Khai mạc lễ hội ánh sáng ở Nepal

Tihar – lễ hội lớn thứ hai ở Nepal, được ví như Tết Nguyên đán của Việt Nam hay Lễ Giáng Sinh của phương Tây, chính thức bắt đầu hôm nay, 25/10.

Lễ hội Ánh sáng là lễ hội lớn nhất trong năm của người Hindu. Ở Nepal, một trong những đất nước có nhiều lễ hội nhất thế giới (khoảng 120 lễ hội trong năm), Tihar là lễ hội lớn thứ hai sau Dashain, diễn ra vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 dương lịch. Được ví như Tết Nguyên đán của người Việt Nam, Trung Quốc, hay Lễ Giáng sinh của người phương Tây, lễ hội ánh sáng Tihar là sự kết hợp các nghi lễ tôn giáo đa dạng, phức tạp.

Tihar thường kéo dài trong năm ngày. Tuy nhiên năm nay, lễ hội sẽ chỉ được tổ chức trong bốn ngày, do phụ thuộc vào vị trí của mặt trăng và cách tính theo lịch âm.

Ngày đầu tiên của lễ hội, ngày “Kaag Tihar”, là ngày tôn vinh Quạ. Chuyên gia văn hóa Dirgha Raj Prasain nói: “Trong ngày này, người ta thờ Quạ bằng cách cung cấp thức ăn cho chúng. Quạ thường được coi như một loài mang đến điềm xấu, do đó mọi người phải cố gắng làm nó vui vẻ để tránh những điều không may”.

Ngày thứ hai, được gọi là “Kukur Tihar”, người ta tôn vinh Chó. Loài chó được tin là người canh cổng địa ngục, cũng giống như cách chúng bảo vệ ngôi nhà của chúng ta. Vì vậy, chúng được tôn kính vì có lòng trung thành. Đây có thể coi là ngày dành cho loài chó. Mọi chú chó đều được đối xử ân cần, được cho ăn ngon và quàng những vòng hoa đẹp”

Theo lịch âm năm nay, hai ngày đầu tiên của lễ hội Tihar rơi vào cùng một ngày.

Tới ngày thứ ba, nghi lễ thờ cúng được chia thành hai phần. Buổi sáng là lễ thờ Bò, loài vật linh thiêng theo niềm tin của Hindu giáo.

Theo chuyên gia Prasain, bò giữ một vị trí cao trong Hindu giáo, được coi như bà mẹ của muôn dân vì nó cung cấp sữa cho tất cả mọi người. Nước tiểu của bò được sử dụng trong tất cả các nghi lễ thanh tẩy của người Hindu và người dân nông thôn cũng sử dụng nước tiểu bò để lau sạch sàn nhà.

Buổi tối thứ ba của lễ hội Tihar là ngày không có mặt trăng, người ta tôn thờ nữ thần Laskmi, nữ thần của sắc đẹp, thịnh vượng và may mắn. Ánh sáng được thắp lên khắp nơi, trong nhà, ngoài ngõ, để mỗi góc trong ngôi nhà đều tràn ngập ánh sáng. Mọi người chào đón nữ thần, cầu xin sự giàu có và thịnh vượng. Người ta tin rằng Nữ thần sẽ vào nhà của mỗi người và ban cho họ sự giàu có. Do đó, những ngôi nhà sạch sẽ, sẽ được đón nữ thần đến thăm.

Ngày thứ tư của lễ hội Tihar có một chút khác biệt. Người dân sẽ tiến hành nghi lễ thờ “Guru Puja” (thờ Thần Bò). Họ sẽ thực hiện lễ “Govardhan Puja”, mà theo đó, phân bò được đắp thành một ụ và người ta sẽ thờ cúng trên đó. Nghi lễ này xuất phát từ một huyền thoại Hindu nổi tiếng, kể về việc chúa tể Krishna đánh bại Inđra, nâng cả ngọn đồi Govardhan cứu nhân dân và những con bò của mình khỏi mưa và lũ lụt”.

Theo lịch truyền thống của người Newar thì đây là ngày khởi đầu của một năm mới. Cộng đồng Newar gọi ngày này là ngày “Mha Puja” (ngày tự tôn sùng bản thân). Họ sẽ chuẩn bị một bữa tiệc lớn để ăn mừng, với thật nhiều món ngon.

Ngày thứ năm, “Bhai Tika” là ngày anh chị em trong gia đình gặp gỡ nhau, bày tỏ sự quan tâm và thể hiện tình cảm với nhau. Chị em vốn tôn thờ anh em trai của mình trong suốt cuộc đời họ. Họ thường xuyên làm những món ăn mà anh em mình thích. Để đáp lại, trong ngày này, anh em sẽ tặng cho những người phụ nữ của mình những món quà để tôn vinh họ.

Lễ hội Tihar ở Nepal vẫn được biết đến với những cái tên khác như Dipawali hay Diwali ở Ấn Độ và các nước Hindu giáo khác trên thế giới.

Theo Xinhuanet