Hà nội : Sôi động lễ hội Gióng làng Phù Đổng

23/05/2010 11:54 SA

(Cinet) – Để tưởng nhớ Thánh Gióng người anh hùng huyền thoại được tôn vinh trong “Tứ Thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ngày 22/5 (tức mùng 9/4 âm lịch Canh Dần), tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã tổ chức lễ hội Gióng đền Phủ Đổng.

Lễ hội mở đầu với lễ tế thánh, lễ rước cờ từ đền Mẫu về đền Thượng với sự tham gia của hàng trăm người dân, thể hiện sức mạnh của đội quân Thánh Gióng. Một trong những nghi thức tâm linh trong hội Gióng làng Phù Đổng là nghi thức tắm Phật. Trước khi tắm Phật phải gột sạch bụi trần bằng việc rửa mặt, rửa tay bằng nước thánh ngâm hoa hồng.

Không giống như các lễ hội khác, màn lễ rước thường diễn ra vào sáng sớm, ở hội Gióng, màn lễ rước diễn ra vào giữa trưa chính ngọ, khi ngựa ông Gióng xuất hiện và được các thanh niên trai tráng kéo ra, màn tái hiện những lần ra trận diệt giặc Ân bắt đầu

Hai hội trận ở bãi Đống Đàm và Soi Bia. Cả hai hội trận tập trung tái hiện hình ảnh uy lẫm của đội quân Thánh Gióng xuất quân đánh giặc Ân và giành chiến thắng. Đi đầu là phường Áo đỏ mặc áo dài sặc sỡ, tay cầm roi mây, hai ông hiệu Tiểu cổ và phường Áo đen mang cờ ngũ hành, cờ phướn nối tiếp. Kế đó là ông Hổ dẫn đầu phường ca vũ Ải Lao, rồi đến các ông hiệu Chiêng, hiệu Trống, hiệu Trung Quân.

Ông hiệu Cờ vác cờ lệnh đi sau cùng đội quân Phù giá tháp tùng xe Long mã là một ngựa trắng cỡ lớn, có đủ yên cương, bành, giáp, nhạc đặt trên khung xe có 4 bánh gỗ và dây kéo dài. Xe Long mã là biểu tượng linh thiêng nhất của lễ hội, tượng trưng cho Thánh Gióng trên đường ra trận. Khi tới trận địa, đại quân của Thánh Gióng giao chiến với quân giặc được hình tượng hóa qua ba màn múa “đánh cờ” hết sức độc đáo của ông hiệu Cờ.

Màn “đánh cờ” thứ ba kết thúc cũng đồng nghĩa quân ta đã thắng lợi, các tướng giặc rời kiệu xin hàng. Đội quân Thánh Gióng trở về đền Thượng mở tiệc khao quân, mừng chiến thắng.
Ngoài các nghi lễ truyền thống, Hội Gióng làng Phù Đổng năm nay còn có chương trình văn nghệ đặc sắc do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương và Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn cùng nhiều trò chơi và hoạt động thể thao hấp dẫn khác. Đặc biệt cờ tướng là trò chơi thể hiện trí tuệ và nghệ thuật dùng binh của người xưa cũng là trò chơi xuất hiện trong hội Gióng.

Theo tương truyền, xã Phù Đổng là quê hương sinh ra người anh hùng và hiện nơi đây có đền Thượng thờ phụng Thánh Gióng. Đền Gióng (còn gọi là đền Thượng) vừa to vừa đẹp, tương truyền vua Lý Thái Tổ cho dựng trên nền nhà cũ của ông Gióng từ khi nhà vua dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Đền còn lưu giữ được nhiều kiến trúc của thời Lê Trung hưng như: chính điện, bái đường, nhà thiên hương, thủy đình. Tượng Thánh Gióng khá lớn đặt trong chính điện, ngồi giữa hai dãy tượng 6 quan văn, võ, 2 người hầu cận đứng, 4 viên cận vệ và 2 phỗng quỳ. Hiện vật đáng chú ý ở đền Thượng là đôi rồng đá cách điệu làm bậc thềm với nét chạm khỏe, phóng khoáng, đôi sư tử đá tạc từ thời Lê Dụ Tông, cỗ ngai thờ thời Lê, đôi chóe sứ cổ…

Diễn ra trong bối cảnh Thủ đô và cả nước hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và hồ sơ Hội Gióng đang được đề cử UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Hội Gióng đền Phù Đổng năm nay được thành phố Hà Nội và huyện Gia Lâm đầu tư tổ chức với quy mô lớn hơn mọi năm./.

Cinet