02/03/2010 10:23 CH Các cụ cao niên chuẩn bị tiến hành tế lễ. Ảnh: Internet (Cinet) – Nhiều người tin rằng, khi có được “ấn vua ban” sẽ được vạn sự như ý. Chính vì niềm tin này, lễ khai ấn đền Trần luôn thu hút đông đảo người dân tham dự. Năm nào cũng vậy, đêm 14/1 âm lịch Đền Trần lại tổ chức lễ khai ấn. Đây là thời điểm khách thập phương đổ về cầu lộc, cầu tài. Năm nay lễ hội diễn ra quy mô hơn và hoành tráng hơn mọi năm.
Khác với các năm trước, năm nay lễ khai ấn Đền Trần chỉ phát hành một loại ấn in trên vải (những năm trước có thêm loại ấn in trên giấy). Do vào ngày cuối tuần (thứ Bảy) nên lượng khách năm nay gia tăng đột biến. Ngay từ chập tối, các con đường nằm xung quanh khu vực Đền Trần như: đường QL 10, đường Trần Thừa đã chật cứng người. Dòng người mỗi lúc đổ về một đông.
Đúng 22 giờ, lễ Khai ấn bắt đầu với nghi thức rước ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. Đến 23 giờ, 14 cụ cao niên ở địa phương tiến hành tế lễ khai ấn trong cung Thiên Trường. Sau đó, ấn được đóng để phát cho 9 đình, chùa thờ các danh nhân nhà Trần. 23h, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đóng những dấu ấn đầu tiên tiến hành lễ khai ấn. Từ 23h30′, Ban quản lý di tích bắt đầu mở cửa để khách vào lễ đầu năm và xin ấn.
Ông Phùng Văn Đồng- Phó Trưởng ban quản lý di tích Đền Trần chùa Tháp cho biết, do năm nay hạn đặt xin ấn trước kết thúc sớm, khách thập phương muốn xin được ấn phải chờ đến lễ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng âm lịch này nên lượng khách về dự lễ đã tăng lên đột biến.
Mặc dù lượng khách tăng gấp 1,5 lần so với năm 2009 với gần 20 vạn người nhưng lễ khai ấn năm nay diễn ra trong trật tự, không xảy ra hiện tượng chen lấn xô đẩy, tắc nghẽn giao thông. Để bảo vệ lễ khai ấn diễn ra trong trật tự, làm vừa lòng khách thập phương, Công an tỉnh Nam Định đã huy động trên 2.000 cảnh sát cho công tác bảo vệ và duy trì an ninh trật tự cũng như phân luồng giao thông.
Dưới thời Trần, Khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy chính quyền. Tục truyền, hàng năm các vua nhà Trần mở lễ khai ấn đầu năm để thưởng công, phong tước… Sau này, người dân nơi đây tiếp tục duy trì mỹ tục này để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc.
Ngày nay, nhân dân đến dự lễ Khai ấn ngoài tâm thức hướng về cội nguồn còn có yếu tố tâm linh, muốn xin được “ấn tín Vua ban” để cầu cho một năm an lành, may mắn và hạnh phúc nên lễ Khai ấn đền Trần ngày càng thu hút đông du khách.
Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức với quy mô lớn nhằm tôn vinh giá trị lịch sử của địa danh được coi là kho lương thời Trần, hướng tới lễ kỷ niệm 710 năm ngày mất của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội./.
Cinet tổng hợp