về bên nhà gái ở trọn đời.
Sau lễ ăn hỏi, người Êđê thường có tục “gửi dâu”, họ hàng nhà gái dẫn cháu gái đến nhà chồng chưa cưới ở như con trong gia đình. Thời gian “gửi dâu” càng lâu thì sính lễ nhà gái phải nộp cho nhà trai càng giảm. Đám cưới thường được tổ chức vào cuối năm, lúc rỗi rãi và no đủ.
Lễ đính ước của người Gia rai được tổ chức qua bữa tiệc rượu cần ở nhà gái. Hôm đó, đôi trai gái cùng vít cần rượu uống chung. Sau đấy trao đổi vòng đeo tay cho nhau biểu hiện sự cam kết thuỷ chung. Tiếp theo là “đoán số phận qua giấc mơ lành, dữ”. Trong đêm tân hôn, nếu đôi vợ chồng thấy giấc mơ xấu thì lập tức phải đến nhờ ông mối cầu thần linh cho chung sống trong một năm để hoãn mộng. Đúng vào hẹn đó, nếu vợ chồng vẫn gặp mộng xấu, có thể phải bỏ nhau.
Trong đám cưới của người Cà dong có tổ chức lễ ăn thề không bỏ nhau của đôi vợ chồng. Hai vợ chồng trao cho nhau 9 miếng trầu, 9 miếng cau, ý chúc nhau sức khỏe và xum họp mãi mãi. Tiếp đó chồng trao cho vợ chuỗi cườm, và ngược lại, vợ trao cho chồng vòng đồng. Cặp vợ chồng trẻ còn lấy cơm nắm bôi lên đầu nhau, ý muốn hồn hai người nhập vào nhau, và bôi máu gà lên trán, ý muốn xua đuổi hồn dữ ra khỏi thể xác.
Với người Mạ, trong ngày cưới, quan trọng nhất là khi đưa cô dâu về nhà chồng, cô dâu trên vai mang theo gùi hạnh phúc đến cho nhà trai; cùng đi có chú rể, tóc giắt lông chim Rling và đông đảo bà con, họ hàng nhà gái. Khi đến cổng nhà chú rể, đoàn nhà gái dừng lại, dàn chiên tấu lên một điệu chiêng vui. Lúc đó nhà trai cũng vui vẻ trả lời bằng một điệu chiêng. Khi tiếng chiêng chào hỏi vừa dứt, người mẹ chú rể nhanh nhẹn ra đón con dâu và dắt cô dâu vào nhà, hướng dẫn cho cô dâu để gùi củi trong góc bếp của gia đình. Sau đó bà mẹ ra lại cổng dắt cô dâu, chú rể cùng họ hàng nhà gái vào nhà chào họ hàng rồi tập trung trước bàn thờ tổ tiên, đại diện nhà trai, già làng khui chóe rượu cần, cắt tiết một con gà để làm lễ cầu Giàng. Tiếp đó, già làng làm tượng trưng bôi tiết gà lên bàn thờ, trán cô dâu, chú rể, vẩy bột nghệ, bột tấm gạo chúc phúc cho cô dâu, chú rể và mọi người mong ai cũng được hạnh phúc, làm ăn thịnh vượng. Sau đó, người cậu thay mặt cho bố mẹ chú rể lần lượt đưa cho chú rể nắm cơm kèm theo một chén rượu để uống một nửa rồi lại đưa cho cô dâu uống một nửa, thay lời hứa hẹn sung sướng cùng hưởng, khó khăn cùng chia sẻ với sự chứng kiến của đông đảo dân làng, nghi lễ này được lặp lại 6 lần. Lễ trao vòng được thực hiện. Sau lễ trao vòng, đại diện nhà trai trân trọng gửi tặng đại diện nhà gái một tấm choàng đẹp và nhiều vòng đeo hạt cườm, đồng thời người cậu hướng dẫn để cô dâu, chú rể quì gối, đối mặt với nhau, bố và mẹ chú rể cùng đắp lên người họ một tấm chăn, đại diện hai họ nhẹ nhàng đẩy hai mái đầu cụm lại 7 lần, tượng trưng cho tình yêu mãi đẹp và luôn tâm đầu hợp ý.
Người Giê Triêng quan niệm lễ cưới được tổ chức bất ngờ bao nhiêu thì đôi vợ chồng trẻ càng hạnh phúc bấy nhiêu. Hôm cưới, người ta làm lễ hợp cẩn, đôi trai gái trao nắm cơm với ít gan gà cho nhau ăn, tiếp đó uống rượu chung. Có nơi, trong buổi lễ này, người ta đánh chiêng tập hợp dân làng, bắt đôi nam nữ nằm trên chõng tre để giữa nhà, cùng đắp chung tấm chăn. Lại có nơi, người chủ trì buổi lễ dứt mấy sợi tóc của đôi trai gái bỏ lẫn lên đầu nhau với ngụ ý hợp hai hồn của họ làm một.
Trong đám cưới của người Ê-đê có tục “té nước” vào chú rể như tục “mở cửa nhà” ở người Thái. Khi rước rể về nhà vợ, bạn bè của chàng rể chạy trước đón đường té nước vào người cô dâu chú rể, mỗi lần như vậy nhà gái phải nộp cho họ một số lễ vật. Người Ê đê cho rằng, đám cưới nào có nhiều người chặn đường té nước thì đôi trai gái sau này cuộc sống sẽ hạnh phúc và khi chết sẽ có nhiều người thương, kẻ khóc.
Tuy cách thức tiến hành lễ cưới của mỗi dân tộc có khác nhau, song, mỗi nghi lễ, cách thức đều gắn với quan niệm là làm tất cả để cho đôi vợ chồng được hạnh phúc mãi mãi, đó là nét văn hóa đẹp cần được lưu giữ.
Theo hoidisan.vn