26/03/2010 3:27 CH Ảnh: Internet
(Cinet) – Câu chuyện tình chàng Đồng tử – công chúa Tiên Dung trên dòng sông Hồng đã trở thành thiên tình sử, vì lẽ đó mà từ sáng sớm ngày 25/3/2010, hàng nghìn người đã có mặt tại Đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) để tham dự Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung.
Xuất phát từ thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, với các nghi lễ truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, đoàn rước kiệu dọc theo con đường đê để tới Đền Đa Hòa. Trên quãng đường rước chừng 4 km, đoàn đi qua 8 thôn và mỗi thôn lại có một đoàn rước kiệu riêng nhập vào đoàn chính tạo nên một không khí vô cùng náo nhiệt.
Đến bờ sông, các kiệu, nghi trượng để cả trên bờ. Chỉ có đôi rồng và chiếc kiệu khiêng bình nước được mang xuống thuyền. Việc lấy nước là một việc được người dân trong vùng rất coi trọng. Người ta quan niệm năm nào việc lấy nước thuận lợi, không gặp trục trặc gì thì năm đó dân trong vùng sẽ làm ăn thuận lợi. Bởi vậy người coi việc lấy nước là hai cụ cao niên có uy tín trong làng, còn những người khiêng kiệu là 8 cô thanh nữ trong trang phục thướt tha, lịch thiệp.
Nước lấy xong, đám rước quay trở lại đền với đôi rồng dẫn đầu. Chỉ đến khi bình nước được đem thờ trong đền thì ban tổ chức mới được bắt đầu khai mạc hội.
Những người cao tuổi ở đây nói việc rước nước không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc mà còn thể hiện nét tín ngưỡng sâu sắc. Nó nhằm tưởng nhớ về thánh Chử Đồng Tử với nghề đánh cá thường xuôi ngược trên sông.
Có thể nói đây là một lễ hội có số lượng người người tham dự đoàn rước thuộc hàng đông nhất nhì trong cả nước. Không kể những người dân và du khách đổ ra hai bên đường, đoàn rước khi tập hợp đủ 9 thôn của 2 huyện Văn Giang và Khoái Châu đã lên tới hơn 1.200 người. Chiều dài đoàn rước tính từ đầu cho đến cuối đoàn có chiều dài hơn 1 km.
Khi đoàn đầu tiên vào được giữa sân đền để tập kết thì phải mất hơn nửa giờ đồng hồ sau đoàn cuối cùng mới đi vào được đến trong sân.
Có một điều đặc biệt là mặc dù với số lượng người lớn nhưng lễ hội được diễn ra rất trật tự. Các bô lão trong làng luôn cầm loa nhắc nhở con cháu và đặc biệt là những người trong đoàn rước của làng mình phải nâng cao ý thức trong lễ hội để làm gương. Đây quả là một nét mới trong việc tổ chức lễ hội hiện nay.
Sau khi Khai hội, chiều 25/3 cho đến hết ngày 27/3/2010, Lễ hội tiếp tục với nhiều trò chơi dân gian: đánh cờ, đánh đu, rước nước trên sông Hồng…
Cinet tổng hợp